CÁC NGUYÊN LÝ
Khó mà hiểu rõ và phân biệt những tính chất hay nguyên lý của con người thật, một phần vì sự phân chia và gọi tên chúng thay đổi theo các trường phái triết lý khác nhau, chia ra năm hay bẩy hay có khi chỉ ghi ba nguyên lý. Phần dưới đây tóm lược bài viết tên 'Dialogue on the Mysteries of the After Life' đăng trên tạp chí Lucifer số Jan 1889, để bạn dùng làm căn bản cho việc học hỏi và đối chiếu riêng cho mình, khi tìm hiểu về cấu tạo các phần của con người từ nhiều nguồn khác nhau. Tự bài viết là một thắc mắc khác, vì không thấy gộp trong bộ Collected Writings. Bài viết theo hình thức đối thoại giữa hai nhân vật X và M, trong đó M có thể đoán khá chắc chắn là bà Blavatsky.
X. Có vẻ như sự phân chia các nguyên lý giống như của Thiên Chúa giáo là xác thân, linh hồn và tinh thần ?
M. Giống y như nhau. Ta có thể dễ dàng xem:
– Thể xác là vận cụ cho thể sinh lực, và thể sau là vận cụ cho Lực Sống hay Prana.
– Thể tình cảm là vận cụ cho thượng trí và hạ trí. Như vậy ta có sáu nguyên lý.
– Nay trên hết thẩy là tinh thần bất tử.
Theo huyền bí học, mỗi thay đổi tính chất trong trạng thái tâm thức của ta cho con người một sắc thái mới, mà nếu nó nổi trội thành một phần của chân nhân linh hoạt và sống động, nó phải được cho một tên riêng, để phân biệt con người trong trạng thái đặc biệt ấy so với khi họ ở trong một trạng thái khác.
X. Chỉ có điều nó khó hiểu quá.
M. Đối với tôi thì ngược lại, nó rất dễ một khi bạn nắm được ý chính, nghĩa là con người hành động ở cõi này hay kia của tâm thức theo sát với tình trạng trí tuệ và tinh thần của họ. Tuy nhiên chủ nghĩa duy vật của thời đại làm cho càng giải thích thì làm như người ta càng hiểu kém đi lời ta nói. Bạn có thể phân chia người trần thành ba phần chính mà không thể giảm ít hơn nữa, vì khi đó con người trở thành thuần là con thú. Ta hãy xem nó gồm các phần sau:
– Thể xác.
– Nguyên lý cảm xúc nơi họ, là điều không cao hơn mấy bản năng nơi loài vật, và
– Linh hồn biết suy luận hay 'tinh thần', là điều khiến họ trội vô kể vượt ra ngoài và lên trên con vật.
Tất cả là ba nhóm, nếu bây giờ ta lại phân chia chúng thêm nữa theo chỉ dạy bí truyền thì sẽ được gì ?
1. Trước tiên là Tinh thần (theo nghĩa cái Tuyệt Đối và do đó là Đại Hồn vô hình) hay Atma. Bởi điều này không thể được xác định nơi chốn hay tình trạng theo triết lý, giản dị chỉ vì nó ở trong Vĩnh Cửu, và vì Đại Hồn không thể vắng mặt ngay cả trong điểm hình học hay toán học nhỏ bé nhất của vũ trụ vật chất, nói cho đúng ta không nên gọi nó là một nguyên lý 'của con người'. Đúng hơn, và tốt nhất thì ấy là điểm trong không gian siêu hình mà chân thần con người và vận cụ của nó chiếm trong một kiếp sống.
Điểm ấy là thực ra là ảo ảnh, maya, nhưng chúng ta cũng như những ai khác, là thực tại trong khoảng ảo ảnh đó gọi là cuộc đời. Để làm trí người dễ có ý niệm hơn khi mới học Huyền bí học, và để giải đáp A B C trong sự bí ẩn về con người, Huyền bí học gọi nó là nguyên lý thứ bẩy, phần tổng hợp sáu nguyên lý khác, có vận cụ là Buddhi hay Bồ Đề tâm.
2. Vậy thì, Buddhi là vận cụ cho Tinh Thần. Khi hợp lại, cả hai là một, không có tính cá nhân tư và là hai 'nguyên lý' tinh thần.
