CÁC THỂ THANH

 

 

Mabel Collins (M.C.): Người ta bị hoang mang nhiều về các loại hiện hình của người đã khuất. Ta có nên giải thích một lần cho xong ý nghĩa của những chữ khác nhau mô tả các hình ảnh này ? Bà nói có một số thể khác nhau sinh ra hiện tượng, đó là những thể gì vậy ?
H.P.Blavatsky (H.P.B): Triết lý bí truyền của chúng ta dạy rằng có ba loại thể nói theo nghĩa rộng. Đầu tiên là thể sinh lực (vital body - thể phách) mà theo đó thể xác của thai nhi được thành hình. Sự tưởng tượng của người mẹ hay tai nạn ảnh hưởng đến trẻ cũng sẽ ảnh hưởng đến thể sinh lực. Thể sinh lực và thể xác lớn dần trước khi trí óc phát triển đủ để có hành động từ lúc trẻ được bẩy tuổi; từ đây em là một sinh linh hữu thức có trách nhiệm đi kèm.
Thể sinh lực sinh ra cùng với thể xác và chết theo nó, thể cũng không tách xa được với thân xác trong lúc sống và tuy còn sống sau khi con người chết đi, cuối cùng nó cũng bị tan rã theo với thể xác. Đây là hình ảnh mà đôi khi người ta thấy quanh mộ, giống như hình của người đã khuất có ánh sáng trong điều kiện không khí nào đó; nó chỉ là khí thoát ra từ thể xác đang tan rã. Tuy nhiên nói về nguồn gốc và bản chất thì nó còn là vật khác hơn thế và có tính mềm dẻo.
– M.C.: Tại sao lại mềm dẻo ?
– H.P.B.: Vì nó có thể có dạng lấy theo mọi hình tướng. Dù người đồng mê man hay không, hình hiện ra luôn luôn chỉ cách họ khoảng một sải tay. Tôi không phủ nhận là có những ảnh hưởng lạ can dự vào hiện tượng loại này, nhưng rất hiếm, và hình hiện ra luôn luôn là thể sinh lực của người đồng.
– M.C.: Thể này được tạo ra sao ?
– H.P.B.: Nó không được tạo ra, mà nó tăng trưởng như đã nói cùng với con người, và hiện hữu trong tình trạng thô sơ trước khi em bé sinh ra.
– M.C.: Và thể thứ hai là gì ?
– H.P.B.: Là thể 'Tư tưởng' hay đúng hơn là thể mơ mộng, huyền bí gia gọi là huyễn thể (Mayavi rupa). Trong lúc sống thể này là vận cụ cho cả tư tưởng của hạ trí và dục vọng, si mê. Nó có tiềm năng song đôi và sau khi chết trở thành thể mà ta gọi là thể tình cảm (Kama rupa) còn dân gian gọi là hồn ma.
– M.C.: Rồi còn thể thứ ba ?
– H.P.B.: Đây là chân nhân con người, thể này gọi là căn thể (causal body - karmic body). Gọi là 'căn' vì nó chứa đựng nguyên nhân sinh ra việc tái sinh không ngừng. Nó không hẳn là Trí năng nhưng về một mặt nó liên kết bất khả phân với, và là một phần của Trí năng trong cõi Devachan.
– M.C.: Vậy là có ba thể ?
– H.P.B.: Nếu bạn nói theo Thiên Chúa giáo là có 'ba Ngôi' thì theo cách ấy ta có ba thể. Nhưng sự thật là chỉ có một xuất hiện trong ba tánh chất hay giai đoạn:
a. Phần vật chất nhất (thể sinh lực) tan rã theo cùng với thân xác,
b. Phần hai còn sinh hoạt tiếp sau đó như là thực thể độc lập (thể tình cảm) nhưng chỉ tạm thời trong cõi hư ảo (cõi tình cảm);
c. Phần ba là chân nhân, bất tử trong suốt thời kỳ vũ trụ linh hoạt (Manvantara) trừ phi người ta nhập Niết Bàn trước khi Manvantara chấm dứt.
– M.C.: Sự khác biệt giữa huyễn thể và thể tình cảm là sao ?
