VÒNG TÁI SINH
CHƯƠNG 7
ANH
Ký ức mà Thầy nhắc đến là một chuỗi giấc mơ tôi có hồi nhỏ, trong đó tôi luôn luôn thấy mình là đàn ông mặc y phục của thế kỷ mười tám. Nhiều chuyện nữa cũng trở về, nhưng điều làm tôi kỳ thú nhất là kinh nghiệm ấy cũng như tình cảm không thể nào phát sinh từ tiềm thức của một đứa trẻ, vì chúng rõ ràng là của người đàn ông chín chắn. Nhưng chúng ảnh hưởng cả những phút tôi tỉnh thức, vì hồi đó tôi tự tạo một đời sống riêng bí mật cho mình, đầy những nhân vật lịch sử huyền hoặc.
Có lần nói chuyện với người có thông nhãn (clairvoyance) về một nhân vật lịch sử, ông nói tôi thay đổi nét mặt, biến thành giống gương mặt nhân vật ấy. Một người có thông nhãn khác thấy trong lúc tôi soạn cuốn sách này, một người đàn ông mặc y phục vào thời vua George đệ nhị (1727-1760), nghiêng người qua lưng ghế tôi; nhân vật nói rằng họ là bạn tôi trong kiếp trước.
Vì vậy, tôi không ngạc nhiên khi Thầy xác nhận rằng tôi đã sống ở Anh vào lúc đó.
Tôi hỏi ngài làm sao tôi thấy mình vẫn còn thân cận với nhân vật ở thế kỷ mười tám này, và điều đó có nên không ?
Ngài giải thích việc ấy có một phần vì kiếp đó tương đối gần, và tôi hiện giờ đang ráng trang trải càng nhiều càng tốt những quả nặng nề mắc phải khi ấy; và một phần cũng vì thể tình cảm liệng bỏ sau kiếp đó chưa tan rã, còn trôi vẩn vơ ở cõi tình cảm; đôi khi tôi dùng nó lúc ngủ để làm chuyện có liên hệ với thể. Cùng lúc ngài cho nhiều chi tiết thú vị về những vỏ ấy; bảo rằng chúng có thể tồn tại một thời gian dài ở những cõi thấp, có thể được linh hoạt trở lại và dùng trở lại khi cần, nếu chủ của chúng được chỉ dạy về thuật huyền bí. Chuyện không may là không phải chỉ sở hữu chủ cũ mới dùng được các vỏ; thành ra đồng cốt và người có thông nhãn mà không được huấn luyện đúng cách dễ lầm lẫn ai sử dụng các vỏ ấy là sở hữu chủ thật.
Bởi vì đôi khi dùng cái vỏ thế kỷ mười tám này, tôi dễ dàng tiếp xúc với những ký ức trong lúc tỉnh. Thành ra tôi không thấy khó khăn mấy việc chắp nối những tình tiết chính trong đời của người mà tôi gọi là Charles. Cuộc đời ấy rất giống người bình thường ở bất cứ thời đại nào, có vui, buồn, đau khổ thường tình. Trong kiếp đó tôi làm rất nhiều lỗi lầm như những kiếp trước nhưng thái độ của tôi với nó, nhuộm mầu bởi kinh nghiệm mà tôi bắt đầu học để thấu đáo, biến đổi hẳn.
Để bắt đầu, tôi lại thành hôn thiếu suy nghĩ, bị lôi cuốn vì tính lãng mạn, có xen lòng kiêu hãnh và đam mê mà tôi tưởng lầm là tình yêu. Cô gái Elizabeth xinh đẹp, đáng thương có cảnh nhà thật buồn; chúng tôi đi trốn và thành hôn ở Gretna, nhưng ba cô rủa thậm tệ; lão cuồng tín, bất bình thường, không hề tha thứ con gái việc đã lấy tôi, coi tôi là thằng phóng túng, vô thần, đáng rơi vào hỏa ngục lửa cháy mãi mãi.
Lúc đó tôi không giống vậy. Hẳn do việc rộng rãi ở kiếp trước và sử dụng của cải mình một cách khôn ngoan, tôi thừa hưởng một sản nghiệp đáng kể, cho phép tôi sống an nhàn thời bấy giờ. Tôi không có gì đặc biệt, và nếu định mạng không làm xáo trộn hẳn tôi không hề thay đổi nếp sống của cha ông. Chân ngã muốn đem vào đời Charles ánh sáng, và điều này chỉ mang lại nhờ vào đau khổ.
Cơn phũ phàng thứ nhất là việc con trai tôi chết, đứa con tôi yêu quý hết lòng; chuyện thứ hai là việc vợ tôi ngoại tình. Chuyện nào cũng đóng một vai trò quan trọng giúp tôi giải thoát, đạt mục tiêu đã vạch khi tôi sinh. Trong những kiếp trước các đòn định mạng nặng nề nhất chỉ làm tôi phản kháng mạnh mẽ hơn, cay đắng hơn, hay làm tôi trốn chạy; lần này mọi biến cố có ảnh hưởng sinh tử trong sự phát triển của tôi.
Tôi không thể tin được là vợ đã bỏ mình, chạy trốn với kẻ xa lạ tôi không biết tên. Nàng, cô gái ngoan hiền, dễ yêu tôi đã cứu khỏi cảnh đời khổ cực, đầy hèn hạ, dữ dằn, người tôi đã cho mang tên họ mình và hưởng mọi sung sướng vật chất, được tôi yêu. Tôi yêu nàng, tôi nhắc lại với mình một cách mạnh mẽ. Tôi đã nói thầm với mình trăm lần rằng tôi yêu nàng như chưa bao giờ yêu ai, và do đó bị tổn thương trầm trọng; làm sao nàng có thể coi tình yêu như rác rưởi, biến tôi thành trò cười cho thiên hạ ?
Buồn rầu, tôi đi thăm mộ con. Nằm dưới nấm đất là thân xác của kẻ mà tôi yêu quí nhất trên đời, không gì tả được. Năm năm qua mà sự mất mát vẫn còn nhức nhối, đau đớn như ngày nó mới chết. Tôi thương con điên dại; từ lúc mới sinh ôm nó trong tay, tôi nghĩ sau cùng ước nguyện đời mình đã đạt. Tôi không chịu xa con, ganh cả với vú em và mẹ nó. Tôi bỏ hết bạn bè, thú chơi hằng ngày, chui về trại ở miền quê và dành thì giờ chơi với con, hay hoạch định tương lai rực rỡ của thằng bé. Tất cả những ước mơ, hy vọng, tham muốn được dồn vào đứa con, qua nó tôi thấy như mình sống lại lần nữa. Tôi cũng quen bỏ lơ Elizabeth trong cơn si mê này, mà oái ăm thay, Elizabeth là nguyên do gián tiếp mang lại cái chết đứa con.
Ba nàng còn giận. Từ ngày lấy tôi ông cấm không cho nàng về nhà, và đôi khi ăn nói càn dỡ, hăm dọa lung tung khiến tôi mất kiên nhẫn, ra lệnh không cho ông vào trại.