3-4. Nếu ta sang qua Manas, ai ai cũng sẽ đồng ý rằng trí thông minh của người gồm ít ra là hai phần, có nghĩa người có trí cao thượng ít khi có thể trở thành trí thấp kém; có một hố thẳm ngăn cách người có tính rất tinh thần và trí thức với người thiên về vật chất, tối tăm, ù lì nếu không phải là vẫn còn thú tính. Thế thì tại sao những ai như thế không được tượng trưng bằng hai 'nguyên lý', hay đúng hơn là hai tính chất ? Mỗi người có hai nguyên lý ấy trong lòng, cái này linh hoạt nhiều hơn cái kia và trong trường hợp hiếm hoi, một trong hai nguyên lý bị thui chột hoàn toàn, có nghĩa nó bị sức mạnh và sự ưu thắng của tính chất kia làm tê liệt trong đời người.
Chúng là hai nguyên lý của Manas (trí năng), một cái cao là thượng trí hay cái tôi tỉnh thức, có suy nghĩ, bị thu hút về Buddhi, và cái sau là nguyên lý có tính bản năng bị thu hút về Kama, là ham muốn thú tính và lòng si mê nơi con người. Như thế chúng ta có được bốn nguyên lý, ba cái còn lại gồm:
5. Thể sinh lực có tính rất mềm dẻo, là vận cụ cho
6. Nguyên lý sống, và
7. Thể xác.
Lẽ tự nhiên không sinh vật gia hay nhà sinh lý học nào sẽ chấp nhận các nguyên lý này, cũng như họ không hiểu đầu đuôi ra sao. Và có lẽ đây là lý do không ai trong các vị này ngày nay hiểu được vai trò của lá lách, là vận cụ vật chất của thể sinh lực, hay vai trò của một cơ quan nằm bên phải thân hình, là vận cụ của dục vọng nói ở trên. Cũng như họ không biết gì về tùng quả tuyến (pineal gland), được mô tả như là tuyến sừng có cát trong đó, mà đây chính thực là chìa khóa cho phần tâm thức cao nhất và thiêng liêng nhất nơi con người – cái trí toàn tri, tinh thần bao trùm vạn vật.
Khối dư thừa có vẻ như vô dụng này là quả lắc mà một khi đồng hồ của con người bên trong được lên giây, sẽ đưa viễn kiến tinh thần của chân nhân lên tới cảnh nhận thức cao nhất, nơi mà chân trời mở rộng ra trước mặt nó trở nên gần như là vô tận ...
X. Nhưng các nhà duy vật khoa học khẳng định là sau cái chết của con người không còn gì sót lại cả; rằng thân xác của ta chỉ tan rã thành những nguyên tố cấu tạo nên nó, điều mà ta gọi là linh hồn chỉ là ngã thức tạm thời, sinh ra như là phó phẩm do hành động của thân xác, và sẽ bốc lên tiêu tan như hơi nước. Tâm trí như thế có lạ lùng không ?
M. Theo tôi thấy thì không lạ lùng. Nếu họ nói rằng thân xác không còn thì ngã thức cũng biến mất theo, khi ấy trong trường hợp của họ họ chỉ thốt ra lời tiên tri mà không hay biết. Vì một khi tin tưởng mạnh mẽ vào điều mà họ khẳng định, thì không sao có được đời sống tỉnh thức sau khi chết cho họ.
X. Nhưng nếu luật chung là ngã thức của con người tồn tại sau khi chết, thì làm sao có biệt lệ ?
M. Các luật căn bản của thế giới tinh thần không hề thay đổi, nên không thể có ngoại lệ. Tuy nhiên có luật cho ai thấy, và có luật cho ai thích ở trong cảnh mù lòa.
X. Phải lắm, tôi hiểu. Đó là sự sai lầm của người mù, phủ nhận sự hiện hữu của mặt trời vì không thấy nó. Nhưng sau khi chết hẳn nhãn quan tinh thần của họ sẽ bắt buộc họ phải thấy chứ.
M. Chúng sẽ không ép buộc được họ, cũng như họ sẽ không thấy gì. Bởi khăng khăng phủ nhận có đời sống sau khi chết trong lúc sống cuộc đời này, họ sẽ không thể cảm nhận nó. Những cảm quan tinh thần của họ bị thui chột, chúng không thể phát triển sau khi qua đời, và anh tiếp tục mù lòa. Khi đòi rằng họ phải thấy, rõ ràng là bạn muốn nói một điều và tôi muốn nói điều khác.
