HỘI CHỨNG JERUSALEM
Trong bài E.S. (Esoteric School - Trường Bí Giáo) trên PST 61 ta có ghi phớt qua về lời thệ nguyện (Pledge). Nói rõ hơn thì khi một ai muốn gia nhập ES, họ được yêu cầu ký chấp thuận lời thệ nguyện gồm bẩy câu trong nguyên bản năm 1888, với hai câu đầu được trích dịch làm mẫu. Tác động của lời hứa này có tính nghiêm trọng mà ít ai ngờ hoặc xem nó đúng tầm mức, thế nên để nhấn mạnh đến sự quan trọng và ý nghĩa của nó, HPB viết bài lưu ý hội viên năm 1888; bản dịch được đăng trên PST số 58 (Lời Khuyến Cáo) nhằm giúp bạn đọc có đầy đủ tài liệu lịch sử về Hội. Sự việc xẩy ra không sai chạy như HPB tiên đoán nên trong việc học tập TTH, người ta có chữ gọi hiện tượng là cơn sốt do lời thệ nguyện (Pledge Fever). Hôm nay bài sẽ bàn về sự việc ấy, và để tiện theo dõi phần dưới đây, xin bạn xem lại PST 58.
Tóm tắt thì có một luật lạ lùng trong huyền bí học đã được chứng thực qua hàng ngàn năm kinh nghiệm. Ấy là mọi điều tiềm ẩn trong bản chất của ai có lời khấn nguyện sẽ được khơi lên mặt, lộ rõ ra ngoài cho mọi người thấy, và tánh xấu phải được loại trừ. Ai càng khấn hứa thành khẩn và có nhiệt tâm chừng nào, tác động của luật càng rõ ràng chừng đó, và người ta càng cảm nhận sâu xa tầm quan trọng cùng thực tại của lời khấn ấy.
Có nhiều giải thích về cách làm việc của luật. Khi đó, giải thích cho rằng thử thách xẩy đến với ứng viên muốn đi theo con đường tinh thần, dưới hình thức tật xấu cũng như đức hạnh được lộ rõ, là để xem anh quyết tâm đến bực nào trong việc trau luyện thân tâm. Ấy là một cách nhận xét, về sau vài giải thích khác được đưa ra thêm cho hiểu biết đầy đủ hơn, dựa trên năng lực tinh thần và mức rung động.
Theo ông W. Judge ảnh hưởng này được gọi là cơn sốt của lời khấn hứa, vì nó có ảnh hưởng như sức nóng trong nhà kính trồng cây, làm cho mọi hạt giống cả tốt lẫn xấu, đột nhiên nẩy mầm lộ diện cho ai khấn nguyện thấy. Trong đó có những tâm tính mà ta không ý thức vì nó chìm sâu, chờ đợi một kiếp khác trong môi trường khác nhiều năm về sau mới lộ ra, trong thân xác mới. Bao lâu mà người ta chưa thắng cuộc trong việc loại trừ chúng thì cơn sốt vẫn còn tiếp tục; tuy nhiên mỗi người là một trường hợp khác nhau nên có thể có người không cảm nhận cơn sốt này. Ấy là do bản chất họ đáp ứng chậm, nhưng trước sau họ sẽ cảm biết việc đó.
Có vẻ như có hai lý do lớn về tại sao lời khấn nguyện lại tác động cho ứng viên khi gia nhập ES, đầu tiên là Karma phải được hóa giải mau lẹ hơn, và kế đó, khuyết điểm và đức tính cùng được làm lộ.
1- Mỗi người đều có karma là một khối lớn chưa giải quyết, từ từ theo diễn trình tự nhiên và chậm chạp, họ được sinh ra với cơ thể và môi trường thích hợp để hóa giải một phần. Tuy nhiên khi khấn nguyện thì sự việc có ảnh hưởng như mở cửa cho karma tuôn tràn, trở nên mạnh hơn. Sức mạnh tùy thuộc rất nhiều vào sự chân thành nhiều hay ít trong tâm ứng viên muốn có được chân lý. Về điểm này HPB ghi:
Vừa khi ai bước vào con đường dẫn tới Ashram của Chân Sư, karma của họ thay vì được phân phối cho suốt đời, nay ụp xuống họ như là một khối và đè bẹp họ với trọng lượng của trọn khối. Ai tin vào điều họ thệ nguyện và vào Chân Sư, sẽ chịu đựng được và đắc thắng. Ai nghi ngờ, có sự nhát nhúa e ngại nhận lãnh phần số công bình của họ và tìm cách tránh lẽ công bằng, sẽ thất bại. (Collected Writing VII, p. 247.)
