CƯỚC CHÚ LỊCH SỬ HỘI
TTH VIỆT NAM

Cách sử dụng tài liệu lịch sử về hội TTH VN là ý thức những lý do, những động lực tinh thần của cá nhân, của những cộng tác viên. Sau đây là vài bổ túc để lịch sử sống động, có chiều sâu và giúp ta hiểu thêm về sự việc đã qua. Bài dựa theo lời ghi của huynh François Mylne về những nhân vật mà huynh đã biết hay tiếp xúc, tài liệu riêng của ông Trương Khương, Nguyễn Khoa Huân và thư của ông Lê Đức Thịnh. Rất mong có thêm sự đóng góp của các huynh trưởng khác để lịch sử hội được ghi lại đầy đủ.
1. Nói về chi bộ Cochinchine, trong chi bộ hai ông Georges Raimond và ông Nguyễn Kim Muôn người góp công người góp của, vừa lo tổ chức các cuộc thuyết giảng, vừa mua sách ở Pháp để bán lại giá vốn cho hội viên, vừa xuất bản những quyển sách TTH đầu tiên do ông Bạch Liên viết. Nhiều người tìm đọc sách và lần lần số hội viên TTH tăng lên, người ở tỉnh gởi đơn xin nhập hội và tại Sài Gòn có một số công chức cao cấp người Pháp cũng trở thành hội viên. Ông Muôn là kế toán viên tại Đông Dương ngân hàng. Trong một tháng có một hoặc hai buổi nói chuyện, khi thì ở nhà ông Muôn, khi khác ở nhà ông Raimond. Ông Trần văn Sao, thư ký chi bộ đầu tiên Cochinchine, cho rằng TTH nẩy nở tại VN gốc do ba vị: ông Bạch Liên giữ hột giống, ông Raimond lo dọn đất, và  người đem gieo là ông Nguyễn Kim Muôn.
2. Vị chánh hội trưởng C. Jinarājadāsa có thỉnh được từ Bồ Đề Đạo tràng (Bodhi Gaya) ở Banaras (Benares) hai cây bồ đề nhỏ. Năm 1950, vào dịp kỷ niệm 75 năm thành lập The Theosophical Society, ông trồng một cây tại vườn kỷ niệm ở Adyar. Nay cây bồ đề đó lớn sum suê, oai nghi. Hội viên thế
giới, khi có dịp, thường đến dưới cây bồ đề để tham thiền về sự giác ngộ của đức Phật Thích Ca.
Cây bồ đề nhỏ thứ nhì của Bodhi Gaya được đức Jinarājadāsa giao cho Việt Nam, nói theo hình thức thì là chi bộ Việt Nam mà chi trưởng là ông Phạm Ngọc Đa. Đức Jinarājadāsa trao cây tận tay người đại diện của chi bộ là bà Nguyễn thị Hai, với những lời căn dặn hết sức tỉ mỉ về cách săn sóc cây khi về Việt Nam:
            - Khi bà về Sài Gòn, khoan trồng cây vào đất ngay. Cây đã được bứng một tháng trước ở Bodhi Gaya và đó là một chấn động lớn cho cây con còn non yếu. Nên để yên cây trong chậu thêm hai tháng nữa rồi cho sang chậu khác lớn hơn. Khi sang chậu, xin giữ cây trong chỗ mát ba ngày không cho ra nắng; sau đó, đừng cho cây phơi nắng trọn ngày mà chỉ để có nắng đến giữa trưa,  rồi đem vào chỗ mát tới chiều. Để cây con lớn có thân cứng chắc và ra nhiều lá thì cây sẽ lớn mạnh.
            Chi tiết có thể được xem trong tạp chí The Theosophist số tháng 7 – 1975 trang 150. Cây này được trồng ở Châu Đốc, trong lúc chiến tranh loạn lạc cây bị chặt đứt thân nhưng vẫn tiếp tục vươn lên. Bà Nguyễn thị Hai còn mang về Sài Gòn một cây bồ đề khác như là một cách phòng xa. Khi cây này trồng trước sân hội quán ở Phú Nhuận và đã khá lớn thì xẩy ra chuyện sau. Vào một sáng chủ nhật khi đi ngang qua cây bồ đề anh François Mylne bị xúc động một cách bất thường, anh mới đi tìm ông Tư Long để mượn một cái thang tre dài. Khi leo thang đến gần ngọn cây bồ đề, anh khám phá có sợi dây kẽm đang siết chặt ngọn cây, ăn lõm sâu vào vỏ, làm giảm đi sự lưu thông của nhựa cây. Cây bồ đề được giải tỏa một cách nhẹ nhàng, vài tháng sau vết hằn trên thân biến mất và phần ngọn cây lớn rộng ra bốn phía.
Thời gian trôi qua, đến năm 1976 từ những hạt bồ đề ở hội quán có sự nẩy sinh những cây bồ đề nhỏ tại Pháp quốc, rồi chính anh Huỳnh Công Chánh hộ tống cây bồ đề nhỏ ấy sang Mỹ quốc. Kế tiếp là việc ban quản trị đạo viện Krotona ở California long trọng làm lễ trồng cây bồ đề nhỏ đó tại đạo viện, sự việc có được cũng là nhờ công lao của anh Nguyễn Trung Nghĩa vậy. Ngoài ra tại đạo viện The Manor ở Sydney cũng có một cây bồ đề khác từ Việt Nam do anh Huỳnh Hữu Đức mang sang, có vẻ như cây bồ đề quyết tâm theo làm bạn với hội viên Việt Nam cho dù ta định cư ở đâu.
Ngoài cây bồ đề, ông Jinarājadāsa còn liên hệ mật thiết với Phong trào Theosophia tại Việt Nam; cộng tác viên chính thức của ông tại Việt Nam là  ông Phạm Ngọc Đa ở Châu Đốc.
3. Ông chi trưởng Trương Khương luôn  luôn có mặt tại hội quán vào dịp có những Huynh trưởng đến viếng, hay vào lúc có đại hội thường niên. Ông là nhà chụp ảnh chuyên nghiệp nên có những tài liệu, hình ảnh đặc biệt. Ông là chủ nhân tiệm ảnh 'Photo Việt Nam' ở Sóc Trăng.
4. Sự tồn tại và bành trướng của hội Hội Thông Thiên Học Việt Nam sở dĩ có được là do công đầu của vài người Pháp, kế tiếp là công đức của ông bà Nguyễn văn Lượng trên phương diện tiền của và tài chánh xây cất, và cũng do ông Phạm Ngọc Đa, bà Nguyễn thị Hai trên phương diện quảng bá giáo lý phổ thông.  Sự lạ lùng là ông Đa quan tâm đến Bát Nhã tâm kinh (Prajña-paramita Hridaya Sutra) về Bồ đề Bodhi và Prajña. Như vậy, không phải là sự ngẫu nhiên khi ông Phạm Ngọc Đa viết Phật giáo yếu lýLuân lý đạo Phật. Cũng không phải là tình cờ mà đức Jinarājadāsa trao cho bà Nguyễn thị Hai cây bồ đề thỉnh từ Bodhi Gaya ở Ấn Độ.
Trong khi ông Phạm Ngọc Đa chú trọng về Phật giáo bí truyền thì ân nhân của hội là ông Nguyễn văn Lượng quý chuộng về huyền bí học của ông Leadbeater. Ông Nguyễn văn Lượng thích nêu lên danh tánh của các Chân sư và những cuộc điểm đạo, cũng vì vậy mà ông có nhiều tin tưởng nơi đạo Cao Đài.
Một điều đáng lưu ý là cả ba vị hội trưởng Phạm Ngọc Đa, Nguyễn thị Hai và Lưu thị Dậu đều là nhà giáo. Hai người có khả năng giảng dạy, soạn sách vở, còn một người chăm chú về nhi đồng là bà Lưu thị Dậu. Bà ao ước nước nhà có nhiều trường mẫu giáo, bà dạy tại trường Sư Phạm và được phái đi ngoại quốc để nghiên cứu về phương pháp của bà Maria Montessori. Do sự gợi hứng của các đấng cao cả, phương pháp Montessori là theo dõi sự biểu lộ của mỗi trẻ em, hướng dẫn em phát triển thêm điều ấy cho phù hạp với những đặc tính của Chân ngã. Hai cô Trần Kim Thanh và Lê Hồng Hạnh xuất ngoại để học hỏi về phương pháp Montessori, khi hồi hương để thực hành, hai cô mở trường mẫu giáo Ấu Tiến lý tưởng, thật đáng khen. Cũng về sự quan tâm đối với thiếu nhi, chi trưởng Phan thị Nga của chi bộ Phụng Sự thành lập ban Nhi đồng rất được hoan nghênh.
  Ông Phạm Ngọc Đa vóc người nhỏ thó đôi khi bị đau ốm nặng, ông thường mặc complet trắng, nếp sống bình dân. Mặc dầu hành nghề lý tưởng là nhà giáo (ông là Hiệu trưởng), căn bản của ông vẫn là một nhà đạo đức mystic có khả năng thu hút. Nhiều hội viên ở Sài Gòn ao ước ông ở luôn tại thủ đô để được học đạo, cũng như để lo đầy đủ thuốc men hữu hiệu thường xuyên cho ông. Tự bản tính, ông rất xứng đáng với sứ mạng lãnh đạo hội. Khi ông gặp đức Jinarājadāsa tại Sài Gòn thì khi đó ngài có đeo chiếc nhẫn Sat (Chân Lý) của bà Blavatsky truyền lại.
Ông Phan văn Hiện ở Bàn Cờ là đại diện, người thừa kế của ông Phạm Ngọc Đa. Ông hiến đời sống của mình cho hội, cho sự truyền bá giáo lý phổ thông rất dồi dào của ông Đa. Mãi về sau, ông Hiện trở thành người tận tụy với triết lý mà bà Blavatsky đưa ra.
Bà Nguyễn thị Hai khi gặp ông Monod Herzen thì được truyền dạy TTH. Ông Herzen, khoa trưởng viện đại học, là một học giả uyên thâm về giáo lý. Mỗi khi có dịp ghé Sài Gòn, ông đều tới thăm bà Hai để cùng bàn luận về việc hội, như thầy với trò. Khuynh hướng của ông là trí đạo, còn của bà là tâm đạo nên tạo được một phương hướng dung hoà. Mặc dầu thế, đôi khi những hứng khởi của bà có phần vượt trội như sự náo nức thành lập trung tâm tinh thần ở Đà Lạt. Tuy nhiên có điều mà chúng ta nên ghi nhớ là mọi công cuộc tinh thần thuộc minh triết và bác ái, nếu chưa có thể thực hiện ngay bây giờ thì đều có thể được hoàn tất trong tương lai.
Sinh hoạt thông thường của bà Hai là mải miết dịch sách vở TTH, soạn bài cho tạp chí Tìm Hiểu Thông Thiên Học, hay thảo những bài diễn thuyết. Khi cảm thấy mệt, bà xuống văn phòng ngồi nghỉ xem huynh François Mylne làm việc, hay kêu huynh thay thế trong một buổi học ở chi bộ Dung Hạnh. Có lúc bà đi tưới cây và lấy đó làm vui.
Nơi phòng thiền của bà có một cái chuông đồng to, giống như chuông nơi thờ Phật; khi đánh lên chuông tạo được âm thanh OM. Âm thanh đặc biệt này được huynh François Mylne thâu lại trong băng cassette và năm 1973 khi bà giã từ trần thế, âm thanh được cho phát ra tạo sự vang dội và thấm nhuần của OM cùng khắp nơi mà bà đã quyết chí phụng sự.
Ông Nguyễn văn Huấn, cộng tác viên chánh yếu, là người thừa kế của bà. Ông đã được chuẩn bị về mọi mặt và hội đủ đức tính cần thiết để lãnh nhiệm vụ hội trưởng năm 1967, tuy nhiên bà Lưu thị Dậu đắc cử. Bà là người hiền khô, sống thanh bạch tại hội quán chung với cô Trần thị Hoanh. Bà là nhà giáo bình thường sống độc thân, không hề có mộng ước ra mặt để gánh vác công việc phức tạp, nhưng thật ra bà có trọn vẹn một thần lực bên trong để hoàn tất nhiệm kỳ 1967 – 1969. Một mộng ước mà bà chưa thực hiện được trong kiếp này là xây dựng một nền giáo dục lý tưởng có căn bản đã được chỉ dẫn trong quyển 'Hoa và Vườn' (Flowers and Gardens) của đức Jinarājadāsa.
Sau biến cố 1975, bà Lưu thị Dậu vẫn lưu lại Việt Nam. Với một thân hình mảnh khảnh, bà có ý chí phi thường để gìn giữ, để đưa lên cao bó đuốc Thông Thiên Học sáng ngời. Bà là một gương mẫu đáng phục của thời nhẫn nại. Phải chăng nhờ bà mà hiện nay ở nước nhà vẫn còn nhiều hội viên Thông Thiên Học sống yên lành ?
5. Hội quán là biểu tượng của ba đặc tính: Ý Chí, Minh Triết và Bác Ái. Ý Chí là sự bền lòng quyết phổ truyền Theosophia để đáp ứng sự khao khát tìm thánh đạo của con người. Minh Triết là giáo pháp Dharmah, là Chân Lý Satyāt trong sự thuần túy. Bác Ái là tình huynh đệ đại đồng. Lòng Từ bi được thể hiện nơi Cô nhi viện thiết lập bên cạnh Hội quán.
Hằng tuần, nơi hội quán có sự tổ chức diễn thuyết về giáo lý cho công chúng cũng như cho hội viên. Thính giả đến tham dự đông đảo hay thưa thớt tùy cường độ hấp dẫn của đề tài. Ban giám đốc, hằng tháng hay mỗi khi cần thiết, luôn luôn sốt sắng họp lại để bàn luận, quyết định, duy trì sự sinh hoạt liên tục của Hội, một trách nhiệm đôi khi nặng nề vì hoàn cảnh.
Hằng năm, ban giám đốc tổ chức Đại hội để hội viên từ nhiều chi bộ trong nước quy tụ lại có cơ hội gặp nhau, cũng như để theo dõi phúc trình hoạt động của toàn thể. Mỗi năm, Hội chỉ tổ chức một cuộc lễ duy nhất, đó là lễ Hoa Sen Trắng White Lotus Day. Sự trầm tư của hội viên khi chăm chú nhập tâm tiểu sử của bà Blavatsky và sự mặc tưởng của thinh văn về sự hy sinh trọn vẹn của vị đệ tử, đều trở nên mãnh liệt khi vang lên "Tiếng Nói Vô Thinh":
Hãy để cho Hồn con lắng tai nghe mọi tiếng đau khổ, như bông sen nở lớn để hứng ánh sáng mặt trời của ban mai.
Thông điệp cứu khổ chính là nếp sống thực hành những điều học được, chính là sự truyền bá Theosophia. Sự nghiên cứu Theosophia là công phu đương nhiên của người cứu trợ.
6. Nói riêng  về chi bộ Kiêm Ái, bà Vũ Thị Dung được xem là ân nhân của chi bộ qua việc trụ sở chi bộ là ngôi biệt thự của bà Dung, và hội trường giảng giáo lý hàng tuần cũng ở ngay trong nhà bà. Hiện bà Dung đang cư ngụ tại Hoa Kỳ.

 

Xem Danh Sách các Chi Bộ TTH Việt Nam (1952-1975)