Ngày hôm ấy là sinh nhật sáu tuổi của thằng bé, trong lúc Elizabeth cỡi ngựa và nó đi ngựa riêng bên cạnh, Nathaniel - ba nàng - nhẩy xổ ra khỏi bụi cây trước mặt, vung vẩy tay chân để dọa con ông lần nữa về hỏa ngục đời đời. Con ngựa con hốt hoảng trước cảnh ấy, lồng lộn hất đứa nhỏ gẫy cổ.
Đời tôi như chết luôn với con. Ban đầu tôi muốn tự sát, nhưng một phần thương vợ, một phần vì trong lòng có sự ghê tởm chuyện tự sát mà tôi không cắt nghĩa được, tôi không thực hiện ý định. Thay vào đó tôi hóa lãnh đạm, tìm quên lãng bằng cách vùi đầu vào gái, cờ bạc, rượu chè. Không quên được thì tôi làm anh hùng, đùa với biển, sóng và bão hay tuyết giá, mà luôn luôn không hề hấn gì và hình ảnh đứa trẻ xinh đẹp, nhỏ nhắn, có đôi mắt nhiệt thành mầu nâu vui tươi, trí óc lanh lẹ càng dằn vặt tôi thêm.
Về đến trại, tôi nghe nói Adela - mẹ Elizabeth - lại lên cơn điên. Bà ở ngoài trại nửa cây số, bởi thói ăn nết ở mất vệ sinh lại nghiện rượu, tôi không cho bà ở chung.
Tội nghiệp cho Adela, sao mà khổ vậy ! Bà ngày xưa xinh đẹp, con nhà giầu được bao người ngắm nghé trước khi Nathaniel gặp bà. Giờ chẳng còn gì, sắc đẹp, tiếng tăm và trí não. Không ai hiểu được tại sao bà chọn Nathaniel, nhưng bà bỏ tất cả để theo hắn, đi lẽo đẽo đằng sau khi hắn vào hết làng này rồi làng kia, hò hét mọi người ăn năn để tránh cơn thịnh nộ của Chúa Trời.
Tôi không biết vì sao bà nghiện rượu, chỉ biết càng lúc càng tệ thêm. Cuối cùng Nathaniel vứt bà khỏi đời hắn, trong nhiều năm bà đi lang thang trong vùng, làm đĩ, ăn cắp, nói dối, làm bất cứ chuyện gì tệ hại để có tiền uống rượu. Nửa sống nửa chết, bà đến trang trại và tôi cưu mang bà. Luôn luôn có một mối thiện cảm giữa bà và tôi, và giờ đây, đứng giữa căn phòng hôi hám sặc mùi rượu, chúng tôi nói không cần lời.
– Ông biết chữ, bà lầu bầu, chính ông đã khiến nó bỏ trốn, đừng cãi.
Tôi thở mạnh,
– Bà có điên không ? Tôi à ? Bà biết hết mà không bảo tôi tiếng nào.
– Ông nói đúng, bà lè nhè, tôi giúp nó, vì tôi muốn nó sung sướng. Ông làm cho nó sợ. Ông không biết là Elizabeth không có đam mê như ông ư ? Lỗi ông hết cả. Ông và tôi giống nhau, nhưng nó khác.
– Elizabeth phải quay về, giọng tôi lạnh như băng.
– Rồi sau đó ? Adela hỏi, ông sẽ làm gì, Charles ? Ông không cưỡng bách nó về chứ, ông không hại Basil chứ ?
– Tôi sẽ dạy thằng khốn Basil một bài học. Tôi đã thu xếp đầy đủ cả. Tôi trả lời.
Bà níu chặt tay áo tôi.
– Ông không giết hắn chứ, Charles ?
– Tại sao không ? Không phải là hắn đã làm nhục tôi trước mặt mọi người sao ?
– Ông phải để bọn chúng đi. Ông không biết đã làm hại con nhỏ như thế nào. Ông không hiểu, nhưng phải hiểu, phải học. Đừng nhìn tôi với cặp mắt lạnh lùng như đá ấy. Ồ, thằng đàn ông nào cũng giống nhau, cứng lòng, chỉ nghĩ tới nỗi vui sướng riêng của hắn. Ông sẽ làm cho con nhỏ y như lão Nathaniel đã làm cho tôi, nhưng nó yếu hơn tôi, và ông sẽ giết nó, giết linh hồn nó. Danh dự của ông ? Ha, ha, giả dối, cả lũ giả dối, đặt tên thật kêu cho ham muốn, lòng kiêu hãnh của mình, còn với đàn bà ...
Tôi bực bội đi ra cánh đồng. Elizabeth, Adela, Nathaniel, cả ba kẻ đã cướp mất sự bình an của tôi. Cầu cho sét đánh chúng hết thẩy ! Tôi nghĩ cách tống khứ bọn họ. Thẩy Adela ra đường mặc cho mụ chết bờ chết bụi, Elizabeth biết đâu sẽ theo mụ. Còn Nathaniel, nếu gặp lại tôi thề - như đã thề trước xác con tôi -, là bắt hắn trả gấp trăm lần sự đau đớn hắn đã gây cho tôi. Còn với Basil ?
– Giết hắn ư, tôi kêu to, ta sẽ làm còn hơn là giết, ta sẽ khiến hắn mang thương tích cả đời, hành hạ hắn ! Ta sẽ dạy cho hắn cướp vợ người thì lãnh hậu quả gì !
Ngày kế, có người mang tin là Basil nhận lời đấu, cuộc gặp mặt đã được xếp đặt và hắn chọn đấu súng. Tôi mừng vì không thích đấu gươm. Những ngày kế tôi để thì giờ đi coi sóc nông trại với đàn chó, sắp xếp việc nhà đâu vào đấy. Rồi một tối ngồi cạnh lò sưởi có đàn chó nằm dưới chân, tay cầm ly rượu, tôi đang tự hỏi có nên mời lão linh mục tới chơi ván cờ thay vì đọc sách một mình thì cửa mở, Elizabeth lướt vào.
– Mừng phu nhân đã về, tôi nói, vậy bà đã ăn năn rồi ư, tôi hy vọng thế. Hẳn bà về để nói đã thấy lỗi lầm của mình ? Mà có hơi trễ, bà ạ.
Nhưng thay vì ũ rũ trước lời mỉa mai của tôi như thường lệ, nàng hất đầu và mạnh dạn ngó tôi, điều tôi không ngờ trong thân xác yếu mềm đó.
– Tôi không về. Tôi đã thấy hạnh phúc. Tôi chỉ lại tối nay để xin ông, nài nỉ ông đừng bắt Basil đấu súng.
– Hơ, vậy ra chàng Basil của bà sợ không dám tới, phải nhờ bà làm trung gian ư ? Nhân tình bà anh hùng thật, phu nhân à.
