LỊCH SỬ HỘI TTH VIỆT NAM PHẦN II

1952 – 1974

Cuộc đời bà Helena Petrovna Blavatsky  (1831 – 1891) trải qua ba giai đoạn:
● Từ 1831 đến 1850 bà tự chuẩn bị và mong chờ ý nghĩa tinh thần của kiếp sống.
● Từ 1851 đến 1887, bà thọ lãnh sứ mạng soạn thảo, tổ chức, truyền bá Theosophia Thông Thiên Học. Khi đến năm 1875, bà thành lập The Theosophical Society, tiết lộ Minh Triết thiêng liêng và đề cao mục đích thể hiện bác ái trong tình huynh đệ đại đồng. Theosophia được gom lại trong những tác phẩm Isis UnveiledThe Secret Doctrine.
● Từ 1888 đến 1891, bà HPB thiết lập The Esoteric Section of  The Theosophical Society, sinh hoạt song song với The Theosophical Society một cách vĩnh viễn. Trường Bí Giáo Đông phương này dạy tâm pháp cho những hội viên tình nguyện, quyết tâm phụng sự phong trào Theosophia. Vì vậy mà sau đó, bà phát hành cùng lúc The Key to TheosophyThe Voice of the Silence. Sự hiểu biết chân lý trường tồn, song song với sự thể hiện những đức hạnh Pāramitā, đưa kẻ phụng sự qua bờ bên kia, tiến hóa an toàn.
Theosophia xuất hiện ở Việt Nam từ năm 1928 với sự thiết lập tuần tự hai chi bộ trực thuộc La Société Théosophique de France (Hội Thông Thiên Học Pháp), và tiếp theo là sự hình thành của một chi bộ trực thuộc hội chánh The Theosophical Society ở Adyar, Ấn Độ.
Năm 1928 chi trưởng Georges Raimond thành lập Branch Cochinchine ở Sài Gòn với thư ký là ông Trần văn Sao và hội viên cố vấn gồm các vị Phạm Ngọc Đa, Nguyễn văn Lượng, Nguyễn văn Song, Trần Quang Nghiêm. Năm kế tiếp, chi bộ được sự thăm viếng khích lệ của đức C.W. Leadbeater. Mặc dầu vậy, đến năm 1930 chi trưởng Georges Raimond phải về Pháp và chi bộ đầu tiên đó từ từ tan rã.
Theosophia hồi sinh năm 1934 nhờ những hội viên nhiệt thành kết lại, hồi nhớ sự lưu ý của đức Leadbeater và lập nên chi bộ mang tên ngài. Chi bộ Leadbeater có chi trưởng luân phiên là các ông Soubrier và Timmerans. Những cộng tác viên gồm các vị Phạm Ngọc Đa, Nguyễn văn Lượng, Phan văn Hiện, Huỳnh Bá Nhệ, Trương Khương, Trần văn Sao, Nguyễn văn Song, Nguyễn văn Ba, Nguyễn văn Huấn, Nguyễn thị Hai, Lưu thị Dậu.
Ngày 24-12 - 1935, hội The Theosophical Society ở Adyar cử hành lễ kỷ niệm 60 năm thành lập hội rất long trọng nên chi bộ cử bà Nguyễn thị Hai làm đại diện và dự đại hội thường niên. Sang năm 1936 đức Jinarājadāsa qua viếng Việt Nam. Giữa ngài với nước nhà có nhiều liên hệ thiêng liêng, ngài diễn thuyết hai lần cho công chúng tại Nam kỳ Khuyến học Hội SAMIPIC về Phật pháp, về Tình Huynh Đệ. Năm sau ngài trở lại Sài Gòn để giảng dạy Theosophia cho hội viên. Đến ngày 17 - 11 - 1952, chính đức Jinarājadāsa phê chuẩn sự thành lập Hội Thông Thiên Học Việt Nam. Đó là xứ bộ thứ 50 của hội chánh The International Theosophical Society.
Trong khi thăm viếng tỉnh Bạc Liêu ngày 7 - 3 - 1936 đức Jinarājadāsa có khuyến khích sự thành lập chi bộ Người Phụng Sự. Vì thời cuộc chiến tranh nên đến năm 1940 chi bộ chấm dứt mọi sinh hoạt, trong khi đó chi bộ Leadbeater vẫn tồn tại, mặc dù trong khoảng thời gian 1940 - 1947 chi bộ phải tạm ngưng sinh hoạt do sự áp đặt của chủ nghĩa quốc xã.
Năm 1949, chi bộ Leadbeater đổi tên là chi bộ Việt Nam với chi trưởng Phạm Ngọc Đa và đồng thời chi bộ được trực thuộc Adyar. Giai đoạn chuẩn bị tinh thần từ 1928 đến 1951 được hoàn tất mỹ mãn khi chi bộ Việt Nam sẽ cùng với 6 chi bộ mới khác cùng một lý tưởng, đồng đệ đơn xin với đức Jinarājadāsa thành lập hội Thông Thiên Học Việt Nam.
Thời kỳ từ 1952 đến 1974 là giai đoạn mà phong trào Theosophia được linh hoạt tại Việt Nam nhờ Hội thọ lãnh sứ mạng. Hội tổ chức bầu cử các ban giám đốc, tạo lập thêm nhiều chi bộ, tổ chức thường xuyên việc nghiên cứu, thảo luận trong nội bộ và truyền bá tích cực Theosophia với những phương tiện diễn thuyết công cộng, phát hành những sách vở sáng tác hay những tác phẩm dịch từ Pháp văn, Anh văn.
Tâm pháp là ánh sáng của nhiệt hứng phụng sự mà chư vị huynh trưởng trao lại từ những cuộc thăm viếng của các ngài. Tâm pháp là nếp sống tu hành mà những người chí nguyện trực nhận từ pháp môn Vô thinh của bà Helena Petrovna Blavatsky. Đến năm 1952, lịch sử Hội Thông Thiên Học Việt Nam bắt đầu với sự thành lập xứ bộ The Vietnamese Section of the Theosophical Society. 7 chi bộ sáng lập gồm có:
Chi bộ Việt Nam, chi trưởng Phạm Ngọc Đa.
Chi bộ Kiêm Ái, chi trưởng Phan văn Hiện.
Chi bộ Phụng Sự, chi trưởng  --
Chi bộ Dưới Chân Thầy, chi trưởng Nguyễn Minh Tâm 
Chi bộ Long Xuyên, chi trưởng Phạm Thành Kỉnh.
Chi bộ An Giang, chi trưởng Châu văn Đồng
 Chi bộ Bác Ái ở Tân Châu, chi trưởng Nguyễn văn Lầu,
Hội quán ở địa điểm số 466 đại lộ Võ Di Nguy, Phú Nhuận, Sài Gòn. Cơ sở được xây cất theo đồ án của kiến trúc sư Nguyễn Mạnh Bảo, nhân viên ban giám đốc. Đồ án được hoạch định tỉ mỉ, căn cứ trên số 7 huyền bí do ông cũng là một học giả uyên thâm về kinh Dịch của Phục Hy. Vì vậy mà ông đã theo dõi công cuộc thể hiện từ giai đoạn một. Hội quán gồm có nhà giảng có thể tiếp được 400 người, thư viện, thiền đường. Từ Adyar, bà Rukmini Devi Arundale long trọng đến khánh thành vào ngày lễ Phục Sinh 1952. Bài diễn thuyết đầy ý nghĩa thâm sâu của bà được dịch liền sang Pháp ngữ do giáo sư Marcault, cựu hội trưởng  hội Thông Thiên Học Pháp, và sang Việt ngữ do y sĩ Nguyễn văn Ba trong ban giám đốc.

Hoạt  Động  Của  Hội.
1952 – 1954
Thành phần ban giám đốc nhiệm kỳ 1952 - 1954:
Phạm Ngọc Đa, Hội trưởng
Nguyễn văn Lượng, Phó hội trưởng I
Nguyễn thị Hai, Phó hội trưởng II
Nguyễn văn Tâm, Thư ký
Lưu thị Dậu, Phó thư ký
Nguyễn văn Huấn, Thủ quỹ
Lâm Võ Dụ, Phó thủ quỹ I
Nguyễn văn Ba, Phó thủ quỹ II
Cố vấn: Hồ thị Có, Nguyễn văn Dung, Võ Đình Dần, bà Võ văn Xuổi, Ciavaldini, Lương văn Bồi, Châu văn Công, Nguyễn văn Luông, Nguyễn Mạnh Bảo, Phan văn Thọ.
Hội Thông Thiên Học Việt Nam, vào năm 1952, bắt đầu hoạt động tại hội quán vừa được hoàn tất. Phí tổn xây cất được đài thọ bởi sự đóng góp của hội viên, nhất là ông bà Nguyễn văn Lượng. Ông bà Nguyễn văn Huấn đảm nhiệm việc mua sách Theosophia và tủ kính cho thư viện.
Vào dịp kỷ niệm thành lập Hội, tháng tư năm 1953 ban giám đốc tổ chức một hội nghị tôn giáo với sự hưởng ứng của Phật giáo Đại Thừa, Tiểu Thừa, Tịnh Độ cư sĩ, Tam Tông Miếu, Hội nữ Phật Tử, Cao Đài giáo. Đề tài chung là 'Đời đáng yêu hay đáng chán ?'. Thính giả đến dự khoảng 200. Với động lực đó, ban giám đốc hăng hái sinh hoạt với những cuộc hội họp thường lệ hàng tuần hay hàng tháng. Đó là các buổi học chung, nghiên cứu, thuyết trình, diễn thuyết những đề tài Theosophia căn bản.
Sự truyền bá Theosophia cũng được thực hiện với việc phát hành qui mô, phong phú những sách vở. Ông Phạm Ngọc Đa, biệt danh Bạch Liên, cho tái xuất bản Dưới Chân Thầy của Alcyone, một cẩm nang gối đầu giường. Ông Nguyễn văn Lượng tung ra cho quảng đại quần chúng những sách nhỏ trích dẫn từ The Masters and the Path của Đức C.W.Leadbeater. Chúng nó có những tựa hấp dẫn là:
- Con đường đi đến Chơn Tiên.
- Chơn Sư và Thánh Thể.
- Đức Phật hiện.
- Đức Thầy thâu nhận Đệ Tử.
- Lời dạy của Chân Sư.
Mọi sách vở và những đề tài diễn thuyết đều được quảng cáo trên các nhật báo.
Ban giám đốc đã lo xong phần dịch thuật những tác phẩm Towards the Temple, The Path of Discipleship, Bhagavad Gita. Bài giảng có giá trị của ông Lương văn Bồi được phân phát cho hội viên và những cảm tình viên. Tạp chí Đạo Học là cơ quan chính thức của hội kể từ ngày 15 - 10 - 1953.
Sự hoạt động của các chi bộ hàng tỉnh không khả quan, một mặt vì ít hội viên, mặt khác do tình trạng an ninh. Ở Sài Gòn, chi bộ Kiêm Ái hội họp hàng tuần nhờ nhiệt hứng của chi trưởng Phan văn Hiện.
Ngày 10 - 10 - 1953 có sự khánh thành Viện Mồ Côi của ông bà Nguyễn văn Lượng, xây cất phía sau hội quán. Trên phương diện ủng hộ thì có ông Mai Thọ Truyền, hội trưởng Hội Phật Học Nam Việt. Trên phương diện y tế, Viện được liên tục chăm nom bởi các y sĩ Cao văn Trí, Võ Đình Dần, Huỳnh Công Chiêu, Nguyễn văn Luông, Hà Tố Thuận. Bà Nguyễn văn Lượng nhũ danh Hồ thị Có, đảm nhiệm chức vụ Viện trưởng. Cô nhi viện chỉ nhận nuôi những cô nhi nhà nghèo từ sơ sinh đến 2 tuổi; sau đó cô nhi hoặc được người từ tâm lãnh làm con nuôi, hoặc là được giao lại cho Cô Nhi Viện quốc gia. Viện chăm nuôi 30 cô nhi năm 1954.
Hội được 7 chi bộ với 268 hội viên.
(Dựa theo những phúc trình 1952 - 1954 của hội trưởng là ông Phạm Ngọc Đa)

1955 – 1957
Ban giám đốc nhiệm kỳ 1955 - 1957 có gồm các vị:
Phạm Ngọc Đa, Hội trưởng
Nguyễn thị Hai, Phó hội trưởng I
Cao văn Trí, Phó hội trưởng II
Nguyễn văn Huấn, Thư ký
Cao thị Lan, Phó Thư ký
Nguyễn văn Lưu, Thủ Quỹ
Phạm văn Giáo, Phó Thủ Quỹ
Cố vấn: Nguon Har, Nguyễn văn Ba, Trương Khương, Đinh văn Bách, Phan văn Hiện.
Đại diện của Phong trào Theosophia là Đức N. Sri Ram viếng Việt Nam lần đầu tiên ngày 2 - 3 - 1955. Ngài truyền lại cho Hội ân huệ thiêng liêng từ chiếc nhẫn Sat Chân Lý của bà Blavatsky mà Ngài đang đeo nơi tay mặt. Trong những buổi diễn thuyết, vị hội trưởng The Theosophical Society được các đại diện tôn giáo và hội viên hoan hô nhiệt liệt.
Kế tiếp ngày 31 - 7 - 1956, ông Subramaniam cũng từ Adyar sang thăm viếng hội. Ông liền khuyến khích sự thành lập chi bộ Sài Gòn và chi bộ Leadbeater ở Phú Nhuận. Ông diễn thuyết tại hội quán, Vĩnh Long, Long Xuyên. Đặc biệt tại Châu Đốc, ông thuyết pháp về Phật giáo cho cả 2.000 tín đồ qui tụ tại Bồ Đề Đạo Tràng Bodhi Gaya. Đó là một thành công rực rỡ.
Vào dịp kỷ niệm lần 80 sự thành lập  The Theosophical Society, một phái đoàn của ban giám đốc được ủy nhiệm sang Adyar tham dự. Ông Phan văn Hiện và Trương Khương thành kính lên đường. Hội quán mở cửa mỗi ngày để cho mượn sách. Thư viện đã có được khoảng 300 quyển vừa bằng Pháp ngữ vừa bằng Việt ngữ. Hội họp, học hỏi, diễn thuyết vẫn được tổ chức đều đặn mỗi sáng chủ nhật. Bà Cao thị Lan lãnh việc tiếp khách cùng cho mượn sách. Dù tài chánh eo hẹp, tạp chí Đạo Học, cơ quan ngôn luận của hội vẫn được phát hành hàng tháng.
Quyển The Occult Evolution of Humanity đã được dịch xong. Bộ Đạo Lý Thực Hành của ông Bạch Liên được phổ biến. Quyển Dưới Chân Thầy được tái bản thêm 5.000 quyển. Hội hoan nghênh sự thành lập 4 chi bộ mới. Đó là:
- Chi bộ Chơn Lý ở Huế (1955), chi trưởng Nguyễn Phước Hòa Giai.
- Chi bộ Nhơn Ái ở (Sóc Trăng) chi trưởng Trương Khương.
- Chi bộ Sài Gòn ở thủ đô, chi trưởng Nguyễn Hữu Kiệt, Nguyễn văn Huấn.
- Chi bộ Leadbeater           ở Phú Nhuận, chi trưởng Trương Khương.
Chi bộ Chơn Lý hoạt động hăng hái với chi trưởng Hòa Giai và công tác viên : hội thảo hằng tuần, phát hành Kỷ Yếu hàng tháng. Chi bộ Nhơn Ái hoạt động kém mặc dầu có sự ủng hộ của ban giám đốc. Chi trưởng Trương Khương tổ chức sinh hoạt dễ dàng hơn với chi bộ Leadbeater đã được sự khuyến khích của ông Subramaniam. Cũng với sự khích lệ đó, chi bộ Sài Gòn hoạt động nồng nhiệt. Ông Subramaniam thăm viếng chi bộ này để diễn thuyết và tổ chức những cuộc hội thảo thâm thúy, hào hứng về Theosophia.
Trong thời kỳ 1955 - 1957, tình trạng về bẩy chi bộ cũ như sau:
- Chi bộ Thanh Niên Phụng Sự bị ngưng hoạt động năm 1955 và sinh hoạt hăng hái từ năm 1957 với chi trưởng François Mylne. Chi bộ nhóm họp mỗi sáng sớm chủ nhật tại hội quán để tham thiền, học hỏi chung về The Key to Theosophy của bà Blavatsky.
- Chi bộ Kiêm Ái tổ chức những cuộc hội thảo vào mỗi chiều thứ bẩy với chi trưởng Phan văn Hiện cùng hội viên và cảm tình viên.
- Chi bộ Dưới Chân Thầy ở Vĩnh Long được chi trưởng Nguyễn Minh Tâm họp lại mỗi tháng hai kỳ với sự thảo luận về sự thực hiện tình huynh đệ trong chi bộ cũng như nơi gia đình, ngoài xã hội.
- Chi bộ An Giang ở Châu Đốc đáng được coi là gương mẫu với những hoạt động viên tận tụy như Huỳnh Bá Nhệ, Châu văn Đồng, Lê Quang Diệu, Trương văn Hiếu ... Hằng tuần đều có sự họp mặt để học hỏi T.T.H. và giáo lý các tôn giáo. Mỗi tháng đều có phát hành Kỷ Yếu cho hội viên và cảm tình viên. Ông Subramaniam có đến thăm viếng, khen ngợi chi bộ Châu Đốc. Ông cũng đi thăm hội viên chi bộ Long Xuyên lúc tháng 8 năm 1956. Cũng như những chi bộ còn lại ở tỉnh, không có những sinh hoạt đều đặn hay chỉ ít oi nên hội viên ở xa trụ sở chi bộ được khuyên học tập ở nhà.
Cô Nhi viện ở Phú Nhuận phát triển, có được 35 giường dành cho cô nhi. Đó là nhờ sự tận tâm của những người phục vụ cô nhi và cũng do sự ủng hộ tài chánh của những hội viên hảo tâm, lợi tức của việc cho mướn ghế và trợ cấp xã hội của chính phủ.
Hội được 11 chi bộ với 305 hội viên.
(Dựa theo những phúc trình 1955 - 1957 của hội trưởng là ông Phạm Ngọc Đa).

1958 – 1960
Nhiệm kỳ 1958 - 1960 có thành phần ban giám đốc như sau:
Nguyễn thị Hai: Hội trưởng
Bùi Ngươn Nhung: Phó hội trưởng I
Cao văn Trí, Phó hội trưởng II
Nguyễn văn Huấn, Thư ký
Nguyễn Tấn Tài, Phó Thư ký I
François Mylne, Phó Thư ký II
Nguyễn văn Lưu, Thủ Quỹ
Phạm văn Giáo, Phó Thủ Quỹ I
Lê thị Xáng, Phó Thủ Quỹ II
Cố vấn: Nguyễn Hữu Kiệt, Phan văn Hiện, Đỗ thị Thoa.
Với nhiệm kỳ này, vì hội cần và chỉ có thể phát triển từ thủ đô, hiện diện là một yếu tố quan trọng nên đây là lần đầu tiên mà bà Nguyễn thị Hai thay ông Phạm Ngọc Đa trong chức vụ lãnh đạo hội. Ông Đa ở Châu Đốc vẫn tiếp tục cho đến cùng nhiệm vụ chỉ dẫn giáo lý tu hành cho những học viên. Cũng là lần đầu tiên, vào tháng 9 1959 hội được sự thăm viếng dài hạn của ông Geoffrey Hodson và Miss Sandra Chase. Mỗi tuần, ông Hodson đều đảm nhiệm việc diễn thuyết cho công chúng, giảng giải Theosophia, tổ chức buổi vấn đáp cho hội viên và cảm tình viên. Trong sự nồng nhiệt phụng sự và với sự hiểu biết sâu rộng, ông Hodson và Miss Chase đem lại cho thính giả cả một kho tàng giáo lý. Nhiều giáo phái cũng như nhiều chi bộ yêu cầu có được sự thăm viếng của cả hai người. Sự hoạt động không ngừng nghỉ của ông Hodson tạo cho hội một sự phấn khởi, một sự tiến bộ lạ lùng.
Ông Hodson căn dặn người phụng sự phải nằm lòng và áp dụng huấn thị Những Nấc Thang Vàng của bà Blavatsky. Mặt khác, ông còn cảm nhận từ cõi vô hình sự hiện diện của Đức Mẹ Thế Giới. Tâm thức của Ngài hằng thanh tịnh vô biên, nhưng đồng thời Ngài cũng chia sớt những nỗi lo âu, phiền não về tương lai gần kề của dân chúng miền nam Việt Nam.
Năm 1959, ngoài việc đón tiếp tưng bừng ông Geoffrey Hodson và Miss Sandra Chase, còn có việc bà Nguyễn thị Hai lãnh đạo một phái đoàn đi Sydney. Đó là sự đáp lại lời mời của Miss Helen V. Zahara, hội trưởng hội T.T.H. Úc châu, tổ chức viên hội nghị Indo-Pacific. Nhờ hội nghị này
mà ban giám đốc đã được cơ hội nghiên cứu những phương pháp hoạt động Theosophy ở Úc châu, Tân Tây Lan, Indonesia và Pakistan. Chính nhờ sự trao đổi dồi dào những ý kiến tại hội nghị mà có được sự tạo nên những kết quả thực tế hết sức khả quan.
Trong nhiệm kỳ 1958 - 1960, bà hội trưởng thiết lập một chương trình với ba điểm chánh là thể hiện bác ái trong hội và ở xã hội, truyền bá Theosophia và gia tăng hội viên. Về điểm này thì số hội viên từ 305 tăng lên thành 594 nhờ sự hết lòng làm việc của nhiều chi bộ, cũng như do hoàn cảnh thuận tiện. Vào dịp kỷ niệm sự thành lập hội tức lễ Phục sinh 1959, hội viên quy tụ tại hội quán đến cả 200 người để nghe thông điệp của đức N. Sri Ram, chánh hội trưởng hội TTH quốc tế tại Adyar.
Về phần truyền bá Theosophia, mỗi tháng đều có một buổi diễn thuyết cho công chúng và hội viên. Mỗi chủ nhật đều có sự thuyết trình căn cứ trên một tác phẩm. Một ban truyền bá được thành lập với sự cộng tác của ông Nguyễn văn Huấn, bà Nguyễn thị Hai, bà Lưu thị Dậu cùng với các ông Nguyễn Hữu Kiệt, Nguyễn Khánh Phước, Vũ Huy Hiền. Với sự ra công của những thuyết trình viên ưu tú, ban giám đốc có tổ chức ba khóa học căn cứ trên:
- La Théosophie au XXe siècle (Marcel Bohrer - Theosophia ở thế kỷ 20, có phát bài).
- The Ancient Wisdom (A. Besant – Minh Triết cổ truyền) và
- The Solar System (A.E.Powell – Thái dương hệ).
Số sách tại thư viện đã tăng đến 700 quyển thuộc Việt, Pháp và Anh ngữ. Những sách đã được in cũng rất dồi dào, đó là:
- Thông Thiên Học là gì (What is Theosophy by G.S. Arundale), dịch giả Nguyễn thị Hai.
- Lý do thành lập hội Thông Thiên Học, của ông Nguyễn văn Huấn.
- Sự liên hệ mật thiết giữa TTH và Phật giáo, của bà Nguyễn thị Hai.
- Sứ mạng của hội TTH của bà Nguyễn thị Hai.
Hơn nữa bà Nguyễn thị Hai cho phát hành trọn bộ Vũ Trụ và Con Người với hai quyển Thể Phách, Thể Vía. Quyển Dưới Chân Thầy, dịch giả Bạch Liên, được in thêm 3.000 cuốn để tặng không. Một số tập sách nhỏ khác cũng được phát hành, đó là:
- TTH trải qua các thời đại, của Nguyễn Hữu Kiệt,
- Thử Lòng, của bà Nguyễn thị Hai.
- Thông Thiên Học và hội Thông Thiên Học (Theosophy and the Theosophical Society, C.W. Leadbeater).
- Những Nguyên Lý đầu tiên của Thông Thiên Học (First Principles of Theosophy, C. Jinarājadāsa).
Ngoài ra còn có những sáng tác về sứ mạng và sự thực hiện của TTH trong thế kỷ 20 của bà Nguyễn thị Hai và Thông Thiên Học lược giải của ông Nguyễn văn Huấn.
Tạp chí Tìm Hiểu Thông Thiên Học được phát hành đều đặn mỗi hai tháng, được công chúng và giới trí thức tán thưởng. Cơ quan chính thức đó của hội cũng là mối liên lạc giữa ban giám đốc ở thủ đô với các chi bộ nơi các tỉnh xa xôi. Tạp chí cũng cho biết tin tức của các xứ bộ toàn thế giới.
Tin tức trong nước còn có sự chào mừng ba chi bộ mới thành lập, đó là chi bộ Dung Hạnh ở thủ đô ngày 8 - 12 - 1957, chi bộ Bát Nhã ở Vĩnh Long ngày 1 - 11 - 1958 và chi bộ Gò Công ngày 8 - 12 -1958. Chi bộ Dung Hạnh là một nhóm nữ hội viên rất linh động. Chương trình gồm có sự học chung giáo lý và sự thực hiện những tánh tốt của phái nữ như thương người, dịu dàng và lòng mộ đạo. Số hội viên đầu tiên là 52 người với chi trưởng Nguyễn thị Hai. Ông Lộ Công Bích là chi trưởng chi bộ Gò Công.
Chi bộ Sài Gòn tổ chức diễn thuyết, nghiên cứu tôn giáo đối chiếu mỗi tháng hai lần. Minh Triết cổ truyền được dùng làm căn bản cho sự học hỏi chung. Sau buổi học thường có phát bài. Trong năm 1959, chi bộ cộng tác chặt chẽ với hội trong công cuộc đón tiếp, tổ chức hội họp của ông Hodson và Miss Chase. Ông Pierre Marti, hội viên ở Đà Lạt tặng cho hội một số sách gồm 700 quyển về TTH.
Đã hoạt động mạnh, chi bộ Chơn Lý ở Huế lại tích cực hơn nữa khi khánh thành một giảng đường mới có thể tiếp đón cả trăm người. Hàng năm, chi bộ tổ chức hơn 20 cuộc diễn thuyết cho công chúng. Chi bộ cũng kỷ niệm những ngày lễ như Wesak, Asala. Chi bộ cũng thường tham gia những công tác xã hội.
Chi bộ Phụng Sự đảm nhiệm hàng tuần sự thuyết trình về 'Thông Thiên Học ở thế kỷ 20' của ông Marcel Bohrer tại hội quán. Những cuộc hội thảo được khích lệ bởi sự tham dự đầy đủ hội viên và những cảm tình viên thanh niên. Hội viên vững về Thông Thiên Học nhờ sự tự nghiên cứu thêm. Để nới rộng chủ trương sẵn sàng phục vụ, chi bộ thành lập một
nhóm Hướng Đạo gồm trẻ em và thanh niên trong và ngoài chi bộ.
Chi bộ Kiêm Ái tổ chức những buổi học chung về những cách thức chủ trị phàm ngã, gia tăng tánh tốt để có thể đến gần hơn những Chân sư Minh triết. Vì lý do sức khỏe của chi trưởng Phan văn Hiện nên sinh hoạt của chi bộ hơi giảm, dầu vậy chi bộ phát hành hai số Kỷ Yếu và năm 1960, chi bộ thành lập tổ chức Bàn Tròn (The Round Table).
Mặc dầu ở những tỉnh xa, hai chi bộ An Giang (Châu Đốc) và Bác Ái (Tân Châu) đều cố gắng tổ chức học hỏi giáo lý cùng liên lạc với ban giám đốc. Cả hai đều nhờ những chi trưởng Huỳnh Bá Nhệ, Châu văn Đồng, Nguyễn văn Lầu mà phát hành những Kỷ Yếu Mùa Xuân.
Hai chi bộ Việt Nam và Leadbeater chưa sinh hoạt đều đặn. Những chi bộ Dưới Chân Thầy ở Vĩnh Long, chi bộ Long Xuyên, chi bộ Nhơn Ái ở Sóc Trăng đều được sự khuyến khích của hội nhưng sinh hoạt vẫn chưa được mạnh.
Cô nhi viện vẫn tuần tự phát triển và có hơn 40 giường dành cho cô nhi. Bác sĩ giám đốc Cao văn Trí dành nhiều thì giờ để chăm sóc tận tình những trẻ sơ sinh. Viện được sự thăm viếng, khuyến khích của một phái đoàn thuộc American Welfare Association.
Hội được 14 chi bộ với 594 hội viên.
(Dựa theo những  phúc trình 1958 - 1960  của hội trưởng là bà Nguyễn thị Hai).


1961 – 1963
Nhiệm kỳ 1961 - 1963 có thành phần ban giám đốc như sau:
Nguyễn thị Hai: Hội trưởng
Cao văn Trí: Phó hội trưởng I
Vũ Thiện Vinh, Phó hội trưởng II
Nguyễn văn Lưu, Phó hội trưởng III
Nguyễn văn Huấn, Thư ký
François Mylne, Phó Thư ký I
Nguyễn văn Minh, Phó Thư ký II
Nguon Har, Thủ Quỹ
Vũ thị Dung, Phó Thủ Quỹ I
Nguyễn Tấn Tài, Phó Thủ Quỹ II
Cố vấn: Phan văn Hiện, Chung Hữu Thế.
Cũng như lần trước, ban giám đốc được thành lập với sự cộng tác của những hoạt động viên sốt sắng, được tín nhiệm của hội viên, và hy vọng nhiều nơi sự tiếp tục phát triển của phong trào Thông Thiên Học tại Việt Nam.
Những thính giả đến tham dự vào các buổi diễn thuyết một cách thường xuyên đều lần lượt trở thành hội viên. Mặt khác, những buổi thuyết trình trở nên linh động khi có sự tham khảo, trình bầy lớp Tâm Thức Học dựa theo tác phẩm A Study in Consciousness của bà Annie Besant. Người tham dự được phát trước tài liệu để phấn khởi thấu đáo những đề tài lý thú và thiết thực.
Trên phương diện quốc tế, một mặt ban giám đốc tổ chức những cuộc lễ kỷ niệm các vị lãnh đạo hội Thông Thiên Học thế giới, mặt khác là thành lập một phái đoàn đi thăm viếng những trung tâm tinh thần tại Hương Cảng, Nhật Bản. Trong tháng năm 1961, phái đoàn đến xứ bộ Phi Luật Tân để nghiên cứu sự tiến bộ và sự hữu hiệu của hội.
Đối với hội chánh The Theosophical Society tại Adyar, xứ bộ Việt Nam có đóng góp 6.000 đồng về nguyệt liễm và 7.000 đồng cho thư viện mới của Adyar.
Song song với công cuộc truyền bá Thông Thiên Học, hội cũng hoạt động trên phương diện huynh đệ bằng cách trợ giúp người Tây Tạng tỵ nạn tại Ấn Độ và nạn nhân bão lụt miền Tây.
Cùng một nhịp với những tổ chức diễn thuyết và học hỏi chung, hội còn có tạp chí Tìm Hiểu Thông Thiên Học. Cơ quan ngôn luận này bổ túc những điểm khó hiểu trong giáo lý mà giới trí thức muốn biết. Nhờ sự ủng hộ tài chánh của ông bà Nguyễn văn Huấn, thiết tưởng tạp chí có thể đạt đến mục đích.
Trong năm 1963, hội lại được duyên lành đón mừng hai chi bộ mới, chi bộ Minh Triết ở Phú Nhuận vào tháng hai với chi trưởng Lưu thị Dậu, và chi bộ Từ Bi ở Tân Định vào tháng ba với chi trưởng Nguyễn văn Lượng. Thật là một sự ngẫu nhiên kỳ lạ phối hợp Minh Triết và Bác Ái làm thành sự viên mãn của Bồ Đề (Bodhi). Hằng tuần, chi bộ Minh Triết hội họp để nghiên cứ về Thông Thiên Học. Hằng tháng chi bộ Từ Bi tổ chức diễn thuyết cho đại chúng với đề tài về tôn giáo. 'Con Đường Giải Thoát' của ông Nguyễn văn Lượng, được trình bày khi khai trương chi bộ, đã thu hút hàng ngàn người đến nghe.
Phúc trình một cách tổng quát thì những chi bộ làm việc nhiều nhất đều qui tụ ở thủ đô Sài Gòn. Nơi các tỉnh, đa số chi bộ vẫn bất động vì hội viên tích cực rất hiếm và cũng do trụ sở khó đến ... Các chi bộ Kiêm Ái, Dung Hạnh, Sài Gòn hoạt động đáng khen. Chi bộ Phụng Sự tạo được nhiều nhóm nghiên cứu nhờ sự cộng tác nồng nhiệt của nhiều thanh niên đầy hứa hẹn.
Viện mồ côi đã lớn thêm nên từ địa điểm ở phía sau hội quán nay dọn đến ngôi nhà vừa mới xây cất xong ngay bên cạnh nhà hội. Vào dịp lễ Hoa Sen Trắng 1961, Cô Nhi Viện Thông Thiên Học được khánh thành bởi ông bộ trưởng bộ Tài Chánh. Với sự ra công và của bởi hội viên cùng với sự chăm lo của bác sĩ Cao văn Trí và Huỳnh Công Chiêu, và sự có mặt thường xuyên của bà Nguyễn thị Viên, Lê thị Xáng, viện nuôi đến 50 cô nhi. Ông Nguyễn văn Huấn và vài nhân viên ban giám đốc gìn giữ sự quân bình về tài chánh, ấy là một công việc đầy lo âu.
Hội được 16 chi bộ với 669 hội viên.
(Dựa theo những  phúc trình 1961 - 1963 của hội trưởng là bà Nguyễn thị Hai).


1964 – 1966
Nhiệm kỳ 1964 - 1966 có thành phần ban giám đốc như sau:
Nguyễn thị Hai, Hội trưởng
Nguyễn văn Huấn, Phó hội trưởng I
Nguyễn văn Lượng, Phó hội trưởng II
Nguon Har: Thư ký
François Mylne, Phó thư ký
Trần Kim Thanh,  Thủ Quỹ
Phạm thị Phi, Phó Thủ Quỹ
Cố vấn: Hà tố Thuận, Đinh văn Bách
Ban giám đốc của nhiệm kỳ được cơ hội may mắn đón tiếp nhiều học giả nổi tiếng về Thông Thiên Học từ ngoại quốc đến viếng Việt Nam. Trước tiên, trong năm 1964 có Miss Helen Zahara, hội trưởng xứ bộ Úc Châu sang Sài Gòn mang theo tình huynh đệ đại đồng nồng nhiệt đến nỗi hội viên cảm được sự kết hợp với tất cả những xứ bộ quốc tế. Bà có diễn thuyết hai lần và tiếp xúc với nhiều chi bộ tại thủ đô. Nơi nơi ai cũng khen ngợi sự hiểu biết và tánh khả ái của bà.
Tiếp theo, ông bà Geoffrey Hodson trở lại Việt Nam để truyền bá Thông Thiên Học cho công chúng và thăm viếng khích lệ các chi bộ. Ông bà tạo nhiều cảm hứng phấn khởi cho các hội viên đang lúng túng đi tìm ánh sáng để phụng sự Thông Thiên Học trong thời kỳ nước nhà đang lâm cảnh trả quả nặng nề. Hội cũng có được sự thăm hỏi của Miss Edith Gray, chủ tịch The Theosophical Book Gift Institute in America. Bà tặng cho thư viện nhiều sách vở Thông Thiên Học vô giá. Bà cũng đi viếng sinh hoạt từ bi nơi cô nhi viện. Ban giám đốc rất vui khi tiếp xúc với những sứ giả Thông Thiên Học quốc tế, đó là điều nhắc nhở sự kết hợp cụ thể trong phong trào Thông Thiên Học.
Mặc dầu hoàn cảnh trong nước đầy khó khăn, những tổ chức sinh hoạt của ban giám đốc vẫn tiếp tục. Mục đích vẫn là sự thực hiện lòng hữu ái sâu rộng trong hội và truyền bá, với nhiều phương tiện khác nhau, Chân lý muôn đời. Hội quán là nơi tập trung hữu hiệu nhất mọi sinh hoạt, mặc dầu những diễn giả quốc tế đương nhiên thu hút thính giả đông đảo hơn là những thuyết trình viên quen thuộc.
Năm 1966, theo sự yêu cầu của nhiều hội viên tha thiết với tác phẩm quan trọng của bà Annie Besant, bà Nguyễn thị Hai, với sự cộng tác của ông François Mylne, thành lập nhóm nghiên cứu về Tâm Thức Học  (A Study in Consciousness). Sau đó là lớp giảng Chơn Sư và Thánh Đạo (The Masters and the Path) của ông C.W. Leadbeater do ông Nguyễn Hữu Kiệt đảm nhiệm, với số người tham dự đông đảo.
Năm 1964 tại Đà Lạt, nơi vùng cao nguyên bao phủ bởi rừng thông bát ngát, một trung tâm tinh thần được bắt đầu xây cất; đó là 'Trung Tâm Tinh Thần Thông Thiên Học Djiwal Kul', nơi mà ban giám đốc tha thiết mong mỏi sẽ là trung tâm ban rải thần lực của Chân sư. Theo chương trình, trung tâm sẽ có những dãy nhà xinh xinh, mát mẻ để hội viên đến ở tạm hay ở luôn và sống thiền ... Một ngôi nhà lớn sẽ được xây cất thêm để tiếp đón, làm nơi nghỉ mát cho các vị huynh trưởng ... (Biến cố lịch sử năm 1975 sẽ phá tan giấc mơ và sau đó, đến năm 1977 hội sẽ được yêu cầu hiến trung tâm cho chánh quyền địa phương ... May thay, bà Nguyễn thị Hai không phải chứng kiến những cảnh đau lòng đó.)
Về phần truyền bá thì có sự phát hành những sách dịch từ Anh ngữ như sau:
- Tư Tưởng dành cho Người Chí Nguyện (Thoughts for Aspirants by N. Sri Ram).
- Đời Sống Huyền Bí của Con Người (The Occult Life of Man by Annie Besant).
- Nhân Danh Ngài (In His Name by C. Jinarājadāsa) và
- Trước Thềm (On the Threshold by a disciple).
Cơ quan ngôn luận của hội, tạp chí Tìm Hiểu Thông Thiên Học, được phát hành mỗi hai tháng, là tài liệu rất được quí chuộng bởi hội viên, và được những độc giả tôn giáo, trí thức ưa thích.
Thư viện được sách vở dồi dào, có giá trị hơn nhờ tặng phẩm của The Theosophical Book Gift Institute in America do  chủ tịch Edith Gray mang đến tận nơi.
Đa số những chi bộ đang hoạt động đều lập nên những nhóm học chung. Điều này rất cần thiết bởi vì học hỏi, thảo luận giúp cho sự hiểu biết về Thông Thiên Học trở nên phong phú hơn.
Chi bộ Kiêm Ái lập nền tảng tu hành trên tác phẩm Trước Thềm Thánh Điện (In the Outer Court by A. Besant). Ngoài ra chi bộ vẫn tổ chức đều đặn những buổi diễn thuyết cho công chúng và hội viên. Chi bộ phát hành Kỷ Yếu Ánh Đạo.
Kể từ năm 1964, chi bộ Phụng Sự có giảng giải và chỉ dẫn tham thiền luyện tính với quyển Meditations của bà Katherine A. Beechey. Đây là một tài liệu đặc biệt với sự gom góp về 12 đức tánh trong năm, trích dẫn từ những thánh thư của các Chân sư, hướng dẫn sự tu hành tích cực của các đệ tử.
Đến năm 1966 thì mục đích của sự tham thiền được chỉ dẫn thêm với quyển Thông Thiên Học thực tiễn (Practical Theosophy, C. Jinarājadāsa).
Về việc học hỏi và tham khảo thì có hai chi bộ ở thủ đô và hai chi bộ ở tỉnh cùng đồng một quyết định học về giảng lý Dưới Chân Thầy (Talks on At the Feet of the Master, A. Besant and C.W. Leadbeater). Đó là những chi bộ Từ Bi và Minh Triết, Dưới Chân Thầy và Long Xuyên. Ngoài việc nói trên, chi bộ Từ Bi có xuất bản một số sách căn bản giúp cho độc giả hiểu thêm thế nào là Minh Triết Thiêng Liêng.
Hai chi bộ Dung Hạnh và Từ Bi thường khi hoạt động chung hàng tuần.
Chi bộ An Giang phát hành Kỷ Yếu.
Một mình ở miền Trung, chi bộ Chơn Lý, Huế, vẫn tổ chức diễn thuyết hàng tháng với những đề tài có lợi ích tổng quát. Chi bộ cũng không quên cứu trợ trẻ em mồ côi, nạn nhân chiến cuộc.
Trong nhiệm kỳ tạm biệt này, bà hội trưởng Nguyễn thị Hai đã góp ý kiến vào việc lập nên một ban quản trị Cô Nhi Viện Thông Thiên Học có đầy đủ trách nhiệm và gồm những hội viên Thông Thiên Học. Kết quả tốt đẹp tới nỗi bộ Xã Hội đã khen tặng Cô Nhi Viện và cơ quan nhi đồng quốc tế UNICEF cũng tán thưởng. Công lao là do bà giám đốc Vũ thị Dung, viện trưởng Nguyễn thị Viên, bác sĩ Cao văn Trí, ông Lê văn Thanh đã chăm sóc cả 60 cô nhi, đa số là nạn nhân chiến cuộc. Trong bản tường trình, bà Nguyễn thị Hai bầy tỏ sự biết ơn đối với những cộng tác viên đã giúp đỡ bà hết sức đắc lực trong nhiệm vụ, và cầu mong các Đấng từ bi và minh triết phò hộ phong trào Thông Thiên Học ở Việt Nam và ở khắp nơi trên một thế giới bình an.
Hội được 16 chi bộ với 732 hội viên.
(Dựa theo những  phúc trình 1964 - 1966 của hội trưởng là bà Nguyễn thị Hai).


1967 – 1969
Nhiệm kỳ 1967 - 1969 có thành phần ban giám đốc như sau:
Lưu thị Dậu, Hội trưởng,
Nguyễn văn Minh, Phó hội trưởng I
Nguon Har, Phó hội trưởng II
Lê Hồng Hạnh, Thư  Ký
François Mylne, Phó Thư ký
Vũ thị Dung, Thủ Quỹ
Phạm thị Phi, Phó Thủ Quỹ
Cố vấn: Nguyễn văn Lượng, Chung Hữu Thế …
Trong dịp kỷ niệm Đức C.  Jinarājadāsa ngày 18 - 6 - 1969, hội được sự viếng thăm của Đại đức Jinarakkhita, đại diện của hội TTH tại Indonesia. Ngài trao tặng cho xứ bộ một bức tranh lụa vẽ hình Phật Thích Ca.
Cũng trong năm 1969, một phái đoàn của ban giám đốc đi dự hội nghị thường niên của xứ bộ Úc châu tổ chức tại Clarendon. Ba thành viên của phái đoàn rất phấn khởi vì thu thập được nhiều điều hữu ích nơi xứ bộ lớn này.
Hằng năm, ban giám đốc đều tổ chức các cuộc kỷ niệm ngày thành lập hội, lễ Hoa Sen Trắng, lễ Wesak ... Hằng tuần đều có diễn thuyết về Thông Thiên Học, với số người tham dự khá đông. Bà Nguyễn thị Hai vẫn đảm nhiệm lớp học về A Study in Consciousness.
Ban truyền bá, với sự cộng tác của nhiều chi bộ, hoạt động tích cực. Có sự phát hành để bán hay để tặng không một số sách vở, tài liệu như sau:
- Tiếng Vô Thinh của bà H.P.Blavatsky, dịch giả Nguyễn văn Nhuận,
- Chơn Sư và Đường Đạo của ông Nguyễn Hữu Kiệt,
- Con Đường Giải Thoát của ông Nguyễn văn Lượng
- Mới Đầu Thiền
- Cùng Ai Bi Khóc (To Those Who Mourn).
- Đạo Lý Thực Hành của ông Bạch Liên,
- Some Daily Ethical Teachings của bà H.P.Blavatsky,
- Phương Pháp Phát Triển tâm linh,
- Con Người thác rồi về đâu ?
- Nền giáo dục Thông Thiên Học.
Có ba quyển sách tuy nhỏ nhưng dồi dào về châm ngôn. Đó là Dưới Chân Thầy (At the Feet of the Master), Ánh Sáng trên Đường Đạo (Light on the Path), và Tiếng Vô Thinh (The
Voice of the Silence). Sở dĩ Hội được công chúng biết đến và có nhiều hội viên là do ông Phạm Ngọc Đa, biệt danh Bạch Liên, dịch quyển Dưới Chân Thầy của Alcyone và cũng rất nhờ ông Nguyễn văn Lượng ấn tống tặng không cả trăm ngàn quyển. Quyển Tiếng Nói Vô Thinh của bà Blavatsky được xuất hiện là do công phu dịch thuật của ông Nguyễn văn Nhuận, Ánh Đạo tùng thư xuất bản năm 1968.
Bản tin của hội được gửi đến hội viên mỗi tháng hai lần. Các xứ bộ Hòa Lan, Anh quốc, Úc châu và Hoa Kỳ có bổ túc thư viện với một số sách cần thiết cho sự nghiên cứu.
Ban giám đốc đặc biệt lưu  tâm đến những thực hiện của chi bộ Kiêm Ái. Năm 1967 chi bộ thiết lập tại Bãi Dâu, chỗ nghỉ mát ở Vũng Tầu, trung tâm 'Thanh Tâm Đạo Viện', làm nơi lý tưởng để tịnh dưỡng. Thế là, khi hiệp với trung tâm Đà Lạt, hội viên có được nơi sống ẩn dật, hòa mình với thiên nhiên của rừng, núi, biển. Năm 1968, một Trại Hè tinh thần được tổ chức tại đạo viện với những buổi hội thảo về đề tài 'Làm thế nào để sống điều hòa với bản thân, với kẻ khác, với thiên nhiên, cũng như với hội ?'. Năm sau, một trại hè được diễn ra với sự tham thiền, suy luận về những môn phái của yoga như Bhakti, Karma, Jnana và Raja.
Cũng vào năm 1969,  tổ chức Bàn Tròn được hoàn thành, sinh hoạt tại Sài Gòn cũng như ở Vũng Tầu.
Trong khi hội đón mừng sự thành lập một chi bộ mới tại Vũng Tầu, ngày 17 - 6 - 1967 với chi trưởng Trần văn Sem, hội viên không khỏi ngậm ngùi vì có 4 chi bộ bị giải tán cùng một lúc. Lý do là tất cả đã ngưng hoạt động từ nhiều năm, ấy là chi bộ Việt Nam, Leadbeater, Nhơn Ái và Bát Nhã. Cũng có điều an ủi là chi bộ Việt Nam lãnh đạo sự thành lập Hội, được ban giám đốc năm 1973, cho phép hoạt động trở lại, nhờ đề nghị của ông Nguyễn văn Huấn.
Năm 1968, ban giám đốc có đi thăm viếng 6 chi bộ ở tỉnh, và rất vui khi nhận thấy nơi nơi hội viên đều tạo được mối thân hữu với dân chúng và chánh quyền địa phương. Ngoài sinh hoạt trong chi bộ, hội viên còn thực hiện nhiều công tác xã hội. Đó là những hoạt động mà ban giám đốc rất tán thành.
Chi bộ Long Xuyên và An Giang (Châu Đốc) đều có phát hành những tập Kỷ Yếu Mùa Xuân. Chi bộ Bác Ái ở Tân Châu, ngoài việc ra Kỷ Yếu như thường lệ, còn phát hành quyển Những Người Cứu Trợ Vô Hình, Vai Trò của Những Người Cứu Trợ Vô Hình.
Nơi thủ đô, tại hội quán hội viên cùng học và thảo luận hằng tuần về đề tài Quyền Năng Tư Tưởng. Chi bộ Dung Hạnh hội thảo về Võ Trụ và Con Người với đông đảo hội viên tham dự, đa số là phái nữ. Chi bộ có tổ chức quyên tiền trợ giúp nạn nhân hỏa hoạn. Chi bộ Kiêm Ái, ngoài công trình thành lập Tham Tâm Đạo Viện, tổ chức Bàn Tròn (The Round Table), vẫn còn tạo nên những buổi diễn thuyết hàng tuần tại giảng đường Montessori, có thính giả đến tham dự đông đảo.
Năm 1967, chi bộ Thanh Niên Phụng Sự vẫn tổ chức tham thiền chung về những đức tính thiết yếu. Hội viên lớn nhỏ, học tập Những Nấc Thang Vàng (The Golden Stairs) của
bà Blavatsky, chung với những kinh nghiệm, chỉ dẫn của ông Sidney A. Cook.
Trong nhiệm vụ khó khăn và cực nhọc của Cô Nhi Viện Thông Thiên Học, bà giám đốc viện trưởng Nguyễn thị Viên được thêm sự cộng tác cần thiết của cô Trần thị Quí, Nguyễn thị Lan. Bây giờ viện nhận nuôi đến 60 trẻ em, từ sơ sinh đến 4 và 5 tuổi. Tất cả đều được nuôi nấng, lớn lên một cách bình thường. Trên phương diện tài chánh, viện được nhiều sự trợ cấp của The Theosophical Order of Service ở Úc châu và Hoa Kỳ.
Hội được 13 chi bộ với 784 hội viên.
(Dựa theo những  phúc trình 1967 - 1969 của hội trưởng là bà Lưu thị Dậu).


1970 – 1972
Nhiệm kỳ 1970 - 1972 có thành phần ban giám đốc như sau:
Nguyễn thị Hai, Hội trưởng,
Lưu thị Dậu, Phó hội trưởng I
Nguyễn văn Minh, Phó hội trưởng II
Lê Hồng Hạnh, Thư  Ký
Nguyễn Tấn Tài, Phó Thư ký
Trần thị Hoanh, Thủ Quỹ
Lê văn Hai, Phó Thủ Quỹ
Cố vấn: Nguyễn văn Huấn, Phạm thị Phi, Trương Khương, Hà Tố Thuận, Nguyễn Tiến Lợi, Trần Kim Thanh.
Thời kỳ bách niên thường đánh dấu một biến đổi quan trọng. Đến năm 1975 kỷ niệm sự thành lập The Theosophical Society ban giám đốc mong ước đó sẽ là một chu kỳ làm gia tăng Ánh Sáng cho nhân loại. Riêng tại Việt Nam vào tháng tư 1971, hội viên rất vui được có sự viếng thăm của ông bà Geoffrey Hodson. Như một giảng sư hoàn toàn, ông Hodson đã soi sáng cả 400 thính giả nơi hội quán vừa mới được chỉnh trang.
Nơi trung ương Adyar, bà Nguyễn thị Hai tham dự hội nghị kỷ niệm lần thứ 94 sự thành lập The Theosophical Society. Qua tháng tư 1970, bà cùng một phái đoàn 9 người tham gia đại hội thường niên của Úc châu. Mọi người đều tán thưởng sự tiến bộ và tình huynh đệ đại đồng trong bầu không khí phấn khởi. Mặt khác, vì có sự chậm trễ về thủ tục chiếu khán nhập cảnh nên bà không tham dự kịp hội nghị của xứ bộ Pháp tổ chức ngày 8 - 8 - 1971. Tuy nhiên khi đi Hòa Lan, đến Huizen bà được gặp ông John Coast, ông bà Geoges và Rachel Tripet cùng nhiều hội viên hoạt động khác.
Trong nhiệm kỳ này, ban giám đốc vẫn tổ chức những buổi diễn thuyết về Thông Thiên Học, và những thuyết trình về các đề tài cần biết trong giáo lý. Nhiều tài liệu in roneo được phát hành như:
- Giáo Lý Bí Truyền (The Secret Doctrine, by HPB)
- Chìa Khóa Thông Thiên Học (The Key to Theosophy, by HPB)
- Nguyên Lý của Thông Thiên Học, (The Tenets of Theosophy, by C. Jinarājadāsa)
- Quyền Năng Tư Tưởng (Thought Power, by A. Besant),
- Chân Lý Hằng Ngày, trích từ những bức thánh thư.
- Những Người Cứu Trợ Vô Hình (The Invisible Helpers, by C.W.Leadbeater),
- Giảng Lý Dưới Chân Thầy.
Có 2 quyển sách được ấn tống, đó là
- Ánh Sáng trên Đường Đạo (Light on the Path, by Mabel Collins), để bán, và
- Vài Qui Tắc Nhật Hành của HPB để tặng không.
Năm 1971 ban giám đốc khai trương khóa huấn luyện người lãnh đạo. Người đó chẳng những thông thạo việc hội mà còn phải tinh thông giáo lý. Công việc này không phải dễ thực hiện nhưng mọi người hy vọng nhiều vào tương lai.
Theo thông lệ, hằng năm ban giám đốc đều tổ chức những cuộc lễ kỷ niệm và năm 1971, với sự cộng tác văn nghệ của chi bộ Thanh Niên Phụng Sự, hội viên được thưởng thức một nhạc kịch tên 'Lịch Sử một Tâm Hồn' vào ngày Hoa Sen Trắng. Bà H.P. Blavatsky là một nhạc sĩ dương cầm do đó phần nhạc phụ họa mở màn và khép lại đều là của soạn giả P.I. Tchaikovsky đồng hương và đồng thời với bà. Thánh nhạc J.S. Bach diễn tả tâm trạng tôn sùng, phấn khởi khi bà nhận lãnh và thi hành sứ mạng trong phong trào Thông Thiên Học. Mỗi năm khi đến ngày 8 tháng năm là thánh nhạc hùng vĩ Larzo của F. Haendel lại trổi lên, để lòng người hội viên
hòa hợp một lần nữa với một  tâm hồn gương mẫu đã tận tụy phụng sự cho đến cùng.
Khi trở lại nhiệm vụ, bà hội trưởng rất vui được đón mừng 4 chi bộ mới. Trong tháng 2 - 1970 là sự thành lập chi bộ Định Tường. Chi bộ Kiên Giang ở Rạch Giá được ban giám đốc tới chúc mừng chi trưởng Nguyễn văn Vinh. Đến năm 1972 là tới phiên chi bộ Bồ Đề ở Phú Thọ với chi trưởng Phạm thị Du. Kế tiếp là chi bộ Ý Chí Atma ở An Xuyên.
Tất cả các chi bộ đều hoạt động, mạnh hay yếu tùy số hội viên, và hoàn cảnh xã hội, chiến tranh, và hội quan tâm đến chi bộ Chơn Lý ở Huế. Cô Nhi viện Thông Thiên Học hiện thời nuôi 50 trẻ mồ côi hay nhà quá nghèo. Viện tiếp tục nhận được sự tài trở cần thiết của The Theosophical Order of Service (TOS) ở Úc châu và Hoa Kỳ. Tổ chức TOS ở Úc châu có tặng cho cô nhi viện một microbus để chuyên chở trẻ em. Đó là nhu cầu của viện nên xứ bộ Việt Nam hết lòng cảm tạ xứ bộ Úc châu. Giám đốc viện mồ côi là bà Nguyễn thị Hai.
Hội được 17 chi bộ với  1007 hội viên.
(Dựa theo những  phúc trình 1970 - 1972 của bà hội trưởng Nguyễn thị Hai).
1973 – 1975
Nhiệm kỳ 1973 - 1975 có thành phần ban giám đốc như sau:
Nguyễn thị Hai, Hội trưởng,
Lưu thị Dậu, Phó hội trưởng I
Nguyễn văn Huấn, Phó hội trưởng II
Phạm Đăng Lân, Thư  Ký
Lê văn Hai, Phó Thư  Ký I
Lê Toàn Trung, Phó Thư  Ký II
Võ thị Mai, Thủ Quỹ
Trần thị Hoanh, Phó Thủ Quỹ
Cố vấn: Hà Tố Thuận,  Trương văn Vi, Trần văn Diệu và Dương Ngọc Dậu.
Đầu năm, từ Adyar trở về Úc châu, ông bà Hodson có ghé lại thăm xứ bộ. Mặc dầu cuộc thăm viếng, hoạt động chỉ ngắn ngủi nhưng sự thân thiết huynh đệ thật là sâu đậm. Bà Nguyễn thị Hai rất bịn rịn khi lần cuối cùng tiễn bà Sandra, ông Geoffrey Hodson lên phi cơ giã biệt.
Trước thềm tân kỷ nguyên, bà Nguyễn thị Hai, ông Nguyễn văn Huấn và ban giám đốc để hết tâm trí hoạt động cho hội theo phương hướng đã được hoạch định bởi Đức Maha Chohan trong thánh thư 1881. Để ghi dấu, một phái đoàn gồm 8 thành viên (bà Nguyễn thị Hai, ông Nguyễn văn Huấn, cô Trần thị Hoanh, ông bà Phạm Đăng Lân, ông Hà Tố Thuận, ông Dương Ngọc Dậu và ông Lê văn Hai) tổ chức đi thăm viếng hai chi bộ ở hai tỉnh miền đông. Thật là một vui mừng lớn khi có sự tái hội với những bạn cũ. Ông Nguyễn văn Huấn diễn thuyết về đề tài 'Bức Thánh thư 1881'. Mọi người có mặt  đều khen ngợi diễn giả vì họ hiểu được thế nào là sống với Thông Thiên Học, và trong sự giao tiếp với người trong và ngoài hội.
Ban giám đốc có ấn tống và bán với giá rất thấp quyển Sau Cửa Tử của bà Nguyễn thị Hai. Về phần học hỏi thì có những tài liệu in roneo từng chương một:
- Thể Thượng Trí (The Causal Body, by A.E.Powell),
- Giáo Lý Bí Truyền (The Secret Doctrine by HP Blavatsky), và
- Giảng Lý Ánh Sáng trên Đường Đạo.
Trại hè vẫn được tổ chức tại Thanh Tâm Đạo Viện. Hơn 100 người tham dự hội thảo đề tài Trước Thềm Thánh Điện.
Ông  Nguyễn văn Huấn,  bà Nguyễn thị Hai rất vui mừng khi ban giám đốc chấp thuận việc ghi tên trở lại của chi bộ Việt Nam. Chi bộ này đứng đầu bẩy chi bộ đã thành lập xứ bộ năm 1952. Sáu chi bộ khác vào thời lịch sử đó nay vẫn tiếp tục hoạt động, chi bộ Kiêm Ái và Thanh Niên Phụng Sự ở Sài Gòn, chi bộ Dưới Chân Thầy ở Vĩnh Long, chi bộ Long Xuyên, chi bộ An Giang (Châu Đốc), và chi bộ Bác Ái ở Tân Châu. Tất cả chi bộ đều có tiềm năng phát triển cũng như trường hợp chi bộ Chơn Lý ở Huế, chi bộ Sài Gòn, Dung Hạnh, Minh Triết, Bồ Đề, Kiên Giang, Định Tường, Gò Công, Vũng Tầu, Ý Chí và Từ Bi.
Cô Nhi Viện Thông Thiên Học đang nuôi 64 cô nhi. Các em đều mạnh giỏi. Viện được nới rộng, một phần lớn công việc nhờ nơi lòng từ ái của các đoàn viên của The Theosophical Order of Service (TOS) ở Úc châu, Hoa Kỳ, Đức và Pháp.
Trong nước, chính với sự hợp tác về mọi phương diện của hội viên và tình trạng trong hội Thông Thiên Học được khả quan, ban giám đốc ngỏ lời cám ơn tất cả mọi người trong bản phúc trình cuối nhiệm kỳ.
Hội được 18 chi bộ với  1116 hội viên.
(Dựa theo phúc trình 1973 là  phúc trình chót của bà hội trưởng Nguyễn thị Hai)


Do việc bà hội trưởng Nguyễn thị Hai qua đời trong năm 1973, nhiệm kỳ 1974 - 1975 có thành phần ban giám đốc như sau:
Lưu thị Dậu, Hội trưởng,
Nguyễn văn Huấn, Phó hội trưởng I
François Mylne, Phó hội trưởng II
Phạm Đăng Lân, Thư  Ký
Lê văn Hai, Phó Thư  Ký I
Lê Toàn Trung, Phó Thư  Ký II
Võ thị Mai, Thủ Quỹ
Trần thị Hoanh, Phó Thủ Quỹ
Cố vấn: Hà Tố Thuận, Trương văn Vi, Trần văn Diệu và Dương Ngọc Dậu.
Với nhiệm kỳ này, ban giám đốc tiếp nối công trình mà hội trưởng quá vãng bà Nguyễn thị Hai đã để lại. Trước hết là chương trình huấn luyện người lãnh đạo được ông Nguyễn văn Huấn đảm nhiệm. Ông nêu ra những phương pháp thích ứng để đào tạo diễn giả. Sau đó là việc nghiên cứu những tác phẩm cần có đã được phát hành ở Adyar, London, Wheaton và Paris.
Tại hội quán, những buổi diễn thuyết về Thông Thiên Học, hội thảo về Giảng Lý Ánh Sáng trên Đường Đạo quy tụ khá đông hội viên. Để quảng bá giáo lý đến quần chúng, ông Bạch Liên có ấn hành những sách:
- Phương thức tu hành,
- Những quyền năng tâm linh,
- Huyền bí học trong Phật giáo.
Ông bà Nguyễn văn Lượng phát hành để tặng không cả trăm quyển 'Dưới Chân Thầy''Ba Con Đường Hoàn Thiện'.
Bà hội trưởng cùng một phái đoàn của ban giám đốc đi thăm viếng và tham dự kỷ niệm khánh thành của hai chi bộ Định Tường và Gò Công. Phái đoàn cùng với huynh đệ địa phương hội thảo về hội Thông Thiên Học, ba mục đích của hội, những nguyên lý ... Phái đoàn còn đi dự sự khánh thành chi bộ Huynh Đệ ở Cần Thơ và có thời cơ đi gặp hội viên của chi bộ Ý Chí ở An Xuyên, Cà Mâu lần đầu tiên.
Chi bộ Kiêm Ái vẫn diễn thuyết hàng tuần cho đông đảo thính giả. Những buổi hội thảo về Dưới Chân Thầy, Ánh Sáng trên Đường Đạo quy tụ khoảng 50 học viên. Nơi Thanh Tâm Đạo Viện ở Vũng Tầu vẫn có những sinh hoạt hằng năm về trường hè, về Bàn Tròn ... Đó là những cơ hội vừa tịnh dưỡng, vừa phát triển tinh thần. Chi bộ Kiêm Ái phát hành Ánh Đạo ba lần trong năm.
Đặc biệt vào dịp lễ Hoa Sen Trắng 8 tháng năm, tại hội quán ở Phú Nhuận có buổi trưng bầy các tác phẩm của bà Blavatsky. Hơn 40 quyển sách thuộc các nhà xuất bản của nhiều hệ phái Thông Thiên Học như TPH-Adyar, TUP-Pasadena, Point Loma được giới thiệu cho người tham dự để nhắc lại công trình của bà Blavatsky. Thông điệp của cuộc triển lãm sách này hội viên không nên lơ là với di sản của H.P.B.
So sánh với năm 1973, số cô nhi giảm đi rất nhiều ở Cô nhi viện Thông Thiên Học. Do đó viện dự tính tổ chức việc giữ trẻ ban ngày trong khi cha mẹ của em phải vắng nhà vì sinh kế.
Trong một quốc gia đang lâm nạn chiến tranh như nước Việt Nam, có vô số công việc phải làm. Ban giám đốc tin tưởng nơi một tương lai sáng lạng, vì vậy hội vẫn hằng lưu tâm đến lý tưởng của sự tiến bộ và sự toàn thiện của nhân sinh mà chân lý bí truyền đã miêu tả.
Hội được 19 chi bộ với  1338 hội viên.
(Dựa theo phúc trình 1974 của bà hội trưởng Lưu thị Dậu.)


Chương  Trình  Bẩy  Năm
(1968 - 1974)
Năm 1968, chương trình bẩy năm của chi bộ Thanh Niên Phụng Sự bắt đầu với mục đích hướng người chí nguyện vào công phu thường xuyên nghiên cứu, tham thiền về Thông Thiên Học do bà H.P.Blavatsky truyền lại. Từ nền tảng đó, hành giả cố gắng lắng nghe tâm pháp của Tiếng Vô Thinh. Với sự lặng lẽ bền lòng, người phụng sự hy vọng hội đủ những đức hạnh Pāramitā để bước vào thánh đạo.
Bẩy chi trưởng lãnh trách nhiệm trong chi bộ là Phan thị Nga, François Mylne, Huỳnh Công Chánh, Phan thị Ngọc Mai, Nguyễn văn Lương, Lê Thiện Duyên và Tô văn Hiệp. Lý tưởng phụng sự cũng nhờ đến những nguồn nhiệt hứng nơi những cộng tác viên La văn Thu, Đặng thị Phẩm, Lê Toàn Trung, Võ Hồng Sơn và cả trăm hội viên khác.
Với chủ trương Theosophia thuần túy, tạp chí Phụng Sự cho đăng một số nhận định về chân lý và những quan điểm đáng cứu xét của thời Tân Kỷ Nguyên (New Age). Ngoài việc tham thiền, thực hành 12 tánh tốt quanh năm của cá nhân còn có sự học hỏi chung, trao đổi kinh nghiệm trên 'Những Nấc Thang Vàng' của bà Blavatsky. Chương trình trong năm là thảo luận 'Huyền Bí Học thực tiễn' cũng của bà Blavatsky.
Năm 1969 là thời kỳ mà chi bộ áp dụng tích cực chương trình học hỏi trọn vẹn Thông Thiên Học căn bản với quyển 'Chìa Khóa Thông Thiên Học' (The Key to Theosophy, H.P.Blavatsky). Sự hiểu biết về những thử thách, sự tinh luyện phàm ngã mà hành giả phải vượt qua được chỉ dẫn nơi tài liệu 'Đệ Tử Huyền Môn' (The Disciple, HPB). Để được điều hòa, chi bộ khuyến khích nếp sống đạo đức ghi nơi 'Vài Qui Tắc Nhật Hành' cũng của bà Blavatsky.
Năm 1970 đem lại sự phát hành 'Chương Trình Căn Nguyên của the Theosophical Society' mà bà Blavatsky khẳng định năm 1886. Hội nêu mục đích chánh là tình huynh đệ đại đồng và điều phải nhận định là the Theosophical Society không phải là một giáo hội, giáo phái, nên mọi ý kiến cá nhân đều đáng để tai nghe. Tập sách 'Chân lý Hằng ngày' gom lại một số huấn thị của các Chân sư liên hệ đến hội viên, được trao cho người phụng sự.
 The Theosophical Society cũng có mục đích nghiên cứu những định luật thiên nhiên chưa giải thích được. Vì vậy, năm 1971 chi bộ tổ chức học chung quyển 'Huyền Bí Học' (Occultism) của bà Annie Besant. Sự nghiên cứu đó khiến người phụng sự cũng phải sống huynh đệ với các loài trong thiên nhiên như kim thạch, thảo mộc, thú cầm. Đó là sự tiến hóa đại đồng, một chân lý của Thông Thiên Học và của Huyền Bí Học chân chánh.
Lễ Hoa Sen Trắng 1971 diễn ra với nhạc kịch 'Lịch sử một Tâm hồn' do ban nghệ thuật của chi bộ phụ trách. Khán giả đến rất đông để tưởng niệm bà Blavatsky. Ngay từ lúc ấu thơ, bà đã 'lắng nghe mọi tiếng đau khổ, như hoa sen nở lớn để hứng ánh sáng mặt trời buổi ban mai' (The Voice of Silence, câu 59). Khi trưởng thành, bà lãnh hội và thi hành sứ mạng thiêng liêng như đã được chỉ dẫn trong thánh thư 1881 (The Maha Chohan's letter).
Năm 1973, vấn đề huyền bí học được nghiên cứu bổ túc với tài liệu 'Mục đích thứ ba' (The Third Object of the TS, by C.W. Leadbeater). Huyền bí học là sự nghiên cứu phần sâu kín trong thiên nhiên và trong con người. Học giả không nên tìm cách khai mở những huyền năng bậc thấp, cũng không luyện yoga khi thiếu người hướng dẫn có khả năng, không tin vào đồng cốt ... Trước hết, hành giả phải trau dồi phẩm hạnh, sau đó là thiền về sự hợp nhất với sự sống nơi thiên nhiên, với chân ngã, với Đại Ngã.
Chi bộ tổ chức hội thảo về 'Duy Nhất trong Dị Đồng', và cũng thành lập ban nhi đồng được phụ huynh hội viên tán thành nồng nhiệt. Cả gia đình đều thích Thông Thiên Học.
Năm 1974 kết thúc chương trình 7 năm với sự lãnh hội ý nghĩa huyền bí của 'Phong Trào Thông Thiên Học' (The Theosophical Movement by C. Jinarājadāsa). Chương trình bẩy năm là sự tóm tắt của công trình ông Đa, bà Hai, bà Dậu. Bẩy chi trưởng trong chương trình là sự gợi ý về bẩy cung tuy rằng không thể tìm đủ bẩy đại diện căn bản của bẩy cung. Sự xâm nhập của bộ đội tại Sài Gòn lúc tết Mậu Thân 1968 là sự cảnh cáo mất Việt Nam, từ đó suy ra thì thấy sự cần thiết của chương trình bẩy năm, được đưa ra để huấn luyện những người chí nguyện. Một sự gieo mầm, tạo những cây bồ đề con mới ở khắp nơi và có thể họp lại thành một khu vườn với tất cả cây bồ đề trên thế giới đại đồng vào thế kỷ 21.
Ngay trong năm 1875, số đông đảo người nồng nhiệt đến xin gia nhập The Theosophical Society đã tạo một sự ngạc nhiên lớn. Hội viên nam nữ thuộc tôn giáo, quốc tịch khác nhau đã kết hợp chặt chẽ để cùng phụng sự nhân loại với cùng một cảm hứng về ý niệm huynh đệ đại đồng. Động lực phi thường nâng đỡ phong trào xuất phát từ nhiều Chân sư. Các ngài hướng dẫn phong trào với sự cộng tác không hề suy chuyển của bà H.P. Blavatsky, ông H.S. Olcott, ông W.Q. Judge, bà Annie Besant, ông C. Jinarājadāsa.
Năm 1888, bà Blavatsky thành lập Trường Bí Giáo (The Esoteric School of Theosophy) để nhờ đó mà hội được thêm phần linh động và tồn tại.
Riêng tại Việt Nam, sau khi chương trình bẩy năm (1968 - 1974) được hoàn tất thì xẩy ra tình trạng chuyển mình. Một số hội viên lưu lại nước nhà, một số khác như đàn hải âu, tung bay sang Mỹ châu, Âu châu, Úc châu. Hội viên quốc nội và quốc ngoại đều đang viết trang mới về lịch sử phong trào Theosophia.
                                                                  
Bài do huynh François Mylne, vị huynh trưởng được sự yêu mến và quý trọng rất mực của chi bộ Thanh Niên Phụng Sự, soạn cho PST. Năm nay 2008 huynh đã 81 tuổi nên đây là một  công trình thật đáng kể và ưu ái lớn của huynh dành cho thế hệ sau, PST xin thay mặt quí độc giả trang trọng đón nhận bài với lòng biết ơn sâu xa.
 

Một bài Lịch Sử Hội Việt Nam bằng Anh văn cũng đã có trên trang web PST cho các bạn nào quen thuộc với Anh ngữ hơn, và sẽ đưa vào sách Theosophical Encyclopedia ấn bản thứ hai.

Phúc trình 1974 là bản đầy dủ lần chót của xứ bộ Việt Nam gửi cho hội chánh tại Adyar, Ấn Độ. Từ năm 1975 đến năm 1978 không có phúc trình, năm 1979 có một bản ngắn chỉ vài đoạn của bà hội trưởng Lưu thị Dậu, và năm 1981 bà viết bản phúc trình chót cũng rất ngắn ngủi, từ đây trở đi không còn thêm lần phúc trình nào khác. Năm 1983 hội quán bị chính quyền trưng dụng và hội ngưng hoạt động. Thông thường tạp chí The Theosophist của hội chánh có ghi tên, địa chỉ các xứ bộ ở trang chót mỗi số báo, từ năm 1975 chi tiết của xứ bộ Việt Nam xuất hiện bất thường lúc có lúc không, và khi đăng thì không đầy đủ mà có khi chỉ còn tên xứ bộ, không có tên hội trưởng hay địa chỉ. Lần cuối cùng tên xứ bộ có trong danh sách các xứ bộ trên thế giới là số The Thesosophist tháng 7 - 1983, sau số này là mất hẳn.
Do biến cố 1975, một số hội viên di tản ra nước ngoài và định cư tại nhiều quốc gia khác nhau. Không lâu sau đó bắt đầu có các nỗ lực tiếp tục truyền bá Thông Thiên Học bằng Việt ngữ. Tại Seattle,  Hoa Kỳ, tập san Phụng Sự Theosophia (PST) phát hành số đầu tiên vào dịp lễ Phục Sinh 1978, do các anh Phạm Việt Văn và Vũ văn Du phụ trách ấn loát, đánh dấu ngày thành lập xứ bộ Việt Nam mà cũng hàm ý Thông Thiên Học phục sinh trong cộng đồng Việt ở hải ngoại nói chung và chi bộ Thanh Niên nói riêng. Về sau lần lượt ông Phạm Đăng Lân đảm nhận việc in báo trong mấy năm rồi tới chị Phan thị Bạch Nhạn. Ông Lân đã lớn tuổi mà sốt sắng làm việc như thanh niên, đánh máy, in báo, phân phối, không nề hà thật đáng kính phục. Suốt những năm qua PST may mắn được sự giúp đỡ về mặt vẽ bìa của anh Võ Hồng Sơn, anh Vũ Đình Duy phần kỹ thuật, và nhất là chị Vũ thị Thượng Thảo, cặm cụi bỏ nhiều công lao cho mỗi  lần ra báo lo phần trình bầy, trang trí.
 Tại California, Santa Ana Study Center được thành lập 1983 với ba hội viên chi bộ Phụng Sự là chị Phan thị Bạch Nhạn, anh Huỳnh Công Chánh & anh Tô văn Hiệp. Đây là một nhóm nhỏ đầu tiên sinh hoạt Thông Thiên Học của người Việt sau ngày 30/4/1975. Về sau có thêm anh Lân, anh Nghĩa, anh Lý, chị Kim, Bác Vinh, Cô Lan Ngô (em cô Ngô tố Hoa) và Bác Đinh văn Bách. Hoạt động bao gồm hai sinh hoạt:

1)  Học lại những quyển sách căn bản: Dưới Chân Thầy, Ánh Sáng Trên Đường Đạo, Chìa Khoá TTH.
2) Ấn hành Tập San Phụng Sự Theosophia.
Khoảng năm 1991 gia đình chị Phan Bạch Nhạn di chuyển sang Washington State, từ đó nhóm học chung ngưng hoạt động, tuy nhiên việc ấn hành tập san PST vẫn tiếp tục. Năm 1988 một nhóm học chung khác được lập ở Long Beach, California, kế tiếp là trường hè cũng được tổ chức trong năm này; từ đây dẫn đến việc ra đời của chi bộ Chơn Lý, trực thuộc xứ bộ Hoa Kỳ, chi trưởng là bà Ngô Tố Hoa. Từ khi hoạt động, chi bộ có chủ trương hết sức hữu ích là tái xuất bản những sách TTH bằng Việt ngữ và tặng không, cho đến nay việc làm này vẫn tiếp tục.
Khi internet thông dụng thì bắt đầu có website của  Thông Thiên Học Việt Nam, trước tiên là trang web www.thongthienhoc.com. Trang web có hoạt động song song với chi bộ Chơn Lý là đưa sách vở TTH bằng Việt ngữ viết hay dịch trước năm 1975 lên internet, hiện đang có nỗ lực dịch sách và sẽ có nhiều tác phẩm được mang lên trong tương lai. Ta cũng có blog nhathongthienhocvn, xin search Google.
Kế tiếp năm 2006 tập san PST được đưa lên trang web tên www.phungsutheosophia.org nhờ webmaster Huỳnh Công Huấn, anh là cha đẻ của trang, một mình quán xuyến chăm lo mọi mặt kỹ thuật. Nét đặc biệt của trang là những tài liệu TTH bằng Việt ngữ được viết sau 1975, nhiều sách TTH cũng được dịch và phổ biến trên trang web để người trong và ngoài nước có thể học hỏi Thông Thiên Học:
            - Những bài viết của H.P. Blavatsky, A.A.Bailey và các tác giả khác.
            - Vòng Tái Sinh (The Wheel of Rebirth,  H.K. Challoner).
            - Hành Trình Một Linh Hồn (A Soul’s Journey, Peter Richelieu).
             - Vị Chân Sư (The Initiate, The Initiate in the New World, The Initiate in the Dark Cycle, His Pupil).
             - Thế Giới Thiên Thần (The Kingdom of Fairies, Fairies at Work and at Play, G. Hodson, The Real World of Fairies by Dora van Kunz).
Đến Phục Sinh năm 2008, tính ra  tập san đã liên tục xuất hiện được 30 năm.
Xứ bộ và hội quán không còn, nhưng hội viên trong nước và ở hải ngoại đang làm nhiệm vụ truyền bá Thông Thiên Học không ngừng nghỉ. Ngọn đuốc Theosophy thắp lên năm 1952 vẫn tiếp tục được duy trì trong và ngoài nước, cũng như lý tưởng 'Giữ cho phần trực giác tinh thần của nhân loại được sống động'  được theo đuổi luôn từ đó tới nay.

 

Hình  Hội  Quán
PST đang cần hình của hội quán Hội Thông Thiên Học Việt Nam trên đường Võ Di Nguy, Phú Nhuận, trước 75, để đưa vào sách Theosophical Encyclopedia, ấn bản thứ hai. Rất mong quí độc giả trợ giúp bằng cách nếu có hình mặt tiền của hội quán, xin vui lòng scan và gửi file theo email về cho báo (Địa chỉ email: pstheosophia@yahoo.com.) Xin đừng gửi hình bằng bưu điện vì nếu thất lạc thì rất đáng tiếc. Nếu quí vị biết ai có hình xin cho PST hay để liên lạc, ngoài ra PST cũng mong có được tất cả những hình ảnh về hội Việt Nam bằng cách scan hình như vừa nói để cho vào trang web PST.
Xin cảm tạ.

Ban Biên Tập.

Xem Phần Cước Chú