CÁCH ASHRAM LÀM VIỆC

 

 

 

Con người tiến hóa nên sự trợ lực của Thiên đoàn (Hierachy) cho nhân loại cũng thay đổi theo mức phát triển của chúng ta, giống như em bé khi sơ sinh thì ăn sữa, và vài tháng sau cần được cho ăn bột, rồi sau đó ăn thực phẩm đặc như cơm. Theo cách đó, vào cuối thế kỷ 19 HPB nỗ lực thành lập một Ashram là ES (xin đọc các bài về ES trong số 61 số này), bà nói rõ đây là trường cho cấp Dự Bị (Probationary) hay người chí nguyện; qua thế kỷ 20 ta có một nỗ lực khác đưa ra những chỉ dẫn mới về đường Đạo cho người muốn đi sâu hơn. Các chỉ dẫn này nằm trong bộ sách của Alice A. Bailey, chúng vạch ra đường hướng mới cho người tìm đạo trong kỷ nguyên mới.
Có một số lý do để làm vậy, thứ nhất là người chí nguyện trong thời đại mới có khả năng trí tuệ cao hơn thời trước, tình cảm cũng phát triển chín chắn hơn, họ có nhu cầu tâm linh khác với người của thế hệ trước; thứ hai là nhân loại nói chung đã phát triển nhiều và đường lối làm việc, huấn thị khi xưa phải thay đổi cho phù hợp, giống như ngày nay các bộ tứ Thư, ngũ Kinh vẫn còn giá trị nhưng không đủ mà ta còn phải học thêm nhiều môn khác; thứ ba là thế giới đang bắt đầu kỷ nguyên mới với tính chất mới cần được phát triển, có những năng lực tinh thần mới tuôn vào cần được sử dụng đúng cách.
Tất cả những điều này đòi hỏi có sự huấn luyện, tầm nhìn và mục tiêu mới. Trong bài hôm nay ta thử xem những điều mới mẻ này là gì.
Có ý niệm về con đường của người đệ tử và về Chân sư là điều cần thiết, một phần vì đó là diễn biến trong cuộc tiến hóa, phần khác ta không tránh khỏi việc phải đề cập tới điều ấy khi học về Theosophia, vì sáng lập viên đích thực của Hội là hai vị Chân sư, và từ khi ấy đến nay ta được biết nhiều vị đệ tử đã tới làm việc trong Hội. Tuy nhiên ý niệm cao đẹp này qua cách trình bầy sai lạc trong những năm tháng trước đã gây ra phản tác dụng.
Quan niệm sai lầm có một phần do tính cách của thời đại Song Ngư (Pisces) với tính chất nổi bật là lòng sùng tín; hồi đầu thế kỷ 20 các tác giả còn chịu ảnh hưởng của Song Ngư nên con đường của người đệ tử được trình bầy nặng tính chất sùng bái, khác xa với thực tại. Do đó khi đọc sách với tâm tình thời nay và muốn có nhận xét hợp với đặc tính của tân kỷ nguyên, chúng ta cần ý thức các tính chất trên của sách, nhận biết đúng giá trị của chúng.
Phần khác, những đặc tính đưa ra cho cấp Dự Bị nói ở trên lại bị hiểu sai, người ta tin điều kiện chỉ có thế mà không nghĩ rằng chúng là vậy ở giai đoạn đầu cho người chí nguyện (aspirant), còn với những bước sâu hơn trong đường đạo thì có thêm đòi hỏi khác hơn. Lấy thí dụ, lập hạnh, có đạo đức luôn luôn là điều kiện đầu tiên, nhưng chưa đủ. Muốn phụng sự – và người đệ tử luôn luôn là người phụng sự – người ta cần phải có khả năng và hiểu biết. Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lập hạnh là điều đúng, nhưng nó không còn đúng khi xem ấy là điều kiện duy nhất của việc được nhận làm đệ tử. Từ khi bà Blavatsky nỗ lực trình bầy MTTL, nhiều chân lý, hiểu biết được đưa ra về chứng đạo (initiation) mà sách vở thế kỷ trước cũng chứa đựng vài lầm lẫn tai hại do hiểu sai tính chất của  việc làm đệ tử, con đường đạo, gây lắm đau khổ và hoang mang.
Nhìn theo mặt năng lực, tiến trình từ mức dự bị sang mức đệ tử thực thụ (Accepted) diễn ra theo cách sau.
– Khi chân nhân khởi sự có thay đổi trong đời sống của phàm nhân dưới trần, và các thay đổi này nhắm chính yếu vào các huyệt thấp trong cơ thể – tức những huyệt bên dưới hoành cách mạc như huyệt đan điền (chủ về tình cảm) và huyệt xương thiêng (chủ về tính dục) – và vào những thể thấp, kết quả chung là sự thanh lọc và lập hạnh, người chí nguyện đang trên đường dự bị.
● Trong giai đoạn kế là ba lần chứng đạo đầu tiên, năng lực tuôn vào và tác động lên các huyệt bên trên hoành cách mạc là huyệt tim, cổ họng và giữa hai chân mày, đây là giai đoạn làm đệ tử.
● Những lần chứng đạo cao hơn liên quan đến các huyệt cao nhất trong đầu.
Sự khác biệt giữa hai cấp là người đệ tử dự bị có thể là kẻ sùng tín, ở mức này việc thanh lọc thân tâm hay lập hạnh được nhấn mạnh, cũng như cần có sự hiểu biết thông minh về tình huynh đệ đại đồng và nhu cầu của nhân loại; còn người đệ tử thực thụ làm việc trực tiếp dưới các Chân sư và tích cực trong thế giới, họ có tầm ảnh hưởng lớn dần, bị đòi hỏi phải có khả năng trụ vào cõi trí, có tâm phát triển và nhận biết các giá trị thật. Người sùng tín hướng tới Đức Thầy, người phụng sự hướng về nhân loại và phụng sự thế giới mà không phải hiến dâng mình cho một nhóm các đấng cao cả, bởi Thiên đoàn gồm những đấng do hiểu biết thiên cơ đã hy sinh tiến bộ nhất thời của các Ngài hầu trợ giúp nhân loại.
Nay với những chỉ dạy mới được đưa ra, một trong những điều cần thiết to lớn của người chí nguyện là hãy gạt bỏ những lý thuyết xưa cũ về đường Đạo, Thiên cơ; thay vào đó tập cho mình có tinh thần cởi mở.

I.
Cho thời đại mới, ta có những điều sau cần được xét:
– Điều kiện hay đòi hỏi mới nơi người tìm đạo.
Đầu tiên, về đòi hỏi và phương pháp thì có việc điều chỉnh phương pháp cũ cho thích nghi với nhu cầu của thời đại mới, cho người có trí năng phát triển cao hơn.
– Phương pháp huấn luyện mới.
Nhóm hoạt động theo đường lối cũ sẽ có vị thầy đứng đầu nhiều quyền hành, tụ tập môn đệ chung quanh họ, nói về điều bí ẩn trong khi chuyện không có bí ẩn nào, vì chỉ dẫn về huyền bí học không có bí ẩn, cũng như có sự chỉ trích môn đệ cho thấy thiếu tình thương.
Trong nhóm của tân kỷ nguyên vị thầy chân chính không tụ nhóm quanh mình, đòi hỏi thành viên trong nhóm phải có lòng trung thành với họ và tuân phục họ, và cũng không đóng cửa với những mặt khác của chân lý. Vị thầy đưa ra chỉ dạy và xem mình cũng chỉ là một học viên tuy có thể ở mức độ khác.

– Sự Tuân Phục (Obedience).
Đây là một tiêu chuẩn ta có thể dựa vào để nhận biết cách làm việc theo đường hướng cũ hay là mới. Lòng sùng tín trong giai đoạn phát triển qua của thời Song Ngư đã nhấn mạnh tính chất này. Sự tuân phục huyền bí là của phàm nhân đối với chân nhân, cũng như vị Chân sư đầu tiên của một ai là Chân nhân của họ, và vị Chân sư đúng nghĩa sẽ giúp chúng ta ý thức, qui phục Chân nhân của mình mà không phải qui phục Ngài. Tuy nhiên, bởi con người chưa có hiểu biết toàn vẹn nên giống như nhiều điều khác, ý niệm này bị hiểu sai, trở thành sự tuân phục của một người đối với cá nhân ai lãnh đạo nhóm mà họ thuộc về, được coi là đức hạnh đáng khen ngợi và bị đòi hỏi khi ai muốn gia nhập tổ chức nào đó.
Nhìn lại các nhóm có khuynh hướng tâm linh trong thế kỷ qua, ta thấy một số có tính chất này. Chúng có chỗ đứng của mình theo nghĩa nhiều người chưa thoát khỏi ảnh hưởng sùng tín của thời đại đang phai tàn, họ cảm thấy thoải mái trong bầu không khí đó và như vậy học được ít nhiều. Tuy nhiên theo với thời gian họ rồi cũng phải bước theo nhịp độ mới. Vị Thầy trong nhóm mới sẽ không đòi hỏi  có sự tuân phục
Lòng tuân phục được đòi hỏi là tuân phục đối với Thiên cơ mà không phải đối với vị Thầy, bất kể sách vở lối cũ có viết ra sao cũng mặc. Nó dựa trên việc ngày càng nhận biết Thiên cơ cho nhân loại, lớn mạnh trong tâm thức người nhờ tham thiền, phụng sự và tình thương đối với người khác. Đó cũng là tuân phục đối với Chân nhân, khi ảnh hưởng của cái sau ngày càng mạnh trong đời người đệ tử.
Vấn đề sẽ không có nếu tương quan giữa chân nhân và phàm nhân, đệ tử và Thầy được trọn vẹn và thiết lập vững vàng. Khi tương quan ngày càng chặt chẽ,  quan điểm của đôi bên sẽ không có dị biệt căn bản nào, mục tiêu của cả hai hòa lẫn hợp vào nhau, đích nhắm của đệ tử và Chân sư  thành đồng nhất.

