DẤU VẾT (3)
Xem Dấu Vết (1) &Dấu Vết (2)
Vấn: (Cười) Tôi phải hỏi cho ra lẽ. “Dấu Vết 2” xuất hiện 2009, ba năm đã qua, tại sao anh dừng lại quá lâu? Mặt hồ Alaya thức tượng trưng quá khứ, có cái gì khiến anh quá lưu luyến quá khứ? Hồ nước là một khối tù đọng, không lối thoát! Vạn vật có khuynh hướng đi từ tĩnh sang động rồi nhịp: kim thạch thoát trạng thái tĩnh bằng phóng xạ, thảo mộc bằng vươn dài rễ cây tìm thực phẩm và tạo thăng bằng. Thú cầm và loài người thì tiến dần đến nhịp nhàng. Tại sao anh quá lâu không chịu “chuyển hóa” hồ nước của anh? Nó phải rời tĩnh lặng của sự cô đọng để trở thành dòng sông? Nếu suy đoán của tôi đúng thì quả thật anh “có tội” với độc giả vì sự “chuyển hóa” quá chậm chạp của anh! (Cười)
Đáp: (Cười) Một khi bà “Chánh án” lên tiếng thì “tội nhân” đành phải xin lỗi độc giả! Nếu chị hỏi tôi “Biết sông, sông mấy khúc, biết mây, mây mấy tầng” thì tôi … đành chịu thua! May cho tôi câu hỏi không khó để trả lời. Thật ra người viết nhận được gợi ý từ hai chuyến đi Pháp năm 1987 và 1994. Đồng ý hoàn toàn với chị, có khoảng cách rất dài giữa nhận và công bố ra, 15 năm! Những ngày đó chúng tôi thường đi sang một công viên gần nhà. Có cả một mùa xuân tại đó, những con chim én bay ngang soi bóng trên mặt hồ, chúi xuống hồ, rất nhanh để lấy nước rồi vụt lên như ánh sáng phản chiếu bởi mặt nước. Người viết được giới thiệu quyển sách “Chàng Hải Âu Kỳ Diệu”. Chúng tôi chung nhau xem cuốn film đó đến cuối, với lời dẫn giải ân cần. Những chi tiết này đã được nói đến trong dấu vết 1 và 2. Một kỷ niệm, cho đến ngày hôm nay, người viết bài vẫn chưa xướng âm đúng âm thanh AUM được học ngày đó. Chị đoán đúng, bài thứ ba nói về “Tiếng Vô Thinh” biểu tượng của nó là “Dòng Sông”. Đúng ra “Dấu Vết 3” phải được viết liên tục ngay sau bài 2. Thời điểm đó, người viết và các bạn ở Saigon có chung nhau học quyển “Tiếng Vô Thinh”. Lớp học chung hơn 2 năm, chấm dứt vào tháng 9/2012 và đó là lý do.
Vấn: (Cười) Anh làm việc của tôi khó lên 3, 4 lần! Đề tài là "Dấu Vết" anh dùng quá nhiều "hình tượng" để diễn tả, như hải âu, chim nhạn, mặt hồ, bây giờ đến dòng sông, rồi "Tiếng Vô Thinh". Tại sao phải cần nhiều tượng hình như vậy? Nó dễ trình bày vấn đề hơn, đúng, nhưng biết đâu, sai một ly, đi một dậm? Đồng ý với anh, những hình tượng gợi ý đó đầy chất thơ và giàu nhạc điệu. Những gì tôi biết, sau hơn 30 năm, anh không phải là chú cuội suốt ngày “ôm một mối mơ” (Cười). Trong vai trò người đặt câu hỏi, tức là người hướng dẫn, chủ động lèo lái bài viết (Cười) tôi e ngại, nếu phải chạy theo "hình tượng" của anh đã đưa ra, sẽ càng xa đề tài, đưa đến lạc đề không tránh khỏi?! Sau cùng thì chân lý, sẽ không ở lại với người hỏi, lẫn kẻ trả lời. Anh có lo ngại như tôi?
Đáp: (Cười to) Chị không thấy “chú cuội" đang “ôm” độc giả hay sao? Riêng chị đang quên đi thành phần thứ ba này, người có vai trò chính, quyết định! Chúng ta đừng bao giờ nghĩ mình có khả năng chuyên chở chân lý. Chúng ta chỉ có góp nhặt và kết nối một số biểu tượng, những cái mà chị gọi là "hình tượng" (chữ viết cũng là hình tượng). Những biểu tượng này có linh hoạt, sống động hay có rung động biến cải hoàn cảnh hay không là hoàn toàn tuỳ thuộc vào đọc giả. Chìa khoá là trực giác, thiếu nó mọi biểu tượng đều đông lạnh như xưa nay với đại đa số nhân loại. Khi nhìn vào quả địa cầu, chúng ta thấy những mắc lưới sông ngòi đan kết nhau như hệ thống tuần hoàn, kinh, mạch máu, gân trong cơ thể. Tất cả đổ về biển, vai trò quả tim của hành tinh. Rồi nước bốc thành mây, mây nhận tia sét thành mưa mang sự sống đến muôn loài (hơi thở làm mới hay thanh tẩy dòng máu đen) biến những con sông thành sông thánh. Một thí dụ quyển "Tiếng Vô Thinh" có 3 phần: tiếng vô thinh, hai con đường và bảy tầng cửa đạo (rất tượng hình) tương ứng với 3 ý chính: chân lý, con đường và sự sống. Sở dĩ chia ba là vì giống như dòng sông có nhiều khúc, dưới nhiều tên khác nhau: suối, thác, lạch ... Sự phân chia và dùng hình tượng phù hợp với trí cụ thể, óc phân tích và luận lý. Thế nhưng chân lý vượt lên trên óc phân tích luận lý chi ly đó, nó là cái toàn thể, không thể phân chia. Như một đoá sen, chúng ta không thể tách rời hoa và hương sen trong không gian với thân và rễ trong nước và bùn, bởi vì nó “Nhất Thể”. Y như đấng Christ đã nói:
“Ta là con đường, là chân lý và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Ta”.