Lý do giản dị là nếu bạn không thể đối đầu với chính nhân quả của mình, làm sao bạn mong có thể sát cánh với những ai chủ ý và mở to mắt giúp ngăn ngừa karma của thế giới ?
2- Việc làm hiển hiện khuyết điểm và đức tính của ứng viên giúp ích cho họ và cho mọi ai khác, theo nghĩa điều tốt lành trong người họ phải được gia tăng, và điều xấu được tuyệt trừ tận gốc rễ. Lời khấn nguyện tác động như nhiệt nung chẩy kim loại trong lò luyện kim, đưa mọi chất cặn bã lên mặt, và ứng viên có bổn phận loại bỏ chúng, chỉ giữ lại vàng ròng.
Người ta tốt hơn nên vấp ngã bây giờ ở những bước đầu tiên, còn hơn tiến lên cao, phát triển uy lực và khi đó té ngã thì sẽ rớt xuống sâu hơn và không chừng lôi theo cùng với họ nhiều người khác. Với ai quyết tâm thì lời khuyên đưa ra là không nên rụt rè mà nên tìm hiểu sự việc, và học cách đối phó với phản ứng để tinh luyện cùng thanh lọc các thể.
Ta cũng đừng quên rằng việc khấn nguyện mang lại những lực hỗ trợ cũng như lực ngăn trở. Có sức mạnh mới từ cõi cao đáp lại cho mỗi gắng công mới, có sự khuyến khích đến với mỗi bước tiến lên, trong vòng cho phép của Luật trời và từ các Chân Sư, vì cho dù ta không nhận biết, ES là một Ashram với một vị Chân Sư đứng đầu, do vậy ta nằm trong vòng hào quang che chở của Ngài và được nó nâng đỡ.
Giải thích khác nữa cho rằng có hai lý do cho sự kích thích, một là lời thệ nguyện và hai là sự tiếp xúc với HPB. Vào lúc thành lập năm 1888, ES có thể được xem như là một Ashram – đạo viện – mà HPB là đại đệ tử. Khi ai đến tiếp xúc với Hội thì trước tiên họ tiếp xúc với vị đại đệ tử và phần ngoài bìa của hào quang Ashram; khi trở thành học viên ES sự tiếp xúc này trở nên thường xuyên hơn và kết quả là học viên ở trong hào quang Ashram nhiều hơn, được kích thích mạnh mẽ hơn.
Tác động không bị giới hạn mấy về không gian, do đó người ở tại Hoa Kỳ hay nơi khác cách xa HPB đều chịu ảnh hưởng. Ít ai nhìn ra điều ấy nhưng đó là thực tại hiển nhiên, và bởi không nhận biết sự việc và hiểu chuyện, người ta bị hoang mang khi có việc xẩy ra.
Nói chung cho mọi Ashram, đại đệ tử do trình độ của họ có làn rung động cao, ai gặp gỡ họ tự nhiên là sẽ được khích động về mọi mặt, cảm thấy phấn chấn hơn và nói bóng bẩy là sinh ra cơn sốt. Thêm vào đó hào quang của Ashram có tính chất của vị Chân Sư đứng đầu, rung động ở mức cao do đó cũng làm học viên hăng hái như bừng sức sống. Kết quả thay đổi nơi từng người, tùy theo tính chất riêng; có người phản ứng thiên về ước nguyện, người khác có tính trí não.
Lại nữa, có sự kích thích không hẳn hoàn toàn là do tiếp xúc với làn rung động cao, mà có khi còn do tiếp xúc với viễn ảnh lớn hơn. Vị đại đệ tử và Chân Sư tự nhiên là có tầm nhìn rộng rãi, sâu xa về sự việc so với các học viên. Những người này tùy theo khả năng sẽ chia sẻ ít nhiều tầm nhìn ấy, cảm nhận những điều mới lạ làm họ sôi động nồng nhiệt hơn so với khi sống đời bình thường, chưa muốn tiến bước mau lẹ.
