DẤU VẾT (Bài 2)

  

Vấn: Seattle, tiểu bang Washington đang cuối tháng mười, đầu mùa thu. Cuối tuần qua tôi dành hơn nửa ngày đi dạo công viên, đúng ra là một khoảng rừng thưa ngập lá vàng ngay trung tâm thành phố. Ngồi yên bên bờ hồ nghe tiếng chiều rơi, ngắm những chiếc lá luân vũ với gió, nhìn một vạt rừng in bóng và biến dạng lung linh trên mặt nước. Ước gì tôi có khả năng mang đến tất cả các bạn màu sắc, âm thanh, hương thơm … và trực thức về buổi chiều tà mùa thu,

 

khi ánh sáng nhạt dần nơi chân trời… Tôi có thấy nhiều đàn chim bay qua, dĩ nhiên mùa này và vùng này không còn bóng chim nhạn của anh (cười). Trong “Dấu Vết” bài 1 anh đưa ra hình ảnh con chim nhạn lặng lẽ bay trong nắng, ngang trên mặt hồ tĩnh lặng. Thật sự khi viết bài anh chỉ có nói về chim nhạn ! (cười) mà quên đi mặt hồ ! Bất công và thiên vị thấy rõ ! Hay là anh dị ứng với mặt nước hồ mùa thu (cười) ? Anh chú trọng về con bạch hạc Kala Hamsa ngoài thời gian, toàn bài quy về “không dấu vết” tính cách “không” của hiện tại vĩnh cửu. Anh có lý do thầm lặng nào không vậy ? Cơ hội đang đến cho anh nếu có ý định lập lại công bằng và quân bình với bài 1 bởi bài 2, bằng cách thật sự nói về “dấu vết”, và Kala Hamsa trong thời gian…

Đáp: (cười) Cám ơn lời gợi ý. Chị đoán rất đúng về nội dung bài 2. Lý do của “không” trong bài 1 là vì vũ trụ & nhân sinh quan của Phật Giáo (PG) là “Thành, Trụ, Hoại, Không”. “Không” cũng là một trong những dòng chính của PG (khổ, tứ diệu đế, 12 nhân duyên, vô thường, vô ngã, niết bàn và không). Tất cả sáng tạo/bảo tồn/huỷ diệt (thành/ trụ /hoại) đều đi về “không” từ “không” tái lập lại tuần hoàn. Cánh cổng PG được gọi là cửa “thiền” hoặc cửa “không”. Năm 1981 trong một phỏng vấn với ngài Dalai Lama tại đại học Harvard, đáp một câu hỏi:
-Truyền thống phương tây chấp nhận hiện hữu của một vị Thượng Đế, có thể nào xem “tính không”  trong PG như Thượng Đế không ?
Câu trả lời là có thể xem “không” như Thượng đế. Nếu Thượng Đế được xem là thực thể cao nhất, là sự thật cuối cùng thì có thể nói tánh “Không” là Thượng Đế, thậm chí xem tánh Không là tác tạo của tất cả mọi thứ, trong nghĩa mọi sự vật phát sinh và hoại diệt trong tánh Không. Tánh Không là cơ sở của mọi Pháp sinh diệt. Nếu các bạn muốn tìm hiểu thêm, kinh sách PG Đại thừa có nói đến 20 ý nghĩa của “không”, trung quán là một trong 20. Có lẽ nên thận trọng, chúng ta cần thực hành và tự tri, không đi tìm kiến thức. 

Vấn: Anh vẫn dùng PG làm ý chính cho bài ? Tại sao lại PG ? Có thật sự trọng tâm bài 2 nói về mặt hồ ? Tôi cứ ngỡ vì tính galant có thừa (cười) anh muốn làm vui lòng lời tiên đoán của tôi chứ gì ?