Chân lý là trọn cả con voi, chứ không chỉ là vòi, đuôi, chân hay thân voi. Đọc giả với trực giác sẽ đốt cháy tất cả, kinh sách, biểu tượng, kể cả người vấn và kẻ đáp, để chỉ còn lại vàng ròng trong thuật luyện kim tinh thần. Do đó, chúng ta có thể hiểu chủ từ “Ta” trong câu nói trên là “Chân Ngã”.
Vấn: (Cười) Anh khéo lắm, xem như anh vừa “hạ thấp” vai trò “hướng dẫn” của tôi xuống thứ yếu và đưa đọc giả lên hàng quyết định. Anh vừa đưa ra sự so sánh ba phần của quyển “Tiếng Vô Thinh” (hay ba ý tưởng chính) với lời của đấng Christ. Xin vui lòng cho biết lý do?
Đáp: Lấy sông Cửu Long làm thí dụ. Biết sông, sông mấy khúc? Nhiều hình thức của dòng sông, khi tù đọng nơi mặt hồ, khi ầm ầm mãnh liệt nơi thác đổ hùng vĩ, khi khoan thai của suối lúc róc rách len lỏi chốn rừng già, êm đềm quấn quanh một ẩn sĩ cô độc đang thiền định, khi êm ả lững lờ trôi nơi đồng bằng như dòng An Giang. Tại sao lại không thể chia ba? Như một người đi tìm chân lý, như một người đang đi trên đường đạo và như một người đã thâm nhập vào sự sống nhất nguyên. Phòng vô minh và phòng học tập kéo dài từ khởi nguồn cho đến cửa bể nói lên con đường tìm chân lý (Cửa biển, nơi giao tiếp của sông nước ngọt và biển nước mặn thường rất to, nó vẫn là còn là phòng học tập, nơi đó hành giả đã là một vị đệ tử). Trọn cả dòng sông là con đường và sự hội nhập mất dạng nơi biển cả là sự sống trọn vẹn, ứng với “Bảy Tầng Cửa Đạo”. Có tiếng gọi của biển cả ở độ cao không (zero) khiến cho mặt hồ từ Himalaya phải rời nơi chốn phát sinh, vượt bao nhiêu sinh thái của những cao độ khác nhau chiều theo luật hấp dẫn của trái đất, tạo thế năng trở thành một dòng sông. Trên hành trình này, dòng sông xuyên qua vô minh, đau khổ, học hỏi ngoại cảnh xuyên qua phàm ngã để sau cùng một viễn ảnh của minh triết ở cuối đường, nơi dòng sông mất dạng trong biển cả, hoà nhập vào sự sống vĩnh cửu. Chúng ta có thấy một con đường chạy dài từ cao độ hơn 8,000 mét đi về không (thành, trụ, hoại đi về không). Suốt quãng đường dòng sông phát ra nhiều âm điệu do từ vô minh đến học hỏi kinh nghiệm, do đó để lại nhiều dấu vết tức nghiệp chướng. Sau cùng tiếng vô thinh át tất cả mọi thứ tiếng nơi phòng minh triết của sự hội nhập vào biển cả, sự sống mẹ của tất cả sông, hồ, suối, thác.
Vấn: Đề tựa "Dấu Vết" ứng với điều gì trong "Tiếng Vô Thinh" và nó phải là ý chính của người viết?
Đáp: Con đường trở về với đấng cha lành có hai giai đoạn, giai đoạn đầu để lại nhiều dấu vết hay nghiệp báo nơi ba cõi thấp, giai đoạn sau do có minh triết cho nên hầu như không để lại dấu vết.
1) “Dấu Vết” là đề tựa chính, nó ứng vào giai đoạn đầu của con đường đạo, đi tìm chân lý. Hình ảnh dòng sông từ mặt hồ thượng nguồn trôi lăn đến cửa biển. Giai đoạn của “hồn con thuộc về trần thế, kinh hãi trước trần gian đau khổ, vui cười trong bức màn lầm lạc, than khóc trong đền đài mộng huyễn, chìm đắm trong vòng tử, sanh, lão, khổ. Tất cả những hình ảnh này nói lên dấu vết của sự biến đổi vô thường của dòng sông do học tập kinh nghiệm trong vô minh. Hành giả cần vượt qua hai phòng vô minh và học tập nơi 3 cõi thấp: hồng trần, cõi trung giới, cõi hạ trí, cũng có nghĩa phải chủ động được 3 trạng thái thức tỉnh, chiêm bao và ngủ mê. Đây cũng là giai đoạn phát triển cá tính hay phàm ngã và sau đó vươn lên khỏi phàm ngã với các đặc tính của nó: đam mê ảo ảnh và tham sống. Qua nhiều kiếp củng cố cái nốt hay cung của phàm ngã, ba thể phàm ngã trở nên linh động để bước vào cửa đạo, sẵn sàng cho giai đoạn 2 điểm đạo.