– Chuyện đó láo. Hắn sẽ giận tôi lắm nếu biết tôi làm vậy. Nhưng tôi ... giọng nàng lạc đi. Tôi không chịu được cuộc đấu súng này. Tôi sống không nổi. Tôi sẽ hóa điên ... Tôi không thể chứng kiến việc ông làm cho hắn ...
– Trung thành dữ ! Đẹp đẽ chưa ! Bà cũng có tính tốt đó chứ. Còn tôi, chồng bà, bà có lo lắng chút nào không ?
Nàng nhìn tôi.
– Ông ? nàng nói nhỏ. Ông ... rồi quay mặt đi òa khóc.
Tôi nắm lấy cơ hội mỉa mai nàng hết lời, không lo nàng chống trả vì Elizabeth vốn chậm chạp. Chúng tôi cãi nhau chan chát, cảnh không hay chút nào. Tôi đường hoàng còn Elizabeth không chững chạc tí ti, nhưng nàng để lộ những tánh mà tôi không hề biết. Ngày thường nàng nhu mì, thuần hậu mà giờ nàng quắc mắc, làm cho vẻ đẹp thêm sống động, yêu kiều hơn; miệng nàng càng đanh thép chừng nào tôi lại càng thán phục và yêu nàng chừng ấy.
Tôi nói năng tàn nhẫn với nàng, nhưng cũng không tệ lắm vì kết quả là nàng sinh ra một tính mới lạ, hóa sâu sắc hơn. Cuối cùng hết hơi, nàng đứng dậy đỏ mặt, mắt đẫm lệ nhưng đầy thách thức.
– Ông không hề yêu tôi, nàng gào, không bao giờ, dù ông nói thế nào đi nữa. Tôi chỉ là trò chơi cho ông, con búp bê để ông vui lúc nhàn rỗi, giữ nhà cho ông, sinh con nối dõi ông, mà chẳng là gì hơn cả. Cái đó không phải yêu ! Tôi biết trong lòng có lúc ông khinh rẻ tôi. Ông không hề kể cho tôi mà đi nói với những người đàn bà khác thắc mắc tâm tư của ông. Tôi ngu thật, nhưng ông không tìm cách làm tôi khôn ngoan hơn. Ông không muốn tôi như vậy. Nhưng tôi, tôi muốn mình là mọi điều với người tôi thương. Và Basil ... giọng nàng đứt quãng, rung rẩy làm câu nói dịu dàng đáng yêu thêm, hắn yêu trí óc tôi, mà không phải chỉ có thân xác tôi thôi. Tôi không thể mất hắn, bởi vậy là tôi mất tất cả, mất hết ...
Bất thình lình nàng sụp lạy, van xin tôi tha thứ đừng giết tình nhân nàng.
Tôi đuổi nàng ra bằng lời thậm tệ, nhưng nghe tiếng khóc xa dần tôi bỗng thấy dịu lòng. Tôi tự hỏi nàng đến bằng cách nào, liệu xe có đợi chở nàng về với Basil, hay nàng ngủ đêm với mẹ. Tôi không thích nàng ngủ trong ổ chuột hôi hám ấy, nhưng không thể cho nàng qua đêm ở trại. Hơn nữa, tôi sợ nàng có thể quay lại chửi rủa tôi thêm.
Tôi cười nhẹ. Sợ Elizabeth là chuyện thật mới mẻ.
Nhưng vấn đề không để tôi yên. Tôi không phải là người ưa phân tích tâm lý, mà tin vào hành động hơn là lời nói và khinh bỉ ai thích đọc sách, ưa mộng mơ. Tuy thế, tối nay không ngủ được. Lời Adela trở về, được mạnh thêm bởi những gì Elizabeth vừa nói. Giờ khắc trôi và tôi bắt đầu nhìn cảnh sống của chúng tôi bằng cặp mắt khác. Adela dù say sưa đã nói đúng. Tôi yêu con quá nhiều, như điên dại và làm vậy đã mất Elizabeth. Nàng thú nhận đã gặp Basil trong những tháng tôi đi hoang tìm quên lãng. Nhớ lại tôi thấy tội nghiệp nàng. Hẳn nàng cũng đau đớn nhiều trong năm năm đó, hối hận lẫn thương yêu. Dần dần óc tưởng tượng làm việc mạnh hơn, tôi lại càng tội nghiệp nàng. Biết đâu tôi đã thêm vào nỗi đau khổ của nàng bằng những sự ngược đãi khác ? Giết tình nhân nàng để làm Elizabeth đau khổ thêm thì tôi được lợi gì ? Mà giả dụ bắt được nàng về, cưỡng bức cái xác vô hồn vào vòng tay tôi thì có ích chi ?
Tư tưởng, quyết định cứ tới lui mãi trong đầu. Lắm lúc óc kiêu ngạo thắng thế, lòng tự ái bị tổn thương không chịu nhượng bộ, đòi trả thù; những ước lệ xã hội mà tôi được dạy từ nhỏ trấn an rằng đây là chuyện phải, nhưng một điều gì đó trong lòng bắt tôi nhìn sâu hơn, khuyến dụ tôi một giải pháp sâu xa hơn tất cả lề lối đạo đức thời này. Sau cùng, mệt mỏi quá, tôi chợp mắt và thấy thằng bé đứng cạnh đầu gối, mỉm cười nhìn tôi với đôi mất to, nâu, năn nỉ tha cho mẹ nó, cho nàng tự do, làm nàng được sung sướng. Tôi giật mình choàng tỉnh, gọi to tên con, chộp vào khoảng không chỗ nó đứng.
Có lẽ giấc mơ ấy đã quyết định cho tôi, có lẽ cái quyết định đã có từ lâu và giấc mơ chỉ khiến tôi ưng thuận. Nhưng dù vậy tôi gặp một vấn đề mà phải khéo léo lắm mới dàn xếp được.
Tôi không thể rút lui khỏi cuộc đấu súng, tôi không đủ can đảm chịu sự khi dễ, trách móc, chê cười của xã hội mà chuyện như vậy sẽ mang lại; nhưng tôi cũng nhất quyết là chàng trẻ tuổi không bị thương tích, và quan trọng hơn nữa là tránh cho Elizabeth mối kinh hoảng không cần thiết.
Sáng hôm sau tôi chuẩn bị lên tỉnh gặp luật sư và lo cho xong mọi thủ tục, nhưng trước đó tôi đi một vòng quanh trại. Tôi yêu nơi này biết bao, bây giờ phải rời nó mà chắc không bao giờ trở lại tôi mới nhận thức nó có ý nghĩa gì với tôi. Tôi mong Elizabeth sẽ chăm nom trại như tôi đã làm.
Trên đường, tôi ghé vào mộ con. Tâm trạng tôi lúc này khác hẳn mấy hôm trước cũng ở đây, khác tới nỗi tôi tưởng nó không thật, như đang nằm mơ.
