LỊCH SỬ HỘI: NHỮNG NGÀY ĐẦU

Lịch Sử Hội:

Những Ngày Đầu

 Xem Mục Lịch Sử Hội: Những Ngày Đầu 

Ông Henry Steel Olcott, một trong những vị sáng lập hội Theosophia và là vị Chánh Hội Trưởng đầu tiên, đã để lại tài liệu quí giá là bộ sách về lịch sử Hội Old Diary Leaves gồm 6 cuốn, ghi lại chuyện từ ngày đầu khi bà Blavatsky qua Hoa Kỳ năm 1874  cho đến năm 1898. Bộ sách chứa đựng nhiều chi tiết thú vị, quan trọng, liên can đến sinh hoạt của hội nói chung, và bà Blavatsky cùng ông Olcott nói riêng tại Hoa Kỳ và sau đó tại Ấn.
Chuyện HPB vừa xong trên PST trích dẫn nhiều đoạn từ bộ sách này. Với mục đích trình bầy các tài liệu về hội bằng Việt ngữ, PST sẽ đăng các phần chọn lọc trong bộ Old Diary Leaves, và lược bỏ phần nào không trực tiếp can dự vào lịch sử hội; cũng như chi tiết nào đã có ở chuyện HPB sẽ không lập lại trong phần trích dịch sau.

Thời Gian Đầu 1876 - 78
Đây là lúc bà Blavatsky và tôi (ông Olcott) ngụ tại New York ở đường West 34th.Tôi nhớ nhiều trường hợp bà làm chủ tinh linh như chuyện sau.Đó là một tối mùa đông lạnh lẽo, tuyết rơi đầy phủ kín mặt đất, hai chúng tôi cùng lo viết quyển sách của bà cho đến tận khuya trong phòng làm việc của HPB ở đường West 34th. Tôi đã ăn bữa tối có món hơi mặn và cảm thấy khát nước khoảng một giờ sáng, nên nói với bà.
– Giá có nho trồng trong nhà kính thì hay biết mấy.
– Được chứ, bà trả lời, có ngay đây.
– Nhưng tiệm đã đóng cửa từ lâu, ta không mua được. Tôi đáp.
– Chẳng sao, ta vẫn có nho. Bà nói.
– Nhưng làm sao mà có ?
– Tôi sẽ cho ông thấy, nếu ông vặn nhỏ đèn trên bàn trước mặt chúng ta.
Tôi không chủ tâm mà vô ý vặn quá tay làm tắt đèn.
– Không cần phải làm vậy, bà nói. Tôi chỉ cần ông làm lu bớt ánh sáng. Châm đèn lại mau.
Có hộp diêm nằm ngay cạnh đó và chỉ trong phút chốc tôi làm đèn sáng lại.
– Xem kìa, bà kêu to, chỉ tay vào một kệ sách gắn trên tường trước mặt chúng tôi. Tôi lạ lùng thấy ở hai nút tại hai đầu một ngăn kệ có treo hai chùm nho Hamburg chín đen và chúng tôi ăn ngay. Khi tôi hỏi làm sao mà có, bà nói ấy là do tinh linh mà bà điều khiển; về sau bà làm lại chuyện hai lần nữa, đem trái cây cho chúng tôi giải khát khi viết bộ Isis.
Qua HPB mà lần đầu tiên tôi có liên lạc thư từ với các Chân sư. Tôi còn giữ nhiều thư của các ngài trên đó tôi ghi ngày nhận được. Trong vài năm cho tới một lúc ngắn trước khi rời New York đi Ấn Độ, tôi là đệ tử thuộc nhánh tại Phi châu của Thiên đoàn; nhưng về sau tôi được chuyển qua nhánh Ấn Độ gồm những Chân sư khác. Bởi có thể nói là từ xưa đến nay trên khắp thế giới hằng có những bậc Huynh Trưởng của nhân loại, tổ chức chia thành nhiều nhánh tùy theo nhu cầu của con người qua những chặng tiến hóa tiếp nhau. Vào một thời đại tâm điểm của lực giúp đời này sẽ ở địa điểm này, khi khác ở nơi khác. Người ta không thấy, không biết năng lực thiêng liêng của các ngài, nhưng nó được duy trì từ đời này sang đời kia, để trợ lực cho hành giả đang phấn đấu trên đường tới Thực tại Thiêng liêng.