2) Khi ấy nguyên tố thứ 7 là tinh thần (chân ngã) xuất hiện, nó là tiếng vô thinh của vị Thượng Đế nội tâm, im lặng tất cả mấy tiếng kia và là trạng thái thứ tư “turiya” của phòng minh triết, hình ảnh của dòng sông mất dạng nơi đại dương. “Không để lại Dấu Vết” khi đã bước vào phòng minh triết nơi bốn ba la mật sau cùng ứng với bốn lần chứng đạo. Giai đoạn này vị điểm đạo đồ gần như không còn để lại dấu vết tạo nghiệp nơi trần thế. Trong cả hai giai đoạn, cùng một trở lực, chỉ khác nhau cường độ về sự mãnh liệt, đó chính là Mara (Dục Vọng, Đam Mê) cộng với Maya (Ảo Ảnh) sinh ra Tantra (Ham sống). Vị đạo đồ vẫn sinh hoạt nơi trần thế nhưng với tinh thần của một thiền sư, bậc thầy của Samadhi. Có một câu diễn tả thời gian này "Các vị Thiền sư khi ra đi không để lại dấu vết"
Vấn: Phần 2 của quyển "Tiếng Vô Thinh" nói về "Hai Con Đường". Qua hình ảnh con sông, tôi chỉ có thấy một con đường dài tiệm tiến, có điểm đi, điểm đến. Với tôi, đó là con đường nhãn pháp. Có phải anh sẽ đưa ra một biểu tượng khác hơn cho con đường tâm pháp?
Đáp: (Cười) Có thật chị muốn thêm “hình tượng”? Tôi đồng ý con sông là biểu tượng của con đường "nhãn pháp". Con đường đi xuyên qua tam thể hạ, con đường tỉnh thức dần dần nơi ba cõi thấp. Con đường tâm pháp xảy ra ở giai đoạn cuối ngay trước khi con sông mất dạng nơi đại dương (đốn ngộ), như vậy tâm pháp là tiếp nối của nhãn pháp. Nhãn pháp cũng có nghĩa là cái nghĩa đen, cái nghĩa hình thức của kinh sách dành cho đa số nhân loại. Ngược lại tâm pháp là cái nghĩa sâu sắc, ẩn tàng bên trong, là giáo lý bí truyền mà chỉ có những tâm hồn kim cương mới đủ sức mạnh nội tâm gõ cửa để nhận lãnh. Khi học chung nhau quyển “Tiếng VôThinh” anh Trai và chị Vui thường đưa ra hình ảnh của chiếc phi cơ, tạo động năng trên đường bay. Một khi tích lũy đủ lực, phi cơ cất cánh vào không gian. Một thế giới mới, một chiều thứ 3 vừa được chinh phục (tương tự như kinh nghiệm chân ngã). Trên một độ cao của chiều thứ 3, nhìn xuống mặt đất hai chiều, chúng ta không còn phân biệt nam, nữ, tuổi tác, màu da ... khả năng phân chia của hạ trí đã mất. Giây phút cất cánh được ví như tâm pháp trực tiếp không qua phương tiện. Như vậy chàng hải âu kỳ diệu hay chiếc phi cơ trực thăng được xem như hình ảnh của tâm pháp. Tung cánh thẳng vào không gian, không cần tích luỹ động năng.
Chúng ta có thể thấy ngay, con đường nhãn pháp không đòi hỏi nhiều nỗ lực, tuần tự diễn tiến, đưa đến tiệm ngộ, nhãn pháp thiên về trí năng sử dụng những phương tiện phàm ngã như 3 cõi thấp, 3 thể thấp. Ngược lại tâm pháp không xem trọng các phương tiện phàm ngã, hội nhập thẳng với chân ngã bằng tâm lực (đốn ngộ). Tâm pháp chủ trương "vô ngã", phương tiện phàm ngã là ảo ảnh và với tôn chỉ : "Giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự. Trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật" (Truyền pháp ngoài kinh điển, trực chỉ nhân tâm, tìm thấy và thể hiện Phật tánh). Hai khuynh hướng nhãn pháp và tâm pháp sẽ hội tụ lại thành một, với con đường dự bị, con đường đệ tử và con đường điểm đạo. Sau cùng, một lần nữa, con đường được phân chia vào lúc cuối ở lần điểm đạo lần thứ 5, một hướng nhắm vào mục đích là giải thoát nhập niết bàn, nhận sự ban thưởng. Hướng kia nhắm vào hy sinh, ở lại với nhân loại, giữ đại nguyện của vị bồ tát, từ chối niết bàn. Đây chính là con đường Đức Phật mong đợi nơi những người có tâm nguyện lớn. Câu 179 nói
- Con đường vốn có một, nhưng đến cuối cùng nó chia hai.
Một đường có 4 cửa, tức bốn bực thiền định được trình bày bằng Raja Yoga (Pratyahara, Dharana, Dhyna, Samadhi). Con đường này được gọi là nhãn pháp, nó đưa hành giả đến mục đích của tu hành là giải thoát, nhập niết bàn. Hình ảnh được gợi ra bởi những vị ẩn tu, nhập thất, tỉnh tu nơi sơn động, xuất thế. Con đường thứ hai là tâm pháp, con đường bí mật là thực hiện lục độ hay thất độ, con đường dẫn đến tự hy sinh, từ chối niết bàn, trở thành một vị Ứng Thân Nirmanakaya. Con đường thứ hai là con đường từ bỏ, ở lại với nhân loại, nhập thế, do đó cũng gọi là con "Đường Đau Khổ".
Vấn: Rải rác trong "Tiếng Vô Thinh" có nói con đường tâm pháp là con đường đau khổ, có thực như vậy hay chỉ có ý nghĩa con đường khó nhọc, đầy khó khăn thử thách, một cuộc chiến với chính bản ngã dục vọng của chính mình?