Khi ai mới gia nhập một Ashram, năng lực tuôn vào họ quá mạnh, cái trí bị khích thích có hoạt động mạnh mẽ nên tạm thời nó mất bị xáo trộn mất kiểm soát. Người ta được thấy hoặc quá nhiều việc, cảm nhận bao điều hoặc chia sẻ viễn ảnh rộng lớn, những điều khả hữu, kế hoạch, phương thức làm việc, ý niệm tuôn tràn ào ạt không bị ngăn trở vào tâm thức học viên. Tiếp theo đó là giai đoạn mất thăng bằng nghiêm trọng, tư tưởng đảo lộn vì chưa kịp tiêu hóa điều thu nhận. Trong lúc ấy học viên không đóng góp được gì mấy cho cho công việc của Ashram, và tình trạng xáo trộn này phải chấm dứt trước khi học viên phụng sự có hiệu quả.
Ashram nào có hòa hợp chặt chẽ giữa các thành viên thì sự đồng tâm hiệp lực này có sức mạnh và làn rung động nó, và có sức bảo vệ đối với học viên bị ảnh hưởng như trên. Một phản ứng khác có thể có tùy theo bản chất mỗi người là học viên có thể rút lui một thời gian, chờ cho tâm trí tĩnh lặng xuống, lấy lại kiểm soát và rồi nhập vào Ashram trở lại.
Sự khích động làm cho mọi nét trong bản tính của họ được tăng cường nhiều hơn, và trí tuệ càng phát triển chừng nào thì họ càng ý thức hơn về sự hiển hiện này. Phản ứng như sầu não, tự chê trách mình và thường xuyên nghi ngờ có thể xẩy ra, làm giới hạn mức hữu dụng của học viên.
Một cách nói khác là khi một ai có lòng quyết chí phụng sự và muốn tiến vào đường đạo, tức không có yếu tố Ashram và không tiếp xúc với ai có làn rung động cao hơn họ, năng lực của phàm ngã và chân ngã được tái phối trí chung với nhau, sinh ra một số khó khăn. Nó thường khi dẫn đến sự lo nghĩ về phàm ngã, như chú tâm về mục tiêu, khuyết điểm của mình, sự thiếu sót khả năng của các thể v.v. Quan tâm quá đáng như vậy có thể khiến họ thấy không đủ sức và không muốn tiến hành làm việc.
Năng lực của vị Chân Sư tuôn tràn vào Ashram sẽ khích động ai cảm ứng, họ ý thức mọi điều trong bản thân, và tuy đó là cơ hội tốt đẹp và tuyệt diệu, họ cũng phải đối đầu với nhiều chuyện phải giải quyết hơn bình thường, do ý thức ở trên mang lại. Vậy có gì đáng ngạc nhiên nếu ai đó bị choáng ngợp và mất thăng bằng, hành xử khác lạ ? Họ có thể bị suy sụp do khám phá về con người thật của mình và bỏ lỡ cơ hội tinh lọc phàm ngã, hoặc có thể khắc phục cái tôi và có thêm sức mạnh. Nói giản dị thì tất cả chỉ là phản ứng đối với làn rung động.
Khi bước chân vào khuôn viên của Hội và dù không là học viên ES, ai cũng bước vào bầu không khí thánh thiện có tính kích thích, không khác chi nơi tôn nghiêm như chùa, nhà thờ. Ngày nay, chẳng những ta thấy các trường hợp bị 'sốt' tại đạo viện của Hội ở Hoa Kỳ, Úc v.v. qua hành vi lạ lùng của vài người tới viếng hoặc cư ngụ ở đó, mà đạo viện của những tổ chức tinh thần khác cũng gặp vấn đề tương tự. Trong trường hợp nặng, có người phải rời bỏ đạo viện, nói rằng không thể chịu được bầu không khí tại đây.
Trong khung cảnh ngoài đời, tức nơi không phải Ashram chuyên biệt về đường đạo, người ta cũng có hiện tượng này và gọi đó là Hội chứng Jerusalem (Jerusalem syndrome). Quan sát thấy là một số người khi đến viếng thánh địa Jerusalem, du khách hoặc là người hành hương đầy lòng sùng mộ, có thay đổi tâm tính và hành vi trong thời gian ở đây, và thay đổi này có thể tiếp tục sau khi trở về nước.
Khi bị cơn sốt, họ tưởng mình là một nhân vật trong kinh thánh và hành xử theo cung cách đó, người nam đồng hóa với nhân vật nam và người nữ đồng hóa với nhân vật nữ. Thí dụ, họ cho rằng mình là đức Jesus hoặc đức Mẹ, hoặc ngay cả Samson, rồi đi thuyết giảng, ban phép lành hoặc tìm cách dời bức tường phía tây Jerusalem như trường hợp 'Samson'.
