TÂM LÝ TINH THẦN (1)

(PST 54)

Tới một mức phát triển nào đó con người thấy mình cần lời giải thích thỏa đáng hơn cho những thắc mắc tâm linh,  họ đi tìm câu đáp trong tôn giáo, triết lý, tâm lý, nghệ thuật v.v. Có thể họ không nhận biết nhưng điều mà họ tìm kiếm và sẽ mang lại thỏa mãn được gọi là khoa tâm lý bí truyền hay khoa học về bẩy cung, các hiểu biết này đã có từ lâu tuy nhiên chỉ từ khi có hội Theosophia và nhất là trong mấy chục năm qua nó mới được trình bầy một cách rộng rãi trong quần chúng, nói tới công khai vài điều trước đây được giữ kín cho một thiểu số. Đây là những hiểu biết lý thú nhưng mục đích của bài là đưa ra tầm nhìn  rộng lớn để giúp việc phụng sự được hữu hiệu hơn, mà không chỉ nhằm gia tăng kiến thức.

A. Tâm lý mới cho thời đại mới

Có nhiều lý do khiến ngày giờ đã tới cho khoa tâm lý bí truyền được phổ biến, kể sơ ra là những điều sau.

1. Bế tắc trong khoa tâm lý đương thời.

Đông đảo người có được sự bình an tâm hồn, thoải mái và được lợi ích đáng kể nhờ những hiểu biết và trị liệu tâm lý, mà cũng có nhiều người không tìm được điều họ muốn có trong khoa này.  Những ngành tâm lý khác nhau mang lại nhiều hiểu biết giá trị vì chúng đều thể hiện một khía cạnh của chân lý, nhờ chúng ta biết được nhiều điều lạ lùng và kỳ diệu về con người, về bản năng, tiềm thức và ngã thức, các ẩn ức v.v. Tâm lý học tìm ra là con người có hai thành phần đối chọi nhau như  cái tôi và Siêu Ngã và cố gắng tìm cách dung hòa hai thực thể, nó xác định rõ con người tâm lý trong cuộc sống nhưng không biết gì nhiều về con người tinh thần hay linh hồn. Điều sau này vẫn chỉ là giả thuyết, ức đoán, là niềm tin và hy vọng mà chưa phải là thực tại được công nhận.

Dù đã có nhiều tiến bộ, trừ phi có một điểm chính yếu được thêm vào khoa tâm lý, nó sẽ bị thất bại và sinh ra nhiều vấn đề, rối rắm và các bệnh tâm thần như là kết quả do chính các phương pháp của nó. Điều này đã thấy qua việc tòa kết tội sai lầm dựa vào những cáo buộc có được do phương pháp tâm lý như dẫn dụ nhớ lại chuyện cách đây nhiều năm, hay những cách thức không đáng tin cậy khác.  Thiếu sót của khoa tâm lý mà ta biết còn là vì nó nghiên cứu chính yếu phần hình thể và do đó giới hạn, không đầy đủ khi dùng để xem xét chuyện vượt ngoài điều thông thường như tâm lý tinh thần.

Thiếu sót ta nói ở đây và điểm chính yếu cần thêm là sự nhìn nhận linh hồn hay chân ngã của con người. Nhiều trường phái tâm lý đã biết và công nhận điều này nhưng linh hồn đối với họ vẫn là chuyện xa lạ không thể xác định. Họ không biết căn nguyên của nó, nó là gì, hòa hợp hay tách rời đối với phàm ngã, là thực thể riêng biệt tiến hóa theo thời gian, hay không gì khác hơn là sự sống và tâm thức tổng hợp của các tế bào.