Đáp: Câu 184 có nói về sự khổ trí không thể tả của vị đạo đồ, khổ vì thấy nhân loại sống mà như chết, thương xót và gần như bất lực vì không thể can thiệp vào nhân quả cá nhân của tha nhân cũng như vì tôn trọng tư do ý chí của họ. Cô Vũ Thị Dung một huynh trưởng trong hội thường dẫn chứng lời Đức Phật "Nhân loại tự hai tay siết cổ của chính mình, miệng thì không ngớt than: tôi khổ quá! tôi bị ngộp quá! Họ không biết là chỉ cần buông bỏ hai tay ra thì thở được ..." Thật ra đa số trường hợp những hành giả tiến cao trên con đường đạo thường hay chủ động "nhồi quả", thu ngắn con đường bằng đồng ý trả thật nhanh, như nhận bệnh tật và mọi loại bất hạnh. Gần như đa số những vị đạo đồ gặp nghịch duyên khủng khiếp trong kiếp sống của họ, bị những chứng nan y, bị hiểu lầm, bị nhạo báng, bị phản bội, bị chà đạp xuống bùn nhơ bởi những người họ từng yêu thương, giúp đỡ. Với chúng ta, những người chưa ở vòng trong, sự từ bỏ nào cũng đem đến mất mát, đau khổ. Những vị đạo đồ dù sao cũng chưa trọn lành. Họ là những huynh trưởng của chúng ta trên con đường tiến hóa, dĩ nhiên không khổ nhiều như chúng ta, nhưng vẫn có thể xao động ... Một chắc chắn là các vị đạo đồ cũng sẽ vượt qua, họ nhận chân sâu sắc bản chất ảo ảnh của đau khổ (do mara, maya, tanha). Họ đã chọn thử thách và họ đủ nội lực để vượt qua.
Vấn: Phật giáo phương bắc được biết đến lục độ hay sáu ba la mật. Với chúng ta có thêm một ba la mật nữa thành bảy: thản nhiên độ (Viraga Paramita). Xin cho biết tầm quan trọng của cái paramita đặc biệt này.
Đáp: Trong quyển "Tiếng Vô Thinh" nơi câu 210 Bà Blavasky có ghi thêm một paramita thành 7 :
"Viraga, thản nhiên đối với sự vui và sự khổ, thấy rỏ ảo ảnh, nhận được chân lý". Đó là những chìa khoá thần diệu để mở cửa cho con đường bí mật.
Thản nhiên độ mang thứ tự độ thứ tư, ngưỡng cửa thứ tư (con số trung bình của 1 đến 7), là nguyên lý trung đạo ngay giữa, phù hợp với ánh sáng thượng trí hay Antakarana (Ở khoảng giữa là tiếng đàn vina tượng trưng cho antahkarana, theo sự phân loại của Bà Blavatsky). Nó diễn tả một sự thăng bằng, chế ngự được cái tên "Con đường đau khổ", nó cũng mang ý nghĩa trung đạo giữa những thái cực của nhị nguyên, đau khổ/hạnh phúc. Nếu ba paramitas đầu chính yếu nhắm vào cái tâm hay đức hạnh, lòng bác ái là điều kiện an toàn chánh đạo và ý chí kiên trì không bỏ cuộc. Viraga nhắm vào trí năng, nhận, phân biện rõ ảo ảnh và đây là điều kiện không thể thiếu để có thể nhận được chân lý. Ngoài ra, về mặt số học, con số 7 nhất quán trong vũ trụ và con người. Chúng ta có thêm trung bình 7 kiếp cho từ chứng đạo 1 đến 4 và 7 kiếp tiếp cho giai đoạn La Hán thành một vị Chân Sư với 5 lần chứng đạo.
Xin phép nói thêm về Phật giáo phương bắc, đưa ra lục độ là dành cho cư sĩ, đối với tu sĩ có mười. Khi phát hành "Tiếng Vô Thinh" lần thứ 12 năm 1925, nhà xuất bản Adyar có thêm đủ 10 hạnh trích từ "The Chinese Buddhism" của Ông Eitel: "Vào thế kỷ thứ 2, vị tổ thứ 12 của dòng thiền Ấn Độ, Ngài Mã Minh (Avaghosa) có nêu ra thập độ. Mười paramitas đó là:
1) Bố thí độ, Dana Paramita
2) Trì giới độ, Shila Paramita
3) Nhẫn nhục độ, Kshanti Paramita
4) Tinh tấn độ, Viriya Paramita
5) Thiền định độ, Dhyana Paramita
6) Trí huệ độ, Prajna Paramita
7) Phương tiện độ, Upaya Paramita
8) Đại nguyện độ, Pranidhana Paramita
9) Lục độ, Bala Paramita
10) Trí độ độ, Jnana Paramita
(Ghi chú: Đây là dòng thiền tại Ấn Độ xuất hiện sau khi Đức Phật qua đời, truyền từ tổ thứ nhất Ma ha Ca Diếp (Mahakasyapa) cho đến tổ thứ 28 Bồ Đề Đạt Ma (Bodhidharma). Ngài Mã Minh tổ thứ 12 (Avaghosa). Ngài Long Thọ (Nagarjuna) là tổ thứ 14. Ngài Thế Thân (Vashubandhu) trong Dấu Vết 2 là tổ thứ 21. Vị tổ sau cùng biết là mạch thiền tại Ấn sẽ chấm dứt nên ông đi bộ sang Trung Hoa và trở thành tổ thứ nhất, sự truyền thừa đến tổ thứ sáu, Huệ Năng, thì chấm dứt truyền y bát. Chúng ta thấy sự liên tục và nhất quán của dòng thiền tâm pháp.
