THÔNG TRI E.S

 

 

 

 

Khi E.S. được thành lập năm 1888 (xin đọc PST 61, bài E.S.) bà Blavatsky có cho phổ biến một thông tri (Memorandum) nói về tính cách của trường. Dưới đây là bản dịch của tài liệu.

Đây là cấp dự bị trong trường Bí Giáo (Esoteric Section ES), và mục đích tổng quát của nó là chuẩn bị và làm cho học viên thích hợp hơn với việc học hỏi huyền  bí học thực hành, hay là Raj Yoga. Vì vậy ở cấp này, học viên - ngoại trừ trường hợp đặc biệt - sẽ không được chỉ dẫn cách tạo hiện tượng  vật chất, hoặc phát triển bất cứ huyền thuật trong người, cũng như là nếu sở hữu những quyền năng ấy một cách tự nhiên, họ không được phép sử dụng nó trước khi có được hiểu biết rành rẽ về Chân Ngã, về những diễn biến của mặt tâm sinh lý xẩy ra ở cõi huyền bí trong cơ thể con người nói chung, và cho tới khi họ loại trừ được hết mọi đam mê thấp và Phàm Ngã của mình.
Vị Trưởng ES thực sự là một vị Chân Sư mà H.P. Blavatsky là phát ngôn nhân trong ES. Ngài là một trong những bậc Đạo Sư được nhắc tới trong sách vở TTH, và có liên quan đến sự thành lập Hội Theosophia.  Qua HPB, mỗi học viên của ES được mang đến gần hơn ảnh hưởng và sự chăm lo của Ngài so với trước đây, nếu họ được thấy là xứng đáng với điều ấy. Dầu vậy, học viên không cần phải hỏi đó là Chân sư nào, vì trên thực tế điều ấy không quan trọng, cũng như không cần phải tạo thêm cơ hội cho sự trống miệng. Chỉ cần nói rằng ấy là luật ở phương Đông.
Mỗi người sẽ nhận được chỉ dẫn và trợ giúp tương ứng với sự xứng đáng của họ mà không nhiều hơn, và họ hiểu rõ ràng là không có đặc ân gì trong ES cùng những liên hệ này, - mọi việc tùy thuộc vào công trạng của mỗi người - và không thành viên nào có thế lực hay hiểu biết để quyết định họ hay là người khác được quyền có điều chi. Việc này chỉ thuộc về ai biết chuyện, chỉ riêng họ mà thôi. Điều có vẻ như đặc ân ban cho một ai, và sau đó có vẻ như người ấy có thăng thưởng, sẽ là do công việc mà họ làm, với hết sức mình, cho Tình Huynh Đệ Đại Đồng và sự tiến bộ của nhân loại.
Không ai nam hay nữ bị đòi hỏi  hoặc được xem là phải làm gì hơn hết sức của mình; nhưng có kỳ vọng là mỗi người làm tới hết khả năng và quyền hạn của họ.
Giá trị của việc làm trong tổ chức này đối với cá nhân thành viên sẽ hoàn toàn tùy thuộc vào:
– Thứ nhất, khả năng của họ trong việc hấp thu các chỉ dạy và biến chúng thành một phần của chính mình, và
– Thứ hai, động cơ không ích kỷ khiến họ tìm kiếm hiểu biết này; nó muốn nói họ gia nhập ES với quyết tâm phụng sự nhân loại, hoặc chỉ với mong muốn được lợi hoặc thủ đắc đôi chuyện cho riêng họ mà thôi.
Vì thế, mọi thành viên cần biết khuyến cáo này, và nghiêm chỉnh duyệt lại động cơ của mình, bởi sẽ có một số hệ quả xẩy ra cho tất cả ai gia nhập ES, và ở giai đoạn này, có lẽ tốt hơn nên để ứng viên biết về lý do của sự thành lập ES và nó mong thành đạt điều chi.
Hội Theosophia vừa hoạt động được mười bốn năm, và nếu nó có được thành quả lớn lao, có thể nói là gần như vĩ đại, về mặt ngoại hình và phổ thông, nó lại thất bại to tát về hết mọi mặt hàng đầu trong các mục tiêu lúc thành lập ban sơ.
Như thế, nói về 'Tình Huynh Đệ Đại Đồng', hoặc ngay cả khi xem nó như là một hội ái hữu như nhiều hội ái hữu khác, Hội đã xuống thấp tới mức của những hội mà chủ trương thì cao đẹp nhưng danh xưng chỉ là để che đậy – luôn cả Dối Gạt. Cũng như cớ đưa ra không thể chấp nhận được nói rằng nó đi theo đường lối không hay như vậy là vì sự phát triển tự nhiên của nó bị cản trở, và gần như bị tàn lụi do âm mưu của kẻ thù địch công khai bắt đầu năm 1884. Vì ngay cả trước mốc điểm này cũng không có sự đoàn kết trong hàng ngũ của Hội để khiến nó chẳng những kháng cự lại được mọi tấn công từ bên ngoài, mà còn khiến có thể trợ lực lớn hơn, rộng hơn và dễ thấy hơn cho mọi hội viên, từ những vị luôn sẵn sàng trợ lực khi ta xứng đáng để nhận được nó.
