THỂ PHÁCH
Vài Quan Sát
Thể phách chịu sự chi phối mạnh mẽ của những điều kiện về thể chất như tình trạng sức khỏe, dinh dưỡng, vệ sinh, tâm tình. Nói khác đi những điều kiện này cho phản ảnh rõ ràng qua tình trạng của thể sinh lực, và ai nhiều kinh nghiệm khi nhìn vào thể sau có thể cho nhận xét chi tiết về tâm lý của cá nhân. Thí dụ là một ai thiếu ăn hoặc ăn quá nhiều, trúng độc, dùng ma túy, hút thuốc, có tập thể dục quá nhiều hoặc quá ít chẳng những cho ra tai hại tương ứng trong thể sinh lực, mà thái độ của họ trong đời cũng bị ảnh hưởng y vậy. Ai xa lánh đời, từ chối không đối đầu với những vấn đề của đời sống sẽ dần dần sinh ra thể sinh lực không mầu, dòng sinh lực bớt linh động, sự sống hóa chậm lại và sau một thời gian, thay vì có thể sinh lực sáng rõ, hào quang lại trông giống như sương mỏng mầu xám.
Ngược lại, ai luôn luôn ham muốn tìm kinh nghiệm sống bên ngoài, gây căng thẳng cho hào quang khiến nó bị hao hụt vì bị thúc đẩy quá mức về mặt tâm lý, hoặc nó bị kéo căng và méo mó hình dạng vì bị lôi kéo cùng lúc về nhiều hướng khác nhau. Trong trường hợp đầu thể có khuynh hướng hư hại, hóa dòn mỏng như chao đèn bằng lụa để quá gần bóng đèn nóng; với trường hợp sau nó bắt đầu bị rỉ, để sinh lực hao tán vô ích ra ngoài thay vì phải được giữ kín bên trong. Người như vậy sẽ hóa đau ốm, người đầu thường bị kiệt sức thình lình, người sau bị mệt mỏi vô cớ càng lúc càng tăng.
Sức khỏe kém thường biểu lộ trong trọn thể phách, nhưng bệnh tật ở một chỗ rõ rệt vừa cho ra thay đổi tại chỗ mà cùng lúc làm xáo trộn toàn thể. Theo cách đó nơi bị trầy hay bầm lộ ra rõ trên thể xác lẫn thể sinh lực, dưới hình thức là dòng sinh lực bị mất nhịp nơi có thương tích. Với bệnh nặng hoặc có sưng lớn, tình trạng lộ ra là vùng sinh lực bị rối loạn nhưng chỉ giới hạn tại chỗ, và người ta thấy được xáo trộn này một thời gian dài trong thể phách trước khi có dấu hiệu là cơ quan có bệnh. Mới đầu nó hiện ra như là một khoảng đường lực bị rối loạn trong vùng bên trên cơ quan có bệnh. Nhịp luân lưu bị hư, hóa ra không đều và có những xoáy nhỏ hiện ra, trong đó chất bã tích tụ thay vì bị đẩy ra ngoài, hình ảnh giống như xoáy nước trong sông. Mầu tự nhiên của thể bị biến mất, tính chất của trọn thể hóa đặc hơn khi chất bã cô đọng, tựa như bùn lắng dưới đáy sông. Sự luân lưu chậm lại cho tới khi thực sự có tắc nghẽn, như nước ao tù đọng một chỗ không có đường thoát. Rồi tới một lúc trọn tiến trình kết tụ nơi cõi trần trong các mô và bệnh của cơ quan hiện rõ.
Khi bệnh không thuộc loại trì trệ tù hãm như vừa nói, thì sự việc diễn biến theo cách khác, lấy thí dụ bệnh lao ở phổi, màng lưới sinh lực trở thành sinh động quá mức và căng thẳng rất rõ. Nó hóa cứng, mỏng, không còn có thể chứa đựng lượng sinh lực như trước kia, cuối cùng thể bị suy sụp tựa như vải mỏng bị kéo quá căng. Nơi mà thể bị rách cho ra hệ quả trong thể xác là mô chết khô và phổi bị ăn rỗng nơi đó.