Bạn nói về tinh thần từ Tinh thần gốc, hay tia lửa từ Khối lửa - nói ngắn gọn là Atma - và bạn lẫn lộn nó với phần hồn thấp hay Manas – Trí năng.. Bạn không hiểu ý tôi, để tôi xin làm cho rõ nghĩa. Câu hỏi của bạn là trong trường hợp của người hoàn toàn duy vật, có thể có việc mất hẳn ngã thức và cảm nhận về cái tôi chăng ? Phải vậy không ?
Tôi xin thưa, có thể lắm. Vì, do tin tưởng mạnh mẽ vào Triết lý Bí truyền của chúng tôi, điều nói rằng giai đoạn sau cái chết, hay khoảng giữa hai kiếp sống hay hai lần sinh chỉ là trạng thái thoảng qua, tôi nói rằng dù khoảng giữa hai hồi của vở kịch đời giả tạm dài một năm hay triệu năm, trạng thái sau khi chết ấy có thể chỉ giống y như là trạng thái của người trong cơn hôn mê nặng nề, mà không có chút vi phạm luật căn bản.
X. Nhưng bà mới nói rằng luật căn bản của đời sống sau khi chết không có ngoại lệ nào, làm sao sự việc có thể là như vậy?
M. Bây giờ tôi cũng không nói là luật có biệt lệ. Nhưng luật tinh thần về việc tiếp nối tư tưởng chỉ áp dụng cho những điều gì thực sự là sự thực. Ta chỉ cần hiểu bồ đề tâm Buddhi và tính song đôi của Trí năng là có được nhận thức rất rõ ràng tại sao người duy vật có thể không có ngã thức tồn tại sau khi chết. Vì phần thấp của Manas là hạ trí, là cái trí phàm trần và do vậy, chỉ có thể cho nhận thức về Vũ trụ dựa trên chứng cớ của trí ấy mà không dựa trên nhãn quan tinh thần của ta.
Trường bí giáo của chúng tôi nói rằng trên thực tại, giữa Buddhi và Manas không có khác biệt gì hơn sự khác biệt giữa cánh rừng và cây trong rừng, giữa hồ và nước trong hồ. Một hay một trăm cây chết đi vì mất sinh lực, bị bật gốc, cũng vẫn không thể ngăn khu rừng vẫn là khu rừng. Sự hủy diệt hay tình trạng sau khi chết của một phàm nhân bị rơi rụng mất trong một chuỗi dài nhiều kiếp sống, sẽ không gây nên thay đổi rất nhỏ nào cho Chân nhân, cái tôi tinh thần, và nó vẫn mãi mãi là chân nhân đó. Chỉ có điều, thay vì được hưởng cõi Devachan, nó sẽ phải tái sinh ngay lập tức.
X. Nhưng theo như tôi hiểu, Buddhi của chân nhân trong thí dụ này là cánh rừng, và cái trí của phàm nhân là cây trong rừng. Và nếu Buddhi bất tử, làm sao phần tương tự như nó là trí năng nhận ánh sáng của bồ đề tâm, có thể mất hoàn toàn tri thức cho tới ngày nó tái sinh. Tôi không hiểu.
M. Bạn không hiểu được, vì bạn lẫn lộn giữa điều tượng trưng trừu tượng của toàn khối, với sự thay đổi hình thể tự nhiên của nó, và vì bạn lẫn lộn giữa trí năng có Buddhi soi sáng, với phần trí năng chìu theo thú tính. Hãy nhớ rằng nếu nói Buddhi bất tử vô điều kiện, ta lại không thể nói như thế với trí năng, và càng không thể nói với đặc tính được Buddhi soi sáng.
Không có tâm thức nào sau khi chết hay trí năng được soi sáng nào có thể hiện hữu tách riêng với Buddhi, phần linh hồn thiêng liêng; vì phần đầu hay trí năng Manas, nói về mặt thấp của nó, là một đặc tính của phàm nhân, và phần thứ hai y hệt như phần đầu mà có thêm ánh sáng của Buddhi phản chiếu trên nó.
Nay nói về Buddhi, nó vẫn chỉ là phần tinh thần vô ngã, không có cái yếu tố mà nó mượn từ trí năng; phần vay mượn ấy ảnh hưởng Buddhi, làm cho Buddhi trong thế giới ảo ảnh này, thành như là một vật tách biệt với đại hồn trong suốt kiếp sống. Tốt hơn nên nói rằng Buddhi–Manas không thể chết hay mất ngã thức tổng hợp của nó trong Vĩnh cửu, cũng như nó có thể nhớ lại những kiếp trước mà phàm nhân và chân nhân kết hợp chặt chẽ với nhau.
