LỊCH SỬ HỘI: NHỮNG NGÀY ĐẦU

Lịch Sử Hội:

Những Ngày Đầu (tt)

Xem Mục Lịch Sử Hội: Những Ngày Đầu 

 

Trụ Sở tại New York
Nay xin phác họa vài nét sơ sài về sinh hoạt giao tiếp của chúng tôi tại New York cho tới ngày chúng tôi sang Ấn Độ.
Từ cuối năm 1876 tới cuối năm 1878, hội Theosophia như là một tổ chức tương đối không hoạt động, điều lệ hội trở thành chữ chết, các buổi họp gần như ngưng hẳn và ảnh hưởng lớn mạnh của nó được thấy qua dấu hiệu là thư từ trao đổi trong và ngoài nước với hai vị sáng lập ngày càng nhiều, số bài viết của hai vị gây tranh cãi đăng trên báo chí, việc thành lập các chi bộ tại London và Corfu (Hy Lạp), và việc có liên lạc với các cảm tình viên tại Ấn Độ và Ceylon.
Các thành viên tiếng tăm của Thông linh học đến với chúng tôi thuở ban đầu đã rút lui hết cả. Những  buổi họp của chúng tôi tại một phòng cho mướn trên đường Madison Avenue, New York đã ngưng lại, tiền niên liễm được hủy bỏ và việc duy trì hội trở thành hoàn toàn tùy thuộc vào hai chúng tôi. Nhưng ý tưởng ấy chưa bao giờ mạnh mẽ bằng, cũng như phong trào chưa hề đầy sức sống như vậy khi mất đi phần hành chánh bên ngoài của tổ chức, và tinh thần của nó được ấn sâu trong trí não, tim gan và linh hồn chúng tôi.
Sinh hoạt tại trụ sở hội trong những năm đó thật lý tưởng. Hai chúng tôi kết hợp với nhau do cùng lòng hiến dâng cho công cuộc chung, tiếp xúc hằng ngày với các Chân sư của chúng tôi; chìm đắm trong tư tưởng, mơ ước và hành động vị tha, hai chúng tôi hiện hữu trong đô thị sầm uất đó mà không vướng mắc vào những  người tranh dành ích kỷ cùng tham vọng không xứng, như thể chúng tôi ngụ ở căn nhà nhỏ ven biển, hay hang động trong rừng  già.
Tôi không phóng đại khi nói rằng không thể tìm ra được ở New York một căn nhà nào khác có bầu không khí lạ đời hơn. Vị thế trong xã hội của khách đến chơi được để ngoài cửa nhà; và giầu hay nghèo, theo Thiên Chúa giáo, Do Thái giáo hay không đạo nào, có học hay không có học, khách chúng tôi đều được chào đón cùng cách thức niềm nở và kiên nhẫn chú ý đến thắc mắc của họ về đề tài tôn giáo hay chuyện gì khác. HPB là nhà quí tộc tuyệt vời hết sức tự nhiên trong xã hội thượng lưu cao nhất, mà cũng là người vị tha dân chủ thật hiếu khách đối với ai hèn mọn nhất đến thăm mình.
Vào khoảng cuối năm 1887 hay đầu năm 1888 đại sứ John L. O’Sullivan, một nhà ngoại giao và một thành viên hăng say nhất của Thông linh học đến thăm chúng tôi khi ông trên đường từ London đi San Francisco ngang qua New York. Ông được HPB vui vẻ tiếp đón và   mạnh mẽ bênh vực cho niềm tin của mình đối với những công kích của bà Blavatsky.Vài hiện tượng được làm ra cho ông thấy mà sau đó ông mô tả trên báo Spiritualist ngày 8-2-1888 như sau.
– Bà đang mân mê một tràng hạt đông phương trong cái tách sơn mài, gồm những hạt gỗ có hương thơm mỗi hạt to khoảng viên bi thủy tinh lớn có chạm khắc hết bề mặt của hạt, chúng được xâu lại với nhau. Một ông cầm xâu chuỗi trong tay, ngắm nghía các hạt và hỏi bà có thể cho ông một hạt.
– Ồ, tôi không  muốn tháo rời xâu chuỗi, bà nói.
