SINH và TỬ & THỂ SINH LỰC

Sinh và Tử

 

Th Sinh Lc

 

Tiếp tục loạt bài về thể sinh lực (thể phách - vital body, etheric body), kỳ này ta nói về sự thành hình của thể trong lúc tạo thai, sự tan rã khi thể xác chết đi và vai trò của thể trong các bệnh tâm thần.

 1. Tiến Trình Nhập Thế - Thụ Thai.

Đúng ra đây là tiến trình nhập thể xác trong việc luân hồi, là lúc linh hồn con người khoác lấy thể xác và tái sinh. Con đường nhập thế có giai đoạn chuẩn bị ở những cõi tâm linh trước khi việc diễn ra ở cõi trần, trong bài này là quan sát bằng thông nhãn chỉ giới hạn vào cõi trần gồm thể sinh lực và thể xác, và những gợi ý có tính cách biểu tượng mà thôi.
Thiên thần có can dự chặt chẽ vào việc tạo các thể khi tái sinh nên ta cần nói sơ qua về các ngài. Tổng quát thì thiên thần được chia làm hai cấp, Thiên thần Vô Sắc Tướng làm việc ở cõi tinh thần vô sắc tướng (arupa) tức từ cõi thượng trí đi lên, và Thiên thần Sắc Tướng sinh hoạt ở cõi sắc tướng (rupa) từ cõi hạ trí trở xuống. Dưới các ngài là hàng ngũ tinh linh như chú lùn, tiên nữ v.v. Có vẻ như thiên thần làm việc chính yếu qua các di truyền thể (gene) theo một mẫu định trước, tựa như người thợ xây cất làm theo đồ án của kiến trúc sư. Ta có thể nói rằng thiên thần nắm giữ sơ đồ linh động của cuộc tiến hóa trong thiên nhiên, và là tác nhân của việc thực hiện chúng, tựa như người xây cất và những thợ phụ (tinh linh) làm theo chỉ dẫn của kiến trúc sư.
Con người không đứng riêng rẽ mà là một phần trong vạn vật trên địa cầu, và điều chi áp dụng cho những loài thấp hơn người thì cũng áp dụng cho người, tuy nhiên có một điểm khác biệt lớn lao là khi tái sinh mỗi chúng ta mang theo cá tính, sự độc đáo của mình. Mỗi con người là Chân Thần tái sinh để làm cho cá tính tiềm ẩn được thành và biểu hiện rõ. Cá tính ấy có thể bị chìm khuất và tiềm ẩn trong nhiều kiếp, như nơi những ai thuộc giống dân sơ khai hiện vẫn còn trên thế giới, mà nó cũng có thể đã phát triển rất đáng kể với các đặc tính riêng, như thấy nơi các nhân vật nổi bật.
Mỗi người  vì vậy có tính chất là của riêng họ mà thôi, và tính chất ấy phát triển theo cách của nó nhất quán ngay từ thuở ban đầu. Đây là điểm chính yếu, và là căn bản cho trọn những gì khác theo sau trong việc thai nhi thành hình, và nói rộng ra là kiếp người. Để có được chìa khóa cho cuộc sống dưới trần, ta cần ý thức là Chân Thần không ngừng nỗ lực thể hiện nó trọn vẹn trong không gian và thời gian, bằng cách tái sinh nơi cõi vật chất. Nó cố gắng làm vang lên cái nốt riêng biệt và độc đáo của mình trong vũ trụ, mà ban đầu bị vũ trụ này làm át giọng và biến đổi nốt ấy, tạo nên lạc điệu lẫn sự bất hòa.
Dần dần nhờ hiểu biết, Chân Thần vượt qua được những gì có vẻ như là trở ngại trong thiên nhiên, cái nốt riêng biệt ngày càng nổi trội hơn, và gợi nên những nốt phụ trong cõi vật chất của phàm ngã. Theo cách ấy, nốt đơn ban đầu của Chân Thần được phong phú, trong trẻo hơn và người tiến hóa phát triển nhiều có thể được xem như là làm vang lên một hợp âm phức tạp, là một phần căn bản của trọn tấu khúc của sự sống.