– Con muốn ba làm vậy ư ? tôi hỏi đám cát bụi nằm dưới luống hoa. Có thật đêm qua con về với ba không ? Nhưng không thể có chuyện đó, con đã chết, chết thật rồi như ba sắp chết ngày mai. Ba tin chết là hết, chuyện sống lại mà lão linh mục kể chỉ để dọa con nít. Mà cũng chẳng hại gì nếu ba sai. Hoặc cha con mình gặp nhau và đó quả thật là thiên đàng, hoặc không có gì hết. Sao cũng vậy thôi, từ khi con chết năm năm nay với ba là địa ngục, chuyện này sẽ là cánh cửa cho ba thoát khỏi cảnh ấy.
Viết thư cho Elizabeth không dễ. Tôi không muốn nàng biết tôi định làm gì, chỉ muốn nàng yên lòng không phải trải qua những giờ phút khắc khoải lo âu. Thư vụng quá, nhưng nó hứa chắc Basil sẽ không việc gì.
Sáng hôm sau trong cánh đồng yên tĩnh ở xa, tôi giáp mặt Basil và một cảm giác nhẹ nhàng lạ lùng tràn ngập đầu tôi, tôi cũng cảm thấy ruột gan trống rỗng, nhưng cho đó là chuyện tự nhiên trước khi bị tan mất vào hư không tịch mịch. Sự vui vẻ từ lúc có quyết định tối hậu luôn luôn ở trong lòng. Tôi giống như người bước ra khỏi đám mây mù lạnh lẽo vào nắng ấm trong sáng. Tôi cảm nhận đây là lần đầu tiên tôi không sợ chuyện gì, kể cả sợ chính tôi. Bạn bè để ý sự thay đổi ấy và bàn tán với nhau.
Sương long lanh trên cỏ, một con chim hót, tiếng hót trong như thủy tinh rơi vào không khí thơm lành.
Tôi nhìn Basil.
– Trẻ quá, tôi nghĩ, quần áo hắn tệ thật, tôi nhìn lên trời và cười nhẹ. Mong sao Elizabeth đừng chán hắn.
Lúc ấy người giám sát cuộc đấu giơ tay.
...
Chống tay lên gối tôi nhìn ra ngoài vườn. Cây du cạnh cửa sổ đã bị chặt cành để cho thấy cảnh vật chung quanh; một góc vườn, lối đi có hoa mọc, hồ thả thiên nga và bên kia là đồi thoai thoải mà chắc không bao giờ tôi cỡi ngựa dạo chơi nữa.
Chán biết chừng nào. Chịu hết nổi ! Đáng lẽ tôi phải chết sáng hôm ấy, đáng lẽ chuyện phải được chấm dứt một cách anh hùng và lãng mạn như đã dự liệu. Nhưng số mạng chơi khăm, thay vì giết tôi Basil chỉ bắn làm tôi bị thương trầm trọng, dở sống dở chết trong mấy tháng; khi bình phục lại bị hậu quả vết thương hành tiếp.
Buổi sáng hôm ấy khi tỉnh lại, làm như việc còn sống chưa đủ tồi tệ, vừa mở mắt tôi thấy gương mặt Elizabeth cúi xuống. Trong mấy ngày đầu còn quá yếu không để ý tới chuyện gì, tôi cho là nàng về nhà săn sóc chỉ vì lòng tốt; mãi về sau khi đủ mạnh tôi mới biết định mạng đùa giỡn với lòng hy sinh của tôi như thế nào.
Theo lời các bạn kể lại về thái độ của tôi lúc đấu súng và theo bức thư của tôi cho nàng, Elizabeth đoán ra mọi chuyện. Bị lương tâm dầy vò cùng với điều mà tôi cho là suy nghĩ không chín chắn, Basil và nàng đồng ý chia tay vĩnh viễn. Elizabeth về với tôi, coi đó là bổn phận của nàng, còn Basil xin đổi ra làm việc ở thuộc địa, chắc để tìm quên.
Rốt cuộc không ai trong chúng tôi sung sướng cả. Vì chẳng bao lâu tôi thấy rõ là khi trở về, Elizabeth đã làm hư mọi chuyện. Nàng đã hứa phục vụ tôi và xử sự y như lời, chăm chút lo mà có rất ít vui vẻ, khiến đời sống hóa nặng chịch cho cả hai.
Nếu nàng còn ở với Basil, hẳn tôi sẽ luôn luôn nhớ nàng như là thiếu phụ nhỏ nhắn, can đảm, đã dám sa sả cãi tôi, vạch cho tôi thấy sự bất toàn của mình. Theo ngày tháng hẳn tôi sẽ mất nàng Elizabeth trong sương mù lãng mạn của thời gian như tiểu thuyết viết, và sẽ mãi mãi thương yêu, mến tiếc nàng. Nhưng ngắn ngủi thay, nàng Elizabeth thật sự lù lù về, nói chuyện tào lao và cười rúc rích. Phải chi nàng đau khổ thật tình thì tôi còn thương vì tội nghiệp, nhưng tôi thấy khó mà tha thứ tính mau quên ấy, dù là mau quên tình địch. Vì nó làm lộ con người thật của nàng, quá đỗi hời hợt, thảm kịch cũng không làm nàng héo hon. Basil bỏ nàng đi là phải lắm, tôi chua chát nghĩ. Chôn vùi đời ở thuộc địa xa xôi, hắn đã giữ phẩm cách trong thảm kịch này; còn Elizabeth đã biến mối đau khổ của chúng tôi thành trò hề.
Chính y sĩ của nhà vua chữa bệnh cho tôi, và một thời gian sau cuộc đấu súng, bảo tôi rằng vết thương đã biến sang ung thư.
Tôi nhất định không tin lời hắn trong một lúc lâu. Đối với tôi, thầy lang nào cũng chỉ là thằng ngu hết thuốc chữa, đoán mò để móc hầu bao mà không trị được bệnh. Hắn nói ung thư vì hắn cóc biết đó là bệnh gì chẳng qua vì nó lâu lành, mà tôi chắc nó sẽ lành nay mai. Vẻ kênh kiệu của hắn đâu che được mắt tôi.
Để tự chứng tỏ là mình vẫn còn mạnh, chỉ trừ con đau nhức quái quỉ mà y sĩ nói đáng lẽ phải hết từ lâu thỉnh thoảng lại hành, tôi nhất định sống hết mình, sống mạnh trở lại, đánh bài, đua ngựa, họp bạn say sưa, nhất định chống lại kẻ thù đã chiếm lấy cơ thể tôi. Tôi luôn luôn hãnh diện về sức chịu đựng và tình trạng sức khỏe của mình, và sẽ không bỏ cuộc dễ dàng. Trong vài tháng tôi qua mặt được bệnh cho tới một đêm, tôi đau quá ngất đi ở đại hí viện phải nhờ bạn bè chở về, xe ngựa xóc làm tôi tưởng mình sắp đi đời nhà ma.
Tôi thua cuộc và biết thế. Từ ngày ấy cách đây một năm, bệnh càng lúc càng tệ, hóa nặng hơn và bây giờ tôi nằm liệt giường, chắc không thể ngồi dậy nữa.
Tôi dựa lưng vào gối, trán nhăn. Kéo dây chuông và cắn môi đợi. Elizabeth đâu rồi ? Trong lúc tôi bệnh nàng chưa bao giờ bỏ tôi lâu mà không giải thích.
Một con bướm đậu lên cánh hoa rơi trên nệm, tôi ơ thờ ngó nó, rồi bướm bay ra cửa sổ. Tôi nhắm mắt rên thầm, chợt sực nhớ chưa có ai trả lời chuông. Tôi nắm dây kéo mạnh tới nỗi đứt bựt, dây rơi cuốn vòng trên gối như con rắn khiến tôi rủa nó, bọn hầu gái, mụ vợ và cả trời lẫn đất thậm tệ.
Tôi đã quen ỷ lại vào sự chăm sóc thường trực của Elizabeth, quen thấy hình dạng nhu mì của nàng ngồi may cạnh giường, la mắng nàng mỗi khi bực dọc, mà tôi cáu kỉnh luôn vì sự bất lực không hoạt động làm tôi khó tính hơn. Giờ bị bỏ quên như thế này càng khiến tôi nổi quạu. Để người ốm phải nhờ cậy một lũ đàn bà, bị ung thư hành hạ nhức nhối, nằm một chỗ không ai ngó ngàng cả giờ trong chính nhà của hắn mà coi được à ?
Tôi đùng đùng nổi giận thì cô tớ gái đi vào.
– Phu nhân đâu, cô ?
Cô gái tỏ vẻ sợ hãi.
– Thưa ông, bà ... bà ốm. Bà ngất ở hành lang, tỉnh lại và dặn chúng con đừng cho ông hay, rồi bà ngất nữa. Chúng con đã đỡ bà vào giường.
– Ốm ư ? tôi gằn giọng. Bà cũng mạnh như cô mà ! Chỉ làm bộ làm tịch thôi ...
– Con chắc bà ốm nặng. Cô gái nhỏ giọng. Người nhà đã cho mời y sĩ.
– Điên thật rồi. Ta không còn là chủ nhà nữa hay sao mà mời y sĩ không hỏi qua ý ta ?
Có ai đó gọi bên dưới, cô gái lo lắng quay ra cửa.
– Ồ, gọi thì đi, đi. Tôi hầm hừ, và bảo phu nhân khỏe thì đến gặp ta.
Tôi rơi mình xuống nệm, hết hơi, ép tay vào chỗ cơn đau cấu xé bằng vuốt sắc nhọn, không tha một ngày, xâm lấn cơ thể tôi, dầy vò mà không thuốc, không thầy nào làm bớt.
Một giờ nữa trôi qua. Đã quá giờ cơm.
Tôi nằm nghe tiếng động trong nhà, tiếng chân vội vã, giọng thì thào; có tiếng chó sủa và con chó cưng ở chân giường đáp lại. Tôi có cảm tưởng mình đã chết rồi, là bóng ma bị cắt đứt khỏi thế giới người sống đang di động rộn ràng. Dây chuông đứt nên tôi dùng gậy nện rầm rầm lên sàn mà cũng không ai tới.
Elizabeth đau ? Nghĩ càng giận. Con mụ không chịu lo lắng thân mình. Nhưng nàng như thế, tốt bụng thực mà lắm lúc bực mình chịu không nổi. Tôi thấy bồn chồn, nóng nẩy và thắc mắc cực độ. Ngồi yên mãi không xong nên tuy dư biết mình phải trả giá đắt cho việc làm, cuối cùng tôi bước khỏi giường.
Tôi mặc áo một cách khó khăn, nhìn vào gương như lệ thường vì tôi vẫn còn để ý tới vóc dáng, bẻ lại cổ áo, chải đầu rồi đi lần về phòng vợ.
Mãi cũng tới, dù khoảng cách xem như dài hơn lần cuối tôi tới đây.
Không ai nghe, không ai thấy tôi bước vào.
Ai cũng đang tụ quanh giường nàng; bọn tôi tớ giúp việc, y sĩ và phụ tá, bà quản gia và con chó ngồi cạnh.
Con chó thấy tôi trước; nó chồm dậy chạy về phía tôi; lấy tay đẩy nó xuống, tôi thấy y sĩ lui lại.
– Tôi sợ ... hắn nói, rồi chợt thấy tôi.
Hắn đi lại phía tôi, tay vặn vẹo.
– Thưa ông, thật xui quá, đáng tiếc hết sức. Tôi buồn lắm. Nhưng ai bảo cho ông vậy ? Ông không nên tới đây, tôi không biết ...
Nhưng tôi không nghe thấy gì. Tôi nhìn qua vai hắn, thấy gương mặt bất động của Elizabeth giữa đám gối chăn.
...
Không còn tiếng lanh chanh của Elizabeth, căn nhà bỗng im lặng quá. Ngày này sang ngày khác tôi ngạc nhiên thấy mình nhớ nàng nhiều, và đã nhờ vả nàng biết bao chuyện. Dù lắm lúc nàng khiến tôi bực muốn chết, Elizabeth đã làm cảnh sống tôi được hạnh phúc lặng lẽ. Chưa bao giờ tôi thán phục những đức tính của nàng như bây giờ, khi chúng không còn đây nữa, lòng ân cần, kiên nhẫn, tốt bụng.
Tôi cô đơn kinh khủng, vì chung quanh trại có ít bạn, nhưng nằm đây không có việc gì làm, hoàn toàn không có gì ngoại trừ cái chết dần mòn.
Ngày tháng trống rỗng. Tôi bắt buộc phải tìm cách giải khuây.
Trong thư viện ông tôi để lại thật nhiều sách, tuyệt vọng quá nên tôi lấy vài cuốn đọc. Mới đầu bộ óc chưa quen nên mau chán, nhưng từ từ việc hóa thích thú. Chẳng bao lâu tôi thấy là cho tới hôm nay, tôi sống ở đời như thằng đui, điếc với mọi chuyện chung quanh. Tôi không biết chút gì hay biết rất ít về những trào lưu tư tưởng, phát minh khoa học. Nổi giận vì sự ngu dốt của mình, tôi nhất định ngày hôm nay phải cải thiện việc ấy.
Óc hiếu tri lớn mạnh dần, như cánh cửa nhốt kín cái tôi thật đột nhiên mở bung. Giường tôi ngập những sách, cũ mới đủ hết. Tôi đọc trọn Hume và Locke, vật lộn với tư tưởng của Kant, thử đọc Aristotle và Plato. Tôi nhất quyết khám phá Chân Lý, và mơ hồ cảm thấy nó đang ẩn trốn trong đống sách hỗn độn. Nhưng tôi luôn luôn quay về Plato, mường tượng học viện của ông, thấy sinh viên đi lại thong thả, hòa nhã tranh luận cùng nhau; ước ao mình đã từng sống ở đó và cũng đã dự buổi thảo luận hào hứng như vậy.
Chuyện giống như khối năng lực mà xưa kia tôi vung vãi trong đời sống hằng ngày, vào cảm xúc và dục vọng thay vì trụ vào thân xác đau yếu, giờ từ từ được giải thoát và hướng tới điều vô hình mà trường cửu hơn. Tôi cũng viết, nghĩ rằng cái chân lý tối thượng - nếu có - rải rác trong mớ sách này có thể được góp nhặt, xếp đặt. Tôi đắm mình vào việc tới nỗi cái chết mà có lần tôi ước ao mong được chết phứt, làm tôi nóng nẩy. Tôi chạy đua với thần chết. Basil thực đã làm ơn cho tôi, nếu biết hắn ở đâu tôi sẽ viết thư cám ơn hắn.
Một thời gian sau khi Elizabeth qua đời, lúc cây cối đổi mầu và gió thu hiu hắt, tôi đang đọc sách nhưng bị ngăn trở bởi tiếng la hét đằng xa, tiếng reo hò của đám đông giận dữ; âm thanh ấy luôn luôn vì một lý do nào đó làm tôi dựng tóc gáy.
Tôi nhăn trán, quay ra cửa sổ.
– Chuyện gì vậy kìa ? tôi lo lắng hỏi thầm.
Tôi kéo dây chuông và đợi. Rồi không thấy ai trả lời, tôi quay vào sách trở lại, quên bẵng đi cho tới khi một người giúp việc đi vào.
Hắn lại gần và tôi ngẩng lên.
– Sao, tôi hỏi, ngoài vườn có việc gì thế ? Dân làng bắt chước tụi Pháp à ? Họ chuẩn bị cột kèo để treo cổ ta ư ? (Cách mạng Pháp 1789).
– Thưa, có đám dân làng, hắn đáp, rượt theo một lão già và lão chạy tới đây trốn. Lão ẩn trong nhà bếp. Họ điên hết rồi, bảo sẽ giết nếu bắt được lão. Lão xin ông che chở, bảo ông biết lão. Tên lão là Nathaniel ...
Tôi bỏ rơi cuốn sách, chửi thề rồi trừng trừng ngó người giúp việc.
– Nathaniel ... Anh bảo họ đang rượt lão à, sẽ giết lão ư ? tôi cười khẩy. Bao nhiêu năm vậy ông trời cũng có nghe lời cầu nguyện của ta đó chứ !
Tôi ngồi yên một lát, cúi đầu, thấy rõ trước mặt cái thân xác bé bỏng sóng sượt giữa hai người khiêng, mặt mũi họ đầy nước mắt; còn Elizabeth gần xỉu dưới chân. Nhưng tôi không khóc. Trái lại tôi thề với ai đó đang lắng nghe nhân gian thề nguyền, Trời cho tôi cơ hội để trả thù, giao hắn cho tôi để tôi bắt hắn thế mạng đứa con. Bao nhiêu năm đã qua rồi, hôm nay lời cầu nguyện của tôi đã được trả lời.
Tôi ngẩng lên.
– Họ sẽ giết lão không ?
– Dạ, xâu xé nữa là khác, mà lão xơ xác quá, chỉ cần một cú là đi đời.
– Mà lão đã làm gì ?
– Thưa, lão kêu gọi hô hào làm chuyện họ không thích. Bảo đòi tự do. Họ nói lão ở Pháp về. Dân làng không muốn tự do kiểu đó ở đây.
– Họ cần chi ? Ta luôn luôn rộng rãi với họ.
Tôi nhắm mắt ngả người ra sau.
– Xâu xé lão ? tôi thì thầm. Bị vò xé, chuyện đó tôi dư biết; nhưng bị đám động châu vào ... tay bấu chặt, thịt da run rẩy, tiếng kêu đau đớn. Dường như tôi cũng có biết tiếng kêu la, nhưng làm sao biết thì tôi chịu; chỉ rõ là nó quen thuộc một cách ghê gớm, tiếng hò reo của đám đông cuồng loạn. Lạnh toát cả mình.
Trả thù như thế thật hả lòng. Trả thù, mà để chi ? Tôi quên mất cảm tưởng ấy rồi, lạ thiệt. Điều Nathaniel hay bất cứ ai đã làm, có xứng với sự đau đớn như vậy không ? Coi coi, bị đám động rượt tóe khói cũng đủ kinh khủng rồi ...
Đột nhiên lòng tôi đầy xót thương, dập tắt cơn giận, nỗi thù ghét.
– Chắc lão mất hết hồn vía, tội chưa, tôi nói. Kêu mấy người giữ ngựa đuổi hết dân; bảo họ không được phép làm hại lão, bằng không ta giật sập nhà cửa rẫy bái của họ. May phước ta là chủ đất làm được vậy. Cho lão ăn ngủ rồi bảo chừng nào khỏe, lên gặp ta.
Nathaniel ... Hồi xưa tôi ghét lão biết bao ! Đột nhiên hết hẳn, mất hẳn. Và tôi biết mình mừng. Lão hẳn đã già rồi, đau ốm nữa. Chắc lão hy vọng gặp Adela, lão cũng yêu bà đấy chứ, yêu theo kiểu của lão. Hai mẹ con đã chết cả rồi, lão về trễ quá; đời luôn luôn vậy. Thôi, có lão làm bạn. Dù điên lão cũng không phải thằng ngu, tôi còn nhớ. Chúng tôi sẽ có những buổi thảo luận hào hứng về tôn giáo. Đúng nghề của lão, và kỳ cục thay cũng là khuynh hướng của tôi lúc này. Tôi sẽ bảo mình tin việc luân hồi, thấy hợp lý chớ. Lão sẽ giận lắm đây ! Nhưng nếu lão đừng lớn tiếng thì vui lắm. Túp lều của Adela còn đó, lão có thể ở được nếu chịu, bởi tôi nhớ lão rất kiêu hãnh; mà chắc lão đã thay đổi, ai rồi cũng thuần tính dù ít ai dám nhận như vậy. Tôi tin có thể thuyết phục lão ở lại đây an hưởng tuổi già.
...
Về nhiều mặt tôi vẫn còn giống Charles thật sâu đậm, mà cũng xa xôi lạ lùng. Có một hố rộng giữa tâm thức hắn và tôi; nhưng nhớ lại tuổi thơ, tôi thấy đó là anh chàng Charles tí hon. Những khuyết điểm hắn có trước lúc chết hiển hiện thấy rõ, còn tiềm năng ở hắn được biểu lộ ngay nơi tôi thành cá tính rõ rệt. Sao đi nữa, tôi không cần một kiếp dài đau khổ và nhiều lỗi lầm để biết mục tiêu của mình là gì, và bài học của tôi là chuyện chi.
Ung thư ! Phải cần tới chuyện đó mới biến Charles từ người thờ ơ không mục đích, chua chát, sang kẻ đi tìm minh triết. Ung thư ... đột nhiên hình ảnh thấy ở động đá Ai Cập trở về, tôi nhớ lại sinh vật gớm ghiếc giống con cua. Hồi đó tôi đã biết sẽ có ngày mình phải hấp thu vật ấy vào người, nhưng không biết rằng khi ngày ấy đến, nó lại là chuyện lành mà không phải chuyện dữ. Đúng như Thầy tôi có nói. Không có gì xấu trừ chuyện xấu con người tự gây cho mình do việc thiếu hiểu biết. Cũng như một bậc cao cả hơn ngài dạy y điều ấy khi bảo mọi chuyện đều tốt lành cho ai kính yêu Thượng đế. Mà, tôi không nghĩ mình yêu Thượng đế, nhưng có lẽ việc tìm kiếm Chân lý và Minh triết là một hình thức của tình thương ấy.
Tôi nhớ lại có lần Thầy cho biết chi tiết về nguyên nhân karma của vài bệnh, cũng như sự liên hệ giữa bệnh tật và chu kỳ thời gian, ngài giải thích lý do của việc ung thư lan tràn vào thời đại này, chỉ rõ sự liên hệ mật thiết của nó với vài phép tà thuật trong quá khứ, và cho tôi thấy rằng bao lâu cái dạng đặc biệt của chất liệu độc địa cõi tình cảm và ether chưa được giải trừ, vài chặng tiến hóa của đa số nhân loại chưa thể thực hiện an toàn. Nhưng ngài bảo công việc ấy đang được thực hiện mau lẹ hiện nay. Một số linh hồn tình nguyện đem chất liệu ấy vào thể xác của họ để chuyển hóa chúng, hy sinh thân mình cho lợi ích của nhân loại.
Trong trường hợp tôi, lẽ dĩ nhiên không có mục tiêu cao đẹp như thế; sinh vật là do tôi tạo ra, hễ tôi chưa lôi cuốn nó vào người và giải trừ, nó sẽ tiếp tục bám vào bất cứ thể nào của tôi, thành một chướng ngại và là nguyên nhân ngầm gây đau yếu, tai họa. Tuy nhiên khi nhìn lại, tôi thấy dù hành động ấy có tính cách cá nhân, nó làm lợi không phải cho riêng tôi mà nhờ vào sự đau khổ, tôi đã có đủ sáng suốt để hiểu Nathaniel, tha thứ và không chừng trợ giúp lão.
Thầy tôi xác nhận điều này.
– Con còn dẫn lão vào triết học, khiến lão bỏ nhiều thành kiến mà lẽ ra sẽ bận chân lão kiếp tới nếu lão không bỏ trước khi qua đời. Thành quả rất đáng kể.
– Người ta bắt đầu cuộc đời mới ở ngay điểm họ bỏ thân xác cũ à ? tôi hỏi có chút ngạc nhiên.
– Phải, không hề có khoảng trống, sự tiến hóa không nhẩy vọt ngoại trừ khoảng thời gian chờ thể xác đúng tuổi, hầu cho những khả năng thụ đắc ở kiếp trước có thể biểu lộ. Nếu ai cũng biết điều này, người già sẽ nhìn những ngày cuối đời khác hẳn, và sẽ không mất thì giờ sống lại quá khứ, trái lại họ sẽ tổng kết kinh nghiệm và hướng tầm mắt về tuơng lai. Con và Nathaniel làm vậy và gặt hái rất nhiều trong những năm cuối, khi hoàn cảnh bắt con phải quay vào nội tâm.
– Lão có phải là kẻ thù của con hồi xưa ? tôi hỏi.
– Phải, cả Adela nhưng ít hơn. Hai người đã thực hành huyền thuật với con ở Atlantis, và cũng đang lo việc hóa giải những sinh vật họ đã tạo nên, chúng làm Adela rượu chè, phạm tội, biến Nathaniel điên khùng, mất quân bình. Con có món nợ phải trả và Chân ngã lợi dụng cơ hội, khiến con phục vụ họ trong kiếp ấy.
– Nhưng tại sao, tôi hỏi, sinh vật Atlantis có thể làm người ta điên cuồng về mặt tín ngưỡng ? Thấy ngược đời.
– Nathaniel thực tình muốn chống lại điều xấu, nhưng thường thường hễ một kiếp quá độ việc gì, phàm ngã nhớ việc ấy sẽ quay sang cực đối đầu để cố gắng điều chỉnh sự việc, y như con đã làm ở Ý. Ai như thế là nhà cải cách hết sức thiết tha. Lấy thí dụ, người cải cách hung bạo xã hội thường là kẻ mà kiếp trước đã bóc lột tàn nhẫn công nhân, bây giờ vì chưa đủ phân biện giữa hai kiếp, nhất định giúp người nghèo và sẵn lòng chà đạp cùng tàn nhẫn y vậy với những ai khác !
'Người cuồng tín tôn giáo có thể phản ứng do một chuỗi những kiếp sa đọa trụy lạc, kết quả là họ thấy phải ngăn ngừa kẻ khác phạm lỗi như mình. Chuyện không may là không phải lúc nào cũng vậy. Cuồng tín còn là kết quả của tánh cao ngạo và vô minh, sinh ra độc ác, nhẫn tâm, hung bạo; vì người cuồng tín làm hại cho đạo mình hơn kẻ thù, tà lực đã sử dụng điểm yếu ấy để phá hoại tôn giáo. Vị Chân Sư (đức Jesus) cho đức Chúa mược xác đã nêu hy vọng cho ai như thế. Ngài biết rằng ai cuồng nhiệt lên án người khác thường cũng mắc tật xấu giống như thế; ai trách mắng kẻ giả hình, giả đạo đức, là đang bị chính tánh ấy ngấm ngầm thu hút và cố tìm phương tách rời. Rất có thể vào kiếp tới họ sẽ là nạn nhân của những tật đó, và nhờ vậy, phát triển lòng cảm thông, thương xót cùng yêu mến ai đồng cảnh ngộ, và chịu đồng hành với kẻ có tội. Thành ra chớ bao giờ lên án ai, vì con không biết họ đang dũng mãnh trả karma khó khăn nào, cũng như lực gì đang tấn công người họ mà mắt thường không soi thấu.
'Ở cõi trần, chỉ một phần rất nhỏ của con người thật và mục đích của họ lộ ra, cho nên cần hiểu biết rộng rãi hơn nữa để hướng dẫn ai lạc lối. Khoa tâm lý học đã đề cao việc con người tìm hiểu chính mình, nhưng còn cần nhiều hơn thế nữa. Trong tương lai, khi nhà giáo dục và thầy thuốc có thông nhãn thấy được tình trạng đúng thực của ai mắc bệnh, bấy giờ phương pháp chữa sẽ thay đổi lớn lao trong việc trị người điên và ai có khuynh hướng tôi phạm. Nhưng muốn được vậy, điều thiết yếu là luật Karma và tái sinh phải được nhìn nhận và nghiên cứu nhiều hơn lúc này. Khi nó được giảng dạy từ thuở ấu thơ, áp dụng vào mỗi cảnh ngộ trong đời, con người sẽ không còn bị đau khổ mù lòa, cưỡng lại định mạng họ cho là do thần thánh bất công xếp đặt.
'Thử nhìn lại chính đời con, và cái chết đau thương của đứa bé. Bao nhiêu bậc cha mẹ đã nguyền rủa trời khi gặp cảnh ấy như con đã làm. Không nguyên do nào giống nhau, nhưng chúng đều do luật tác động. Đứa bé là trong một nhóm với con. Lần này con thương nó nhiều nhưng là tình thương sai lạc, ích kỷ, chiếm hữu, mất quân bình gần như tội lỗi. Con sẽ không cho thằng bé sống đời của nó, không cho cơ hội để có phát triển cá nhân, điều mà nó cần; từ lúc đầu những Vị theo dõi con trong thử thách này nhận rõ là y như nhiều bố mẹ khác, con nhất định sống lại qua đời con mình. Vì nó không đáng bị trấn áp, ghen tỵ và vì con vẫn chưa đáng hưởng niềm vui và trách nhiệm của mối liên hệ như thế, đứa bé trở về, may cho nó và cũng may cho con.
– Đây là lần thứ ba con làm hư chuyện của nhóm về bài học tình thương. Tôi nói.
– Đúng thế, nó là một trong những bài học khó nhất, nó đòi hỏi trọn con người. Nhưng phải qua bài học, vấn đề này sẽ trở lại với con mãi cho tới khi giải quyết được, bởi không ai được phép trốn bài học của mình. Xét lại những kiếp mà con được phép thấy, hẳn con phải nhận thức là một vấn đề sẽ xuất hiện lần này rồi lần nữa. Thoát khỏi gông cùm bằng cách bứt xiềng không phải là thoát; nó chỉ có nghĩa hoãn gông cùm tới một thời điểm khác mà hoàn cảnh mới có thể làm cho rối rắm, khó khăn hơn. Sự ràng buộc loại ấy sinh ra do ý chí tự do của con người, nên theo Luật không sai chạy, thành một phần của chính người ấy. Không ai thoát được chính mình như con đã khám phá ở Ai Cập; không, ngay cả khi họ trốn đến tận cùng trái đất, vì cái ngã ấy là một phần của Sự Sống chung. Con người càng ý thức điều này và karma của mình sớm chừng nào, càng tốt chừng ấy. Vào kiếp của con ở thế kỷ mười tám, con đối đầu với nhiều chuyện xưa và đã giải quyết chúng, tha vợ, tha nhân tình nàng, thương xót Adela và Nathaniel, như thế là tiến bộ lắm. Kiếp này con trở lại, quyết tâm trả sạch những nợ cũ cấp bách từ quá khứ, sinh ra do tàn nhẫn, ngu dốt, sơ sót, biết rõ bao lâu công việc chưa làm xong thi mình chưa thể tiến bước như mong muốn.
'Vì vậy, con tái sinh trong khung cảnh hợp nhất cho việc này. Mối liên hệ của con với Elizabeth bất toàn, nên con và nàng sinh trong một nhà; dưới hình thức mới, con luôn luôn có thúc đẩy sâu xa phải phục dịch và che chở nàng. Ở kiếp trước cả hai làm bậy cho nhau, mặc dù con tha thứ nàng con lại là người lỗi nặng, vì nàng sa ngã chỉ bởi con nhẫn tâm, bỏ rơi nàng. Thành ra lần nay con là người phải hy sinh nhiều hơn trong hai kẻ.
'Đôi khi trong lúc chống báng, con tưởng việc phục dịch ngăn chặn sự phát triển tâm linh của con, không cho có kinh nghiệm rộng rãi và tự do mà con hằng ao ước; may mắn cho con là tình thương giữ con lại trong khi ý thức trách nhiệm chưa chắc giữ được, biến trách nhiệm thành chuyện hy sinh hữu ý. Điều mà con luôn luôn cho là trở ngại, trên thực tế là chìa khóa mở cánh cửa con muốn bước qua. Nếu con đã không nỗ lực tìm cách điều chỉnh mối liên hệ, tạo sự điều hòa ở nơi trước kia là căng thẳng, hẳn trong kiếp này con đã không được phép tiếp xúc với Chúng ta. Nên nhớ rằng hầu như luôn luôn chuyện thông thường và vấn đề có vẻ như đáng coi khinh, đưoc các bậc Thầy ở cõi cao dùng để trắc nghiệm ai muốn đi vào con đường Minh Triết.
'Người chưa xử sự chuyện nhỏ một cách khôn ngoan, thì chưa đủ sức gánh vác những trọng trách khó nhọc hơn nhiều, mà nhất định họ sẽ bị đòi hỏi khi được nhận vào trường về bí thuật. Đôi khi, trở ngai được cố ý tạo trên đường của hắn để thử nguyện ước người ấy, và để xem hắn có thật một lòng đi tới đích, không gì lay chuyển quyết tâm hay làm hắn chùn bước.
'Con có thể hồi nhớ lại làm sao trong nhiều năm, con tham thiền mà không thấy kết quả rõ rệt; việc thu thập tài liệu về huyền bí học khó khăn tới nỗi con bị buộc phải quay vào bên trong, tìm nó trong nội tâm; và làm sao trong đời sống hằng ngày con đã phải tranh đấu không được trợ giúp, lại thường khi không có bạn bè. Tất cả là một phần trong việc huấn luyện, và là sự chuẩn bị cho những gì đã xẩy ra cho dù hồi đó con không biết. Vấn đề là con người bị hoang mang bởi hoạt động quay cuồng của đời sống mà họ bị cuốn hút vào, dễ phán xét sai lầm giá trị sự việc.
'Ai cũng đang dệt tấm thảm rất lớn, họ làm việc sát nó quá, mê mải đưa thoi qua lại trên mảnh thảm nhỏ bé trước mặt thành ra không thấy vẻ mỹ lệ và sự vĩ đại của toàn thảm. Nhưng điều cần yếu là họ phải làm vậy. Chuyện khó khăn trong lúc con người gắng sức là họ bị trói buộc bởi ý niệm sai lầm về thời gian, và không gian; nhưng khám phá khoa học đáng lẽ phải cho con thấy là thời gian và không gian không còn hiện hữu với ai đã mở rộng tầm mắt, bước lui khỏi chi tiết rối trí và thấy được toàn thể. Hiện thời, với tầm nhìn giới hạn do mức tiến hóa, con chỉ thấy những kiếp sống, nhân vật, và biến cố như những mảnh vụn rời rạc, có hay không có liên hệ với nhau. Nhưng chuyện liên tục không có sự gẫy đổ, thiếu thốn nào. Chỉ có một Sự Sống, một tâm thức, một sự biểu lộ tột cùng. Ý thức việc này không phải bằng trí tuệ lý thuyết, mà bằng cách khiến nó nhuộm mầu trọn quan điểm của con, thấm nhuần mọi hành vi, gợi hứng tư tưởng, chỉ dẫn mọi hoạt động, là mục đích của con. Bao lâu chưa làm được vậy, con sẽ tiếp tục bị giới hạn trong ảo ảnh của tính Chia Rẽ, và tiếp tục bị lôi cuốn vào Vòng Tái Sinh.