– Năng lực mới.
Điều sau này hết sức quan trọng, chúng không được nói nhiều trong các sách vở khi trước nhưng nay ta không thể bỏ qua, mà phải tìm hiểu để làm cho mình được hữu dụng. Đoạn trên ta có ghi là có những Ashram đã thành lập mà cũng có Ashram nay mới chớm tượng hình. Một lý do là năng lực mới tuôn vào địa cầu trong thời đại mới, do đó cần thành lập một Ashram để sử dụng các năng lực này và khi ấy, một Ashram ra đời biểu lộ các tính chất của thời đại mới, làm việc với các năng lực mới.
Một phần các năng lực này là vũ trụ tuyến, ảnh hưởng thể chất, tình cảm và trí tuệ con người. Chúng có tác động là làm nâng cao chu kỳ rung động của trái đất về cả ba mặt trên, cho ra thay đổi trong tâm thức. Nó có nghĩa các thể của con người sẽ được cấu tạo bằng chất liệu có tần số cao hơn. Vì vậy, tự động là những linh hồn ở mức tiến hóa thấp không thể tái sinh, và trong hàng ngàn năm tới những linh hồn ở mức tiến hóa cao sẽ sinh ra.
Vào lúc này, việc chất liệu tình cảm có làn rung động nâng cao đang sinh ra nhiều rối loạn cho con người. Hệ quả đầu tiên là tội phạm và điều xấu gia tăng. Ta có thể nói là năng lực mới gây xáo trộn, bực dọc cho ai ở mức tình cảm thấp, khuấy động lòng ích kỷ tiềm ẩn, tham lam. Kết quả sơ khởi là vậy, còn kết quả lâu dài là củng cố những gì tốt đẹp, xây dựng, tiến hóa hơn về mặt tình cảm.
Ấy là nhìn tổng quát, cho công việc trước mắt thì có nhu cầu về giáo dục. Bởi trí tuệ phát triển nhiều, con người đòi hỏi có hiểu biết, thu thập dữ kiện và giáo dục hiện thời nhắm về mặt đó, nhưng ai bén nhậy hơn hiểu ra rằng từ dữ kiện người ta phải tiến sang bước kế là dạy nhân loại về giá trị, ý nghĩa và sự tương quan giữa các dữ kiện. Nói riêng về việc trình bầy Theosophia, đó là giá trị của kinh nghiệm, ý nghĩa cuộc sống và vị trí các phần trong Thiên cơ.

II. Ashram

1. Tổ Chức.
Tương ứng với bẩy cung có bẩy tính chất khác nhau, ta có bẩy Ashram chính, mỗi Ashram tiêu biểu cho tính chất của một cung, đứng đầu mỗi Ashram chính là một vị Chân sư có sáu lần chứng đạo, lấy thí dụ như đức K.H. trông coi Ashram cung hai. Kế đó, mỗi Ashram chính lại chia ra sáu Ashram phụ, mỗi Ashram phụ này do một vị đại đệ tử, có năm lần chứng đạo, thành lập; thí dụ đức D.K. là vị Chân sư một Ashram phụ thuộc Ashram chính cung hai.
Tất cả những Ashram này hòa hợp làm một nơi cõi tinh thần, và không một Ashram nào cao hơn Ashram khác. 49 Ashram này họp lại thành Thiên đoàn trên địa cầu này nhưng không phải tất cả đều đang hoạt động trọn vẹn; có Asharm đang được thành lập, Ashram khác còn ở trong thời kỳ phôi thai, chờ đợi một vị đạo đồ đến nhận phần việc sau khi được năm lần chứng đạo. Điểm khác cần lưu ý là công việc của Ashram không phải chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu của người, mà là nhu cầu của trọn địa cầu tức những loài khác ngoài con người, bởi Thiên đoàn chăm lo sự tiến hóa của mọi loài trong thiên nhiên.
Điểm chính yếu là các Ashram đều ngang hàng nhau, chúng không có tính tranh đua và tuy chúng có hoạt động khác nhau, sinh hoạt của mỗi Ashram là một phần của chương trình được soạn kỹ lưỡng. Ashram được thành lập để đảm nhiệm một phần việc trong công cuộc chung, vì thế khi vị Chân sư đứng đầu chọn người vào Ashram mà ngài phụ trách, tiêu chuẩn hay yếu tố quan trọng là ứng viên biểu lộ tính chất rõ rệt của một cung. Ngài tụ hợp người vào Ashram để thực hiện vai trò của Ashram, mà không phải để chỉ dạy riêng họ, hoặc chuẩn bị cho họ có chứng đạo. Đây là ý niệm bị hiểu lầm và dẫn giải sai lạc trong sách vở trước đây. Trên thực tế, mỗi cá nhân tự chuẩn bị cho mình được chứng đạo qua việc học hỏi, tham thiền và phụng sự.
Sang điều khác, một nhóm mà gồm toàn những ai thuộc về một cung, ở cùng mức tiến hóa thì tương đối vô dụng. Nhóm như thế thiếu động năng, điều có được và biểu lộ khi có nhiều tính chất khác biệt của một cung tụ hội và hợp lại. Vậy khi ta nói Ashram cung 1 hay cung 2 v.v., nó có nghĩa tuy thành viên trong Ashram có cung của linh hồn y nhau, họ lại thuộc về một trong 6 cung phụ của cung chính này, và người trong Ashram ở nhiều mức phát triển khác nhau. Sự tương tác giữa những yếu tố dị biệt làm cho Ashram được phong phú, và có khuynh hướng đưa tới thành công trong ba cõi, tựa như phải có hiệu số điện thế mạnh để có công suất mạnh.
Kế tiếp, Ashram không ở trong trạng thái tĩnh luôn luôn mà có sự quân bình linh động, thể hiện qua nhiều điều, thí dụ có thành phần nhân sự thay đổi, ứng viên khi mới được nhận vào có vị trí ở ngoại biên, dần dần khi họ phát triển và tiến xa người bạn sẽ tiến dần vào tâm Ashram; hoặc các đệ tử lớn sẽ rời Ashram đảm nhiệm vai trò nơi khác, và vị trí của họ được điền thế khiến có sự tái sắp xếp trong Ashram. Thí dụ khác là mỗi người sẽ tiến từ cung phụ này sang cung phụ kia của một cung chính; hoặc tiến từ cung phụ (4, 5, 6 và 7) sang một cung chính (1, 2 và 3).
Lại nữa, Ashram không phải chỉ gồm toàn những ai hiện đang có mặt tại cõi trần, sinh hoạt trong thể xác; nó còn có những thành viên đã bỏ xác nay làm việc trong các cõi thanh. Điều khác có thể nói phớt qua là vị Chân sư đứng đầu có khi kêu gọi vài Chân sư ngang hàng đến làm việc chung với ngài, kết cục là Ashram có mặt của nhiều vị Chân sư.
Nay một tính chất của thời đại xem ra gây khó khăn cho ai muốn sinh hoạt trong Ashram, và là vấn đề lớn cho Thiên đoàn, ấy là đặc tính lãnh đạo (leadership) được coi trọng trong xã hội, dường như ai cũng mong muốn hoặc được khuyến khích đóng vai trò lãnh đạo. Ý thức này đánh dấu một chặng trên đường tiến hóa, hiện nay có hàng triệu người đã hòa hợp được phần nào phàm ngã, tức  hòa hợp thân xác, tình cảm và trí tuệ; họ trở thành người theo nghĩa trọn vẹn, tuy chưa có tiếp xúc với linh hồn hoặc mong ước có tiếp xúc ấy.
Chuyện muốn nói những người nam và nữ này tương đối có tính chế ngự khung cảnh, môi trường của họ, có ý thức mạnh mẽ về cái tôi. Bởi chu kỳ ta đang bước vào nhấn mạnh đến sự hợp tác, nó còn trong giai đoạn sơ khởi tuy nhiên người như vậy từ chối - đôi khi không ý thức - không muốn thuộc về một nhóm nào. Họ chỉ luôn luôn muốn vai trò lãnh tụ. Tính này thấy nơi ai có ước vọng tinh thần cũng như ai trong sinh hoạt khác.