Ý niệm được nêu ra vì trong tiến trình xuống thế khoác lấy thân xác của người, có một yếu tố không thấy nơi việc tái sinh của những loài thấp hơn. Ở các loài này, thiên thần (dân gian gọi là bà mụ) điều khiển việc hợp giống của tế bào nam và nữ; tuy nhiên nơi con người, Chân Thần hay Ngã thức của nó trông coi cả ba tác nhân ấy. Ngã thức này, mạnh hay yếu,  là yếu tố thường hằng chi phối và biến đổi thể sinh lực suốt đời. Như vậy, đặc tính và loại thể sinh lực chịu tác động sâu đậm ít hay nhiều từ ngã thức của Chân Thần tái sinh, ngay từ phút ban đầu của việc trứng thụ tinh.
Có vẻ như khi việc thụ tinh xẩy ra, Chân Thần bị thu hút và có chú tâm dù chỉ một khoảnh khắc ngắn. Sự hòa hợp của noãn và tinh trùng thành hợp tử (zygote) gợi nên phản ứng và nó lập tức thành trọng tâm cho sự tái sinh của một Chân Thần riêng biệt. Sự đáp ứng này của con người tinh thần cũng do nhu cầu gợi nên đáp ứng của hàng thiên thần vô sắc tướng.
Tới điểm này, không thể nào diễn tả đầy đủ sự việc bằng từ ngữ giản dị về sinh học hay tâm linh, nên ta chỉ có thể dùng chữ có tính biểu tượng và tương tự. Vậy ta hãy xem tiến trình nhập thế theo hình học. Ta có thể tượng hình việc tạo thể xác nơi loài vật như là hình tam giác nằm phẳng trên mặt đất. Mỗi góc của tam giác tượng trưng cho một trong ba yếu tố là nam, nữ và thiên thần sắc tướng. Bào thai có hình dạng được tạo nên trong tam giác này.
Nơi con người, có thêm chiều đo thứ ba là Chân Thần ở đỉnh của hình kim tự tháp gồm ba mặt  tam giác đứng và đáy là tam giác thứ tư như tam giác ở trên. Chân Thần trên cao tỏa từ lực  xuống dưới tạo nên một vùng từ lực giữa chính nó và thể sắp thành hình. Cùng với thiên thần vô sắc tướng là một thiên thần sắc tướng, làm việc ở cõi hạ trí, trông coi diễn biến tạo hình ở cõi trần, tựa như quản đốc làm việc dưới quyền kiến trúc sư.
Quan sát bằng thông nhãn thấy là vừa khi có tác động đầu tiên của Chân Thần, thiên thần vô sắc tướng uốn cong một lằn sáng thành hình tròn nằm ngang ở cõi ether, và như thế xác định vùng ảnh hưởng. Ngài thả một sợi dây vàng óng vào giữa vùng, và đầu sợi là một đĩa quay tít có ánh sáng vàng rực chói lòa, như một mặt trời tí hon. Ấy là việc tái linh động hạt nguyên tử trường tồn (physical permanent atom) thể xác, hạt nằm tiềm ẩn giữa những lần tái sinh. Giống như Chân Thần, vị thiên thần không trực tiếp đi xuống vào vùng lực mà vẫn ở trong cõi của ngài.
Cái tâm vàng chói này khi quay tít phát ra những tia làm chuyển động vật chất trong vùng năng lực; do sự thu hút của từ lực, vùng năng lực trở thành một hình tuyệt kỹ gồm những đường lực dệt qua lại chuyển di theo tốc độ mau lẹ. Hình có tính riêng biệt và do tính chất của Chân Thần ấn định. Lần lần nó thành hình cầu ba chiều.
Người ta ghi nhận là hợp tử ban đầu không nằm trong vùng hình tròn, có thể đó là vì hợp tử thuần vật chất còn điều ta đang mô tả xẩy ra ở mức trí tuệ và tinh thần. Như thế trong một thời gian ngắn vùng năng lực nói ở trên có hình tròn nằm lơ lửng ở cảnh ether thứ nhất 'bên trên' hợp tử. Nhiều hợp tử chết ngay sau đó, nhưng vừa khi có dây từ lực nối liền nó với vùng hình tròn thì việc tạo hình bắt đầu. Nó thu hút hợp tử và vùng năng lực lại với nhau trong không gian, cho tới khi hợp tử – nay đã phân chia thành một khối nhiều tế bào – và cái nhân ở giữa của khối năng lực đang quay tít hòa vào nhau.
Chính trong diễn biến này mà vòng tròn thành hình cầu, bề mặt bên ngoài của nó hành xử như lớp da bảo vệ, một vòng bất quá (ring-pass-not) đặt giới hạn cho sự tăng trưởng của bào thai. Nay ta có một bầu tâm linh nằm trong bầu vật chất là cái nhau và những màng bao bọc, ban đầu chúng là một phần của bào thai nhưng khi sinh ra sẽ được thải bỏ.