Khi hội gặp vấn đề thì quá nhiều người lẹ làng nghi ngờ và nản lòng, và thật sự chỉ có ít người làm việc cho Công cuộc mà không phải cho chính họ. Sự tấn công của ai thù nghịch khiến Hội ảnh hưởng  được phần nào tiến triển bên ngoài của nó, nhưng tình trạng thực sự bên trong không được cải thiện, và hội viên, trong nỗ lực hướng về chuyện tinh thần, vẫn còn cần sự trợ giúp mà chỉ có sự đoàn kết trong hàng ngũ mới cho họ có quyền hỏi xin.
Các Chân Sư chỉ có thể giúp được ít oi tổ chức nào không đoàn kết chặt chẽ về mục tiêu và tâm tưởng, không tuân theo mục tiêu căn bản đầu tiên của nó là tình huynh đệ đại đồng không phân biệt chủng tộc, tín ngưỡng hay mầu da; hoặc hội nào mà nhiều hội viên trong đó dành thì giờ trong đời để phán xét, lên án, và thường khi thóa mạ hội viên khác một cách không TTH chút nào, chưa kể tới cung cách ...
Vì lý do ấy, nay có dự tính qui tụ những ai 'chọn lọc' trong Hội và kêu gọi họ có hành động. Chỉ bằng cách có nhóm chọn lọc gồm ai can đảm, một nhóm nhỏ người nam và người nữ khao khát có phát triển tinh thần chân thực và thủ đắc minh triết thiêng liêng, mà Hội Theosophia nói chung mới có thể được mang trở lại đường hướng ban đầu của nó.
Chỉ nhờ ES mà thôi – tức một nhóm mà trong đó mọi thành viên dù chưa quen biết, làm việc chung với nhau, và do làm việc cho chung tất cả họ làm việc cho chính mình – mà Hội bên ngoài mới có thể được cứu vớt, và làm cho ý thức rằng sức mạnh và thế lực  của nó có được là nhờ sự kết đoàn và hòa hợp mà thôi. Thế nên mục tiêu của phân bộ này là giúp cho sự tăng trưởng tương lai nói chung của Hội TTH theo hướng đích thực, bằng cách nêu cao tình đoàn kết huynh đệ ít nhất trong một số nhỏ.
Ai cũng biết mục tiêu này được nhắm tới khi Hội được thành lập, và ngay cả trong hàng ngũ hội viên thường không thệ nguyện, sự phát triển và có hiểu biết là điều khả hữu cho tới khi sự việc bắt đầu cho thấy thiếu tình đoàn kết thực sự; nay cần phải cứu Hội thoát khỏi nguy hiểm tương lai bằng việc có mục đích chung, tình huynh đệ thân ái, và việc không ngừng thúc đẩy thành viên của ES.
Như thế, bất cứ ai đã ký lời thệ nguyện mà không ý thức điều này, được mạnh mẽ yêu cầu duyệt lại vị trí của mình và rút lui, trừ phi họ sẵn sàng hiến mình cho việc thực hiện mục đích nêu trên. Một khi được cho thấy gương lớn lao của lòng vị tha thực tế, đời sống cao cả của người học hỏi cho thấu đáo hiểu biết thâm diệu chỉ để giúp đời, và người nỗ lực phát triển quyền năng để chỉ dùng nó cho việc phụng sự nhân loại, trọn người trong Hội không chừng sẽ được hướng tới việc có hành động, và được dẫn dắt làm theo gương trước mắt họ.
ES, do vậy, 'đứng riêng' với vai trò cứu vớt trọn Hội, và con đường của nó ngay từ những bước đầu sẽ nhọc nhằn, là việc leo dốc cho các thành viên, nhưng có phần thưởng to tát nằm đằng sau những trở ngại một khi người ta vượt qua được chúng. Ai muốn theo việc làm của Chân ngã và thiên tính bên trong để làm chủ mình, cần hiểu chúng bằng cách so sánh; họ phải gắng công tìm hiểu những bí ẩn của tâm người nói chung trước khi có thể mong học được trọn sự thật về bí ẩn của linh hồn mình.
