DẤU VẾT

 

 

Thử tưởng tượng Ai Cập không có Kim Tự Tháp, nước Pháp không có Tour Eiffel, Ấn Độ không có Taj Mahal, Cambodia không có Angkor Wat … Những dấu vết kể trên đã trở thành tiêu biểu cho các xứ sở liên hệ, không thể tách rời. Cũng giống vậy, California không thể tách rời với 22 tu viện cổ kính nằm dọc bên bờ Thái Bình Dương, chiếm ngự 2/3 chiều dài bờ biển, từ San Diego đến San Francisco. Đây là những tu viện do các vị giáo  sĩ người Tây Ban Nha theo dòng Thánh François d’Assise thành lập từ thế kỷ 18. Mỗi tu viện cách nhau một ngày đường bộ, hơn 200 trăm năm trước đây có dấu vết những vị giáo  sĩ đi bộ với chú lừa tải thực phẩm và vật dụng dưới cái nắng sa mạc gay gắt.
   Một trong số 22 tu viện đó toạ lạc tại thành phố San Juan Capistrano cách Little Saigon 30’ lái xe, nơi có số người Việt cư trú đông nhất bên ngoài VN. Tu viện được thành lập từ năm 1776 ngày 1 tháng 11 và có nhiều dấu vết tàn phá của thời gian cho dù được tu sửa nhiều lần, do sự cố tình để lại vài di tích đổ nát của trận động đất năm 1812 … Có một hiện tượng xảy ra ở đây từ hơn 100 năm nay làm tu viện đặc biệt nổi tiếng, đó là việc đàn chim di (một loài chim nhạn, hay chim én) chọn lựa nơi này làm chỗ tạm trú. Đàn chim đến tu viện hàng năm vào ngày 19 tháng 3, mùa xuân, ngay ngày lễ Thánh Joseph và rời tu viện vào mùa thu tháng 10, chạy trốn giá lạnh mùa thu/đông. Huyền thoại đàn chim di đến rồi đi đã trở thành niềm cảm hứng cho nhiều nhà văn, thi  sĩ, nhạc  sĩ và những người yêu thích thiên nhiên. Hàng ngàn người tụ họp hàng  năm tại tu viện đúng vào ngày 19 tháng 3, nhiều gia đình cắm trại một ngày trước đó. Người ta dùng viễn vọng kính để theo dõi, trong sự tĩnh lặng và cái  nắng rực rỡ mùa xuân của nam California. Tất cả chờ đợi những người bạn nhỏ trở lại sau đúng 30 ngày vượt đoạn đường dài 12,000 km (bằng 1/3 vòng chu vi trái đất) từ ngôi làng Goya cạnh dãy núi  Andes, xứ Argentina. Người ta reo lên mừng rỡ khi hình ảnh đàn chim, bay theo hình chữ V, hiện ra trong viễn vọng kính. Tu viện rung lên hồi chuông dài chào mừng. Theo một hướng dẫn viên cho biết, chỉ một lần duy nhất trong cả thế kỷ đàn chim trễ mất 1 ngày vì bị trận bão trên lộ trình.
   Chúng ta thử theo dõi dấu vết những người bạn nhỏ. Rời Goya vào ban sáng ngày 18 tháng 2, xuyên qua thung lũng Parana, con sông Paraguay, hồ Mirin, núi Andes, băng xuyên qua đường xích đạo, đổi cao độ từ 2,000 bộ để bắt dòng áp suất mới, tung cánh vào vịnh  Mexico, bay xuyên trung Mỹ, bay vào vịnh Yucatan rồi Thái bình dương. Con chim đầu đàn biết hướng dẫn tránh sức cản đuôi, biết lợi dụng dòng áp suất nhiệt nâng (thermodynamic). Mỗi chú/cô đều ngậm thanh gỗ nhỏ dùng như cái phao giúp đàn chim nghỉ mệt trên biển. Bí mật vẫn bao trùm hàng thế kỷ, nhiều điều không giải thích được về khả năng thiên phú của đàn chim di, người ta chỉ biết gán ép mơ hồ nguyên nhân:  “sinh lý nội tại” (some inner biologic destiny) chỉ vì sợ mùa đông, cơ thể không chịu nổi cái lạnh khiến đàn chim “thông minh” ra, có khả năng vượt tuyến …