Kẻ hoài nghi phủ nhận sự hiện hữu của các đạo sư này vì họ không thấy và không nói chuyện với các ngài, hay không đọc thấy trong lịch sử việc can thiệp hữu hình của các ngài vào những biến cố quốc gia. Nhưng qua bao thế hệ nối tiếp, hằng ngàn người đã có liên hệ cá nhân với các Vị này, những ai nỗ lực mang lại tình huynh đệ trong nhân loại. Trong số ấy có kẻ rất hèn mọn và rất không xứng đáng như chúng tôi, các nhà lãnh đạo phong trào Theosophia, có ân phước được các ngài chiếu cố và chỉ dạy. Có người như Damodar và HPB được gặp các ngài từ hồi còn trẻ; về phần tôi qua HPB được biết một Vị người Ai Cập, một Vị thuộc trường phái Tân Plato tại Alexandria, Vị khác rất cao - là Chân sư của các Chân sư - gọi là đức Venetian, một Vị nữa là triết gia người Anh đã biến mất trên đời nhưng chưa chết. Vị thứ nhất trong nhóm bốn ngài là Guru đầu tiên của tôi, ngài là một nhân vật kỷ luật nghiêm khắc, một người có nam tính tuyệt vời.
Nói về hội, sự việc cho thấy nó phát triển từ từ theo hoàn cảnh và là kết quả của những lực đối chọi, lúc thì suông sẻ lúc gặp sóng gió, và hưng vượng hay bị cản trở tùy theo sự khôn ngoan hay không của việc quản trị. Đường lối chung luôn luôn được duy trì, động lực hướng dẫn luôn như nhau, tuy nhiên chương trình của nó được biến đổi, mở rộng và cải thiện khi chúng tôi  có hiểu biết và kinh nghiệm nhiều hơn. Sự việc cho tôi thấy là phong trào như ta biết đã được các ngài dự trù sẵn, nhưng mọi chi tiết được để cho chúng tôi lo liệu theo khả năng của mình. Nếu chúng tôi thất bại thì người khác sẽ có cơ hội nhận lãnh điều Karma đã mang lại cho chúng tôi, như tôi đã thừa hưởng cơ hội mà nhóm của bà tại Cairo đã không làm được.
Trong những ngày đầu tôi không hề nghe từ HPB điều chi làm tôi nghĩ là trước khi đến gặp tôi tại Chittenden, ít nhất bà biết chút gì về mối liên hệ tương lai giữa hai chúng tôi trong công việc, kể luôn cả việc khi ấy biết hội Theosophhia sẽ là như thế nào.Vào tháng năm 1875 tôi lo thành lập tại New York cùng với bà một nhóm tìm hiểu chuyện huyền bí với tên Miracle Club, nhưng không thành.Nhìn lại thì có vẻ như nếu Miracle Club không thất bại thì hẳn đã không có hội.
Ý thành lập hội được gợi ra trong buổi họp các thân hữu ngày 8 tháng 9 - 1875. Tính ra hội có 16 sáng lập viên, và hội được chính thức hiện hữu vào ngày 13- 10 khi bản điều lệ được chấp thuận. Khi ấy chưa có mục đích nào về tình huynh đệ đại đồng, mà mục tiêu ban đầu là học hỏi những gì có thể có được về con người, óc thông minh và vị trí của họ trong thiên nhiên. Những buổi họp ban đầu nghiêng nặng về phần tìm hiểu hiện tượng huyền bí như thuật linh thị (psychometry), sự hiện hình qua trung gian đồng cốt, thuật thôi miên. Họ không gặt hái được mấy kết quả nên dần dần các sáng lập viên rút lui, và khoảng một năm sau chỉ còn lại vài người, trong đó chính yếu là HPB, ông William Q. Judge và tôi.
Nay ta kể lại sinh hoạt của HPB và tôi trong khoảng  từ 1875 tới lúc chúng tôi rời Hoa Kỳ sang Ấn năm 1878. Sự kiện đáng nói nhất trong thời gian này là việc soạn bộ Isis Unveiled từ mùa hè 1875 đến 1877, phần lớn thời gian tại số 433 đường West 34 th nơi HPB có phòng ở lầu một và tôi ở lầu hai, chúng tôi về ngụ nơi đây một hay hai tháng sau khi thành lập hội. HPB làm việc không ngừng nghỉ từ sáng đến tối tại bàn viết, và ít khi chúng tôi dừng tay trước hai giờ sáng. Ban ngày tôi có công việc chuyên nghiệp của mình, nhưng sau bữa tối ăn sớm, luôn luôn chúng tôi cùng ngồi xuống bàn viết lớn miệt mài làm việc, cho đến khi cơ thể mệt mỏi bắt buộc phải ngưng lại.