Nếu xem kỹ cơ chế về mặt sinh lực của mô và cơ cấu thuộc thể xác, ta sẽ thấy trong thể phách có những đường lực khác nhau, chứa sinh lực có tần số khác biệt. Chúng tương tác và đối kháng nhau cho ra kết quả là hoặc mô tăng trưởng, được khỏe mạnh, hoặc bị hư hoại theo tuổi và sức khỏe nói chung. Lấy thí dụ như mô xương, người có thông nhãn thấy rằng ngoài mạch máu, phần thể phách của xương gồm hai dòng sinh lực chẩy theo hướng đối nghịch, một dòng có tính xây dựng và dòng kia có tính hủy hoại, sự quân bình của hai dòng cho ra tình trạng của mô xương. Nếu dòng xây dựng mạnh hơn như thấy ở trẻ con thì xương tăng trưởng, khi hai dòng cân bằng nhau thì con người lành mạnh như tuổi thanh niên, nếu dòng hủy hoại trội hơn khi ta lớn tuổi dần thì xương bắt đầu thoái hóa, trở nên dòn mỏng và dễ gẫy. Có vẻ như nguyên tắc này áp dụng cho tất cả các mô trong cơ thể, ngoại trừ hệ thần kinh. Cái sau là trường hợp đặc biệt vì nó có liên hệ đến tâm thức.
Mọi loại bệnh đều có thể được chẩn bệnh ở thể phách nếu người quan sát có khả năng phân biện, thêm vào đó rối loạn trong thể thường xẩy ra một thời gian trước khi bệnh tật hiện ra rõ ràng. Nó có nghĩa khi sắp có bệnh nặng thí dụ như ung thư, người ta thấy được khuynh hướng này trước khi phương pháp y khoa thông thường có thể định bệnh là sắp có ung thư, chưa kể tới việc có mọc bướu thật sự. Khi khác rối loạn tổng quát của thể xẩy ra vài ngày trước khi bắt đầu bệnh cấp tính và ngắn hạn thí dụ như lên cơn sốt, hoặc thấy trước một thời gian dài hơn trước khi có bệnh kinh niên lộ ra.
Nhìn chung thì có thể phân loại bệnh là có dư thừa sinh lực và mức sinh hoạt, mô có khuynh hướng suy sụp vì hoạt động quá độ, với những bệnh khác có ít hơn và bệnh nhân có tính uể oải, các mô trì trệ. Cách phân loại này phù hợp với đông y, lấy thí dụ bệnh lao là bệnh gây tiêu hủy còn phong thấp là bệnh có tính tù hãm, ối đọng; nó cũng rõ ràng với bệnh tâm thần, như tật cuồng (mania) so với chứng trầm cảm, tính thờ ơ không thiết tha với cuộc sống và tâm thần phân liệt (schizophrenia).
Dây liên kết.
Có hai trường hợp mà sự liên kết tâm thần được thấy rõ giữa những ai liên hệ, một là về tình dục và một là giữa hai mẹ con.
Quan sát thấy là khi giao hợp thì trong một khoảng thời gian thể sinh lực của đôi bên hòa lẫn vào nhau, mức độ hòa hợp nhiều hay ít tùy thuộc vào tình cảm và trí tuệ hai người tương đồng ra sao. Sau đó mỗi bên trở lại là cá nhân có thể riêng biệt như trước, nhưng có dây từ lực nối liền, sâu đậm và hiện hữu lâu; mà cũng có thể chỉ hời hợt, thoảng qua. Đây là trường hợp của đa số những liên hệ qua đường, và là một lý do quan trọng của sự hoang mang tâm thần, nó gần như luôn luôn làm ai hoang dâm cảm thấy không có hạnh phúc. Nếu mối liên hệ dẫn tới việc có con thì dây liên kết trở nên mạnh hơn và còn đó lâu hơn, cho dù người trong cuộc không ý thức. Đôi bên có thể chia tay và không bao giờ gặp nhau nữa, nhưng việc tượng hình sinh con khiến có dây kết nối.
Loại thứ hai liên hệ đến mẹ và con. So sánh với lúc có mang thì thai nhi vừa nằm trong bụng mẹ, mà cũng vừa được bao phủ trong bầu không khí tâm linh của bà. Tuy nhiên khi sinh ra, em bé trở thành cá nhân tách lìa với mẹ trọn vẹn về mặt thể xác mà không tách lìa hoàn toàn về mặt tâm linh; nói khác đi sự sinh về mặt thể xác (tức có tách lìa) không trùng hợp với sự sinh về mặt tâm linh, và cái sau hay sự tách lìa hoàn toàn về tâm linh không nên xẩy ra lúc em bé chào đời.
Cho con bú mẹ là một cách làm vững mạnh tâm linh của trẻ và đồng thời củng cố dây liên kết. Việc trùng hợp tốt đẹp là về mặt sức khỏe, trẻ nuôi bằng sữa mẹ được hưởng thuận lợi như có sức miễn nhiễm cao. Trẻ được bồng ẵm lúc cho bú còn là hình thức kích thích xúc giác khi được đụng chạm làm trẻ an tâm vui vẻ, mà đồng thời cũng rất lợi ích cho tâm thần. Vì vậy khi không thể cho bú mẹ thì nên bế trẻ trên lòng lúc cho bú, thay vì đặt em nằm trong nôi. Sự bồng bế nựng nịu ngoài việc quan trọng là giúp trẻ phát triển đáp ứng với cảm giác của cơ thể, mà còn được xem là giúp cho tiến trình linh hồn đi vào ngụ trong thể xác mới được dễ dàng hơn. Để trẻ nằm trong nôi bú một mình là làm em bị thiếu kích thích xúc giác, lẫn không có tiếp xúc và kinh nghiệm tâm linh mà em cần.
Về mặt sinh lực, cho con bú mẹ là cho trẻ cả sữa nuôi dưỡng thể xác lẫn sinh lực ether nuôi dưỡng thể phách. Nếu không được vậy thì sự gần gũi giữa thân thể trẻ và mẹ bù đắp phần nào cho việc không bú mẹ. Khi trẻ lớn dần và phát triển nhiều thêm về tâm lý, cá nhân nay bớt trụ vào thể xác thì dây liên kết tâm linh với cha mẹ giảm bớt, tuy nhiên sự liên kết này cho ảnh hưởng tâm lý rất mạnh lúc trẻ còn nhỏ nên cần nói thêm vài điều. Trong những năm đầu đời, thể phách của trẻ chưa được bảo vệ kỹ với tác động bên ngoài, làm như nó mở rộng cửa tiếp nhận mọi rung động bên ngoài, và do đó dễ dàng bị chi phối một cách tích cực hoặc tiêu cực.
Thí dụ nêu ra là cảnh sống trong gia đình có thể nghèo nàn, lôi thôi và ngay cả thiếu vệ sinh, những điều này có thể ảnh hưởng mặt thể chất, nhưng bầu không khí nồng ấm, có tình thương chân thật sẽ bảo vệ làm trẻ không bị căng thẳng, lo lắng về mặt tâm lý, giúp em tăng trưởng tình cảm một cách an tâm không sợ cuộc đời. Ngược lại, nếu có đời sống vật chất đầy đủ mà cha mẹ không có tình thương sâu đậm hay thật tình với nhau, hay ngay cả khi thân nhân trong gia đình bất hòa, những điều này làm bầu không khí không an tâm và xào xáo.
Người lớn nghĩ rằng nếu trẻ không thấy, không nghe cãi cọ, hành vi giận dữ, ghét bỏ của cha mẹ với nhau thì em không biết, nhưng sự thực khác xa vậy. Sự nhậy cảm về mặt tâm linh khiến trẻ ghi nhận các rung động trong bầu không khí và phản ứng theo. Tính dễ cảm này là do trẻ chưa phân biệt về mặt tâm lý và tâm linh rằng em khác với môi trường và người khác; ý thức về cái ngã chưa phát triển nên trẻ lẫn lộn và hoang mang. Nhìn bằng thông nhãn thì các luân xa mở rộng mà không có cơ chế bảo vệ, giống như cửa sổ nhà trống hốc chưa gắn kính. Ảnh hưởng thấy là khi người lớn nổi cơn giận dữ la hét, tiếng la gây chấn động mạnh cho trọn thể phách của em không khác nào chấn động ở cõi vật chất gây cho thể xác; khi khác nỗi đau khổ và rầu rĩ lan ra, bao phủ hào quang của trẻ giống như sương mù ùa qua cửa mở vào nhà.
Điểm chót muốn nói về dây liên kết mẹ con là có bà mẹ khi biết điều này đã tỏ ra hết sức cẩn thận không làm cho nó đứt đoạn với con nhỏ. Từ lúc em bé được khoảng chín tháng, bà có thói quen nói cho con hay khi nào mình có chuyện đi ra ngoài, và đi đâu. Bà biết về mặt trí tuệ làm như vậy là việc điên rồ nhưng tin tưởng là bằng cách nào đó, việc cho trẻ sự an tâm về mặt tâm linh. Ta không biết cách này đúng tới bực nào, chỉ biết kết quả là trẻ lớn lên an tâm, không sợ hãi,
Đối nghịch lại, một bà mẹ khác có thói quen không khôn ngoan là cho con chơi bận rộn rồi thừa lúc trẻ mải mê, bà lẻn đi để con không biết là mẹ đã vắng nhà. Nhiều năm về sau, trẻ than phiền là cách xử sự này làm em mất liên kết về mặt tâm linh với mẹ. Điều này cho cha mẹ giải thích vì sao họ gặp nhiều khó khăn với con, nhất là về tính khí dễ nổi cơn và có tính sợ hãi. Bởi ngoài sự kiện trên, họ không thấy có lý do tâm lý nào khác thường.
Luân xa (Chakras, còn gọi là huyệt đạo)
Luân xa có vai trò hết sức quan trọng về mặt sinh hoạt của thể sinh lực nói riêng, và nói riêng cho tất cả những thể thanh. Trên thực tế chúng là những cơ quan cho con người tâm linh biểu lộ qua thể phách và từ đây biểu lộ nơi cõi trần. Nói chung thì hệ thống các luân xa cần phải được quân bằng, mỗi cái phản ảnh một loại sinh hoạt tâm linh, còn gộp chung thì chúng là biểu hiện cho trọn cá nhân đang linh hoạt. Con người tâm linh không cho ra được tác động gì nơi cõi trần nếu không nhờ luân xa.
Lấy thí dụ nếu huyệt đan điền (solar plexus) bị tê liệt do ức chế tâm linh hoặc do sử dụng ma túy v.v., người ta không cảm nhận được tình cảm trong tâm thức cõi trần; còn khi các huyệt ở đầu bị ức chế thì tư tưởng hoặc trực giác bị chặn lại. Phân tách từng huyệt là vậy nhưng bởi hệ thống luân xa liên kết chặt chẽ với nhau nên khi tư tưởng minh bạch bị tê liệt thí dụ do uống rượu, sự kềm chế thường ngày đối với huyệt đan điền bị giảm thiểu, tình cảm sơ khai và sinh hoạt của huyệt sẽ tăng bội.
Luân xa cũng có liên hệ sâu xa với hệ thống các tuyến tiết kích thích tố, mỗi khi có thay đổi lớn về kích thích tố nói chung như trong giai đoạn dậy thì, hoặc một kích thích tố nói riêng như trường hợp có bệnh, trước đó có sự thay đổi tương ứng trong luân xa, hoặc sự cân bằng giữa những luân xa. Chuyện lý thú đáng nói là với việc mỗi tuyến nội tiết tương ứng với luân xa thường có hai hoạt động (thí dụ tuyến giáp trạng có tuyến phó giáp trạng đi kèm, thyroid và parathyroid), khi quan sát bằng thông nhãn ta thấy có hai dòng lực đan lẫn vào nhau chẩy theo hướng đối nghịch, một lực có thể gọi là âm và lực kia là dương, tương ứng với hai tác động của tuyến nội tiết liên hệ với luân xa. Đây chỉ là nhận xét tổng quát, vì lý do giản dị là ta chưa biết hết về hoạt động của các tuyến nội tiết và kích thích tố trong người, và lại càng biết rất ít về các luân xa.
Hình dạng, cơ cấu chi tiết và cách hoạt động của luân xa cũng thay đổi theo với tâm thức của mỗi tuổi, thay đổi từng lúc tùy theo con người đang làm việc chi, như suy nghĩ, tham thiền, có cảm xúc mạnh mẽ về một điều gì. Thế thì nơi em bé lúc tâm thức còn mơ màng, giản dị, ta chỉ thấy luân xa như là lõm nhỏ trên bề mặt của thể sinh lực, và từ lõm này có một cuống mỏng nối vào xương sống hay trung tâm thần kinh tương ứng với luân xa. Về sau khi tâm thức phát triển dần, hành động ý thức ngày càng nhiều, luân xa hóa sâu hơn, rộng hơn, nổi bật hẳn so với bề mặt của thể sinh lực. Hơn thế nữa, ở em bé tâm thức mở rộng đối với ngoại cảnh, ta không thấy có màng che chở bao phủ đầy đủ bề mặt lõm của luân xa. Khi luân xa phát triển đầy đủ và làm việc tốt đẹp, ta thấy có một màng bằng chất ether phủ miệng lõm như loa kèn của luân xa, tác động như là màng lọc những cảm nhận trong cõi siêu hình, không cho phép mọi chuyện đi qua vào tâm thức cõi trần mà có sự chọn lựa và ngăn chặn.
Nói thêm thì khi trẻ càng lúc càng có ý thức mạnh hơn về cái tôi, thể phách có đường nét rõ rệt dần, nhất là quanh đầu so với trẻ chưa có ý thức này, chuyện hay thấy vào lúc trẻ được bẩy tuổi; nhắc lại thì lúc mới sinh luân xa chỉ là một lõm nông trên bề mặt của hào quang với cuống hướng ra phía sau gắn vào xương sống của thể phách. Dần dần lõm hóa sâu hơn thành giống như hoa loa kèn, với những đường năng lực ether rất mảnh, đan lại thành một màng mỏng phủ miệng loe ra của luân xa. Mặt khác một số trẻ cảm nhận ý niệm đó từ lúc mới sinh và hình dạng sắc nét của hào quang quanh đầu xuất hiện rất sớm, không cần phải đợi tới bẩy tuổi.. Màng này có vai trò đặc biệt là lọc những tác động của thế giới siêu hình và giới hạn điều gì có thể đi vào tâm thức cõi trần. Theo cách đó, chẳng những màng chặn lại xâm nhập từ cõi vật chất mà luôn cả cõi vô hình và cơ chế nhìn nhận ý kiến nói rằng người điên loạn có tâm lý của trẻ nhỏ là đúng. Giải thích thì nhìn theo cảnh ether, khi thể phách và nhất là luân xa bị hư hại nặng, con người không còn khả năng kháng cự y như trẻ nhỏ không được bảo vệ, và họ không nắm vững được thực tại một cách khách quan.
Khi luân xa bị hư hại, hoặc khi phần tâm linh tương ứng của cá nhân không phát triển thì màng này có hình dạng méo mó hoặc không toàn vẹn. Tổn hại có thể xẩy ra do chấn động, ghiền ma túy, tham thiền không đúng cách, liên lạc đồng bóng, tập thở theo hatha yoga v.v. , tóm tắt là do lạm dụng hoặc tai nạn. Trường hợp khác là tâm thức phát triển không đồng đều, do luân xa vẫn còn giữ hình dạng sơ sài ở trong giai đoạn trẻ thơ, không được phát triển thành hình dạng đúng mức.
Thí dụ là người trí thức cao độ mà tình cảm nông cạn như trẻ nhỏ, có thể có huyệt đan điền nông, không được che chở khiến cho họ dễ mất bình tĩnh, thiếu kiểm soát. Người khác rất thông minh mà thiếu khả năng sáng tạo có thể có luân xa cổ họng chưa nẩy nở, do đó thỉnh thoảng bị mất tiếng, còn giọng nói bình thường có thể mỏng, cao và có vẻ giả tạo. Bệnh tim có thể truy ra là có liên hệ với luân xa tương ứng, thiếu khả năng thương yêu v.v.
Luân xa vì vậy đóng một vai trò quan trọng trong thể phách, vì qua đó năng lực ether đi vào thể và cân bằng với năng lực thể chất, tạo nên sức khỏe cơ thể. Về mặt này, dinh dưỡng và vệ sinh là yếu tố cần thiết tạo nên cơ cấu của mô, còn sự ổn định tâm linh và tinh thần giúp cho phận sự của mô. Hai yếu tố cơ cấu và phận sự sinh ra sức khỏe hay bệnh tật tùy theo chúng cân bằng hay không.
Nhịp thở.
Cách thở cho ảnh hưởng sâu xa đối với sự quân bình của sức khỏe tâm linh, chẳng những hơi thở cần cho phổi thông khí đầy đủ, mà thở cũng tác động như là một cái bơm cho tim để luân lưu năng lực thiết yếu cho cơ thể. Nhịp thở trực tiếp đi theo tâm trí con người vào mỗi lúc, có nghĩa tư tưởng rất quan trọng trong việc sinh ra thăng bằng hay không trong thể phách, và ấn định là thể có dự trữ năng lực được hay không. Ta có thể thấy khó có thể tin là cách thở của mỗi người lại có thể cho ra khác biệt lớn lao về tính chất và tính sinh động nói chung của trọn thể sinh lực, đó là chưa nói tới hình dạng khác biệt rõ ràng khi quan sát bằng thông nhãn. Điều ta cần nhớ là cách thở của mỗi người không phải chỉ là thói quen tự động của thể xác, mà tâm tính và tâm linh cũng quản trị nó phần lớn.
Thí dụ là ai hay lo lắng, sợ hãi ít khi thở hơi sâu tự nhiên, mà thường thấy là thở không đều lúc mạnh lúc yếu. Điều này sinh ra nhịp không đều trong thể phách, phá đi nhịp đều đặn và cho ra hình ảnh uốn lượn đứt khúc, hay thấy có mầu xám đục. Ai kinh nghiệm sẽ hiểu sự việc muốn nói sinh lực không chắc chắn mà có lẽ nhân vật làm việc không đều, lúc hứng chí thì hăng say rồi đột nhiên đâm chán và buông bỏ.
Ai khác có thể bị áp lực về thể chất khiến tâm lý căng thẳng, sẽ mau lẹ sinh ra thói quen thở hơi ngắn và mau, chỉ dùng phần đỉnh của phổi thay vì luôn cả phần dưới. Trong trường hợp này thể sinh lực căng lại, hóa cứng và trọn cơ cấu không được mềm dẻo; tình trạng làm cho nó không thể nào dự trữ năng lực, thể có được phần nào thì tiêu dùng ngay phần ấy. Kết quả là thể mất đi độ cứng và mầu sắc cho tới một lúc khi căng thẳng quá mức thì trọn thể suy sụp hoặc tạm thời hoặc lâu dài, không còn khả năng chứa đựng sinh lực cần thiết để sống mạnh khỏe.
Cảnh đối nghịch là người sống và làm việc theo nhịp của mình, không để cho bị thúc hối. Họ thường là người tánh tình vững chãi, và hệ quả là thể sinh lực có năng lực ether loại nặng hơn; bởi hơi thở của anh sâu và chậm, anh có thêm được sự ổn định rất cần. Hình dạng của thể phách trông giống như hồ nước yên tĩnh mầu xám bạc, chuyển động trong thể chậm nhưng theo sát nhịp của người sinh ra nó.
Hoạt Động Nhóm.
Hiện tượng về nhóm, hành vi theo bầy là đề tài nghiên cứu đã có từ lâu trong hai ngành tâm lý và xã hội học. Quan sát thấy là có những lúc đám đông tỏ ra thờ ơ, rời rạc, mà khi khác đột nhiên một nhóm người hay có khi cả một quốc gia kết hợp lại thành một thực thể chung, có thể làm được nhiều chuyện, từ cao cả nhất đến xấu xa nhất.
Nhìn theo bầu không khí ether, sự khác biệt giữa cá nhân và một nhóm tùy thuộc việc có hay không có một hào quang chung bao trùm. Đám đông người đi trên hè phố gồm nhiều cá nhân riêng rẽ, mỗi người ở trong bầu hào quang của mình, và có tâm trí riêng phân biệt. Bên cạnh tâm trí riêng biệt ấy còn có cái trí chung, trong đó cá nhân hòa vào bầu tâm tưởng và cảm xúc tổng quát. Có hai yếu tố can dự nơi đây, một là sự gần gũi, chung đụng. Ở nơi trống trải, nếu một nhóm người tụ vào một vật gì hay tham dự một sinh hoạt chung thì có hào quang nhóm thành hình, và nó tiếp tục hiện hữu bao lâu người ta còn chú tâm.
Thế thì buổi hòa nhạc hay diễn kịch hội đủ hai yếu tố này, là sự thân cận trong khoảng không gian khép kín và có tâm điểm lôi cuốn sức chú ý của mọi người, và chẳng bao lâu thì một bầu không khí nhóm được tạo nên. Cũng y vậy, một tai nạn hay nguy hiểm chung ngoài đường hoặc cho quốc gia có thể tụ hội người dân bình thường thành một nhóm, có tính chất như là đám đông hốt hoảng nhốn nháo, điên loạn hoặc thù nghịch, mà cũng có thể xúc động tràn trề như khi có duyệt binh, có ai giảng đạo thu hút, hay chính khách hùng hồn kêu gọi.
Thường thường, sức mạnh của nhóm lớn hơn tổng số sức mạnh của các cá nhân trong nhóm, tức có yếu tố phụ trội thêm vào. Yếu tố này là sức sống của tinh linh thuộc cõi ether, nó khiến cho sức mạnh của nhóm tăng theo lũy thừa hay cấp số nhân, mà không phải là cấp số cộng khi tác nhân không còn là từng người riêng biệt mà là một tập thể nhiều người. Vài yếu tố khác cũng can dự vào tâm thức nhóm, thí dụ như nhân vật chính ở giữa. Nhân vật này có thể là giáo sư giảng bài, giáo sĩ, chủ tịch công ty, thống đốc hay tổng thống. Là ai thì họ cũng là tụ điểm có thể duy trì hay phá vỡ hào quang của nhóm, và cho nó mầu sắc. Mặt khác khi đó là nghi thức được cử hành thí dụ như ở giáo đường, có tụ điểm là vật được cung hiến thì hào quang nhóm có khuynh hướng đều hơn và mạnh hơn bình thường.
Với buổi hòa nhạc chơi nhạc hay, bầu hào quang chung có chứa đựng tình cảnh thanh cao cộng thêm ảnh hưởng của thiên thần âm nhạc. Khi chơi nhạc rock hay loại nhạc có tính ồn ào, khêu gợi, ta không có tính chất của thiên thần mà thay vào đó là ảnh hưởng của tinh linh, có khuynh hướng khích động phần cảm dục vật chất hơn là tâm tình cao nhã. Tương tự vậy, một nhóm người tụ lại học hỏi ý nghĩa thâm sâu của cuộc sống sẽ cho hào quang tương ứng, và khi đông người tới nghe nhà truyền đạo giảng về thiên đàng, địa ngục, hào quang sẽ nặng phần xúc cảm, đi tới mức điên cuồng.
Nhìn bằng thông nhãn thì hào quang nhóm trông giống như một bầu phồng bằng chất ether bao trùm hết những ai hiện diện, chuyển động, phập phồng. Từng đợt rung động của tư tưởng và cảm xúc lướt qua bầu như gió thổi qua ruộng bắp làm nhấp nhô. Mầu sắc thay đổi tùy theo tâm tình lúc đó, khi thì trọn cấu trúc tương đối yên tĩnh, khi khác nó có vẻ sôi nổi như có cơn giông khuấy động. Người nào giữ được tính khách quan và nằm ngoài nhịp chung – như nhà phê bình, ai mải miết theo đuổi ý riêng trong một buổi giảng – thì tuy ở trong bầu hào quang nhưng không là một phần của nó. Họ giống như hòn đá giữa dòng suối, và đôi khi như hòn đá có thể tạo ra xoáy nước hay sinh ra hai dòng nước chéo, trên thực tế chuyện cũng xẩy ra y vậy trong hào quang nhóm.
Nếu người ta hiểu được nguyên tắc nhóm hành xử thì có thể khám phá vài hiểu biết rất thực tế, hữu ích cho ai hướng dẫn buổi học hay tham thiền. Ta không cần nhậy cảm cho lắm cũng nhận biết được khi nào hào quang nhóm thành hình và khi nào tan rã. Lấy thí dụ nhóm không thể thành hình khi có tranh luận mà không phải là thảo luận. Tranh cãi gây ra căng thẳng, trì kéo, và thường có tính làm gián đoạn, còn thảo luận là chuyện khác, bất kể có bao nhiêu ý kiến khác nhau được nêu ra, cuộc thảo luận chân thật tạo nên cơ cấu mà không phá hủy nó.
Nếu người có tánh tình và quan điểm khác nhau, họp mặt không phải chỉ để nghe mà còn chịu theo dõi ý nhau, tìm điểm chung và muốn biết giá trị của những điều được trình bầy, họ có thể đạt được nhiều việc tốt đẹp. Lý do là khi hào quang nhóm thành hình, yếu tố phụ trội có thể mạnh đến mức không những dị biệt cá nhân được giải quyết, mà có thể có được sự thông cảm và hiểu biết ở mức cao hơn về một đề tài khó khăn.
Khi khác, nếu có lời phê bình phá hoại đưa ra hay có ai phá vỡ bầu không khí chung do có tức giận bung ra hay sợ hãi, hào quang sẽ tan nát vô phương vãn hồi. Diễn biến khác là sau một thời gian tự nhiên là có sự mệt mỏi, trọn cấu trúc cong quẹo, chùng xuống. Một nhà lãnh đạo giỏi – với sự hợp tác của những người khác – có thể giữ vững nhóm làm nó có thể phục hồi, nhưng công trình học tập giá trị và có tính xây dựng trong một tiếng đồng hồ thường khi bị làm hư vì kéo dài quá lâu. Bởi vậy người trưởng nhóm cần nhậy cảm và để ý xem có thay đổi sinh lực trong nhóm. Khi mệt mỏi phát ra, sức sáng không còn và lợi ích có được sẽ mất đi khi thành viên trở nên hoang mang, do việc mỗi não bộ ether chỉ có thể chứa đựng bấy nhiêu trong lúc này.
Kết luận cho bài Thể Phách (2) là tuy thể sinh lực chỉ là một trong các thể thanh của con người, tính chất và sinh hoạt của nó làm mở rộng tầm nhìn về sự sống vô hình, tâm linh, cùng làm thay đổi ý niệm của ta về hoạt động của chính mình, biết nó tạo ra ảnh hưởng chi và ta chịu trách nhiệm ra sao. Việc nghiên cứu kỹ có nhiều hứa hẹn thích thú và sẽ tiếp tục trong kỳ sau.
Tham khảo:
- The Etheric Body of Man, Phoebe D. Bendit and Lawrence J. Bendit
- Our Psychic Sense. “
Xem Các Bài Liên Quan:
- Sinh và Tử - Thể Sinh Lực (06/2012)
- Thể Sinh Lực