Vấn: Thất độ được chia thành hai giai đoạn: ba paramitas đầu, giai đoạn đệ tử và bốn giai đoạn sau của vị điểm đạo đồ. Anh đã phát biểu trong câu đáp bên trên về tính cách lịch sử của lục độ hoặc thất độ hoặc thập độ. Anh không dừng lại nơi đó? Tôi chưa thấy nói đến nội dung của những ba la mật, cũng chưa nhìn ra được tổng thể!
Đáp: Theo Ông Leadbeater phát biểu "Đức Aryasanga có ý niệm 7 cửa tương ứng với 7 nguyên lý trong con người. Ba cửa đầu tiên liên quan đến 3 nguyên lý thấp nơi phàm nhân. Ở ba tầng cửa đạo đầu tiên, giai đoạn một, hành giả vẫn còn trong phòng học tập, tinh luyện phàm ngã như trong quyển "Dưới Chân Thầy". Nếu muốn nói theo bát chánh đạo, con đường “chánh” trung đạo, thăng bằng giữa hai cực đoan trái/phải, con đường dẫn đến trí huệ Samadhi, đó chính là chánh nghiệp, chánh mạng, chánh ngữ, chánh niệm tức là giữ thân, khẩu, ý chân chánh. Ba Paramitas đầu tiên đưa hành giả đến vị trí một vị đệ tử (Thinh Văn , Chela). Các đồng môn như những sợi dây của cây đàn Vina. Họ phải học bài học rung động điều hoà với nhau và với vị đạo sư trưởng nhóm. Xem như giai đoạn một chú trọng vào chế ngự cảm dục Kama Manas ngày càng đến mức độ tự động.
- Ở tầng thứ nhất, “Bố thí độ” (Dana Paramita) khúc ca khởi hành đầy nhiệt hứng phấn khởi, con đường xanh tươi đầy hứa hẹn của thời điểm vừa gia nhập vào một thế giới mới. Tầng này đòi hỏi lòng từ bi và hạnh bố thí, điều kiện của chánh đạo để có thể khai thông con đường trở về.
- Ở tầng thứ hai, “Trì giới độ” (Shila Paramita ) Cánh cửa thứ hai liên quan đến sự tạo thăng bằng giữa nhân và quả, tuân thủ những huấn thị nhờ vào ý chí của Atma, điều hoà thân, khẩu, ý.
- Nơi ngưỡngcửa thứ ba "Nhẫn nhục độ" (Kshanti Paramita), hành giả bị vây hãm bởi nghiệp xấu quá khứ, chỉ có sự nhẫn nại kiêng cường làm thành tấm khiên che chở vị hành giả bền chí chiến đấu với dục vọng mara, ảo ảnh maya và tham sống tanha.
Trong giai đoạn hai ứng với bốn lần chứng đạo và trở thành nhân viên chính thức của Thiên đoàn Hierarchy), nói lên đời sống phụng sự của vị điểm đạo đồ xảy ra cùng lúc nơi xã hội, nhưng trong sâu thẳm, nơi đạo viện. Giai đoạn hai lúc ban đầu, đòi hỏi khả năng định trí (Dharana). Theo bà Blavatsky:
- “định trí phải kết hợp với Thượng Trí và cõi Thượng Thiên. Cái trí phải chủ định trên đối tượng nội tâm, rút lui khỏi phạm vi của cảm giác cõi trần, cõi trung giới và cõi hạ thiên”.
Bài học chung cho tất cả bảy tầng cửa đạo là khả năng nhận thức mãnh lực, áp dụng mãnh lực và sử dụng mãnh lực từ chân ngã, từ vị đạo sư và từ Thiên đoàn, đúng nơi, đúng lúc trong hữu ích cho tha nhân.
Thản nhiên độ (Viraga Paramita) Tương ứng với chứng đạo thứ nhất và vào giai đoạn "Nhập Lưu" (dòng sông dẫn tới Niết Bàn). Thời điểm này ứng với lễ giáng sinh. Chúa hài đồng sinh ra đời. Thiên Chúa Giáo gọi là sự "Cứu Rỗi" (được sinh vào”vương quốc của trời” như một “đứa trẻ” trong “Hang Điểm Đạo” “Ngôi Sao Điểm Đạo” bừng chiếu sáng từ Phương Đông khi Trẻ thơ Christ sinh ra đời). Dòng sông mất dạng nơi vô giới hạn của đại dương. Kinh nghiệm lần đầu hương vị tan hòa trong sự sống của cõi bồ đề. Kinh nghiệm này đưa đến lòng ao ước hiến dâng vô giới hạn nơi trần thế. Giai đoạn này nói lên vị đạo đồ đã chế ngự thể xác ở mức cao độ. "Các tội lỗi của xác thịt" phải được thống trị như tham ăn, sống buông thả xác thịt ... Vị đạo đồ được dạy chính yếu về các sự việc của cảnh giới tình cảm. sống tĩnh thức nơi đó. Vào cuộc điểm đạo này vị đạo đồ được chuyển từ phòng học tập sang phòng minh triết.
