NHẠC THIÊN NHIÊN
và SCRIABIN

Nghe Scriabin- Poem of Fire:

 

 

Khi Beethoven viết hòa tấu khúc Pastoral Symphony, tuy có thể ông mô tả cảm xúc của người đối với thiên nhiên nhưng ông không hề làm vang lên âm nhạc của chính Thiên nhiên, vì nói cho cùng tiếng hót của chim khuyên véo von thế mấy cũng không làm nên bài thơ đồng nội, hay tiếng trống dồn dập gợi ý giông bão sấm chớp cũng không nói lên hết cảnh thôn dã. Việc đưa ra những nét thấp thoáng ẩn hiện này của thiên nhiên  chỉ muốn nói con người chưa thấu đáo chiều sâu của sự việc, nó gợi ra hình ảnh trẻ nhỏ cầm cây viết chì nghĩ rằng vẽ hình người lớn thì vẽ bộ râu là đủ. Nhưng thời khắc thuận tiện  cho nhạc về Thiên nhiên chưa đến vào giai đoạn của Beethoven, mà dù có được vậy, Beethoven cũng không sao soạn nên loại nhạc đó — vì ông thiếu điểm chính yếu là sự tinh tế.

Ai lắng nghe tiếng chim ríu rít, tiếng gió rì rào êm nhẹ trong tàng cây, tiếng róc rách reo vui của nước len lỏi qua những hòn cuội trong lòng suối và tìm cách bắt lấy âm thanh lúc có lúc không này hẳn ý thức rằng nốt nhạc chính trong thiên nhiên là sự tinh tế rất mực của nó. Các nốt thay đổi luyến láy vô hồi đầy quyến rũ nhưng về một mặt lại đơn điệu hết sức duyên dáng. Nếu con chim thực sự hót thành bài thì nó sẽ có tính đều đặn mực thước làm mất đi nét thơ mộng — tiếng hót chẳng mấy chốc hóa thường; nhưng tiếng hót của chim cưỡng hay sáo đen không hề giống vậy, nó luôn luôn trốn lánh khiến ta không định nghĩa được và ấy là tại sao ta thích tiếng hót.
 Nếu nghĩ đến câu nhạc mở đầu của bản L'Après-midi d'un Faune của Debussy, nét tinh tế này làm ta chú ý ngay; tình cảm trong bài tỏ ra êm dịu, nhẹ nhàng, mơ hồ man mác – vì Debussy là nhà soạn nhạc đầu tiên quay lưng hẳn với con người để viết nhạc Thiên nhiên thuần túy và giản dị. Sứ mạng của ông là bắt đầu ở nấc thang thứ nhất của đường tiến hóa thiên thần, làm vang vọng âm nhạc của chú lùn và tiên nữ, thủy tiên và vân tiên. Vì vậy theo bản năng ông viết những bài nhạc thơ có tựa là Nuages (Mây), La Mer (Biển), Jardins sous la Pluie (Vườn dưới Mưa), Reflets dans l'eau v.v. Quả là ông tạo được tiếng tăm khi soạn vở nhạc kịch theo tác phẩm Pelléas et Mélisande của Maeterlinck, nhưng tính xa vắng của vở kịch này hấp dẫn ông mà không phải là nhân tính trong kịch.


Vì vậy kết quả là chuyện khác thường – nhạc cho tinh linh hòa với vở kịch về sự ghen tuông của người trở thành lạc điệu, và đó là lý do khiến ta không thấy thỏa mãn cho lắm với vở nhạc kịch của ông; nó quá gượng gạo và mong manh, và có lúc ta bắt đầu cảm thấy kịch dài quá. Nhưng ấy là bởi nhạc tinh linh không thích hợp cho nhạc kịch chút nào cả, trừ phi đề tài là chuyện thần tiên hay lấy từ trong thần thoại; bởi lẽ tinh linh không biết đam mê hay sầu bi, và cũng không có óc luân lý như ta hiểu; đặc tính nổi bật nhất của chúng là lòng vui sống joie de vivre.
Chúng nhẩy múa, ca hát, tắm mình trong nắng hay trong ánh trăng, thích nhồi nắn mây thành thiên hình vạn trạng, thích chọc phá nhau và biến hình thành nhiều dạng khác, y như trẻ con thích mặc y phục người lớn hóa trang.

Thực vậy chúng rất giống trẻ con và có ái tính đặc biệt với trẻ, thường chơi đùa với trẻ nào thấy được chúng. Dĩ nhiên cha mẹ nào không biết điều này, khi nghe con thuật lại cuộc chơi với tiên nữ, nghĩ rằng đấy chỉ là chuyện tưởng tượng; nhưng không phải vậy, vì rất thường khi trẻ nhỏ thấy được cõi vô hình tuy khả năng này mất đi lúc lớn. Khi nghe cha mẹ cho rằng ấy là chuyện vô lý thì trẻ có khuynh hướng che dấu khả năng tự nhiên này và kết quả là chúng suy tàn dần.
Ta không cần đi sâu vào chi tiết rườm rà liên can đến các nhạc phẩm của Debussy, mà chỉ cần nói là nó tương tự như âm nhạc tinh tế trong Thiên nhiên, tuy vậy chỉ những ai có thông nhãn (clairvoyance) mới ý thức được là nét tương tự ấy vĩ đại như thế nào. Vì điều gì có thể nghe bằng tai thường như tiếng gió rì rào, tiếng suối róc rách thì chỉ là sự biểu lộ bên ngoài của nhạc Thiên nhiên; còn có một bài hát bên trong do từng chuyển động của lá tạo nên, cánh bướm đập, và ngay cả của cánh hoa khi chúng nở ra dưới ánh nắng mặt trời. Và đó là điều mà Debussy diễn tả tới tận cùng khả năng có thể có của nhạc cụ hiện đại.
Dù không bàn rộng ra, có một chữ có thể nói về tính sáng tạo đáng phục về hòa âm của Debussy. Lý do là Debussy quan tâm đến việc tạo ra nhạc tinh linh cõi trần; cõi này gần con người nên quen thuộc với ta hơn là cõi khác xa xôi hơn –  xa xôi cô tịch chỉ theo nghĩa nào đó vì bình thường thì chúng ngấm sâu vào phần vật chất; và ông soạn ra nhạc thuần về cõi này nhiều hơn các nhà soạn nhạc về sau soạn nhạc ở cõi tình cảm. Nói khác đi nhạc của ông trọn vẹn hơn các nhạc sĩ thế hệ sau. Nhưng nói cho cùng thì nó có giới hạn của nó mà Debussy là người đầu tiên lên tiếng nhận biết. Có lần ông nói với Cyril Scott 'Tôi đã tới hết khả năng của mình, thông điệp của tôi không nhiều, có vẻ như tôi đã sử dụng hết mọi điều làm được và không thể bung ra theo hướng khác.' Có phải là ông cảm nhận bằng trực giác là đời mình sắp xong ? Có thể lắm, vì ông thốt ra lời trên không lâu thì mắc bệnh rồi qua đời. 
Nhưng có người nối nghiệp ông về mặt âm nhạc, làm sứ mạng của ông phong phú hơn và mở rộng ảnh hưởng của ông. Nói như vậy không có nghĩa Ravel là 'phó bản' của Debussy, mà đúng ra ông là một biến thể của nhạc sư này. Thực vậy, Ravel tạo nên nhịp cầu nối liền giữa nhạc của tinh linh và của thiên thần cấp dưới – những Vị cư ngụ ở cõi tình cảm. Bởi Ravel không chú tâm hẳn vào một bên mà  tới lui qua lại giữa thế giới của tinh linh cõi trần và những cư dân ở cõi cao hơn, ông là bước cần thiết để dẫn tới thông điệp của Scriabin sau đó.


Ravel tự đặt cho mình sứ mạng cao cả là trưng ra nét đẹp của việc xấu xí trong Thiên nhiên, có vẻ như ông làm vậy một cách vô thức, khác với Moussorgsky cũng làm chuyện tương tự nhưng thuộc về thế giới con người. Ta phải nhìn nhận rằng khi nhìn toàn vẹn khía cạnh xấu xí của Thiên nhiên thì sẽ thấy có nhiều vẻ đẹp trong đó, và nỗ lực này của Ravel diễn tả qua bản Le Gibet thật đặc sắc tuy rằng ta phải lắng nghe với cảm xúc của mình mà không phải với trí não. Phần nhạc trong vở nhạc kịch 'Heure Espagnole' được gợi hứng mà trực giác của ông nắm bắt được phần nào. Cảm biết ấy khiến ông đặt tên thích hợp cho đa số khúc nhạc, chỉ có thi sĩ hướng tới tinh linh mới chọn Thủy Tiên làm tên ca khúc, và chỉ có người yêu thiên nhiên mới nẩy ra ý nghĩ tuyệt diệu là soạn nhạc tả lại lịch sử thiên nhiên.
Từ khi Debussy và Ravel làm lan rộng ảnh hưởng của mình, thái độ con người đối với chuyện 'vô hình' có sự thay đổi thấy rõ. Tạp chí phổ thông cho đăng những bài về tinh linh, tiên nữ  như là sự kiện có thể có mà không phải chỉ là sản phẩm của óc tưởng tượng; mối quan tâm về chuyện thần tiên trong dân gian tăng gia rộng rãi, và các học giả xuất bản sách về truyền thuyết dân gian tại các nước khác nhau. Khoa tâm linh học được tin tưởng mạnh mẽ hơn, cũng như số người có cảm nhận siêu hình tăng dần và thay vì bị chế nhạo là mơ mộng viễn vông, lời xác quyết của họ nay được coi trọng hơn khi trước. Nói tóm tắt thì hố ngăn cách giữa cõi hữu hình và cõi vô hình đang dần thâu ngắn lại.

Alexander  Scriabin  (1870 – 1915)
Người Diễn Giải Thiên Thần.
Không có gì lạ cho lắm khi những tác phẩm ban đầu của Scriabin mang nặng tính chất của nhạc Chopin, vì sự thanh nhã và tinh tế có liên quan mật thiết với nhau. Vậy thì lòng ưa chuộng của Scriabin đối với đặc điểm của Chopin được dựa trên nguyên do tâm lý hơn là âm nhạc. Từ sự thanh bai rất mực và do đó tinh tế hóa bản chất con người, Scriabin chuyển sang thế giới loài khác loài người và sau rốt trở thành người trưng diễn hàng đầu loại âm nhạc thiên thần; ông là người đầu tiên sinh ra để làm công việc ấy. Ông cũng là nhà soạn nhạc đầu tiên người Nga phối hợp hiểu biết lý thuyết về huyền bí học với nghệ thuật âm thanh.
Scriabin biết rằng mình có thông điệp tinh thần truyền đạt cho thế giới, và có thể truyền đi bằng âm nhạc; ông không tin vào chủ trương 'Nghệ thuật vị nghệ thuật', quan điểm ấy không thu hút được tâm tánh thần bí của ông; ông muốn làm lợi cho nhân loại và hứng khởi này thúc đẩy khiến ông tỏ ý là ngày mà ông vui nhất trong đời là ngày tấu khúc chính của ông chef d'oeuvre được trình diễn trước công chúng.
Theo dự tính đại tác phẩm này có tên là bản Misterium và Scriabin dành ra 15 năm cuối trong kiếp sống ngắn của ông để làm hoàn thiện nó. Chẳng những tấu khúc được sắp xếp nhằm diễn đạt các ý tưởng tinh thần của ông mà còn tạo ra ảnh hưởng tâm linh thực sự cho người nghe. Hơn nữa ông muốn nó được tấu lên dưới hình thức một buổi lễ, trong đó nghệ thuật các loại phối hợp mà đồng thời cũng khêu gợi cảm quan. Về việc ông qua đời sớm thì có giải thích đưa ra là khác với Cesare Franck một đại nhạc sĩ người Pháp, Scriabin không phải là một Đạo gia được huấn luyện và làm việc dưới sự giám thị của một Chân sư; vì thế khi tiếp xúc với thiên thần ở những cõi cao ông khiến cơ thể mảnh mai của mình phải chịu căng thẳng quá mức, làm nó dễ bị các tà lực tấn công. Bởi ông không có thông nhãn (clairvoyance) và cũng không có hiểu biết cần thiết, ông không thể đẩy lui chúng. Hơn thế nữa, quyền năng của thiên thần gợi hứng cho ông bị giới hạn trong những cảnh nơi các vị ấy sinh hoạt,  họ hóa bất lực không bảo vệ được nhạc sĩ; thế nên Scriabin tạ thế lúc 43 tuổi với tấu khúc vĩ đại nhất của ông còn dang dở.


Năm 1910, nhạc khúc Prometheus hay Thơ Lửa được hoàn tất và hiển nhiên đây là tác phẩm hoàn bị nhất trong các sáng tác của ông. Lúc đó Scriabin đã khám phá ra hệ thống hòa âm mang đặc tính thiên thần rất mạnh mẽ, và trong nhạc khúc này ông sử dụng hòa âm đó ở mức tối đa. Dầu vậy ảnh hưởng chưa được như ý nguyện và có lời phê bình bất mãn, tuy nhiên ta được giải thích là cần phải có nhạc cụ đặc biệt để chơi loại hòa âm thiên thần, mà chưa tới ngày giờ để sáng chế ra chúng (xin dọc thêm bài Nhạc và Ý Tưởng trong số này).
Đặc tính thiên thần trong nhạc của Scriabin không phải chỉ thấy trong cách hòa âm, mà còn có thể nhận ra được qua sự tưng bừng rộn rã và nỗi ngất ngây là hai điều tràn ngập gần như trọn tấu khúc Prometheus. Ấy là nỗi ngất ngây hoàn toàn khác hẳn với cũng tính chất ấy do nhạc Wagner tạo ra mang trọn vẹn nhân tính. Nhạc khúc tỏa ra nét đáng yêu nồng đậm mà không phải là nét đáng yêu trần tục; nó lên tới tột đỉnh là sự vinh quang không sao diễn tả bằng lời; đó là sự tuyệt mỹ không thể so sánh với với bất cứ điều gì ta đã thấy hay kinh nghiệm ở cõi trần. Nó là sự vinh quang của các bậc Siêu phàm, chói sáng bao mầu sắc không tưởng tượng được, và vang vọng trong không gian thăm thẳm là điệu nhạc của các ngài.
Scriabin được gợi hứng mạnh mẽ để diễn giải đường tiến hóa của thiên thần tới mức ông cảm thấy cần phải sử dụng ánh sáng phối hợp với phím đàn để chơi chung với giàn nhạc; lòng ưa thích sâu đậm các nốt luyến láy cũng do cùng một nguyên nhân mà ra. Ai có thông nhãn loại cao có thể thấy được   Thiên thần nơi cõi cao cho ta biết rằng các ngài nhấp nháy sáng với mầu sắc hết sức tuyệt mỹ. Mầu của địa cầu, ngoại trừ các mầu do lửa sinh ra hoặc thấy lúc trời chiều, là mầu chết; nhưng trên các cõi thanh tất cả mầu đều sống động và rung cảm mạnh mẽ. Thêm vào đó mầu sắc, mùi hương, âm nhạc được hòa hợp mà không khêu gợi chỉ từng cảm quan riêng biệt như ở cõi vật chất. Do đó khi Scriabin nhắm đến việc tổng hợp mọi ngành nghệ thuật là ông đang nỗ lực chứng minh luật Tương Đồng 'trên sao, dưới vậy'.


Ta nên nhớ rằng Scriabin tiếp xúc được với thiên thần trên đường tiến hóa loại cao hơn Debussy được biết.  Dù sáng tác của Debussy có tuyệt mỹ, chúng không mang lại nỗi ngất ngây hay nét cao cả mà nhạc của Scriabin trưng ra. Ông soạn nhiều thể loại nhạc nhưng không hề tìm cách tổng hợp tính chất Thiên thần với nhân tính, nhạc của ông hiếm khi chạm đến con tim — mà có một điều gì vô tư trong đó, thật ngất ngây. Tuy vậy nhạc không biến ta thành lạnh lùng, mà trái lại nó khuấy động sức sống trong ta, làm khơi dậy những tình cảm khó diễn dịch thành lời hơn là loại cảm xúc nào do bất cứ nhà soạn nhạc nào trước đó gợi nên.
Vừa rồi là nhận xét của một nhà soạn nhạc (Cyril Scott) về một nhà soạn nhạc khác (Scriabin) theo sự hiểu biết bí truyền. Nay ta trình bầy thêm vài quan điểm, trước tiên là của một nhà soạn nhạc khác cũng người Nga, Vladimir Ashkenazy:
- Tôi xem Scriabin là một trong những nhà soạn nhạc vĩ đại nhất ... Nhạc của ông có lý tưởng độc đáo ... Căn bản cho tư tưởng của ông là niềm tin không gì hủy hoại được, và là sự trung tín với nhạc như phương tiện để nâng cáo tinh thần con người và mang lại sự sáng, điều thiện và chân lý. Tuy ta không thể nói rằng không hiểu triết lý của ông thì không sao hiểu được nhạc của ông, nhưng người ta thông hiểu sâu xa hơn nhạc của Scriabin nếu xem xét về điều chi đã thúc đẩy ông. Ta không thể tách rời con người triết lý khỏi nhà soạn nhạc sáng tác ra âm nhạc đẹp đẽ dường ấy.
Vậy thì triết lý của Scriabin là sao ? Ông Boris Schloezer, người Nga, là người viết tiểu sử của Scriabin, tiết lộ rằng  nhạc sĩ chịu một ảnh hưởng duy nhất hết sức mạnh mẽ từ bên ngoài là MTTL. Một tác giả khác là ông Faubion Bowers cũng viết tiểu sử Scriabin cho thêm những chi tiết sau, theo đó vào đầu thế kỷ 20 nhạc sĩ đọc tác phẩm The Key to Theosophy của bà Blavatsky (bản dịch Pháp ngữ) và ghi lại cảm tưởng của mình:
'Bạn sẽ kinh ngạc khi biết là sách đi sát với suy nghĩ của tôi như thế nào'. (5 tháng 5, 1905)
Bowen viết tiếp rằng 'từ đó trở đi càng lúc ông càng có nhiều bạn hữu và người hâm mộ thuộc hội Thông Thiên Học'. Bạn đồng nghiệp của Scriabin thì cho biết 'những cuộc trò chuyện của nhạc sĩ chứa đầy MTTL và về con người của bà Blavatsky'. Quyển Secret Doctrine bản dịch Pháp ngữ là một trong những tài sản được ông quí chuộng nhất.
Năm 1922, căn apartment của ông tại Nga được chỉ định là một bảo tàng viện quốc gia, và được trùng tu để có lại hình thái y hệt như lúc ông sinh tiền. Sách của ông, kể luôn cuốn Secret Doctrine, được tìm kiếm và mua lại. Căn apartment này, theo tác giả Bower, có ảnh hưởng hết sức mạnh mẽ đối với các nhà soạn nhạc đang lên, và là nơi tụ họp của thanh niên.
Sau khi có tiếp xúc với MTTL, sáng tác của Scriabin trở nên thấm đượm tính chất thần bí. Nhà nhạc học Gerald Abraham so sánh tấu khúc đầu tay của ông viết cho dương cầm và được soạn vào năm 1896 – 1897, với tuyệt tác của ông là hòa tấu khúc thứ năm hay Prometheus soạn vào năm 1909 – 1910, và bình luận:
'Chuyện khó mà tin được là chỉ trong 13 năm một nhà soạn nhạc có thể biến đổi từ tấu khúc có tính Chopin với nét duyên dáng, thanh nhã sang một sáng tác được xem là tiên phong hàng đầu vào thời của ông.'
Bower nhận xét:
'Đặc biệt có ít soạn nhạc gia mang tính cách thần bí như  Scriabin. Người tương tự như ông không gặp trong nhạc mà trong thơ như thi sĩ William Blake hay trong họa như họa sĩ Nicolas Roerich ... Trên hết thẩy triết lý của Scriabin muốn có sự biến đổi tính chất trong nhạc.
Nhạc sĩ muốn đánh thức con người trở lại về chính mình. Scriabin viết 'trong những điều huyền bí cổ thời có việc biến hình thật sự, những điều mật truyền có thật và chuyện linh thiêng' nhưng 'người của thời đại chúng ta đã quên quyền năng khi xưa'. Khi người của thời đại tìm cách đặt điều rằng bà Blavatsky là kẻ giả mạo, Scriabin bênh vực bà 'bằng cách nói rằng các nhân vật thực sự cao cả phải bị rơi vào mưu mô sắp đặt để gây tai tiếng cho họ.'
Năm 1987 quyển tiểu sử Scriabin bản dịch Anh ngữ của tác giả de Schloezer được xuất bản lần đầu. Rải rác trong sách là nhiều đoạn nói về MTTL và bà Blavatsky, thí dụ như tác giả viết đoạn sau:
'Ông cảm thấy sự phát triển của mình có là nhờ quyển Secret Doctrine của bà Blavatsky, thực vậy ông hết lòng ngưỡng mộ bà Blavatsky cho đến cuối đời. Đặc biệt ông cảm thấy thích thú lạ lùng về lòng can đảm của bà đã soạn ra một triết lý vĩ đại tổng hợp, về sự uyên bác thâm diệu của những ý niệm mà bà nêu ra; ông ví chúng tương tự như sự vĩ đại của những vở nhạc kịch của Wagner ... Viễn kiến có tính chất MTTL về thế giới được dùng làm động lực cho sáng tác của riêng ông. Scriabin nói với Schloezer tại Moscow "Tôi sẽ không tranh luận với bạn về chân lý của MTTL, nhưng tôi biết rằng tư tưởng của bà Blavatsky đã hỗ trợ tôi trong việc sáng tác và cho tôi sức mạnh để làm tròn phần việc của tôi." '
Về ảnh hưởng nhạc của ông đối với người nghe, ta được dạy rằng nhạc có tính thần bí của Scriabin không đòi hỏi sự hiểu biết về âm nhạc. 'Nghe' có nghĩa là làm trống vắng con người về tất cả tình cảm, tư tưởng, chỉ để tự nhiên những rung động của nhạc Scriabin thấm vào mình. Sự công hiệu tuyệt vời của nhạc thần bí Scriabin đến rõ rệt khi nhạc được dùng để chuẩn bị thiền định hay đi ngủ, người nghe chỉ cần sử dụng những bản Sonate của ông. Về một khía cạnh, bà Blavatsky có người đồng hương tiếp nối công cuộc của bà trên phương diện vô vi.
Sách tham khảo:
- H.P.Blavatsky by Sylvia Cranston
- The Esoteric Influences of Music throughout the Ages,  by Cyril Scott.
- Tài liệu riêng.