Nói về kích thước thì vòng hình tròn ban đầu có đường kính to khoảng 2.5 cm và nằm trong thể sinh lực người mẹ ở vùng tương ứng với tử cung. Vùng năng lực có hình cầu ở vào giai đoạn những phần của nhau thành hình (màng amnion và chorion), cho ra lớp bảo vệ ở cõi ether tương ứng với các lớp màng ấy. Cho tới lúc này, phôi thai không có đặc tính riêng nào ngoại trừ đặc tính của di truyền tử, tức là mặt di truyền bên ngoài; nhưng bắt đầu từ đây có một mẫu áp đặt lên phôi thai từ bên trong tức những nhu cầu của cá nhân sắp chào đời. Có vẻ như nó là việc xóa bỏ hoặc ngăn cản vài tiềm năng của di truyền tử hơn là việc thêm các yếu tố tích cực. Bằng cách ấy, trọn vẹn tiềm năng của cá nhân không được cho phép phát triển, làm như thể một số việc được chọn để dùng trong kiếp sắp tới đây, và một số khác không được cho phép phát triển. Cơ chế này tượng trưng cho sự làm việc khôn ngoan của karma về mặt sinh lý.
Điều này giải thích vì sao có người sinh vào dòng họ có bệnh di truyền hoặc bẩm sinh, hoặc thừa hưởng tính chất của thể xác mà họ có thể thích hay không thích. Sự việc sinh ra do tác động của hạt nguyên tử trường tồn của ba thể, là những điểm chú tâm của Chân Thần trong các cõi vật chất. Tuy nhiên việc giới hạn hoạt động của vùng sinh lực ở cõi ether trong khi tạo hình chính yếu là do sự can thiệp của thiên thần, tác nhân của các vị thần nhân quả.
Tới giai đoạn này, hợp tử đã nằm sâu trong vách của tử cung. Nó được mang tới vị trí này không những do cơ chế sinh lý mà còn do sức thu hút bằng từ lực của vùng sinh lực hình tròn, và giờ bước sang giai đoạn hai khi hợp tử tăng trưởng thành vận cụ cho Chân Thần con người sử dụng.

2. Thành Hình và Sinh Ra.

Trong những tháng tiếp theo, thiên thần sắc tướng và các tinh linh  tạo thể sinh lực mà theo đó bào thai phát triển. Linh hồn lúc này còn lửng lơ ở cõi của nó bên trên thai đang lớn, chưa thực sự liên kết với thể xác và có thể cũng chưa hoàn toàn có ý thức về thể. Dầu vậy thiên thần vô sắc tướng làm ổn định dây liên kết, vào tới giữa kỳ thai nghén, khi thai bắt đầu máy động thì linh hồn cũng bắt đầu chú ý đến việc đang xẩy ra trong thể mà nó sắp khoác vào.
Có vẻ như nay thể xác 'nặng' đủ sức kéo xuống làm linh hồn cảm nhận sự trì kéo, và bắt buộc phải hướng xuống dưới để tâm đến sự việc. Vào lúc này, có một tia năng lực mới chiếu vào vùng năng lực của phôi thai, đây là sự phóng chiếu trực tiếp đầu tiên của Chân Thần vào thể xác đang tăng trưởng. Có thể là việc sinh động đột ngột này làm người mẹ nhận biết có thai nhi sống động trong lòng, và cũng là lúc có sự chú tâm đặc biệt của linh hồn vào thai nhi. Tuy vậy, giống như bóng đèn điện có thể chiếu sáng hơn trong phút chốc khi ta mới bật đèn và tăng điện thế, nhưng bóng sẽ hư hại nếu mức tăng này được duy trì lâu, nên linh hồn lại rút lui mà không hoàn toàn mất liên lạc với thể trong thời gian tiếp theo sau đó.
Trong những tháng tiếp theo, sự liên hệ giữa thể sinh lực của mẹ và của thai nhi hiển nhiên hết sức chặt chẽ, tuy mỗi bên là một thực thể riêng biệt. Hai thể có sự trao đổi duy nhất và trực tiếp, tương tự như giữa thể xác của mẹ và thai nhi qua màng nhau. Người mẹ có hệ thống máu huyết riêng của mình, thai nhi có riêng của em và không có sự hòa lẫn của hai hệ thống, tuy có trao đổi chất bổ dưỡng và chất thải qua màng nhau; thể sinh lực của mỗi người cũng sinh hoạt theo cách tương tự.