Tinh tấn độ (Viriya Paramita) (tương ứng với “Chánh Tinh Tấn”) tượng trưng bằng lễ rửa tội của Đức Chúa, tương ứng với chứng đạo thứ hai và vào giai đoạn “nhất lai” tức chỉ còn một kiếp nữa thôi. Con đường bắt đầu dóc đứng, ghồ ghề, mây mù tối tăm. Khúc ca hy vọng thuở ban đầu bắt đầu đổi giọng. Sự hoài nghi và sợ hãi xuất hiện cộng với thất bại, bạc nghĩa, vu khống của người đời. Sự xáo trộn xảy ra sẽ ảnh hưởng tâm thức vị đạo đồ và nhóm. Chỉ có hạnh trì giới mới có thể tạo lại thăng bằng, giúp vị đạo đồ vượt qua thử thách. Giữa cuộc chứng đạo lần nhất và nhì cần nhiều kiếp để có thể hoàn toàn chế ngự thể cảm dục (có tỷ lệ thời gian khi so sánh lễ giáng sinh và lễ rửa tội cách nhau 3 năm). Sự chết của dục vọng là nỗ lực đưa đến chứng đạo thứ hai. Vị chí nguyện chỉ còn một ao ước là phụng sự. Bây giờ có đòi hỏi vị đạo đồ phải hoàn toàn chế ngự thể hạ trí, cái trí cụ thể.
Thiền định độ (Dhyana Paramita) ứng với chứng đạo thứ ba và lễ "biến dung" trong Cơ Đốc Giáo (Khi ấy Chúa cùng ba vị Tông đồ trèo lên “một ngọn núi Điểm Đạo thiêng liêng riêng biệt”. Nơi đó Chúa gặp hai đấng tiên tri Moses và Elias và được biến hình: mặt, toàn thân và cả y phục Ngài mặc trở thành phát sáng trắng thanh thoát. Thinh không vang lên tiếng ca ngợi Ngài là “Con của God” nói lên sự giao tiếp với Monad của chính Ngài). Đây là giai đoạn “bất lai” tức là không trở lại luân hồi nếu muốn. Giai đoạn này được xem tiểu ngã mất hình trong đại ngã, vị đạo đồ đắm mình trong cõi SAT là Minh Triết và Bác Ái. Sau lần chứng đạo thứ ba, vị đạo đồ đã hoàn tất công việc với tiểu vũ trụ, tức phàm ngã được chinh phục. Bây giờ là thời điểm chia sớt công việc của đại vũ trụ. Đây cũng là lần đầu tiên vị đạo đồ rung động theo cung của Chân Thần và từ đây Chân Thần dứt khoát hướng dẫn Chân Ngã. Một số mãnh lực được khởi động như thông nhãn, thông nhĩ, đọc hiểu ký ảnh nơi cõi Akasha. Thể trí vị đạo đồ với hình tư tưởng rõ rệt, rực rỡ và sinh động. Luân xa đầu được khai mở tiếp theo sau hai lần trước luân xa tim và cổ họng. Từ nay vị đạo đồ thức tỉnh và có khả năng làm việc trong cả 3 cõi thấp.
Trí huệ độ (Prajna Paramita) (tương ứng với “Chánh Định”) ứng với chứng đạo thứ tư, người đã sang được bờ bên kia, tương ứng với Chúa lên thập tự giá, nói lên cực độ của con đường hy sinh và từ bỏ: gia đình, bạn bè, danh vọng, tiếng tăm, ngay cả sinh mạng. Mọi khó khăn nay đã xong, đã chiến thắng ma vương, đã trong sạch, làm chủ được luật nhân quả, luân hồi, phá tan vũ trụ khách quan (Maha Maya). Và nay vị đạo đồ khi hướng ra ngoài không còn xem đối tượng xa lạ với mình nữa mà hoà hợp tâm thức với đối tượng, không hai mà một. Vị đạo đồ đạt đến chỗ hiểu biết được bản chất của sự vật và quán tưởng nó từ bên trong. Vị đạo đồ mau chóng học hết các nguồn giáo huấn nơi phòng minh triết, vị ấy thành thạo ý nghĩa và sử dụng màu sắc và âm thanh. Cuộc đời của vị đạo đồ thứ tư hay thập tự hình là một cuộc đời hy sinh lớn lao. Đó là cuộc sống của người thực hiện hạnh đại từ bỏ trên bàn thờ hy sinh.
Vấn: Vùng tôi đang định cư là Seattle, nơi có rất nhiều lạch, suối, hồ (Switzerland of America) một nơi lý tưởng cho loài cá hồi. Bảo đảm chú cuội có đến đây sẽ quên ngay chị chị Hằng ! (Cười). Vào mỗi năm khoảng tháng 10 có một lễ hội lớn chào mừng cá hồi trở lại cố hương sau 4 năm trưởng thành ngoài biển cả. Ngày ra đi là một cô/chú cá con, trở về từng cặp trống mái. Con mái luôn luôn mang thai, mang sự sống của thế hệ con cái, trở về quê cũ, sau khi sanh là chết, xong một chu kỳ sống. Chúng ta thấy sự tuần hoàn, loài chim thiên di cũng theo tuần hoàn, mang cả mùa xuân trở về nóc giáo đường. Anh vui lòng nói thêm về giai đoạn “sự sống lại của dòng sông sau giai đoạn thập tự giá” hay sự trở lại như lý thuyết bồ tát đạo?