Đáp: (cười) Hình như phái nữ “đa nghi” hơn phái nam ? Tôi sẽ nói về hồ thu của chị với đề nghị là hãy nhân cách hoá mặt hồ đôi chút. Mặt nước hồ ngàn năm chứa đựng và in bóng 4 mùa xuân, hạ, thu, đông. Bao nhiêu là mây trắng bay qua (mây cũng là một dạng của nước), bao nhiêu bóng của đàn chim di đến rồi đi, bao nhiêu là ánh thái dương, bình minh và chiều tà. Trẻ em vẫn đến nô đùa với sóng nước, 20 năm qua mau, trở lại như đôi uyên ương tràn đầy sinh lực,  sức sống và nhiệt hứng, 40 mươi năm sau, cũng bên bờ hồ, lặng lẽ vết thời gian…
Một quy mô giống vậy nhưng lớn hơn ghi dấu thăng trầm của một ngôi làng, một thành phố, một quốc gia,  một giống dân …  Tôi có ý muốn nói đến Alaya thức (A Lại Da thức hay Tàng thức) được đề cập đến trong Duy Thức của PG Đại Thừa. Duy Thức có nghĩa là “Duy chỉ có một thức ấy mà thôi” thức ấy chính là Alaya thức, thức thứ 8, bao gồm tất cả 7 thức trước đó, là một cái kho (một cái hồ) chứa đựng tất cả chủng tử tốt cũng như xấu, tất cả nghiệp lực của chúng ta từ quá khứ và cũng chính cái thức này lôi kéo chúng ta trở lại tái sinh, là nơi chiến trường nội tâm, nơi quyết định đời sống tu hành. Theo Ngài Asanga, chứng Niết Bàn chính là sự chuyển hoá A Lại Da Thức.
Vị tổ của Duy Thức là luận sư Vashubandhu (Thế Thân 316-396 AD), em cùng mẹ khác cha với ngài Asanga (Vô Trước). Nhiều tài liệu cho biết Duy Thức được ảnh hưởng sâu đậm bởi tác phẩm “Nhiếp Đại Thừa Luận” do ngài Asanga biên soạn. Ai ai cũng biết Theosophia không phải là PG, thế nhưng PG có một chỗ đứng rất quan trọng trong Theosophia, tác phẩm “Tiếng Vô Thinh” một quyển sách được bà Blavatsky đánh giá là quyển gối đầu nằm của hội viên, sách được ngài Pachen Lama (Ban Thiền) và ông Suzuki chứng nhận là giáo lý Tâm Pháp của PG đại thừa. Hai vị sáng lập của Hội luôn luôn tự xác nhận là Phật tử. Ngoài ra  Duy Thức học còn được xem như Tâm Lý Học PG và đó là lý do của bài này, hình như chỉ có duy nhất tôn giáo PG đề cập đến Tâm Lý, một đề tài “thời đại” của thế kỷ 21. 

Vấn: (cười) Wow ! Tâm lý học ! Tôi đang bị anh chinh phục rồi đây, anh phải là một người vô cùng can đảm còn lại của thế kỷ (cười) : anh không là tâm lý gia cũng chẳng phải là tu sĩ PG !

Đáp: (cười) Không và không ! Chị cũng vậy ! Biết đâu nhờ vậy chúng ta có tự do và lợi thế không ràng buộc ? Độc giả sẽ không tìm thấy giống hệt kinh sách như xưa nay. Chắc chắn sẽ không tránh khỏi chủ quan hoặc không để lại dấu vết, chỉ vì mức độ tiến hoá có giới hạn. Người  viết cố gắng không sai lạc tinh hoa PG, một ít khác biệt nơi phương cách trình bày, sao cho phù hợp với thời đại. Đề tài sẽ được gợi ý một cách vô cùng tổng quát và toàn diện, phần việc khó nhất và quan trọng nhất là thực hiện, xin nhường lại cho độc giả. Hãy hy vọng vào độc giả không thành kiến / định kiến. Tất cả chúng ta đều cần óc rộng mở để có thể nhìn mọi sự vật như chính sự vật đó hiện hữu.

Vấn: (cười) Có phải anh sẽ trình bày Duy Thức bằng cách đưa ra một cái tâm trước, sau đó những bán kính, tạo ra không gian ?

Đáp: (cười) Cũng là một cách nói tượng hình. Giáo lý PG Theravada (Nam Tông hay Nguyên Thuỷ) nói về bộ ba “căn/trần/thức” như sau:  

6 căn duyên với 6 trần → cho ra 6 thức

  



                     

Tổng cộng là 18 yếu tố còn được gọi là 18 xứ và là “xúc” một chi trong 12 chi của thập nhị nhân duyên. Với Duy Thức chúng ta có thêm 2 thức manas và alaya (Mạt Na và A Lại Da thức) Như vậy theo Duy Thức Đại Thừa, có đến 8 thức và tổng cộng 20 xứ. Thật ra kinh sách nam truyền cũng có nói về Mạt na thức và Alaya thức nhưng một cách rải rác, chứ không gọp chung như Duy Thức.
Trở lại buổi đi dạo của chị, qua lục căn (chủ thể) chị khám phá ngoại cảnh (đối tượng lục trần) như lá rơi, chim bay, thời tiết lạnh … tức là môi trường chung quanh. 8 thức phát sinh, từ đây chị có khả năng “cảm” được mùa thu, khả năng làm thơ/nhạc ca tụng “mùa thu của chị” và cũng  bắt đầu yêu nơi chốn ấy, một ít chủng tử được sinh ra ký thác vào tàng  thức, một số yêu/ghét vướng bận không tránh khỏi, tàng thức vai trò như một bộ phận tích lũy dấu vết kiếp này sang kiếp khác…Bộ ba “Căn/Trần/Thức” là căn nguồn của nền văn minh hiện tại. Từ triết học, khoa học toán, vật lý, nhân văn cũng do khả năng này mà ra. Thí dụ “tam đoạn luận”, “biện chứng pháp”, phép diễn dịch, phép quy nạp trong triết học, khoa học kỹ thuật, tiến trình “giả thuyết/kiểm chứng/định luật” trong khoa vật lý đều là sản phẩm của manas thức …
Chúng ta biết triết học đóng góp một vai trò quan trọng trong đời sống nhân loại, nó bao gồm tâm lý, luận lý, đạo đức. Quả là một đáng tiếc khi chương trình trung học tại quê nhà bị cắt đi ngành học thuật này và thay thế bằng duy vật biện chứng ! Tuyệt đại đa số các quốc gia trên thế giới vẫn nhìn nhận và áp dụng “triết học  nhân bản” chỉ đạo đời sống, chỉ còn vài quốc gia lạc lõng chủ trương “chính trị” chỉ đạo đời sống ! (một nền chính trị đặt nền tảng hận thù, bạo động, gian dối, kỳ thị, cướp bóc, giết người). Bộ ba “căn/trần/thức” được xem như là trung tâm của duy thức, bảng tóm tắt như sau : 