– H.P.B.: Ngoài khác biệt đã nói, sau khi chết nhiều phần là phần 'Trí' của huyễn thể hòa trọn vẹn vào căn thể hay chân nhân. Phần dục vọng của huyễn thể hấp thu (do lòng ham sống vô biên) những gì nó thu thập được trong lúc sống, tạo thành thể tình cảm hay hồn ma. Ai học hỏi MTTL biết rằng sau khi chết, thượng trí hợp nhất với Chân Thần (Monad) và bước vào cõi Devachan; còn phần thấp nhất của hạ trí tạo thành thể ta gọi là hồn ma. Thể có sự sống trong đó nhưng không có mấy tâm thức, trừ phi được sử dụng tạm như khi nó bị thu hút vào dòng sinh lực của người đồng.
– M.C.: Nước nào trên thế giới cũng tin ít nhiều vào chuyện hiện hình. Đơn giản nhất là việc hồn ma của một ai hiện ra sau khi họ qua đời, hay ngay vào lúc họ chết  cho bạn bè thân nhất hay. Phải hình hiện ra này là huyễn thể ?
– H.P.B.: Đúng vậy, vì do tư tưởng của người hấp hối tạo ra.
– M.C.: Nó không có ý thức à ?
– H.P.B.: Nó không có ý thức theo nghĩa là người hấp hối thường không cố ý làm mình hiện ra cho bạn bè thấy; và cũng không ý thức là họ làm vậy. Chuyện xẩy ra là như vầy.
Nếu họ chú tâm rất mạnh vào lúc sắp qua đời tới người mà họ lo lắng muốn gặp, hay người mà họ yêu quí nhất thì họ có thể xuất hiện ra với người đó. Tư tưởng trở thành hình; thể thanh của một người không là gì ngoài việc nó là bản sao y hệt của người đó, như phản ảnh trong gương. Có nghĩa điều gì mà người ta làm, ngay cả trong tư tưởng, thể thanh sẽ lập lại y hệt.
Nó là lý do tại sao trong những trường hợp như vậy hồn ma thường hay thấy mặc y phục người này mặc vào khi đó, và hình cũng cho ra luôn cả nét mặt người đang hấp hối. Giả thử ta thấy được thể thanh của ai đang tắm thì nó có vẻ như chìm trong nước; vậy ai chết đuối khi hiện ra cho bạn bè thấy, hình ảnh sẽ trông như là có nước nhỏ giọt.
Nguyên do của việc hiện hình có thể là ngược lại, tức người hấp hối có thể nghĩ hay không nghĩ chút nào tới người thấy họ hiện ra, mà chỉ vì người sau này nhậy cảm. Hoặc vì họ có lòng thiện cảm hay thù ghét sâu đậm – về mặt tâm linh hay thể chất – đối với người đang hấp hối, trong trường hợp ấy hình hiện ra được tạo do sức mạnh của tư tưởng và tùy thuộc vào mức độ của nó. Chuyện diễn ra như sau.
Ta hãy gọi người sắp chết là A, và người thấy A hiện ra là B. Người sau, do tình thương hay lòng thù ghét, hay sợ, đã khiến cho hình ảnh của A in sâu trong ký ức tâm linh của mình, và một đường từ lực có thật tạo ra giữa hai người hoặc thu hút hoặc xô đẩy, bất kể người ta có biết và cảm thấy hay không. Khi A qua đời, giác quan thứ sáu hay cảm nhận tâm linh của con người bên trong của B biết được sự thay đổi nơi người A, và làm cho giác quan vật chất của B ghi nhận sự việc, bằng cách đưa ra trước mắt của B hình ảnh của A ngay vào lúc có thay đổi lớn lao.
Sự việc cũng xẩy ra y hệt vậy khi người hấp hối mong ước thấy ai đó, tư tưởng của họ phóng tới người bạn một cách hữu ý hay không hữu ý theo đường dây thiện cảm, và thành vật hữu hình.
– M.C.: Điều này áp dụng cho hình đơn giản nhất trong việc hiện hình. Còn trường hợp mà hình hiện ra làm điều trái với cảm xúc và mong muốn của người thì sao ?