2. Liên Hệ Thầy Trò.
Người đệ tử mà vị Thầy có thể vững lòng tin cậy, là người mà trong giai đoạn có thay đổi vẫn duy trì điều gì tốt lành, căn bản trong khi tách rời với quá khứ, cùng thêm vào đó việc làm cần thiết cho lúc này. Thái độ biết thích nghi về mặt tinh thần là điều đúng, cần thiết và rất hiếm thấy. Đa số những gì gây ra tranh luận, tranh chấp trong nhóm đệ tử có liên quan đến phương pháp và điều tương đối không thiết yếu, chúng thuộc về mặt tổ chức và không quan trọng cho bằng có hợp nhất về viễn ảnh, và khả năng nhường nhịn khi không có gì sai và khi người bạn không nhận ra vấn đề.
Người phụng sự cần biết  là họ ngăn trở công chuyện khi nhấn mạnh cái tôi của họ, áp đặt ý mình lên người khác hoặc bất cứ hình thức thống trị nào dựa trên phương thức cũ. Ai tin chắc rằng họ luôn luôn đúng, và ai tin tưởng rằng cách họ diễn giải điều gì cần thì đúng đắn không sai chạy, và người khác phải thuận hợp tác với cách làm việc của họ, có thể gây cản trở lớn lao cho công cuộc. Chuyện của người đệ tử thời nay là cảm biết nhu cầu và rồi giải quyết nó.
Anh dần dần và vững vàng tiến từ ngoại biên (là người sơ cơ mới nhập môn) vào trong tâm của Ashram, và đệ tử thực thụ hiển nhiên là một phần của Thiên đoàn. Thiên đoàn là nơi hòa đồng mọi linh hồn ở những cảnh cao thuộc cõi trí. Khi con người đi từ giai đoạn nhận được ấn tượng từ chân nhân, rồi chịu sự kiểm soát của nó và cuối cùng hợp nhất với chân nhân, họ cũng tiến dần vào tâm hòa đồng ấy. Nói cách khác là khi tình thương nhân loại gia tăng trong lòng và sự quan tâm về cái tôi giảm bớt, ta tiến vào tâm của ánh sáng và tình thương, nơi mà vị Chân sư trụ trong thực tại tinh thần.
Ai sơ cơ thường có đầy câu hỏi về đủ mọi đề tài, nhưng người đệ tử nhiều kinh nghiệm sẽ bận tâm với Thiên cơ, tràn đầy tình thương cho người khác nên trọn định hướng của họ là về việc phụng sự Thiên cơ, mà không hướng về sự tiến bộ cá nhân hoặc về đức Thầy. Anh càng đến gần tâm và hướng về vị Thầy, Chân sư càng ít chú ý đến anh cũng như anh ít nghĩ đến Chân sư.
Trong giai đoạn đầu, có thể họ tự nhiên nghĩ nhiều về sự liên hệ của mình với Thiên đoàn, Chân sư và linh hồn mình. Ở giai đoạn giữa họ chú ý sao cho thấy đúng tầm mức, và có thích nghi bên trong với việc phụng sự nơi cõi trần mà sống trong vĩnh cửu. Sang giai đoạn cuối khi họ vừa là đệ tử vừa là Chân sư (các Chân sư đều là đệ tử đức Di Lặc hay đức Chúa), tâm thức của ngài hòa tan vào ý chí của Thượng đế, thái độ của ngài là tình thương không thay đổi và việc làm là đáp ứng nhu cầu cần kíp của nhân loại, như là một phần của Thiên cơ.

Như thế, phần việc của các Chân sư là đưa vào thế giới tư tưởng và thiên ý đã định, biểu lộ phần Thiên cơ lúc này cho nhân loại, và ngài đi tìm những tâm hồn nhậy cảm với Thiên cơ. Trên hết thẩy ngài không đi tìm những ai được gọi là tốt lành. Lòng quên mình và từ tâm luôn hàm ý không gây hại và do đó là tính thiện tốt nhất. Ngài tìm những ai có thể đáp ứng đồng lòng với phần Thiên cơ mà ngài phụ trách, và ai có thể được chỉ dạy để làm tuân phục cái ngã theo đòi hỏi của công việc. Những người này không có mục đích ích kỷ, và không muốn gì khác ngoài việc trợ giúp Chân sư và các đại đệ tử làm việc dưới sự giám thị của Ngài cho một phần của Thiên cơ. Nó có nghĩa người đệ tử phải biết thích nghi, nhìn nhận các chân giá trị, có tinh thần cởi mở, và làm việc không vị kỷ cho nhân loại.
Nhóm của Chân sư không phải là nơi đệ tử được dạy cách thích nghi phàm ngã với công việc và tiếp xúc với linh hồn. Nó không phải là chỗ áp đặt kỷ luật, đức hạnh, và có tương tác đúng đắn giữa đệ tử các cấp với nhau, bởi những luật về việc chân nhân làm chủ phàm nhân đã có từ xa xưa và được phổ biến ai cũng biết. Người ta phải tập các luật này trong thời gian dài mới đạt tới cấp đệ tử thực thụ. Sự tranh đấu với bản tính thấp và việc lập hạnh, tạo khả năng cần thiết cho ai phụng sự con người là mục tiêu của cuộc đời, và do vậy ai thông minh không ngừng tập cho mình các điều ấy.
Kế tiếp, khả năng hợp tác với người khác cho cùng một công cuộc là một phần của đường tiến hóa và không tránh được. Chuyện được nhấn mạnh rõ ràng là việc trau luyện thân tâm, nuôi dưỡng cách suy nghĩ đúng đắn là phần lớn công việc của người chí nguyện, mà không phải là phần lớn công việc của người đệ tử. Chúng được xem là điều căn bản, tự nhiên phải có, liên can đến sự làm chủ cái ngã, và là công việc của mỗi linh hồn riêng rẽ, được thực hiện dưới sự trông coi của linh hồn mà không phải dưới sự trông coi của một vị Chân sư.
Nay hãy thử xem qua công việc của vị Chân sư. Mỗi Vị lập Ashram riêng để làm phần việc của ngài trong Thiên đoàn, ngài chọn cộng tác viên là các đệ tử.  Việc chọn lựa này được thực hiện cẩn thận về phần Chân sư; sách vở ghi ngài theo dõi người có tiềm năng qua nhiều kiếp rồi mới có quyết định thâu nhận, và một khi được nhận thì việc tiếp tục hoạt động trong Ashram hay rút lui là chọn lựa của người đệ tử mà không phải là của ngài.
Như vậy, ta thấy vị Chân sư có thể được trợ lực mạnh mẽ, hay bị cản trở lớn lao trong công việc của ngài cho nhân loại, tùy thuộc vào sự chọn lựa người công tác. Đây là ý đáng được suy gẫm kỹ, nó sẽ giúp người chí nguyện mau lẹ quên cái tôi của mình, gia tăng việc phụng sự và nỗ lực tạo cho mình  có thêm khả năng. Nói khác đi, nhấn mạnh ở đây là sự đóng góp của người đệ tử vào Ashram. Từ trước đến nay, sách vở nhiều phần nói tới liên hệ Chân sư và đệ tử như là đặc ân về phần người sau, 'được nhận vào Ashram', 'được chứng đạo'  mà ít nói tới sự đóng góp của họ.
Sự việc còn cần được nhìn theo khía cạnh khác. Mọi công cuộc thực hiện dưới trần có khởi nguyên từ những cõi cao, theo cách đó tư tưởng của Chân sư về phần việc đảm trách được tạo ra ở cõi trí, và thành viên của Ashram tức các đệ tử đóng góp cho sức mạnh của Ashram theo những cách sau:
– Giữ cho tư tưởng thanh khiết, bằng cách có tình thương không chia rẽ, vô giới hạn, viễn kiến trong sáng.
– Làm cho tư tưởng mạnh mẽ, do hiểu biết đúng đắn về chuyện tinh thần.
Nhìn rộng ra, Thiên đoàn là Ashram của các Chân sư và trước khi Thiên đoàn có thể làm việc công khai và được thế giới nhận biết, lòng thù ghét, óc chia rẽ phải bị loại trừ và thay bằng thiện tâm, thiện chí do hoạt động của tất cả các đệ tử

 

Theo:
Discipleship in the New Age  A.A. Bailey