Tuy nhiên chuyện không giống vậy cho người duy vật, phàm nhân họ chẳng những không nhận được gì từ chân nhân, mà còn từ chối không nhìn nhận sự hiện hữu của cái sau. Bạn khó có thể áp dụng thành ngữ này cho đặc tính của linh hồn con người; vì nó giống như nói rằng bởi linh hồn thiêng liêng của bạn bất tử do đó nét ửng hồng trên má bạn cũng phải bất tử, trong khi sắc hồng này, giống như sự chói rạng tinh thần, chỉ là hiện tượng thoảng qua.
X. Tôi hiểu lời bà nói là chúng ta chớ lẫn lộn trong trí bản chất với hiện tượng, nguyên nhân với hậu quả, phải thế không ?
M. Ấy là điều tôi muốn nói, và lập lại rằng riêng về Manas hay phàm nhân mà thôi, sự chói rạng tinh thần tự nó chỉ là vấn đề thời gian, vì đối với phàm nhân, tâm thức sau khi chết chỉ trở thành tính chất có điều kiện vì nó hoàn toàn tùy thuộc vào tình trạng và niềm tin mà con người tạo ra trong lúc sống ở cõi trần. Karma tác động không ngừng nghỉ, chúng ta gặt hái trong đời sau khi chết chỉ những hoa trái mà chính ta đã gieo, hoặc đúng ra là đã tạo tác trong lúc sống dưới trần.
X. Nhưng nếu sau khi thân xác chết đi và chân nhân của tôi có thể rơi vào tình trạng hoàn toàn vô thức, thì sự trừng phạt cho tội lỗi trong đời vừa qua của tôi là ở đâu ?
M. Triết lý của chúng tôi dạy rằng sự trừng phạt do nhân quả chỉ đến với chân nhân trong kiếp tới của nó. Sau khi chết nó chỉ nhận được phần thưởng cho những đau khổ không đáng có mà nó phải chịu đựng trong cảnh đời vừa qua. Trọn chuyện trừng phạt sau khi chết, ngay cả cho người duy vật, vì vậy chỉ là việc không có phần thưởng nào, và việc mất hoàn toàn tri thức về sự an lạc và nghỉ ngơi của mình. Karma là con của phàm nhân, là kết quả của hành động của cái tôi hiển hiện ai cũng thấy, cũng như là kết quả của tất cả tư tưởng và ngay cả động cơ của cái 'Ngã' tinh thần; nhưng Karma cũng là người mẹ dịu hiền, chữa lành vết thương mà nó đã gây nên ở đời vừa xong, trước khi nó bắt đầu hành hạ chân nhân này trở lại bằng nhân quả mới.
Nếu ta có thể nói rằng không có sự đau khổ nào trong đời người phàm, về trí tuệ hay thể chất, mà không phải là hệ quả của tội lỗi nào đó trong đời này hay đời nào trước, bởi anh không nhớ chút gì về nó trong đời hiện tại và cảm thấy mình không đáng bị trừng phạt như thế, và thành thật tin rằng anh bị đau khổ trong khi không gây ra lỗi lầm gì; tự điều này không mà thôi là đủ để cho phép phàm nhân có được an ủi hết mức, nghỉ ngơi và hưởng an lạc trong đời sau khi chết.
Cái chết đến với con người tinh thần luôn luôn là tác nhân giải tỏa và là thân hữu. Với người duy vật, cho dù có tính duy vật, họ không phải là người xấu; khoảng thời gian giữa hai kiếp sống của họ sẽ giống như giấc ngủ lặng lẽ không gián đoạn của trẻ thơ, hoặc hoàn toàn không mộng mị, hoặc có hình ảnh mà anh không có nhận thức rõ rệt. Với ai có niềm tin thì nó sẽ là giấc mơ thật sống động như cuộc đời và đầy sự an lạc và hình ảnh như thực. Với ai xấu xa độc ác, hoặc duy vật hay không, anh sẽ lập tức tái sinh và chịu địa ngục nơi cõi trần. Còn sa ngục A Tỳ là việc ngoại lệ và hiếm có.