Theo đó, giống như độc chất và ma túy trong máu người mẹ có thể ảnh hưởng bào thai thì tình cảm và sinh lực của bà cũng có tác động y hệt. Nếu bà không muốn có em bé, không hạnh phúc hoặc lo sợ, những cảm xúc này ảnh hưởng  thể sinh lực của bà và cho ra phản ứng dây chuyền lên thể sinh lực của thai nhi. Tương tự, chấn thương thể xác người mẹ có thể làm hại bào thai thì chấn động tâm lý cũng gây phản ứng nơi thai, tới mức có thể ảnh hưởng sự phát triển thật sự của mô.
Vì vậy ngay từ đầu, những yếu tố sau chi phối sự phát triển của bào thai:
– Nhân quả, cho ra chọn lọc cách tạo hình, dựa vào yếu tố di truyền trong di truyền tử và cho ra thể sinh lực cùng thể xác, cùng ấn định các đường nét của cơ thể, hình dạng bề ngoài nói chung, việc dễ cảm nhận ra sao với bệnh tật, tính chất của hệ thần kinh v.v.
– Tình trạng thể chất, tâm linh và tinh thần của người mẹ, thấy qua thể sinh lực của bà và ảnh hưởng của trọn các điều này vào thể của thai nhi.
– Thêm vào đó ta phải kể đến ảnh hưởng tâm linh trực tiếp của tư tưởng và cảm xúc của người mẹ ở mức cao hơn cõi trần.
Ảnh hưởng của người cha thường không quan trọng bằng, nó chỉ tác động ngay cho thai nhi qua di truyền tử.
Hai yếu tố đầu tượng trưng cho trọn nhận quả của người sắp tái sinh, chúng là nguyên nhân của tính chất thuộc thể sinh lực và do vậy cũng là tính chất của thể xác. Nói cho sát thì chúng là đồ án của kiến trúc sư được nhà thầu và thợ xây cất thực hiện, ở đây thì đó là tinh linh làm việc dưới sự trông coi của một thiên thần sắc tướng.
Khi chào đời, cả màng nhau và lớp màng sinh lực ngăn không cho có tiếp xúc trực tiếp giữa bào thai với thế giới bên ngoài, được thải bỏ; vì vậy hài nhi lần đầu tiên trơ trụi không được che chở về cả nghĩa vật chất lẫn tâm linh. Việc tiếp xúc với ánh sáng và không khí làm tăng sức căng của thể sinh lực, khiến nó co lại và lập tức có hình dạng rõ ràng hơn quanh thể xác.

3. Thể Sinh Lực.
Mô tả thông thường hay có về thể sinh lực là khối sương mầu bạc tỏa rộng khỏi cơ thể 5 cm hay hơn, mờ nhạt, không có phân biệt gì rõ rệt. Khi nhìn kỹ hơn thì có vẻ như bên trên lớp da là một lớp dầy gần 2 cm sậm mầu và tĩnh lặng, kế đó là một lớp sáng hơn và dường như linh động hơn; ở đầu ngón tay thường có ghi nhận là tuôn ra nhiều giải lực.
Thực ra, nói rằng thể sinh lực hay hào quang nằm bên ngoài lớp đa thì không đúng; trên thực tế nó thấu nhập vào mỗi phần của thể xác và rồi tuôn ra ngoài, nên thân xác có thể được xem như là sự cô đọng của chất liệu đậm đặc nằm bên trong vùng hào quang. Nói rằng thể sinh lực là vùng mà trong đó cơ thể tăng trưởng thì cũng không sai, tựa như bào thai lớn dần trong tử cung, nhưng trong trường hợp này thì không giống như tử cung, thể sinh lực không rỗng mà chứa đầy phần tương ứng bằng năng lực với mỗi một cơ quan, tế bào, nguyên tử hóa học, phân tử v.v. trong cơ thể, ở nhiều mức năng lực khác nhau.
Như vậy, nếu chỉ xét riêng thể sinh lực thì nó có cơ cấu là những đường lực cố định ít nhiều và trụ hay gắn vào phần vật chất của mô, và điều quan trọng cần biết là các mô hiện hữu như ta thấy là chỉ nhờ vào thể sinh lực đằng sau chúng. Khó mà mô tả điều quan sát ở cõi tâm linh bằng ngôn ngữ cõi trần, do vậy lời mô tả chỉ chính xác phần nào và những gì nói dưới đây chỉ tương đối đúng và có tính gợi ý hơn là thực sự như thế.