LỤC CĂN
(CHỦ THỂ)

nhãn căn, nhĩ  căn, tỉ căn, thiệt căn, thân căn, ý căn

5 căn đầu : ngũ quan
Ý căn: Tổng hợp của 5 căn đầu, vai trò bộ óc thần kinh hệ, ghi nhận cảm giác, kinh nghiệm ngoại giới

LỤC TRẦN
(ĐỐI TƯỢNG) 

sắc trần, thanh  trần, hương trần, vị trần, xúc trần, pháp trần  

Pháp trần: Môi trường ngoại giới, tổng hợp 5 trần trước nó, bao gồm : màu sắc, âm thanh, mùi vị, cay chua, nóng lạnh

BÁT THỨC
1 tên khác :
TÂM VƯƠNG

nhãn thức, nhĩ  thức, tỉ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức, mạt na thức (manas) và alaya thức (tàng thức)

Ý thức: Tri giác, tổng hợp 5 thức đầu, cho ta biết yêu thích, phán đoán, so sánh, kinh nghiệm, ghi nhớ hồi tưởng ngoại giới.
Mạt na thức: Tương đương với hạ trí, cái trí “chấp ngã”, phân tích cụ thể, mạt na thức tạo ảo tưởng “tôi” và “của tôi”
Alaya thức: Bao gồm tất cả 7 thức trước như Ngài Pháp Tạng (643-712 AD) một thiền sư người Hoa đã mang “Hoa Nghiêm” vào Duy Thức: “một trong tất cả, tất cả trong một”. Là một cái kho (một cái hồ) chứa đựng tất cả chủng tử tốt cũng như xấu, tất cả nghiệp lực quá khứ.

Vấn: (cười) Hình như anh đã chuẩn bị đầy đủ cho một chuyến viễn du ngược dòng thời gian đi  vào tàng thức ? Tôi có biết câu 74, 75 trong “Tiếng Vô Thinh” cảnh cáo việc quay nhìn trở lại quá khứ (Câu 75: Hãy tận diệt nơi con mọi hồi ức về dĩ vãng. Chớ ngó lại đàng sau, bằng không sẽ nguy cho con đó). Cựu Ước Sáng Thế Ký cũng có kể câu chuyện về Ông Lot là cháu của Abraham. Thiên Sứ cho biết nếu có được 10 người đạo đức, thành Sodom và Gomorrah sẽ thoát được thiên tai, song vẫn không có đủ 10 người công chính ! Ông Lot được khuyến cáo di tản nhưng với lời dặn là bất cứ tình huống nào cũng không được quay nhìn lại phía sau. Thành Sodom và Gomorrah bị tiêu huỷ, Ông Lot và gia đình được cứu, ngoại trừ vợ của Ông Lot bị hoá thành tượng muối vì tiếc nuối của cải còn để lại trong thành nên quay nhìn lại phía sau ! Tôi đang có mặc cảm “lỗi tại tôi mọi đàng”. Tội của tôi quyến rũ anh nhìn lại phía sau ? (cười) 

 Đáp: (cười to) Chắc chắn là vậy, tội của chị to lắm ! Phần tôi cũng chưa muốn biến thành tượng  muối ! Xem ra chỉ còn mỗi một cách, chị và tôi phải nỗ lực tìm thêm 8 người công chính nữa ! (cười) Chị nói đúng, cây đa, bến cũ, con đò, tình khúc thứ nhất … quả là có ma lực nhận chìm loài người “chết” trong quá khứ đường xưa lối cũ … Thật ra vấn đề còn tuỳ thuộc nhiều yếu tố, trường hợp “Vòng Tái Sinh và Bài Học Nhân Quả” nhìn về những kiếp đã qua lại là cần thiết ….Trở lại đề tài, tôi sẽ vẽ 3 vòng tròn đồng tâm:  

 

 

 

 

 

 

 

 


    Lực Ly Tâm                                                Lực Hướng Tâm
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


  1. Vòng nhỏ trong cùng : Là vòng tàng thức cá nhân, tính cách quá khứ, chứa đựng những chủng tử tốt & xấu, bản năng (sinh tồn, hiếu sát, dâm dục, thú tánh …), nghiệp lực, ức chế, dồn nén, ước vọng thanh cao, lý tưởng … Đặc điểm là chấp ngã, khả năng của cái trí manas, phân tích cụ thể. Khuynh hướng của vòng tàng thức là ly tâm, lúc nào cũng muốn nhảy vào chiếm cứ vòng ý thức, phá cái biên giới phân cách 2 vùng.
  2. Vòng giữa : Là vòng ý thức hiện tại, lúc tỉnh thức ban ngày. Vòng này là bãi chiến trường, bị vòng ngoài cùng ép vào và vòng trong cùng đẩy ra. Ngày nào còn mức độ thăng bằng tương đối, ngày ấy bình thường (một lối cân bằng không bền trong vật lý), ngược lại nếu áp lực quá lớn làm rách biên giới phân chia, ngày ấy bị bệnh tâm thần, ám ảnh nhảy ra chiếm cứ ý thức…
  3. Vòng ngoài cùng : Là vòng tàng thức nhóm, tuỳ nhóm lớn nhỏ, nó là phong tục/tập quán, văn hoá, luật pháp, giáo dục, kinh tế, chính trị, khoa học, nghệ thuật, tôn giáo, triết học … Nó là sản phẩm và văn minh của loài người. Vòng này khuynh hướng hướng tâm, lúc nào cũng muốn đàn áp, kiểm soát áp chế vòng ý thức chính giữa. Tàng thức nhóm chứa đựng những cộng nghiệp của nhóm, nó có đủ tính chất y như tàng thức cá nhân, khác nhau ở chỗ nó là tổng hợp của nhiều tàng thức cá nhân có cùng chung một số nhân quả tương tự.

                              
Vấn: (cười) Sẽ dễ cho tôi và độc giả hơn nếu anh vui lòng cho thí dụ liên hệ đồ hình bên trên.

Đáp: Bạn đang bị áp chế, giữa nơi công cộng, giận lắm, chủng tử “sân” vừa được gieo vào tàng thức, bản năng thú tính tiềm ẩn từ lâu nơi tàng thức, theo lực ly tâm nhảy ra ý thức, xúi dục bạn hãy đấm vào mặt kẻ gây hấn kia. Thế nhưng ảnh hưởng vòng ngoài (luật pháp, xã hội, đạo đức, tôn giáo) ép bạn xuống, không cho phép. Bạn dồn nén cơn giận dữ đó vào tàng thức và mang vào giấc ngủ đêm đó. Khi mà thần kinh hệ yên nghỉ, bạn nằm mơ thấy mình “kung-fu” kẻ hiếu chiến ban sáng ! Áp lực đã  giải toả. Các vị tâm lý gia hiện tại sử dụng nguyên tắc là làm sao cho bệnh nhân đồng ý nói ra những bí mật chôn dấu sâu kín nơi vô thức, hay nơi tàng thức (tàng thức có một phạm vi rộng hơn vô thức nhiều lắm, vô thức có biên độ 100 năm theo tâm lý học hiện tại, tàng thức dài bằng số kiếp sống của hành giả) nghĩa là làm sao mang bí mật từ tàng thức ra hiện tại hữu thức để chữa trị.
Một  phương cách không được bà Blavatsky khuyến khích, đó là “thôi miên”. Lý do nhân loại chưa đủ hiểu biết về huyền bí học, nếu ức chế nội tâm quá lớn bệnh nhân sẽ không trở lại được hiện tại. Nếu muốn, độc giả tìm đọc thêm về Ông Edgar Cayce (1877-1945). Những sự "nhiệm mầu lạ lùng" của ông Cayce chỉ là sự khám đúng căn bịnh, mà thường là trong khi bịnh nhân ở cách xa ông đến hằng ngàn cây số! Năng khiếu thông nhãn của ông chỉ xuất hiện trong giấc ngủ thôi miên. Ông Cayce có để lại rất nhiều tài liệu sống thật, hàng chục ngàn hồ sơ về trường hợp ông dưới ảnh hưởng của thôi miên nhìn vào thể xác/sinh lực của bệnh nhân hoặc những kiếp trước (tàng thức) của họ mà đoán bệnh hoặc đưa ra lời khuyên bảo …      
Sự liên hệ giữa tàng thức cá nhân và tàng thức nhóm hay giữa tàng thức  nhóm nhỏ với tàng thức nhóm lớn hơn tuỳ thuộc vào nhân quả ràng buộc. Nhóm có thể là gia đình, chi bộ P.S., làng, xã, quốc gia, giống dân hay lớn nhất là nhân loại. Có vấn đề môi sinh ràng buộc cá nhân với nhóm, vấn đề này sẽ ngày càng rõ rệt, hiện thực nơi tâm thức con người. Một số cá nhân với một số lý do nào đó, không sinh hoạt được với nhóm, hoặc né tránh, hoặc không thể dung hoà … Cá nhân ấy cũng sẽ phải tự điều chỉnh, không kiếp này thì kiếp sau. Ngày ấy, tinh thần trách nhiệm của cá nhân sẽ tăng trưởng, tỷ lệ thuận với trực thức về tình huynh đệ đại đồng. Trách nhiệm về môi sinh đề cập ở đây không chỉ trên phương diện hữu hình mà còn xảy ra tại các cõi vô sắc giới. Lịch sử đã chứng minh loài người đã cùng dò dẫm tìm cách nào sống chung với nhau bình đẳng, hoà bình … Những cuộc cách mạng đổ máu, những thí nghiệm chủ nghĩa đầy đau khổ đã xảy ra… Sự va chạm giữa tàng thức cá nhân và nhóm chưa có dấu hiệu chấm dứt ! Hãy tìm hiểu về nền văn minh mới của giống dân thứ sáu, và hãy bắt đầu từ bản thân, ngay ngày hôm nay.  

Vấn: Một nhận xét : đồ hình trình bày bên trên hình như chỉ nói đến sinh hoạt liên hệ phàm ngã, bằng cớ là tàng thức bao gồm 7 thức, cao nhất là mạt na thức và mạt na tương đương với hạ trí, cái trí cụ thể, phân tích và chấp ngã (cái trí giết chết sự thật). Như vậy, nếu nói có “sự  chuyển hoá A Lại Da Thức” như ngài Asanga phát biểu. Chắc chắn mạt na thức không đủ sức làm trong sạch chính nó ? Vậy thì cái gì đảm trách, cụ thể hơn, cái thức nào khác hơn làm công việc chuyển hoá đó ?   

Đáp: Theo Phật giáo mỗi người chúng ta đều có lịch sử di tính, được hiểu dưới dạng nghiệp lực chất chứa trong Alaya thức (A Lại Da Thức). Xưa nay cả hàng trăm kiếp, vì vô minh chúng ta đã gieo không biết bao nhiêu điều dữ, alaya thức cũa chúng ta đầy ô nhiễm, chứa đầy những  chủng tử bất tịnh. Trách nhiệm đương nhiên là giải toả khối lực bất tịnh đó. Một số linh hồn mạnh mẽ có lời nguyện trả nhanh hơn, nhiều hơn số lượng định sẵn hầu nhẹ gánh nợ, tiến nhanh hơn và hữu ích nhiều hơn cho nhóm. Những bậc già dặn trong hàng ngũ nhân loại là các vị đạo đồ, các ngài với những tàng thức trong sạch, nhẹ nhàng, biết được ngày và đêm, có tinh thần làm việc phụng sự không mệt mỏi, không những làm sạch và nâng cao tàng thức cá nhân mà luôn cả tàng thức nhóm. Họ còn làm trong sạch các cõi vô hình, vì vô minh, nhân loại đã xả quá nhiều rác rến vào cõi trung giới và hạ giới (những vị đạo đồ xuất hiện không chỉ trên phạm vi tôn giáo, lịch sử đã nói lên các ngài từng là các nhà cải cách xã hội, chính trị, giáo dục, nghệ sĩ …)
Câu hỏi rất hợp lý là bằng cái thức nào giúp hành giả chuyển hoá tàng thức ? Kinh Hoa Nghiêm có nói đến thức thứ chín Amala Vijnana (bạch thức) tương đương với cái trí bát nhã (thượng trí) có thể đảm trách nhiệm vụ chuyển hoá. Xin nhường lại các bạn độc giả nếu trong tu tập các bạn khám phá ra thức thứ 10, 11….  Kinh sách PG có nói “Vào ngày thiền định thứ 49 dưới cội bồ đề, lúc canh hai Sidarta chứng được “Túc Mệnh Minh”, hồi nhớ tất cả những kiếp quá khứ. Như một cuộn phim quay lại tất cả kinh nghiệm, bài học quá khứ, những điều này xảy ra từ hàng trăm kiếp chứa đựng trong Alaya thức. Ngài nhìn được tới đâu thì sự trong sạch lan tới đó, thanh tịnh hoá và trong sạch hoá tất cả ô nhiễm trong alaya thức. Sau cùng thì alaya biến mất (trở thành như lai tàng), một vị Phật ra đời, không còn lệ thuộc vào nhân quả, luân hồi.
 
Vấn: Có một cấu trúc tương tự giữa đồ hình và thái dương hệ hoặc một hạt nguyên tử. Có những lực giữ cho electron và các hành tinh vị trí điều hoà. Câu hỏi là có hay không những lực và luật nơi đồ hình ? Theo tôi nghĩ trong giai đoạn đầu với những linh hồn trẻ, tàng thức cá nhân lệ thuộc, bị điều khiển bởi tàng thức nhóm. Theo đà tiến hoá, những linh hồn già trở thành hạt nhân của tàng thức nhóm, vai trò chủ động. Giống như tôi có phát biểu trước đây, tâm và chu vi vòng tròn phải có bán kính nối kết, bán kính trong đồ hình là gì vậy ?

Đáp: (cười) Tôi vẫn nhớ gợi ý của chị về tâm và bán kính. Có thể xem luật như là bán kính giữa nhân và các ngành học thuật xoay quanh, nó là chất keo nối tất cả thành phần lại với nhau. Đồ hình đã đưa ra hai nối kết : nối kết “hạt nhân” giữa bộ ba căn/trần/thức (là tâm vòng tròn) và nối kết “nhân văn” giữa cá nhân với nhóm hay giữa nhóm với nhau. Tương ứng PG có nói lên 2 loại luật thiên nhiên : luật về vật chất và luật về tâm thức. Cho dù chúng ta có tin hay không, luật vẫn tác động. Chữ ‘Pháp’ (Dhamma) có nghĩa là ‘luật’ hay “luật tự nhiên”. Hãy nhìn luật như một dòng chuyển động chứa nguyên nhân và các điều kiện. Nhân/Duyên tạo quả, quả trở thành nhân/duyên mới cứ tiếp diễn tuần tự như thế, y như 1 hàm số vòng (tuần hoàn) 1 vòng tròn không đầu, không đuôi, không khởi điểm, không kết thúc. Phật Giáo chia định luật thiên nhiên thành năm tiểu loại, loại 1 và 2 thuộc về vật chất, 3, 4 và 5 về tâm thức : 
1. Utuniyãma (luật vật lý): Ðề cập đến những biến chuyển trong thế giới tự nhiên, tức môi trường vật chất.
2. Bijaniyãma (luật sinh học): nói về động vật và thực vật, đặc biệt về tính di truyền.
3. Cittaniyãma (luật tâm linh): nói về hoạt động của tâm và sự suy nghĩ.
4. Kammaniyãma (nghiệp luật hay luật luân lý): nói về nhân cách, đặc biệt về ý định và các hành động do ý định mà có.
5. Dhammanayãma (luật nhân quả chung): nói về mối quan hệ và sự phụ thuộc lẫn nhau của mọi sự, trạng thái, điều kiện của mọi sự việc.
Luật vật lý thuộc về “trần”, luật sinh học thuộc về “căn”, 3 luật sau cùng thuộc về “thức”. Ngoài những luật chính trên đây còn có nhiều luật phụ, như luật vật lý, điện, cơ, hoá, sinh học, luật hy sinh, luật tương đồng, luật tương phản (nhị nguyên), luật tuần hoàn…Luật luôn luôn đi kèm với lực, 2 yếu tố làm nên “huyền bí học”. Nếu muốn, các bạn có thể hoạ lại đồ hình theo hình ảnh một nguyên tử, hạt nhân có “căn/trần/thức” quĩ đạo bên ngoài là những đám mây electron tượng trưng những ngành học thuật, sản phẩm của tàng thức nhóm. Mỗi kiếp chúng ta có một số khuynh hướng khác nhau, có kiếp là nghệ sĩ, kiếp khác khoa học gia… để sau cùng một phát triển toàn diện.

Vấn: Tôi có nhận xét nhiều kinh sách PG, luôn có khuynh hướng tiến tới “huỷ thể” hoặc tiến tới “không” sau khi đã thành lập xong một luận thuyết. Điều này giống như một kiến trúc sư sau khi xây xong một cao ốc, nhìn lại công trình rồi bảo là : toà cao ốc này là không thật, toàn bộ là ảo ảnh … Trở lại bài dấu vết, đúng hơn là “duy thức” nó có một biệt lệ nào hay không ? Hay là cũng sẽ phủ định những gì đã lập nên ?  

Đáp: Tôi không nghĩ là có biệt lệ cho duy thức ! Duy thức dựa vào “Tam Tự Tính” để giải thích sự cảm nhận, nhận thức ngoại cảnh :

  1. Huyễn giác tính (Parikalpita, Biến kế sở chấp tính) Tất cả những hiện hữu đều là kết quả của trí tưởng tượng, do chấp nội ngã và ngoại ngã đưa đến ta và của ta, cho rằng sự vật trước mắt là có thật, là độc lập. Thật sự tất cả là đại ảo ảnh (mahamaya). 
  2. Tùy thuộc tính  (Paratantra, Y tha khởi tính) nghĩa là tùy thuộc vào cái khác mà sinh ra: Tất cả pháp hữu vi đều do nhân duyên mà phát sinh, lệ thuộc vào nhau, không có tự tính (không độc lập) đủ duyên thì còn, hết duyên thì mất.
  3. Chân thật tính (Parinispanna, Viên thành thật tính) Tâm vốn thanh tịnh, là Chân như, không phân biệt nhị nguyên, nhìn vạn vật như chính nó, như là những biểu hiện mà thôi. Như Lai tạng là tính Không là thật tính của Alaya thức.