X. Tôi thấy chuyện không rõ cho lắm và xin phép giải thích. Nói về người thức dậy khi một ngày mới bắt đầu, người ấy có cùng thân xác và phần tâm linh y như ngày hôm trước; trong khi đó mỗi lần tái sinh mới có sự thay đổi hoàn toàn không những là vóc dáng bên ngoài, phái tính và cá tính, mà ngay cả khả năng trí tuệ và tâm linh của họ. Thành ra tôi thấy việc so sánh không sát.
Người nào thức dậy sau giấc ngủ nhớ rõ ràng họ đã làm gì ngày hôm qua, hôm trước nữa, và ngay cả nhiều tháng, năm hồi trước. Thế nhưng không ai trong chúng ta nhớ được chút gì về kiếp trước hay bất cứ sự kiện, biến cố nào liên quan tới nó ... Tôi có thể quên hồi sáng là đã nằm mơ gì tối qua, nhưng tôi biết mình đã ngủ, và biết chắc chắn mình sống trong lúc ngủ; tuy nhiên tôi nhớ được chuyện gì về kiếp vừa qua ? Làm sao bà dung hòa hai chuyện này ?
M. Thế nhưng có người nhớ được kiếp trước của họ. Vị La Hán gọi đó là hiểu biết về trọn những tiền kiếp của một ai.
X. Tuy nhiên người thường như chúng ta chưa đạt tới mức ấy, làm sao mong là ta nhận thức được sự so sánh này ?
M. Bằng cách học hỏi nó và cố gắng hiểu chính xác hơn tính chất của ba trạng thái trong lúc ngủ. Ngủ là luật chung không thay đổi cho người cũng như vật, dầu vậy có ba loại giấc ngủ khác nhau, và lại còn những giấc mơ và khải thị khác nữa.
X. Đúng vậy, nhưng ta ra ngoài đề rồi. Xin trở lại với người duy vật, họ không phủ nhận giấc mơ vì khó mà làm vậy, nhưng nói chung họ bác bỏ tính bất tử và nhất là sự tồn tại của chính cá nhân họ.
M. Ít nhất người duy vật nói vậy mà đúng cho trường hợp này, vì ai không có cảm nhận trong lòng và đức tin thì không thể có sự bất tử. Nếu muốn có đời sống hữu thức trong thế giới sắp tới, trước tiên người ta phải tin vào đời ấy trong lúc còn ở dưới thế. Trọn triết lý về tâm thức sau khi chết và sự bất tử của linh hồn, được xây trên hai châm ngôn ấy của khoa học bí truyền.
Chân nhân luôn luôn nhận điều mà nó đáng được nhận. Sau khi thể xác tan rã, nó bắt đầu một giai đoạn có tri thức rõ ràng, trọn vẹn, một trạng thái của giấc mơ rối loạn, hoặc một giấc ngủ hoàn toàn không mộng mị, không thể phân biệt được với sự tịch diệt; và đó là ba trạng thái của tâm thức.
Nhà sinh lý học thấy nguyên do của giấc mơ và hình ảnh là việc chuẩn bị vô thức để có nó trong lúc thức, vậy tại sao ta không nhìn nhận cùng một chuyện cho những giấc mơ sau khi chết ? Tôi muốn nhắc là cái chết là giấc ngủ. Trước con mắt tinh thần của linh hồn, sau khi cái chết bắt đầu màn trình diễn ra theo chương trình mà chúng ta học được và rất thường khi soạn không ý thức.
Trong một lúc ai Tin Lành sẽ là người Tin Lành, ai Hồi giáo tự nhiên sẽ là người Hồi giáo – trong thiên đường của kẻ hoàn toàn dại khờ mà mỗi người tự tạo một cách vô thức. Ấy là hoa trái sau khi chết trên cây của sự sống. Tự nhiên là việc ta tin hay không tin vào sự bất tử có tri thức không thể ảnh hưởng được thực tại vô điều kiện của chính sự kiện, một khi nó hiện hữu; nhưng việc tin hay không tin vào sự bất tử ấy, như là việc tiếp nối hay tiêu tan của các thực thể riêng biệt không tránh được việc tô mầu cho sự kiện ấy, khi áp dụng vào mỗi thực thể này. Giờ bạn bắt đầu hiểu chưa ?