Khi xem xét kỹ thì khối sương mờ có mầu như ngọc trai, nhưng khác ở điểm là mầu sắc không ngừng chuyển động và lấp lánh. Thỉnh thoảng ta thấy có những lóe mầu hồng hay xanh lục nhẹ, phập phồng, lấp lánh, có khi tựa như ruộng lúa có gió thổi thành làn sóng nhấp nhô. Phần hào quang ngoài cùng thì khác hẳn, có hình trứng với mầu sắc mạnh mẽ hơn, sáng chói hơn, làm ta gợi nhớ đến cảnh hoàng hôn với mầu sắc thay đổi mau lẹ. Một trong những lý do của sự khác biệt là chất liệu ở phần ngoài hào quang ít đậm hơn ở phần trong, tựa như không khí ít đậm đặc hơn biển và đất liền bên dưới bầu khí quyển.
Ta được cho biết là con người có nhiều thể thanh, quan sát thấy như là hào quang thể trí, thể tình cảm và thể sinh lực. Tất cả đều là năng lực ở những dạng khác nhau, và bởi các trạng thái tâm lý thường có tình cảm và tư tưởng quyện lẫn vào nhau chặt chẽ, cũng như sinh lý và tâm lý liên quan mật thiết với nhau, nói chung những lớp khác nhau của hào quang là các phần nội tại của một cấu trúc duy nhất.
Dầu vậy trong bài này, ta giới hạn việc tìm hiểu chỉ vào thể sinh lực là phần có liên hệ trực tiếp với thể xác đậm đặc. Trên thực tế hào quang này là cơ chế nối giữa thế giới vật chất bên ngoài và tâm thức bên trong của con người. Không kinh nghiệm nào từ bên trong có thể đi xuống tới não bộ vật chất mà không nhờ cầu nối này, và không tác động nào từ bên ngoài có thể vào tới trí tuệ mà không nhờ thể. Khi thể sinh lực bị tê liệt hay tan vỡ, hư hại do ma túy, thương tật và cái chết thì con người mất tri thức ở cõi trần.
Huyền bí học dạy rằng năng lực của thể sinh lực cũng có bản chất là sóng điện từ mà thanh bai hơn, và có độ dài sóng ngắn hơn. Đường lực trong thể đi theo ba chiều, thứ nhất là đi lên xuống dọc theo xương sống như là trục chính, nó sinh ra đường thứ hai đi thẳng góc với xương sống và chẩy giữa xương sống với bìa ngoài của hào quang. Phần sau là hào quang tỏa ra hay được nói tới. Hiện tượng làm sinh đường thứ ba là những đường lực cũng thẳng góc mà chẩy thành dòng liên tục quanh hào quang.
Vậy thì nói chính xác thể sinh lực là một mạng lưới chi chít, chằng chịt những đường lực tinh tế giao nhau, và huyệt đạo hay luân xa là những điểm có giao lực ở một mức nào đó, tiểu huyệt có số giao lực ít và đại huyệt có giao lực nhiều. Trọn hình ảnh có thể vẽ ra như là thỏi nam châm có vụn sắt dính vào theo các đường rõ rệt.
Trong thể xác ta có đường thần kinh ở giữa trong xương sống điều khiển trọn thân hình, hệ tuần hoàn túa đi khắp cơ thể, và chót hết là hệ bạch huyết. Ba phận sự này cũng thấy trong thể sinh lực. Đường lực dọc theo xương sống không những liên kết với tâm thức, mà cũng gián tiếp liên kết với sinh hoạt tự động của trọn hào quang. Trong thể xác, hệ tuần hoàn mang chất bổ dưỡng và dưỡng khí đến tế bào rồi mang về chất bã và thán khí để thải ra. Cũng y vậy, những đường lực tỏa ra của hào quang hấp thu sinh lực prana từ không khí bên ngoài rồi mang đi khắp thể, và thải ra chất bã. Những đường lực vòng tròn thì giống như hệ bạch huyết là hệ dự trữ chất bổ dưỡng, chúng trữ sinh lực cho trọn thể sinh lực.

Chết Non.
Việc cha mẹ nào có con chết lúc sơ sinh tưởng tượng rằng con được nuôi dưỡng và lớn lên nơi cõi tình cảm, nay tìm cách liên lạc với con trong buổi cầu hồn là chuyện vô lý, bất kể việc tái sinh có thật hay không. Sự thật có thể làm người ta không vui, nhưng chúng ta cần biết rằng trẻ nào qua đời trước khi phát triển trí năng – là lúc con người trở thành có trách nhiệm – sẽ tái sinh tức thì sau khi em bỏ xác. Bởi không có thưởng hay bị phạt gì cho hành động nào của mình, em không có lý do  để được vào cõi Devachan là nơi an lạc.