Nhưng bà cầm lấy nó và tiếp tục mân mê xâu chuỗi trong cái tách. Mắt tôi nhìn vào đó chăm chăm dưới ánh sáng tỏa khắp của cây đèn lớn ngay trên bàn của bà Blavatsky. Chẳng bao lâu thấy là có thêm nhiều hạt sinh ra trong ngón tay khi bà chơi với chúng, cho tới khi cái tách gần đầy. Rồi bà nhấc xâu chuỗi ra, còn lại nhiều hạt rời nằm trong tách và nói ông muốn lấy thì lấy.
Từ đó tới nay tôi hằng tiếc rẻ là mình không nhanh trí hay bạo dạn để xin bà vài hạt. Tôi tin chắc bà sẽ dễ dàng cho ngay vì rất tốt bụng cũng như thấy là một phụ nữ đầy hiểu biết. Về những hạt được tạo ra như thế dưới mắt chúng tôi, tôi cho rằng chúng là vật được tinh linh mang lại (apports) theo ý hay lệnh của bà. Tôi tin (dù không chắc lắm) là bà và ông Olcott bảo rằng những hiện tượng này được một đạo sư cao cả ở Tây Tạng tạo ra theo cách nào đó – cũng vị này làm phát ra tiếng nhạc tôi nghe trong không trên đầu (như tôi và nhiều người bạn khác đã nói tới, nhạc trong trẻo, tiếng nhỏ thánh thót) và tôi được cho biết nó sinh ra theo dòng lực cõi thanh từ Tây Tạng, chỗ mà tim bà ấp ủ và bà nói sẽ quay về (không bao giờ rời nữa), sau khi đã làm xong sứ mạng, chính yếu là xuất bản sách của bà.
Một trường hợp khác là tạo đồ vật vật chất dường như từ chỗ trống không.Buổi chiều ngày nọ tôi đến phòng khách nhà bà Blavatsky, nơi bà thường dành mười bẩy tiếng trong hai mươi bốn tiếng một ngày tại bàn viết, thấy có ông Olcott với bà, lo việc sửa bản in thử.Nay thì tôi đã có phần quen thân với hai vị và luôn có sự quyến luyến mạnh mẽ cùng lòng tôn kính sâu xa nhất.Ông kể tôi nghe một chuyện nhỏ xẩy ra trưa hôm đó, là những chuyện thường có nơi đây.
Một nhóm khách đến chơi, và có cuộc thảo luận sôi nổi so sánh hai nền văn minh của đông phương cổ và tây phương hiện đại. Đề tài lan sang việc vải sản xuất ở nơi này và nơi kia. Bà Blavatsky hăng hái bênh vực đông phương trong cuộc tranh cãi này. Thình lình bà đặt tay lên cổ và kéo từ ngực (bà mặc áo khoác rộng, cũ là áo duy nhất mà tôi hay thấy bà mặc) một khăn tay bằng lụa crêpe, đường viền có sọc, rất giống loại gọi là ‘carton crêpe’ và hỏi liệu khung cửi của tây phương có sản xuất được món khéo léo hơn chăng.
Cả nhóm bảo đảm với tôi, và tôi có lý do đầy đủ để tin họ, là trước đó vật không có ở đấy. Khăn có nếp xếp còn nguyên, thẳng thớm và câu chuyện tự nhiên đưa tới. Tôi ngắm nghía khăn, nhận ra mùi hương nồng, ngọt lạ lùng thường đi theo tất cả những vật ‘apports’ từ Cathay xa xôi mang về (kể luôn cả những hạt nói ở trên), và thấy chữ ký đặc biệt trên một bìa chiếc khăn. Tôi cũng đã thấy chữ ký này trên nhiều món khác, và được cho hay đó là tên của một vị ‘Đạo sư’ cao cả ở Tây Tạng mà so ra thì bà Blavatsky vô cùng thấp kém.
Sau đó chúng tôi được mời dự bữa ăn hết sức đơn giản của hai người (có thêm chai rượu cho khách là tôi, tuy hai người không đụng tới nó), bà Blavatsky nói với ông Olcott.
– Đưa tôi chiếc khăn.