X. Tôi nghĩ vậy. Người duy vật, do không tin vào bất cứ chuyện gì không thể chứng thực cho anh thấy bằng ngũ quan hay bằng lý luận khoa học, và bác bỏ mỗi một biểu hiện tinh thần, chấp nhận sự sống như là sự hiện hữu có tri thức duy nhất. Thế nên, nó sẽ là vậy cho họ theo niềm tin của họ. Họ sẽ mất phàm ngã, và rơi vào giấc ngủ không mộng mơ cho tới khi thức tỉnh. Phải thế chăng ?
M. Gần đúng. Hãy nhớ lại chỉ dạy phổ quát bí giáo về hai loại hiện hữu có tri thức, một phàm trần và một tinh thần. Điều sau phải được xem là thật do chính sự kiện nó là nơi có nguyên do vĩnh cửu, bất biến, bất tử của vạn vật; trong khi đó chân nhân tái sinh khoác lấy những thể mới hoàn toàn khác với những thể của các kiếp trước, và các thể này ngoại trừ phần tinh thần bên trong, có số phận là thay đổi sâu xa tới mức không để lại dấu vết chi.
X. Khoan !... Liệu tâm thức của phàm nhân của tôi tan rã không những chỉ một lần, giống như tâm thức của người duy vật, mà còn tan rã hoàn toàn không lưu lại vết tích sau đó ?
M. Theo chỉ dạy thì nó phải tan rã như thế và hoàn toàn, tất cả ngoại trừ nguyên lý mà khi kết hợp với chân thần và nhờ vậy trở thành tinh túy thuần tinh thần bất khả hư hoại, làm một với sự Vĩnh Cửu. Nhưng trong trường hợp của ai duy vật từ đầu tới chân, ai mà Buddhi không hề có phản chiếu trong phàm ngã, làm sao Buddhi có thể đem vào vĩnh cửu một phần nào của phàm nhân ấy ? Cái 'Ngã' tinh thần của bạn thì bất tử, nhưng từ cái Ngã hiện thời của bạn nó chỉ có thể mang sang đời sau điều gì xứng với sự bất tử, nghĩa là chỉ phần hương mà thôi của bông hoa bị cái chết làm ngã gục.
X. Thế, bông hoa hay phàm ngã thì sao ?
M. Bông hoa, như tất cả những hoa trong quá khứ và tương lai đã từng nở rồi tàn, và sẽ nở trở lại trên cành mẹ là sợi Sutratma, tất cả con cái của một rễ hay Buddhi, sẽ trở về với cát bụi. Cái 'Ngã' hiện giờ của bạn như bạn biết, không phải là thân xác đang ngồi trước mặt tôi.
X. Nhưng điều này không giải thích chút nào cho tôi tại sao bà gọi sự sống sau khi chết là bất tử, vô hạn, và thực, còn đời sống ở cõi trần chỉ là bóng ma hay ảo ảnh; vì ngay cả đời sống sau khi chết có giới hạn của nó, dù rộng thế mấy so với cuộc sống ở cõi trần.
M. Hẳn rồi. Chân nhân con người di chuyển trong Vĩnh cửu giống như quả lắc giữa giờ khắc của sự sinh và tử. Nhưng nếu những giờ khắc ấy đánh dấu thời gian của sự sống cõi trần và cõi tinh thần có khoảng cách giới hạn, và nếu con số những giai đoạn ấy trong Vĩnh cửu, giữa ngủ và thức, ảo ảnh và thực tại, có khởi đầu và kết cục của nó, thì mặt khác 'hành giả' tinh thần lại vô hạn.
Vì vậy số giờ của cuộc sống sau khi chết – khi không còn thân xác và họ đứng đối diện với chân lý mà không phải với ảo ảnh của những kiếp sống thoảng qua nơi cõi trần trong giai đoạn của cuộc hành hương mà ta gọi là 'vòng tái sinh' – phần thực tại duy nhất trong ý niệm của chúng ta. Cho dù bị giới hạn, những khoảng xen kẽ ấy không ngăn cản chân nhân, trong lúc làm hoàn thiện mình, theo không sai chạy một cách từ từ chậm rãi con đường đi tới sự biến hình chót của nó, khi chân nhân ấy tới đích và trở thành Vạn Vật thiêng liêng.