Bà làm việc không theo một dàn bài cố định nào, mà ý tưởng tuôn tràn khỏi trí bà như suối nguồn bất tận, tràn trề lai láng. Mỗi đoạn tự nó đầy đủ và có thể tách rời đứng một mình mà không hại gì tới đoạn trước hay sau nó. Làm sao mà bà có những hiểu biết ấy ? Điều không thể chối cãi là bà có chúng, nhưng bà lấy chúng ở đâu ra ? Không phải từ giáo dục trong gia đình, trường học vì bà không tốt nghiệp đại học, và cũng không từ thư viện lớn lao nào. Nếu xét theo lời trò chuyện và thói quen của HPB trước khi viết sách, thì bà không học những điều này trước khi viết bộ sách dầy xù từ nguồn này hay nguồn kia; nhưng khi cần thì bà có được hiểu biết, và khi đầy hứng khởi bà làm các nhà thông thái kinh ngạc với sự hiểu biết của mình, mà cũng làm những ai hiện diện choáng ngợp vì sự hùng biện của bà, và khiến mọi người hân hoan với óc dí dỏm, câu đối đáp khôn khéo.
Ngoài các Chân sư  viết qua HPB,  ít nhất chúng tôi có hợp tác với một người  đã khuất, linh hồn thanh khiết của một trong những triết gia khôn ngoan nhất của thời đại chúng ta, một bông hoa của nhân loại và là một niềm hãnh diện cho xứ sở của ông. Ông là người tài giỏi theo triết lý Plato và tôi được nghe là vì quá mê mải với việc nghiên cứu cả đời, ông thành ra chưa siêu thoát, có nghĩa không chịu cắt đứt dây ràng buộc với cõi trần mà vẫn còn ngồi trong phòng sách nơi cõi tình cảm do trí não của ông tạo nên, chìm đắm trong suy tưởng triết lý và không màng đến thời gian trôi qua, mong muốn khuyến dụ trí người về căn bản triết lý vững chắc của tôn giáo chân thực.
Nguyện vọng của triết gia khiến ông không muốn tái sinh mà tìm kiếm những ai như các Chân sư và người phụng sự các ngài, muốn quảng bá chân lý và loại trừ mê tín dị đoan. Tôi được nghe là ông thanh khiết và không ích kỷ tới mức tất cả các Chân sư kính trọng ông vô cùng, và vì bị ngăn cấm không được can thiệp vào Karma của ông, các ngài chỉ có thể để yên cho ông tự tìm đường thoát ra khỏi ảo ảnh của mình nơi cõi tình cảm để vào cõi tinh thần, theo diễn trình tự nhiên của cuộc tiến hóa. Trí ông chuyên chú vào việc học hỏi thuần trí tuệ nên phần tinh thần tạm thời bị ngưng lại.
Ông có đó sẵn sàng và hăm hở làm việc với HPB về cuốn sách đánh dấu thời đại này, cho phần triết lý mà ông có nhiều  đóng góp. Ông không hiện ra ngồi với chúng tôi, hay dùng thân xác của HPB như đồng cốt; ông chỉ nói với bà bằng tâm linh cả giờ đồng hồ, đọc cho bà viết, cho hay tìm phần trích dẫn ở đâu, trả lời những câu hỏi của tôi về chi tiết, chỉ dẫn tôi về các nguyên lý, và thực sự là ông đóng vai trò người thứ ba trong cuộc bàn thảo văn chương.
Thỉnh thoảng ông cho tôi câu viết ngắn về chuyện riêng tư, nhưng từ đầu tới cuối mối liên hệ của ông với hai chúng tôi là như vị thầy hiền lành, hết sức uyên bác, nhẹ nhàng và như một người bạn lớn tuổi.Ông cho thấy ông nghĩ về mình không gì khác hơn là một người sống, thực vậy tôi được cho hay là ông không nhận thức rằng mình đã qua đời không còn thể xác. Nói về ý niệm về thời gian, làm như ông có nhận thức rất ít vì một đêm khuya lúc 2.30 sáng, sau một buổi tối làm việc nhiều khác thường, trong lúc chúng tôi ngưng tay để hút thuốc, ông lặng lẽ hỏi bà:
– Bạn có sẵn sàng để bắt đầu chưa ?
do ý nghĩ rằng chúng tôi đang bắt đầu mà không phải là tới cuối buổi tối ! Và tôi còn nhớ bà nói.
– Ông làm ơn đừng cười lớn trong tư tưởng, bằng không ‘ông già’ chắc chắn sẽ nghe được ông và cảm thấy bị tổn thương !