Ông đưa nó cho bà Blavatsky, rút ra từ tờ giấy viết thư mà ông cẩn thận xếp khăn trong đó thẳng thớm, phẳng, không nhầu nát. Bà lập tức thờ ơ xoắn khăn lại rồi cột quanh cổ mình. Khi chúng tôi từ phòng ăn trở ra phòng khách ấm áp hơn của bà, bà tháo khăn và thẩy nó lên bàn cạnh mình. Tôi nói.
– Bà chẳng quí chuộng nó chi cả. Bà cho tôi khăn đó được không ?
– Ồ, được chứ nếu ông muốn, và bà thẩy khăn cho tôi.
Tôi vuốt ráng làm cho phẳng các nếp nhăn, rồi lấy tờ giấy bao lại và cất trong túi áo ngực.  Tới cuối khi tôi ra về và tất cả chúng tôi đã đứng lên, bà nói.
– Ồ, xin cho lại chiếc khăn một chốc.
Tất nhiên là tôi vâng theo. Bà quay lưng lại phía tôi một hay hai chốc, xong quay trở lại, đưa ra hai chiếc khăn mỗi tay một chiếc, nói.
– Lấy khăn nào mà ông thích; tôi nghĩ chắc ông thích chiếc này hơn (đưa cho tôi chiếc mới) vì ông thấy làm sao có nó.
Tự nhiên là tôi làm vậy, và tối ấy sau khi đi xe lửa một quãng chừng vài cây số tôi cho một phụ nữ   xứng đáng nhất để nhận điều ơn mà một phụ nữ khác đã làm cho tôi; bà Blavatsky sau này tuyên bố rằng mình bẩy mươi tuổi trong khi nhìn thì chỉ vào khoảng bốn mươi. Khi tôi rời Hoa Kỳ vài ngày sau đó, chiếc khăn chưa tan rã hay bay trở về Tây Tạng theo ‘dòng từ khí cõi thanh’.
Tôi cần thêm rằng chiếc khăn thứ hai là bản sao y hệt của khăn đầu, giống cho tới từng chi tiết về tên bằng chữ viết cổ đông phương; chữ này thấy rõ là viết hay in bằng mực hay mầu đen mà không phải được ấn lên bằng máy.
Ký ức của ông Olcott về chuyện chiếc khăn có hơi khác một chút. Ông ghi rằng chiếc đầu tiên tự dưng mà có – nói theo cách thông thường tuy không đúng, vì một vật không hề và không thể nào được làm từ trống không mà ra, bất kể nhà thần học muốn nói ra sao thì nói – trong một lần trò chuyện giữa HPB và bạn của hai vị là ông Harrise. Ông Olcott ghi.
Ông Harrise nói rằng một thân nhân của mình mang từ Trung Hoa về chiếc khăn tay thanh nhã bằng crêpe mà khung cửi của tây phương chưa sánh bằng. Nhân đó bà Blavatsky đưa ra một chiếc khăn tay cùng kiểu thức và hỏi ông Harrise phải đây là khăn ông muốn nói, và ông bảo đúng vậy.
Tôi giữ lấy khăn và lúc nói chuyện với ông O’ Sullivan, nhắc lại sự việc và cho ông xem, do vậy mà ông hỏi xin chiếc khăn. Bà thuận lòng nên tôi nói đùa bà không có quyền cho người khác vật sở hữu của tôi mà không hỏi ý tôi; bà nói tôi không màng vì bà sẽ cho tôi khăn khác.
Lúc đó chúng tôi được kêu vào ăn tối và đi về phía cửa, bà xin ông O’Sullivan cho mượn chiếc khăn một chốc. Chúng tôi đứng chung với nhau, bà quay lưng đi trong chốc lá trồi quay trở lại với khăn được sao lại trong mỗi tay, một chiếc bà cho ông O’Sullivan và chiếc kia cho tôi. Khi trở ra phòng khách và ai nấy ngồi yên chỗ cũ của mình, bà cảm thấy gió lạnh từ cửa sổ mở một phần ở đằng sau ghế bà nên HPB hỏi xin tôi có gì để quấn cổ.Tôi đưa cho bà chiếc khăn kỳ diệu mà bà đặt lỏng lẻo trên cổ rồi tiếp tục nói chuyện.
Thấy rằng hai đầu khăn không dài đủ để xoắn lại cho đúng, tôi lấy cây kim và muốn bà để tôi gài khăn, nhưng bà nói.
– Ông và kim cài lôi thôi quá; đây trả lại khăn cho ông !và cùng lúc giật khăn khỏi cổ thẩy cho tôi.
Cùng lúc đó chúng tôi thấy chiếc khăn sao y của chiếc đầu tiên vẫn còn nằm trên cổ bà, và ông O’Sullivan nghiêng người tới trước, đưa tay ra nói.
– Chiếc kia, xin cho tôi khăn kia vì tôi thấy nó được tạo ra ngay trước mắt mình !
Bà vui vẻ đưa nó cho ông và ông đưa lại bà chiếc khăn ông có, rồi việc chuyện trò tiếp tục. Tôi vẫn còn giữ chiếc khăn tay nguyên thủy tạo ra trước sự hiện diện của ông Harrise, và em gái tôi có chiếc thứ hai.
Tôi thấy cần kể lại chuyện này và nhiều chuyện khác về sau, để cho thấy những chứng cớ mà bà thường xuyên cho chúng tôi thấy về khả năng tạo điều lạ lùng trong những ngày đầu tại New York.Các chuyện này làm phòng khách của bà thành hấp dẫn lạ thường mà không nơi nào khác có ở New York. Cá tính của bà Blavatsky mà không phải hội Theosophia là nam châm thu hút và bà hào hứng với khách vây quanh. Trò chuyện ở đây có đủ mọi đề tài lẫn vào nhau, từ âm nhạc, siêu hình học đến Đông phương học và tán gẫu nên tôi không tìm ra ý nào hay hơn bằng cách nói rằng nó giống như nội dung của sách Isis Unveiled mà không tác phẩm văn chương nào chứa đựng hơn thế.
Hai vị sáng lập rời Hoa Kỳ ngày 17.12.1878, ngay cả khi ấy HPB vẫn chưa chắc chắn là sẽ tới được Bombay. Ngày đầu năm 1879 tầu đến Anh quốc, hai người đi xe lửa tới London, chấm dứt chặng đầu tiên của cuộc hành trình sang Ấn. Họ ngụ tại nhà của thân hữu là ông bà Billing và nơi đây thành chỗ gặp gỡ các thân hữu khác.
Thời gian ghé lại London được dành hoàn toàn cho công việc hội, tiếp khách, và thăm viếng. Ông Olcott chủ trì cuộc họp chi bộ Anh để bầu ban chấp hành, còn bà Blavatsky làm một số hiện tượng. Việc đáng lưu ý nhất trong dịp này là họ gặp một Chân sư.Ông ghi.
– ‘Ba chúng tôi đi trên đường Cannon. Sáng hôm ấy trời có sương mù dầy đặc, bên này đường không thấy được bên kia đường. London hóa ra tệ hơn bao giờ hết. Hai người cùng đi với tôi thấy ngài trước, vì tôi đi phía ngoài cùng sát lề đường và lúc đó nhìn vào chuyện khác. Nhưng khi họ kêu lên tỏ ý ngạc nhiên, tôi lẹ làng quay đầu lại và bắt gặp ánh mắt của Chân sư lúc ngài xoay qua vai nhìn tôi.Tôi nhận ra đó là gương mặt của một đấng Cao Cả, loại hình ảnh mà nhìn một lần rồi thì ta không thể nào nhầm lẫn được. Tựa như mặt trời có sự sáng chói riêng của nó và mặt trăng cũng vậy, người trung bình tốt lành có nét sáng của họ và gương mặt vị Chân sư có nét rực rỡ của ngài; ánh sáng bên trong của tinh thần đã thức tỉnh chói lòa rực rỡ qua thân xác phàm.
‘Ba chúng tôi tiếp tục đi xuống phố và cùng về nhà ông bà Billing, nhưng khi vào nhà thì được nghe cả bà Billing và HPB thuật là Chân sư tới gặp hai người và cho hay đã gặp chúng tôi dưới phố, cùng nêu tên cả ba chúng tôi. (Xin đọc lại bài HPB trong PST số 57).
‘Buổi tối hôm ấy tại bàn ăn, HPB làm chủ nhà rất vui khi bà lấy từ bên dưới cạnh bàn một bình trà Nhật Bản thật nhẹ, dường như là theo lời yêu cầu của bà Billing nhưng tôi không chắc lắm.’
Sau hơn hai tuần trên đất Anh, ông Olcott và bà Blavatsky lên tầu sang Ấn ngày 18.1.79. Khi hai vị xuống tầu rời Hoa Kỳ thì tầu dơ và ồn ào, nay lên tầu đi Ấn thì tầu cũng ồn ào và dơ, chỉ có mơ ước tươi sáng về Ấn Độ nắng vàng rực rỡ, và hình ảnh những người bạn Ấn trong trí là cho họ sự can đảm.
Thời tiết xấu làm tầu lắc mạnh khiến ai nấy say sóng không còn tươi tỉnh. Chỉ một điều làm mọi người vui là trước đó HPB chê trách họ vì sự yếu đuối thể chất này, bảo họ xem bà làm gương, nay karma trở lại và bà cũng bị say sóng.Giờ tới phiên họ quay lại chọc ghẹo, trả đũa bà.
Ngày 16.2.79 tầu vào cảng Bombay, ông Olcott dậy sớm trước khi mặt trời mọc, lên boong tầu nhìn ngắm hình ảnh cổ Ấn Độ mà lòng hai vị mong ước làm sống lại trên đất Ấn ngày nay, là vùng Elephanta. Tuy nhiên khi lại nhìn mũi Malabar Hill, mơ ước biến mất vì Ấn Độ mà họ thấy nơi đó là nhà cửa theo kiến trúc Anh, dấu hiệu sự giàu sang nhờ thương mại mà có. Hình ảnh cổ Ấn Độ bị sự hào nhoáng thô kệch của một trật tự mới che lấp đi, trật tự mà trong đó không có chỗ cho tôn giáo và triết lý, và lòng tôn thờ chân thật nhất là dành cho đồng tiền.Sau nhiều năm ông Olcott đã quen với thay đổi này, nhưng hình ảnh mới thấy ấy gây nên cảm giác đau lòng với sự tỉnh ngộ đầu tiên.
Ông Olcott và bà Blavatsky được ba hội viên người Ấn lên tầu đón. Ông ghi:
– ‘Chuyện đầu tiên tôi làm khi chạm đất là cúi xuống hôn bậc đá hoa cương, đó là hành động tôn kính tự trong lòng phát ra. Vì nay chúng tôi đã đặt chân lên đất thánh, tâm trí quên đi chuyện ngày trước, chuyến hải hành nguy hiểm không dễ chịu, sự đau khổ do hy vọng từ lâu bị trì hoãn giờ được thay thế bằng niềm hân hoan tràn dâng được tới đất của thánh nhân, cái nôi của tôn giáo, nơi cư ngụ của các Chân sư, đất nước mà các anh chị em da mầu của chúng tôi sống và chết trên đó  … Cho riêng tôi, cảm tưởng ấy vẫn tiếp tục còn tới ngày nay. Theo một nghĩa rất thật đối với tôi, họ là dân tộc của tôi, đất nước họ là đất nước của tôi …’

II. Yên Chỗ tại Bombay
Sức nóng giữa trưa của Bombay là ông Olcott ngạc nhiên trong lúc chờ thân hữu là ông Hurrychund tới. Trước khi rời New York, ông  Olcott đã viết thư nhờ ông Hurrychund tìm giùm một căn nhà nhỏ, sạch ở khu người Ấn với người giúp việc cho chuyện thật cần thiết mà thôi, vì ông Olcott và bà Blavatsky không muốn hoang phí tiền cho việc gì sang trọng. Hai vị được đưa tới nhà của ông Hurrychund trên đường Girgaum Back Road.Nhà nhỏ thật, nhưng bởi sẵn lòng xem mọi việc là chuyện tốt lành, hai vị hoàn toàn mãn nguyện. Nhà có cây cọ đung đưa tầu lá trên mái, hoa tỏa hương thơm là hài lòng nên ông thấy như cảnh thiên đàng so với chuyến đi cực khổ trên tầu vừa qua.
Sáng hôm sau khách đến thăm liên tiếp vì tin hai vị đã tới Ấn được truyền lan qua đêm. Sự việc tiếp diễn sang ngày kế đó với số khách nhiều hơn, nhưng khi biết ra là việc mướn nhà bị ông Hurrychund lường gạt, ông Olcott và bà Blavatsky tìm nơi khác, dọn sang nhà số 108 Girgaum Back Road, và như thế lý tưởng ban đầu của ông về người Ấn đầy lòng mộ đạo, cấp tiến, yêu nước bị tan vỡ cũng như ông cảm nhận sâu sắc bài học này. Bị gạt gẫm và lợi dụng như thế ngay vào ngày đầu trên đất Ấn là điều thật đáng tiếc, nhưng lòng mến yêu đất nước này làm hai vị bỏ qua nỗi phiền lòng và tiếp tục dự định của mình.Thân hữu cũng tìm cho hai vị một người giúp việc tên Babula, nói được tiếng Anh, Pháp, Ấn và hai thổ ngữ nữa tuy chỉ mới 15 tuổi.Hai năm sau khi hai vị dời về Madras (nay đổi tên là Chennai), anh lại học nói thông thạo tiếng Tamil nơi ấy. Babula thành người giúp việc trung thành cho HPB, khi bà qua đời anh chuyển sang phục vụ cho ông Olcott.
Mỗi buổi chiều hai vị có cuộc tụ họp thân mật, bàn luận các vấn đề gay go của triết học, siêu hình học và khoa học.Họ sống và thở trong bầu không khí trí tuệ, giữa những lý tưởng tinh thần cao nhất.Một số khách đến dự và trở thành hội viên đắc lực cho sự tiến triển của hội, trong số đó là thẩm phán, chính khách, học giả, khoa học gia.Ông Olcott ghi nhận là có người công khai cho biết họ là hội viên, thản nhiên đón nhận lời chọc ghẹo của bạn đồng nghiệp và cấp trên về việc này. Thái độ ấy bày tỏ lòng can đảm phần nào, vì chính quyền Anh đang cai trị Ấn không có thiện cảm mấy với việc làm của hai vị, nghi ngại hậu ý nếu có của hai người.
Lại nữa, nhiều người nồng nhiệt chào mừng hai vị, có chân trong Hội đồng lo việc hội, luôn rộng rãi trợ giúp mọi mặt như nhà, xe, ngựa nhưng sau một thời gian, có người là y sĩ đưa đơn xin ra khỏi hội không lời giải thích. Ông Olcott lạ lùng tới nhà gặn hỏi nhiều lần, mãi mãi ông mới được cho hay trường y khoa khuyến cáo họ không nên có liên hệ với hội, vì chính quyền nghi ngờ hội có mưu toan về chính trị !
Thay vì bênh vực và cho biết hội không màng đến chính trị, là điều dễ làm vì họ có dự vào việc điều hành hội và biết rõ sinh hoạt, người y sĩ này vốn giàu có và không cần chức giáo sư trong trường y khoa, lại thẳng một đường về nhà viết thư từ bỏ hội. Lẽ tự nhiên ông Olcott xem đó là sự bất công và nổi giận, hôm sau vẫn còn tức bực trong lòng, ông viết cho người anh của y sĩ là một học giả tiếng tăm về Phạn ngữ, rằng bởi ông em đã thấy việc có chân trong hội là điều bất tiện, ông anh có thể rút lui nếu cũng cảm thấy được thoải mái. Người sau trả lời bằng đơn xin rời hội !
Nay ông Olcott quay sang một thân hữu người Ấn khác, biết rằng người này hoàn toàn sống bằng mức lương khiêm nhường của công chức, và hỏi.
- Anh Martandrao Bhai này, giả thử sáng mai vào sở làm, thấy trên bàn có thư yêu cầu phải chọn giữa việc là hội viên hội Theosophia và chỗ làm, vì chúng tôi bị nghi ngờ là có mưu tính chính trị, thì anh làm sao ?
Gương mặt người này lộ vẻ nghiêm trang, như đắn đo cân nhắc, rồi anh lắc đầu mím môi và đáp lập bập do tật của anh.
– Tôi … tôi kh … không thể đi ngược lại với nguyên tắc của mình !
Ông Olcott choàng tay qua vai anh và kêu to với HPB ở phòng bên.
– Ra đây, ra đây xem một người Ấn đích thực và là người can đảm.
Khách liên tục đến nhà chơi, thảo luận không ngừng những thắc mắc về tôn giáo cho đến tối mịt.Các Chân sư  cũng đến thăm hai vị dưới những tầu lá cọ bằng xác phàm, sự hiện diện của các ngài cho hai vị hứng khởi, làm họ vững lòng tiến bước trên đường đã vạch, thưởng họ trăm lần so với tất cả sự lường gạt, chê trách, dò xét của công an, lời thóa mạ và sự bách hại mà hai vị phải chịu.
Bao lâu mà các Chân sư ở cùng với hai vị thì những ai chống đối họ có đáng kể gì ? Về một mặt,ông Olcott và bà Blavatsky là hai trong những người tiền phong cho phong trào Theosophia trong thời đại này, họ xử sự như hạt nhân mà quanh đó minh triết chói lọi thành hình, kích thích óc học hỏi của thời đại do nét mỹ lệ và giá trị của nó, tựa như hạt nhân nhỏ bé đặt vào con trai thành viên ngọc quí sáng ngời.

III. Đặt Nền Tảng
Mối giao tình giữa ông Olcott và bà Blavatsky với ông Sinnett bắt đầu từ ngày 25.2.79 khi họ nhận được thư của ông, chín ngày sau khi hai vị tới Bombay. Khi đó ông Sinnett là chủ bút tờ Pioneer, thư tỏ ý muốn được làm quen với bà Blavatsky và ông Olcott nếu hai vị có dịp lên cao nguyên, và ông sẵn lòng đăng lên báo bất cứ chuyện thích thú gì về việc làm của hai vị tại Ấn. Cùng với tất cả những báo khác tại Ấn, tờ Pioneer có đăng tin hai vị cặp bến.
Ông Sinnett viết là do có vài cơ hội xem xét một số hiện tượng đồng cốt kỳ lạ, ông chú tâm đến các vấn đề huyền bí nhiều hơn một ký giả trung bình. Các luật về hiện tượng chưa được thấu đáo, việc hiện hình thường xẩy ra trong những điều kiện không ưng ý, lý thuyết và ý kiến về sự việc là một mớ rối nùi, tất cả khiến cho óc hiếu kỳ của ông chưa được thỏa mãn cũng như óc lý luận chưa được thuyết phục. Ông Olcott trả lời thư ngày 27.2.79 khởi đầu cho mối liên hệ và tình thân đậm đà.
Thư ông Sinnett đến vào lúc hết sức cần, và ông Olcott ghi là mình không bao giờ quên hay có thể quên món nợ sâu xa ấy đối với ông. Sách viết:
–‘Vừa đặt chân lên đất Ấn; ai nấy đều biết chúng tôi chấp nhận tư tưởng Á đông và không có thiện cảm với lý tưởng của cộng đồng Ấn-Anh; chúng tôi ở nhà cũ ngay giữa khu của dân bản xứ tại Bombay; được người Ấn hân hoan chào đón và chấp nhận, là người cổ võ cho triết lý cổ xưa của Ấn và thuyết giảng về tôn giáo của họ; không đến gặp xã giao viên chức chính quyền, hay đến nhà thăm viếng các nhân vật Âu châu, và người giới này không biết gì về người Ấn hay Ấn giáo, cũng như họ không biết gì về chúng tôi và chương trình của chúng tôi – nói cho đúng chúng tôi không có quyền mong chờ ân huệ gì người đồng chủng với mình, và cũng không ngạc nhiên là chính quyền nghi ngờchúng tôi có hậu ý.
‘Không một chủ bút tờ báo Ấn - Anh nào khác tỏ ra tốt lành với chúng tôi, hay công tâm trong sự thảo luận về quan điểm và lý tưởng của chúng tôi. Chỉ độc nhất có ông Sinnett là bạn chân tình và là người phê bình có lương tâm; và ông là đồng minh đầy thế lực, bởi ông điều khiển tờ báo có thế lực nhất tại Ấn, và hơn bất cứ ký giả nào khác ông chiếm được lòng tin cùng sự kính trọng của các viên chức cao cấp trong chính phủ.’
(còn tiếp)

Theo: Old Diary Leaves, H.S. Olcott.

Xem bài LỊCH SỬ HỘI trước