Đáp: Câu hỏi đối ứng vào phần thứ ba của quyển "Tiếng Vô Thinh" là “Bảy tầng cửa đạo” khi dòng sông mất dạng nơi đại dương. Giai đoạn này nói lên vị hành giả đã tiến vào con đường dự bị hoặc con đường đệ tử hoặc con đường điểm đạo từ 1 đến 4 lần tức là một vị La hán. Giai đoạn ứng với trạng thái hòa hợp với "sự sống" toàn thể trong câu nói của đấng Christ. Có hay không luật tuần hoàn ở đây? Câu đáp là có. Dòng sông mất dạng, nay là một thành phần chủ động của biển cả. Có sự quay trở lại để phụng sự nhân loại còn đang đau khổ vì vô minh, bằng cách bốc hơi thành mây (xin đừng hỏi biết mây, mây mấy tầng) (Cười) bay vào bao phủ đại lục và trở thành tinh chất của nước rơi tưới xuống ruộng đồng nuôi sống kẻ đói. Nếu con sông là biểu tượng của thành, trụ, hoại (ba ngôi) nó bị/được thu hút về "không", từ không tái tạo lại thành, trụ, hoại. Các vị đạo đồ trở lại không đơn độc mà có sự hỗ trợ trực tiếp của nhóm, mà vị ấy là thành viên, đứng đầu nhóm là một vị Chân Sư. Với thời gian, vị đạo đồ càng linh hoạt trong sử dụng mãnh lực của nhóm và Thiên đoàn tại 3 cõi thấp, cụ thể bằng tư tưởng, lời nói, và hành động phụng sự nhân sinh trong mọi ngành sinh hoạt. Khả năng trú ngụ tại thượng trí và các cõi trừu tượng trong thiền định ngày càng rộng và sâu sắc. Các thể của phàm ngã càng thanh lọc, tốt đẹp, nhạy cảm, tràn đầy sinh lực từ chân ngã. Đây là giai đoạn của sự sống tan ra hòa nhập trong vạn vật (dòng sông tan trong biển cả). Dẫn chứng trong câu217:
Sống và thở trong tất cả cũng như tất cả những gì con nhận thấy đều thở trong con. Con nơi mọi vật và mọi vật nơi Đại Ngã.
Câu 219: Không được tách riêng con người con với bản thể vạn vật. Rót biển cả vào giọt nước, giọt nước vào biển cả.
Câu 220: Hoàn toàn hoà hợp với mọi sinh vật, con chung một mẹ hiền.
Câu 225: Tâm trí con hoà hợp với tâm trí của nhân loại giống như tiếng gầm thét của con sông thánh ứng đáp những âm thanh vạn vật. Tâm con phải rung động đáp lại mọi tiếng thở than.
Câu 228: Con đã hoà hợp con với sự đau khổ lớn lao của nhân loại. Điểm sáng đã mất trong ngọn lửa, giọt nước đã mất trong biển cả, tia sáng luôn luôn hiện hữu đã trở nên toàn thể và sự phóng quang bất diệt. Con vừa là kép hát, vừa là khán giả, vừa là vật phóng quang vừa là sự phóng quang.
Trong giai đoạn đầu "Tìm Chân Lý" hành giả chú trọng vào phần đầu của những câu trong "Ánh Sáng Trên Đường Đạo" "Hãy diệt lòng tham vọng; Hãy diệt lòng tham sống; Hãy diệt lòng ham hưởng sự tiện nghi ". Và bây giờ trong giai đoạn của vòng trong, của vị đạo đồ, của 7 tầng cửa đạo, của "Sự Sống" phóng ra ngoài phụng sự tha nhân (vị đạo đồ không có phân chia ta và người). Giai đoạn này ứng với phần sau tiếp nối : "Nhưng hãy sống như những kẻ có đầy lòng tham vọng, đầy lòng tham sống, và chỉ sống để hưởng lạc thú. Đây là tư cách của một người phụng sự nhập thế mang ảnh hưởng Bồ Đề tâm đi xuống trong đời sống, tận tới ba cõi thấp.
Vấn: Tôi muốn nói thêm một tí về vấn đề những mãnh lực hay quyền năng. Trở lại biểu tượng chiếc phi cơ. Trên độ cao như vệ tinh chẳng hạn, khả năng nhìn thời tiết, đoán thời tiết, quan sát địa cầu, hướng dẫn lái xe của máy định vị (GPS), báo trước nơi nào nên đi để tránh kẹt xe vì có tai nạn. Y như phép thần thông thấy trước nơi cõi akasha. Chúng ta có thể xem như đây là trường hợp của quá khứ và tương lai được “thấy” và hiện diện ngay trong hiện tại (ý niệm này có thể dẫn đường đên kinh nghiệm “hiện tại vĩnh cửu” trong thiền định). Ngoài ra vệ tinh thông tin nhận được nhiều sóng và tín hiệu và chuyển những mãnh lực đó đến nơi đến, một việc mà tại mặt đất không làm được (sóng và tín hiệu không xuyên qua được vỏ địa cầu). Giống vậy những vị đạo đồ đã bước sang những chiều đo sâu hơn, rộng hơn chúng ta. Những quyền năng đến một cách đúng lúc, tự nhiên, khi mà hạnh kiểm là một bảo hiểm an toàn. Tất cả những mãnh lực, quyền năng này chỉ với một mục đích phụng sự hữu hiệu hơn, hoàn toàn vị tha. Sự quay trở lại của vị đạo đồ xuyên qua những cơn mưa tạo thành vòng tròn theo luật tuần hoàn, vòng tròn này thực sự là những xoắn ốc như chiếc lò xo, biểu tượng của luật tiến hoá. Sự trở lại này biến đổi dòng sông xưa, nay thành những con sông thánh, đã diệt tham vọng nhưng vẫn hình dáng sống và làm việc như những kẻ lòng đầy tham vọng … Trong "Tiếng Vô Thinh" đã có sự cảnh cáo ngay trang đầu, khi hành giả còn trong giai đoạn tìm chân lý, tuyệt đối tránh tự tập luyện mở những quyền năng bậc thấp, khi mà hạnh kiểm chưa đúng mức. Thần kinh hệ chưa sẳn sàng đón nhận những rung động cao cấp, sự điên loạn là đương nhiên. Đến đây tôi chợt nhớ ra và thú thật với anh về bảy âm thanh nơi chương đầu tiên, tôi suy nghĩ mãi, bị ám ảnh, sau cùng chịu thua vì không hiểu ý nghĩa thật! Anh hiểu sao về bảy âm thanh này?
