THỂ TRÍ

 

(PST 60)

 

Trong bài này ta sẽ quan sát hình dạng và cấu tạo của thể trí, cách thể hoạt động trong vài trường hợp. Trước tiên điều quan trọng hơn hết cần thấu đáo là cái ngã làm việc bên trong và qua hào quang lẫn thể xác đậm đặc, cũng như nó có sự hiện hữu riêng so với cả hai phần này. Thể trí và thể xác gộp chung được gọi là cá tính (personality), chữ có ngữ căn là persona (per – son) là mặt nạ khi xưa diễn viên mang khi đóng kịch, do đó gợi ý là đằng sau mặt nạ có diễn viên thật hay cái ngã. 
Ta cần hiểu điều này bằng không sẽ không nắm được ý nghĩa đích thực của những vấn đề tâm lý hay tâm linh. Hơn thế nữa, các mô tả sau đây cho cảm tưởng như chuyện thuần vật chất và không có gì khác nằm đằng sau. Diễn giải từ các điều trên là:
● Có một người suy tư, hay cái ngã, đằng sau tư tưởng và cảm xúc.
● Cái ngã này sử dụng một thể tâm linh thanh bai lẫn thể xác đậm đặc.
● Thể tâm linh là chỗ mà phần tâm linh và tâm lý hoạt động, giống như thể xác là vận cụ cho kinh nghiệm thể chất.
● Vì ta có thể có cảm nhận tâm linh trong lúc thức tỉnh hoàn toàn, hiển nhiên là có một sự liên kết chặt chẽ giữa thể tâm linh và thể xác. Cầu nối ấy là thể phách hay thể sinh lực.

Quan  Sát

Thường thường, người có thông nhãn thấy hào quang có hình trái soan, túa ra từ da của thể xác một khoảng từ 6 tấc đến một thước. Khoảng cách này thay đổi rất vô chừng, tùy theo người quan sát lẫn tâm trạng của nhân vật vào một lúc nào đó, thí dụ lòng phấn khởi sẽ khiến có hào quang nở rộng còn khi trầm ngâm thì nó thu hẹp lại. Thể có vẻ đặc theo nghĩa nó không phải chỉ là cái vỏ mà là vật ba chiều có chất liệu bên trong.
Nhìn tổng quát trước khi đi vào chi tiết cho cảm tưởng nó là một hình thể có đầy những luồng chuyển động và những vòng tròn bốc hơi có mầu, liên tục trôi chẩy và thay đổi, mở rộng rồi co thắt. Có lẽ có những phần mà mầu xem ra tĩnh lặng hơn, rồi lại có những phần khác linh động và biến hóa. Bên trong thể, thỉnh thoảng có những dạng và hình khi thì rõ ràng và gọn ghẽ, khi thì mơ hồ mờ ảo, hiện ra rồi tan biến, hoặc chúng có thể bị đẩy ra ngoài hào quang và trôi mất vào khoảng không. Hào quang có cái chói sáng lấp lánh ngũ sắc, tựa như bong bóng xà phòng dưới ánh mặt trời, cái khác thì nặng như chì, ảm đạm. 
Khi quan sát, tính chất của một hào quang có thể đột nhiên biến đổi, cái nào tĩnh lặng có thể bừng lên linh hoạt trong khi cái khác đang to rộng và điều hòa, bất thình lình co rúm như sao biển chun người lại và mất đi mầu sắc tươi sáng. Nói tóm tắt, điều ta thấy là hình ảnh của một sinh thể nhậy cảm cao độ, linh động, đáp ứng tức thì với mỗi thay đổi về tư tưởng và cảm xúc trong tâm người liên hệ. Thực vậy, người có thông nhãn mà đã luyện tập thấy hào quang biến đổi hình dạng của nó, y như nét mặt thay đổi, nhưng sự biến hóa diễn ra trên mức độ rộng lớn hơn bởi hào quang mềm dẻo và dễ đáp ứng hơn rất nhiều.
Ta có thể nói tổng quát là hình thể của hào quang do tư tưởng tạo ra, còn mầu sắc là do cảm xúc mà có. Giống như trong một bức hình, hai điều này không thể tách rời và việc phân ra chỉ có tính lý thuyết. Thí dụ nhìn vào họa đồ kỹ thuật thì hình thể chiếm ưu thế nhưng cũng phải có một chút mầu sắc, và với tranh ấn tượng thì ngay cả những mảng mầu bắt buộc phải có một loại hình dạng nào đó.
Cảm xúc, hay tình cảm, lộ ra trong hào quang qua nhiều cách, dầu vậy những đặc điểm chính của phản ứng là:
– Sự nở lớn hoặc co thắt, tùy theo cảm xúc có tính túa rải hoặc rút vào người.
– Nét chói sáng tăng hoặc giảm.
– Việc sinh ra những kiểu thức đặc biệt và mầu sắc chính liên kết với các cảm xúc khác nhau. Câu mô tả ai giận dữ hoặc kinh sợ là 'seeing red - tá hỏa' thì quả đúng vậy, vì hào quang của họ hóa ra tràn ngập nhiều mảng mầu đỏ trong lúc cường độ cảm xúc kéo dài. Khi ai thấy con chó cưng của mình, hào quang của họ nở ra và lòng thương mến bừng lên khiến hào quang chiếu sáng; nhưng khi con chó gầm gừ ai mà sợ nó, hào quang người ấy co rúm lại và hóa ra xám, mầu sắc thường khi của nó bị sự lo lắng làm mờ đi.

Tình cảm ít khi thanh khiết, gần như luôn luôn có trộn lẫn với một tính chất khác tương phản hoặc đối nghịch nó. Thái độ của ta đối với vật hay người thường là một chuyện, và có nhuộm mầu chuyện khác:
– Bà hàng xóm thiệt là chán làm tôi bực mình, nhưng tôi thấy tội nghiệp bà.
Ta không thể nói chính xác là khi nào thì mình ngưng bực bội với bà Mai và bắt đầu thấy tội nghiệp bà. Lời của người có thông nhãn mô tả hình quan sát thì tương hợp với điều mà tâm lý gia biết về bản chất của tình cảm. Nhưng khi ta suy nghĩ cặn kẽ thì sự việc khác đi. Lời khen hay nhất ta có thể nói về mặt này là nói với ai khác rằng họ là người suy nghĩ rõ ràng, tư tưởng của họ gọn ghẽ, sắc nét, có trật tự. Hơn thế nữa, ta thích người khác không nuôi thành kiến. Có nghĩa ta thích một vấn đề được xem xét là hay hay dở và không bị tình cảm làm thiên lệch, vì tình cảm bẻ cong và làm một dòng tư tưởng trong sáng bị nhòe. Do đó về một mặt, tư tưởng và cảm xúc tương phản mạnh mẽ với nhau, và quả thật có lúc kình chống nhau như khi trái tim tình cảm muốn ta có hành động theo hướng này, và đầu óc suy luận đầy lý lẽ muốn ta theo đường khác.
Loại tư tưởng hay nhất cho ra hình có đường nét liền lạc, sắc gọn, có chủ tâm rõ rệt, và tình cảm thì chính yếu là cởi mở và trôi chẩy dễ dàng. Hào quang của cái trí linh hoạt trông tựa như màn ảnh chiếu phim, những hình người trên đó do cái ngã sinh ra khi suy nghĩ, và chiếu lên màn ảnh này. Ai suy nghĩ theo dòng tư tưởng mạch lạc làm sinh ra một loạt hình hoặc đồ hình, chuyển động y như phim ảnh rồi có thể ngưng lại như khi phim chấm dứt, thành ra người ta có thể xem xét nó kỹ hơn tới một điểm nào đó.
Tư tưởng về vật cụ thể cho ra hình ảnh giống vật đó ít nhiều, tùy theo mức hiểu biết của người suy nghĩ chính xác tới đâu. Ý tưởng càng trừu tượng thì hình ảnh càng dễ có hình kỷ hà hoặc có tính biểu tượng. Một kiến trúc sư vẽ kiểu ngôi nhà sẽ tạo ra ngôi nhà ấy bằng chất liệu tư tưởng bên trong thể trí của mình, và trong đồ hình sẽ vẽ những gì anh thấy trong đầu. Thoạt tiên, ý niệm của anh về ngôi nhà có thể còn mơ hồ và hình tư tưởng cũng mù mờ theo. Rồi anh bỏ ý đó, làm phá vỡ hình thể nguyên thủy. Anh khởi sự trở lại, lần này tượng hình rõ rệt điều anh muốn, giữ hình thể trong hào quang cho tới khi tạo xong.
Đến giờ ăn trưa, anh để tư tưởng qua bên khiến nó mỏng từ từ rồi biến mất. Sau đó, anh quay trở lại ý tưởng và hình xuất hiện nữa ngay khi anh bắt đầu suy nghĩ về nó. Có thể trong bữa ăn trưa tiềm thức của anh vẫn tiếp tục làm việc về mẫu nhà, sửa đổi hình, nên bây giờ nó cho thấy có biến cải và tô điểm thêm. Như ta biết, chuyện y vậy áp dụng cho bất cứ tiến trình tư tưởng nào mà không phải chỉ thấy trong thí dụ đơn giản vừa nói về hình tượng. Một bài báo, một bản nhạc, một bài thơ, kế hoạch ngoại giao, tất cả cho hiện tượng tương tự, và có thể quan sát được giống như trên cùng mô tả như là đồ hình.
Ta biết rõ là ít người có thể cho ra tư tưởng mạch lạc, một phần vì đa số cách suy nghĩ diễn ra cùng lúc với dòng tình cảm, xúc cảm và phần khác vì ít người có thể sinh ra ý niệm rõ ràng về bất cứ chuyện gì. Khi nhìn từ thế giới tư tưởng, ý niệm của người trung bình về một ngôi nhà không chừng sẽ làm kiến trúc sư chê trách ngay, vì mái có thể chông chênh, tường xiêu vẹo, và phần sau của nhà chưa được nghĩ ra nên không có. Chuyện cũng có thể nói như vậy về quan điểm chính trị và tôn giáo; chúng có thể mơ hồ như tư tưởng của ta về chính mình hoặc về người khác, và do đó thể trí hay chứa một loạt những hình tạc chưa toàn vẹn ít nhiều trôi chẩy trong đó, tượng trưng cho ý tưởng chưa xác định.

Chẳng những ta có rất ít tư tưởng thanh khiết, mà gần như tất cả những tư tưởng thông thường bị cảm xúc nhuộm mầu, giống như phần lớn cảm xúc tụ quanh một nhân là ý tưởng nào đó. Cảm xúc càng hòa lẫn với ý nghĩ về một vật thì hình dạng của ý nghĩ đó càng không định rõ. Tư tưởng mạnh chừng nào thì hình thể hiện ra càng rõ ràng, mầu của cảm xúc đóng vai thứ yếu so với hình dạng.
Thói quen và việc tập luyện là khuynh hướng tạo ra những diễn trình tương đối cố định trong hào quang, khiến cho các mẫu mực tương ứng với dòng tư tưởng quen thuộc diễn ra, cái này sau cái kia theo thứ tự thường xuyên. Trọn diễn trình thường là vô thức, và xẩy ra như bất cứ thông lệ tự động nào khác theo những chuyện trong đời sống hằng ngày. Trong thể trí của thương gia nhận đơn chào hàng sẽ thấy có một loạt các hình tương ứng với thói quen của ông là đi từng bước một theo thứ tự, xem xét  mặt hàng, phẩm chất của chúng, tiếng tăm của hãng giới thiệu hàng, giá mua, giá bán v.v.
Ngoài hình dạng nói chung của hào quang và cách nó xử sự, còn có ảnh hưởng của hành vi của nó đối với tâm thức của thân xác. Phản ứng xác thân có thể thuần là vô thức – có thay đổi sinh lý như huyết  áp giảm hoặc bắp thịt căng lên hoặc thấy buồn nôn – hoặc nó có thể được ghi nhận như:
● 'Tôi thấy bực mình', 'Tôi hiểu ra rồi' – là biểu lộ cho trạng thái tâm lý – hoặc
● 'Tôi thấy xuống tinh thần cho dù trong lòng thấy vui vì trời có nắng đẹp – tức cho biết có cảm nhận về tình trạng tâm linh bên ngoài.
Các luân xa, hay những huyệt tâm linh, có vẻ như  xuyên qua trọn bề sâu của hào quang, và trên thực tế hiện diện ở cả ba cõi (trần, trung giới và thượng giới). Nhờ những cơ quan thanh nhẹ này mà các phần khác nhau của cơ cấu tâm linh được liên kết với nhau, giống như  phần tâm linh được chúng nối kết với thể xác. Vì lý do đó, nhờ các luân xa mà có phản ứng trong cơ thể đáp lại chuyện gì xẩy ra về mặt tình cảm và trí tuệ.
Dầu vậy, ta cần ghi nhận là phản ứng ở một cõi không chuyển di hoàn toàn tự do sang cõi khác, vì giữa hai cõi dường như có một cơ chế bảo vệ tương tự như màng lưới bảo bọc phủ bề mặt của luân xa trong thể sinh lực (thể phách). Màng tác động như là cái lọc và ngăn cản không cho có sự tuôn tràn không dứt, không chọn lọc của dòng chấn động từ thế giới bên ngoài chảy luông tuồng xâm phạm cái ngã. Nếu chuyện ấy xẩy ra hẳn sẽ có đảo lộn rối rắm, có thể đưa tới sự điên cuồng.
Ta nên hiểu rằng với người có thông nhãn bình thường, những cõi này không cho thấy ngay là chúng khác nhau rất tinh tế. Muốn thấy chúng riêng rẽ cần phải tập luyện nhiều, người có thông nhãn phải có thể thay đổi cái nhìn của mình lên xuống từ cõi này sang cõi kia mà không mất sự liên tục, gần giống cùng như cách ta tập cho mắt dõi theo con đường chạy tới chân trời, thay vì nhẩy từ vật ở gần đến vật ở xa.

 

Vài Tính Chất của Hào Quang

Giống như con người tạo bầu không khí riêng cho mình và mang nó theo tới chỗ nào họ đến, các nơi chốn và vật cũng có hào quang mang tính chất của chúng. Tuy nhiên hào quang này thuộc loại khác với hào quang của sinh vật. Sinh vật tạo bầu không khí của riêng mình từ bên trong, nó là sản phẩm của đời sống nội tâm hay linh hồn mỗi vật. Vật chất không linh hoạt không có cái ngã linh động là trung tâm điểm của năng lực tâm linh, và hào quang của nó không tự mình sinh ra mà được tích tụ do các yếu tố bên ngoài. Quan sát thì ta có cấu trúc thể chất đậm đặc và thể thanh tương ứng bằng sinh lực và chất liệu ether. Nơi con người, hào quang tạo ra chung quanh trung tâm điểm là cái ngã sinh hoạt bên trong; hào quang là sự túa rải, phóng chiếu từ tâm điểm ấy. Nơi vật không linh hoạt nó là một màng ether mỏng, tác động như là mặt nền cho hào quang đậm đặc chung quanh. 
Màng ether này thành một nền tựa như mặt phim in lại các biến cố và kinh nghiệm. Nói rộng ra thì mặt phim này hoặc là một biến cố rõ ràng, đáng chú ý hoặc là một loạt các sự việc, giống như dùng búa hay rìu tạc vào đá; hoặc nó có thể có tính chất không xác định, tương tự như  ảnh hưởng của nước chảy bao phủ viên đá, khiến cho sau nhiều thế kỷ việc cọ sát nhẹ nhàng làm viên đá hóa trơn nhẵn và bào mịn đi. Một tai nạn, một vụ sát nhân, hoặc tai biến nào khác khích động tình cảm cao độ sẽ để lại ấn tượng mạnh mẽ ở nơi chốn xẩy ra việc ấy. Một chuyện cũng sâu đậm y vậy mà có tính chất khác là bầu không khí do nhiều thế hệ sinh ra trong ngôi nhà cổ, khi họ cư ngụ nơi này lâu năm.
Hào quang của thí dụ đầu thì giống như chữ viết trên tờ giấy chỉ đề cập tới một biến cố, trong khi hào quang ngôi nhà lại như tấm thảm gồm nhiều sợi chỉ đủ mầu dệt nên, đan qua lại lẫn vào nhau, tạo thành một hình phức tạp cho riêng mình.
Thường khi có hai yếu tố kết hợp. Chẳng hạn khi một vương cung thánh đường mới xây và được cung hiến với lễ nghi long trọng và sự thành tâm mộ đạo, có một dòng tư tưởng và cảm xúc được tạo nên. Nó được kích thích và giữ cho tiếp tục sinh động nhờ sự kiện là sau đó, vương cung thánh đường được dùng cho một mục tiêu duy nhất – những lễ nghi tôn giáo được cử hành nối tiếp nhau, và người dự lễ ai ai cũng đóng góp một phần năng lượng làm củng cố năng lượng ban đầu.
Không có giới hạn nào đặt cho lượng năng lực có thể được tuôn ra tạo nên hào quang của một vật hay một nơi chốn, và đây là một lý do tại sao vài địa điểm thấm đẫm tâm tình lịch sử, có niên tuế cao và cổ kính, ngay cả ai không có hiểu biết gì về lịch sử vùng này cũng cảm thấy vậy. Người có khả năng siêu hình và sử dụng nó thông thạo đôi khi phăng ra được những kinh nghiệm đối chọi nhau, và ngay cả giai đoạn phản cảm của cùng một địa điểm; thí dụ như một ngôi thánh đường cổ có trong hào quang của mình ở một mức độ là lòng sùng tín sâu xa, cảm xúc bình an, mà ở mức độ khác lại có dấu vết của sự tàn ác và lòng kinh sợ, hãi hùng, do pháp đình tôn giáo (Inquisition) gây ra. 

Đáp ứng của chúng ta với bầu không khí một phần dựa trên tâm tính và một phần dựa vào tính nhậy cảm của cơ chế tiếp nhận. Có người thấy vui vẻ và thoải mái ở một ga xe lửa vì sự huyên náo và cảm xúc hớn hở kích động anh. Người khác thì dửng dưng và cũng không bị ảnh hưởng gì khi chờ xe lửa hoặc ngồi trong một club. Người thứ ba thì mệt mỏi và chán nản vì sự chuyển động không ngừng lúc nhặt lúc khoan, và người thứ tư với khả năng siêu hình bén nhậy về chuyện như vầy, ghi nhận hết mọi sự thay đổi, chuyển dịch mà không để cho nó làm họ phải lo lắng.
Ai vào viện bảo tàng sẽ đáp ứng khác nhau, tùy theo mục tiêu mà họ nhắm tới khi vào nơi này và khuynh hướng các thể của họ. Nhìn theo quan điểm tâm linh, viện bảo tàng đáng cho ta chú ý tìm hiểu. Nó thường là nơi chất chứa đủ mọi vật và mọi loại. Những vật này được xếp đặt tùy theo lịch sử và đề tài mà không có quan tâm nào về những tính chất vô hình của chúng, tức trí tuệ và tình cảm liên hệ được kết nối với chúng. Nhiều đồ vật nhiễm mạnh một hào quang đặc biệt liên hệ với việc ta sử dụng chúng. Đó là các bùa chú sơ khai đôi khi còn giữ lại hào quang mạnh mẽ đáng kể. Vật như thế và những loại khác được gom vào một chỗ với nhau, tạo nên một rối nùi những đường lực tâm linh không liên hệ gì với nhau. Làm như mỗi nhạc cụ trong một dàn nhạc lớn phát vang các nốt riêng biệt nhau, cái này không màng chút gì tới cái kia.
Đối nghịch hẳn với nơi này có thể là một căn phòng chỉ dành riêng cho một đề mục mà thôi, và trong đó những món trưng bầy không phải là vật có lịch sử lâu đời, hoặc có năng lực tâm linh mạnh mẽ do được sử dụng nhiều năm. Chỗ như vậy là như phòng Lịch sử Thiên nhiên hoặc Địa Chất học, có bầu không khí thuận hòa hơn, ít xáo trộn như phòng dành cho Khảo Cổ học, Dân  Sắc Tộc, hoặc nơi hổ lốn các vật sưu tập.
Người có khả năng tâm linh tiêu cực, tức không biết bảo vệ mình trước sự tấn công ào ạt  của những rung động siêu hình phóng vào hào quang của họ, dễ bị hoang mang và mệt mỏi một lúc ngắn sau khi vào nơi có chứa sưu tập những đồ vật vừa nói. Họ cảm thấy hoặc phải rời khỏi chỗ đó, đi ra ngoài có khí trời tươi mát, hoặc đi vẩn vơ trong bảo tàng viện đầu óc mụ mị thẫn thờ, chỉ mơ hồ cảm nhận những gì họ xem. Nhiều người bị ảnh hưởng của bầu không khí ru ngủ của viện bảo tàng, và  điều ta vừa nói có thể là lý do khiến một số khách đến xem gần như là đi tới lui ngờ nghệch.
Trái với người chỉ thờ ơ nhìn ngắm là sinh viên hăng hái với mục đích rõ ràng trong tâm. Hào quang của họ vững chắc và được ý định của họ điều khiển, do vậy nó không mềm nhão, dễ tiếp nhận như của người không có chủ đích. Sự chăm chú đối với vật trưng bầy giúp che chở anh không bị những  lực siêu hình kình chống nhau tấn công, đâm bổ vào.
Ta có kinh nghiệm khác khi đi tới nhà hát xem diễn kịch. Kịch trường tự nó có bầu không khí tâm linh riêng, nhà hát cổ kính sẽ có bầu không khí rất khác với tòa nhà tân thời, và có nhiều lý do hơn chỉ là cảm tình và lịch sử lâu đời để diễn vài loại kịch ở nơi như vậy. Nhà hát về mặt vật chất có khung cảnh tâm linh thường trực dàn cảnh cho riêng nó; và như trong một vở kịch cách diễn phải phù hợp với trang trí, một số kịch sẽ hợp với hào quang thường trực của tòa nhà hơn là những kịch khác. Màn kịch tùy thuộc nhiều vào phản ứng tình cảm của khán giả, và sẽ thành công tốt nhất khi khêu gợi mạnh mẽ cảm xúc nơi người xem. Trong điều kiện thích hợp, khối hào quang to lớn của khán giả hóa ra nhậy cảm lạ thường với tác động của tư tưởng và tình cảm, hệ quả là khung cảnh tâm linh của nhà hát tự nó quan trọng hơn lúc bình thường.  
Khi khán giả mới tới nhà hát, hào quang của họ cá biệt, riêng rẽ với nhau. Sau một khoảng thời gian   ngồi kế cận nhau với bìa hào quang người này chồng lên và thấu nhập vào hào quang của người kế bên, lần lần có sự hòa lẫn cho ra một bầu tâm linh chung. Chính cái hào quang tổng hợp này là nguồn cội của tâm lý đám đông. Cá nhân trở thành một phần của nhóm có tên gọi chung như là cử tọa, đoàn thể, công chúng v.v. Bầu tâm linh hay hào quang chung của nhóm là mẫu số chung của những tính chất về trí tuệ và cảm xúc của người nơi ấy.
Trong nhà hát, khán giả có một tụ điểm chung làm họ chú ý là vở kịch trên sân khấu. Khi kịch diễn ra, hào quang trở nên sinh động, nó thay đổi và đáp ứng với mỗi tình tiết trong kịch, mầu sắc biến theo cảm xúc ra sao của hành động; bầu tâm linh căng thẳng vào lúc hồi hộp, ly kỳ nhất, phản ảnh diễn tiến của câu chuyện. Trọn bầu lên tới đỉnh vào lúc cực điểm của vở kịch. Tiếng vỗ tay lúc chấm dứt làm vỡ tung bầu hào quang, khiến nó rã tan trở thành các hào quang bình thường riêng rẽ, làm mỗi người ít nhất có trở lại tính cá biệt mà họ đã tạm thời bị mất. Mức nhiệt tình vỗ tay tán thưởng cho biết vở kịch thành công ra sao, mà cũng cho thấy khán giả đã hòa mình vào bầu tâm linh chung tới độ nào, lẫn nhu cầu của họ phải trở lại chính mình như là cá nhân có hào quang riêng biệt.
Hành vi của mỗi cá nhân trong bầu tâm linh của nhà hát thay đổi tùy theo tính khí và tâm lý của họ. Người có loại tâm tình giản dị thì bị lôi cuốn như  chiếc lá trôi theo dòng  nước đưa đẩy, tuy nhiên đa số người có khuynh hướng đồng hóa song đôi, một có tính tâm linh và một là tâm lý. Khía cạnh tâm lý nằm ở chỗ là thông thường người ta đồng hóa mình với một vai trong màn kịch. Điều này thường khi không có ý thức và chỉ thấy rõ khi có tự xét mình ít nhiều. Cùng lúc họ lại có đáp ứng với bầu không khí tâm linh.
Thường khi hai điều này xẩy ra song song với nhau và không có xung đột; nhưng có trường hợp khuynh hướng tâm linh đi một đằng và khuynh hướng tâm lý đi một nẻo ngược lại. Chẳng hạn như trong màn kịch theo thị hiếu chung, ta có trai tài gái sắc được cho tác hợp với sự hài lòng của mọi người, và kẻ xấu bị chê bai. Vậy thì ai vì lý do này hay kia đồng hóa với vai kẻ xấu sẽ thấy mình hòa theo bầu tâm linh chung của đám đông, hân hoan khi vai anh hùng thắng kẻ xấu, thế nhưng ước ao tâm lý của họ lại chỏi mạnh với cảm xúc này. Kết quả là sự dằng co giữa phần tâm lý và tâm linh nơi cá nhân, làm họ có thể thấy không thoải mái, mệt nhọc và lo lắng.
Một trường hợp thú vị của sự xung đột này giữa yếu tố tâm lý và tâm linh thấy nơi một nữ giáo sư đại học, cô rất thích xem kịch mà bị rã rời mỗi lần đi. Phân tích phản ứng của cô thì thấy là sự thích thú của cô có tính thuần trí tuệ, về mặt tình cảm cô lại cảm thấy  mình bị cuốn băng băng như chiếc lá trong cơn giông. Cô hoàn toàn bất lực không kiểm soát được chuyện cho tới khi nhận ra là mình bị bất cứ bầu không khí mạnh mẽ nào, ở bất cứ đâu, xâm nhập, và cô có đặc tính tâm linh tiêu cực.  
Bản tính tâm lý của cô là sợ tình cảm. Cô có thể kiểm soát được cảm xúc của chính mình, kềm chế nó chặt chẽ, còn với tình cảm của người khác thì cô không thể kiểm soát hoặc giữ không cho nó xâm nhập mình. Đây là trường hợp khác thường, theo đó vấn đề tâm lý được cho nằm yên không giải quyết, còn thì cô học cách đối phó với khó khăn về mặt tâm linh. Cô có trí tuệ được luyện tập nên mạnh mẽ và có thể dùng trí tuệ này để tách rời mình khỏi biển cảm xúc chung quanh.
Với nhà phê bình kịch và người nào tính khí dửng dưng, có cách sống cô lập về mặt tâm linh, cả hai vào nhà hát với thái độ khác với khán giả thông thường đi xem kịch để mua vui. Hào quang của hai người này không hề hòa lẫn cho lắm với hào quang người khác, tuy sự hòa lẫn có xẩy ra ở một mức nào đó dù họ muốn hay không. Cả hai có khuynh hướng giữ mình riêng rẽ trong lúc xem, tựa như hòn đảo trong hồ.
Thái độ của nhà phê bình đối với vở kịch thì có tính chuyên biệt, và do đó có tính khách quan hơn là nơi người bình thường, có nghĩa họ không đồng hóa mình. Nhận xét của họ vì vậy có lẽ chính xác nhiều hơn công chúng nói chung. Thế nhưng ta biết rằng vở kịch mà nhà phê bình đánh cho tơi tả về mặt văn chương và nghệ thuật lại có thể được diễn nhiều năm trời, chỉ vì kịch tác gia bắt trúng được một điểm nào đó trong cảm xúc thông thường, và trưng nó ra theo cách tạo được đáp ứng tâm linh giữa các vai và khán giả. Khi đông người thấy mình hòa được vào tập thể và bị cuốn theo bầu hào quang chung, họ thường có xúc cảm là mãn nguyện.

Trích: The Psychic Sense, Phoebe Payne and Laurence Bendit.

Xem Trí Năng