Những khoảng giữa xen kẻ và giai đoạn giúp họ tới kết quả sau cùng này thay vì ngăn cản nó, và nếu không có những khoảng giữa giới hạn, chân nhân thiêng liêng không sao tiến đến mục tiêu sau cùng của nó. Chân nhân này là kịch sĩ và đóng vô số những vai là nhiều lần tái sinh khác nhau. Ta có gọi những phần này với y trang mũ mão của nó là cá tính của người kịch sĩ ? Giống như họ, trong chu kỳ cần thiết cho tới thềm của cõi Para–nirvana (Đại Niết Bàn), chân nhân bắt buộc phải đóng nhiều vai có thể không dễ chịu cho nó.
Tuy nhiên, tựa như con ong đi lấy mật từ mỗi bông hoa, để phần còn lại làm thức ăn cho giun dế, thì tính cá biệt tinh thần của ta cũng vậy. Nó thu thập từ mỗi phàm nhân mà Karma ép buộc nó phải tái sinh vào, chỉ phần mật của đặc tính thiêng liêng và ngã thức, rồi kết hợp tất cả những điều ấy thành một khối, nó chui ra khỏi cái kén thành vị Dhyani Chohan chói lọi. Phàm nhân nào mà nó không thu thập được điều chi thì đáng tiếc, phàm nhân ấy chắc chắn không thể sống có ý thức và lâu hơn cuộc sống dưới trần.
X. Vậy có vẻ như đối với phàm nhân, sự bất tử vẫn là có điều kiện. Chính nó thì sự bất tử có phải là có điều kiện ?
M. Không đâu. Nhưng nó không thể áp dụng vào điều chi không hiện hữu. Vì đối với điều chi hiện hữu như là SAT – chân lý, hằng tiến tới SAT, nó tuyệt đối có sự bất tử và vĩnh cửu. Vật chất là cực đối nghịch của tinh thần thế nhưng cả hai là một. Tinh hoa của tất cả những chuyện này, tức Tinh thần, Lực và Vật chất, hay ba điều nằm trong một, thì vô thủy vô chung; nhưng hình thể mà ba ngôi thì vô tận cũng như không có khởi đầu; nhưng hình thể mà ba ngôi (tuy ba mà một) khoác lấy trong lúc sống tức hình dạng bên ngoài, chắc chắn chỉ là ảo ảnh của ý niệm cá nhân. Vì vậy chúng tôi gọi chỉ riêng đời sống sau khi chết là thực tại, còn đời sống phàm trần, kể luôn phàm nhân, là thuộc về cõi ảo tưởng.
X. Nhưng tại sao trong trường hợp như vậy ta không gọi giấc ngủ là thực tại, và thức tỉnh là ảo ảnh, thay vì chuyện ngược lại ?
M. Vì chúng ta dùng cách nói làm dễ nắm lấy đề tài hơn, và theo quan điểm của cõi trần nó rất đúng.
X. Sao đi nữa, tôi không hiểu được. Nếu kiếp tương lai dựa trên sự công bằng và có nhân quả hữu lý cho mọi đau khổ nơi cõi trần của chúng ta, làm sao trong trường hợp của người duy vật – mà nhiều người như thế là kẻ thành thật hết sức và biết thương người – phàm ngã của họ chẳng còn gì mà chỉ là rơi rớt của đóa hoa tàn tạ,
M. Đâu có ai nói thế. Không người duy vật nào, nếu là người tốt lành, dù không tin tưởng, lại có trọn cái tôi tinh thần chết đi vĩnh viễn. Điều đã nói hàm ý là tâm thức của một kiếp sống có thể biến mất hoặc hoàn toàn hoặc một phần; trong trường hợp của người thuần duy vật, không vết tích nào của cái tôi mà không tin được lưu lại trong chuỗi những kiếp sống.
X. Thế nó không phải là sự hủy diệt của chân nhân ?
M. Chắc chắn không. Người ta có thể ngủ một giấc say sưa trong cuộc hành trình dài bằng xe lửa, đi qua một hay vài trạm mà không nhớ chút gì hay có ý thức gì về điều ấy; rồi tỉnh dậy ở một trạm khác và tiếp tục cuộc hành trình mà nhớ lại những chỗ xe dừng bánh, cho đến cuối đường khi đến chỗ. Có ba loại giấc ngủ được nhắc đến cho bạn:
-1/ không mộng mị,
- 2/ hỗn độn, và
- 3/ rất thật mà đối với người đang ngủ giấc mơ của họ trở thành thực tại sống động.