Vấn: (Cười ranh mãnh) Nghe anh kể chuyện tượng hình đến nỗi tự dưng tôi nhớ đến linh mục Tiệm, vị thầy dạy toán thời trung học, anh cũng biết tôi không giỏi toán (cười). Có hình ảnh một vector thành hình trong tôi. Vector có điểm đặt tại Goya, chiều tây bắc hướng về San Juan Capistrano và độ đài 12,000 km. Anh có thấy tôi vẫn còn thuộc bài (cười) ? Tôi sẽ đặt câu hỏi dựa trên 3 thuộc tính của một vector là điểm đặt, chiều hướng và cường độ. Đề tài quá rộng, bài viết có giới hạn, vì vậy sẽ chỉ nêu lên những gì liên hệ đến sự tu tập và làm việc trong nhóm mà thôi. Thú thật nhé (cười), đã lỡ  “đi guốc vào bụng của anh”, đôi guốc toán học quá rộng so với bàn chân tôi nhỏ bé, đã lỡ dại dùng toán là sở trường của anh, đang lo khi bị phản bác, có mà vất guốc chạy không kịp! Hy vọng anh không có tâm địa ác đến nỗi như vậy (cuời)  
                                                                                           
Đáp: (cuời) Chị thấy đàn chim nhạn của tôi có tốt nghiệp trường đại học nào đâu ? Không một lớp hải hành, cũng chẳng phải kỹ sư hàng không, không gian nào cả, không bản đồ, địa bàn, không đồng hồ và cuốn lịch, không chắc có phi công hay nhà toán học tài ba nào làm được trong cùng một hoàn cảnh. Kiến thức, thông thái không chắc lúc nào cũng ưu điểm, đôi khi là gánh nặng trên bước đường tự tri và cần quẳng sang một bên (cuời) ? Cũng có thể con chim đầu đàn được một vị thiên thần hướng dẫn vì vậy không cần những xa xí phẩm mà loài người vẫn tự hào. Biết đâu lần này chị đóng vai một loài chim nhạn, cực kỳ thông minh (cười), tôi chỉ là khách hành hương dốt nát, hàng năm lang thang đến tu viện, quan sát chiêm ngưỡng hiện tượng và ngẩn ngơ nhìn, khâm phục và chịu thua ? (cười to) 
                                                                                       
Vấn: (cuời bằng ánh mắt nghi ngờ) Anh hiền lành và ngây thơ đến như vậy sao ? Chỉ có nhìn và đầu hàng ? Dù sao cũng cám ơn sự khuyến khích kín đáo. Với loài chim di, loài sẽ tiến hoá theo hàng thiên thần thì dấu vết để lại như vậy. Với loài người, một động vật cao cấp, chắc là phải khác hơn. Anh dự định nói gì cho loài người ?

Đáp:  Dấu vết có thể được xem như vốn liếng lưu trữ cho mức độ tiến hoá của một người, (tuổi của linh hồn), số kiếp sống một cá nhân có được cho tới ngày hôm nay. Nó cũng là những kinh nghiệm bài học đã qua,  chứa đựng trong cõi Akasha, trong các thể, trong hào quang, hoặc ẩn tàng trong hạt lưu tánh nguyên tử hoặc trong Alaya thức trên phương diện cá nhân. Trên phương diện nhóm, tuỳ lớn nhỏ, nó là văn minh & lịch sử một quốc gia, một giống dân, hoặc văn minh của nhân loại chứa đựng trong các ngành học thuật, trong viện bảo tàng, trong kho sử liệu. Hơn tất cả, người đạo đồ được học dấu vết của nhân loại nơi bảo tàng viện bí mật tại Himalaya, dưới sự cai quản của Thiên đoàn. Dấu vết được hiểu một cách đầy đủ nhất nơi luật tiến hoá, và đây là một luật thiên nhiên được giáo lý Theosophia tiết lộ một cách đầy đủ nhất, một sự việc trước đây chỉ được truyền dạy trong nhóm nhỏ chọn lọc …  