Và cũng bởi em không có trách nhiệm cho tới khi bẩy tuổi, trọn nhân quả sinh ra trong quãng đời ngắn ngủi của em sẽ trực tiếp thuộc về ai nuôi dạy và hướng dẫn trẻ. Khó mà làm cho cha mẹ chấp nhận điều này nhưng đó là cách làm việc của thiên nhiên hay sự sống.

4. Sự Tử.
Vào lúc qua đời, làm như có một tia sáng chói lóe ra từ luân xa ở đỉnh đầu, sau đó cơ thể ngưng sinh hoạt dần, tim đập chậm rồi ngừng hẳn v.v., tiến trình thay đổi lâu hay mau tùy trường hợp. Có vẻ như chuyện gì xẩy ra là diễn trình lúc tạo thai giờ đi ngược lại, nhưng nay đơn giản hơn ở điểm là thiên thần can dự ít hơn. Thiên Chúa giáo dạy rằng có Tử Thần – theo truyền thuyết là thiên thần Azrael – hiện diện phút lâm chung, nhưng sự tan rã tiếp theo đó không cần tới hoạt động thông minh như khi thai nghén, mà chỉ do các lực đơn giản hơn của hàng tinh linh. Ta có cái nhân vàng chói và quay tít thấy lúc tạo hình nay rút về, trước khi có sự phân tán chất liệu của thể xác.
Linh hồn, nay mất đi thể xác, dần dần rút lui về cõi của mình. Năng lực trong thể sinh lực dường như vẫn còn liền lạc trong một khoảng thời gian; điều này phần lớn do thói quen của tâm trí. Trong lúc sống ở cõi trần, cái trí thường đồng hóa mạnh mẽ với thể xác qua não bộ. Điều này khiến cái trí có cảm tưởng là nó chỉ thực sự có ý thức qua thể xác, và nếu con người quyến luyến nhiều với kinh nghiệm và cảm giác nơi cõi trần, hình ảnh về thể xác sẽ được duy trì lâu và có thể kéo dài một thời gian sau khi bỏ xác. Hình ảnh ấy cầm giữ lại phần thanh của thể sinh lực khi trước, và tuy thể không còn nối kết với thể xác nặng nề, nó vẫn giữ hình dạng mà nó đã quen, và có đường nét của hình trong trí.
Điều thú vị là người lớn tuổi có lòng quyến luyến sâu đậm với một khung cảnh và thông lệ nào đó, sau khi chết được thấy bằng thông nhãn là họ vẫn giữ hình thể lớn tuổi ấy. Còn ai sống động hơn và tâm hồn hăng hái hơn lại mau chóng có hình ảnh trẻ trung; có lẽ vì anh hân hoan với việc thoát khỏi thể xác bó buộc. Sao đi nữa, theo với thời gian hình ảnh có khuynh hướng phai dần.
Ấy là tại sao việc hiện hình có khuynh hướng thấy thường nhất một thời gian ngắn sau khi chết. Cái chết xẩy ra càng lâu thì việc hiện ra càng hiếm hơn, và quả thật nhiều hồn ma thấy là thuộc về lúc tương đối gần đây. Ít khi ta nghe nói là chiến sĩ Hy Lạp hoặc nghị viên La Mã hiện ra quanh quẩn một chỗ nào. Chuyện thấy thường hơn là việc hiện hình chỉ xẩy ra trong khoảng vài chục năm sau khi ai bỏ xác.
Kế nữa, đôi khi người ta có cảm giác là tiếp xúc được với thân nhân quá vãng một thời gian sau khi người sau qua đời. Sự việc có thể giải thích một phần là người đã khuất nay tự do hơn khi thoát khỏi thể xác, và do vậy có thể tiếp xúc được với ai vẫn còn nghĩ đến họ. Ta nên phân biệt rõ ràng điều này với chuyện kể là thấy người thời xưa hiện diện ở chỗ nào đó. Có vô số lời thuật của du khách đến thăm đền đài Ai Cập xưa hoặc những phế tích lâu đời khác, nói rằng họ đã thấy linh ảnh nơi đó. Những hình này nhiều phần là dựa trên thiên ảnh ký (Akasha) của chỗ ấy, hơn do sự vấn vương chưa siêu thoát của thực sự một ai hay nhóm người nào từng ở hai nơi này.
Thêm vào đó, ta cần nhớ rằng ai thấy hình bóng thân nhân đã khuất thì hình dạng ấy không đúng hẳn là họ thật sự lúc này (trong thể thanh), và nó giống nhiều hơn với hình ảnh thông thường về người đã khuất mà người sống còn giữ trong trí mình. Rất có thể chúng ta là người nghĩ rằng họ có hình dạng giống với hình dạng thể chất khi trước, hơn là chính họ vẫn còn ở trong hình thể ấy. Để rõ thêm xin đề nghị bạn đọc lại PST 48 trang 52 chuyện Hành Trình Một Linh Hồn (trên website là chương bốn của sách), Henry thấy Charles mặc quân phục trong cuộc đi chơi ở cõi tình cảm, vì tiềm thức của anh giữ hình ảnh đó về em mình. Dù trước khi gặp nhau Charles có nghĩ mình sẽ mặc gì thì Henry cũng không thấy được, trừ phi Charles nói cho anh hay. Henry sẽ chỉ thấy em mình mặc y phục mà Henry nghĩ thôi.
Nay có một thắc mắc khác đáng nói, ấy là khi ta thấy người chết hiện về thì họ có hình dạng của thể xác mà không thấy có hào quang chi. Trên lý thuyết thì chính ra họ chỉ là hào quang và có ít hình dạng vật chất. Tại sao vậy ? Rất có thể là do đa số người không quen nghĩ về hào quang, chỉ có hình ảnh về thân xác vật chất và không nghĩ có hào quang bao quanh nó. Nói chung thì dường như đó chỉ là câu hỏi về nhận thức và ngôn ngữ của sự nhận thức, và là điều phức tạp.

5. Bệnh Tâm Thần.
Sức khỏe của thể xác tùy thuộc vào việc những dòng năng lực trong thể sinh lực được cân bằng và hòa hợp đúng cách. Các dòng này tương ứng với thể xác nên sự liền lạc của mô là điều thiết yếu cho lực tuôn đi suông sẻ. Gẫy xương, dây thần kinh bị đứt và những thương tích khác của thể xác gây trở ngại hay ngăn cản phận sự của dòng lực. Cũng y vậy, những gì phá rối đường lực trôi chẩy có thể làm tế bào hư rữa, vết thương nặng hơn. Thí dụ như đường lực bị gián đoạn do tia X hay phóng xạ radium có thể làm mô trong cơ thể hư hại.
Các dòng lực thanh bai hơn có liên hệ với tâm thức, hệ thần kinh và tuyến nội tiết. Nói riêng về bệnh tâm thần, trọn thể sinh lực thường là có can dự và chuyện luôn luôn có liên quan đến luân xa, tuy khoa học tây phương chưa biết như thế. Mỗi luân xa liên kết với một cơ quan trong thân thể, và sự căng thẳng tâm thần có thể gây hư hại cho thể sinh lực, đặc biệt là các luân xa. Luân xa có nhiều vai trò, nhưng chúng là cầu nối chính yếu giữa tâm thức cõi trần và những cõi tâm linh, tinh thần cao hơn. Nếu luân xa bị hư hại thì tâm thức hoặc bị chặn đứng, hoặc tràn ngập con người không kiểm soát được, làm họ choáng ngợp.
Theo cách đó, các triệu chứng tâm thần có thể suy ra là có liên hệ với một luân xa hay nhóm luân xa nào. Lấy thí dụ sự lo lắng thái quá và những tật liên quan với nó, làm biến dạng huyệt đan điền (solar plexus), dẫn tới bệnh về đường tiêu hóa và khi trở nặng thêm ta có sự ung, loét hoặc tệ hơn. Dầu vậy, nhiều trường hợp chỉ thuộc về tâm thần như bệnh tâm thần phân liệt (schizophrenia) ít thấy có thay đổi gì về thể xác mà nằm hoàn toàn ở cõi ether. Hào quang ở đầu có vẻ như chẻ đôi, các luồng sinh lực đúng ra sẽ tuần hoàn và đan kết vào nhau ngang qua đỉnh đầu, cho ra đường viền phẳng phiu của hào quang vòng trở lại chính nó, nay tựa như dòng sông chẩy xiết bị hòn đá giữa dòng chia làm hai luồng nước khác nhau.