Đa số những người này (80%) có bệnh tâm thần từ trước, một số lớn là người Do Thái, kế đó là người Thiên Chúa giáo với 97% là người Tin Lành, và cũng có người Hồi giáo nhưng rất ít. Người Do Thái thường đồng hóa với nhân vật trong Cựu Ước và người Thiên Chúa giáo với nhân vật trong Tân Ước. Nhóm nhỏ nhất trong số người mắc hội chứng này gồm những ai bình thường trước khi đến thăm nơi đây, tức không có sẵn bệnh tâm thần, không dùng ma túy.
Triệu chứng thấy y hệt nhau nơi người bình thường mà mắc bệnh, và nói chung họ hồi phục mau lẹ, năm hay bẩy ngày hay vài tuần sau, có chút bẽn lẽn không hiểu tại sao mình lại xử sự lạ lùng. Nhóm này được xem là có hội chứng Jerusalem đúng nghĩa.
Hội chứng cũng xẩy ra tại những nơi khác mang nặng tính chất tôn giáo là Mecca và Rome, còn chuyện tương tự thấy ở nơi đậm tính văn hóa và lịch sử như Florence, Paris thì có tên hội chứng Stendhal. Có vẻ như sự việc đã được quan sát thấy từ thời trung cổ, còn vào lúc này hiện tượng đuợc nhận biết rộng rãi đến mức gần đây ta có phim The Jerusalem Syndrome, tả lại một trường hợp như vậy.
Các hướng dẫn viên tại Jerusalem nay quen thuộc với triệu chứng của bệnh, khi thấy ai trong toán du lịch chớm ló dấu hiệu thì họ có phản ứng ngay, đưa du khách đến bệnh viện tâm thần để được chữa trị sớm. Nếu không vậy, du khách có thể trở nặng hơn và lộ thêm triệu chứng thuộc các giai đoạn sau của bệnh, như lấy khăn trải giường trong khách sạn quấn cho giống y phục thời xưa, luôn luôn là khăn mầu trắng, rồi đứng ở góc đường lớn tiếng đọc kinh thánh hoặc hát thánh ca vang vang.
Khi khác họ có thể choàng mảnh lông thú cho giống nhân vật John Baptist. Có lần khu Palestine tìm thấy một người không y phục, tiền bạc hay căn cước. Sau khi xét hỏi, họ suy ra người này không có gì nguy hiểm về mặt an ninh, nhưng nhân viên Palestine không biết phải xử sự ra sao bèn nói chuyện với khu Do Thái. Nhân viên Do Thái chỉ hỏi một câu:
- Ông ta thực sự khỏa thân à ?
Người Palestine đáp.
- Không, ông có choàng mảnh da thú.
Phe Do Thái nói ngay.
- Ồ, vậy là anh có thêm một ông thánh John Baptist nữa rồi, đó là ông thứ sáu năm nay !
Đôi khi bác sĩ cho giữ chung trong một phòng tất cả những ai nói rằng họ là đấng cứu thế. Sau một tiếng đồng hồ, khi được thả ra ai cũng bảo mình mới là đấng cứu thế thật, còn những ai khác chỉ là kẻ mạo danh.
Không ai biết chính xác điều gì sinh ra hội chứng Jerusalem, tuy nhiên dựa vào hiểu biết mà TTH đưa ra, ta có thể giải thích đôi điều. Những nơi thánh địa có bầu không khí đầy tính cách lịch sử, tôn giáo; thêm vào đó bao người viếng thăm nơi đây với ít nhiều mong ước, kỳ vọng. Nó có nghĩa du khách ở sẵn trong trạng thái nhậy cảm khi tới đây, và khi bước vào bầu tư tưởng mạnh mẽ ở thánh địa họ dễ bị kích thích hơn, tâm trí bị mất thăng bằng nhiều hay ít cho ra bệnh nặng hay nhẹ.
Như thế, cơn sốt do lời thệ nguyện chỉ là sự việc có cùng nguyên nhân mà ở mức cao, với yếu tố phức tạp hơn.
Tham khảo:
- Echoes of the Orient, vol. III, William Q. Judge.
- Discipleship in the New Age, vol I, II, Alice A. Bailey.