Vấn: Bất cứ việc gì cũng phải có điểm xuất phát, trường hợp đàn chim di thì điểm xuất phát là ngôi làng, với những ruộng thuốc lá ngút ngàn xứ Argentina. Ngày đó, tháng đó, có âm thanh bàng bạc trong gió, trong mây kêu gọi lên đường ... Có hình ảnh rất rõ rệt và sống động, bản năng sinh tồn tạo nên ý muốn thúc dục ra đi tìm một vùng đất ấm, tâm điểm bắt đầu từ Goya, di động cái tâm điểm này theo một chiều hướng, cộng với những phương tiện cần thiết ta thấy kết quả dấu vết một chuyến đi 12,000 km. Với loài người, nhiều trường hợp điểm xuất phát là một ý tưởng, nghi vấn, động lực, quan niệm, hy vọng, ước mơ … (giọng nói bỗng dưng “tơ chùng gẫy phím” và xa xăm). Không phải khởi điểm nào cũng đẹp như mơ “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy" phải không anh ? (cười). Anh nghĩ sao cho trường hợp con người, một hành giả ? Khởi điểm như thế nào thì tạo nên dấu vết và như thế nào thì không để lại dấu vết ?

Đáp: Câu hỏi về để lại và không để lại dấu vết làm tôi chợt nhớ một ý tưởng. Nó diễn tả con chim nhạn bay ngang cái hồ vào ngày nắng rực rỡ, và rồi công án được đưa ra, hỏi rằng cô/chú chim có để lại cái bóng ảo ảnh của nó trên mặt nước ?

                    Cánh nhạn lưng trời
                          Bóng nước lung linh
                          Nhạn hồn nhiên lưu dấu vết
                          Nước vô tâm giữ bóng hình
(Thơ Tô Ðông Pha:
Nhạn quá hàn đàm, nhạn khứ nhi đàm vô lưu ảnh
Phong lai sơ trúc, phong khứ nhi trúc bất lưu thanh
Dịch nôm :
Nhạn bay đầm in bóng, nhạn đi, đầm lạnh lòng không bóng hình
Gió lên trúc dậy xôn xao, gió đi, trúc lặng, tiếng chào cũng không.)

Nếu chị là hoạ sĩ, tôi đã yêu cầu một bức tranh (cười). Tiếc là chị thích toán học hơn ? (cười) Theosophia cho ta hiểu biết trọn vẹn chuỗi thời gian, không bắt đầu và chẳng có chấm dứt, liên tục, căn bản trên những đại luật ảnh hưởng trên tất cả các cõi từ vô hình đến hữu hình, bao gồm trong huyền bí học và thiền học. Ở mức tiến hoá hiện tại, chúng ta không thể nào không lưu lại dấu vết hoặc xoá bỏ tất cả dấu vết đã tạo ra trong quá khứ. Điều chúng ta có thể làm là trong tỉnh thức, vui lòng trang trải số nợ cũ và di động những điểm khởi hành hiện tại trong cảm hứng về sự mỹ lệ và trong sạch. Nếu điểm xuất phát là phàm ngã địa chỉ tam thể hạ, dấu vết chắc chắn sẽ xảy ra, chúng ta sẽ phải trở lại trần gian này nhận lãnh trách nhiệm những dấu vết đã gây ra dù là xấu hay tốt.