Nếu bạn tin vào điều sau thì tại sao bạn không thể tin vào điều trước ? Tùy theo người ta tin gì và mong chờ gì ở cuộc đời sau cái chết, họ sẽ có được điều ấy. Ai tin là sẽ không có đời nào sau đời này, sẽ thấy tuyệt đối trống rỗng như là sự tiêu tán trong khoảng giữa hai lần tái sinh. Điều này chỉ là việc thực hiện chương trình mà chúng ta đã nói tới, và nó do chính người duy vật tạo ra. Nhưng như bạn nói, có nhiều loại người duy vật. Ai ích kỷ, xấu tánh, ai không hề nhỏ lệ cho người nào khác trừ chính mình, và do vậy thêm việc dửng dưng với trọn thế giới vào chuyện không tin của họ, sẽ mất hẳn cái tôi mãi mãi sau khi chết.
Cái tôi này không có chút thiện cảm với thế giới xung quanh, thành ra không có gì kết nó vào sợi dây Sutratma, mối liên kết giữa cả hai bị đứt lìa khi họ thở hơi cuối cùng. Người duy vật như thế không vào cõi Devachan mà sẽ tái sinh gần như tức khắc. Còn với ai duy vật mà chỉ sai lầm ở điểm không tin tưởng, sẽ ngủ qua chỉ một trạm (1). Hơn thế nữa, sẽ tới lúc ai trước kia là duy vật sẽ vào cõi Vĩnh Cửu và không chừng hối tiếc là mình đã lỡ dù chỉ một ngày, hay một trạm, trong cuộc sống vĩnh cửu.
X. Dầu vậy, nói rằng sự tử là sự sinh vào một đời mới, hay là việc trở lại một lần nữa trước thềm của Vĩnh cửu, thì có phải là đúng hơn không ?
M. Được, nếu bạn muốn. Chỉ xin nhớ rằng những việc sinh ra đời khác nhau, và có trường hợp hài nhi chết lúc sinh ra, tức là việc tái sinh không thành. Lại nữa, với quan điểm cố định của tây phương về đời sống vật chất, chữ 'sống – living' và 'là – being' thực không thể áp dụng cho trạng thái của cuộc sống sau khi chết.
Chỉ vì suy nghĩ giống vậy – ngoại trừ một số triết gia mà nhiều người không đọc còn chính họ bị rối trí quá không trưng ra được hình ảnh rõ ràng – mà ý niệm của bạn về sự sống và sự chết cuối cùng trở nên quá chật hẹp. Một mặt, chúng dẫn tới óc duy vật tệ hại; mặt khác tới ý niệm càng duy vật hơn nữa về đời sống sau khi chết mà người theo thông linh học (Spiritualism) vẽ ra cảnh thiên đàng của họ. Ở đó linh hồn con người ăn, uống, lập gia đình, và sống trong cõi thiên đàng đầy cảm quan như của người theo đạo Hồi, mà lại còn ít phần triết lý hơn.
Ý niệm trung bình của người Thiên chúa giáo không học thức cũng chẳng khá hơn, và có thể lại còn duy vật hơn nữa. Nào là thiên thần bay lượn, kèn đồng trổi vang, đàn thụ cầm vàng lấp lánh, đường phố trên thiên đàng lát châu ngọc, và lửa địa ngục, thấy như là cảnh vở kịch lễ Giáng sinh. Vì các ý niệm chật hẹp này mà bạn thấy khó hiểu chuyện. Và, cũng do đời sống của linh hồn đã bỏ các thể – trong khi có được cảm giác sống động của thực tại như trong một số giấc mơ, lại không còn thể trọng trược nào của đời sống cõi trần – mà các triết gia đông phương đã so sánh nó với những điều thấy trong lúc ngủ.
Trích: The Theosophist, Feb 1908.
(1) Vì vậy phong trào Thông linh học Spiritualism được gợi hứng để thành lập, cho ai như thế có cơ hội tìm tòi và không phải say ngủ khi qua đời, tránh được việc mất thời gian uổng phí. Nếu họ khăng khăng cứng đầu về một điểm, thì nên cho họ cứng đầu về điều có lợi, suy xét về bằng chứng mà Thông linh học đưa ra và do đó duy trì tâm thức sau khi chết.
– Xin đọc thêm
- Thể Sinh Lực (1) (12/2008)
- Thể Sinh Lực (2) (6/2009)
- Thể Trí (12/2010)
- Cơ Cấu Thể Tình Cảm (pdf)
Xem Các Bài Liên Quan đến Thể của Con Người: