THỂ SINH LỰC

 

 

Khoa học gia cho rằng ngoài ba trạng thái quen thuộc của vật chất, còn một trạng thái thứ tư gọi là ether. Người có thông nhãn quan sát thấy nó là cầu nối liền giữa cơ thể vật chất và tâm thức thuộc trạng thái này. Rất có thể đặc tính năng lực – vật chất của cảnh này cho phép nó làm trung gian giữa thế giới vật chất đậm đặc và thế giới của tâm thức, hòa cả hai làm một với nhau để phần này có thể phản ứng đối với phần kia. Cầu nối ấy ta gọi là thể sinh lực (vital body) hay thể phách (etheric body).

 

1. Tính Chất.

Thể sinh lực bao quanh và thấu nhập vào trọn cơ cấu thể xác, tự nó thì thể phách không phải chỉ là hào quanh bên ngoài thể xác mà là một thể riêng biệt lớn hơn, còn thể xác giống như một nhân gồm chất liệu đậm đặc hơn nằm bên trong khối ether. Quan sát kỹ người ta thấy chất liệu gồm nhiều mức đậm đặc khác nhau, mắt thường gần như thấy được lớp đặc nhất khi ta thay đổi cách nhìn một chút. Thí dụ trong phòng có ánh sáng mờ, ta chạm đầu các ngón của bàn tay này với ngón của bàn tay kia rồi kéo rời hai bàn tay ra, thường khi người ta có thể thấy những giải sương mờ nhạt hơi xám phát ra từ các đầu ngón tay. Những giải này riêng biệt với nhau và là phần kéo dài của mỗi ngón tay khi ta kéo hai bàn tay ra xa nhau; khi xòe rộng các ngón của một bàn tay thì mỗi giải vẫn nằm dọc theo chiều dài của các ngón, hướng ra ngoài như những nan quạt. Sự kiện có vẻ chứng tỏ rằng điều mà ta quan sát không phải chỉ là ánh sáng phản chiếu từ đầu ngón tay, hay là hình ảnh trong võng mô mà là một điều gì đó khác hẳn.
Ta cần phải dùng vài mẹo để thấy được hiện tượng vừa nói, chẳng hạn những giải này sẽ dễ thấy hơn nếu tay đặt trước nền mầu tối, và mắt phải nhìn lạc ra bên ngoài tâm một chút, tức nhìn xéo từ khóe mắt thay vì nhìn chăm chú thẳng vào vật. Cách này tương tự như khi ngắm sao, ta thấy được những ngôi sao rất mờ không phải bằng cách chú mục vào góc trời ta biết có sao, mà là nhìn từ khóe mắt, vì nhìn như vậy sẽ dễ thấy hơn. Lý do là phần ngoài của võng mô tỏ ra nhậy cảm với ánh sáng mờ hơn là phần giữa mắt, và do vậy có thể thấy những vật mà ta sẽ không thấy nếu nhìn thẳng vào đó.  Người ta cũng đã làm thí nghiệm theo một cách khác để nhìn ra thể sinh lực, là đặt bàn tay trước luồng sáng của tia cực tím, tia này được chiếu qua kính lọc đặc biệt ngăn lại gần hết những ánh sáng thông thường; nhờ cách này nhiều người thấy được hình ảnh nói ở trên dễ hơn bình thường và rõ ràng hơn.
So với thể xác gồm những cơ quan và bộ phận có hình dạng, bìa giới hạn rõ rệt, thể phách lại có  những luồng năng lực tuôn chảy không ngừng hơn là cấu trúc chiếm một chỗ cố định. Bởi thể sinh lực lồng vào và thấu nhập thể xác, ta có thể ví cơ cấu tổng hợp này với bộ máy có dòng điện chạy qua làm máy hoạt động. Chuyện khác biệt giữa bộ máy và cơ cấu hai thể phách - xác là có vẻ như thể sinh lực có trước rồi thể xác đậm đặc dần vào bên trong thể sinh lực, và tùy thuộc vào thể này để tồn tại. Sự tùy thuộc này thấy rõ khi ta ngủ ban tối, thể phách rút ra khỏi thể xác và cái sau bất động, chỉ linh hoạt trở lại khi thể phách quay về nhập vào thể xác lúc ta ngủ đủ; thí dụ khác là khi giải phẫu dùng thuốc mê, thể phách tạm thời bị đẩy ra khỏi thể xác và con người mất tri thức một thời gian.
Một khác biệt nữa là khi dòng điện ngừng đi vào máy, khi tắt điện thì bộ máy vẫn còn đó không thay đổi, tuy rằng nó nằm yên và rồi hoạt động như cũ khi có điện; ngược lại thể vật chất của sinh vật không giữ yên tình trạng khi dòng năng lực ether ngưng chẩy, mà nó sẽ bắt đầu hư hoại. Có nghĩa thể xác không còn là một đơn vị hợp nhất, thay vào đó mỗi tế bào và cuối cùng là mỗi phân tử bắt đầu sự sống riêng rẽ của mình, mà không phải như là thành viên của một cộng đồng có tổ chức là thể xác. Sự hiện diện của màng lưới ether khiến cho thể xác có sự sống, và cái chết xẩy ra khi màng lưới rút về; do vậy màng lưới còn có tên là thể sinh lực.
Thể sinh lực có vai trò nhận động năng và các động năng này thúc đẩy thể có hoạt động. Trên thực tế thể phách chỉ là năng lực mà không là gì khác. Nó gồm vô số những dòng năng lực mỏng manh, hòa hợp với các thể khác. Những dòng năng lực này tác động lên thể xác và tới phiên nó khiến thể xác có sinh hoạt này hay kia, tùy theo tính chất và sức mạnh của bất cứ loại năng lực nào chi phối thể phách vào lúc ấy.
Giống như thể xác có dòng máu mang chất bổ dưỡng đến tế bào để nuôi cơ thể, và tín hiệu điện từ tế bào thần kinh truyền đi, điều khiển cử động hay ghi nhận cảm giác, năng lực trong thể phách cũng có hai loại, một là năng lực nuôi dưỡng được kinh sách Ấn gọi là prana, năng lực thứ hai gồm hai phần là cử động - cảm giác và hoạt động siêu hình.
Phần năng lực luân chuyển liên quan đến cử động - cảm giác là năng lực của dây thần kinh, đã được khoa sinh lý học nghiên cứu và mô tả kỹ. Nó không phải chỉ là luồng mơ hồ mà có tổ chức và định hướng, có nhịp liên hệ với hơi thở (điều này giải thích sự quan trọng của hơi thở trong việc giữ gìn sức khỏe và thăng bằng sinh lý của cơ thể), và luồng lực chẩy theo đường kinh đặc biệt. Những đường kinh này tương ứng với dây thần kinh, theo đó năng lực nuôi dưỡng truyền theo lớp myelin bao quanh dây, còn năng lực cử động - cảm giác chẩy ngay trong dây.
Thể sinh lực tạm thời rút ra khỏi thể xác khi có chụp thuốc mê, mất tri thức, sự trao đổi bình thường giữa thể xác và thể sinh lực ngưng lại trong một khoảng thời gian cho đến khi có tri thức trở lại. Trong lúc đó thể xác giữ được sự sống nhờ đường nối giữa hai thể gọi là sợi dây bạc (the silver cord), với luồng sinh lực vẫn còn chẩy trong đó nhưng với lượng giảm đi rất nhiều so với bình thường, tựa như dòng nước nhỏ trong ống nước bị nghẹt. Cái chết xẩy ra khi sợi dây kết nối bị đứt lìa hoàn toàn.
Sự hiện hình mà ta thường nghe nói trong các buổi cầu hồn là chất liệu ether rút từ đồng cốt và những người hiện diện trong phòng, được các tác nhân vô hình làm đông đặc lại; những tác nhân này biết cách uốn nắn và tạo hình cho hợp với ý định của họ. Tác nhân vô hình thuộc nhiều loại, đó có thể là tinh linh có tính ưa khuấy phá người làm vui, mà cũng có thể là người đã khuất muốn tiếp xúc với người ở cõi trần. Tuy chất liệu được rút ra khỏi thể sinh lực của những người trên, bao lâu mà họ còn sống thì chất liệu vẫn còn thuộc về họ do thói quen và việc sử dụng lâu ngày; có thể chất liệu vẫn được nối kết với thể xác của chủ nó dù rất mỏng manh. Khi tác nhân vô hình trả lại chất liệu tức khi việc hiện hình chấm dứt và hình tan rã, chất liệu tự động nhập trở lại vào thể sinh lực của chủ và sinh ra một số hệ quả sau:
- Bởi có sự hòa lẫn trong một lúc chất liệu từ nhiều người, mỗi chất liệu sẽ bị nhiễm không ít thì nhiều tính chất của chất liệu kẻ khác, và như vậy sau buổi hiện hình khi người tham dự thu lại chất liệu của mình, họ mang vào thể phách tính chất của người khác hoặc tốt hơn hoặc xấu hơn. Ấy là một lý do vì sao nên tránh các buổi cầu hồn.
- Cho dù chất liệu được trả lại sau khi bị rút ra, xáo trộn này thường khi gây mệt mỏi nặng nề sau đó cho người đồng, người tham dự và những triệu chứng khác; về lâu về dài chính đồng cốt phải trả giá đắt cho việc cầu hồn như sức khỏe bị suy giảm, trở nên rượu chè một phần vì giảm sinh lực nên họ uống rượu để có kích thích.

 

2. Các Trung Tâm Lực.

Một điều thường được ai có thông nhãn quan sát thể phách nhìn nhận, là trong thể có một số trung tâm lực tác động như là cửa ngõ qua đó cảm nhận và mọi hoạt động siêu hình khác liên hệ với hệ thần kinh của thể xác đi vào hoặc đi ra. Ta nên phân biệt trung tâm lực không phải là cơ quan cảm nhận chuyện siêu hình, vì trí não là cơ quan ấy. Người ta mô tả các trung tâm lực này có hình giống như cái loa, đầu hẹp gắn vào một điểm trọng yếu của xương sống trong thể xác, miệng loa vươn ra tới bìa của hào quang thể phách. Miệng có màng che chở rất mỏng, làm bằng chất liệu thanh căng ra bao phủ trọn phần loe ra, giống như miếng vải mỏng được căng ngang giàn âm thanh để ngăn không cho bụi rơi vào. Màng này tự nó không có vai trò gì trong việc cảm nhận, nó chỉ có phận sự chính yếu là che chở giống như mô liên kết phủ cương mô trong suốt của mắt, và tuy cương mô không can dự vào thị giác, sức khỏe của mắt tùy thuộc vào việc mô liên kết và cương mô được giữ toàn vẹn.
Quan sát kỹ hơn thì hình loa này không phải là do một cấu trúc cố định, mà do hai dòng lực năng lực siêu hình đan vào với nhau. Một dòng chẩy trong xương sống ra tâm của loa rồi lan ra ngoại biên theo hình xoắn ốc mở rộng, nó tượng trưng cho dòng cử động. Dòng thứ hai ấn sâu vào bề mặt của thể, xoắn vào trong và hẹp dần, đây là dòng tiếp nhận hay cảm xúc. Hai dòng chẩy song song với nhau nhưng theo hướng đối nghịch, ta có thể so sánh chúng như vòng xoắn của đinh ốc, nó cho cảm tưởng xoáy tròn, tựa như dòng nước của hồ nước xoáy. Đặc tính xoay tròn này khiến trung tâm có tên là luân xa (chakra), và đây chỉ là mô tả rất đơn giản phần cơ cấu phức tạp.
Khi dây thần kinh và ngũ quan tác động, nghiên cứu về sinh lý học thấy rằng chúng có thay đổi về điện. Cũng y vậy, cảm quan siêu hình hóa ra có điện nhiều hơn khi nó tác động, điện thế của nó gia tăng, làm như sự chú ý khiến năng lực tập trung vào cơ quan đặc biệt chịu ảnh hưởng. Luân xa vì vậy thấy như là phần nhậy cảm cao độ, trọng yếu của cơ chế, đáp ứng với mỗi thay đổi trong đời và sinh hoạt của cá nhân. Mỗi khi có hoạt động về trí tuệ hay tình cảm, luân xa này hay kia trong cơ thể hóa sáng lên và nở lớn còn luân xa khác lắng dịu lại, và bên trong mỗi luân xa có thay đổi khi năng lực trong đó lên xuống tùy theo có việc phát động tương đối mạnh hơn hoặc tiếp nhận có tính trầm hơn.
Có nhiều luân xa trong thể phách, ta có thể liệt kê những cái dùng nhiều nhất trong việc cảm nhận siêu hình hằng ngày như sau:
- ở cuối xương sống vùng xương thiêng, liên quan với luồng hỏa xà hay kundalini,
- ở lá lách, liên quan đến sinh lực thể chất,
- ở đáy bao tử gọi là huyệt đan điền (solar plexus)
-  luân xa tim, có miệng loe ra ở vùng tim
- luân xa cổ họng, có cuống xem ra gắn vào hành tủy (medulla oblongata)
- luân xa giữa hai chân mày liên quan đến tuyến não thùy (pituitary gland), được tượng trưng trong Ấn giáo qua điểm son giữa trán và con rắn trên trán trong nghệ thuật Ai Cập.
- luân xa đỉnh đầu được tượng trưng như là vương miện của vua, hào quang của thánh nhân hoặc phần nhô cao trên đầu các tượng Phật, muốn nói tới tùng quả tuyến (pineal gland).
Trừ hai luân xa đầu, năm luân xa sau được mô tả là dùng để ghi nhận những cảm giác siêu hình khác nhau, mỗi trung tâm lực tương ứng với cảm giác riêng, và cần có sự phân biệt rõ ràng giữa loại cảm giác và chính cơ quan. Thí dụ ta có thể tưởng tượng khung cảnh đầy mầu sắc và hình ảnh trong đầu không cần dùng đến mắt, và hoạt động trí não ấy diễn ra tốt nhất ở chỗ tối hay chỗ yên lặng. Chuyện cũng giống vậy về mặt siêu hình, khi cơ quan được sử dụng thì điều hay thấy là người ta dùng nó tốt nhất khi cơ quan tương ứng trong thể xác được cho ngơi nghỉ, chẳng hạn người có thông nhãn thích làm việc bằng thông nhãn với mắt nhắm, để phần thị giác siêu hình không bị rối loạn do ảnh hưởng của thị giác cõi trần.
Tương ứng giữa các luân xa và ngũ quan thấy như sau:
- huyệt đan điền liên quan đến xúc giác
- luân xa cổ họng liên quan đến thính giác
- luân xa đầu liên quan đến thị giác.
Ngoài ra ta chưa biết luân xa nào tương ứng với vị giác, khứu giác; mặt khác ta nên nhớ rằng cảm nhận đơn giản thuần trí não là tri thức trực tiếp và giản dị mà nhiều văn sĩ, nghệ sĩ và người khác biểu lộ.
Các nhận xét trên có được là do xác nhận gián tiếp, như người có thông nhãn khi làm việc quá nhiều thì bị nhức đầu (luân xa đầu), người có thông nhĩ dễ có bệnh ở cổ họng, và đa số người nhậy cảm thì có trục trặc về đường ruột và hệ giao cảm nói chung. Luân xa tim có vai trò đặc biệt liên hệ đến trực giác, hiểu biết, nhận định và cảm thông – nói tóm tắt là chuyện nằm ngoài cảm nhận thông thường. Mặc dầu vậy, ta luôn luôn nên nhớ rằng cái trí có tri giác thuần túy hay trực tiếp, còn cảm quan chỉ là thứ yếu so với tri thức này.

3. Tương quan giữa phần Siêu hình và Thể chất

Thể phách được xem là cầu nối giữa phần siêu hình và thể chất. Con người siêu hình tức trong các thể thanh có thể hành động, suy nghĩ và cảm nhận độc lập bên ngoài thể xác, nhưng muốn đem những sinh hoạt này vào tâm thức hồng trần thì phải dùng cầu nối từ thế giới siêu hình sang thế giới vật chất, bởi thể phách đóng vai trò trung gian này nên nó rất quan trọng. Một đầu của cây cầu là thế giới siêu hình, đầu bên kia là hệ thần kinh trung ương; có hai dòng chẩy ngang qua cầu, một là hệ giao cảm và cái kia là hệ não tủy. Hai đường hướng này cho ra siêu hình tích cực và tiêu cực mà muốn thấu đáo, ta phải có hình ảnh rõ ràng về hai dòng và ảnh hưởng của chúng với người liên hệ.
Để giải thích thì trong thiên nhiên hệ thần kinh trung ương nơi loài vật phát triển theo hai đường chính.  Ở loài côn trùng hệ giao cảm có tính quan trọng hơn cả, chúng không có não bộ hay tủy sống mà các hạch giao cảm điều khiển sinh vật. Động vật có xương sống cũng có hệ giao cảm nhưng các hoạt động cao hơn của chúng thì do não và tủy sống quản trị. Lấy huyệt đan điền làm thí dụ về các tính chất ấy, ta cần phân biệt hai điều về cơ quan này; một là luân xa hay giác quan siêu hình về cảm xúc, cảm giác, và hai là hệ thống dây và hạch thần kinh. Phần sau gộp lại thành não bộ của hệ thần kinh giao cảm có phận sự điều hòa sinh hoạt của thân xác. Nó tương tác với hệ đối giao cảm hay thần kinh sọ thứ X, và cả hai hệ (giao cảm và đối giao cảm) hợp thành hệ thần kinh tự động. Sự dao động tạo thăng bằng giữa hai hệ làm điều chỉnh huyết áp, sự tiêu hóa, nhịp tim và nói tổng quát là sự biến dưỡng (metabolism) của trọn cơ thể và mỗi phần cơ thể người hay vật. Trong khi đó hệ não tủy điều khiển những hoạt động bên ngoài của động vật có xương sống như cảm giác, cử động, tư thế, thăng bằng và nhiều yếu tố quản trị sự liên hệ của nó với thế giới bên ngoài.
Nhìn sự việc theo luật tiến hóa thì con người đi từ sự phát triển sơ khai là trí não chưa phát triển, sống bằng bản năng và chịu sự điều khiển của hệ thần kinh tự động, sang giai đoạn trí tuệ nẩy nở cao độ, có tri thức và sử dụng hệ não tủy. Tương ứng với hai tính chất này là tính siêu hình tiêu cực và tích cực. Ở giai đoạn đầu lúc trí năng còn phôi thai ta có tính siêu hình tiêu cực, với những nét chính là không kiểm soát, không rạch ròi. Thường thường người có khả năng này không phân biệt được điều chi là sản phẩm của chính trí não họ, và điều chi thực ra là chuyện siêu hình nằm ngoài họ. Cảm nhận siêu hình tiêu cực ít khi tới trí não mà nhiều phần sẽ sinh ra phản ứng vô thức, cơ chế nó liên hệ với hệ thần kinh tự động, đặc biệt là huyệt đan điền. Ngược lại tính siêu hình tích cực được con người điều khiển một cách hữu ý, nắm quyền kiểm soát; nó có óc phân biện, chịu suy xét và phản ứng có cân nhắc. Cơ chế của nó liên quan đến hệ não tủy và  trụ ở đầu còn huyệt đan điền chỉ là thứ yếu.
Con người bước từ giai đoạn tiêu cực sang tích cực khi bắt đầu dùng trí thông minh để phân tích điều họ cảm nhận ở cõi siêu hình. Giai đoạn đầu thường thấy nơi đa số những đồng cốt đặc biệt ai xuất hồn, họ cảm biết sự việc ở cõi siêu hình nhưng không phân biệt rõ điều gì họ thấy và điều gì họ thêm vào đó từ trí óc của mình. Tính siêu hình tích cực có nét khách quan hơn. Người ta có được hiểu biết qua não bộ và hiểu biết này rõ ràng, chuyên chú như hiểu biết ở cõi trần ghi nhận qua hệ não tủy. Ta không có sự lầm lộn giữa điều cảm biết và phản ứng của tâm trí con người đối với chuyện, cũng như hình ảnh không bị biến dạng.
Để mô tả sự khác biệt giữa hai phản ứng này, hãy thử tưởng tượng có người mới qua đời thấy hoang mang, rầu rĩ vì đột nhiên mất thể xác. Họ bước vào phòng có nhiều người sống tụ trong đó, những người này có mức độ cảm nhận khác nhau và mỗi người đáp ứng tùy theo mức phát triển siêu hình của họ. Ai có tính siêu hình tiêu cực, cảm nhận ở mức sơ khai còn mơ hồ không định hướng, rất có thể thấy rầu rĩ, không chừng thấy rùng mình lạnh người và không thể giải thích tại sao họ cảm thấy như vậy. Họ không thể gạt bỏ được cảm giác chán nản bao phủ người họ.
Đối lại người có định hướng, tự chủ, cảm nhận việc siêu hình thì sẽ xem chuyện người đã khuất bước vào phòng như là chuyện xẩy ra bên ngoài họ, và có thể thản nhiên nói:
- Có người 'chết' vừa vào phòng, họ bị hoang mang và sầu não, không vui vì không còn thân xác.
Anh cũng có thể mô tả rõ ràng người đã khuất và luôn cả những chi tiết khác về họ. Điểm quan trọng muốn nói là anh quan sát sự kiện như là chuyện xẩy ra bên ngoài mình, không vướng mắc vào tình cảm mà người khách vào phòng phát ra, và cũng không đồng hóa mình phần nào với người ấy. Khả năng của người có tính siêu hình tích cực biết phân tích những quan sát của mình, giữ được nét khách quan thay vì bị nó lôi cuốn và hóa ra chủ quan, sự chủ động  này được thấy qua câu chuyện sau của người có thông nhãn và sử dụng nó thành thạo.
Cô được mời dự buổi diễn thuyết của một văn sĩ có tiếng và yêu cầu thuật lại hiện tượng xẩy ra trong buổi nói chuyện nếu có. Cô không biết diễn giả mà cũng không có tài liệu nào sẵn để đọc trước. Trong một khoảng thời gian diễn giả nói về thi ca một cách tổng quát và không nhấn mạnh tới một ý nào, rồi cô để ý thấy một hình sáng bắt đầu hiện ra bên trái của hào quang diễn giả. Mới đầu nó chỉ là một cột chất hơi như sương mỏng manh trắng đục, lúc rõ lúc mờ, dần dần khối mờ nhạt bắt đầu có hình dạng và khi diễn giả có hứng với đề tài thì khối ấy biến thành hình dạng nhận ra được của một thanh niên.
Diễn giả khai triển đề tài chính của mình là ca ngợi tác phẩm của một thi sĩ hiện đại, người mà ông rất hâm mộ. Khi ông thao thao như vậy thì hình mơ hồ ở một bên ông có đường nét rõ rệt hơn, cho ra vóc dáng quen quen với người đang dùng thông nhãn quan sát. Càng lúc nó càng sống động từ từ như thật và trở nên linh hoạt phần nào. Diễn giả nói:
- Nay tôi sẽ kết luận bằng cách đọc cho quý vị vài bài thơ mà thi sĩ X đã viết không lâu trước khi anh qua đời.
và ông tiếp tục nhấn mạnh lần nữa về nét mỹ lệ và tâm tình sâu sắc của thi sĩ. Thấy rõ là lòng nhiệt thành của ông không chỉ giới hạn vào tác phẩm của thi sĩ X, mà ông còn rất quan tâm đến thi sĩ như là một con người. Khi ông hăng say bàn luận thì hình bằng chất liệu thanh hóa rõ ràng hơn nữa. Đột nhiên cô nhận ra đó là ai, nó là hình giống y bức ảnh của thi sĩ nằm ở trang đầu tuyển tập thơ của anh. Về sau khi buổi diễn thuyết đã xong và tâm trí diễn giả hướng sang chuyện khác như chào hỏi bạn bè, trả lời thắc mắc v.v., hình này dần dần tan rã. Nó mất đường nét xác định và chất liệu cấu tạo nên hình rút trở vào bên trong hào quang diễn giả, nơi nó tuôn ra lúc ban đầu.
Hóa ra đó không phải là linh hồn của chính thi sĩ mà chỉ là hình ảnh do tư tưởng và cảm xúc của diễn giả tạo nên. Ông có trong tâm trí hình của thi sĩ dựa theo ảnh chụp trong sách, và khi ông trưng ra nhiệt tâm của mình, ông làm theo đúng nghĩa đen là bầy tỏ hình ảnh của nhân vật ông đang nói, bằng chính chất liệu từ thể thanh của ông. Hiện tượng như vậy là chuyện hay thấy, và nếu trong buổi cầu hồn mà người đồng bảo ai đó trong cử tọa rằng 'Có một bà tóc bạc đứng cạnh ông', rồi đưa chi tiết làm ông khách buột miệng nói ngay 'Mẹ tôi đó !', thì nhiều phần ấy là hình tư tưởng mà không phải là người đã khuất chút nào.
Ý của chuyện là muốn có thể phân biệt rõ rệt giữa hình ảnh và người thật đã qua đời thì ta phải có thể phách làm nhịp cầu vững vàng cho trí năng, điều mà ai có cảm nhận siêu hình tiêu cực không đạt được vậy. Chỉ khi nào cầu nối ấy có thể giữ cho ổn định, thăng bằng thì hình ảnh cảm nhận qua đó mới không bị biến dạng và chi tiết được ghi lại rõ ràng. Thể sinh lực có phận sự trên thực tế là tấm gương ảo thuật, nó cần phải sạch bụi và trơn láng, không bị lấm vấy hay trầy trụa. Hình được trong trẻo hay không còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác, mà quan trọng hơn hết là khả năng trí tuệ của người nhận để truyền và chú mục vào hình ảnh trên bức màn.
Người có thông nhãn và biết sử dụng khéo léo khi quan sát cách làm việc của ai có tính siêu hình tiêu cực, thấy rằng cấu trúc của thể phách không được vững chắc, và những dòng năng lực trong đó rất dễ bị kích thích bên ngoài hay tình cảm riêng chi phối, làm chúng lạc hướng và kết quả là có những dòng khác thường và chẩy đâm vào nhau. Những dòng này có vẻ như là nguyên do căn bản của sức khỏe tâm thần suy yếu. Trong điều kiện đó, tự nhiên là cảm nhận bị rối loạn, xáo trộn, con người như đứng ở ngã sáu trong đô thị giữa những dòng xe cộ đối nghịch nhau, chẳng những họ có phản ứng tâm lý không ý thức, mà còn chịu ảnh hưởng của những lực siêu hình do cơ thể nhậy cảm, các luân xa trong thể không có sự tự chủ mà đáp ứng với bất cứ  kích thích nào, như cối xay gió chịu sự tác động của bất cứ luồng gió nào thổi tới.
Lực đầu tiên được dùng để kiểm soát phản ứng của một luân xa đối với kích thích là trí năng chủ động có định hướng, nó nắm chắc dòng năng lực con người phát ra và giữ cho dòng đi đúng hướng, nói khác đi con người hành động có chủ đích. Nơi người có sự nhậy cảm siêu hình thụ động, luân xa thuần về việc tiếp nhận thì những đường lực đi vào và đi ra không hòa hợp với nhau, kết quả là cơ chế thiếu sự mềm dẻo và thiếu cường độ. Ngược lại khi lực được trí tuệ hướng dẫn, hai đường lực có sự phân biệt rõ rệt cũng như có sự tương giao vững vàng giữa hai đường. Một tình trạng thì giống như vớ gió ở sân bay, dịu oặt và rũ xuống khi không có gió từ ngoài thổi vào, còn tình trạng kia như cái loa phóng thanh cứng chắc, giữ được hình dạng của nó luôn luôn mà không tùy thuộc vào những yếu tố bất chừng bên ngoài.

Trong những kỳ sau ta sẽ nói về cơ chế hoạt động, các tình trạng và một số vấn đề siêu hình.
.....

Theo Our Psychic Sense,
Phoebe and Laurence Bendit.

Các Bài Liên Quan:

leaf1leaf1egyptgeesleaf1