– H.P.B.:  Không thể có việc ấy. Hình không thể có hành động trừ phi chủ ý của hành động được gợi ra trong tâm của người mà hình thuộc về, dù sống hay chết,  mạnh khỏe hay đau ốm. Nếu họ suy nghĩ về tư tưởng chỉ một giây, đủ lâu để tạo thành hình, trước khi nghĩ sang hình khác trong trí, khoảng thời gian một giây cũng đủ để khiến con người họ thành hình trôi nổi theo sóng trong cõi tình cảm, tựa như gương mặt của bạn in thành hình trên giấy tráng hóa chất khi chụp hình. Khi ấy, không có gì ngăn cản những lực bên ngoài tác động vào hình, biến nó thành khác đi với tư tưởng của bạn, giống như chiếc lá khô rời cành bị gió đưa đẩy cuốn trôi.
– M.C.: Giả thử hình nói thành lời thực sự, bầy tỏ tư tưởng không thường có nơi người ấy cho bạn bè ở xa, thí dụ ở một châu khác, thì sao ? Tôi biết có những trường hợp đã xẩy ra chuyện ấy.
– H.P.B.: Khi đó sự việc là hình tạo ra được một 'Vỏ - Shell' bắt lấy và sử dụng. Nó y như việc xẩy ra ở nơi cầu hồn với 'hình ảnh' của người chết – có thể là hình vấn vương trong ký ức hay ngay cả trong hào quang của khách hiện diện mà họ không biết – được tinh linh hay Vỏ chiếm lấy, làm nó hiện ra cho khách trong phòng. Hình có thể được làm cho xử sự theo ý của ai có ý chí mạnh nhất trong phòng.
Trong trường hợp của bạn hỏi, thêm vào đó còn phải có một dây nối kết – tạm gọi là dây điện tín – giữa hai người, một điểm thiện cảm về mặt tâm linh và dựa theo đó tư tưởng truyền đi cấp kỳ. Lẽ dĩ nhiên trong mỗi trường hợp phải có lý do mạnh mẽ vì sao tư tưởng đặc biệt ấy đi theo hướng đó, nó phải có liên kết về mặt nào đó với người kia. Bằng không việc hiện hình như vậy sẽ là chuyện thông thường và xẩy ra hằng ngày.
– M.C.: Nghe thì rất giản dị, vậy sao nó chỉ xẩy ra cho vài người ?
– H.P.B.: Vì khả năng dễ uốn nắn của trí tưởng tượng mạnh hơn ở người này so với người kia. Tiềm năng của cái trí có hai phần, thể chất và tâm linh. Phần cao của trí năng liên kết với Bồ Đề tâm, phần thấp với dục vọng. Có những người không hề sử dụng thượng trí chút nào để suy nghĩ; ai dùng thượng trí thuộc về thiểu số và do đó về một mặt, nằm ngoài nếu không phải là bên trên, những ai trung bình trong nhân loại. Ngay cả chuyện tầm thường cũng được họ suy nghĩ ở cảnh cao hơn.
Khuynh hướng của một người sẽ ấn định phần trí năng cao hay thấp được dùng để suy nghĩ; các quan năng của kiếp trước và đôi khi sự di truyền nơi thể xác cũng ấn định như vậy. Ấy là lý do tại sao người duy vật - với phần tâm linh trong não bộ gần như bị thui chột – rất khó mà nâng mình lên cao; hay ai có khuynh hướng tinh thần một cách tự nhiên cũng rất khó mà hạ xuống ngang với tư tưởng thấp kém thô lậu. Tính lạc quan và bi quan cũng tùy thuộc phần lớn vào điều ấy.
– M.C.: Nhưng phải chăng thói quen suy nghĩ bằng thượng trí có thể phát triển được – bằng không ai muốn thay đổi cuộc sống của mình và nâng mình lên cao sẽ không có hy vọng ?  Nó phải như thế, nếu không, không có được hy vọng gì cho thế giới.
– H.P.B.: Chắc chắn là nó có thể phát triển, nhưng làm được rất khó, cần quyết tâm vững chắc và nhiều hy sinh. Nhưng nó tương đối dễ cho ai sinh ra có khả năng ấy. Tại sao có chuyện là người này thấy được ý thơ trong cái bắp cải hay heo mẹ với đàn heo con, trong khi người khác khi nhìn chuyện cao thượng nhất chỉ thấy mặt thấp kém nhất và vật chất nhất, cười chê 'nhạc của chư thiên', và chế nhạo các ý niệm và triết lý siêu việt nhất ?
