TÂM LÝ TINH THẦN (6)
Dữ kiện:
Những điều được biết về người bạn:
– Chân nhân: cung một, Ý Chí hay Quyền Lực.
– Phàm nhân: cung bẩy, Trật Tự và Nghi Lễ.
– Thể trí: cung bốn, Hòa Hợp qua Tranh Chấp.
– Thể tình cảm: cung sáu, lòng Sùng Tín
– Thể xác: cung bẩy, Trật Tự và Nghi Lễ.
Vấn đề chính nơi anh là những khuynh hướng đã theo từ sáu kiếp qua và giờ hóa mạnh mẽ.
GURU:
Bạn thuộc cung một, vậy xin đề nghị bạn suy nghĩ sự kiện cung một này chính ra là cung phụ đầu tiên của cung hai Từ Ái-Minh Triết và do đó, bạn phải làm toàn thiện sự phát triển của mình với tình thương cho vạn vật. Khi nói thế tôi không ngụ ý là bạn không có tình thương, nhưng ai có đặc tính cung một nổi bật thấy dễ có tính tách biệt, dễ dàng tạo một vỏ che chở, và yêu thích sự cô lập do lý tưởng cao cả của mình, và vì vậy cần có tính mà về mặt huyền bí được gọi là 'sự ràng buộc - attachment'.
Diễn tiến là khi đã học xong bài học về sự cô lập, và lòng dứt bỏ là cách xử sự dễ nhất (hay có ít đối kháng nhất) cho họ, thì khi ấy tình thương của linh hồn cần được nuôi dưỡng và chiếu rạng. Bạn dễ dàng có sự vô tư, nay bạn phải học có tâm tình riêng tư với sự vô tư hoàn toàn, điều nghịch lý mà có giá trị lớn lao. Để thực hiện, tôi đề nghị bạn hãy chỉ dẫn hai người vào đường Đạo. Một người bạn đã biết, người kia mai sau bạn sẽ nhận ra. Nó có nghĩa giúp họ tìm thấy sự liên kết với nhóm và Thầy của họ, vì đây là những người đã tiếp xúc với linh hồn của mình.
Bạn đã thành công lớn lao qua việc tránh được những đặc tính phá hoại của cung một, và cách bạn dùng năng lực trong việc phụng sự thật đáng khen. Mục đích của bạn phải là tránh mọi tình trạng tĩnh. Nhiều người cung một trở thành đứng yên một chỗ hoặc kết cứng lại, vì đó là cách mà người phá hoại thuộc cung một làm việc, và tất cả đều là một phần của công việc thiêng liêng.
Bạn có sức mạnh vì bạn đã miệt mài theo đuổi con đường cô độc của người đệ tử. Bạn có minh triết và bạn dùng nó để giúp người đi sau, nay bạn phải quan tâm đến mỹ lệ.
Cung của bạn là cung trội nhất về huyền bí học. Tôi nêu ra để bạn lưu ý vì ấy là một điều bạn có thể làm, và việc ấy trở nên khả hữu khi bạn phát triển được khả năng ghi nhận các vấn đề tâm lý của người khác với nhậy cảm nhiều hơn. Về trí tuệ, bạn nắm được mau lẹ một tình trạng, và do ngôn từ khôn khéo, bạn đáp ứng với nhu cầu. Đầu óc và tâm linh bạn đáp ứng. Nay thêm vào sự hiểu biết của đầu óc và minh triết của linh hồn (mà bạn có), hãy có phản ứng của con tim. Hãy đi với người huynh đệ của bạn vào thung lũng mà không phải chỉ giúp họ từ đỉnh cao của minh triết.
Bạn có năng lực trí não, hiểu biết rõ ràng, có thích ứng khôn ngoan để giải quyết; nay nếu thêm vào tất cả những điều ấy khả năng đáp ứng với nhu cầu tình cảm của người khác, là bạn sẽ điều hợp được phàm ngã theo một cách mới giúp ích cho người, và tăng khả năng phụng sự của bạn. Bạn có thể làm việc với nhiều nhóm nếu muốn, và nên luôn luôn làm với tư cách là tác nhân làm linh hoạt. Theo cách đó môi trường phụng sự của bạn sẽ được gia tăng lớn lao, nhờ việc bạn là (being). Điều này được mạnh mẽ hơn nhờ sự mỹ lệ của tình thương tuôn rải, và tình thương gia tăng của mỹ lệ.
...
Hãy luôn gìn giữ thái độ là người Quan Sát – Observer trong đầu. Như thế lòng dứt bỏ của linh hồn sẽ gia tăng, trong khi sự ràng buộc của linh hồn đối với những linh hồn khác sẽ tăng trưởng và tăng bội. Đừng phân tán quyền lực của bạn. Hãy tập trung sinh hoạt của bạn, và làm việc ngày càng nhiều với các cá nhân. Ấy là cách người cung một có được sự thông cảm, ấy là cách họ tăng trưởng tình thương.
...
Bạn là một linh hồn mạnh mẽ và phải tạo đường đi của riêng mình ngang qua cảnh sống thường nhật ở đời. Tôi muốn nói gì với chữ 'linh hồn mạnh mẽ" ? Tôi muốn nói không những về đặc tính của cung một là quyền lực tự nó lộ ra. Chuyện ấy hẳn nhiên rồi. Nhưng chính ra tôi muốn nói bạn có kinh nghiệm, và kinh nghiệm này làm bạn có được sự vững vàng, tự mình an ổn khiến người khác có cảm tưởng là họ có thể trông cậy vào bạn. Điều sau này là điểm thứ hai, có nghĩa có khả năng nhiều hơn về sức thu hút, và chữ 'sức thu hút' là mục tiêu cho kinh nghiệm riêng của bạn. Người cung một dễ có sự mạnh mẽ, nhưng không dễ có sức thu hút, vì sức thu hút trên hết thẩy là sự tỏa ra từ quả tim (loại cao) hay huyệt đan điền (loại thấp).
Bạn dễ đáp ứng với lực minh triết của đức Phật, nhưng với lòng thông cảm và tình thương bao trùm của Bồ Đề tâm bạn chỉ đáp ứng thứ yếu. Làm cho lòng từ thức tỉnh nên là một trong các mục đích của bạn khi tham thiền. Nó sẽ đưa tới lòng bao trùm tất cả và khả năng 'thấy sự việc theo như người khác thấy'.
...
Tôi có nói bạn hãy như một tháp sức mạnh cho huynh đệ mình, và với lòng mau mắn chấp nhận lời đề nghị có tính xây dựng, bạn đã nhanh chóng làm theo. Nhưng thái độ của bạn có quá nhiều tính chất 'tháp', đặt mình dự khán lên đỉnh cao của tháp và cách biệt với mọi ai khác. Có lẽ vì tôi dùng chữ 'tháp', có lẽ hình ảnh tôi thấy về bạn như là người trợ lực mạnh mẽ, vững vàng, đã thêm vào tính cô lập bẩm sinh của bạn, đưa bạn tách rời quá xa.
Người đệ tử cung một thích sự cô lập. Nó là đường có ít đối kháng nhất và do vậy dễ nhất cho anh. Như bạn biết, thông thường anh là người đứng một mình. Đó là ưu điểm và cũng là khuyết điểm của anh. Anh oai nghi hùng tráng trong việc buông bỏ, như bạn hân hoan trong lòng với khả năng thích ứng mình (thuộc cung một) với tôi (thuộc cung hai) như là vị Thầy. Bạn thích sự dễ dàng mà bạn có khi điều chỉnh tình trạng, phải thế không ?
Người đệ tử cung một không dễ học tính quyến luyến (attachment – theo nghĩa đúng và nghĩa tinh thần) giống như người cung hai không dễ học tính buông bỏ (detachment – xả). Người đệ tử mỗi cung có bài học tột mức phải học về mối liên hệ này; họ phải giải quyết vấn đề bằng hai thái độ khác nhau tuy vấn đề của sự quyến luyến và của buông bỏ là một. Nó là vấn đề của các giá trị thực.
Người cung một yêu chính họ, uy lực và sự cô lập của họ quá nhiều. Người cung hai có sai lầm do quyến luyến sâu đậm người khác, và do biểu lộ lòng kết hợp (inclusiveness) quá dễ dãi, trước khi họ hiểu rõ bản chất thực của tính kết hợp. Họ sai do sợ là không được hiểu hoặc không được thương yêu đủ, và quá quan tâm đến việc người khác nghĩ gì và nói gì về họ.
Người cung một sai vì không nghĩ kỹ về phản ứng của kẻ khác về điều mà anh nói và làm; anh hãnh diện về thái độ buông bỏ của mình và việc anh không bị ảnh hưởng gì của lòng quyến luyến; anh thích nhìn thấy sức mạnh và sự cô lập của mình được thán phục. Người này làm sai do lòng kiêu hãnh, người kia sai do sợ hãi.
Sự 'cô lập' trong nội tâm mà bạn rất yêu quí đã tác động khiến bạn không nhậy cảm với người khác, bắt được tâm tình của họ bằng thần giao cách cảm. Thay vì dùng ý chí để thương yêu, sao không chỉ thương yêu giản dị hơn ? Nơi bạn, đầu óc chế ngự và bạn ngồi trên đỉnh tháp của mình trong lúc lời kêu gọi của tâm vang vọng trong khắp bản thể và trong tai bạn. Nhưng bạn sợ đi xuống tháp và đi tới lui giữa đồng loại mình, đồng hóa mình một cách thương yêu với họ. Chỉ bằng cách đi trên đường phố bụi mù của sự sống với huynh đệ mình mà chót hết ta qua được cánh cửa chứng đạo (initiation). Tuy nhiên, tôi ghi nhận là trong những phút căng thẳng và có thể có hiểu lầm, bạn chọn con đường của trái tim. Nếu không vậy hẳn tôi đã không viết như trên.
Bạn có khả năng viết và diễn tả những chân lý sâu xa hơn bằng chữ nghĩa, và môi trường phụng sự của bạn sẽ gia tăng về mặt ấy. Vì thế, hãy viết vì có nhiều người lắng nghe lời bạn; và viết với con tim tràn đầy niềm thông cảm của bạn, khi bạn từ trên tháp đi xuống và cho tình thương không gian lẫn thời gian.
Tôi mong bạn hiểu rằng việc nhận biết các vấn đề của cung, và trở ngại trong đời bạn không có nghĩa là tôi có lời chỉ trích. Có những sự kiện trong thiên nhiên và kẻ khôn ngoan trực diện chúng, biết chúng là gì và rồi gắng sức vượt qua chúng...
...
Bạn khó mà hòa hợp vào nhóm các đệ tử vì sự cô lập có gốc rễ sâu mà bạn rất quý. Sự việc xẩy ra hồi kiếp trước của bạn như là cách bảo vệ cho cái tôi rất nhậy cảm. Tuy nhiên thái độ này đang được bạn từ bỏ. Nhiều lần tôi nói rằng vai trò của bạn trong nhóm đặc biệt này là cho các đồng môn sức mạnh và năng lực. Bạn có thể làm việc ấy với sự buông bỏ thanh khiết và với lòng ràng buộc sâu đậm chăng ? Vấn đề của bạn là vậy. Mỗi người trong bọn cần điều mà bạn có để cho ra, nhưng cần nó theo cách khác nhau.
...
(Hai năm sau)
Bạn đã học được nhiều và may mắn cho sự tiến bộ của bạn, tháp ngà của bạn về cái đẹp và về sự cô lập đang lung lay tận gốc rễ. Linh hồn bạn đã làm nó suy yếu nhiều. Nó vẫn còn đứng đó, nhưng bạn nghi ngờ nó và không còn chú ý tới nó, ấy là bước tiến lớn lao. Hãy tiếp tục công việc và coi sao cho tháp ngà của bạn - được chăm chút xây cất trong sáu kiếp qua – biến mất, và bạn xuống với người khác, chia sẻ với họ tất cả những gì liên quan đến nhân loại. Bạn sẽ không có giờ phút thoải mái, nhưng bạn có thể và sẽ trở thành tháp của sức mạnh cho họ.
...
Công việc của nhóm đệ tử này mà bạn có liên kết, đang lớn mạnh và nhận xét quân bình và viễn kiến trong sáng của bạn có thể sẽ được cần đến mai sau. Hãy cho ra lời khuyên và sự trợ giúp trọn vẹn, làm chúng nhu hòa với tình thương biểu lộ sống động hơn. Trước khi nói lời có uy thế và minh triết ( điều mà bạn làm một cách dễ dàng và chân thực do kinh nghiệm dài chất chứa), bạn phải tuôn ra tình thương trong tim cho những ai đến với bạn để có sự sáng và sức mạnh. Con người ngày nay cần tình thương.
Cái tâm lý 'có thể trí cứng rắn như sắt' một ngày kia sẽ phải bị đào thải. Tại sao không cho phép trí năng sinh hoạt tự do, dùng nó với đôi cánh của tình thương và làm việc cho lòng từ ? Người bình thường làm việc ở cõi tình cảm, không có cái trí trợ lực và sự soi sáng của linh hồn. Người tiến bộ hơn và người chí nguyện làm việc ở cõi trí, cho ra sự hòa hợp ba thành phần của cái ngã (xác thân, tình cảm, trí tuệ) và do đó, uy lực. Người đệ tử làm việc ở mức linh hồn là cõi của tình thương thiêng liêng. Anh khích động cái trí với tình thương, làm trầm xuống cảm xúc của cái ngã bằng tình thương đại đồng thực hành mà không giữ như là lý thuyết.
Trực giác bạn không được mạnh, cũng như việc bạn tiếp xúc với các nhóm bạn gọi là 'huynh đệ nội giới' không có liên quan chi đến trực giác hay với hứng khởi. Vì ở cõi trực giác không có nhóm huynh đệ nào mà mọi linh hồn hòa hợp nơi ấy. Chữ 'Hierachy – Thiên Đoàn' áp dụng cho tất cả những nhóm linh hồn đã giải thoát, làm việc ở cõi thượng trí, và từ đó tìm cách giúp đỡ con người. Sự tiếp xúc của bạn với Thiên đoàn vì vậy ở cõi trí, còn việc tiếp xúc với những cái mà bạn gọi là nhóm 'huynh đệ nội giới' có tính chất cõi tình cảm, và chứa đựng mọi điều mà cõi này hàm ý.
Không có gì sai hoặc không tốt lành với sự tiếp xúc này, miễn là bạn nhận thức ra cõi mà bạn sinh hoạt với hạn chế hiển nhiên của nó. Tôi đã kêu gọi bạn rời tháp cô lập của mình, nhưng xin đừng quên khi làm vậy, nó không có nghĩa là bạn phải dạo tới lui những cảnh của đời phàm ngã mà không có định hướng rõ rệt.
Nếu nhìn lại cuộc huấn luyện mà tôi đưa ra cho bạn trong vài năm qua, bạn sẽ thấy tôi nhắm đến việc làm hai chuyện:
1. Cho bạn biết rằng mình thuộc cung một, và do đó cần học sự ràng buộc đúng loại. Bạn phải học cách hòa hợp vào nhóm các đệ tử của tôi và tập thương yêu kết hợp mà không tách biệt.
2. Thoát khỏi tháp mà bạn đã ẩn mình trong đó. Việc này đã thành công hoàn toàn, còn việc đầu vẫn phải làm tiếp để có kết quả thỏa đáng.
Chỉ có một điều ngăn trở bạn có hòa nhập mau lẹ vào đúng chỗ của bạn, ấy là lòng ưa thích đã có từ lâu việc đi ta bà vẩn vơ nơi cõi trung giới và hiện tượng tâm linh. Khuynh hướng này ở cõi tình cảm là di sản từ những kiếp trước, và có căn bản trong đời sống xưa ở tu viện, và trong thế giới mộng mơ mà bạn lang thang hồi ấy, nhằm giảm bớt sự đơn điệu của đời sống trong bốn bức tường của gian phòng, nơi bạn sống đời nguyện gẫm.
Khi đó, tâm thức của bạn có tính thần bí, mơ mộng và tưởng tượng, lạc lối vào huyễn tưởng ở cõi tình cảm. Nó có nghĩa trong kiếp này thể tình cảm của bạn dễ dàng quay về cách hành xử cũ, tư tưởng ngày trước, bị kiểm soát bởi hình tư tưởng cổ xưa và do vậy dễ bị lầm lạc. Với đệ tử cung một, tôi luôn có thể nói một cách rành rọt và thẳng thắn, biết rằng họ sẽ hiểu đúng ý lời của tôi. Vì thế, tôi xin nói thật và với lòng thông cảm, rằng bạn đang đi ta bà vào huyễn mộng của hiện tượng nơi cõi tình cảm. Những gì bạn đang làm không phải là thực tại đúng nghĩa. Bạn là linh hồn và không phải là người đi tìm các hiện tượng ở cõi ấy.
Cõi tình cảm không phải là chỗ cho bạn. Tôi đề nghị là bạn từ bỏ hoạt động này, và khởi sự làm việc trở lại như là linh hồn. Theo bản chất thực của nó, linh hồn không đồng hóa mình với hiện tượng; nó là trung tâm của lực tinh thần qua đó thiên cơ được thành hình. Việc bạn đi ta bà vẩn vơ trong cõi ảo ảnh và huyễn mộng làm cầm chân nhóm đệ tử mà bạn làm việc chung, và trì hoãn sinh hoạt của nhóm.
...
Bạn đang ở điểm phát triển mà trừ phi đi theo cách làm việc có tính trí tuệ hơn, bạn sẽ kết cứng lại thành thuật sĩ hạng cao ở cõi trung giới, và ngưng lại sự phát triển thật sự của mình trong kiếp này. Công việc bạn đang làm là ở cõi tình cảm, sự chú trọng của bạn là vào hình thể mà không phải đặc tính tinh thần. Có việc ấy do hai điểm sau.
– Thứ nhất, phàm ngã của bạn cung bẩy và bạn cũng có não bộ cung bẩy.
– Thứ hai: bạn mang trở lại trong kiếp này khuynh hướng từ một kiếp trước, công việc của bạn đã định là vượt qua tất cả chúng và gỡ mình ra khỏi hết mọi chuyện huyền thuật cho đến khi bạn đạt được tâm thức của chân nhân. Nhưng hiện nay, bạn ưa thích việc huyễn mộng và tin rằng mọi tiếp xúc bạn có là thực tại. Bao lâu còn tình trạng này, đời sống tinh thần của bạn bị ngăn chặn ở cõi tình cảm. Một khó khăn khác sinh ra từ đây là sự kiện vì ngưng đọng ở cõi tình cảm, linh hồn bạn bị hướng vào thể tình cảm, nó không thể có biểu lộ nhiều hơn, thí dụ như ở cõi trần, do ảo tưởng bao quanh bạn.
Bạn à, bao lâu mà chưa trụ vào chân nhân thì bạn đang chơi với lửa, và công việc huyền thuật ở cõi tình cảm có đầy nguy hiểm cho bạn. Bởi đừng quên rằng thể tình cảm thuộc cung sáu làm tăng cường vấn đề, vì nó dẫn dụ khiến bạn dốc lòng tận tâm với hiện tượng hời hợt mà bạn xem như là thực tại ...
Hãy dành mười phút mỗi sáng tĩnh tâm đến mức cao nhất có thể có được và suy nghĩ về mặt lợi và hại về thái độ và những ưa thích trong kiếp hiện giờ của bạn.
Theo:
Discipleship in the New Age, A.A. Bailey, vol I, II.
Xem Các Bài Liên Quan:
- Tâm Lý Tinh Thần (5) (11/2011)
- Tâm Lý Tinh Thần (4) (07/2011)
- Tâm Lý Tinh Thần (3) (2/2010)
- Tâm Lý Tinh Thần (2) (7/2010)
- Tâm Lý Tinh Thần (1) (12/2007)