Hãy dùng “không quán” để hiểu huyển giác tính. Không quán đặt căn bản trên tuyệt đối luận. Chúng ta đã quá lâu mê lầm chấp ngã “tôi” và “của tôi” khiến cho tàng thức đầy ắp những chủng tử ích kỷ, tham lam. Vạn vật còn đó và mất đó, vô thường, còn duyên thì còn, hết duyên thì mất. Tất cả đều trôi vào “không” sau một chu kỳ hiện hữu.

Hãy dùng “giả quán” để hiểu tuỳ thuộc tính. Giả quán căn bản trên tương đối luận, vạn hữu đều liên hệ mật thiết nhau, không có gì đứng độc lập, tự một mình nó đứng mà không nhờ vào chung quanh (PG gọi là vạn vật không có tự tánh). Một khi ô nhiễm từ Thượng Hải vượt biên sang đến Hoa Kỳ thì người ta mới nhớ ra nhân loại có cùng một bầu trời và tất cả đều thở oxygen ! Nhân loại từ lâu vẫn giả định một cách ích kỷ gia đình tôi, nước tôi … có những quyền lợi riêng và những quyền lợi này phải đấu tranh để sinh tồn và vươn lên theo kiểu “mạnh được yếu thua” và theo “cứu cánh biện minh cho phương tiện”. 

Hãy dùng “trung quán” để hiểu chân thật tính. Đây là phép quán không tương đối cũng chẳng  tuyệt đối. PG gọi trung quán là đệ nhất nghĩa đế là sự chân thật nhất gồm thâu tất cả sự thật khác. Nhờ trung quán hành giả nhìn được cả hai có và không (không tức thị sắc, sắc tức thị không). Trung quán dung thông cả hai, tâm không ngăn ngại. Vì không ngăn ngại nên không sợ hãi, ly hẳn tất cả điên đảo mộng tưởng, cứu cánh niết bàn (Bát Nhã Tâm Kinh). Vô minh quét sạch, tàng thức biến mất. 
                                                
Vấn: Theo như chiều hướng chung của kinh, luận PG, anh đã đưa ra những dấu vết. Đã đến lúc anh xoá những dấu vết đó, xem như một lời chia tay cuối bài. Tôi cũng muốn tập tính galant giúp anh lắm lắm (cười) xem ra không xong ! Khác với anh, người "bị" phỏng vấn, tôi được chọn 2 thái độ, vừa làm khán giả nghe anh trả lời, vừa làm người chất vấn trong cuộc. Vị trí của tôi tuyệt vời (cười) vừa chủ quan và vừa khách quan. Anh không có sự chọn lựa (cười).

Đáp: Theo quyển "Tiếng Vô Thinh" tuyệt đại đa số nhân loại đang sinh hoạt trong phòng vô minh và phòng học tập, với đầy ảo ảnh, quyến rũ, mê hoặc và thử thách. Giống như con Kala Hamsa trong thời gian với khả năng chỉ hút sữa. Tính phân biện được đòi hỏi dưới dạng thức tinh tế nhất. Hành giả phải chứng tỏ có khả năng vượt qua được luật đối cực, luật đồng dạng (đồng thanh tương ứng), luật xô đẩy ... Tính phân biện cũng giống như tàng thức là một dòng chuyển động, tiến hoá, tính này cũng là nhân tố hoặc thêm vào tàng thức, làm nặng nề thêm bởi những chủng tử xấu hoặc làm nhẹ đi, trong sạch hoá tàng thức. Cái dòng tiến hoá này đi từ trong thời gian đến vượt ngoài thời gian.

 

1) Quá khứ : Chuyện ngày hôm qua, những cay đắng, bất toàn đã theo ánh chiều tà trôi vào pralaya, ngày hôm qua đã ngủ yên, dù là nó không đẹp như một cô công chúa, nhưng cũng chẳng cần một hoàng tử đến đánh thức dậy ! Người bạn hoặc người đồng môn mà chúng ta có hiểu lầm ngày hôm qua đã thay đổi, sau một đêm dài pralaya, người ấy không còn là người của ngày hôm qua. Ngày hôm nay, một ngày mới, theo những tia nắng ban mai, tất cả đều mới, một trang giấy mới cho một hoạ sĩ vẽ vào những ước mơ trong ngày. Tất cả hoạ sĩ đều xứng đáng là những hoàng tử bé, vẽ những hy vọng và ước mơ. Chúng ta hãy cùng nhau, giúp nhau để có được khả năng như những vị đạo đồ “sống trọn vẹn và biết được ngày và đêm”. Chúng ta có khả năng nhìn nét đẹp, sự tiệm tiến hoàn mỹ của người bạn. Chúng ta không chết trong thành kiến về người khác của hôm qua, chỉ vì chúng ta là mỹ lệ. Chỉ có cách đó mới làm nhẹ đi và trong  sạch hoá tàng thức, và đó cũng là ý nghĩa của không nhìn lại phía sau. Chỉ khi sống được với chân, thiện, mỹ, cũng có nghĩa vượt thời gian, chúng ta mới thực sự hiểu được ý nghĩa của ảo ảnh. Không cần phải đợi đến 40 năm, đến ngồi bên bờ hồ và nhìn ra ảo ảnh của thời gian. Kiếp sau chúng ta sẽ nhìn ra ảo ảnh nhiều năm trước 17 tuổi. Tất cả tuỳ thuộc ngày hôm nay, ngay bây giờ, can đảm bước vào tàng thức và vẽ lại những bức tranh dang dở, nó sẽ hoàn mỹ. Đó phải là thiên trách của một hành giả trên bước đường tự tri.   

2) Ảo ảnh : Mặt hồ chứa đựng, in bóng cây lá, mây bay, xuân/hạ/thu/đông, mặt trời, mặt trăng… Tất cả những cái đó đều không thật, đều là cái bóng ảo ảnh, sinh ra bởi hiện tượng phản chiếu, khúc xạ, nhiễu xạ... Cái bóng cây thì khác xa với cái cây thật, có sự sống. Giống y vậy, tàng thức (bao gồm tất cả khả năng phàm ngã, giác quan, tình cảm, lý trí) chứa đựng toàn bóng ảo ảnh, nó nhìn lầm ảo ảnh là thật, thân xác này là tôi, ngoại cảnh là thật, bảo vệ cái của tôi, hậu quả của sự vô minh này là đau khổ. Tàng thức (hay phàm ngã) cũng không khả năng nhìn ra chân lý tuyệt đối và chân ngã, ý tưởng này được diễn tả bằng câu “Cái trí là tay đại phá hoại sự thật”. Chỉ khi nào, với cái thức của chân ngã, có can đảm nhìn sâu vào nội tâm, nhận chân ra được nguồn gốc của mình và vạn vật có cùng “Phật tính", hành trình đi vào lẽ thật bắt đầu. 

3) Tâm vô trụ : Trong bài thơ của Tô Đông Pha :
"Nhạn quá trường không.
Ảnh trầm hàn thuỷ.
Nhạn vô di tích chi ý.
Thuỷ vô lưu ảnh chi tâm"
"Chẳng lưu lại gì, như chim nhạn bay ngang trời, bóng chìm đáy nước.
Chim không ghi lại hình ảnh của ý thì nước nào mà ghi được bóng dáng của tâm ?”
Nhạn bay cao vút trời xanh,
Nước soi bóng nhạn mong manh giữa vời.
Nhạn đi bóng mất lưng trời,
Nước không lưu giữ bóng ngời thoáng qua.
Thơ nhắm vào mặt hồ nhiều hơn là chim nhạn. Mặt hồ tượng trưng tàng thức, hay là tâm. Cái tâm ghi nhận nhưng không lưu lại dấu vết. Kinh Kim Cang có nói "Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm" nghĩa là "Đừng sanh vọng tâm trụ chấp một nơi nào". Chim nhạn bay qua, bóng có in xuống mặt hồ, một thoáng vô tư, chim bay qua là mất hết tất cả dấu vết, không lưu lại nơi mặt hồ tàng thức, không tạo quả để phải trở lại nhận trổ quả đó trong tương lai. Đó là ý nghĩa của tâm vô trụ, tự do, vượt ra ngoài sự ghi nhận của tàng thức và thời gian. Cùng là mặt hồ, nếu ghi nhận dấu vết, nó sẽ là tàng thức, là Kala Hamsa trong thời gian. Trái lại, nếu là Kala Hamsa ngoài thời gian, sẽ không in dấu vết và là như lai tàng.

4) Tam quán : (không quán, giả quán, trung quán) Trên phương diện thực hành, chỉ một quán cho ra kết quả của cả ba. Khi người quán, đối tượng quán và sự hiểu biết / minh triết chỉ là một không còn là ba, cùng tan vào chung bể ánh sáng nhất nguyên của sự sống thì vạn vật được hiểu với tính chân thật của nó, đây cũng là cứu cánh của duy thức, một luận thuyết về dấu vết của tâm và phương cách quy về chân tâm thành thật tính.                                                                                                                                                                                       

    MLT

Xem Dấu Vết (1) & Dấu Vết (3)  

leaf1leaf1egyptgeesleaf1