Năng lực của việc tự kiểm huyền bí có giới hạn rất nhiều về mặt này nếu nó không đi xa hơn Chân Ngã, và việc tìm hiểu những trường hợp riêng rẽ sẽ vẫn không mang lại thành quả nếu ta không dựa trên những nguyên tắc được xác định vững vàng. Ta không thể làm điều lành cho chính mình ở những cõi cao, mà không làm điều lành cho người khác, vì mỗi đơn vị sẽ phản ứng sang những đơn vị khác; cũng như ta không thể giúp người khác mà việc ấy lại không giúp chính ta.
Thất vọng chắc chắn sẽ đến cho ai gia nhập ES với ý muốn học 'huyền thuật' hoặc để có được 'huấn luyện huyền bí' cho mình, mà không màng đến sự tốt lành cho người khác ít quyết chí hơn. Quyền năng bất thường, được phát triển một cách ... – ngoại trừ quyền năng có được của ai theo tả đạo và cố công luyện tập – chỉ là tột đỉnh và là phần thưởng của việc làm không ích kỷ cho nhân loại, cho mọi người bất kể xấu tốt. Việc quên đi cái Ngã riêng tư và có lòng vị tha chân thật là điều kiện đầu tiên không thể thiếu trong việc huấn luyện ai muốn trở thành 'Đạo sư Chánh đạo', trong kiếp này hoặc trong một kiếp tương lai.
Nếu thành viên nào trong ES đồng ý với tất cả những điều trên nhưng tin rằng cho dù vậy, họ đi tìm hiểu biết là cho chính mình và không quan tâm mấy đến việc sẽ thành Đạo sư Chánh đạo hay Tà đạo, miễn là có được quyền năng, thì họ cần biết rằng tai họa chờ chực sớm hơn là họ tưởng, và dù tìm cách che dấu động cơ của mình, nó sẽ được khám phá, sinh ra phản ứng cho họ mà không ai có thể tránh được.
Với ai không hấp thu được những chỉ dạy đưa ra do thiếu khả năng, họ không bị phiền trách gì nếu hăng hái và liên tục học tập và nếu nguyện ước của họ không suy giảm, yếu dần; nỗ lực của họ sẽ được đúng chỗ biết tới, và vào lúc không ngờ nhất họ sẽ nhận được trợ giúp tương ứng sát với nỗ lực.
Thêm vào đó, mỗi thành viên nên biết rằng thời giờ cho sự thụ đắc vô giá ấy chỉ có giới hạn. Hiện nay người viết đã lớn tuổi, sự sống của bà hóa mỏi mòn và bà có thể được ra lệnh 'trở về' bất cứ ngày giờ nào. Và nếu có người thế chỗ của bà, nếu có ai khác xứng đáng hơn và có hiểu biết nhiều hơn, cũng vẫn chỉ còn có mười hai năm cho đến cuối kỳ hạn, tức ngày 31 - 12, 1899. Ai không nắm lấy cơ hội đưa ra cho thế giới vào phần tư cuối mỗi thế kỷ, ai chưa đạt tới một mức phát triển về tâm linh và tinh thần vào ngày giờ đó, hoặc tới mức bắt đầu con đường thành đạo sư, họ sẽ không tiến xa hơn mức hiểu biết đã thu thập được. Không một Chân sư Minh Triết  ở phương Đông sẽ xuất hiện hoặc gửi ai sang Âu châu hoặc Mỹ châu sau thời gian đó và ai biếng nhác sẽ mất cơ hội tiến bước trong kiếp này – cho đến năm 1975. Ấy là Luật, vì chúng ta đang trong thời kỳ mạt pháp Kali Yuga, và sự bó buộc của chu kỳ này, 5.000 năm đầu của nó sẽ chấm dứt vào năm 1897, rất lớn lao gần như không vượt qua được.
Về sự liên hệ giữa các Chân Sư với ES, ta có thể nói chuyện có vẻ nghịch lý là đối với các Ngài, điều chi cũng có thể và không thể được. Các Ngài có thể hoặc không thể có tiếp xúc riêng với một thành viên ở cõi trần, và ai vẫn mong ước nhận được 'lệnh' hay liên lạc thẳng với các Ngài tại cõi trần, hoặc qua hiện tượng hoặc cách khác, nhiều phần sẽ bị thất vọng. Các Chân sư không hề muốn cho thấy quyền năng của Ngài, hoặc 'chứng tỏ' với ai khác bất cứ việc chi. Và sự kiện một thành viên cho rằng gặp khủng hoảng và theo ý họ Chân Sư cần lên tiếng và đích thân can thiệp, đó không phải là lý do đúng để có sự can thiệp bên ngoài như vậy.
Tuy nhiên, chuyện đúng đắn là mỗi thành viên, một khi tin vào sự hiện hữu của các Chân Sư, nên hiểu về bản chất và quyền năng của Ngài là sao, có sự tôn kính trong lòng và tiến đến gần các Ngài theo hết sức của mình, cùng mở tâm để có được sự liên lạc hữu thức với vị Guru mà họ dâng hiến đời mình. Điều này chỉ có thể làm được bằng cách ta lên tới cảnh giới của Chân Sư, mà không phải bằng nỗ lực thu hút các Ngài xuống cảnh giới của chúng ta.