Khoa tâm lý tinh thần được đưa ra nhằm mục đích làm thông bế tắc của tâm lý học, đưa ra giải thích sâu xa, hữu lý hơn về bản tính con người dựa vào bẩy cung. Khi tính chất của bẩy cung, ảnh hưởng của chúng đối với con người với những tâm tính, thái độ, phản ứng khác nhau được hiểu rõ, khi ấy bản chất song đôi của người là thiên tính lẫn thú tính sẽ được thấu đáo chi tiết hơn. Ta sẽ nhận ra tính chất của những lực tạo nên tính này hay kia trong con người, và đó là khoa học bí truyền đích thực. Khoa học về bẩy cung hay bẩy tính chất trong thiên nhiên và tác động của chúng trong muôn loài mai sau sẽ được áp dụng như là phương pháp đúng đắn để huấn luyện và phát triển con người.

Khoa học ngày nay biết nhiều về hình thể bên ngoài hay mặt vật chất, còn khoa học bí truyền biết về bản tính của những lực, những tính chất tạo điều kiện và nhuộm mầu hình thể. Năng lực của bẩy cung tạo nên hình mà cũng làm sinh động mọi loài. Khi hai hiểu biết về mặt vật chất và tinh thần được hòa hợp một cách thông minh ta sẽ có khoa tâm lý học đúng thực hơn và chính xác hơn, cũng như  sự hoà hợp giữa con người phàm và tính thiêng liêng hay con người tinh thần được đẩy mạnh hơn.

2. Chưa có hiểu biết về tâm lý tinh thần.

Bà Blavatsky gọi tâm lý tinh thần là ngành quan trọng hơn hết trong khoa huyền bí học, mà căn bản của ngành này là bẩy cung và đặc tính của chúng. Hiểu biết về bẩy cung và khuynh hướng, năng lực thuộc mỗi cung sẽ làm sáng tỏ nhiều điều trong các ngành khoa học khác nhau. Tất cả các ngành khoa học đều thuộc về một cung này hay kia, và nói cho sát thì một khoa học là ánh sáng của một cung chiếu rọi vào một sự biểu lộ thiêng liêng riêng biệt. Ta được cho biết những liên hệ sau giữa bẩy cung và các loài:

Nhân loại      cung 5             Hiểu biết cụ thể

Thú cầm        cung 6             Sùng tín hướng thượng

Thảo mộc     cung 4             Hòa Điệu và Mỹ Lệ

Kim Thạch    cung 7             Trật Tự  và Nghi thức.

Những điều trên không có mấy ý nghĩa đối với ta lúc này, bảng chỉ nhằm tạo ý niệm tổng quát  mà về sau ta sẽ đi vào chi tiết hơn và bàn rộng ra, dầu vậy chuyện dễ thấy là khi bản chất của năng lực thấm tràn và làm sinh động một loài trong thiên nhiên được nhận biết và chấp thuận như là giả thuyết, việc hóa sáng tỏ hơn khi tìm hiểu về hình thể bên ngoài, cái bị chi phối bởi một lực riêng biệt và một sức sống riêng.

Thí dụ đưa ra là phần lớn hoa dại và hoa trong vườn ở phương tây lúc này, cũng như hoa vào mùa thu thường có mầu vàng hay cam, giống như sắc tổng quát của trí tuệ thời đại giống dân Aryan nhất là những chi chủng về sau của giống dân này. Ảnh hưởng của cung 4 Hòa Điệu và Mỹ Lệ và khả năng đang phát triển dần của cung 5 Hiểu Biết (đồng nghĩa với sự hòa hợp của trí tuệ vào trực giác nơi người tiến hóa cao) cho ra tác động rõ rệt nơi thảo mộc và hào quang con người, và trong cả hai trường hợp mầu vàng cam lộ sáng. Đây là mô tả cho thấy sự biểu lộ của năng lực cung, và là dấu hiệu về giá trị của khoa học bí truyền khi được áp dụng vào chuyện thông thường hằng ngày.