Câu hỏi rất hay về để và không để lại dấu vết, xin phép giới thiệu với chị một quyển sách của Richard Bach, đề tựa là “Jonathan Livingston Seagull”. Sách được dịch ra Việt ngữ với tên “Chàng Hải Âu Kỳ Diệu”. Các bạn có thể đọc trên internet địa chỉ: www.vnthuquan.net. Nếu muốn hãy mượn thư viện cuốn phim “Jonathan Livingston Seagull” đạo diễn là Hall Bartlett, phần nhạc đệm do Neil Diamond hát. Chuyện kể lại một chàng hải âu bị trục xuất ra khỏi đoàn chỉ vì say mê bay tốc độ và cao độ trong khi đa số đồng loại bay là là trên mặt biển hoặc trên những đống rác để kiếm sống. Đoạn cuối câu chuyện tả lại chàng hải âu biết mình là một hải âu hoàn mỹ, biết cách bay vượt thời gian và không gian. Khởi điểm cũng là điểm đến. Một ngàn dậm một giờ hoặc bay với vận tốc ánh sáng cũng là một con số giới hạn, vận tốc hoàn mỹ không có giới hạn, là có mặt ngay bất cứ nơi nào muốn đến.
Chúng ta thấy ngay biểu tượng không phải là 1 mũi tên vector có điểm xuất phát và điểm đến như là dấu vết của đàn chim di. Biểu tượng của chàng hải âu kỳ diệu là 1 vòng tròn vô hình, khởi điểm cũng là điểm đến, do đó không có dấu vết, đúng hơn đó là biểu tượng của vòng tròn có tâm chính giữa. Đây cũng là biểu tượng của cung 1, hiện diện trong ấn tín bởi hình con rắn và một cái tâm vô hình chính giữa (cái chấm lẫn vòng tròn đều vô hình và bên ngoài khả năng của hạ trí). Như vậy không dấu vết có nghĩa là một trạng thái tràn đầy, hạnh phúc hồn nhiên toàn mỹ, không giới hạn không gian và thời gian, rộng mở, tự do, an nhiên tự tại, một  trạng thái kinh nghiệm thiền định, vượt qua luật nhân quả của ba cõi thấp, không để lại dấu vết trên ba cõi của phàm ngã và đúng ý nghĩa của từ ngữ “phụng sự không quyến luyến” hay ý nghĩa “trung đạo”…
Trở lại bài thơ bên trên, nếu chị hỏi chim nhạn có để lại dấu vết hay không thì có ba yếu tố là mặt trời, chim nhạn và mặt hồ, giống y như trong quang học có nguồn sáng, vật cản là thấu kính và màn ảnh nơi nhận cái bóng ảo ảnh. Thiếu một yếu tố, không thể tạo hiện tượng. Chị muốn nhìn nghi vấn có/không như là một nhà nghệ  sĩ hay dưới ánh mắt của một nhà vật lý về quang học ? Trong trường hợp này người nghệ  sĩ nhiều ưu điểm hơn một khoa học gia, người ấy dễ dàng vượt qua lý luận, cân đo, thí nghiệm khảo sát của cái hạ trí manas. Rung động đồng nhịp với mỹ lệ đưa hành giả đến một chiều đo với chân ngã cao hơn một cách dễ dàng. Nó không phải tĩnh, cũng không động mà là hoà nhịp an bình với vũ trụ trời đất. Và một ngày kia, con chim càng giống nguồn sáng là mặt trời, nơi nào trong thái dương hệ cũng có ánh sáng và hơi sưởi ấm, một kinh nghiệm thiền quán có được khi những giới hạn ràng buộc biến mất, người nghệ  sĩ ngây ngất tan trong bể năng lượng của sự sống toàn thể.
Giống như vậy, nếu là một chú/cô chim nhạn kỳ diệu hay một hành giả hoàn mỹ sẽ hoà tan trong bể ánh sáng, trở thành ánh sáng và giống như mặt trời hiện diện khắp cùng soi sáng và sưởi ấm. Khi đã là ánh sáng, chú/cô chim không còn là vật cản, ngược lại, vừa là vật phóng quang, vừa là sự phóng quang, vì vậy sẽ không có cái bóng ảo ảnh trên mặt hồ.
                                                                                               
Vấn: (cuời) Trong “Tiếng Vô Thinh” có nói đến Kala Hamsa, con hạc trong thời gian và ngoài thời gian. Vài nơi trong sách nói đến giọng hót của con chim quyên và chim sơn ca. Chẳng có nơi nào nói đến chim nhạn cả ! Anh có lý do “thầm kín”’ nào  không vậy ? (cười). Trở lại đề tài, trên phạm vi rộng hơn là Hội Theosophia khởi điểm như thế nào thì tạo nên dấu vết và như thế nào thì không để lại dấu vết ?

Đáp: Nếu tân kỷ nguyên bắt đầu từ năm 1900 thì Hội Theosophia thành lập năm 1875 giống như một con chim nhạn duy nhất, báo hiệu một mùa xuân. Một Hội đơn độc thời điểm đó không thể tạo nổi mùa xuân, bị đánh te tua, thế lực của cái cũ còn quá mạnh. Tuy vậy hội đã sống và phát triển 133 năm nhờ vào những khởi điểm trong sạch, bất biến với thời gian và nhất là nhờ vào nội tâm “vô ngã” của Thiên đoàn, của những sáng lập viên và của hội viên. Chúng ta có thể xem như mục đích thứ nhất có căn bản bồ đề tâm là khởi điểm của Hội hoặc cả ba mục đích là khởi điểm.
Ngoài ra, chắc cũng không quá đáng nếu xem tiêu ngữ, hiến chương 1881, ấn tín, những tác phẩm căn bản như Dưới Chân Thầy, Ánh Sáng Trên Đường  Đạo, Tiếng Vô Thinh, Những Nấc Thang Vàng là khởi điểm của hội. Tất cả những khởi điểm này không để lại dấu vết chỉ vì nó là hiện thân của sự hoàn mỹ, tự do, không một tín điều nào là chân lý tuyệt đối, xuất hiện nơi chân ngã của hội viên. Nếu ngày nào những trong sạch ban đầu không còn nữa nơi hội viên, những lý tưởng cao đẹp bị biến dạng trở thành tín điều xơ cứng, hay là những sách như Dưới Chân Thầy trở thành một quyển  “Giáo Khoa Thư Công Dân Giáo Dục” mất đi tính cách tự do, bất biến vô giới hạn của chân lý, khi ấy hội sẽ chỉ là một dấu vết của thất bại, cho dù có số lượng rất lớn hội viên, có số thuyết trình viên hùng biện và có cơ sở vật chất hội quán to lớn … Hãy tạm thời nói rằng điểm đến là tâm thức của giống dân thứ 6 hay tân kỷ nguyên. Tại sao không kinh nghiệm điều đó ngay trong hiện tại ? Có như vậy chúng ta mới đồng nhịp với những chàng hải âu kỳ diệu, kinh nghiệm được một ít tự do đầu tiên và cuối cùng. Nếu Hội càng có nhiều những chàng hải âu kỳ diệu, chắc chắn mùa xuân sẽ đến, Hội hoàn thành vai trò tốt đẹp của mình.

Vấn: (cuời) Nhà toán học của tôi, xin đừng bảo " tâm hồn anh dễ chóng quên ! ”. Tôi nhắc anh nhớ là luôn luôn có khoảng cách giữa lý tưởng và thực tế, giữa lý thuyết và thực hành. Trong câu chuyện đàn chim di, tôi có thử kẻ một đường thẳng trên bản đồ từ Goya đến San Juan Capistrano. Đó là một đường thẳng toán học (đường thẳng là đường ngắn nhất nối hai điểm). Trên thực tế lý thuyết đó được/bị sức hút của trái đất bẻ cong, tức là đàn chim hai thành phố. Như vậy trên mặt thực tế, lý thuyết toán học không thể hiện hữu. Có quá viễn vông, mơ hồ khi chúng ta nói lên một chiều, một hướng thẳng tắp không có trong thực tế hay không ?

Đáp: (cười) Ai dám bảo đôi guốc toán học quá to cho chị ? Tôi có thấy một dòng sông “phiền não đầy ảo ảnh” và một cây cầu bắc ngang qua, cây cầu có tên là antakarana (dây kim quang tuyến nối chân ngã và phàm ngã). Hai chiều lưu thông, một chiều phát xuất từ chân ngã với động lực trong sạch, vô ngã, sẽ kéo theo một phàm ngã thân, khẩu, ý trong sạch, cuộc sống trần gian là một biểu  lộ của chân, thiện, mỹ. Chiều này có thật cho những ai có kinh nghiệm chân ngã, lý tưởng phụng sự và nếp sống vô ngã. Chiều kia có điểm xuất phát từ phàm ngã, cái mà chị gọi là tính cách thực tế, tiệm tiến, hình ảnh một vector.
Trong  thiền học, câu chuyện giữa hai ngài Thần Tú và Huệ Năng nói lên hai chiều khác biệt qua hai bài thơ rất phổ biến trong giới thiền sinh; một của Thần Tú để lại dấu vết, cố gắng tiệm tiến phàm ngã, có điểm khởi hành và có điểm đến và bài thơ kia, vô ngã, không để lại dấu vết, cái mà thường khi được đánh giá có tính cách lý thuyết/lý tưởng ít xảy ra trong thực tế.     

             Thân ấy Bồ-đề thọ                       Bồ-đề chẳng có thọ,
             Tâm như minh cảnh đài.              Minh cảnh cũng không đài.
             Giờ giờ cần phủi sạch                  Bổn lai không có vật
             Chớ để vướng trần ai (bụi)           Nào chỗ vướng trần ai?
       
Phật giáo có một tiêu đề “Các vị thiền sư chân chánh khi ra đi không để lại dấu vết”. Ngài Huệ Năng (một chàng hải âu) không để lại dấu vết, ngay cả một xác thân tàn rữa sau khi mất, ngược lại ngài Thần Tú để lại dấu vết dù là dấu vết tốt. Đức Phật, một vị thiền sư cao cả có nói “Suốt 49 năm ta không nói một lời”, một giáo lý không dấu vết. Trong thiền học, con đường ngắn nhất không phải là đường thẳng nối liền hai điểm như toán học đã nói. Nó là trực giác bừng sáng nối liền hai điểm không thật có: khởi điểm và điểm đến, biểu tượng là vòng tròn bao la và cái chấm tâm  điểm vô hình. Chân lý tuyệt đối hiện diện tại cõi của nó, một điều kiện duy nhất “muốn ăn phải lăn vào bếp” bằng cách nâng cao tâm thức để có cộng hưởng.
Trên phương diện Huyền Học, luôn luôn có sự che dấu, không phô diễn “phép lạ” từ những vị đắc pháp (hiện diện tức khắc, bất cứ nơi nào). Giả sử đàn chim di của chúng ta có khả năng vượt trên không gian, thời gian giống như chàng hải âu kỳ diệu, không có hành trình đường cong 12,000 km cực nhọc, tự dưng tíc tắc hiện hình tại tu viện San Juan Capistrano (cười). Kỳ diệu ở đâu không thấy, chắc chắn thiên hạ chạy tán loạn, đồn ầm lên rằng đó là những con chim phù thuỷ ma quỷ, không chừng tu viện cũng bị vạ lây … Vấn đề rất tương đối, không xảy ra tại cõi vật chất nhưng dễ xảy ra tại cõi trung giới, nơi không có thời gian và thể tình cảm của chúng ta, bay y như chàng hải âu kỳ diệu.

Vấn: Đây là câu hỏi về sự thay đổi, đàn chim di thay đổi luôn, đổi hướng bay, cách bay, cao độ, cách nghỉ ngơi, chỉ vì môi trường thay đổi. Con người giống vậy, thay đổi chỉ vì hoàn cảnh không còn phù hợp với tiến bộ nội tâm. Thay đổi chỉ vì nội tâm biểu lộ không dấu vết kéo theo những hoạt động  không quyến luyến (tự do), điều này phù hợp với thời đại của nền văn minh mới, nhu cầu thay đổi đó lớn dần, tỉ lệ thuận với mức độ tỉnh thức ngày càng cao. Nói rộng ra một chút, do không tỉnh thức được với nấc thang cuối của bài Những Nấc Thang Vàng:
“Và hằng lưu tâm đến sự tiến bộ và toàn thiện của nhân sinh như khoa Minh Triết Bí Truyền mô tả”,
hoặc là cá nhân chúng ta lạc điệu với con cái của mình, hoặc là cả nhóm chúng ta lạc điệu ngay trong thời đại  đang sống, như một người hành tinh khác lạc xuống địa cầu … Cường độ của một vector là độ dài của nó, trường hợp đàn chim là đoạn đường dài 12 ngàn km. Đoạn đường dài là tập hợp quỹ tích của nhiều điểm liên tục. Có thể xem biến đổi là cường độ tức thời tại một điểm hay không ? Như vậy trọn đoạn đường là tổng hợp của những điểm biến đổi ? Giống như trọn cuộc sống là kết quả của những hiện tại mong manh nhưng vĩnh cửu ? Anh ý kiến thế nào về điều vừa nêu lên ?  

Đáp: Con người biến đổi từng sec-na, hàng triệu tế bào vẫn sinh ra và chết đi từng giây. Hoàn cảnh biến đổi, thế giới biến đổi, chúng ta có phải biến đổi màu giống như con cắc kè ? Tôi có xem phim “Apollo 13”. Chuyến bay đó thất bại, không đáp xuống mặt trăng như dự định, con tàu tìm cách quay về trái đất trong tình trạng tất cả máy móc điện tử hư hỏng. Phi hành đoàn phải đổi quỹ đạo, đổi góc độ hướng về địa cầu bằng tay (không có máy móc điện tử hỗ trợ) và bằng mắt trần. Sự đổi hướng bằng cách khai hoả tách rời phần cuối của phi thuyền, phi thuyền sẽ phải đạp lên phần tách rời đó để tạo ra động lực hầu thay đổi hướng đi (trong chân không không có điểm tựa khí quyển).
Nếu góc độ thay đổi quá lớn nhắm thẳng vào trái đất thì phi thuyền có thể cháy thành tro bụi khi ma sát vào bầu khí quyển. Còn nếu đổi góc độ quá nhỏ, phi thuyền sẽ trượt nhẹ tiếp tuyến với khí quyển, tránh được lực ma sát quá lớn, thế nhưng phi thuyền sẽ phải bay nhiều vòng quanh trái đất, thực phẩm và oxy còn lại không cho phép điều đó. Trong trường hợp này thay đổi hướng đi là một vấn đề sống chết và may rủi, tuỳ thuộc đổi góc độ hướng đi. Chúng ta giống vậy, thay đổi khi cần, cần tỉnh thức thời đại, theo dõi, mang vào ý thức suy ngẫm hay thiền quán về những biến đổi đang xảy ra cho con cái chúng ta, hoặc quan tâm những tiến bộ thời đại. Sự thay đổi lúc nào cũng cần thiết cho dù nhiều khi phải rửa chân trong máu của trái tim, tương tự phi thuyền tách rời một phần thân thể của chính nó và đạp lên đó, đổi hướng đi.
   Hội vẫn thay đổi,  những gì đã xảy ra cho Hội Theosophia và tất cả những tôn giáo lớn cũng là bình thường, chân lý tuyệt đối của các vị giáo chủ tôn giáo đã dần dần bị kết tinh lại với thời gian, thành tín điều, thành nhị nguyên nơi nguyên lý hai và ba (xin đọc bài “Bên Kia Bờ Đại Dương và bài “Ngã Lá"). Đọc lịch sử chúng ta thấy điều đó xảy ra, khi mà lý tưởng trong sạch ban đầu bị nhuốm bụi thế quyền với giáo hội và hệ thống giáo  sĩ ... Chiều "đi xuống" này  không thể tránh khỏi trong giai đoạn hiện tại. Hãy xác định chúng ta làm việc cho chiều "đi xuống" hay chiều đi lên (chiều đi lên là hướng về chân ngã, chân lý tuyệt đối, (Theosophia ở nguyên lý một). Thời đại được mốc 1875 làm dấu hiệu, báo hiệu và chuẩn bị cho nền văn minh Chân Ngã của giống dân thứ 6. Văn minh hạ trí sẽ suy tàn dần. Mốc thứ hai là vào năm 1975 khi mà tiên đoán về bộ sách "Secret Doctrine" được hiểu nhiều hơn, Theosophia được đánh giá đúng đắn hơn nữa, đi sâu hơn nữa vào lòng tâm thức nhân loại ...
Hội Theosophia và thế hệ chúng ta đang trong giai đoạn giao thời, hơn lúc nào hết nhu cầu kinh nghiệm bờ bên kia của cây cầu antarakana trở nên quan trọng và cần thiết, nó sẽ bảo đảm cho cái nhìn hoàn toàn mới, một nếp sống mới và hơn hết tất cả là hành động không quyến luyến. Song song với điều kiện nội tâm, cần tỉnh thức thời đại. Chúng ta vẫn đi hai chiều là nỗ lực tiệm tiến và trực giác bồ đề tâm trong đời sống. Vậy thì chị hãy vất đôi guốc toán học qua bên (cười), mang guốc thì làm sao bay được ? (cười) vừa làm chim nhạn (để bay đi rao giảng mùa xuân) vừa làm cô hải âu kỳ diệu, không cần nhịp cánh bay mà vẫn đến (cười).
Nếu ngày nào chúng ta tự thấy là không nói chuyện được với giới trẻ, ngày nào chúng ta mơ màng hãnh diện về số tuổi hội viên của mình, ngày nào mà chúng ta hài lòng với vị thế có được nơi xứ bộ, sự hài lòng khi thấy mình cao hơn các hội viên khác, hiểu biết nhiều hơn đưa đến mặc nhiên quyền ban phát giáo lý, quyền phê phán … Ngày nào mà chúng ta mạnh miệng lên án bạn đồng môn hơn là kết hợp thì rất là nguy hiểm, vì đó là triệu chứng của sự lão hoá, lạc điệu, xơ cứng, tín điều hoá giáo lý trong sáng, tự do và thánh thiện thuở ban đầu. Hội phải là một dấu hiệu của sự sống, trẻ trung, đầy năng lực và luôn luôn mới mẻ phù hợp với giới trẻ thanh niên. Phương thuốc phải là tỉnh thức với thời đại, sử dụng ngôn ngữ của thời đại, nương chiều thời đại để gợi ý hướng, nâng cao thêm lên ý thức về lẽ thật.
Trở lại với câu hỏi, chị có ý tưởng rất hay về một điểm đại diện cho một đường vì cùng tính chất. Đường có điểm đầu, điểm cuối, chiều và cường độ, điểm cũng có y vậy nhưng là huỷ thể, âm thanh của ngôi ba. Biến đổi là sức mạnh là năng lượng ngay trong hiện tại, tức thời của một gia tốc, một bài toán đạo hàm khi thời gian tiến về zero. Tôi muốn nói đến kinh nghiệm “hiện tại vĩnh cửu”  khi mà cái trọn vẹn, tràn đầy của “nguyên hàm”` được nhận biết trong thiền định, trong cái tíc tắc của “đạo hàm” hiện tại vĩnh cửu.
 