Tựa như sự tăng trưởng của đời sống tinh thần đến từ bên trong, thành viên chớ mong nhận được liên lạc nào ngoại trừ qua HPB. Sự giúp đỡ thêm, chỉ dạy và soi sáng, sẽ đến từ những cảnh giới nội tâm, và như đã nói, sẽ luôn luôn được cho ra khi xứng đáng.
Muốn được vậy, thái độ của tâm trí khi tiếp nhận những chỉ dạy đưa ra là nên thiên về việc phát triển trực giác. Phận sự của thành viên trong việc này là ngừng tranh luận rằng bài viết không phù hợp với điều người khác đã nói hoặc viết, hoặc với tư tưởng riêng của họ về đề tài, hoặc có vẻ như nó đi ngược với bất cứ hệ thống tư tưởng hay triết lý nào đã được chấp nhận.
Huyền bí học thực hành nói chung là tự bản thân phải chứng thực. Nó đòi hỏi trọn khả năng trí tuệ và tâm linh của học viên phải được dùng để xem xét điều được cho ra, để cuối cùng có thể tìm ra ý thật của Tôn Sư theo như học viên có thể hiểu được. Họ phải gắng công hết sức mình để cởi mở tâm trí không bị ràng buộc bởi trọn những tư tưởng có thể có do truyền thống, giáo dục, khung cảnh chung quanh hoặc từ những vị thầy khác,  khi học hỏi hoặc cố gắng thực việc điều được giao cho mình. Tâm trí họ phải hoàn toàn không vướng mắc tất cả những tư tưởng khác, hầu cho ý nghĩa bên trong của lời chỉ dạy có thể gây ấn tượng cho họ, nằm ngoài chữ nghĩa chuyên chở ý. Bằng không,  luôn luôn có rủi ro là tư tưởng họ bị nhuộm mầu với ý kiến đã có sẵn, giống như những tác giả có thể cho ra tác phẩm tuyệt vời về các đề tài huyền bí, mà lại khiến chỉ dẫn huyền bí thuận theo khoa học đương thời hơn là theo chân lý huyền bí.
Cũng để cho học viên có thể nhận được lợi ích tối đa, điều vô cùng thiết yếu là phải bỏ thói quen suy nghĩ hời hợt, không chú tâm, thuộc về văn minh tây phương, và cái trí trụ vào cả bài chỉ dẫn như là trọn bài lẫn từng chữ một trong đó. Nhằm mục đích ấy, học viên được yêu cầu tập có thói quen không ngừng chú tâm, cẩn thận chú ý vào mỗi hành động và việc họ phải làm trong đời, mà không chỉ gắng sức về mặt đó cho việc học hỏi các huấn thị này mà thôi.
Học viên phải hết lòng mong muốn, và hướng tâm trí vào việc thủ đắc hiểu biết tinh thần, để cho thói quen tự nhiên của tư tưởng họ đi theo chiều hướng ấy. Do vậy, vào mỗi lúc nhàn tản họ phải quay về những đề tài này, cũng như có giờ khắc dành riêng cho việc học tập xem xét chúng.
Học viên chớ nên trông mong có thử thách đặc biệt, chúng sẽ tới trong đời và có liên hệ với người  chung quanh. Bình thường sẽ không có thử thách đặc biệt được cho ra, nhưng ngay cả cách mà học viên xử sự với các huấn thị này sẽ tự nó là một thử thách. Các Chân Sư không phán xét học viên chỉ qua khả năng làm chuyện khó khăn này hay chuyện đặc biệt kia, mà bằng việc thực sự phát triển con người họ và tiến bộ có được.
Khi gia nhập ES, học viên khởi sự nhìn tận mặt bản tính của mình, và tùy theo mức ước nguyện mạnh mẽ ra sao mà khó khăn của họ sẽ tương ứng theo. Những khó khăn này có thể biểu lộ về mặt thể chất, trí tuệ, đạo đức hoặc tâm linh trong con người của họ, hoặc trong khung cảnh chung quanh của đời họ. Khi đã ký lời thệ nguyện, không giữ được một điều chi trong các điều thệ nguyện là thất bại đối với thử thách đầu tiên. Tuy vậy, thất bại ấy không phải là thua cuộc nếu lòng có thành tâm gắng sức thêm●

 

The Esosoteric Papers of  Madame Blavatsky – Daniel Caldwell p. 43 – 60

Xem Cách Ashram Làm Việc