Thí dụ khác về mầu sắc và cung là như ta có nói trong nhiều bài, thời đại của cung sáu đã qua và ta đang ở trong giai đoạn đầu của cung 7. Mầu của cung sáu là xanh dương như mầu áo Đức Mẹ tượng trưng cho lòng sùng tín còn mầu của cung bẩy là mầu tím tượng trưng cho nghi thức. Điều ấy có nghĩa cung sáu ra đi cũng mang theo với nó tất cả những hình thể nào có sắc chính là xanh dương, như ai thiên nặng về sùng tín (dù chính đáng hay không) và những vật hay hình thể, tư tưởng khác. Giải thích rõ hơn thì đó là những ai ta gọi là cuồng tín, hay ai một lòng một dạ hướng về mục tiêu đã chọn không lay chuyển, hay là một số hoa mầu xanh sẽ từ từ biến dạng như hoa chuông xanh (bluebell), hyacinth. Thay chỗ cho các hoa này thì hoa có mầu tím, mầu lavender, sắc tím sẽ thịnh hơn; cho loài vật thì một số hình thể sẽ tàn lụi dần tức vài loài vật sẽ diệt chủng, bích ngọc (sapphire) sẽ biến dần và lam ngọc (turquoise) sẽ mất đi sắc xanh đặc biệt của nó; sự việc muốn nói có một mục đích sâu xa hơn nằm sau các thay đổi bề ngoài như vậy.

B. Giải thích tâm lý theo bẩy cung.

Học về đặc tính và cách làm việc của bẩy cung cho ảnh hưởng rất thiết thực về khoa tâm lý, vì nó giúp tâm lý gia có hiểu biết chân thực về con người. Mỗi người thuộc về một trong bẩy cung, linh hồn (Chân Ngã) có cung bất biến theo thời gian thuộc về các nhóm cung của một trong ba cung chính, còn phàm ngã trong mỗi kiếp có cung thay đổi nhưng là những cung phụ của cung chân ngã.

Năng lực mỗi cung có tính chất riêng và do đó tạo điều kiện vật chất riêng, ấn định tính chất của thể tình cảm, nó nhuộm mầu cái trí, kiểm soát việc phân phối năng lực vì mỗi cung có mức rung động riêng và quản trị một trung tâm lực (luân xa) khác nhau trong cơ thể qua đó lực được phân phối chính yếu. Mỗi cung làm việc chính yếu qua một trung tâm lực và qua những trung tâm lực còn lại theo một thứ tự riêng. Do đặc tính của chúng, mỗi cung khiến con người có ưu điểm và khuyết điểm, đặt ra những giới hạn cho họ mà cũng cho họ khả năng. Nó quản trị cách họ liên hệ với người khác thí dụ như người cung hai dễ hoà đồng với người cung sáu vì hai cung có một số tính chất tương ứng. Cung cho con người mầu sắc và tính chất, đặc điểm chính trong ba cõi của phàm ngã và tạo ra hình dạng bên ngoài của họ. Nói ngắn gọn thì bàn về tâm lý đúng nghĩa là phải nói đến bẩy cung và đặc tính của chúng.

Kể thêm ảnh hưởng của cung thì người thuộc cung này sẽ dễ có tâm tính này so với người cung kia (thí dụ như nhìn ly có nước nửa ly thì có người cho rằng ly đầy một nửa mà người khác thì tin là ly vơi mất một nửa), tuy nhiên mỗi lần tái sinh là có thay đổi cung phàm ngã kiếp này sang kiếp kia cho đến khi mọi đặc tính phát triển và biểu lộ. Cung khiến ai thuộc về cung nào sẽ có hoạt động trong một ngành đặc biệt, họ có thể nỗ lực theo đuổi cùng một sinh hoạt này trong nhiều kiếp liên tục, thí dụ ai tài giỏi lỗi lạc trong ngành của mình là đã trau luyện về ngành ấy bao đời qua, bậc Huấn sư thế giới là người đã giảng dạy qua bao thời đại và đấng Cứu thế đã dành nhiều kiếp làm việc cứu độ. Khi con người tiến bộ đến một chặng nào đó thì cung của chân ngã bắt đầu chế ngự cung của phàm ngã, quản trị sự biểu lộ của họ nơi cõi trần theo nghĩa hướng con người hoạt động trong những lãnh vực nào đó.

Như thế, nhìn theo quan điểm của khoa tâm lý tinh thần, sự hiểu biết về các cung, tính chất và hoạt động của chúng có tầm quan trọng sâu xa và đó là lý do của loạt bài này. Nó nói rằng tất cả các trường phái tâm lý học đi sai đường khi xem xét con người như cách thức hiện nay, vì con người không được xem như một khối tổng hợp gồm phần tinh thần, cá tính và các thể. Có sự việc đó một phần vì tâm lý gia thiếu hiểu biết về mặt tinh thần hay không chấp nhận phần tinh thần thiêng liêng, trực giác, đặc tính của sự sống, của năng lực tuôn tràn qua con người còn gọi là bẩy cung, nói khác đi cội nguồn đích thực mà từ đó sinh ra hiện tượng thấy được nơi cõi trần. Khi chưa có hiểu biết đầy đủ về đặc tính các cung, và khi:

- cung của linh hồn chưa được xác định,

- ảnh hưởng của cung này đối với cung của cá tính chưa được hiểu rõ thì bản chất thực về tâm tính, nguyên do thực của phản ứng của họ, những ẩn ức, mặc cảm của con người sẽ vẫn còn là bí ẩn mà giải tỏa là chuyện hết sức khó khăn.

Thí dụ đưa ra về ích lợi của việc học hỏi khoa tâm lý tinh thần là hiểu biết về năng lực của cung có thể giúp giải thích về cá tính con người mà khoa tâm lý  gọi là hướng nội hay hướng ngoại. Chẳng hạn khi tâm lý gia ý thức rằng ảnh hưởng của năng lực tuôn tràn qua linh hồn (còn gọi là cung của linh hồn) sẽ khiến trong một kiếp đặc biệt nào đó con người có tính hướng nội hay hướng ngoại, lúc ấy họ sẽ tìm cách làm quân bình cho năng lực các cung khiến cho con người có thể biểu lộ mình ra bên ngoài dễ dàng, mà cũng có thể quay vào bên trong không gặp chướng ngại

Đi vào chi tiết thì tính hướng nội thực ra là gì? Ấy là trường hợp một người có năng lực hay cung của linh hồn quá mạnh so với cá tính, lôi cuốn phàm nhân theo hướng của linh hồn và do đó có tính thần bí. Tình trạng làm họ thấy thế giới nội tâm, tình cảm, ước nguyện, viễn ảnh tâm linh là đường dễ theo ít cản trở nhất; hệ quả là sự hòa hợp các thể để biểu lộ ở cõi trần bị yếu kém. Sức kéo của linh hồn mạnh hơn sức kéo của ngoại cảnh và con người trở thành nhà thần bí chìm đắm trong viễn tượng tâm linh mà không phải là nhà thần bí thực tiễn.

Phần ngược lại cũng đúng cho ai thuần tính hướng ngoại. Cung của phàm nhân trụ chắc vào cõi trần và sự thu hút của linh hồn tạm thời bị lấn át có thể trong nhiều kiếp. Khi sự lôi cuốn quá mạnh và khi tất cả những đặc tính của cung phàm nhân tụ vào một điểm thì hoặc con người có tính phô trương nếu ở mức tiến hóa thấp, còn nếu có tính chất cao thì họ biểu lộ thiên tài, có ba thể hòa hợp và đầy  sức sáng tạo. Sự hòa hợp ấy biểu lộ ra ngoài như là hoạt động trong thế giới hữu hình, mà không phải hướng vào thế giới nội tại bên trong, biểu lộ trạng thái của linh hồn.

Biểu lộ bên ngoài hay bên trong  đều muốn nói đó là thiên tài đang tới mức toàn thiện. Khi các thể được huấn luyện và thanh bai thì ta có người tài năng sáng chói làm việc trong những ngành khác nhau của cuộc sống. Thỉnh thoảng nếu thêm vào đó khuynh hướng hướng nội, con người ý thức phần tâm linh và có trực giác phát triển, thì kết quả là một nhân vật lãnh đạo, bậc huấn sư đức độ đầy quyền uy tinh thần. Bằng không được vậy, khi những thể chưa phát triển và khả năng ít ỏi, con người bị thất chí, mang mặc cảm thua kém mạnh mẽ và có thể biến thành tính khoe khoang bất thường.

Nhìn như vậy thì khoa tâm lý sẽ có lợi rất nhiều khi nghiên cứu về tâm lý bí truyền hay tâm lý tinh thần, vì có thể thâu thập nhiều điều giá trị mà đổi lại nó không mất chi cả. Một nhận xét về khoa tâm lý hiện thời nói rằng nó quan tâm nhiều vào các tình trạng mất quân bình, khác thường, bệnh hoạn và ít chú ý đến những trường hợp thiên tài, ý nghĩa của sự sáng tạo. Điều này dễ hiểu, thiên tài và khả năng sáng tạo là bằng chứng của linh hồn tác động qua ba thể, khi tâm lý học không công nhận có linh hồn bất tử, học hỏi kinh nghiệm trong nhiều kiếp dẫn đến tài năng mai sau, thì nó không thấy được liên hệ nhân quả của kinh nghiệm và óc sáng tạo phong phú của các nhân vật vĩ đại.

Các nhân vật này vượt trội người chung quanh, cho ra những điều tuyệt vời trong ngành của họ, tác phẩm của họ mang tính thiêng liêng và bất tử vượt thời gian. Nghệ sĩ sáng tạo, khoa học gia với trực giác bén nhậy,  thi sĩ đầy hứng khởi, lý thuyết gia, tất cả đều có thể giải thích và phân tích được tại sao họ là như thế một khi ta biết ra những luật chi phối họ, cách họ làm việc. Đây là phần thiếu sót trong khoa tâm lý ngày nay khi nghiên cứu chú trọng nhiều vào những trường hợp bất thường bệnh hoạn hơn là năng khiếu khác thường. Trí não thui chột, lầm lẫn, dưới mức bình thường hoặc các thể yếu kém lại được nhấn mạnh quá mức, còn nét khác thường rất thiêng liêng như sự hiện hữu của người tài đức vượt bậc hay ai có tâm thức vượt xa trạng thái bình thường của con người như các nghệ sĩ đại tài, văn sĩ, nhạc sĩ đầy sức sáng tạo, lại không được quan tâm đúng mức.

Khi linh hồn được nhìn nhận, khi năng lực tinh thần tuôn chẩy qua linh hồn được chấp nhận  cùng với các luân xa thì ta sẽ có tiến bộ mau lẹ về mặt hiểu biết, con người sẽ học cách vun trồng tài năng, hiểu cách huấn luyện người để làm việc một cách sáng tạo. Sẽ phải có việc học về siêu thức mà không phải chỉ có học hỏi về ngã thức và tiềm thức như hiện nay, khi có được nỗ lực như vậy và thực hiện với tinh thần cởi mở, tâm lý học sẽ cuối cùng đi tới việc nhìn nhận có linh hồn. Hiện bây giờ ngã thức đang được nghiên cứu, vấn đề cho tâm lý gia là suy được mối liên hệ hay vị trí của cái ngã đối với linh hồn.

Trong thời đại vừa qua điện học là khoa học căn bản còn sang thời đại mới khoa tâm lý là thành đạt chính yếu. Người ta sẽ tìm hiểu xem mỗi ai chịu ảnh hưởng của những năng lực gì, nói khác đi là cung nào chi phối thể nào của họ và sự hòa hợp của chúng tạo nên cá tính, hình dạng và khuynh hướng trong đời. Chuyện sẽ tìm thấy là không những cung linh hồn và cung phàm ngã tác động lên tâm thức với đây là hai năng lực chính, mà còn nhiều năng lực khác cũng tuôn tràn vào mỗi chúng ta, nhào nắn tạo tác hay nhuộm mầu tùy theo bản tính của cung, làm họ sinh động mà cũng khiến họ trở thành cá nhân phức tạp. Những năng lực này được liệt kê sau đây:

- Cung của thái dương hệ.

- Cung của Hành tinh Thượng đế.

- Cung của nhân loại.

- Cung của mẫu chủng mà con người thuộc về, thí dụ mẫu chủng thứ tư hoặc thứ năm.

- Cung của mỗi thời điểm, thí dụ vào lúc này là cung bẩy.

- Cung của quốc gia mà ta thuộc về.

- Cung của thể trí, thể tình cảm và thể xác.

Còn nhiều năng lực khác nhưng các năng lực trên mạnh mẽ nhất và chi phối nhiều hơn hết. Mỗi cung có chu kỳ dài ngắn khác nhau và do vậy chu kỳ này có thể bao trùm chu kỳ kia hay nằm trong chu kỳ nọ. Tất cả như  những bánh xe trong bộ máy cực kỳ tinh vi, vĩ đại, lồng vào nhau, ăn khớp với nhau chuyển động nhịp nhàng, và sự xoay nhẹ của một bánh xe gây ảnh hưởng lên trọn hệ thống gần xa. Ta sẽ nói về các năng lực này trong bài tới, hôm nay phần còn lại của bài được dành để nói về năng lực các cung.

C.  Năng Lực.

Một đặc điểm của tâm lý tinh thần là nhìn sự sống theo mặt năng lực, và khi hiểu cách năng lực tác động ta có thể giải thích một số tâm lý. Một qui tắc thường được nhắc tới là 'Năng lực theo sau tư tưởng, áp dụng nó vào trường hợp người có khuynh hướng thần bí ta thấy có tình trạng sau. Người bạn thường trụ tư tưởng vào một đấng cao cả ở bên ngoài họ, nghĩ tới Chúa, Phật hay thánh nhân nào khác, tin rằng ngài ở cõi trời và thành tâm hướng mọi ước nguyện về ngài. Người như vậy hay thấy đau ốm, yếu sức và tại sao ? Vì năng lực của anh liên tục túa ra khỏi thể xác đi theo tư tưởng của anh, là hướng ra ngoài. Thượng đế, Chúa, Phật đối với họ ở chỗ nào khác mà không ở trong tim, trong con người của họ. Tư tưởng anh đi ra ngoài và năng lực vì vậy đi theo ra khỏi cơ thể, tản mác vào không gian.

Chứng trầm cảm (depression) gặp ở nhiều người hiện nay một phần là do việc thiếu năng lực gây ra. Ước vọng và tư tưởng của nhân loại không ngừng tuôn ra đến một mục tiêu nào đó nằm bên ngoài, mà không hướng vào trung tâm của sự sống và tình thương bên trong mỗi con người là chuyện lẽ ra phải có, thế nên họ bị hao tổn năng lực mà họ rất cần. Đặc biệt ở phương tây, cho dù kinh sách trong nhiều thế kỷ dạy rằng nước Trời nằm bên trong, người tây phương không chấp nhận điều ấy hay làm theo lời chỉ dạy mà đi tìm thực tại ở bên ngoài, hướng tâm tình về phàm ngã của Đức Chúa là đấng mang chân lý đến cho họ. Ngài không hề muốn có điều ấy hay muốn được tôn sùng, và cái giá của việc nhìn sai lạc sự thật là cảnh xác thân thiếu năng lực diễn ra tới lui mãi.

Một hệ quả của việc xác thân suy yếu là tình trạng khiến những quyền năng thấp dễ dàng lộ ra hơn lúc thường. Nó có nghĩa chúng phát triển sớm trước khi người ta hiểu rõ tính chất và vai trò của chúng, hay biết được cách làm chủ những quyền năng này, thí dụ có khả năng thấy chuyện ở cõi vô hình (thông nhãn - clairvoyance) mà chưa học cách không để những điều thấy được chi phối tư tưởng mình. Viễn ảnh tốt đẹp là nhờ nghiên cứu con người có thể có hiểu biết mới về các quyền năng siêu linh, và khoa tâm lý lẫn y khoa nhờ vậy được tiến xa hơn.

 Nối kết những điều vừa nói là năng lực, khuynh hướng thần bí và các loại tâm thức khác nhau, ta đi tới chỉ dẫn là với loại tâm thức Atlantis, điểm cao nhất có thể đạt là sự phát triển thần bí và ước nguyện thần bí; ước nguyện tâm linh là biểu lộ của tình cảm cao thượng và bản chất của tâm thức này là tình cảm. Ước nguyện và tính thần bí đều có tính chất cõi trung giới nên phải canh chừng để tránh huyễn mộng, ảo ảnh. Với loại tâm thức Aryan, điểm cao nhất là huyền bí học và khoa học, tức là biểu lộ cao nhất của cái trí cụ thể, con người biết về thế giới chung quanh nhưng đích nên nhắm tới là phát triển để 'biết' hay cảm nhận được phần tinh thần của kẻ khác, ý thức được sự sống trong muôn loài. Hình thức thấp nhất của khả năng này là có linh giác hay tâm kế học (psychometry).

Năng lực cho ra hoạt động trong muôn loài mà khi không còn năng lực hay khi nó rút lui thì hoạt động ngưng lại, như vậy năng lực là sự sống mà cũng là sự chết. Khoa học nghiên cứu về hình thể vật chất còn khoa bí truyền chú trọng vào tính chất hay năng lực bên trong biểu lộ qua hình thể đó. Nói về khoa học bí truyền là nói đến năng lực và tính chất, có những năng lực ta đã biết đôi phần thí dụ như nguyên tử năng, tình cảm, tư tưởng, ngoài ra còn những năng lực tuy hiện hữu mà ta không cảm biết, không ý thức về chúng như ghi ở trên. Mục đích của các khoa học bí truyền là khiến các năng lực tiềm ẩn lộ diện từ từ, và nhà huyền bí học khéo léo là người làm việc trong hai thế giới cùng lúc, dùng ý chí sáng tạo để kết hợp, hướng dẫn, sử dụng thế giới hữu hình cùng tính chất của nó để cả hai hoạt động như là một.

Vì lý do đó người học đạo lúc ban đầu được dạy hướng vào bên trong, xem xét động cơ nằm đằng sau sự việc, làm quen với những tính chất đang tìm cách biểu lộ trong thế giới bên ngoài qua các thể của anh. Khi học làm vậy, anh dần dần cảm biết những tính chất đang phấn đấu bên trong hình thể và nhờ đó tâm thức mở rộng. Anh đi từ hiểu biết về thế giới hiện tượng nhờ khoa học sang hiểu biết bí truyền về thế giới tính chất. Ta phải có hai hiểu biết này đi chung với nhau để có quân bình, bằng không sự mất quân bình xẩy ra khi một bên được chú trọng nhiều hơn bên kia. Thí dụ là hiện nay đang có sự mất quân bình với ý niệm rằng nhiều điều do DNA quyết định mà nếu sắp xếp khác đi, ta có thể chỉnh được các tình trạng có nguyên do vô hình (là karma hay các uẩn) chỉ bằng phương tiện hữu hình, như bệnh tật, thể chất, tính di truyền v.v.

Khi một ai học biết chính mình thì tự động họ cũng học biết tính chất ẩn trong mọi hình thể khác. Thế nên có lời khuyên là hãy đi tìm phẩm chất ở mọi nơi, tức thiên tính trong vạn vật, nhận biết động cơ ẩn sâu trong muôn loài. Người chưa thức tỉnh chỉ thấy hình thể, ghi nhận hoạt động của nó và xem xét sự vật theo hình dạng bên ngoài; người chí nguyện đang thức tỉnh bắt đầu cảm biết đôi phần nét mỹ lệ bị chôn sâu chưa lộ diện bên trong mọi hình thể, và người đệ tử đã thức tỉnh đặt trọng tâm vào thế giới phẩm chất đang lộ dần, anh từ từ cảm biết những động lực chi phối tính chất sự sống. Nét mỹ lệ bên trong là căn bản cho việc tôn giáo nhấn mạnh sự vun trồng đức hạnh, và trong huyền bí học đó là chỉ dẫn tham thiền có đề tài. Cả hai nhắm đến mục tiêu giá trị và xây dựng, và chân lý nói rằng  'Con người nghĩ trong tâm ra sao thì họ là như vậy' cũng dựa trên cùng một nhận thức. Điều phân biệt giữa người sống theo các giá trị tinh thần và người theo đuổi vật chất là một bên tìm cách làm việc với phẩm chất của sự sống còn bên kia chú trọng vào bề ngoài của nó.

Ta nói thêm một chút về năng lực. Mỗi thể của con người sử dụng một năng lực riêng, như vậy cho riêng phàm ngã gồm bốn thể thì có bốn năng lực là thể chất hay nguyên tử, sinh lực, cảm xúc và tư  tưởng. Tuy vậy năng lực thể chất hay nguyên tử có trong mọi sự sống mà không phải của riêng con người nên không được kể là năng lực của người, và phàm ngã được coi là chỉ gồm ba năng lực.  Khi cả ba năng lực này được hòa hợp, xếp đặt và sử dụng thì nhân vật có cá tính mạnh mẽ và hoạt động hữu hiệu.

Năng lực của phần linh hồn gồm trí trừu tượng và trực giác hay tình thương. Với người trung bình năng lực của cá tính chiếm ưu thế, năng lực tinh thần bị chìm sâu và chịu sự kiểm soát của của năng lực thấp trong một thời gian dài. Sang giai đoạn bắt đầu có ý thức về đường đạo thì năng lực linh hồn bắt đầu linh hoạt dần, con người hữu ý sử dụng trí tuệ và biểu lộ Minh Triết - Bác Ái nơi cõi trần. Nói một cách giản dị thì đây là mục tiêu của tất cả ai là người chí nguyện. Khi cả ba năng lực của cái tôi và hai năng lực tinh thần được dùng một cách hữu ý và khôn ngoan để phụng sự thì chân ngã và phàm ngã bắt đầu có một nhịp sinh hoạt tương tự, có mức rung động dần dần trùng hợp nhau.

Ban đầu sự hòa nhịp chỉ thỉnh thoảng mới có, từ từ chúng xẩy ra thường hơn và khi có hòa hợp trọn vẹn thì chỉ còn một nhịp là rung động của linh hồn vì nay nhịp cao hoàn toàn chế ngự nhịp thấp. Về mặt huyền bí người như vậy có khả năng sinh hoạt trong ba cõi thấp, từ cõi này bước sang cõi kia một cách tự do theo ý mình, từ dưới lên trên hay từ trên xuống dưới, từ chỗ tối vào chỗ sáng hay trở ra ngược lại. Do đó khi học về huyền bí học và nhất là trong loạt bài về tâm lý tinh thần tới đây, ta nên giữ ý chính trong đầu là câu chuyện bàn về năng lực, và nhìn vấn đề cũng như  làm việc theo nghĩa năng lực. Bẩy năng lực chính mang con người đi tái sinh, rồi khiến con người rút lui ngơi nghỉ; chúng có những đặc tính riêng của mình, và những tính chất này ấn định bản chất của hình thể được tạo nên trong các loài,  đặc tính của sự sống trong mỗi thời điểm, chu kỳ sống của một loài hay giống dân, sự xuất hiện hay tàn lụi của một nền văn minh.  Cho riêng chúng ta, sự học hỏi sẽ giới hạn vào mặt tâm lý tinh thần, trong những bài tới ta sẽ tìm hiểu về một số vấn đề tâm lý dựa theo hiểu biết đưa ra về năng lực của bẩy cung.

Tham Khảo:

Esoteric Psychology I & II, Alice A. Bailey.

Xem: