LỊCH SỬ HỘI NHỮNG NGÀY ĐẦU
Lịch Sử Hội: Những Ngày Đầu (tt)
Xem Mục Lịch Sử Hội: Những Ngày Đầu
‘Sáng hôm sau chúng tôi đi Bombay bằng xe lửa chở thư, nhưng chuyện lạ lùng chưa dứt. Baburao chào từ giã chúng tôi ở trạm Khandalla, sau khi từ chối không nhận tiền trà nước mà tôi muốn tặng anh, một điều ít thấy nơi những người Ấn giúp việc nhà. Ba người chúng tôi có nguyên toa hạng hai cho riêng mình, Babula ngồi ở toa hạng ba. Sau một chốc Moolji nằm duỗi người trên một băng ghế và ngủ say, còn HPB và tôi ngồi cạnh nhau ở băng bên kia, trò chuyện về các điều huyền bí nói chung, bà ngồi kế cửa sổ bên trái.
‘Rồi bà nói.
– Tôi ước chi … (vị Chân sư) đừng kêu tôi chuyền miệng cho ông hay tin nhắn về Rajputana !
– Sao vậy ?
– Vì hai người Wimbridge và cô Bates sẽ nghĩ đó là chuyện vớ vẩn, là cái cớ để ông cho tôi có chuyến đi chơi xa thích thú còn họ phải ở nhà lo công chuyện.
– Chỉ tầm phào ! tôi nói, lời nói bà là đủ, tôi kkông cần điều gì khác.
– Nhưng nói để ông hay, chuyện làm họ không thích tôi đâu.
– Vậy thì, tôi đáp, tốt hơn là để ngài viết cho bà mẫu thư ngắn, ngài dễ dàng làm được. Mà chuyện đã trễ rồi, ta đã đi xa Khandalla hơn ba mươi cây số, thôi bỏ nó đi.
Bà ngẫm nghĩ thêm vài phút rồi nói.
– Thế này, để tôi thử xem sao, chưa hẳn là trễ quá đâu.
Đoạn bà viết đôi điều trên trang giấy của cuốn sổ tay bằng hai thứ chữ, phân nửa trên là chữ Senzar, ngôn ngữ mà bà dùng trong tất cả thư riêng của các Chân sư gửi cho bà, nửa dưới bằng tiếng Anh mà bà cho tôi đọc. Nó viết như vầy.
– Xin Gulab Singh gửi điện tín cho Olcott lệnh mà con cho ông tại hang động hôm qua; coi đây là thử nghiệm cho người khác cũng như là cho ông.
Bà xé trang giấy ra, xếp nó lại thành hình tam giác, vẽ lên đó vài biểu tượng lạ lùng mà bà nói là để sai khiến tinh linh. HPB cầm giấy giữa ngón cái và ngón trỏ của tay trái, như thể sắp phóng nó ra ngoài cửa sổ. Tuy nhiên tôi giữ tay bà lại, nói.
– Bà muốn đây là thử nghiệm cho tôi ? Vậy để tôi mở ra coi lại mẫu thư, và coi bà làm gì với nó.
‘Bà thuận tình để tôi mở ra nhìn vào bên trong tờ giấy, trả nó lại cho bà, và theo lời yêu cầu của HPB, nhìn theo khi bà quăng đi từ xe lửa. Nó đụng phải luồng không khí thổi cuốn đi do xe lửa chạy, và bốc ra ngoài tới một cây lẻ loi mọc gần đường rầy. Ở chỗ đó cao một ngàn thước, nằm giữa các đỉnh rặng núi phía đông, lúc ấy không thấy có nhà cửa ai ở, và có rất ít cây dọc theo đường xe lửa.
‘Ngay trước khi tôi để bà quăng tờ giấy, tôi gọi Moolji dậy, cho anh hay việc bà sắp làm, kêu anh xem giờ đồng hồ của tôi, và cùng với tôi ký chứng thư trong cuốn sổ tay của tôi, hiện đang nằm trước mặt tôi, và nhờ đó làm sống lại ký ức tôi về những chi tiết này. Chứng thư ghi.
– Trạm Kurjeet, 8.4.79, lúc 12.30 trưa.
Moolji là người chứng ký tên.
‘Tại Kurjeet, Moolji và tôi muốn xuống xe lửa đi lại cho dãn gân cốt, nhưng HPB nói chúng tôi không nên rời khỏi toa cho đến khi tới Bombay, đó là lệnh cho bà rồi chúng tôi sẽ hiểu. Thành ra chúng tôi ngồi lại với bà trong toa. Khi về tới nhà tôi có công chuyện phải đi ra ngay đường Kalbadevi để lo, và vắng mặt một giờ. Lúc trở về gặp cô Bates, cô đưa cho tôi một phong bì từ bưu điện dán kín của bức điện tín, nói người đưa thư mang tới và cô ký nhận thay cho tôi. Nội dung bức điện tín như sau:
Giờ: 2 giờ trưa. Ngày: 8.4.79
Từ Kurjeet Tới Byculla
Từ Gulab Singh – Cho H.S. Olcott
Đã nhận thư. Trả lời Rajputana. Đi ngay.
‘Cho tới mấy tháng gần đây, tôi vẫn xem đây là một trong những bằng cớ chân thật nhất không sao nhầm được về khả năng huyền bí của HPB mà tôi đã nhận được. Các bạn tôi tin hết sức, trong đó một người ở London và một ở New York. Đặc biệt người bạn ở New York kể lại một điều lạ mà tôi rất mừng là đã ghi lại trong nhật ký ngày sau đó (1.7.79) sau khi nhận được thư. Ông John Judge, người bạn ghi ở trên, là anh của ông W.Q. Judge, viết là tên người gửi bức điện tín (Gulab Singh) đã phai mờ hẳn thành ra ông không biết người gửi là ai. Ông kèm theo thư bức điện tín nguyên thủy và tôi thấy tên đó hiện rõ trở lại như nó là ngày nay.
‘Điểm yếu của trọn câu chuyện về hiện tượng là tôi được biết mới gần đây, rằng Baburao được Moolji mướn để phục vụ cho nhóm chúng tôi tại Matheran, Khandalla và hang động Karli. Vì lý do này mà tôi ghi lại tỉ mỉ sự việc về chuyến đi vui vẻ của chúng tôi, để bạn đọc tự phán đoán lấy.’
V. Chuyến Đi lên Bắc Ấn
Việc hội bành trướng ra nhiều nước khiến ông Olcott phải soạn kế hoạch mở rộng và có thay đổi về điều lệ. Ngoài ra theo với thời gian còn có những sửa đổi khác theo kinh nghiệm. Điều lý tưởng luôn nhớ là việc thành lập một Liên bang trong đó các xứ bộ địa phương được hoàn toàn tự trị, cùng lúc giữ ý mạnh mẽ là trọn phong trào tùy thuộc vào tổ chức ở trung tâm là hạt nhân, và quan tâm chung về việc duy trì lẫn điều hành nó hữu hiệu.
Ngày 11.4.79, HPB, Moolji và ông Olcott cùng người giúp việc Babula rời Bombay đi Rajputana như được lệnh tại hang động Karli. Trời nóng nực, bụi bặm làm mọi người khổ sở trên xe lửa. Ông Olcott ghi là không biết vì điều này hay chăng mà tối hôm ấy ông xuất vía, đi thăm vị Chân sư người ngụ sâu trong lòng đất tại Karli, nhưng không tới chỗ ở của ngài. Tất cả điều ông nhớ là đi vào một trong những đường hầm, dẫn từ nơi mà nhóm của ông qua đêm ở hang Karli có Baburao ngồi gác ở miệng hang, tới chỗ đó.
Trên đường đi, họ dừng lại vài nơi như Allahabad, Cawnpore, mỗi chỗ vài ngày. Tại các nơi ấy họ đến thăm các đạo sĩ Ấn tiếng tăm trong vùng, hoặc do công phu tu tập hoặc do quyền năng siêu nhiên. Dân gian nói rằng họ có thông nhãn, có khả năng biến một vật thành khối lượng nhiều lần hơn, như kinh thánh ghi đức Chúa biến bánh và cá cho đám đông. Có đạo sĩ nhiều lần tạo bữa ăn như thế cho cả trăm người. Tuy nhiên, đạo sĩ từ chối biểu lộ quyền năng của mình khi ông Olcott và bà Blavatsky đề nghị. Họ giải thích là ai khôn ngoan không để cho mình bị chia trí trong việc học hỏi tâm linh bởi những trò chơi này của kẻ chưa hiểu biết, mà sự thực là vậy.
Tại Bhurtpore, Rajputana, ông Olcott và bà Blavatsky nghỉ ở nhà khách. Một buổi tối chỉ có hai vị ngồi ở hàng hiên sau nhà, một người Ấn lớn tuổi mặc áo trắng đi vòng qua góc nhà về phía họ, chắp tay vái chào, đưa cho ông một bức thư rồi quay đi. Mở ra đọc thì ông thấy đó là câu trả lời đã hứa cho thư ông gửi Gulab Singh tại Khandalla mà theo bức điện tín của ngài từ Kurjeet, ông sẽ nhận được tại Rajputana.
Lời lẽ trong thư thật đẹp và đối với ông, đó là bức thư quan trọng nhất, vì nó chỉ ra sự kiện là làm việc trung thành cho hội Theosophia là cách chắc chắn nhất để gặp được Chân sư. Ông ghi.
– Tôi đã kiên trì theo đuổi con đường ấy, và cho dù đó là thư giả mạo đi nữa, nó cũng chứng tỏ là ơn phước và mãi mãi là điều an ủi trong những lúc khó khăn.
Chặng kế của hai vị là Jaypur. Nhóm được mời nghỉ tại nhà của chú của vị tiểu vương – Maharajah của vùng, nhưng hôm sau cả nhóm bị thẳng thừng mời ra. Hỏi kỹ thì chuyện là hai vị bị nghi ngờ là gián điệp cho Nga, và có một cảnh sát viên theo chân hai vị ở bất cứ nơi nào họ đi tới. Thế nên ông Olcott lập tức đến gặp công sứ Anh để phản đối biện pháp vô ích này, với tư cách là công dân Hoa Kỳ, bởi xét ra hai vị không có gì phải che dấu và chính quyền có thể đọc tất cả giấy tờ của họ.
Công sứ rất nhã nhặn, tỏ ý tiếc hai vị đã bị làm phiền, và đề nghị cấp cho họ xe cùng với voi để đi thăm cố đô Amber của tiểu bang Jaypur nếu muốn.
VI. Đi Bắc Ấn
Sau Jaypur, ông Olcott và bà Blavatsky đi Agra nơi có đền Taj Mahal, tại mỗi nơi họ gặp hội viên, thân hữu để thảo luận về triết lý, tôn giáo và đôi nơi ông Olcott có bài nói chuyện, rồi viếng thăm các đạo sĩ. Kế đó hai vị tới Meerut và ngày 7.5.79 quay về Bombay. Lúc xe lửa ngừng tại sân ga ở Bombay, trước khi HPB coi lại hành lý đi cùng, bà tới đối đầu với nhân viên cảnh sát vẫn tiếp tục bám chân họ, và ngay ở sân ga tỏ cho nhân viên hay là bà không hài lòng với việc bị theo dõi.
Rồi thay vì về nhà tắm gội và ăn sáng là điều mà họ rất cần, hai vị lên xe đi thẳng tới tòa lãnh sự Hoa Kỳ, yêu cầu lãnh sự có lời phản đối mạnh mẽ với giám đốc cảnh sát về cách đối xử ấy. Về sau tại Simla trong dịp lên thăm ông bà Sinnett, ông Olcott được biết là chính quyền bực bội với việc bám sát chân diễn ra quá lộ liễu làm hai vị chú ý, và việc theo dõi họ không có gì là lạ. Biện pháp của chính quyền Anh tại Ấn là canh chừng tất cả người lạ nào tỏ ra có liên hệ thân thiết với dân Ấn, và tránh tiếp xúc với giới cai trị.
Trở lại cuộc sống thường nhật, ngày tháng dần trôi qua với mỗi ngày vòng thân hữu của hai vị và người Ấn mở rộng hơn, nhưng họ gần như không có tiếp xúc với người Âu châu nào, ngoại trừ một số rất ít đếm được trên đầu ngón tay. Trong tháng năm, ông giúp bà Blavatsky viết cuốn sách mới về Theosophia, phác họa những đường lối tổng quát cho sách; dầu vậy, hạt giống nằm yên năm hay sáu năm sau mới lớn mạnh thành bộ The Secret Doctrine. Ông ghi rằng đóng góp của ông trong chuyện chỉ là đặt tên cho sách và viết phần bố cục sơ khởi. Công việc hằng ngày làm ông bận rộn, và không thể trợ giúp viết một bộ sách khác mà nội dung có tính bao quát rộng rãi.
Một trong những việc thường nhật của ông là tiếp hằng tá khách cùng viết hằng chục bức thư. Ông cũng diễn thuyết, còn HPB thỉnh thoảng tạo hiện tượng cho khách đến thăm. Sự kiện chính đáng nói trong thời gian này là việc phát hành nguyệt san The Theosophist. Vào ngày 4.7.79 hai vị thảo luận và đi tới quyết định ra tạp chí, vì ấy là cách đáp ứng với sự chú ý ngày càng gia tăng về Theosophia hay hơn là viết thư trả lời.
Chuyện giản dị là hai người không thể nào chịu nổi áp lực phải viết thư như thế ngày này sang ngày kia mãi được. Đôi khi ông Olcott làm việc từ sáu giờ sáng đến chín giờ tối, rồi đêm thức đến hai, ba giờ sáng mà vẫn không xong công chuyện. Phần khác là bởi đa số người viết thư có cùng một thắc mắc, nên nhắc lại một điều đã nói nhiều lần là việc làm nhàm chán. Hai vị bàn bạc về việc ra tạp chí, cân nhắc lợi hại và chót hết quyết định làm báo. Ông viết.
– ‘Tuy nhiên có khó khăn to tát là hội không có tài chánh mà cũng không có thế chấp để có thể vay mượn, tôi mới đưa ý là ra báo theo cách những tạp chí hay nhất của Hoa Kỳ và Anh làm, là đóng tiền trước và không để nợ. Tôi sẵn lòng làm một năm báo đúng kỳ cho dù chưa có lấy một độc giả đóng tiền mua báo dài hạn, nhưng nếu phải lo lắng tìm cách thâu tiền thiếu chưa trả, và do vậy bị chia trí không thể làm được việc quan trọng là suy nghĩ, học hỏi và viết bài, thì tôi không làm.’
Các thân hữu người Ấn mạnh mẽ chống đối chuyện họ xem là mới mẻ này, nhưng điều ấy không lay chuyển sự quyết chí của ông, và ngày 6.7.79 ông ra thông cáo báo chí, kêu gọi nhiều người đóng góp bài và loan tin rộng rãi ý định trên. Công chuyện làm hai vị bận rộn suốt thời gian này. Những hội viên tích cực hăng hái cổ động việc mua báo dài hạn, một hội viên ông Sreevai mời được gần hai trăm độc giả mua báo. Ngày 30.9.79 nhà in giao 400 tờ báo số đầu tiên khiến mọi người vô cùng mừng rỡ, và báo chính thức ra mắt ngày 1.10.79. Kể từ đó đến nay báo ra đều đặn không sai chạy, và không mắc nợ đồng nào. Từ tháng thứ tư báo sinh lợi nhỏ, nhỏ thật, nhưng lâu ngày tích lũy nó cho phép ông Olcott và bà Blavatsky hiến tặng mấy ngàn rupee cho chi phí của hội, bên cạnh việc làm không công của hai người.
VII. Những Cộng Sự Viên Tương Lai Bắt Đầu Tới.
Khi trở ngược về năm 1879 và xem lại cách cũng như khi những cộng sự viên bước vào đời hai vị, nó giống như xem các diễn viên xuất hiện và rút lui trong một vở kịch, và ta học được nhiều điều khi xem xét nguyên do mang người này đến hội và nguyên do khác khiến người kia ra đi. Theo ông Olcott, nguyên do cho việc sau có tính cách cá nhân như thất vọng không được biết các Chân sư, không khiến được HPB thất hứa, chán ghét vì tư cách bà bị công kích hay hiện tượng bà làm bị chê bai, không thụ đắc quyền năng tâm linh muốn có, hay chuyện khác tương tự vậy.
Ta đã ghi ở trên làm sao mà ông Sinnett biết và liên lạc với hai vị cùng thời điểm, nay Damodar Mavalankar gia nhập hội ngày 3.8.79. Đó là một ngày mưa lớn và Damodar tới buổi tối, mặc áo mưa trắng xách cây đèn, với nước mưa từ cái mũi dài chảy ròng ròng xuống. Anh ốm cà tong cà têu, chân khẳng khiu mà HPB ví như hai cây bút chì. Bề ngoài đó làm người ta nghĩ anh khó mà nhập được vào ashram – đạo viện nào. Nhưng bề ngoài không phản ảnh đúng sự thật trong trường hợp này cũng như nhiều trường hợp khác, cho những hội viên xem ra trội hơn anh rất nhiều về mặt tinh thần, mà thực tế lại khác hẳn.
Ba ngày sau khi nhận Damodar vào hội, ông Olcott nhận đơn xin gia nhập của ông bà trung tá Gordon (về sau là tướng), hai người có thể được xem là những thân hữu trung thành nhất, hỗ trợ HPB không hề đổi ý. Một ít lâu sau đó là anh K.P. Cama tới với hội, anh là người Parsi trẻ tuổi và tạo ấn tượng sống động cho hai vị, do việc anh thông thạo cùng có lòng nhiệt thành đáng phục với triết lý Ấn Độ. Vài bài viết của anh được đăng trong những số báo The Theosophist sớm nhất. Nếu có ai mà linh hồn là người Ấn sinh ra trong thể xác người Parsi thì đó là Cama, và anh cảm thấy như thế.
Tới ngày 19.10.1879, cha của Damodar cũng gia nhập hội.
Ngày 11.8.1879 HPB nhận được thư của bà Coulomb ở Ceylon, thuật cảnh khó khăn mà vợ chồng hai ông bà gặp phải và xin được trợ giúp. Bà nói mong tới được Bombay nếu có thể lo được chi phí và muốn có được việc làm. HPB kể cho ông Olcott hay mối liên hệ giữa bà với ông bà Coulomb tại Cairo; khi ấy tầu chở bà bị nổ ở cảng Piraeus của Hy Lạp, gần như tất cả hành khách bị thiệt mạng và HPB được đưa về Cairo, rồi bà Coulomb đối xử tử tế với HPB ra sao. Vì vậy ông Olcott đưa ý kiến là theo lẽ thông thường, giờ HPB nên giúp hai người để trả ơn khi họ gặp cảnh không may. Bà đồng ý và viết thư hồi đáp.
Từ ngày lên đất Ấn, ông Olcott đi thuyết giảng nhiều nơi với các đề tài như chấn hưng tôn giáo, ở đây là Ấn giáo, đạo Jain, Hỏa giáo, và tình huynh đệ đại đồng mà thí dụ là cách ta đối xử với loài vật.
VIII. Đi Thăm Allahabad và Benares.
Ngày 2.12.1879 ông Olcott và bà Blavatsky cùng Damodar, Babula lên xe lửa đi Allahabad thăm ông bà Sinnett. Tại đây chẳng mấy chốc hai vị gặp gỡ nhiều nhân vật trong chính quyền Anh, và làm bạn với một số người này. Theo tục lệ được theo sát ở xã hội thời đó, ai mới đến trong vùng phải tới thăm những người đã sinh sống trước nơi ấy, nhưng HPB không đến nhà ai mà người nào muốn biết về bà phải làm ngược với thói quen này và đến gặp bà nhiều lần tùy thích.
Do vậy có nhiều khách đến chơi với ông Olcott và bà Blavatsky trong thời gian hai vị ở đây, cũng như hai người được mời đến nhà khách ăn tối. Một hôm, ông bà Sinnett và hai vị ngồi xe tới nhà khách dự bữa tối, xe phải đi ngang qua một nơi trong vùng mà hai người chưa thấy trước đó. Đột nhiên HPB rùng mình và nói.
– Thiệt lạ, tôi có cảm giác kinh khiếp quá. Dường như có tội phạm ghê gớm đã xẩy ra nơi đây và có đổ máu.
Ông Sinnett bảo.
– Bà không biết chúng ta đang ở đâu sao ?
– Làm sao tôi biết được ? Tôi mới đến nhà hai ông bà lần đầu tiên.
Khi đó ông Sinnett chỉ vào tòa nhà lớn bên phải, cho bà hay đó chính là câu lạc bộ cho sĩ quan Anh của một trung đoàn, nơi một số sĩ quan bị binh sĩ bản xứ sát hại khi họ ăn tối vào lúc có cuộc nổi loạn mấy năm trước. Đây là cớ cho HPB giải thích chi tiết về việc hành động của người được lưu lại mãi mãi trong Thiên Ảnh ký – Akashic Records. Cũng trong lúc giao tiếp với các nhân vật trong xã hội Ấn – Anh tại đây, HPB đã tạo nhiều hiện tượng có đông người chứng kiến. Khi hồi ký này của ông Olcott được khởi đăng từ năm 1892 lúc các nhân chứng còn sống, chuyện không có lời phủ nhận nào.
Ông Olcott cũng thuyết trình về Theosophy trong chuyến đi này. Sau đó ông bà Sinnett cùng hai vị đi Benares. Ta sẽ thấy hai điều sau lập lại nhiều lần với ông Olcott và ông Sinnett, đó là trong nỗ lực làm sinh động trở lại truyền thống tâm linh của Ấn, ngoài việc thuyết giảng ở bất cứ nơi nào ông đến, ông Olcott và bà Blavatsky thường cố công đi tìm các đạo sĩ chân chính của Ấn giáo ở những nơi mà họ đi qua, như Benares trong dịp này. Mỗi lần nghe giới thiệu có đạo sĩ ở địa phương, khi tới thăm ông Olcott luôn hỏi xin được thấy hiện tượng. Lần này đạo sĩ từ chối, với ý kiến mạnh mẽ rằng ấy chỉ là trò trẻ con, và ai khờ khạo mới ham muốn chúng thay vì vui thích với triết lý không gì sánh bằng trong Ấn giáo.
Ấy là thái độ chung mà ông Olcott gặp trong khắp các nơi đi qua tại Ấn, đạo sĩ được trọng vọng nhất là những ai từ chối không biểu lộ quyền năng mà họ có thể có, ngoại trừ trong trường hợp rất biệt lệ. Ai tạo phép thuật bị xem là hạng thấp hơn rất nhiều, như là phù thủy tà đạo, và như thế chỉ thu hút tầng lớp thấp.
Với ông Sinnett thì ông luôn muốn thuyết phục tầng lớp học thức người Anh về huyền bí học, bằng việc tạo hiện tượng. Theo ông đó là cách hữu hiệu nhất để làm họ tin, và ông đề nghị với HPB rằng nếu chỉ có một lượng giới hạn năng lực tâm linh để sử dụng, thì bà nên dùng nó riêng cho việc tạo hiện tượng cho khoa học gia, trong điều kiện có thể kiểm chứng.
Ông cho rằng ấy là đề nghị hợp lý nhưng HPB thẳng tay bác bỏ, nói rằng những hiện tượng đã làm tại Allahabad là đủ, và bà chẳng màng đến Viện Hoàng Gia Khoa Học. Chuyện làm ông Sinnett không vui, nhưng chiều hôm sau, trong lúc cả nhóm cùng hai người khách ngồi chơi ở phòng khách, hai bông hồng rơi xuống lạ lùng khiến mọi người vui vẻ trở lại.
IX. Hiện Tượng và Học Giả
Đây là năm đầu tiên của hai vị tại Ấn nên mọi chuyện đầy hào hứng và mới mẻ với ông Olcott, ông hân hoan đón nhận sự việc như trẻ con. Người bản xứ cũng như học giả tây phương tại Ấn niềm nở đón tiếp hai vị. Họ có những buổi họp mặt thảo luận về triết lý, và ông thường nhân cơ hội này khuyến khích việc tìm hiểu sâu xa về kinh điển Ấn giáo và Hỏa giáo. Tại một trong các buổi như thế, bà Blavatsky tạo hiện tượng thú vị đã ghi trong chuyện HPB, PST số 57, xin bạn đọc xem lại. Về sau có nghi ngờ đây không phải là hiện tượng đúng thực mà là sự giả mạo, ông Olcott viết trong sách là vừa khi hai bông hồng rơi xuống trước mặt ông Sinnett (đoạn ở trên), ông và ông Olcott lập tức chạy vội ra cầu thang dẫn lên mái nhà, tìm trên đó xem có ai núp để thẩy hoa nhưng không gặp ai.
Từ Benares, hai vị quay về nhà ông bà Sinnett, tiếp tục có khách đến thăm, họp mặt buổi tối, khách mời hai vị đến nhà chơi, và ông Olcott có bài nói chuyện về cổ Ấn Độ và Ấn Độ đương thời, tại hội quán Allahabad. Trong vài ngày ở đây hai ông bà Sinnett gia nhập hội, và sau chót ông Olcott cùng bà Blavatsky quay về, tới Bombay ngày đầu năm 1880. Ông ghi nhận số người ghi tên mua báo Theosophist là 621 người. Con số có thể ít ỏi so với các tạp chí tây phương có lượng độc giả lớn, nhưng đó là số lưu hành đáng kể tại Ấn, nếu so sánh với số lưu hành các nhật báo lớn hàng đầu tại Calcutta, Bombay và Madras từ 1.500 đến 2.000 độc giả mua báo dài hạn.
Báo tăng trưởng có nghĩa hai vị phải làm việc nhiều hơn. Họ không thể mướn người trợ giúp vì khả năng tài chánh không cho phép, nên ông Olcott và bà Blavatsky lo hết mọi việc từ đóng gói, viết địa chỉ cho đến soạn bài vở. Con số độc giả tăng dần khiến hai người phải thức khuya làm việc, có khi đến hai giờ sáng mới lên giường, nhưng điều khích lệ là từ tháng giêng tạp chí bắt đầu huề vốn. Để theo với mức ưa thích của hội viên, mỗi tuần ông Olcott trình bầy về đề tài thôi miên, linh thị – psychometry v.v. có kèm thí nghiệm chứng tỏ phần tâm thức cao trong con người.
HPB sinh sống bằng ngòi bút và giữa tháng giêng, báo Nga khởi sự đăng loạt chuyện du hành tại Ấn của bà, về sau thành sách tên Caves and Jungles of Hindustan, chuyện tạo chú ý và gây bàn tán rộng rãi. Tính đến nay hai vị đã có mặt trên đất Ấn được một năm, và người thuộc tầng lớp cao trong xã hội Ấn và giới cầm quyền gia nhập hội ngày càng nhiều, như luật sư, quan tòa, viên chức bộ sở v.v. nhất là học giả Phạn ngữ hay kinh điển xưa.
(Old Diary Leaves, H.S. Olcott, còn tiếp)
- Lịch Sử Hội: Những Ngày Đầu 1
- Lịch Sử Hội: Những Ngày Đầu 2
- Lịch Sử Hội: Những Ngày Đầu 3
- Lịch Sử Hội: Những Ngày Đầu 4
- Lịch Sử Hội: Những Ngày Đầu 5
- Thông Thiên Học tại Trung Hoa