Điều ấy làm tôi suy nghĩ, cười bề ngoài là cười bình thường, mà cười lớn là chuyển niềm vui thú lên cõi tâm linh !Vậy tình cảm có thể giống như vẻ đẹp, đôi khi chỉ hời hợt. Ngoại trừ trường hợp của triết gia theo Plato này, tôi chưa hề - với sự trợ giúp của HPB hay không - làm việc có ý thức với ai đã khuất trong suốt lúc viết sách của chúng tôi, trừ phi ta kể vào đó trường hợp của Paracelsus (y sĩ có tiếng thời xưa người Thụy Sĩ).
Tôi còn nhớ một buổi chiều chạng vạng tối lúc HPB và tôi ngụ ở đường West 34 th, chúng tôi nói chuyện về Paracelsus và sự đối đãi bất công mà ông phải chịu trong đời và sau khi có vẻ như ông đã khuất. HPB và tôi đứng ở lối đi giữa phòng trước và phòng sau, khi đột nhiên cung cách và giọng nói của bà thay đổi, bà cầm lấy tay tôi như để tỏ tình thân hữu và hỏi.
– Ông có muốn kết bạn với Theophrastus (tên của Paracelsus) chăng, Henry ?
Tôi trả lời và khi tâm trạng lạ lùng qua đi, HPB là bà trở lại và cả hai chúng tôi lo làm công chuyện của mình.Tối hôm ấy tôi viết về Paracelsus mà nay đoạn ấy nằm ở trang 500 của Isis cuốn hai.
Một thí dụ về việc Chân sư sử dụng HPB để viết sách thấy trong sự kiện sau. Ngài đọc cho bà viết bài trả lời về câu hỏi đối với quyển ‘Esoteric Buddhism’, bài này đăng trên ba số báo The Theosophist tháng 9, 10, 11 - 1883. Lúc chuyện xẩy ra bà đang ở tại Ootacamund trong nhà tướng Morgan. Một buổi sáng tôi ngồi trong phòng bà đọc sách, còn HPB ngồi viết bài run lên vì lạnh, chân quấn kín trong thảm. Bà quay đầu và hỏi.
– Tôi chưa hề nghe chữ laphygians. Ông có biết bộ lạc nào có tên gọi như thế không, Olcott ?
Tôi trả lời là không, và tại sao bà hỏi.Bà đáp.
– Nó như vầy, Chân sư kêu tôi viết xuống nhưng tôi sợ có lầm lẫn; ông nghĩ sao ?
Tôi  nói nếu Chân sư cho bà chữ đó thì bà nên viết mà chẳng sợ gì, vì ngài luôn luôn đúng. Và bà làm y vậy. Đây là một trong nhiều trường hợp mà bà viết theo lời đọc nhiều điều nằm ngoài sự hiểu biết của riêng mình. Bà không hề học tiếng Hindi (tiếng Ấn) cũng như không biết nói hay viết ngôn ngữ ấy; thế nhưng tôi có một bản văn tiếng Hindi dùng mẫu tự Devanagari mà tôi thấy bà viết, trao cho đạo sĩ người Ấn tại Benares, nơi chúng tôi là khách của ông năm 1880. Đạo sĩ đọc bản văn, viết trả lời và ký tên trên cùng tờ giấy, HPB để nó trên bàn và tôi lấy tờ giấy từ chỗ đó.
Tôi muốn nói lại lần nữa thật rõ ràng là ngay cả những Vị sáng suốt nhất và cao quí nhất dùng thân xác của HPB, nhưng không ai khuyến khích tôi xem các ngài là không hề sai lầm, toàn tri, hay toàn năng chi cả. Các Chân sư không hề có ý muốn tôi phải tôn thờ ngài, thì thào nhỏ giọng khi bàn chuyện về những Vị ấy, hoặc xem các điều mà ngài viết qua HPB hay đọc cho bà viết là thiêng liêng. Tôi được dạy là xem các ngài chỉ như là người khôn ngoan hơn, tiến hóa rất xa hơn tôi, nhưng chỉ do các ngài đi trước tôi trên đường tiến hóa.Chân sư chán ghét việc ca tụng, tôn thờ và cho tôi hay thái độ ấy chỉ là bề ngoài che dấu lòng ích kỷ, kiêu ngạo và thiếu đạo đức.
Ngoại trừ ngài K.H. không Chân sư nào biết viết Anh văn, nên khi viết các ngài phải dùng phương pháp khác thường như HPB dùng khi viết bản văn tiếng Hindi nói trên. Khi bà viết cho các Chân sư, hay các ngài viết cho bà về chuyện mà không thể chia sẻ với người khác, hai bên dùng ngôn ngữ cổ là ‘Senzar’ giống như tiếng Tây Tạng, và bà thông thạo nó như thông thạo tiếng Nga, Pháp và Anh văn.
Thí dụ về việc cơ thể HPB được các ngài sử dụng thấy qua chuyện sau.Một ngày mùa hè sau bữa tối, bà và tôi làm việc trong phòng tại New York.Trời chưa tối hẳn và chưa đốt đèn gaz trong phòng.Bà ngồi ở cửa số trước hướng nam còn tôi đứng suy nghĩ trước bệ lò sưởi.Tôi nghe bà nói.
– Hãy xem và học.
Tôi nhìn về phía HPB, thấy một khối sương mờ bốc ra từ đầu và vai của bà.Nó tụ lại thành hình một vị Chân sư, ngài về sau để lại cho tôi chiếc khăn đội đầu lịch sử, nay ở đây khăn ấy nằm trên đầu ngài do khối sương thành hình.Tôi mê mải nhìn ngắm hiện tượng, đứng lặng thinh và bất động. Hình chỉ tạo ra nửa phần trên thân thể, và rồi mờ nhạt dần, mất hẳn; hoặc nó thu trở lại vào cơ thể HPB hay không thì tôi không biết. Bà ngồi yên như pho tượng trong hai hay ba phút, sau đó bà thở hơi dài hồi tỉnh và hỏi tôi có thấy gì chăng. Khi tôi xin bà giải thích hiện tượng thì bà từ chối, nói rằng tôi cần phát triển trực giác để hiểu hiện tượng của thế giới mà tôi sống trong đó.Tất cả những gì bà có thể làm là giúp cho tôi thấy sự việc, và để tôi tự phán đoán lấy.
Nhiều nhân chứng có thể xác nhận một hiện tượng nữa muốn nói hay không việc các thực thể khác thỉnh thoảng chiếm ngụ thân hình HPB. Có năm dịp khác nhau, trong đó một lần để làm vui lòng cô Kislingbury và lần khác cho em gái tôi là bà Mitchell, tôi nhớ vậy, mà HPB lấy kéo cắt hay dứt tóc khỏi đầu và đưa nó cho một người trong bọn chúng tôi. Nhưng lọn tóc ấy thô nhám, đen tuyền, thẳng đuột không uốn quăn dợn sóng; nói khác đi ấy là tóc người Ấn hay Á châu mà không giống chút nào tóc nhuyễn như tóc trẻ con, mầu nâu nhạt của bà. Tôi còn ghi trong nhật ký hai lần khác cho hiện tượng này năm 1878.
Ai hoài nghi có thể nói ấy chỉ là sự đánh tráo, và lọn tóc được nằm sẵn trong tay. Nhưng trong trường hợp cô Kislingbury hay em gái tôi - tôi không nhớ rõ trường hợp nào - chính người nhận tự tay cầm kéo cắt lọn tóc. Tôi có hai lọc tóc ấy từ đầu bà, cả hai đen nhánh và thô nhám hơn tóc HPB, với mớ tóc này thô hơn hẳn mớ kia. Tóc loại trước là tóc Ai Cập và loại sau là Ấn Độ.
Xem lại chồng giấy tờ của khoảng thời gian ở New York, tôi thấy bản ghi chú viết hồi đó về cuộc trò chuyện giữa một Chân sư người Hung gia lợi, Vị mà tối ấy sử dụng thân xác HPB, và tôi.
– Ngài lấy tay che mắt và vặn đèn gaz trên bàn nhỏ xuống. Hỏi tại sao thì  ngài  nói ánh sáng là một lực vật chất, khi nó đi vào mắt của một cơ thể không có linh hồn chủ nhân ngụ trong đó, sẽ động vào thể tình cảm của người tạm thời dùng xác, gây kinh động tới mức họ có thể bị đẩy ra ngoài, hay ngay cả việc thân xác bị tê liệt cũng có thể xẩy ra. Thế nên khi đi vào một thể xác nào ta phải có cẩn trọng tối đa, và ta chỉ hoàn toàn hòa mình vào thể xác khi mà những sinh hoạt tự động như sự tuần hoàn, hơi thở v.v. của thể xác này điều chỉnh chúng với sự tự động thuộc thân xác của người chiếm ngụ, dù thân xác ở xa tới mấy.
Khi đó tôi đốt sáng chùm đèn trên đầu, nhưng lập tức Vị dùng xác HPB lấy báo che đỉnh đầu ngăn ánh sáng. Ngạc nhiên, tôi xin được giải thích thì nghe là việc càng nguy hiểm hơn khi có ánh sáng mạnh từ trên cao đi thẳng vào đỉnh đầu, so với ánh sáng chiếu vào mắt.
Tiếp tục việc nhiều Vị dùng xác HPB, giả dụ Chân sư A hay B trong xác ấy viết Isis một tiếng đồng hồ hay hơn, làm một mình hay cùng với tôi, và có một lúc nói gì đó với tôi, hay nếu có khách ở đó sẽ nói với một trong những người khách. Đột nhiên bà (Vị) ngừng nói, cáo lỗi và viện cớ chi đó với khách lạ để đi ra.Khi quay trở vào, bà nhìn quanh giống như ai mới bước vào phòng có người trong đó; bà quấn điếu thuốc mới, nói chuyện không liên hệ chút gì với điều vừa nói lúc bà rời khỏi phòng.Ai đó có mặt muốn hiểu rõ ý của bà hơn sẽ xin HPB giải thích. Bà tỏ vẻ ngượng ngùng, không thể nói tiếp câu chuyện; hay đưa ý kiến ngược hẳn lại điều bà vừa khẳng định; hoặc khi được cho biết là bà đã nói như vầy hay kia, tỏ ra suy nghĩ và nói.
– Ồ, phải rồi, tôi xin lỗi.
và nói tiếp đề tài của mình. Có khi bà phản ứng nhanh như chớp về các thay đổi này, và chính tôi đôi lúc quên hẳn việc có nhiều nhân vật dùng thân xác HPB, thấy rất bực bội việc bà không thể giữ y nhận xét của mình, cùng việc phủ nhận mạnh mẽ là không nói điều mà bà đã nói rõ ràng ngay trước đó.
Về sau, tôi được nghe giải thích là khi một ai nhập vào thân xác sống động của người khác, họ cần thời gian để kết nối tâm thức của chính mình với ký ức trong não bộ của người sử dụng trước; và nếu có người khách nào muốn tiếp tục câu chuyện trước khi việc điều chỉnh này được hoàn tất, những lỗi lầm kể trên có thể xẩy ra. Sự hòa hợp từ từ diễn ra với các sinh hoạt tự động của cơ thể rồi đi dần sang tâm thức, và khi việc chưa xong thì phải có sự lẫn lộn về tư tưởng, ký ức như đã tả ở trên, hẳn đa số khách đến thăm HPB phải cảm thấy hoang mang lạ lùng. Đôi lúc khi chỉ có HPB và tôi, hoặc Vị ra đi nói.
– Tôi phải để chuyện này vào não cho người đến sau có thể thấy nó ở đó.
hoặc Vị mới đến sau khi thân ái chào hỏi tôi, hỏi đề tài thảo luận trước khi có việc ‘thay đổi’ là gì.
Sự kiện nhiều nhân vật dùng thân xác HPB còn được thấy qua việc là các Chân sư nói chuyện với tôi về HPB như là một cái vỏ mà một trong các ngài chiếm ngụ.Trong cuốn nhật ký của tôi năm 1878 tôi thấy đoạn sau ghi ngày 12 -10 với chữ viết của đức M.
– HPB nói chuyện với một mình Wimbridge đến hai giờ sáng. Ông thấy là có đến ba nhân vật khác nhau trong bà. Ông biết việc ấy, và không muốn kể cho ông Olcott nghe vì sợ là ông Olcott sẽ chế nhạo mình !!!
Những chữ in nghiêng và dấu chấm than là viết theo nguyên bản. Ông Wimbridge trong câu trên là khách của chúng tôi khi ấy. Về việc người khác ghi chép trong nhật ký của tôi thì xin giải thích là khi tôi rời New York lo công chuyện do nghề nghiệp đòi hỏi, điều mà tôi phải làm vài lần trong năm, ‘HPB’ lo việc ghi nhật ký mỗi ngày có nghĩa nhiều nhân vật khác nhau ghi chép.
Trong phần ghi ngày hôm sau, cũng nhân vật hôm trước sau ghi về bẩy người khách đến chơi tối hôm đó, viết về một trong những người này.
– Tiến sĩ Pike nhìn HPB mấy lần, kinh ngạc và nói là không ai trong thế giới làm ông phục đến như vậy. Một lần ông thấy HPB như là cô gái 16 tuổi; lần khác là một bà lão 100 tuổi, và khi khác nữa là một người đàn ông có râu !
Ngày 22 - 10 cùng thủ bút trên viết.
– HPB để khách đến chơi tối ấy ngồi ở phòng khách và cùng với Olcott vào phòng đọc sách để viết thư. N. - một Chân sư - rút lui khi xong việc và S. - một Chân sư khác - vào.
Sang ngày 9 - 11 nét chữ khác ghi.
– Thân thể đau và không có nước ấm để tắm rửa nó.
Ngày 12 - 11 với thủ bút của đức M.
– HPB sinh chuyện với việc ngã ra bất tỉnh làm cô Bates và ông Wimbridge rất lo lắng. Tôi phải dùng ý chí thật nhiều để làm xác thân đứng vững lại.
Cùng chữ viết trên ghi trong ngày 14 - 11.
– N. rút ra và M. đi vào (ra và vào thân xác HPB).
Một Chân sư viết ngày 29  - 11 là ngài ‘đã hồi đáp cho bà dì người Nga’, ý muốn nói bà dì yêu quí của HPB.
Chót hết để không kéo dài phần này, vào ngày 30 - 11 một Chân sư thứ ba viết.
– Belle Mitchell đến lúc 12 giờ và đem S. (Chân sư M.) đi dạo một vòng và đi xe. Tới cửa hiệu Macy.Phải hóa ra tiền.HPB về nhà lúc bốn giờ chiều v.v.
Tôi còn giữ nhiều thư trao đổi giữa các ngài với tôi. Nhằm trả lời cho ước muốn của tôi là lánh xa cuộc đời để tới sống với các ngài, một thư viết.
– Phương cách duy nhất có được và sẵn sàng để cho bạn đến gặp chúng tôi, là qua hội Theosophiamà tôi được khuyến khích củng cố, thúc đẩy đi tới và xây dựng; tôi phải học tánh không ích kỷ. Ngài viết tiếp.
– Không ai trong chúng tôi sống cho mình mà tất cả chúng tôi sống cho nhân loại.
Đó là tinh thần trong tất cả huấn thị mà tôi nhận được, đó là ý tưởng nằm trong suốt bộ Isis Unveiled.Điều xác thực nhất nói về bộ sách các là lời phát biểu của một tác giả Hoa Kỳ, nói rằng ấy là ‘cuốn sách có cuộc cách mạng trong đó’.

Trụ Sở tại New York
Nay xin phác họa vài nét sơ sài về sinh hoạt giao tiếp của chúng tôi tại New York, tới ngày chúng tôi sang Ấn Độ.
Sinh hoạt tại trụ sở hội trong những năm đó thật lý tưởng. Hai chúng tôi kết hợp với nhau do cùng lòng hiến dâng cho công cuộc chung, tiếp xúc hằng ngày với các Chân sư của chúng tôi; chìm đắm trong tư tưởng, mơ ước và hành động vị tha, hai chúng tôi hiện hữu trong đô thị sầm uất đó mà không vướng mắc vào những người tranh dành ích kỷ cùng tham vọng không xứng, như thể chúng tôi ngụ ở căn nhà nhỏ ven biển, hay cái hang trong rừng  già.

Hiện Tượng
Tôi không phóng đại khi nói rằng không thể tìm ra được ở New York một căn nhà nào khác có bầu không khí lạ đời hơn. Việc tạo hiện tượng có giá trị rõ ràng khi được kiểm soát chặt chẽ. Chỗ đứng của nó nằm trong giới hạn của mục đích thứ ba của hội, và có tầm quan trọng lớn lao như là bằng cớ cho quyền năng của cái trí có luyện tập của con người đối với các lực trong thiên nhiên. Khi chỉ có hai chúng tôi, bà có thể tạo hiện tượng để mô tả một điều giảng giải; hoặc chúng có thể sinh ra như để trả lời cho thắc mắc trong trí tôi.Thường khi chúng được làm bất chợt tùy hứng, và độc lập với bất cứ gợi ý của ai hiện diện. Tôi xin đưa một hay hai trong số nhiều trường hợp để làm ý nghĩa được rõ hơn.
Có lần HPB và tôi lúc ấy ở Boston, vào ngày mưa to đường lầy lội, bà đi trên đường lúc mưa xối xả và về đến nhà mà y phục không có giọt nước mưa hay văng bùn làm dơ. Lần khác tôi nhớ chúng tôi đứng ở ban công bên ngoài cửa sổ phòng khách của bà ở Irving Place, New York, và phải vào nhà vì mưa lớn, kéo dài gần suốt đêm; tôi vô ý để quên chiếc ghế bọc nhung hay gấm đẹp ở ngoài trời. Sáng hôm sau lúc đến chào HPB như thường lệ trước khi ra văn phòng làm việc, tôi nhớ đến cái ghế và đi ra ngoài mang nó vào, tin là ghế ướt mẹp bị mưa làm hư. Nhưng ngược lại ghế khô rang; tôi không biết phải giải thích ra sao việc ấy.
Một hôm có khách là ông Wong Chin Fu, giảng viên người Hoa có tiếng ở Hoa Kỳ. Ba chúng tôi bàn luận về tranh ảnh của Trung Hoa thiếu luật phối cảnh, nhân vậy Wong Chin Fu nói các họa sĩ Trung Hoa vẽ hình người tuyệt đẹp, mầu sắc phong phú và đường nét táo bạo. HPB đồng ý và với cung cách hết sức tự nhiên, mở ngăn kéo bà hay cất giấy viết và rút ra một bức tranh tinh xảo vẽ thiếu nữ Trung Hoa mặc triều phục. Tôi tin chắc là trước đó vật không có ở đấy nhưng không nói gì. Vị khách của chúng tôi cầm bức tranh trong tay, nhìn kỹ, khen ngợi vẻ đẹp của nó nhưng nói.
– Thưa bà, đây không phải là Trung Hoa, nó không có chữ  Hoa nào ở một góc của tranh. Có lẽ tranh này của Nhật.
HPB nhìn tôi với nét hóm hỉnh, trả lại bức hình vào ngăn kéo, đóng nó một lát rồi mở trở lại, lấy ra hình thứ hai một thiếu nữ người Hoa mà mặc y phục có nhiều mầu khác nhau ... và đưa cho Wong Chin Fu. Ông nhận ra hình này của Trung Hoa không sai chạy, vì có hàng chữ tiếng Hoa ở góc dưới bên trái, và ông đọc nó ngay !
Giờ là một thí dụ khác, trong đó tôi có được thông tin của ba người trong gia đình liên lạc với tôi qua hiện tượng.Trong nhà chỉ có HPB và tôi nói chuyện về ba người này, thình lình nghe có tiếng đổ vỡ ở phòng bên cạnh.Tôi vội vàng chạy qua đó xem có chuyện gì thì thấy bức hình một người để trên bệ lò sưởi nay quay mặt vào tường.Hình vẽ lớn của người khác bị tuột khỏi cây đinh rơi xuống đất kính bị vỡ nát, và hình người thứ ba trên bệ lò sưởi yên lành không sao.Câu hỏi của tôi đã được trả lời.Lúc ấy chỉ có hai chúng tôi ở đó, và không ai khác ngoài tôi quan tâm đến những thắc mắc này.
Khi khác bà hóa hai một tờ giấy. Tôi nhớ một hôm nhận được thư của người có lỗi lớn đối với tôi, và đọc to cho HPB nghe. Bà nói.
– Ta phải làm bản sao thư này.
và lấy tờ thư ở tay tôi, cầm khéo léo một góc rồi tách ra bản sao ngay trước mắt tôi ! Làm như thể bà tách tờ giấy giữa hai mặt của nó.
Một buổi tối, HPB cho tôi một kinh nghiệm nữa. Tôi muốn được biết ý của Chân sư về một chuyện, bà kêu tôi viết ra câu hỏi, để vào phong bì dán kín và đặt thư vào chỗ mà tôi có thể trông chừng luôn. Lúc ấy đang ngồi trước lò sưởi, tôi mới để thư đằng sau đồng hồ trên thành lò sưởi, chỉ có bìa phong thư ló ra ngoài đủ cho tôi thấy. HPB và tôi chuyện vãn nhiều điều trong khoảng một tiếng đồng hồ, rồi bà nói đã có câu trả lời. Tôi rút phong bì ra, thấy con dấu còn y nguyên, bên trong là thư của tôi và bên trong nó là câu trả lời với nét chữ quen thuộc của ngài, viết trên giấy đặc biệt loại không có trong nhà chúng tôi.
Chúng tôi ở New York còn Chân sư ở Á châu. Hiện tượng này theo ý tôi không thể có sự dối gạt ngoại trừ một giải thích rất gượng ép khác có thể có được là HPB thôi miên, làm tôi mê muội không thấy bà đứng dậy lấy thư, mở ra đọc, viết câu trả lời cất vào thư, để nó vào chỗ cũ và khiến tôi hồi tỉnh. Nhưng tôi luôn tỉnh thức trong một giờ đồng hồ trò chuyện.

(còn tiếp)

Xem Bài Tiếp