Vấn: (cười) Dĩ nhiên tôi biết đề tựa là “Dấu Vết”, anh đã cố ý trình bày “không dấu vết”. Làm sao mà “không” cho được khi mà anh vẫn để lại bút tích, ý tưởng ? Câu hỏi cuối cùng xem như tổng kết, ý chính muốn nói là gì ?

Đáp: (cười) Tôi muốn nói về con hạc “Kala Hamsa” chị đã ưu ái nhắc đến bên trên. Theo ông  Vivekananda, cánh trái của con hạc là Bhakti Yoga, yoga của trái tim, cánh phải là Jnana Yoga, yoga của đầu óc, đuôi là Raja Yoga, yoga tổng hợp và đường bay là Karma Yoga, yoga của hành động. Đuôi Raja Yoga giữ nhiệm vụ thăng bằng và là bánh lái điều khiển hướng đi. Ngày nào có thăng bằng và đúng hướng, ngày ấy không có dấu vết để lại nơi ba cõi thấp. Ngược lại sẽ phải trở lại trần gian nhận lại những dấu vết gây ra do luật nhân quả và do thực hành Karma và Raja yoga không đúng.
   Hamsa cũng là danh hiệu của người đạo đồ với lần chứng đạo thứ ba. Người đã vượt qua trở ngại nhị nguyên của sự “ưa thích và chán ghét” và đã giải thoát khỏi hai chướng ngại này bằng con đường trung đạo. Vị Hamsa trở nên một nhà hiền triết như đã được nói đến trong Bhagavah Gita, người sống hoàn mỹ trong trí tuệ và minh triết.
   Hamsa cũng đồng nghĩa với châm ngôn “Aham Sah” (I am That – Tôi là cái đó). Người đạo đồ đọc câu này với ý tưởng ngồi vững vàng trên lưng đôi cánh của con đại điểu. Ý nghĩa  là sự nhận biết Chân Ngã nơi chính mình. Bà Blavatsky có trích dẫn :
Hãy ngồi trên lưng con chim của cuộc đời, nếu con muốn biết.
Hãy bỏ đời sống của con, nếu con muốn sống.
Hamsa cũng liên hệ mật thiết đến huyền thanh “Aum” (A là Brama, U là Vishnu và M là Siva).
Kinh Nadavindu có nói:
" Đối với vị Yogi trên lưng con Hamsa, thiền định về huyền âm Aum, thì ảnh hưởng của nghiệp quả không chạm đến đuợc”.
Người hành giả suy tư và hành động vô vị lợi, trong sạch và hoàn toàn vị tha thì không bao giờ mắc phải nghiệp quả, chỉ vì không để lại dấu vết nơi ba cõi thấp. Kết quả của sự cố gắng sẽ được thu nhận trong kho năng lực tinh thần vĩ  đại để giúp đỡ nhân loại. Tóm lại chúng ta có thể nêu ra hai trường hợp :
● Bao giờ con hạc Hamsa bay, âm thanh Aum sáng tạo vang dội, không gian và thời gian hiện hữu, đó là Hamsa trong thời gian, hành giả trong giai đoạn muốn biết, muốn học hỏi, muốn kinh nghiệm khi thiền quán về huyền thanh “Aum” hay luật tuần hoàn “Sáng tạo – Bảo tồn – Huỷ Diệt” hay luật biến đổi vô thường nhân duyên sinh. Giai đoạn này hành giả vẫn để lại dấu vết tuy rằng đang nỗ lực tiệm tiến.
● Khi xảy ra sự hợp nhất huyền bí, tiểu ngã hoà tan vào đại ngã con người sẽ sống trong trường tồn, cái bất sinh bất diệt ngoài vòng thời gian và không gian, khi ấy là Hamsa ngoài vòng thời gian “bay” mà không để lại bất kỳ một dấu vết, do đó nhân quả hay muôn ngàn tội lỗi không động đến được.

 

 MLT   

leaf1leaf1egyptgeesleaf1