Sự khác biệt này chỉ tùy thuộc vào khả năng bẩm sinh của cái trí suy nghĩ ở cảnh cao hay thấp, theo tinh thần hay não bộ vật chất. Khả năng trí tuệ lớn lao thường khi không bảo đảm có suy nghĩ như vậy, mà là trở ngại cho các ý niệm tinh thần và đúng đắn. Hãy thử nhìn đa số những khoa học gia lỗi lạc, ta phải tội nghiệp cho họ thay vì chê trách.
– M.C.: Nhưng làm sao ai suy nghĩ ở cảnh cao hơn lại cho ra hình toàn vẹn hơn và có tiềm năng hơn bằng tư tưởng của mình ?
– H.P.B.: Không nhất thiết là chỉ có riêng 'người' ấy mà cho hết tất cả những ai nói chung nhậy cảm. Người có thể suy nghĩ ở cảnh cao dù là chuyện hết sức nhỏ nhặt, có khả năng dễ uốn nắn trí tưởng tượng của mình, nhờ vào chính sự suy nghĩ đó. Bất kể người như vậy suy nghĩ điều chi, tư tưởng của họ sẽ rất sâu đậm hơn tư tưởng của người trung bình, và do sự mạnh mẽ này nó có được khả năng tạo hình.
Khoa học đã xác nhận rằng tư tưởng là năng lực. Năng lực này khi tác động làm xáo trộn các nguyên tử trong bầu không khí cõi tình cảm bao quanh chúng ta. Như tôi đã nói với bạn, những tia của tư tưởng có tiềm năng tạo nên hình nơi cõi tình cảm y hệt như tia sáng mặt trời có tiềm năng với thấu kính. Mỗi tư tưởng do não bộ phát ra có kèm năng lực và dù muốn dù không sẽ tạo nên hình.
– M.C.: Hình ấy có tuyệt đối vô thức không ?
– H.P.B.: Hoàn toàn vô thức trừ phi nó là tạo vật của vị đạo sư, người cho vật ý thức khi tạo ra nó, hay đúng hơn là gửi vật đi có theo ý chí và trí năng của ngài đủ làm cho nó trông như là có ý thức. Điều này hẳn phải làm ta cẩn thận hơn với tư tưởng của mình. Nhưng ta cần nhớ sự phân biệt giữa vị đạo sư và người bình thường trong chuyện này. Ngài có thể dùng ý chí để sử dụng huyễn thể (Mayvi–rupa) của mình còn người bình thường thì không; trừ trường hợp rất hiếm.
Thể được gọi là huyễn thể vì nó là một hình thức ảo ảnh, được tạo ra để sử dụng trong trường hợp riêng biệt, và có trí năng của vị đạo sư trong đó là đủ cho thể thực hiện mục đích của mình. Người bình thường chỉ tạo nên hình tư tưởng mà thường không biết gì về tính chất và khả năng của nó.
– M.C.: Vậy ta có thể nói là hình của vị đạo sư xuất hiện ở nơi xa so với thể xác của ngài, chỉ là hình ảnh ?
– H.P.B.: Chính thế. Nó là tư tưởng biết đi.
– M.C.: Trong trường hợp đó vị đạo sư có thể xuất hiện ở nhiều nơi cùng một lúc.
– H.P.B.: Ngài có thể làm vậy. Giống như nhà hiền triết Appolonius của Tyana được thấy có mặt ở hai nơi cùng lúc, trong khi thể xác của ông ở tại Rome. Nhưng ta nên hiểu là không phải tất cả con người của vị đạo sư hiện diện trong mỗi hiện hình như thế.
– M.C.: Vậy điều rất cần cho ai có óc tưởng tượng và quyền năng tâm linh là theo dõi tư tưởng của họ ư ?
– H.P.B.: Hẳn rồi, vì mỗi tư tưởng có hình dạng mượn theo hình dạng của người làm điều mà họ suy nghĩ. Bằng không làm sao người có thông nhãn (clairvoyant) thấy trong hào quang của bạn chuyện quá khứ và hiện tại ? Điều họ thấy là cảnh liên tục về bạn, tượng trưng bằng những hành động nối tiếp nhau trong tư tưởng của bạn.
Bạn hỏi chúng ta có bị trừng phạt vì tư tưởng của mình chăng. Không có cho hết mọi tư tưởng đâu, vì một số chỉ nửa vời bị bỏ dở nửa chừng; còn những tư tưởng khác thầm lặng mà có tiềm năng thì có sự trừng phạt. Lấy thí dụ trường hợp tệ nhất như ai độc ác tới mức muốn người khác chết đi. Trừ phi họ là phù thủy tà đạo thì karma bị trì hoãn, còn thì loại tư tưởng như vậy sẽ chỉ quay trở về chủ của nó.
– M.C.: Nhưng giả dụ người độc ác có ý chí rất mạnh tuy không phải là phù thủy tà đạo, liệu họ có làm người khác chết được không ?
– H.P.B.: Nó chỉ xẩy ra nếu người ác độc có sức tưởng tượng rất đỗi mềm dẻo và tác động không chủ ý, bị sử dụng vào mục đích xấu vô ý thức. Tư tưởng khi đó mạnh tới mức sinh ra dòng từ lực có tiềm năng gây chuyện bất hạnh và tai nạn, và bám vào ai tiếp xúc với nó.
Người như vậy không cần giầu óc tưởng tượng, hoặc có ác ý hay mong ước xấu nào. Họ có thể chỉ là người có tính tự nhiên thích chứng kiến hay đọc về những cảnh sôi động  như sát nhân, hành quyết, tai nạn v.v. Có thể họ còn không nghĩ đến những chuyện này khi dòng từ lực của họ tiếp xúc với nạn nhân. Nhưng dòng từ lực đã được sinh ra và hiện hữu trong hào quang của họ, sẵn sàng hành động ngay vừa khi nó tìm được mảnh đất thích hợp, như hạt giống rơi bên đường và sẵn sàng mọc mầm khi có cơ hội đầu tiên.
– M.C.: Nhưng còn về tư tưởng mà bà gọi là 'thầm lặng' thì sao ? Liệu mong muốn hay tư tưởng như vậy có quay trở về chủ của nó ?
– H.P.B.: Có; giống như trái banh không xuyên qua được một vật sẽ dội ngược trở lại người thẩy banh. Chuyện này cũng xẩy ra cho phù thủy tà đạo nào chưa đủ mạnh, hoặc không làm theo luật - vì ngay cả họ cũng có luật  phải tuân theo – nhưng không đúng cho phù thủy thiện nghệ, giỏi dang, bởi ai như thế có quyền năng thực hiện được điều họ muốn.
– M.C.: Khi bà nói tới luật nó làm tôi muốn chấm dứt cuộc nói chuyện này bằng cách hỏi bà điều mà ai chú ý đến huyền bí học cũng muốn biết. Đề nghị quan trọng hay chính yếu cho ai có quyền năng như vậy và muốn kiểm soát chúng đúng đắn, để bước vào huyền bí học là gì ?
– H.P.B.: Bước đầu tiên và quan trọng nhất trong huyền bí học là học thích nghi tư tưởng và ý tưởng của bạn với quyền năng uốn nắn của bạn.
– M.C.: Tại sao điều ấy quan trọng như thế ?
– H.P.B.: Vì nếu không bạn tạo ra vật mà theo đó bạn có thể sinh ra karma xấu. Không ai nên bước vào huyền bí học hoặc ngay cả đụng tới nó trước khi họ hoàn toàn thấu đáo quyền năng của chính mình, và biết cách lường cho nó tương ứng với hành động của họ. Và anh chỉ có thể làm vậy bằng việc học hỏi triết lý của huyền bí học, trước khi tính đến chuyện luyện tập thực hành. Bằng không, y như định mạng sẽ tới, ANH SẼ RƠI VÀO MA THUẬT.

Theo:
Dialogue between the two Editors - Lucifer Dec. 1888. Collected Writings, vol. X.

Xem Các Bài Liên Quan đến Thể của Con Người: