NHẠC VÀ Ý TƯỞNG

Nhạc là sự biểu lộ ý tưởng qua âm thanh. Chúng ta có thể nhận được ý tưởng khi tiếp xúc với những nguồn hứng khởi cao trong tâm mình, trên địa cầu hoặc trong không gian. Ý tưởng có liên hệ với nguồn của nó, nguồn càng cao thì ý tưởng càng tuyệt diệu. Ý tưởng phát xuất từ nguồn cao hơn có chứa đựng năng lực thật dồi dào,  tần số rung động và định hướng riêng của nó. Âm nhạc chân chính là sự tuôn chảy của ý tưởng, tuôn chảy năng lực, mỗi bản nhạc tỏa ra năng lực của một ý tưởng.
Khi bạn ghi nhận một ý tưởng và nghĩ ra cách để biểu lộ nó bằng âm thanh là bạn sáng tác nhạc. Ý tưởng tạo nên cung điệu, nhịp du dương, hòa âm v.v. Có nhiều bản nhạc không có ý tưởng trong đó. Nếu một chuỗi âm thanh không chứa đựng ý tưởng nào thì ta không có nhạc mà chỉ có tiếng ồn; cũng y như ta có thể có nhiều chữ hợp lại những nếu không có ý tưởng đi kèm thì không thành câu và không có ý nghĩa.
Nguồn gốc của nhạc phải là ý tưởng, ta hãy thí dụ là bạn được gợi hứng với ý tưởng từ bỏ. Bạn tượng hình trong trí những diễn biến kế nhau và sự tiến triển của ý tưởng; bạn cảm biết từng câu trong đó, rồi bạn tạo nên phương tiện biểu lộ cho nó qua âm thanh. Như vậy ý tưởng tạo nên hay gợi nên đáp ứng về trí tuệ, tình cảm và cảm quan.


Nếu nhà soạn nhạc thật sự được ý tưởng gợi hứng, cảm nhận nó và hòa hợp nó với ước vọng cùng suy tư của mình thì bạn sẽ nghe được ý tưởng trong nhạc. Chẳng những vậy, bạn còn cảm được là nhạc về lòng từ bỏ khơi dậy trong tâm bạn nguyện ước sâu xa về lòng từ bỏ, và những thể của bạn có sự biến đổi rõ ràng cho phép bạn thực hiện được hạnh này.
Sự biểu lộ của âm thanh hay nhạc sẽ nhuốm ý nghĩa và cảm xúc. Ý tưởng sẽ tạo nên nhịp điệu và tiết tấu theo trình tự biểu lộ; có khi kỹ thuật và hiểu biết của bạn trở thành chướng ngại nếu chúng kết tinh khô cứng và chỉ hiện hữu cho riêng mình, ngược lại kỹ thuật và hiểu biết của bạn hỗ trợ cho việc sinh ra ý tưởng khi chúng chưa trở thành chướng ngại.
Có ý tưởng chỉ có được đáp ứng ở cõi ether, cõi này tạo nên tiết tấu của bản nhạc. Ý tưởng khác có thể biểu lộ bằng chất liệu cõi tình cảm, cảm xúc cho ý tưởng sự dạt dào sôi động của sóng tình. Lại có ý tưởng thể hiện qua chất liệu cõi trí, gợi nên đáp ứng bằng trí tuệ và bản nhạc chứa đầy ý nghĩa. Nếu người bắt được ý tưởng có bản tính thanh cao, ý tưởng có thêm tính chất là cho ra viễn kiến bao trùm và vĩ đại.
Mỗi chất liệu vừa nói mà ý tưởng khoác lấy để biểu lộ phát ra một loại năng lực riêng biệt. Nếu năng lực đi kèm với hòa âm nhịp nhàng thì ta có khúc nhạc đóng vai trò cây cầu nối liền giữa bạn và nguồn phát xuất ý tưởng. Nhà soạn nhạc mang hạt giống từ nguồn xuống cõi trần và trả nó trở về nguồn như là đóa hoa bừng nở. Năng lực của ý tưởng trong nhạc làm được rất nhiều việc. Nó sáng tạo, điều hòa, thanh tẩy, làm biến hình, chữa lành, xếp đặt, khai thông, và tạo đường tiếp xúc với nguồn phát sinh ý tưởng.
 Nếu không có ý tưởng thì sẽ không có năng lực trong nhạc mà thay vào đó là lực của âm thanh. Lực này là sự tuôn chảy của ảo ảnh, huyễn tưởng và tâm tình thay đổi bất thường. Khi những điều sau được chuyển thành âm thanh, chúng không tượng trưng cho sự liền lạc của ý tưởng mà giống như câu không có nghĩa; chúng có sức mạnh của từng chữ riêng rẽ nhưng không có sức mạnh của một câu. Sự biểu lộ âm nhạc có tính hoang tưởng vì vậy không có nghĩa hay có sự liền lạc. Bạn không tìm ra được ý nghĩa của nhạc mà cảm nhân được sự rối loạn của nguồn phát sinh ra nó.
Bởi ý tưởng làm cho những nốt liên tiếp nhau có ý nghĩa, có giá trị và năng lực biểu lộ. Nhạc mà không có ý tưởng trong đó thì giống như người say rượu, hành vi và lời nói của họ không có ý nghĩa liền lạc nào và không có mục đích. Ý tưởng là linh hồn của nhạc, nó làm cho nhạc sống động và có mục đích. Nhạc không hồn là không có tương lai tuy nó có thể tiếp tục hiện diện như là một điều gây khó chịu.

Các Loại Nhạc.
Nhạc có thể là sự diễn dịch hồi tưởng xa xưa, hay mối quan tâm, thúc giục, vui thích hiện tại; mà cũng có thể là biểu lộ của tương lai hay viễn ảnh xa xôi. Lại cũng có nhạc bắc cầu nối kết tương lai với hồi ức chuyện xưa, diễn dịch hồi tưởng như là viễn ảnh tương lai, và tương lai như là viễn ảnh của kinh nghiệm đã qua. Nhạc loại đó chứa đựng khối lượng tình cảm rất lớn và năng lực biến đổi lòng người.
Ta còn có nhiều loại nhạc khác nhau phát xuất từ các lực, như lòng giận hờn, ghét bỏ, sợ hãi, tham lam, ghen tị, óc trả thù hay dục tình. Nó có thể tác động lên các trung tâm lực thấp trong thể sinh lực (thể phách) của ta và khiến năng lực trong người tuôn ra thất thoát. Loại nhạc nữa khơi dậy những lạc thú đã qua, hay thất vọng; thành công hay thất bại mà không có ánh sáng tương lai; có nhạc biểu lộ sự kiêu căng tự cao, óc phân rẽ và cái tôi. Một loại nhạc làm rối loạn trung tâm lực ở đầu con người, dẫn dụ ta vào sự mê loạn, tự tử và tính vô trách nhiệm. Nhạc như thế làm bạn mất đi óc phấn đấu, chú tâm, tinh thần trách nhiệm, và khiến bạn có tính ỷ lại.
Hiển nhiên là ta có thể soạn nhạc vô nghĩa và chêm vào đó vài câu có nghĩa, nghe sâu xa hợp lý để con người chịu lắng ai nghe trọn bản nhạc nhưng ảnh hưởng nói chung là gây xáo trộn trong các thể của ta. Kỹ thuật đó tạo rối loạn cho đầu óc và khiến trí não lẫn lộn. Câu nhạc có nghĩa chỏi với câu vô nghĩa, chúng tác động lên những phần khác nhau trong bản chất con người khiến  các phần này đánh phá nhau.
Con người không hề nghĩ rằng đa số những vấn đề trong xã hội là kết quả của âm nhạc xấu, âm nhạc phát sinh từ nguồn thấp thỏi. Đa số những cuộc chiến tranh, cách mạng, xã hội đảo điên và tội phạm có nguồn gốc phần nào từ âm nhạc xấu. Âm nhạc thịnh hành của giới trẻ xác định tương lai của quốc gia và thế giới.
Khi ảnh hưởng của một loại âm nhạc đối với sức khỏe, phản ứng tình cảm, mối liên hệ trong gia đình và xã hội, óc hăng hái hay sự buồn nản v.v. được nghiên cứu kỹ, nó sẽ cho thấy rõ ràng tính chất và nguồn mà nhạc phát xuất. Mỗi khúc nhạc chứa đựng bản tính của nhà soạn nhạc. Nhạc sĩ nào nghiện rượu, ghiền ma túy, đam mê sắc dục hay vướng vào tội phạm có thể làm nhiễm khối lớn lao người do nhạc của họ, nhạc sĩ do đó tác động như là nguồn nhiễm độc. Nếu một nhà soạn nhạc sống trong hoang tưởng thì nhạc của họ có mang tính chất ấy. Mỗi ngày hằng triệu bản nhạc được phát thanh trên radio, truyền hình, băng, trình diễn, dẫn dụ con người vào một trạng thái tâm thần mà đại đa số không hay biết. Nếu nhạc có sự giận hờn, tức bực, hoang mang thì người nghe sẽ đáp ứng với tần số đó và khởi sự biểu lộ cùng đặc tính và triệu chứng như nghệ sĩ; trên sân khấu nghệ sĩ trình diễn điên loạn, trong khán giả nhiều người múa may quay cuồng, la hét không tự kiểm soát là thí dụ rõ rệt cho điều này.
Căn bản của nhạc là sự rung động, hoặc thấp kém hoặc thanh cao, người nghe sẽ dần dần rung động theo nhịp ban đầu của nhạc, và đó là cách nhiễm độc hay thanh lọc các thể. Vì vậy nhạc có trách nhiệm trong việc làm con người trở thành như thế này hay như thế kia, trở thành như họ là; làm cho một quốc gia trở thành y vậy, và luôn cả nhân loại. Cơ thể của chúng ta được tạo dựng theo luật rung động, tần số, chu kỳ. Hoa cỏ, thú vật cũng được tạo theo cùng nguyên lý. Sóng nhạc cho ra hoặc sự hòa hợp hoặc sự rối loạn cho các loài, thí dụ là khi nghe hoài một loại nhạc thì con người sinh ra bệnh gan hay thận hay tim hay da; hoặc nhờ loại nhạc hay nghe mà bạn có sức khỏe tốt đẹp.
Con người lo lắng về phóng xạ nguyên tử mà không hề nghĩ rằng nhạc là một hình thức phóng xạ. Âm thanh phóng chiếu vào cơ thể, não bộ và sinh ra một số ảnh hưởng. Để so sánh thì các nốt  nhạc là nguyên tố của âm thanh, tương tự như  hóa chất là nguyên tố trong hóa học. Nhạc sĩ giỏi là nhà hóa học giỏi biết khi nào dùng nguyên tố nào và dùng bao nhiêu. Những hợp chất hóa học có thể thay đổi tình trạng cơ thể của bạn bằng cách tăng hay giảm hay loại trừ hẳn một nguyên tố nào trong người. Sự thay đổi hóa học này tạo nên thay đổi trong tâm lý, hành vi, cách suy nghĩ, cảm xúc v.v. của ta.


Như thế, khi lắng nghe nhạc bạn phải biết là mình đang hấp thu các nguyên tố  âm thanh vào người. Âm thanh kiểm soát cách làm việc của tế bào, phản ứng hóa học và hoạt động của các tuyến nội tiết. Lúc này ta chưa có máy để chứng tỏ sự kiện này, nhưng quan sát lâu dài và thí nghiệm với nhạc sẽ khiến không ai còn nghi ngờ về sự thay đổi hóa học trong người của nhạc. Không phải tình cờ mà một cách giúp người có bệnh tâm thần là để họ nghe kinh cầu, vì nhịp điệu của lời kinh có tác dụng xua đuổi hoang tưởng, tái lập quân bình và ổn định theo luật rung động.
Ảnh  Hưởng
Nhạc của một đại nhạc sư có tác dụng thay đổi tùy theo bản chất của người nghe và cách nhạc sĩ trình diễn. Nếu người trình diễn hòa được tâm mình với tâm thức của nhà soạn nhạc và không phát ra tình cảm hay tư tưởng chỏi nghịch với nhạc sư, và nếu có kỹ năng đầy đủ, thì họ sẽ truyền được làn rung động ban đầu của nhà soạn nhạc với sự chính xác cao độ. Tuy nhiên không có mấy nghệ sĩ trình diễn làm được như vậy, thường là họ chỉ máy móc phát ra nhạc mà không có tinh thần của nhạc sư  đi kèm. Khi chính nhà soạn nhạc chơi nhạc của họ thì ta có trọn những cảm xúc và tư tưởng mà họ gửi gấm trong nhạc, thêm vào đó nhạc còn phải có hứng khởi, nhạc sư  truyền hứng khởi vào nhạc úc mà họ tiếp xúc được với nguồn cảm hứng từ trên cao.
Nhạc hay, hoặc nhạc do nghệ sĩ có nguồn cảm hứng cao và có thể truyền đạt nó một cách trung thực không bị biến đổi, có những ảnh hưởng tổng quát sau:
1. Nó cho bạn năng lực về cả ba mặt thể chất, tình cảm và trí tuệ.
Khi bạn nghe nhạc mà cảm thấy kiệt sức hay trí não hoang mang, hóa hay quên, đâm ra lười biếng thì hãy đổi loại nhạc. Nhạc thật sự sẽ nuôi dưỡng não bộ và kích thích luân xa các thể, kết quả là sự tiêu hóa cải thiện, ký ức bạn sắc bén hơn, bạn thấy mình tỉnh táo, óc quan sát bén nhậy và bạn thích giải quyết vấn đề.
2. Nó chuyển hóa bản tính của bạn.
Nhạc hay sẽ làm tình cảm bạn được quân bình và bản chất bạn biến đổi. Bạn thay đổi cách suy nghĩ, cảm xúc và hành động, hóa tốt lành hơn.
3. Nó sinh ra lòng dứt bỏ mà bao trùm.
Lòng bạn dần dần sinh ra tánh dứt bỏ, bạn không còn muốn bấu víu vào người hay vật, những gì vật chất không còn sức quyến rũ đối với bạn, nhưng lòng dứt bỏ ấy không chế ngự bạn và không làm bạn thành sinh vật cô đơn. Ngược lại bạn dứt bỏ sự quyến luyến hay đồng hóa với hình thể và các điều ham muốn, và đồng hóa với mỹ lệ, minh triết và phần tinh thần ẩn sâu trong kẻ khác hay hình thể khác. Óc bạn hóa ra khoan dung, có tính bao trùm và không gì có thể biến bạn thành kẻ nô lệ hay chơi thủ đoạn với bạn.
4. Nó phát triển cảm nhận về sự Vô Hạn (Infinity).
Cảm nhận này là quan năng rất hiếm; nhờ nó ta thấy được Vô Hạn và sống trong Vô Hạn, trong thế giới không cùng. Người như vậy thấy rằng mọi hình thể của sự sống vô tận. Họ biết sự Vô Hạn này sẽ luôn luôn có trong lòng họ nên đối đãi người khác hay sinh vật khác không dựa trên việc quen biết mới có hay đã lâu, mà là sự kéo dài vô hạn. Cảm nhận về Vĩnh Cửu làm con người phát triển ý thức về mọi vật đang hiện hữu.
5. Nó phát triển cảm nhận về tự do và hoan lạc trong thiên nhiên và từ những cõi cao, sinh lòng an nhiên tự tại. Sự tự do làm con người không bị vướng mắc vào ảo ảnh, dục vọng; họ lập tức cảm biết chướng ngại bao quanh và không để cho ai khác khiến họ bị nô lệ vào ảo ảnh hay ham muốn của kẻ đó.
6. Nó tạo lòng hăng hái và mỹ lệ hướng đến sự toàn thiện.
Ý thức mỹ lệ làm người ta thấy được nét bất toàn đằng sau mỹ lệ giả tạo; nhạc loại cao gia tăng trong lòng bạn sự hăng hái tiến đến việc đẹp đẽ, hoàn thiện hơn. Nó khích động những trung tâm lực cao khiến chúng làm thay đổi cá tính, thúc giục con người tiến lên cao hơn, tiến tới trước, chiến thắng bản tính mình.

Cách  Nghe  Nhạc.
Thoải mái là điều rất quan trọng mà thường thì người ta không nghe nhạc trong trạng thái thoải mái về cả thể chất, tình cảm và trí não. Cơ thể thoải mái là bước đầu tiên phải có, vì căng thẳng ra sao thì cơ thể bạn có phản ứng thế ấy đối với nhạc. Thí dụ là khi bạn ném quả banh vào bức tường đá banh sẽ dội lại mạnh mẽ, nhưng nếu thẩy banh vào tấm màn vải thì banh rơi xuống phía trước màn. Những chỗ căng thẳng trong người bạn sẽ chịu tác động mạnh của nhạc, còn chỗ nào thoải mái sẽ tiếp nhận mà không sinh ra phản ứng.
Để cho nhạc tạo nên ảnh hưởng đồng đều trong cơ thể bạn, thân xác phải hoàn toàn thoải mái, và rồi nhạc sẽ thấm nhập mọi phần trong thân xác. Mục đích nghe nhạc của ta là để tạo sự hòa hợp bên trong cơ thể, sự hòa hợp này sẽ làm cho bạn mạnh khỏe, có sức mạnh, sinh lực và tái tạo trọn hệ thống. Chỉ cơ thể nào thoải mái mới có thể hấp thu nhạc và tự tái tạo mình.
Bước thứ hai là giữ cho tình cảm thật yên lặng. Những tình cảm khác nhau trong người cho ra phản ứng khác nhau với nhạc, giống như các loại sóng khác nhau phản chiếu ánh trăng theo cách khác nhau. Biển tình của bạn phải lặng lẽ hết mức; khi thể tình cảm chao động lắng nghe nhạc, nhạc sẽ kích thích phần này và gây bải hoải phần kia, con người rơi vào trạng thái mất thăng bằng sâu đậm hơn nữa. Chuyện hay thấy là người ta có hành động, thái độ hay quyết định cực đoan sau khi nghe nhạc trong trạng thái căng thẳng. Khi đó, lòng sầu não, đau khổ, ghen tị, ghét bỏ, thù hận trong ta nghe nhạc và trở nên mạnh mẽ hơn.
Mỗi cảm tình này diễn dịch nhạc theo ý riêng của chúng và mục đích hay ý chính của nhạc mất đi, không đạt được. Mỗi cảm xúc là một xoáy rung động và mỗi xoáy phản ứng khác nhau đối với nhạc; khi ta làm dịu tình cảm và lặng lẽ an tĩnh, thể tình cảm trầm lại giống như  mặt hồ yên tĩnh qua cơn giông. Sau khi nghe nhạc, những xoáy tiêu cực mất đi cường độ của chúng và bắt đầu hòa với trọn thể tình cảm, và có thể đôi xoáy như vậy mất đi. Ngược lại khi cơ thể và tình cảm không thoải mái khi nghe nhạc, vài nơi trong thân xác sẽ tỏ ra khó chịu, yếu đi hoặc ngay cả thấy đau đớn.
Chuẩn bị kế là tạo sự an nhiên cho tâm trí, không lo lắng, phiền muộn, sợ hãi, có huyễn tưởng, kiêu căng. Hãy để cho mọi căng thẳng như thế rời khỏi tâm trí bạn và biến mất; bằng không, giống như khi nghe nhạc mà tình cảm xao động, tâm trí căng thẳng nghe nhạc cũng tạo nên rối loạn trong thể trí  vì chúng sẽ hấp thu năng lực của nhạc, trở nên mạnh hơn và hung bạo hơn.
Vậy thì ta nghe nhạc với trọn thân hình, trọn các thể, làm như cả cơ thể là một vành tai khổng lồ. Ta phải nghe nhạc đồng thời với thể tình cảm và thể trí, và sẽ kinh nghiệm việc nhạc tuôn tràn vào ba thể, chữa lành, thanh tẩy, củng cố và hòa hợp mọi cơ quan, tuyến, trung tâm lực, làm biến thể trọn con người.
Có đề nghị là không nên nghe nhạc trong lúc ngủ, vì nó có thể kích thích não bộ tạo nên xáo động liên hệ; nó cũng có thể cầm giữ bạn ở những cõi thấp và không cho bạn thực hiện những phận sự cao hơn.
Nhạc trị hay chữa bệnh bằng nhạc là một trong những khoa học của tương lai, nó sẽ cần dụng cụ tinh vi như là nhạc cụ để diễn đạt loại nhạc thiên thần (xin đọc bài Scriabin), hoặc  máy đo cảm ứng của nhạc đối với từng bộ phận của cơ thể; hay là trị liệu viên có thông nhãn và thông nhĩ để áp dụng nhạc đúng cách mang lại sự biến thể (transformation). Thí dụ họ mô tả cách trung tâm lực thể phách nở rộng ra sao, có những mầu sắc gì khi nghe một bản nhạc, và luân xa tim nở lớn hấp thu prana trong không gian, có những đường kinh được tạo nối liền các trung tâm lực của các thể thành mạng lưới.
Phát triển khác về nhạc còn là sẽ có một loại nhạc được soạn giúp con người tách ra khỏi xác thân để bước vào những cảnh giới cao hơn, và ta cũng đừng quên rằng nhạc thích hợp được cho phát ra lúc con người qua đời và sau đó, sẽ giúp ích rất nhiều cho họ trong việc từ giã cõi trần và bước vào đời sống mới.
Khi con người trở nên toàn thiện trong ba cõi và hòa làm một với Chân ngã, họ là nhạc được biểu lộ một cách độc đáo. Mọi bộ phận, trung tâm lực, các hệ trong người cuối cùng phát triển chu kỳ riêng của chúng, và hòa hợp liên kết với nhau. Mới đầu chúng phát ra các nhạc điệu rồi ta có bản hòa tấu, như vậy con người trở thành nhạc sống động trong thiên nhiên, và nằm sau tất cả những điều này là luật rung động. Ta sẽ thấy trọn sự Sáng Tạo là nhạc dựa trên ba ý niệm — hòa điệu, duy nhất và tổng hợp — và làm ngược lại ba nguyên tắc này sẽ tạo nên rối loạn kèm hệ quả đau khổ.
Nhạc được gọi là ngôn ngữ của thần linh, thế giới được tạo ra khi Thượng Đế xướng âm, và sự biểu lộ hay vạn vật hữu hình là âm nhạc cô đọng.
Torkhom Saraydarian
The Creative Sound