Đáp: (Cười) Tôi không khác chị bao nhiêu đâu! đừng nghĩ tôi giúp được chị nhiều! Thật ra chỉ có một âm thanh, ẩn tàng nơi Monad, vị Thượng Đế nội tâm thinh lặng. Từ đó phân tán xuống những cõi thấp hơn tạo những âm giai khác hơn như 1) Tiếng chim quyên, 2) Tiếng chập choã, 3) Tiếng con thuỷ quái bị nhốt, 4) Tiếng đàn vina, 5) Tiếng sáo trúc, 6) Tiếng trời gầm, 7) Tiếng thứ bảy át tất cả sáu tiếng kia. Ông Leadbeater và Bà Besant cùng đồng ý, sự việc nghe được những âm thanh trên là do việc Kundalini di chuyển từ luân xa này đến luân xa khác, nói lên sự thức tỉnh từ cảnh giới này đến cảnh giới khác và đánh thức các quan năng đủ loại. Hai vị Huynh Trưởng của chúng ta không có thống nhất với nhau về sự sấp xếp âm thanh nào liên hệ với cõi nào. Vả lại khi so sánh đối chiếu với Yoga trong kinh Shiva Samhita, chúng ta thấy liệt kê những âm thanh khác hơn và thứ tự âm thanh như sau: 1) Tiếng kêu loài ong mật, 2) Tiếng sáo, 3) Tiếng đàn harp, 4) Tiếng chuông, 5) Tiếng sấm, 6) Tiếng của sự hợp nhất, 7) Khi tiếng thứ sáu biến mất hành giả nhập vào nhất thể. Riêng kinh nghiệm của bà Beasant, không giống như sách đã viết, thoạt tiên bà nghe như tiếng trống của một làng quê Ấn Độ, kế đó bà nghe như tiếng chuông bạc, sau đó bà nghe như tiếng chuông ngân trong thánh điện ở Benares. Những điều trên đây cho thấy không nên chấp vào các loại âm thanh. Về thứ tự thì Bà Besant có đề nghị âm thanh từ mãnh liệt dần đến thanh nhẹ: 1) tiếng sấm, 2) tiếng kèn chát chúa, 3) tiếng con thuỷ quái, 4) tiếng chập choã, 5) tiếng sáo trúc, 6) tiếng đàn vina, 7) tiếng chim quyên. Bà Blavatsky đã phê bình:
- “Nếu hiểu theo cách đó thì thật là vô lý. Bà nói chúng ta chấp vào mặt chữ thật tệ hại !”.
Bà Besant có nhận xét:
- “Bà Blavatsky thường hay làm việc một cách không số học, có khi bà bắt đầu bằng con số bốn và kế đó tiếp tục qua hai bên. Cũng có khi bà không theo một thứ tự nào cả”.
Chúng ta có thể dùng phát biểu một cách tổng quát như sau theo bà Blavatsky:
- “Sáu nguyên lý đầu tiên, có nghĩa là khi phàm nhân bị tiêu diệt và cá thể bên trong bị chìm đắm và biến mất trong nguyên lý thứ bảy hay tinh thần. Vị Đệ Tử hợp nhất với Brahman hay Atma.
Vấn: Tôi nghĩ đến lúc cần một đúc kết. Chúng ta có thể thiền định về luật tiến hoá và hiểu quyển "Tiếng Vô Thinh" xuyên qua ấn tín Theosophia, xem đó như một mandala của Mật Tông Tây Tạng (đồ hình của những biểu tượng về những nguồn lực trong vũ trụ). Ấn tín Theosophia được tạo bởi những vòng tròn. Hành giả từ ngoài vào trong, xử dụng âm thanh AUM, đi xuyên qua chữ vạn, con rắn, ấn tín Salomon để chiếm đoạt chìa khóa "Thập Tự TAU". Thập tự TAU là biểu tượng của nữ thần Isís, biểu tượng của sự sống, sự tái sinh tinh thần. Những chìa khóa của TAU được diễn giảng qua thất độ bên trên. Có được chìa khóa, thực hiện 7 paramitas, hành giả lần lượt vượt qua 7 tầng cửa đạo tương ứng với sự tự chủ sáu thể của ấn tín Salomon. Sau cùng hội nhập trung tâm vô hình của ấn tín là Monad, nhất nguyên, vị Thượng Đế nội tâm thinh lặng. Đây chính là giai đoạn thứ bảy, trí huệ độ. Vị đạo đồ không còn thấy ba ngôi (AUM) thiêng liêng nữa mà trở nên ba ngôi đó, trở nên ánh sáng, trở nên âm thanh. Đó là sự toàn tri, bậc thầy về Samadhi, trạng thái tri kiến không thể lầm lạc. Vị đạo đồ nay là sự phóng quang bất diệt (từ trong ra ngoài) như nước bốc hơi thành mây quay trở lại đại lục, mưa rơi chuyển hoá, làm mới tất cả hình hài chứa đựng nước, tương ứng với sự sống lại của đấng Christ. Khi ấy cái mandala không còn cần thiết. Vị đạo đồ đã là tất cả: minh triết của con rắn, chuyển pháp luân của chữ vạn và là ba ngôi của âm thanh AUM. Vạn vật rung chuyển hân hoan chào mừng một vị hành hương đã từ bỉ ngạn trở về, một vị La Hán vừa mới sanh.
MLT