ẤN TÍN HỘI
BA MỤC ĐÍCH CỦA HỘI *SÁNG LẬP VIÊN *BLAVATSKY *TTH QUỐC TẾ *TTH VIỆT NAM
Ấn tín hay con dấu của hội Thông Thiên Học (TTH) gồm bẩy hình ảnh tượng trưng cho một ý nghĩa chung. Nó kết hợp các biểu tượng lấy từ nhiều truyền thống tín ngưỡng khác nhau trên thế giới, để diễn tả trật tự của vũ trụ và sự hợp nhất về mặt tinh thần của mọi sự sống.
OM
Phần trên cùng của ấn tín là chữ Om bằng Phạn ngữ, chữ này được xem là rất thiêng liêng tại Ấn, ta không thể dịch nó sang tiếng khác vì nó có nghĩa về biểu tượng hơn là nghĩa thường. Khi đọc thì chữ này chỉ có một âm nhưng viết với ba mẫu tự trong Phạn ngữ: a, u và m; au là cách Phạn ngữ viết âm o. Nó hàm ý cái Duy Nhất tối cùng tự biểu lộ theo ba cách hay ba ngôi, không phải chỉ thấy trong Thiên Chúa giáo mà có cả trong Ấn giáo, Phật giáo và nhiều tôn giáo khác trên khắp thế giới. Tương đương với chữ này là chữ Ngôi Lời trong tiếng Hy Lạp hay Logos, Om là chữ sáng tạo, bảo tồn và chuyển hoá trọn càn khôn, là âm Thượng đế phát ra và vang vọng muôn thuở.
Hình dạng ba chữ này cũng đáng nói về mặt biểu tượng. Hình giống như số 3 nối với cái tựa mẫu tự pi tiếng Hy Lạp là mẫu tự a trong Phạn ngữ, được xem là viết theo hai chiều đo; đường cong bên trên phần giống chữ pi của chữ a là chữ u, được xem là một chiều đo, và cái chấm nhỏ bên cạnh đường cong này là chữ m, được xem là không có chiều đo. Khi những mẫu tự của chữ Om đi từ cái này sang cái kia, chúng có ít chiều đo dần, sau chót tận cùng bằng cái điểm khởi nguyên, cái độc nhất mà trọn vũ trụ bung ra từ Big Bang.
Chữ Om đặt trên đầu của ấn tín vì nó biểu tượng cho cái Tuyệt Đối biểu lộ chính mình là tam vị nhất thể, từ thiên trí hay Thượng Đế phát ra khi vũ trụ thành hình, và tới chung cuộc của thời gian thì quay trở về. Kinh Bhagavad Gita của Ấn nói rằng chữ Om nên là cái bắt đầu cho mọi việc, vì nó tượng trưng cho nguồn gốc thiêng liêng của vạn vật.
CHỮ VẠN
Bên dưới chữ Om là chữ vạn trong vòng tròn. Đây là biểu tượng rất cổ xưa, thấy trên khắp thế giới như tại Ấn Độ, người da đỏ bắc Mỹ và trong nhiều nền văn hóa khác khắp nơi. Phạn ngữ gọi đó là swastika có nghĩa 'tốt lành', chữ này bắt nguyồn từ chữ swasti 'phúc lợi', do hai chữ su 'tốt' và asti 'nó là'. Chữ này được dùng rộng rãi ở Ấn Độ, được xem như la dấu hiệu may mắn. Chế độ Quốc xã (Nazi) tại Đức sử dụng biểu tượng thánh thiện cổ xưa này và biến đổi ý nghĩa của nó. Chữ vạn quay theo chiều kim đồng hồ (về bên phải) ngụ ý lực năng động của sự sáng tạo, tượng trưng cho tiến trình lớn lao của việc thành hình, sinh ra thế giới ta sống trong đó. Nó biểu tượng cho sự mở rộng của vũ trụ như khoa vật lý thiên thể mô tả. Khi chữ vạn có hình quay sang chiều ngược lại là bên trái như chế độ Quốc xã dùng, nó là biểu tượng cho lực thu hồi hay huỷ diệt, mang lại sự tận thế khi thế giới hoàn tất cuộc tiến hoá. Hình chữ vạn quay ngược không có nghĩa xấu mà chỉ là biểu tượng của việc rút lại năng lực sáng tạo và diễn trình đi tới sự kết thúc.
Vòng tròn bao quanh chữ vạn được gọi là vòng ranh giới 'ring -pass-not' , có nghĩa ranh giới quanh vũ trụ của chúng ta, trong đó các lực sáng tạo liên tục xoáy và làm sự sống tiến hóa. Dầu vậy trung tâm của chữ vạn vẫn đứng yên, đó là điểm bình an, tĩnh lặng ở giữa thế giới chung quanh ta luôn thay đổi.
Chữ vạn có vòng tròn bao bọc tượng trưng cho thế giới năng động đang trở thành, đặt ngay bên dưới chữ Om tượng trưng cho cái vĩnh cửu và tuyệt đối từ đó thế giới phát sinh. Vị trí của chúng trong ấn tín vì vậy đầy ý nghĩa. Thế giới luôn thay đổi này tùy thuộc hay dựa vào cái tuyệt đối không thay đổi. Hơn thế nữa, phần còn lại của ấn tín tượng trưng cho các khía cạnh đặc biệt của thế giới đang tiến hóa này, đi ra từ chữ vạn có vòng tròn bao quanh.
OUROBOROS
Ngay bên dưới chữ vạn là con rắn ngậm đuôi, phái Thông giáo (Gnostics) của Hy Lạp thời cổ gọi đó là ouroboros. Vòng tròn hình này tạo nên là cái tái xác định vòng tròn quanh chữ vạn, tượng trưng cho ranh giới của vũ trụ, và việc nó đi ngang qua chữ vạn có vòng tròn bao quanh gợi ý là con rắn và mọi vật nó bao kín là một phần của năng lực sáng tạo của chữ vạn.
Con rắn ngậm đuôi cũng tượng trưng cho các chu kỳ trong thiên nhiên, cái vĩnh cữu gói trọn của thế giới, và cái trật tự vô hạn của sự sống. Thi sĩ T.S.Eliot diễn tả rằng cái khởi đầu cũng là cái chấm dứt, có nghĩa luật và trật tự có khắp nơi trong vũ trụ và trong đời sống con người, trong cái chung cuộc của mỗi sự việc có chứa đựng cái khởi đầu của nó.
Con rắn còn là biểu tượng cho sự chữa lành hay trở nên trọn vẹn. Ngày nay hình con rắn quấn trên cây gậy là biểu tượng của y dược. Sự kiện rắn thay da mỗi năm khiến nó là hình ảnh của chu trình liên tục trong thế giới và là việc tân tạo của sự sống hay phục sinh, tức diễn trình chuyển hóa tâm linh mà tất cả chúng ta sẽ trải qua.
HAI TAM GIÁC
Khoảng bên trong vòng tròn mà con rắn tạo nên tượng trưng cho trọn vũ trụ và mọi vật trong đó. Hai hình tam giác lồng vào nhau là một biểu tượng khác thấy ở khắp nơi trên thế giới và có nhiều nghĩa. Do Thái giáo gọi đó là dấu ấn của vua Solomon hay cái khiên của David. Tam giác có đỉnh hướng lên trên là biểu tượng cho tâm thức hay tinh thần, tam giác có đỉnh quay xuống dưới tượng trưng cho vật chất hay chất liệu. Hai tam giác lồng vào nhau muốn nói tới sự tùy thuộc lẫn nhau của tinh thần và vật chất. Một ý niệm căn bản của MTTL nói rằng mỗi phần vật chất đều có chứa đựng tâm thức trong đó, và mỗi điểm tâm thức sinh hoạt xuyên qua một hình hài vật chất. Vật chất và tinh thần tùy thuộc lẫn nhau, cái này không thể hiện hữu mà không có cái kia. Thực tại là cái trọn vẹn, cái nhất nguyên biểu lộ ra như là cả tinh thần và vật chất trong khi căn bản của nó vẫn là Một, giống như hai tam giác lồng vào nhau tuy là hai nhưng hợp thành một hình đan kết làm một, tựa như tinh thần và vật chất, hay tâm thức và chất liệu hòa hợp.
Sự kiện hình tam giác được sử dụng làm biểu tượng cho tinh thần và vật chất mà không phải là một hình khác có ý nghĩa của nó. Cả tinh thần và vật chất có bản chất gồm ba đặc tính. Theo Phạn ngữ ba nét của tinh thần hay tâm thức gọi là sat (là), chit (thức tỉnh) và ananda (phúc lạc). Plato gọi đó là Chân, Thiện, Mỹ; trong tôn giáo đó là ba ngôi hay tam bảo. Vật chất cũng có ba tính chất tương tự là ổn định, linh hoạt và điều hòa, Phạn ngữ gọi là ba gunas gồm tamas hay tĩnh, rajas hay động và sattva hay nhịp.
Vì vậy không phải ngẫu nhiên mà tam giác được dùng để tượng trưng cho cả tinh thần và vật chất. Ba cạnh và ba đỉnh của hai tam giác cộng chung lại thành 12, là con số của các tuổi trong khoa chiêm tinh đông cũng như tây. Nó nói tới những kinh nghiệm con người trải qua trong thế giới.
ANKH
Ở giữa ngôi sao sáu góc của tinh thần và vật chất là thập tự Ai Cập hay ankh, biểu tượng cho sự sống. Ngôi sao sáu góc và hình ankh ở giữa tượng trưng cho bẩy nguyên lý của vũ trụ. Hình ankh cũng tượng trưng cho ý tưởng rằng sự sống là kết quả của tương tác giữa tinh thần và vật chất. Hình ankh còn được gọi là thập tự 'ansate', tức thập tự có quai. Hình người hay hình thần linh trong nghệ thuật Ai Cập thường được vẽ có mang thập tự ankh nắm ở quai, nó hàm ý khi con người biểu lộ trọn nhân tính với tinh thần và vật chất cân bằng, là họ 'nắm' được sự sống.
Hình ankh gồm thập tự tau T bên trên có vòng tròn, chữ T là thước vuông dùng để vẽ họa đồ nên giống như mọi hình vuông khác nó tượng trưng cho vật chất; vòng tròn tượng trưng cho tinh thần. Chữ T và vòng tròn hợp lại cho ra hình ảnh khác nữa của tinh thần và vật chất hòa hợp vào nhau, từ đó sinh ra sự sống. Như vậy hình ankh lập lại ở mức thấp hơn biểu tượng đã do hai tam giác lồng vào nhau, con rắn và chữ vạn có vòng tròn bao quanh nói lên. Tất cả những phần này gợi nên ý tinh thần và vật chất liên kết với nhau như là sự biểu lộ của nguồn cội thiêng liêng tức chữ Om trên cùng. Việc lập lại ý nghĩa của một biểu tượng với chi tiết thay đổi như thấy trong ấn tín nói lên việc có sự tương ứng trong khắp vũ trụ 'Trên sao dưới vậy'. Thế giới là một và là cái trọn vẹn, liền lạc, mỗi phần đều có ý nghĩa của nó. Đó cũng là ý nghĩa của trọn ấn tín.
TIÊU NGỮ: " Không Tôn Giáo Nào qua Chân Lý"
Bao quanh phần dưới của con rắn là tiêu ngữ " Không Tôn Giáo Nào qua Chân Lý". Câu này dịch từ câu tiếng Phạn Satyan nasti paro dharmah, trong đó chữ dharmah có nhiều nghĩa như tôn giáo, thiên trách, bổn phận, pháp v.v. Do đó tiêu ngữ không nói riêng về tôn giáo mà thôi, thay vào đó nó nói rằng không một bổn phận hay ý tưởng của ta, qui ước của xã hội có thể so với thực tại của cái thật sự là. Thực tại lớn hơn bất cứ phần nào của nó và vượt khỏi mọi ý niệm ta có về nó. Khi nói như vậy, tiêu ngữ bên dưới ấn tín hướng sự chú ý của ta trở về chữ Om trên cao. Chữ ấy là biểu tượng cho cái thật sự là, tức Chân lý. Và như thế trọn ấn tín giống như con rắn chấm dứt ở chỗ nó bắt đầu, xác nhận Chân Lý tối thượng kết hợp mọi vật.
Xin đọc thêm:
The Theosophical Seal, by Arthur M. Coon