MÀN VŨ

Trong một lần viếng thăm Ấn Độ tôi gặp một người rất kỳ lạ, một thanh niên khoảng 18 tuổi, đi một mình du hành trong nước như các đạo sĩ nhưng anh không phải vậy, mà là vũ công. Anh cho tôi hay sứ mạng anh tự đặt cho mình là làm phục hồi vũ thuật cổ truyền Dravidian của Ấn.  
Cá tính người này làm tôi thấy muốn tránh xa, trông anh ẻo lả, gương mặt có nét sắc dục. Y phục vũ công của anh coi xấu xí theo cái nhìn của người tây phương. Khi vũ thì mặt dồi phấn dầy cộm; anh sơn móng tay, móng chân, đeo thật nhiều nhẫn, vòng cánh tay, vòng cổ tay, vòng cổ, vòng cổ chân, trâm cài tóc, và quấn mảnh da báo. Tóc anh dài, chải như đầu tóc phụ nữ; trọn bộ dạng trông thật kỳ quặc. Tuy bề ngoài của anh làm tôi dội ngược, tôi lại bị cảm nghĩ của anh về sứ mạng của mình và lòng tận tụy yêu nghề thu hút. Anh được mời trình diễn cho chúng tôi và tôi mời anh lên phòng, hỏi có thể xem anh chuẩn bị cho màn vũ. Thanh niên đeo trang sức và tô điểm cho gương mặt tới khi trông anh giống như pho tượng biết cử động, trong đền thờ khuất kín ở núi thẳm hang sâu.

Rồi anh vũ. Vũ Ấn Độ có nhiều tư thế hơn là cử động trong không, tuy nhiên làm như trọn thân  hình được sử dụng. Mỗi ngón tay, ngón chân, cánh tay, chân và đầu trên cổ tất cả đều cử động kỳ lạ trong màn vũ, đôi khi quái dị đối với nhãn quan tây phương, và nhất là kiểu vũ Dravidian.
Trong một phần của màn trình diễn, người này biểu diễn một loạt nhiều tư thế hết sức khó làm, đòi hỏi có sự thăng bằng và phối hợp tuyệt diệu của tâm trí và bắp thịt, trọn cử động uốn lượn trôi chẩy lạ lùng. Khi xem cả màn vũ và những tư thế, mới đầu tôi chán ghét. Rồi, đột nhiên tôi thấy trọn màn trình diễn thay đổi, hóa sống động. Tôi bắt đầu nhận ra mục đích và ý nghĩa của nghệ thuật lạ lùng và cổ xưa này. Tôi thấy là người vũ công đang mô tả diễn trình căn bản vĩ đại, diễn trình của sự sáng tạo,  nhập thế, tiến hóa, hoàn thiện và cuối cùng là sự tan biến của vũ trụ.
Màn vũ bắt đầu với sự ngất ngây khiến vũ công gần như xuất hồn, vì anh tượng trưng cho Brahma, đấng Sáng Tạo lúc ban đầu, lúc vũ trụ chìm đắm trong sự hoan lạc, bình an. Rồi kế đó là âm sáng tạo cất lên, năng lực sáng tạo phát ra khiến sự sống thiêng liêng và tâm thức tràn vào vật chất. Dần dần cử động trở nên trầm lại, khó hơn. Nay anh chậm chạp khuỵu xuống đầu gối và cuối cùng nằm dài, làm như không còn sức sống trên sân khấu. Cử động càng lúc càng rã rời, tiếp tục cho tới khi tĩnh lặng hoàn toàn tượng trưng cho việc tinh thần đi vào vật chất tới chỗ tận cùng và bị nhốt sâu trong đó, hình thể tạm thời làm chủ tâm thức và sự sống.
Nay vũ công bắt đầu cựa mình, làm như lấy hết sức lực anh quỳ lên đầu gối và từ từ gương mặt  có vẻ nghiêm trang nay nở một nụ cười. Cử chỉ của anh trở thành tự do hơn, màn vũ càng lúc càng sôi nổi cho tới tột đỉnh là trở lại sự xuất thần vui cười hớn hở lúc ban đầu. Đây là sự chiến thắng thiêng liêng và mãn nguyện, chấm dứt một đại chu kỳ.

Tôi đã xem lắm tác phẩm nghệ thuật, đã được những hình thức nghệ thuật nâng cao tâm hồn ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng màn vũ do một vũ công miền nam Ấn làm tôi có sự ngất ngây chưa hề gặp bao giờ. Tôi ý thức được giới hạn của anh nhưng tôi cũng cảm biết lần đầu tiên ý nghĩa nằm sau bài thánh vũ là gì. Cá tính của vũ công biến mất, mà Chân lý và Mỹ lệ vĩnh cửu được lộ ra.
Khi trở lên phòng tôi để thay y phục, người vũ công hỏi:
- Ông xem có thích không ?
Tôi cho anh hay cảm nghĩ của mình, anh bảo:
- Đúng đó, ông thấy tại sao tôi đeo bẩy vòng ở cổ tay và cổ chân, bẩy trâm cài tóc, vì số bẩy là con số chủ trì. Mỗi phần của bộ áo, như mỗi cử động của thân hình, đều có tính biểu tượng.
Có thể màn vũ rất tồi, có thể anh là nghệ sĩ hạng bét, không chừng anh là người chẳng đáng gì. Tôi không xét đoán vì tôi thấy người này đã dâng hiến đời mình cho một lý tưởng cao cả, cho công việc làm tỏ lộ thông điệp tinh thần với phương tiện là nghệ thuật cổ truyền. Anh bảo mình sinh sống bằng cách đi lưu diễn trong Ấn độ. Anh đến những đền miếu cổ, học điêu khắc cổ, và từ đó khám phá những tư thế cổ điển đúng cách; và đây là tôn giáo, là cuộc đời của anh. Sau đó tôi nhìn anh ra về, nhập vào dòng người chen lấn trên đường lộ đất Ấn. Cuối cùng, khoảng cách và đám đông xóa nhòa hình bóng thanh niên. Quả thật anh đang theo đuổi ánh sáng và mục tiêu của mình, và tôi thâm tạ anh về cả nghệ thuật của anh và sự tỏ ngộ tôi có được. Tôi nhìn ra nhận xét ban sơ của mình mù quáng tột bực như thế nào, làm sao mà mỗi phần của màn vũ trưng ra một chân lý tinh thần, mỗi trang sức tượng trưng cho ý nghĩa nào đó – và tất cả dùng con số bẩy.

Không lâu sau đó tôi có hân hạnh rất lớn là cũng lần đầu tiên được xem một màn vũ khác do một nghệ sĩ tuyệt vời trình diễn, người có tư tưởng và ý chí vươn cao đến mức đúng thực của tâm thức mà màn vũ tượng trưng. Nghệ sĩ này có quyền năng, mỹ lệ và thiên tài. Trong màn trình diễn tuyệt hảo về vũ cổ truyền thuộc đền thờ Ấn, tôi đã thấy trọn và nhiều lần hơn khi xem thanh niên diễn trong kiểu Dravidian. Lần này màn vũ do nghệ sĩ Rukmini Devi trình bầy.
Đây là loại vũ xưa kia chỉ diễn trong đền thờ và với mục đích thiêng liêng, do vũ viên có thệ nguyện trình diễn, ta thấy trời và đất gần gũi nhau ra sao. Ta cảm nhận Chân lý trong triết thuyết xưa về đại vũ trụ và tiểu vũ trụ là con người, và cả hai không phải là hai mà là một. Trọn thân thể con người vì vậy có ý nghĩa biểu tượng sâu xa, và những phần của nó tượng trưng và cộng hưởng với năng lực và chân lý tinh thần vĩ đại.
Diễn trình của sự sáng tạo vũ trụ được xem như là một cuộc vũ. Hình người trong bài vũ thánh Ấn Độ tượng trưng cho đấng Sáng Tạo, mô tả diễn trình bằng cử động của thân thể, chuyển động của ngón tay, bàn tay và cánh tay, đầu và trọn hình thể, việc sinh ra và cuộc tiến hóa của cả đại vũ trụ và tiểu vũ trụ. Tất cả những cử động phức tạp này có thể miêu tả chân lý tinh thần và tuôn ra năng lực vĩ đại, và tôi tin đây là một phần của nét tinh thần trong nghệ thuật Ấn, nhất là màn thánh vũ.

 

Trích: Sharing the Light, vol. II. G. Hodson.