Hòn đá này luôn luôn là một khối cảm xúc, gồm chất liệu tình cảm sôi nổi, dồn nén, ép chặt vào một chỗ nhỏ suy nghĩ theo đường chật hẹp. Trong vài trường hợp, sự co ép diễn ra đến mức có bùng nổ và người bệnh sinh ra bạo hành. Khi khác, nơi người vô cớ lo sợ, ta không thấy có sự dồn nén nhưng vẫn có khối mặc cảm trơ trọi ở đường chẻ, với những chuỗi tư tưởng lập đi lập lại đi vòng tròn hoài không dứt, như cá lội quanh trong bồn.
Một số người có bệnh tâm thần phân liệt tỏ ra có óc sáng tạo, đó có thể là nghệ sĩ có tài năng cao độ như họa sĩ van Gogh, hoặc sáng tạo ra điều quái đản. Trong cả hai trường hợp chuyển động trong hào quang thấy có vẻ như y nhau, tuy nhiên điều sáng tạo hay hay dở tùy thuộc vào loại và mức của năng lực dùng vào việc tạo tác. Nếu năng lực đến chính yếu từ cõi tinh thần thì ta có một loại kết quả, nếu nó đến từ cõi thấp hơn thì có kết quả khác. Trong các phòng trưng bầy nghệ thuật có hiển hiện nhiều tranh và tác phẩm điêu khắc, rõ ràng do người bị tâm thần phân liệt tạo ra. Tranh như của van Gogh có đặc tính nâng cao tâm hồn và sự mỹ lệ, trong khi đó những tác phẩm khác tuy có tài nghệ và kỹ thuật ngang vậy, lại thấm đẫm năng lực thuộc tâm linh không lành mạnh, với lực cõi trần xem ra quá độ.
Dường như có hai luân xa chính can dự vào bệnh, là luân xa giữa hai chân mày và tùng thái dương (solar plexus), với những phản ứng phụ xẩy ra nơi khác. Bệnh có vẻ như là hệ quả của việc con người mạnh mẽ và liên tục từ chối không đi theo con đường tinh thần hay thiên trách – dharma của mình trong nhiều kiếp. Nơi các trường hợp như vậy, tới một lúc sự tranh chấp giữa chân ngã và phàm ngã gay gắt đến mức làm thể sinh lực bị hư hại, với chuyện có thể dễ xẩy ra hơn do đặc tính di truyền. Tranh chấp lấy hình dạng như là sự phân chia thành hai dòng lực, và sẽ còn hoài cho đến khi nào con người có nỗ lực tự cứu mình.
Nơi người có tật sợ hãi vô cớ – paranoia, nguyên nhân dường như nằm cái trí có suy nghĩ nghịch nhau, vừa cảm thấy mình có lỗi vừa cảm thấy tự cao tự đại. Bệnh có nguyên do trí não nên thay đổi chính thấy ở hào quang phần quanh đầu, và phát ra khi có điều gì đó gợi nên suy nghĩ như vậy. Tư tưởng này mạnh mẽ, tự động và làm hào quang thể sinh lực phồng ra như bong bóng, luôn luôn theo cùng thứ tự cho đến khi tư tưởng đi hết vòng thì sự việc lắng xuống, và nổi lên trở lại lần sau. Luân xa ajna giữa hai chân mày – có liên quan tới óc nhận thức – là luân xa can dự nhiều nhất, nó bị rối loạn dẫn tới việc người bệnh có nhận định sai lầm về ý nghĩa của sự việc.
Bệnh khác cũng có luân xa ajna can dự là tật bị thôi thúc ám ảnh, như phải rửa tay nhiều lần trong ngày vì nghĩ là tay không sạch. Nhưng trong khi bệnh ở phần trên có là do tranh chấp giữa tình cảm và lý trí, bệnh trong phần này mang tính thể chất thuộc bản năng như tính dục, thực phẩm, sở hữu vật chất, và luân xa chính sinh ra bệnh là luân xa nằm ở xương thiêng.
Bệnh điên loạn – hysteria nặng về tình cảm, còn lý trí là phần thứ yếu, nên huyệt đan điền - solar plexus là huyệt chính bị ảnh hưởng. Luân xa thấy co rút và tê liệt hoặc nở lớn và trống hốc không phòng vệ. Hai trạng thái này thường thay đổi cho nhau, khi lên cơn thì luân xa co giật ảnh hưởng trọn cả thể sinh lực. Phản ứng nơi thể xác là suy nhược mà không có nguyên do rõ rệt nào trong cơ thể, hoặc ở phần nào trên người.

Tham Khảo:
The Etheric Body of Man, Lawrence Bendit and Phoebe Bendit.
– Xin đọc thêm bài Thể Phách trong các số PST 56, 57 và The Miracle of Birth, G. Hodson: