NÃO VÀ TÂM THỨC
Bài gồm hai phần, phần đầu là tóm lược sách Proof of Heaven tác giả Eben Alexander, xuất bản năm 2012, phần hai là bài phỏng vấn ông năm 2014.
I. Đọc Sách
Hồi còn nhỏ tôi thường mơ được bay bổng, và khi lớn hơn tôi thích phi cơ, hỏa tiễn, bất cứ điều gì mang tôi lên thế giới trên cao. Khi gia đình đi phi cơ, tôi dán mắt vào khung cửa sổ từ lúc cất cánh đến lúc hạ cánh. Lên đại học tôi gia nhập nhóm chơi thể thao nhào lặn trên không – skydiving, gọi nôm na là tập nhẩy dù làm thành đội hình.
Tôi là y sĩ giải phẫu thần kinh. Trong 25 năm làm việc tôi đã giải phẫu vô số bệnh nhân, nhiều người có bệnh nguy kịch, trầm trọng về não, đe dọa sinh mạng của họ. Tôi cũng nghĩ ra những kỹ thuật giải phẫu tân tiến, cách dùng kỹ thuật chụp hình bằng hiệu ứng từ - magnetic resonance image MRI để hướng dẫn việc giải phẫu, viết hằng trăm bài khảo luận y khoa và trình bầy nghiên cứu của mình tại hơn hai trăm hội nghị y khoa trên thế giới. Nói ngắn gọn tôi dành trọn đời mình cho khoa học nhưng quan trọng hơn nữa, tôi có người vợ xinh đẹp và hai con ngoan. Về nhiều mặt, tôi là người hết sức may mắn và biết vậy.
Năm 2008 tôi mắc bệnh hiếm thấy lúc 54 tuổi và bị hôn mê 7 ngày. Trong thời gian ấy, trọn phần tân vỏ não - neocortex của tôi, là bề mặt ngoài của não, phần làm chúng ta là người, bị hư hại, không hoạt động. Nói sát nghĩa thì nó vắng mặt. Khi não vắng mặt thì bạn cũng vắng mặt luôn. Là y sĩ giải phẫu thần kinh, bao năm qua tôi nghe nhiều chuyện về những người có kinh nghiệm lạ lùng, thường xẩy ra sau khi tim ngưng đập, chuyện đi tới các vùng bí ẩn, tuyệt vời; chuyện gặp và thăm hỏi thân nhân đã khuất, luôn cả gặp Thượng đế.
Tuyệt diệu, đúng thế. Nhưng tôi cho tất cả các điều ấy chỉ thuần là ảo mộng. Cái gì đã sinh ra những kinh nghiệm khác thường mà người ta hay kể vậy ? Tôi không biết, nhưng tôi biết chúng từ não mà ra. Tất cả tâm thức từ đó mà ra. Nếu não bạn không làm việc thì bạn không thể có ý thức. Bởi trước tiên não là cái máy sinh ra tâm thức, khi máy bị hư thì tâm thức ngưng lại. Cơ chế làm việc của não rất phức tạp và lạ lùng, nhưng chuyện chỉ giản dị có thế. Tắt nút điện thì máy truyền hình ngưng hoạt động. Vãn tuồng, bất kể bạn ưa thích phim ra sao. Ấy là điều tôi tin trước khi não mắc bệnh. (1)
Trong lúc hôn mê não của tôi không hoạt động chi cả. Nay tôi tin là điều này có thể đã khiến tôi có được kinh nghiệm cận tử sâu xa và mạnh mẽ khi ấy. Nhiều kinh nghiệm cận tử xẩy ra khi tim người ngưng đập một khoảng thời gian. Với những trường hợp đó, tân vỏ não tạm thời không linh hoạt nhưng không bị hư hại cho lắm, miễn là máu đi tới não trở lại trong vòng bốn phút sau. Mà trong trường hợp của tôi phần tân vỏ não không còn được kể tới. Tôi bước vào thực tại là một thế giới tâm thức, hiện hữu hoàn toàn thoát khỏi giới hạn của não vật chất.
Chuyện của tôi về một số mặt là thí dụ tuyệt hảo cho kinh nghiệm cận tử. Là y sĩ giải phẫu thần kinh với hằng chục năm nghiên cứu và làm việc trên bàn mổ, tôi ở trong vị thế hơn người trung bình để lượng xét chẳng những thực tại mà luôn hệ quả xẩy đến cho tôi. Những hệ quả lớn lao không tả được. Kinh nghiệm đó làm tôi thấy rằng cái chết của xác thân và não không phải là sự chấm dứt cho tâm thức, mà kinh nghiệm con người còn tiếp tục bên kia mộ phần. Nơi tôi đi tới là có thực. Thực theo nghĩa làm cho đời sống ta có ở đây và lúc này và mọi vật trong đó so ra hoàn toàn như mộng ảo.
Nói như vậy không có nghĩa tôi không quí chuộng cuộc sống đang có. Thực ra tôi quí chuộng nó còn hơn trước kia, vì nay tôi nhìn nó theo đúng nghĩa. Khi tôi nhận ra chân lý đằng sau cuộc du hành của mình, tôi biết là tôi phải kể lại nó. Làm việc ấy cho đúng trở thành công việc chính cho đời tôi. Tôi coi đó là bổn phận phải kể cho mọi người biết tôi đã thấy gì bên ngoài xác thân và trái đất này.
Gia đình đưa tôi vào khu cấp cứu của bệnh viện vì chứng sưng màng não do vi trùng E. coli gây ra. Vi trùng vào dịch não tủy và sẽ ăn tất cả những gì ăn được, kể cả não. Chứng bệnh này rất hiếm với tỉ lệ chưa tới 1 phần mười triệu người lớn mắc phải mỗi năm. Vi trùng tấn công vỏ não trước tiên; vỏ não cho ra ký ức, ngôn ngữ, tình cảm, ý thức về thính giác và thị giác, và lý luận. Như thế khi vi trùng tấn công não, những vùng liên can đến các sinh hoạt làm ta là con người bị hư hại trước tiên. Nhiều nạn nhân của chứng sưng màng óc do vi trùng gây ra chết trong mấy ngày đầu có bệnh. Ai khác được đưa tới phòng cấp cứu của bệnh viện với tình trạng nguy kịch như tôi bị, thì chỉ có 03 % là sống sót, và nhiều người như thế cả đời còn lại sống trong trạng thái vật vờ mất gần hết khả năng.
Tôi bị hôn mê và trong lúc bệnh viện lo cứu chữa, tôi thấy mình ở nơi tăm tối, nó đen tối mà thấy được, tựa như chìm trong bùn nhưng vẫn có thể nhìn xuyên qua đó. Hay như chìm trong thạch (rau câu), trong suốt mờ mờ, chật chội nghẹt thở. Tâm thức thì giống như trong mơ biết chuyện gì xẩy ra chung quanh, nhưng không biết rõ mình là ai hay là cái gì. Rồi cũng có âm thanh, tiếng thình thịch nhịp nhàng (2), trầm, ở xa mà mạnh, thành ra mỗi nhịp của nó đi xuyên qua người bạn. Gần giống như nhịp tim mà đen tối hơn, máy móc hơn, như âm của kim loại đập vào kim loại, làm như có ông thợ rèn khổng lồ sâu dưới lòng đất đang nện lên đe ở đâu đó xa kia; đập nó mạnh tới nỗi âm thanh rung động xuyên qua lòng đất, hay bùn.
Tôi đã ở đây bao lâu ? Tôi không biết. Tôi không thể nói rõ chuyện xẩy ra khi nào, nhưng tới một lúc tôi cảm biết là có vài vật chung quanh. Chúng có rễ nhỏ, tựa như các mạch máu nhỏ trong một vòm rộng lớn, bùn lầy, có mầu đỏ dơ, sậm, mọc từ tuốt trên cao đâm xuống tuốt bên dưới (3). Càng ở lâu chỗ này tôi càng thấy không dễ chịu. Mới đầu tôi chìm sâu trong đó tới mức không có phân biệt giữa tôi và vật nửa nhớp nháp nửa quen thuộc bao quanh. Nhưng từ từ cảm giác chìm sâu thẳm, vô thời gian, vô ranh giới nhường chỗ cho điều khác, một cảm giác là tôi không thật sự thuộc về thế giới dưới lòng đất này chút nào, mà đúng ra tôi bị kẹt trong đó.
Nhiều gương mặt thú vật kinh dị trồi lên khỏi lớp bùn, rên rỉ hay kêu rống và rồi biến đi. Thỉnh thoảng tôi nghe có tiếng gầm thấp giọng. Đôi lúc tiếng gầm biến thành lời hát vừa đáng sợ vừa quen thuộc lạ lùng, như thể có lúc tôi đã biết và phát ra lời ấy. Tiếng nện đe vang nhịp nhàng ở đằng xa nay sắc gọn và tăng mạnh hơn, thành tiếng thình thình của một đội quân ông ba bị làm việc đơn điệu, hùng hục và không thôi. Quanh tôi có chuyển động, tựa như loài bò sát đang chen lấn đi qua, đôi lúc chạm vào người tôi với da láng hay gai của chúng.
Rồi tôi cảm thấy có mùi như mùi phân, mùi máu, mùi nôn mửa (2). Càng lúc càng thức tỉnh hơn, tôi dần dần thấy kinh hoảng, tôi không thuộc về chỗ này, tôi cần phải thoát ra. Nhưng đi đâu ?
…
Thỉnh thoảng tôi đi nhà thờ với vợ con nhưng không mặn mà cho lắm. Tôi vẫn nghi ngờ là tôn giáo có thực tới đâu. Mấy chục năm ở trong khoa giải phẫu thần kinh có phương pháp khoa học chặt chẽ, tôi tự hỏi làm sao có thể có được niềm tin vào Thượng đế, thiên đàng và đời sau. Khoa thần kinh hiện đại nói rằng não sinh ra tâm thức, trí tuệ, linh hồn, tinh thần hay bất cứ điều gì bạn muốn đặt tên cho phần vô hình không sờ chạm được của ta và làm ta thực sự là ta, và tôi tin là đúng không chút nghi ngờ.
Giống như nhiều nhân viên y tế làm việc trực tiếp với bệnh nhân sắp lìa trần và gia đình họ, trong nhiều năm tôi đã nghe và luôn cả thấy vài chuyện không giải thích được. Tôi để yên chúng, nghĩ rằng có câu trả lời hợp lý này hay kia giải thích được hết mọi việc. Không phải là tôi phản đối niềm tin vào chuyện siêu nhiên, nhưng càng lớn tuổi tôi càng thấy khó có việc ấy. Y như sóng biển ăn mòn bãi cát, sau nhiều năm quan điểm có tính khoa học của tôi về thế giới làm suy giảm một cách êm thấm mà bền bỉ niềm tin vào một điều gì đó rộng lớn hơn. Khoa học dường như đưa ra liên tục các bằng chứng làm việc ta hiện hữu trong vũ trụ gần như không có ý nghĩa gì.
Tôi là người học bằng cách làm, nếu tôi không cảm biết hay chạm vào vật thì tôi không hứng thú chi với nó. Ý muốn vươn ra chạm tới bất cứ điều gì tôi muốn hiểu cùng với ao ước được giống như ba tôi - cũng là một y sĩ giải phẫu thần kinh - làm tôi theo ngành này. Não người thật là trừu tượng và bí ẩn, mà cũng hết sức cụ thể. Tôi thích sự phối hợp của hiểu biết trừu tượng và khối vật thể gặp trong việc giải phẫu não. Để vào tới não bạn phải gỡ lớp màng bọc và mô bao quanh sọ, rồi dùng máy khoan. Đó là dụng cụ rất tinh xảo giá cả ngàn đô la, nhưng khi bạn cầm lên thì nó chỉ là … cái khoan.
Cũng y vậy, giải phẫu não là chuyện rất phức tạp mà thực ra không khác gì việc sửa một cái máy tinh xảo, vô cùng mỏng manh nào khác. Não thực sự là cái máy sinh ra tâm thức, và điều này được chứng tỏ mỗi ngày trong phòng mổ. Bệnh nhân tới bị nhức đầu và ý thức suy giảm. Bạn chụp hình não và thấy có bướu. Bạn gây mê, cắt bỏ bướu và vài giờ sau cô tỉnh giấc. Hết nhức đầu, hết vấn đề với ý thức. Thiệt là giản dị.
Tôi ưa thích sự giản dị ấy, tuyệt đối ngay thẳng và gọn gàng của khoa học. Tôi thích nó không có chỗ cho sự viễn vông hay suy nghĩ tầm phào. Nếu chuyện gì được thấy là hữu hình và đáng tin thì chấp nhận. Không được thì bị gạt bỏ. Cách suy nghĩ ấy không có chỗ cho linh hồn, tinh thần, cho việc con người tiếp tục hiện hữu sau khi não ngưng hoạt động, và lại càng không có chỗ cho câu tôi nghe hoài tới lui trong nhà thờ là ‘sống đời đời’.
…
Có gì đó hiện ra trong cõi tối tăm. Nó quay từ từ tỏa ra những tia sáng mỏng mảnh mầu trắng vàng và khi làm vậy, nó khiến bóng tối quanh tôi dần dần biến đi. Rồi tôi nghe một tiếng mới, tiếng sống động tựa như khúc nhạc đẹp đẽ nhất, phức tạp nhất, phong phú nhất mà bạn chưa từng nghe. Âm lớn theo cùng với việc ánh sáng trắng tinh khiết đi xuống, nó át đi tiếng thình thình đơn điệu, máy móc mà có vẻ như là bạn đường duy nhất với tôi trong thời gian dài đăng đẳng cho tới nay.
Ánh sáng càng lúc càng lại gần hơn, quay tròn túa ra những đường chỉ trắng bạch mà nay tôi thấy có chen lẫn đó đây lấm tấm óng vàng. Rồi ngay giữa ánh sáng có cái gì nữa xuất hiện. Tôi chăm chú ngó, ráng đoán xem đó là gì. Một khoảng trống lộ ra, nay tôi không còn nhìn vào ánh sáng đang quay chậm mà nhìn xuyên qua đó. Vừa khi hiểu ra chuyện ấy, tôi bắt đầu phóng nhanh lên, có tiếng rít gió và trong chớp mắt tôi bay xuyên qua khoảng trống, thấy mình ở trong một thế giới hoàn toàn khác, một thế giới lạ lùng, xinh đẹp nhất mà tôi chưa gặp bao giờ.
Kinh ngạc, hớn hở, tưng bừng, hào hứng, tôi cảm thấy như được sinh ra. Bên dưới tôi là vùng đồng quê xanh mát mắt, giống như trên mặt đất. Nó là mặt đất mà cùng lúc không phải vậy. Tôi đang bay, ngang qua đồng ruộng, cây cối, suối và thác nước và đây đó có bóng người. Cũng có trẻ con chơi đùa cười vang, người ta ca hát và nhẩy theo vòng tròn, và thỉnh thoảng tôi thấy một con chó chạy nhẩy giữa mọi người, đầy vui vẻ y như họ. (3)
Đây không một là một giấc mơ, tuy không biết mình ở đâu nhưng tôi biết chắc một điều chỗ này mà tôi đột nhiên đi tới là thực hoàn toàn. Cảm giác như khi còn nhỏ bạn ở trong rạp xi nê ra về lúc trời chiều mùa hè. Phim có thể hay và bạn mê say theo dõi lúc ngồi trong rạp, nhưng khi hết phim và bước ra ngoài, bước vào nắng chiều rực rỡ, ấm áp, bạn tự hỏi sao mình lại phí thì giờ một ngày đẹp đẽ và ngồi trong rạp hát tối om. Hãy nhân cảm giác ấy lên ngàn lần và nó cũng chưa bằng điều tôi đang cảm thấy.
Tôi không biết mình bay được bao lâu, thời gian ở cõi này khác với thời gian đi thẳng trên mặt đất, nhưng tới một lúc nào đó tôi nhận ra là mình không đơn độc. Có ai đó ở cạnh tôi, một cô gái xinh đẹp với gò má cao, mắt xanh sâu thẳm. Cô mặc chiếc áo giản dị như của mấy người trong làng dưới kia mặc, tóc nâu óng bao lấy gương mặt yêu kiều. Chúng tôi đang ngồi trên một mặt phẳng có đường nét cầu kỳ, sống động với mầu sắc linh hoạt không sao tả được, là cánh bướm. Thực vậy, có hằng triệu con bướm quanh chúng tôi, những đợt sóng bướm rung rinh trải rộng, nhào xuống vùng đất xanh tươi bên dưới rồi vút lên quanh chúng tôi trở lại. Không phải một con mà trọn đàn bướm cùng làm vậy, như là dòng sông đầy mầu sắc và sự sống di chuyển trong không. Chúng tôi lướt đi ngang qua những bông hoa nở rộ và nụ hoa trên cây nở ra khi chúng tôi đến gần.
Áo cô gái có mầu xanh nhạt, chàm, cam và hồng đào, cũng vô cùng sống động như tất cả những gì khác chung quanh đây. Cô nhìn tôi với ánh mắt không có vẻ lãng mạn, không phải là tình thân hữu mà là cái nhìn vượt hẳn những điều này, vượt hết mọi loại tình thương yêu khác trên cõi thế. Nó là một cái gì cao hơn, chứa đựng mọi loại đó trong chính nó mà cùng lúc chân thật hơn và thanh khiết hơn tất cả chúng.
Cô nói với tôi mà không mở miệng dùng lời. Thông điệp đi xuyên qua tôi như làn gió và tôi lập tức hiểu ngay nó là thật; tôi biết theo cùng một cách như biết rằng thế giới quanh chúng ta là thật, không phải là điều gì mộng tưởng, thoảng qua và không nghĩa lý. Thông điệp có ba phần mà nếu dịch sang ngôn ngữ cõi trần thì nó giống như vầy.
– Anh được thương yêu và quí mến thân thiết luôn luôn.
– Anh không có gì phải sợ.
– Anh không có làm gì sai.
Thông điệp làm tôi cảm thấy một nỗi nhẹ nhõm tràn lan cùng khắp. Cô gái lại nói mà không dùng lời, bằng cách đưa ý tưởng thẳng vào tâm tôi.
– Chúng tôi sẽ cho anh thấy nhiều việc ở đây, nhưng cuối cùng anh sẽ phải trở về.
Về đâu ?
Tôi đang ở trên mây, những cụm mây to, bồng bềnh, trắng hồng tương phản sắc sảo với trời xanh đen sâu thẳm. Cao hơn mây, cao tít bên trên là những quầng sáng, các thực thể bay vút ngang qua bầu trời, để lại các vệt dài đằng sau. Họ khác hẳn với mọi loài tôi biết, tiến hóa xa hơn rất nhiều. Một âm vĩ đại, rền vang như lời ca tuyệt diệu từ trên vẳng xuống. Thấy và nghe ở đây không phân biệt với nhau. Tôi có thể nghe vẻ mỹ lệ của thân hình mầu bạc của các thực thể nhấp nháy này, và tôi có thể thấy sự toàn hảo đầy hân hoan tràn dâng của lời họ hát. Làm như bạn không thể thấy hay nghe bất cứ điều gì ở cõi này mà không trở thành một phần của nó, không nối kết với nó về một mặt huyền bí nào đó.
Tôi bắt đầu đặt câu hỏi không lời với đấng thiêng liêng mà tôi cảm biết đứng đằng sau chuyện này.
– Đây là đâu ?
– Tôi là ai ?
– Tại sao tôi ở đây ?
Mỗi lần tôi thầm lặng nêu thắc mắc, câu trả lời tức khắc đến như là sự nổ bùng của ánh sáng, mầu sắc, tình thương và nét mỹ lệ thổi xuyên qua người tôi như làn sóng đập vào bờ. Chúng trả lời mà không bằng ngôn ngữ. Tư tưởng đi thẳng vào trong tôi nhưng nó không giống như tư tưởng dưới trần. Nó không mơ hồ, phi vật chất hay trừu tượng. Các tư tưởng này vững chắc và có liền, và khi nhận được chúng thì tôi có thể hiểu ngay lập tức những ý niệm mà không cần nỗ lực gì, điều mà trên trần tôi sẽ phải mất nhiều năm mới thấu hiểu trọn vẹn.
Tôi tiếp tục đi lên vào khoảng không mênh mông, tối đen hoàn toàn, rộng vô biên mà cũng đầy sự an lòng. Dù đen như mực nó lại cũng đầy ánh sáng. Tình trạng của tôi giống như phôi thai trong tử cung người mẹ, ở đây Thượng đế là bà. Ngài thật gần tới nỗi dường như không có khoảng cách gì giữa Thượng đế và tôi; mà cùng lúc tôi có thể cảm biết khoảng bao la vô tận của đấng Tạo Hóa, và tôi nhỏ nhoi biết bao so với Ngài. Tôi sẽ gọi Ngài là Om vì tôi nhớ có nghe nói rằng đây là âm liên kết với sự toàn tri, toàn năng và tình thương vô điều kiện của Thượng đế, nhưng mô tả nào cũng không đủ.
Câu hỏi và câu trả lời tiếp tục diễn ra. Dù đó không phải là ngôn ngữ mà ta biết, ‘giọng nói’ của Ngài ấm áp, thân mật. Nó hiểu con người và có những đặc tính ta có mà lớn lao hơn vô kể. Nó hiểu tôi cặn kẽ và có tràn đầy những tính chất mà cả đời tôi liên kết với con người, như tình nồng ấm, từ bi, thương yêu, luôn cả ý châm biếm và óc khôi hài.
Om nói với tôi rằng không phải chỉ có một vũ trụ mà có nhiều vô kể, nhưng tình thương là tâm của tất cả mọi chúng. Điều ác cũng có trong hết những vũ trụ khác; điều ác cần thiết vì nếu không có nó thì không thể có tự do ý chí, và không có tự do ý chí thì sẽ không có lớn mạnh, không có sự tiến tới, không có cơ hội cho ta trở thành điều mà Thượng đế muốn ta thành. Điều ác đôi lúc có vẻ thật kinh khiếp trong thế giới như của ta, nhưng khi nhìn toàn cảnh rộng lớn thì tình thương chế ngự thật mạnh mẽ và chung cuộc sẽ đắc thắng.
Tôi thấy sự sống tràn đầy trong vô số vũ trụ, luôn cả những nơi mà trí tuệ vượt loài người rất xa. Tôi thấy có vô số chiều đo cao hơn, mà cách duy nhất để biết các chiều đo này là đi thẳng vào và cảm nhận chúng. Ta không thể hiểu hay biết được chúng từ chiều đo thấp hơn. Nguyên nhân và hệ quả có ở những cõi cao này, mà nằm ngoài mức tri thức của con người. Thế giới với chiều đo thời gian và không gian mà ta sống trên trần có liên kết mật thiết với những thế giới cao hơn đó. Nói khác đi, chúng không hoàn toàn nằm ngoài ta vì tất cả thế giới là một phần của Thực Tại thiêng liêng. Từ những thế giới cao này ta có thể đi tới bất cứ lúc nào và nơi nào trên thế giới của ta.
Tôi sẽ phải mất trọn kiếp của mình và còn dài hơn nữa để ghi lại hết những gì đã học nơi ấy. Tôi được đưa cho sự hiểu biết không phải theo cách như bài học sử hay toán được ‘dạy’, mà cảm nhận có tức khắc thay vì cần phải giảng giải và hấp thu. Kiến thức được cất giữ lập tức mà không cần phải nhớ, và nằm đó mãi mãi. Nó không phai mờ như chi tiết thông thường, và cho tới ngày nay tôi vẫn còn nhớ trọn chúng, rõ ràng nhiều lần hơn là hiểu biết mà tôi thu thập trọn những năm đi học.
…
Ngay lúc tôi còn rất nhỏ, cha mẹ cho hay tôi là con nuôi, nhưng bảo rằng họ thương yêu tôi như con ruột. Ba mẹ kể mang tôi về lúc mới bốn tháng. Cha mẹ ruột tôi chưa học xong trung học thì sinh ra tôi, mà cha ruột muốn lên đại học, sẽ không thể nuôi dưỡng tôi trong lúc đi học. Hai người đành phải đem tôi cho mà lòng không muốn. Tuy được ba mẹ trấn an, khi lớn lên hiểu biết này làm tôi thấy mình như trẻ mồ côi, không được thương yêu hoàn toàn và bị đem cho.
Mấy chục năm sau tôi đi tìm cha mẹ ruột và cuối cùng hội ngộ với gia đình ruột của tôi. Ba năm sau khi sinh ra tôi, ba mẹ ruột tôi thành hôn với nhau và sinh thêm ba con, trong đó một con gái qua đời mấy năm trước. Như vậy tôi có hai em ruột còn sống, và em gái bảo sẽ gửi hình cô em đã mất cho tôi biết mặt. Ai cũng nói cô em này tốt lành như thiên thần. Cuộc gặp gỡ và trò chuyện ấy làm tôi cảm thấy mình được thương yêu, thấy vết thương lòng được lành lại và thấy mình được trọn vẹn, một cảm giác chưa hề có trước đây.
…
Có điều gì đó kéo tôi, không giống như có ai chộp lấy tay tôi mà là một cái gì ít vật chất hơn, thanh bai hơn. Từ trời cao tôi quay trở về. Cảnh tối như mực mà sáng rỡ nay phai dần vào sắc xanh tươi với khung cảnh rực rỡ. Nhìn xuống tôi thấy dân làng trở lại, cây cối, suối lấp lánh và thác nước, cũng như là thiên thần bay lượn trên không. Cô bạn đồng hành cũng có đó, thấy mặt cô trở lại làm tôi rất mừng, và nay tôi hiểu câu nói không lời của cô:
– Chúng tôi sẽ cho anh thấy nhiều việc ở đây, nhưng cuối cùng anh sẽ phải trở về.
Về đây là quay lại chỗ tối tăm, nơi tôi bắt đầu cuộc viễn du. Mà lần này khác, đi xuống bóng tối với trọn hiểu biết đã có từ cõi cao, tôi không còn phập phồng lo lắng như thưở ban đầu. Khi âm nhạc cõi trời tan dần và tiếng thình thình của cõi thấp trở lại, tôi nhìn khung cảnh mà không còn sợ hãi, vì tôi hiểu theo cách không lời, là cách nay tôi hiểu sự việc, là tôi không còn thuộc về cõi này và chỉ ghé qua đó.
Nhưng tại sao tôi đến thăm nó trở lại ?
Câu đáp tới theo cùng cách không lời, tức khắc như cách những câu trả lời đến ở cõi trên. Tôi hiểu ra trọn cuộc thám hiểm này là như đi một vòng để thấy khắp hết sự sống tinh thần, vô hình, gồm hết các tầng trời và mọi cấp. Lần này, tôi đã ở trong cõi tối tăm bao lâu ? Tôi cũng không biết, nhưng sau một lúc lâu tôi khám phá là có cách làm chủ sự việc, và tôi không còn bị kẹt ở đây. Khi cố gắng hết sức, tôi có thể trở lại những cõi cao hơn. Tới một lúc tôi mong mỏi được nghe lại khúc nhạc của ánh sáng quay khi nó đi xuống lần đầu. Sau khi ráng nhớ lại các nốt, âm nhạc tuyệt diệu và khối cầu ánh sáng phát ra nhạc bừng lên trong ý thức của tôi. Chúng lại cắt xuyên qua bùn nhầy nhụa và tôi bắt đầu vượt lên.
Trong những cõi bên trên, tôi chậm chạp tìm ra là chỉ cần biết và nghĩ tới điều gì là người ta có thể đi tới nó (4). Nghĩ tới khúc nhạc của ánh sáng quay là làm nó vang lên, và mong ước cõi cao là lên được tới đó. Càng quen thuộc với cõi cao chừng nào càng dễ đi tới nơi. Trong thời gian xác tôi bị hôn mê và tôi ở ngoài thân xác, tôi đã đi từ cõi tối tăm đến cõi thiêng liêng tối như mực không biết bao lần. Và mỗi lần lên cao tôi lại đi sâu hơn nữa vào cõi trời, được dạy thêm bao điều bằng cách không lời là cách liên lạc ở những cõi bên trên cõi thế.
Tôi được dạy một điều vô cùng quan trọng là Tình Thương. Nó là căn bản của mọi việc. Không phải tình thương trừu tượng, khó hiểu hay loại mà ai cũng hiểu như tình vợ chồng, tình thương con. Ở dạng thanh khiết nhất và hùng mạnh nhất, tình thương này không ghen tuông hay ích kỷ mà vô điều kiện. Mà có bao nhiêu người trong chúng ta thực sự thấu hiểu nghĩa chữ ấy ? Nhiều người đã thấy và như tôi, và giống như tôi khi họ trở về trái đất, họ chỉ có chữ để mô tả những điều hoàn toàn vượt khỏi kinh nghiệm khả năng của chữ nghĩa.
Có điều ấy vì não ngăn chặn, che đậy kinh nghiệm vũ trụ lớn lao đó, tựa như ánh sáng mặt trời làm mất đi ánh sao mỗi buổi sáng. Thử tưởng tượng ý niệm của ta về vũ trụ sẽ bị hạn hẹp ra sao nếu ta không hề thấy trời đêm la liệt các vì sao. Ta chỉ có thể thấy điều gì mà não lọc và cho qua. Não – và đặc biệt phần não trái thuộc ngôn ngữ - lý luận, cái sinh ra óc thuần lý và sự cảm biết sắc bén rõ ràng về cái tôi – là rào cản cho sự hiểu biết và kinh nghiệm cao hơn.
Tôi tin rằng chúng ta cần thâu hồi trở lại nhiều hơn phần hiểu biết cao hơn ấy trong lúc sống trên trần, trong lúc não linh hoạt đầy đủ. Nhưng một số khoa học gia có quan niệm duy vật đã khăng khăng rằng khoa học và tinh thần không thể hiện hữu chung với nhau. Họ đã lầm. Lý do tôi viết sách này là để làm cho sự kiện cổ xưa mà hết sức căn bản ấy được biết tới rộng rãi hơn, và nó khiến cho tất cả những điều khác của chuyện hoàn toàn là thứ yếu. Tình thương vô điều kiện và việc được chấp nhận mà tôi kinh nghiệm trong chuyến du hành, là khám phá độc nhất quan trọng hơn hết tôi có được, và tôi cũng biết trong lòng rằng tôi có phần việc quan trọng hơn hết là chia sẻ thông điệp hết sức căn bản đó.
Nay tôi hiểu mình là một phần của thiêng liêng và không có gì, tuyệt đối không có gì, có thể làm mất đi tính cách ấy. Hiểu biết này làm cõi tối tăm mất đi sự kinh hoàng của nó, và cho phép tôi nhìn nó đúng như nó là, tức một phần của vũ trụ, không dễ chịu nhưng hẳn là cần thiết.
Trong lúc sinh hoạt bên ngoài cơ thể, tôi nhận được hiểu biết về bản chất và cơ cấu của vũ trụ vượt rất xa sự thông hiểu của tôi. Nhưng tôi vẫn tiếp nhận nó phần lớn vì không còn bận tâm với thân xác. Nay đã về cõi trần và có mang trở lại những tính chất của xác thân, hiểu biết về cõi trời bị che khuất lần nữa, nhưng nó vẫn còn có đó, lúc nào tôi cũng vẫn cảm được nó. Phải mất nhiều năm ở cõi trần mới làm cho hiểu biết tựu thành, nghĩa là phải mất nhiều năm dùng não bộ vật chất tôi mới hiểu ra điều đã thông suốt tức khắc và dễ dàng ở cõi bên kia, lúc không có não.
Vũ trụ hữu hình chỉ là một hạt bụi so với phần vô hình và tinh thần. Theo quan niệm khi xưa của tôi, tinh thần là chữ mà tôi sẽ không dùng trong cuộc nói chuyện có tính khoa học. Nay tôi tin đó là chữ mà chúng ta không thể bỏ qua. Nơi cõi cao, trong trí tôi nẩy ra câu hỏi và câu trả lời sẽ đến cùng một lúc, làm như không có phần nào trong vũ trụ thực sự phân biệt với phần khác. Câu đáp không phải giản dị chỉ là ‘có’ hay ‘không’ mà là các ý niệm đồ sộ to tát, cơ cấu tư tưởng vĩ đại, phức tạp như một thành phố.
Tư tưởng đúng nghĩa không phải là chuyện của não, nhưng bởi ta được dạy liên kết não với điều ta nghĩ và ta là ai, nên chúng ta mất đi khả năng cảm biết rằng ta luôn luôn còn hơn là não bộ và xác thân. Tư tưởng đích thực thì có trước vật chất (5), là loại suy nghĩ không đi theo đường thẳng mà chuyển di mau như tia chớp, tạo liên kết ở nhiều cấp và hợp chúng lại với nhau mà nếu so sánh thì tư tưởng thông thường của ta chậm lụt và quờ quạng hết biết. Cách suy nghĩ đầu sinh ra những gợi hứng trong khoa học, hay vần thơ.
Mỗi lần thấy mình xuống trở lại cõi tối tăm, tôi có thể nhớ khúc nhạc tuyệt vời làm mở cửa thông đưa tới cõi cao lần nữa. Tôi dành nhiều thì giờ cùng với cô gái trên cánh bướm, và biết bao thì giờ khác để học các bài học ở nơi ấy. Đến một lúc kia, tôi lên tới nơi và thấy không vào được, cửa Trời đã đóng lại. Tôi cảm thấy một nỗi buồn rầu không tả được, vì tình cảm bên này khác hẳn nơi cõi trần. Mọi tình cảm có đó ở cõi cao nhưng chúng sâu đậm hơn và rộng hơn, chúng ở bên trong mà luôn cả bên ngoài. Thử tưởng tượng mỗi lần tâm tình của bạn thay đổi trên trần, thời tiết bên ngoài cũng thay đổi theo. Như nước mắt rơi làm trời tuôn mưa ào ạt xuống, và niềm hớn hở làm mây lập tức biến đi. Nó cho manh mối để hiểu sự thay đổi tâm tình nơi cõi cao sinh cảm tưởng ra sao.
Vậy tôi rầu rĩ trong lòng và cùng lúc chìm xuống ở bên ngoài. Tôi đi xuống qua những bức tường mây dầy, và nghe có tiếng thì thầm chung quanh nhưng không hiểu nghĩa của lời thốt ra. Rồi tôi ý thức đó là lời cầu nguyện của thân nhân. Nó cho tôi năng lực, và có lẽ vì vậy nên tuy hết sức buồn rầu, có gì đó trong lòng khiến tôi tin tưởng lạ lùng rằng mọi việc rồi sẽ tốt đẹp. Tôi đang hướng về nơi chưa biết nhưng lúc đó hoàn toàn tin tưởng là tôi được chăm lo, Thượng đế hay Om sẽ ở cùng tôi. Tôi trên đường trở về nhưng không cô độc, và tôi biết mình không bao giờ cô độc nữa.
Trong khi đó dưới trần ở khu cấp cứu, tôi đã hôn mê bẩy ngày, vi trùng kháng thuốc và các y sĩ không còn hy vọng, họ nói với vợ tôi là tới lúc nên để cho cơ thể tôi chết. Khi ấy tôi mở mắt ra.
Mới đầu tôi không còn nhớ cảnh đời trước khi bị hôn mê, ký ức chỉ toàn là về nơi tôi vừa sinh hoạt là cõi tối tăm và cõi trời. Cái trí, cái tôi thực nay gò ép mình vào trở lại sự sống quá chật hẹp, giới hạn ở cõi trần với ranh giới về không gian và thời gian, cách suy nghĩ theo đường thẳng, và giới hạn của việc giao tiếp bằng lời. Những điều này trước đây một tuần tôi tưởng là cách sống duy nhất trên đời, mà nay thấy rõ chúng thật là cồng kềnh, gò bó.
Thời kỳ dưỡng bệnh bắt đầu, nhưng ngay cả khi ấy tôi biết và càng lúc càng nhiều người quanh tôi cũng chấp nhận là tôi không đau ốm, não không hư hại mà tôi hoàn toàn khỏe mạnh. Ký ức về chuyện gì xẩy ra trong một tuần bên ngoài thân xác hiển hiện rõ ràng trong trí tôi, đậm nét và trong sáng lạ lùng. Tôi ngất ngây vì tôi trở về với những người mà lòng yêu quí, mà cũng vì đây là lần đầu tiên tôi thực sự biết mình là ai, và ta sống trong loại thế giới gì.
Tôi ngây thơ muốn chia sẻ những kinh nghiệm này, đặc biệt với các y sĩ đồng nghiệp. Vì nói cho cùng tôi đã thay đổi quan niệm có từ lâu về não là gì, tâm thức là gì và ngay cả cuộc sống có nghĩa hay không có nghĩa chi. Ai mà không muốn nghe các khám phá đó chứ ? Hóa ra có nhiều người không muốn nghe, nhất là những ai có bằng y sĩ. Họ không thể nào mở trí để xem xét điều mà tôi tha thiết muốn chia sẻ. Chẳng trách họ được, bởi chắc chắn trước kia tôi cũng không hiểu ra.
Khoảng sáu tuần kế tiếp, tôi viết luôn tay, ráng nhớ lại từng chi tiết của cuộc du hành trong và ngoài cõi cao, và nói ‘ráng nhớ’ cũng không đúng hẳn, bởi ký ức còn nằm đó, ngay ở nơi tôi đã cất chúng. Trong lúc bị hôn mê não của tôi không hoạt động chút nào, phần não mà trường y khoa dạy là lo việc xếp đặt cảm giác từ ngũ quan đưa về làm tôi hiểu được sự sống chung quanh, không làm việc. Vậy mà tôi rất sống động, ý thức, thực sự ý thức trong một vũ trụ có tính chất hơn hết thẩy là tình thương, tâm thức, và thực tại. Đối với tôi, chỉ giản dị là tôi biết nó quá rõ tới mức không cần phải bàn cãi. Điều tôi đã kinh nghiệm còn thực hơn ngôi nhà tôi đang sống, hơn gỗ đang cháy trong lò sưởi. Mà quan điểm y khoa tôi đã mất nhiều năm hấp thụ không có chỗ cho thực tại ấy. Làm sao khiến cho cả hai thực tại này cùng hiện hữu với nhau ?
Cuối cùng tới ngày mà tôi đã viết ra hết mọi chuyện về cõi trời và cõi tối tăm, nay đến lúc đọc sách. Tôi lao mình vào biển sách về kinh nghiệm cận tử, nơi từ trước đến giờ tôi không thèm nhúng ngón chân xuống. Chẳng bao lâu tôi khám phá là có vô số người khác cũng trải qua những kinh nghiệm như tôi đã có, trong mấy năm gần đây và hàng mấy thế kỷ trước. Chúng không giống hệt nhau, mỗi chuyện đều riêng rẽ nhưng thường hay gặp các điểm chung, và tôi nhận ra nhiều điểm như vậy trong kinh nghiệm của mình.
Các tài liệu này đã có từ lâu trước khi tôi mắc bệnh, nhưng tôi chớ hề để mắt tới; chẳng phải chỉ có đọc mà còn một điều khác. Giản dị là tôi không có đầu óc cởi mở với ý rằng có thể còn điều gì đó tiếp tục sống sau khi thân xác ta chết đi. Giống như nhiều y sĩ khác, tôi không mất thì giờ tìm hiểu kinh nghiệm cận tử. Tôi chỉ giản dị ‘biết’ đó là chuyện bất khả.
Tôi cũng xem lại hồ sơ bệnh lý lúc bị hôn mê, và thấy rõ mình đã bệnh trầm trọng như thế nào. Bệnh sưng màng óc do vi trùng gây ra có nét đặc biệt ở chỗ là nó tấn công mặt ngoài của não trước (là phần mà chỉ con người có, phần làm chúng ta là con người, thí dụ như ngôn ngữ), sau đó mới phá hư những phần sâu hơn nằm bên trong, là phần chung cho các động vật khác. Những bệnh khác có thể làm hư tân vỏ não và khiến hôn mê như chấn thương đầu, nghẽn mạch máu não, xuất huyết não hay bướu não, không hoàn toàn phá hủy trọn hết bề mặt của tân vỏ não. Chúng chỉ gây hại một phần, không đụng chút nào tới phần khác nên các nơi này vẫn có thể làm việc. Vì vậy, bệnh sưng màng óc do vi trùng gây ra có triệu chứng rất giống như là cái chết mà có khi không gây chết người, tuy số tử vong rất cao đến 97%.
Từ thập niên 1960 kỹ thuật mới cho phép làm hồi sinh bệnh nhân mà tim ngưng đập (cardiac arrest), mở màn cho kinh nghiệm cận tử. Ai ngày trước sẽ thiệt mạng nay được cứu sống, họ lạc bước qua cõi bên kia một lúc ngắn thấy vài điều nơi ấy rồi trở về kể chuyện; ngày nay có cả triệu người như vậy. Quyển sách đầu tiên về đề tài này là Life After Death của Raymond Moody, ra năm 1975. Tôi nghe nói tới nó nhưng chưa hề đọc. Tôi không cần đọc vì biết, trước tiên, là nói rằng tim ngưng đập làm người ta gần như chết là điều vô lý. Nhiều sách về kinh nghiệm cận tử có bệnh nhân mà tim ngưng lại vài phút, như tai nạn hay trên bàn mổ.
Ý nói rằng tim ngưng đập gây ra tử vong là ý xưa cách đây 50 năm. Bởi từ lâu định nghĩa theo y khoa về cái chết đã chuyển sang và trụ ở não, không còn ở tim. Tim có thể vẫn còn đập mà nếu não điện đồ cho thấy não không hoạt động thì bệnh nhân được xem là chết não, và ấn định này đã có từ năm 1968. Bao lâu mà não vẫn còn được tiếp tế máu do tim đập hay do cách nào khác khi tim ngưng đập, thì bấy lâu não vẫn còn sống tuy tạm thời vô ý thức. Ta vẫn không bị hư hại não nếu tim ngưng đập chưa tới bốn phút, sau đó được làm cho đập tiếp và não nhận được máu trở lại. Nhiều khi tim được làm ngưng đập cả tiếng đồng hồ lúc có giải phẫu mà não không hề hấn, vì máu được bơm lên theo cách khác.
Hiểu biết này là đủ để tôi bác bỏ sách của Moody mà không cần phải mở ra coi. Nhưng nay tôi lật ra xem, đọc thấy những chuyện mà chính mình đã trải qua làm tôi thay đổi hẳn quan niệm. Phần não sơ khai của tôi - phần làm những việc chung của động vật không phải của riêng con người - vẫn hoạt động trong suốt hay phần lớn khoảng thời gian tôi hôn mê. Nhưng về phần não mà bất cứ khoa học gia nào về não sẽ cho bạn hay rằng chúng sinh ra nhân tính nơi tôi, phần đó không còn nữa. Tôi đã thấy điều ấy trong phim chụp hình não, kết quả của phòng thí nghiệm, khám thần kinh trong tất cả hồ sơ ghi chép tỉ mỉ một tuần hôn mê ở bệnh viện. Nói theo y khoa thì việc tôi bình phục hoàn toàn là điều không thể có, là phép lạ về mặt y khoa.
Tôi mau lẹ hiểu rằng trường hợp của tôi rất gần với kinh nghiệm cận tử, có lẽ là một trong những ca như vậy đáng tin nhất trong lịch sử đương thời. Điều thật sự quan trọng về trường hợp của tôi thì không phải là chuyện gì xẩy đến cho cá nhân tôi, mà là việc không thể nào biện luận về mặt y khoa rằng ấy chỉ là hoang tưởng.
Mô tả kinh nghiệm cận tử đã là chuyện khó, mà làm vậy khi y khoa từ khước không tin là chuyện khả hữu, thì càng khó hơn nữa. Do chuyên môn của tôi là khoa thần kinh và kinh nghiệm cận tử của chính mình, nay tôi có cơ hội độc nhất vô nhị để làm cho việc đáng tin hơn. Tôi sẽ phải kết nối kinh nghiệm cận tử với hiểu biết khoa học và làm cho chúng hòa hợp với nhau, để thuyết phục các y sĩ đồng nghiệp rằng điều tôi đã trải qua là thật.
Có ba nhóm riêng biệt khi bàn về kinh nghiệm cận tử. Một là những ai chấp nhận, tin chúng. Hai là ai thẳng thừng không tin trong đó có cái tôi hồi trước; những người này thường không xếp loại mình là kẻ không tin. Chỉ giản dị là họ ‘biết' não sinh ra tâm thức, và không chấp nhận ý điên rồ là có tâm trí ở ngoài xác thân. Rồi có nhóm ở giữa là người đã nghe về kinh nghiệm cận tử hay chịu nghe; khi ai như vậy hỏi y sĩ hay khoa học gia, thì hai người sau nhẹ nhàng mà cương quyết bảo rằng kinh nghiệm cận tử chỉ là ảo tưởng, sản phẩm của một cái não đang bấu víu vào sự sống, và không là gì hơn.
Là một y sĩ đã trải qua chuyện như vậy tôi có thể kể một câu chuyện khác, và càng nghĩ về điều này, tôi càng thấy có bổn phận phải làm nó. Khi nhìn lại việc vi trùng E.coli làm vỏ não của tôi không hoạt động nữa, và sự hồi phục mau lẹ và hoàn toàn sau khi não bị phá hoại, tôi phải nhìn nhận là chuyện đã xẩy ra vì một lý do nào đó. Điều ấy chỉ làm tôi cảm thấy có ý thức trách nhiệm to tát hơn, trong việc kể lại chuyện cho đúng.
Khoảng hơn hai năm sau khi tỉnh lại, tôi thăm một người bạn thân và cũng là đồng nghiệp, là khoa trưởng một trong những phân khoa thần kinh tiến bộ hằng đầu trên thế giới. Tôi kể cho John (6) hay về chuyện của mình, và anh lắng nghe đầy kinh ngạc. Hóa ra là cách đây một năm, ba anh sau năm năm bệnh tật đã tới cuối đường. Ông nằm liệt, lẫn trí, đau đớn và chỉ muốn chết. Ông năn nỉ con cho thuốc để ra đi, ông không thể gắng gượng được nữa.
Rồi bất chợi ông hóa ra tỉnh táo hơn hai năm về trước, có nhận xét sâu sắc về đời mình và gia đình. Xong ông đổi hướng nhìn và bắt đầu nói với khoảng không ở cuối chân giường. John lắng nghe, nhận ra ông đang trò chuyện với mẹ ông đã khuất từ 65 năm trước, lúc ông chỉ mới là thiếu niên. Trong đời anh John gần như không nghe ông nói về bà nội, vậy mà nay ông có cuộc nói chuyện vui vẻ, sôi nổi. John không thấy được bà nhưng tin chắc rằng linh hồn bà có đó, đón rước con vào nhà tinh thần của ông.
Vài phút như thế rồi ông quay sang John với ánh mắt hoàn toàn khác hẳn. Ông mỉm cười, bình an hết sức và thấy ngay là ông thư thái hơn hết so với trước đây. Ba nhắm mắt, trên mặt lộ vẻ an ổn tràn đầy, và ra đi không lâu sau đó. John cảm thấy cuộc gặp gỡ giữa ba và bà nội đã khuất là chuyện rất thực, nhưng anh không biết phải làm gì với nó, vì là y sĩ anh biết những chuyện như vậy là ‘bất khả’. Nhiều người lớn tuổi bị lẫn trí đã sáng suốt một cách lạ lùng chỉ ngay trước lúc họ ra đi, như John thấy ở ba mình.
Không có giải thích theo khoa thần kinh cho điều ấy. Nghe chuyện của tôi dường như cho phép anh điều mà từ lâu anh muốn có người cho phép mình, là tin vào việc đã chứng kiến, biết cái chân lý sâu xa và an ủi, là cái ngã tinh thần vĩnh cửu của ta thì thật hơn bất cứ điều gì ta biết trong cõi đời này, và có kết nối thiêng liêng với tình thương vô biên của đấng Tạo Hóa.
Bạn không cần phải gần chết mới thấy được cõi bên kia, nhưng bạn phải ra công làm việc. Đầu tiên là đọc một rừng sách, rồi tới cuối thì mỗi chúng ta phải đi sâu vào tâm thức của mình, bằng lời cầu nguyện hay tham thiền để biết các chân lý đó.
Tôi còn một thắc mắc chót về trường hợp của mình. Có một sự kiện chung thấy trong các kinh nghiệm cận tử lại không xẩy ra cho tôi, đó là người ta kể gặp lại thân nhân, bạn bè tới đón họ ở cõi bên kia, mà tôi không gặp ai quen cả. Điều làm tôi khó hiểu là có một người tôi hết sức muốn gặp; ba tôi đã mất bốn năm trước khi tôi bị hôn mê, sao ba không tới đón tôi ? Tôi có gặp cô gái trên cánh bướm mỗi lần bay vào thung lũng diễm lệ, tôi còn nhớ rõ gương mặt của cô, rõ tới nỗi tôi biết chắc là chưa hề gặp cô trong đời. Tôi không biết cô.
Tôi ráng giải thích cho qua, nhưng sự kiện làm tôi nghi ngờ ý nghĩa câu chuyện. Tận trong lòng tôi vẫn còn mặc cảm là cha mẹ ruột không thương yêu con nên đã đem tôi cho người khác, tâm tư cứ mãi tự hỏi sao thông điệp rằng tôi được thương yêu lại không do ai mà tôi quen biết nói lên, chẳng hạn như ba tôi ? Thắc mắc này làm tôi nghi ngờ là chắc gì kinh nghiệm lạ lùng đã có là thật.
Bốn tháng sau khi tỉnh giấc ở bệnh viện, em gái ruột gửi cho tôi hình cô em ruột khác đã khuất. Tôi mở gói lấy khung hình ra xem và để lên bàn. Em trông quen thuộc và ám ảnh một cách kỳ lạ. Nhưng dĩ nhiên phải thế vì chúng tôi cùng huyết thống, cùng DNA nhiều hơn ai khác trên đời không kể hai em ruột nữa của tôi.
Sáng hôm sau tôi đọc tiếp sách On Life After Death của Elisabeth Kubler- Ross, tới chuyện một em gái 12 tuổi có kinh nghiệm cận tử. Ban đầu em giữ kín không nói cho ba mẹ hay, sau không thể giữ trong lòng được nữa và em kể cho ba rõ. Em thuật việc đi tới một vùng đất thật lạ lùng đầy tình thương và mỹ lệ, và làm sao em được anh trai đón, chăm lo. ‘Nhưng có vấn đề’, em nói với ba, ’là con đâu có anh’. Người cha ứa nước mắt, đáp rằng quả thực em có anh trai, nhưng cậu bé qua đời ba tháng trước khi em sinh ra.
Tôi ngừng đọc, trong một lúc tôi nhìn sững vào khoảng không, suy nghĩ mà cũng không suy nghĩ, chỉ sững sờ ráng hiểu. Có điều gì đó mấp mé bên bờ tâm thức sắp tượng hình. Rồi ánh mắt tôi đi tới bàn và bức hình cô em mà tôi chưa hề quen biết. Hình không có áo cô mặc ở cõi trời, không có ánh sáng thiên đàng nên thoạt đầu khó nhận ra. Nhưng đó là chuyện tự nhiên, tôi đã thấy cái ngã của cô nơi cõi thanh. Nay thì không sao nhầm lẫn, không thể nào lầm được nụ cười dễ yêu, tia mắt tự tin và vô cùng an ủi, đôi mắt xanh long lanh.
Cô là em ruột của tôi.
Trong một tích tắc hai thế giới gặp nhau, thế giới trên trần và thế giới cõi cao. Nhìn tấm hình làm tôi thấy giống như cậu bé trong chuyện thần tiên đi tới thế giới khác, khi quay về có cảm tưởng tất cả chỉ là giấc mơ, cho tới khi em đưa tay vào túi quần và lấy ra một vốc đất lấp lánh kỳ diệu từ nơi ấy.
Anh được thương yêu. Đó là những chữ tôi cần được nghe như là trẻ mồ côi, là trẻ bị đem cho. Nhưng tất cả mỗi chúng ta trong thời vật chất này cũng cần được nghe vì khi nói về việc ta là ai, từ đâu đến và đi về đâu, tất cả chúng ta đều cảm thấy (sai lầm) rằng mình là trẻ mồ côi. Khi chưa nhớ lại sự kết nối giữa ta với thiêng liêng, và tình thương vô điều kiện của đấng Tạo Hóa, ta sẽ luôn luôn cảm thấy bị lạc lõng trên đời.
Nay tôi có mặt ở đây, có hai phận sự thiết yếu là nói lên chân lý và chữa lành, có nghĩa là kể lại câu chuyện mà theo với thời gian, tôi cảm thấy chắc chắn là đã xẩy ra vì có lý do. Không phải vì tôi đặc biệt. Mà chỉ bởi có hai sự việc cùng xẩy ra và hợp lại với nhau cho tôi. Chúng làm tan vỡ nỗ lực sau chót của khoa học chiết giảm (nghiên cứu những điều càng lúc càng chuyên môn, nhỏ dần), nói rằng chỉ có cõi vật chất là hiện hữu, và tâm thức hay tinh thần - của bạn và tôi - thì không phải là bí ẩn lớn lao và chính yếu của vũ trụ.
Tôi là bằng chứng sống động cho điều ấy.
Ghi Chú
1. Một ý khác trong chuyện HPB số này cũng nói về điều ấy, là thân xác nói chung và não hay DNA v.v. nói riêng, giống như bộ máy tinh xảo, phức tạp, khéo léo, nhưng vẫn chỉ là khối vật chất vô tri nếu không có tinh thần điều khiển. Nó tựa như radio hay máy truyền hình có thể làm được nhiều việc, nhưng chúng chỉ hoạt động do tiếp nhận sóng từ đài phát thanh hay phát hình truyền ra. Không có sóng thì không có âm thanh hay hình ảnh, và hai máy thành khối kim loại vô dụng.
Người ta có thể càng ngày càng chế ra máy móc cầu kỳ hơn, hay cắt bỏ di truyền tử gây bệnh; nhưng việc tiến bộ khiến các bộ phận có năng suất cao hơn, DNA tốt lành hơn v.v. không làm thay đổi bản chất của chúng, là bộ máy hay não, DNA chỉ là vật tự động mà không phải là chủ nhân ông, và sóng, hay con người tinh thần mới là chủ thực sự.
2 - 3. Xin so sánh với chuyệnVòng Tái Sinhtrang 51, chương Ai Cập, có vài chi tiết hoàn toàn giống như ‘tiếng đều đều làm tôi bể đầu’, ‘những dải chứa chất giống như máu’, ‘mùi hôi thối’ …; ngoài ra làng mô tả ở đây cũng giống như hình ảnh làng trongHành Trình một Linh Hồn, chương 5.
4. So sánh với hai chuyện Hành Trình một Linh Hồn vàBa Người Línhvề cách di chuyển nơi cõi trung giới.
5. Ý này xác nhận lời dạy rằng chuyện nơi cõi hữu hình luôn luôn có trước từ cõi thanh như là ý tưởng, rồi mới dần dần đi xuống cõi thấp và thành hình nơi đây.
6. Tác giả không ghi tên thật một số người trong chuyện, vì còn nhiều đồng nghiệp phủ nhận tinh thần, kinh nghiệm cận tử. Những khoa trưởng, y sĩ tài giỏi mà tin các điều này không muốn có tranh luận có thể thiệt hại cho uy tín của họ.
Phần II.
Dưới đây là bài phỏng vấn Beyond the Brain của ông Richard Smoley (RS) với tác giả Eben Alexander (EB), trích từ tạp chí Quest của hội Theosophia Hoa Kỳ, số mùa đông 2015.
RS: Xin ông bắt đầu bằng cách cho hay một chút về việc làm của ông.
EB: Tôi đã làm việc hơn 25 năm trong ngành giải phẫu thần kinh và cho rằng mình đã biết đôi điều về cách tâm thức - não bộ - trí năng hoạt động. Tôi tin hoàn toàn vào chủ trương duy vật của khoa thần kinh ở thế kỷ 20. Nó nói rằng tế bào thần kinh có tính chất nào đó và khi linh hoạt sẽ cho ta tâm thức. Dù không ai biết chuyện diễn biến như thế nào, tôi nghĩ là chúng ta chỉ cần nghiên cứu thêm rồi sẽ tìm ra.
Ấy là lý do vì sao bệnh khi phát ra vào tháng 11 - 2008 làm thay đổi cách suy nghĩ của tôi như một cuộc cách mạng. Tôi phải đi ngược trở lại và đặt câu hỏi với tất cả những gì mà tôi tin là đã biết về thực tại. Tôi bị sưng màng óc rất nặng. Chỉ nhiều tháng sau nhìn lại tôi mới bắt đầu ý thức bệnh là mẫu tuyệt hảo ra sao về sự chết nơi con người, nhất là mức trầm trọng mà tôi bị; nói ngắn gọn thì bệnh làm phần tân vỏ não (neocortex) bị tiêu tan.
Khoa thần kinh hiện đại nói rằng tân vỏ não - tức là trọn diện tích mặt ngoài của não - là phần sinh ra tất cả chi tiết về kinh nghiệm có ý thức. Khi bệnh làm tiêu hủy tân vỏ não thì chuyện gì xẩy ra ? Là khoa học gia về thần kinh, tôi thấy rất rõ chuyện tiếp theo sau đó là hư vô. Y sĩ nào biết chút gì về bệnh sưng màng óc do vi trùng nhuộm gram âm tính gây ra, và chi tiết về bệnh của tôi, sẽ hiểu rằng không ai ở trong tình trạng như thế tỉnh lại mà không bị hoang tưởng, mộng mị; hay tỉnh lại với ký ức gồm những chuyện lạ lùng. Họ sẽ tỉnh lại mà đầu óc là hư vô. Thực tế là thông thường họ sẽ không hồi tỉnh chi hết, mà chuyện ngược lại sẽ xẩy ra, và đó là điều làm ta phải suy nghĩ.
Cuộc viễn du lạ lùng mà tôi đã có và tả lại trong sách Proof of Heaven lẽ ra không thể có được, nếu dựa theo quan niệm đương thời nói rằng não bộ sinh ra tâm thức. Vậy mà tôi đã có kinh nghiệm vô cùng kinh ngạc, rất thực, và một cuộc viễn du tưởng như kéo dài nhiều tháng hay nhiều năm, nhưng thật ra chỉ dài bẩy ngày trên trái đất.
Đối với tôi đó là cái bí ẩn chính. Làm sao khi phá hủy tân vỏ não lại thực ra là bạn gỡ bỏ màn che như miếng che mắt ngựa, và cho phép một loại tâm thức phong phú hơn, thực hơn, toàn vẹn hơn tràn vào ? Thắc mắc này làm tôi cố công đi tìm lời giải thích.
RS: Nay ông xem mối liên hệ giữa cái trí và não bộ là sao ?
EB: Trước lúc bị hôn mê, là khoa học gia về thần kinh tin rằng não sinh ra tâm thức, tôi không chú ý chút nào đến kinh nghiệm cận tử - near death experiences, vì tôi sẽ bảo chúng là sự chập chờn của não bộ đang chết.
Nhưng chúng còn là nhiều hơn thế. Thực tế là chúng không phải do một não bộ sắp chết tạo ra; chúng liên kết với một thực thể có ý thức, tinh thần. Hằng chục năm qua những ai có kinh nghiệm cận tử nói với ta về một thực tại còn thực hơn cảnh đời này, và tài liệu về sự sống sau khi ta qua đời đã có từ mấy ngàn năm về trước.
Tôi đi nói chuyện trên khắp thế giới về việc đó, và người ta đến gặp tôi - những người không biết chút gì về loại sách này, nhưng họ chia sẻ với tôi các chuyện riêng của họ thật lạ lùng về kinh nghiệm cận tử, liên lạc sau khi chết, chuyện về tiền kiếp mà trẻ em nhớ lại, và chuyện về tái sinh. Không sao giả bộ được để nói rằng đó là khối đông bị điên rồ, là não bộ sinh tật. Đây là một việc chi đó sâu xa hơn.
Vì thế tôi đi tới nhận biết là tâm thức, linh hồn, hay tinh thần là điều thực sự hiện hữu ở cốt tủy của mọi vật. Trước khi bị hôn mê hẳn tôi sẽ tìm cách nói với bạn rằng khoa học thông thường dạy là não bộ, hóa học, sinh học tạo nên ảo ảnh về thực tại, ảo ảnh về tự do ý chí. Nhưng ấy là hoàn toàn nói ngược. Chuyện thực sự hiện hữu là tâm thức, linh hồn, hay tinh thần.
Ngay cả vật lý học hiện thời cũng mau mắn bảo ta rằng không có gì là vật chất trong thế giới vật chất; đó là những dây rung động của năng lực và không - thời gian ở chiều đo cao hơn, và tâm thức là điều thiết yếu để có thực tại. Điều duy nhất hiện hữu mà ta biết là tâm thức của mình, nhưng ta chìm đắm quá mức trong đó tới nỗi rất khó mà tách biệt được ta với nó.
Bất cứ một mô hình, hay lời giải thích khoa học nào về bản chất của thực tại, phải bắt đầu bằng lời giải thích vững chắc hơn về tâm thức là gì, vì không phải não bộ sinh ra nó. Não là cái valve chiết giảm hay cái lọc (theo nghĩa mọi việc qua não hóa ra nhỏ hơn, ít hơn). Tư tưởng này hồi cuối thế kỷ 19 được phổ cập với các tư tưởng gia khôn ngoan như Carl Jung, Willams James, Frederic Myers. Nhưng vào thế kỷ 20 nó không còn thu hút khi khoa học bị lôi cuốn vào lời giải thích thuần duy vật.
RS: Vậy tâm thức là gì ?
EB: Tôi cho rằng tâm thức, ở cốt tủy của nó, là người quan sát, là sự tỉnh thức. Chúng ta quá miệt mài với việc tôn sùng cái ngã, cái tôi này, với não bộ có ngôn ngữ (phân biệt với não loài khác không có đặc tính ấy), và với óc lý luận tới mức ta quên đi sự kiện là tâm thức của ta thực ra còn sâu xa hơn và bí ẩn hơn. Nó là cái phần thức tỉnh trong ta, cái phần biết sự hiện hữu của chính nó và sự hiện hữu của vũ trụ.
Tiếng nói nhỏ bé trong tôi, cái não có ngôn ngữ nơi người vốn liên kết chặt chẽ với tư tưởng và với cái ngã, cái tôi, có thể đòi hỏi, nêu ý kiến, nói lời tạ ơn, nhưng khi ta đi sâu hơn và sâu hơn nữa thì còn có minh triết lớn hơn. Đây là điều mà những ai chuyên tham thiền như các vị sư Tây Tạng, những ai học hỏi rất sâu về tâm thức trải qua ngàn năm đã cố gắng giảng cho ta biết.
Vậy mà chỉ vào lúc này khoa học mới khởi sự nhìn nhận rằng thẳm sâu trong chính tâm thức, ta có thể tìm thấy chứng cớ là ta có thể liên kết với một điều chi đó lớn lao hơn nhiều, so với cái quan điểm nhỏ nhoi bảo ta rằng não sinh ra tâm thức. Thực vậy, khi bạn ý thức là chuyện đúng ra ngược lại, ta có thể nhờ tham thiền sâu xa tiếp xúc được với tâm thức. Ta nhận ra là tâm thức không trụ vào một chỗ.
Trước khi bị hôn mê, tôi là khoa học gia về thần kinh đi theo quan niệm thông thường, tin rằng ta chỉ có thể biết về sự vật nhờ ngũ quan vật chất. Sau khi hồi tỉnh tôi nhận biết là những điều như viễn cảm - telepathy, tiên đoán, kinh nghiệm cận tử, liên lạc sau khi chết, chuyện về tiền kiếp mà trẻ em nhớ lại, và biết bao tài liệu khoa học về tái sinh, chứng minh cho ta thấy là tâm thức không trụ vào một chỗ.
Hiểu rằng tâm thức không có nơi chốn là điều quan trọng. Trong giới khoa học tôi giới thiệu mọi người đọc quyển sách tuyệt vời của đại học Virginia, Irreducible Mind: Toward a Psychology for the Twenty First Century, by Edward Kelly, 2007. Sách gồm 800 trang đầy ắp dữ kiện khoa học thật vững chắc và phân tích, cho thấy rõ ràng là não không sinh ra tâm thức.
Như tôi đã nói khi nẫy, não đúng ra là cái valve chiết giảm hay cái lọc. Điều ấy giúp ta hiểu sự bí ẩn của động năng lượng tử - quantum mechanics, đã chứng tỏ cách đây 100 năm, rằng tâm thức là điều căn bản cho sự hiện hữu của bất cứ phần thực tại nào hiển lộ trong vũ trụ này. Tâm thức được lọc qua não bộ, mà không phải là do não bộ sinh ra.
RS: Ông nói rằng khuôn mẫu có tính duy vật về não và cái trí hiện càng ngày càng bị thách thức trong chính khoa học. Ông có thấy nhiều chứng cớ này riêng trong tâm lý học và khoa thần kinh ?
EB: Một số khoa học gia tiếng tăm trên thế giới về tâm lý học, tâm thần học, ý thức rằng ‘bằng chứng rõ ràng’ về tâm thức là thắc mắc khó giải đáp nhất cho người. Nó muốn nói là dù có nghiên cứu nhiều về não bộ, chưa có khoa học gia nào về thần kinh trên thế giới đưa ra câu đầu tiên về cách mà não có thể sinh ra tâm thức. Nhiều khoa học gia về thần kinh tìm hiểu vấn đề này nhận biết là càng biết nhiều về não bộ vật chất, ta càng ý thức nó không phải là cái tạo ra tâm thức. Nó có liên hệ thật rõ ràng với tâm thức, nhưng nhắc lại nó là cái valve hay cái lọc chiết giảm.
Thỉnh thoảng bạn đồng nghiệp thách đố tôi và nói.
– Khoan đã, anh nói trọn bí ẩn của việc hôn mê do não của anh bị vi trùng gây bệnh tiêu hủy não, thực ra là cái màn che mắt mất đi - khi sự thức tỉnh của anh thành ra sắc gọn và thật hơn.
Họ bảo chuyện không có nghĩa gì cả. Tôi trả lời bằng cách đưa ra hai hiện tượng lâm sàng (clinical) thông thường hay thấy. Chuyên gia và khoa học gia về thần kinh đều biết vài thí dụ này. Một cái gọi là óc sáng suốt lúc cận tử mà tôi có kể trong sách Proof of Heaven. Thường khi bệnh nhân lớn tuổi, lãng trí khi tới phút sắp lìa đời có thể trong phút chốc có suy nghĩ sáng sủa, trí nhớ, tương tác rất rõ ràng, tư tưởng đâu ra đó, hoàn toàn thách đố bất cứ lời giải thích nào.
Hiện tượng khác hay được quan sát có liên can với hội chứng thông thái - savant syndrome, khi não bị hư hại như nghẽn mạch máu não hay đầu bị chấn thương, làm lộ ra khả năng biệt lập về trí năng có tính siêu nhân. Các hội chứng này hết sức thông thường. Tôi gặp nhiều lần như thế trong lúc giải phẫu thần kinh. Tôi thấy người ta bị hư hại não và thực tế là nó làm lộ ra khả năng siêu nhân không thể tin được về trí nhớ, tính toán, sáng tác nhạc, tự nhiên có mà không biết từ đâu ra.
Wilder Penfield, có lẽ là một trong số các khoa học gia về thần kinh nổi tiếng nhất của thế kỷ 20, đã dùng điện kích thích mấy chục ngàn lần não của bệnh nhân lúc họ thức tỉnh, trong việc nghiên cứu của ông về bệnh kinh phong. Ông làm việc ở Montreal và năm 1975 viết sách Mystery of the Mind: A Critical Study of Consciousness and the Human Brain. Trong sách ông đi tới kết luận là không có lần nào trong số mấy chục ngàn lần này mà ông khám phá đó có vẻ là kinh nghiệm có ý thức tự ý. Bệnh nhân luôn luôn cảm thấy họ như là con rối được điều khiển bằng dây, bất kể ký ức, kinh nghiệm hay chuyện gì mà họ trải qua - họ luôn luôn biết là có cái gì đó ‘giật dây’. Không lần nào có điều gì giống như là chuyện tự ý.
Đối với Penfield chuyện thật rõ ràng. Đối với tôi, bằng chứng cuộc thí nghiệm hoàn toàn tương ứng với chuyến du hành mà tôi tả trong sách Proof of Heaven, và kết luận cùng sự hiểu biết của tôi về tâm thức. Nếu bạn thử tìm tự do ý chí và tâm thức, hay linh hồn, hay tinh thần, chúng không được tạo trong não bộ chút nào hết. Sự thực là não bộ, nói cho đúng, là xích xiềng. Đó chính là điều mà kinh nghiệm cận tử đã tìm cách cho chúng ta hay từ bao ngàn năm qua. Nhà thần bí có kinh nghiệm tinh thần tương tự về sự biến đổi tâm thức đã cố gắng nói là trên thực tế, khi ta thoát khỏi xiềng xích của não và được tự do vượt ra ngoài ảo ảnh của điều bây giờ và ở đây, ta thực sự bước vào hiểu biết cao hơn nhiều.
RS: Theo tôi hiểu đa số kinh nghiệm cận tử thường là hết sức tích cực. Mà cũng có vài trường hợp tiêu cực, như người ta thấy địa ngục, ma quỉ hay ác thần. Ông giải thích ra sao về việc ấy ?
EB: Nói về kinh nghiệm tiêu cực, ai đã đọc Proof of Heaven thấy là tôi bắt đầu ở một chỗ bên trong lòng đất, rất tối tăm, đáng sợ. Nếu kinh nghiệm cận tử của tôi chỉ là vậy và tôi từ đó trở về, thì hẳn tôi sẽ có điều mà người ta mô tả là kinh nghiệm về địa ngục.
Đã nói chuyện với những người khác có kinh nghiệm cận tử và duyệt lại hằng ngàn trường hợp cận tử, tôi tin rằng về nhiều mặt địa ngục là kinh nghiệm chưa hoàn tất. Họ sang cõi bên kia mà chưa có đủ năng lực và sức mạnh để vượt qua đó lên những cõi cao hơn. Chuyện rất rõ đối với tôi là tình thương vô điều kiện là sức mạnh vô kể chữa lành ở mọi mức, chữa lành tâm người, chữa lành tâm hồn nhóm, chữa lành mọi tâm thức hiện hữu trong vũ trụ vật chất này.
Có thể có những lực hắc ám, nhưng do biết về mối liên hệ với thiêng liêng, uy lực và tình thương vô biên của thiêng liêng ấy, ta có thể đem ánh sáng và tình thương đó vào bất cứ cõi nào ta sống. Nó gồm luôn cõi vật chất này, những cõi tâm linh thấp hơn, kể luôn cả cõi tối tăm nói trong sách Proof of Heaven. Trong cuộc du hành đã kể của tôi, tôi lướt xuyên qua đó và lên tới những tầng cao hơn với thung lũng diễm ảo, cánh bướm, ban đồng ca thiên thần, với nhiều vẻ mỹ lệ tinh thần mà có đường nét giống như thấy ở thế gian.
Rồi tôi vượt lên trên cao hơn, cao hơn nữa đến tận cùng, vô biên tối đen như mực mà tràn đầy sự thiêng liêng, cái uy lực của tình thương vô điều kiện với khả năng chữa lành của nó, và luôn quầng sáng chói lọi, sáng hơn cả triệu vì sao. Tôi biết điều ấy hoàn toàn nằm ngoài tính nhị nguyên của chúng ta. Nhưng rồi tôi rớt trở lại vào cõi tối tăm. Và trong chuyến đi ấy tôi mau lẹ ý thức tầm quan trọng của âm thanh, âm nhạc, sự rung động, chúng là một phần của công chuyện tôi đang làm với tổ chức Sacred Acoustics, là dùng âm thanh để tăng cường khả năng vượt lên trên của linh hồn. Đó là tại sao việc làm của Sacred Acoustics có liên hệ nhiều với tham thiền và đi vào những trạng thái thiền định sâu xa.
Tất cả những điều ấy dẫn tới ý thức rằng tình thương có sức mạnh vô biên để chữa lành, và trong cuộc du hành tôi thấy đây không phải là trận chiến giữa thiện và ác, nơi chúng ngang hàng và cân bằng nhau, và có thể cái thiện và tình thương sẽ thắng, hay cái ác và sự tối tăm sẽ thắng. Cái ác và sự tối tăm là tình trạng không có cái thiện và ánh sáng ấy. Khi nhớ lại mối liên kết thiêng liêng của ta với sự Hợp Nhất - Oneness, và với năng lực chữa lành vô biên, ta có thể mang ánh sáng và tình thương đó vào bất cứ khía cạnh nào của cõi vật chất và cõi tâm linh thấp.
RS: Ông có thể nói thêm về việc làm của ông với Sacred Acoustics ? Ông có đề nghị gì cho ai muốn biết về tình thương vô điều kiện trong khi còn sống trên trần ?
EB: Bạn không cần phải chết, hay gần chết, mới có được cảm nhận ấy. Là sinh linh có ý thức, bạn có đủ mọi phương tiện cần để đi vào tâm thức tới các chân lý sâu xa hơn. Tôi xin đề nghị tham thiền, cầu nguyện - đôi khi chuyện đến với ta như món quà do lòng tuyệt vọng mang tới vì sự khổ trong đời. Bởi thực ra các gian nan và khổ cực, như bệnh và thương tật, thường khi là món quà đẹp đẽ. Nhờ vậy thỉnh thoảng ta có sự mặc khải về mối liên kết sâu xa của ta với người khác và với thiêng liêng.
Ông Robert Moroe tại Monroe Institute có nhiều kinh nghiệm về việc tự nhiên thoát ra khỏi xác. Ông nghiên cứu hơn 40 năm và nhận ra là ta có thể dùng âm thanh để thực hiện chuyện rất thú vị với tâm thức. Hai năm sau cuộc hôn mê, có người nói rằng không chừng tôi có thể trở lại những cõi đã tới trong lúc hôn mê, mà lần này dùng âm thanh có hai tần số khác nhau cho hai tai. Làm vậy sẽ khiến tân vỏ não không sắp xếp thông tin và cho phép tâm thức thoát ra, y như khi bệnh sưng màng óc tiêu hủy tân vỏ não của tôi. Đây là việc tôi đang làm chung với Sacred Acoustics và bạn có thể đến xem tại trang web sacredacoustics.com
Như đã nói ở trên, tôi tin theo chủ trương của khoa thần kinh học ở thế kỷ 20 là não sinh ra tâm thức. Nó có nghĩa là chuyện chỉ có sinh ra rồi chết đi và không có gì thêm nữa, và không ai trong chúng ta có tự do ý chí, và tâm thức chỉ là ảo ảnh. Cuộc du hành khi bị hôn mê cho tôi thấy tất cả những điều ấy là sai. Khi bắt đầu tìm hiểu nhiều hơn về kinh nghiệm cận tử, cùng tài liệu, sách vở do các nhà thần bí – mystic viết mấy ngàn năm về trước, điều làm tôi chú ý là chúng giống nhau. Tất cả chúng đều qui về một chân lý sâu xa hơn rất nhiều.
Hóa ra là về nhiều mặt phần não ngôn ngữ là kẻ thù của ta trong việc nỗ lực để có hiểu biết sâu xa hơn. Thực ra ta cũng có thể liên lạc bằng những cách sâu xa hơn, chuyện ấy liên quan đến một dạng tâm thức thanh khiết hơn. Ấy là tại sao tôi rất nhiệt tâm với việc tham thiền, và khuyến khích người ta tập thiền hằng ngày. Càng có những buổi nói chuyện về kinh nghiệm của mình, tôi càng được học viên kinh Kabalah của Do Thái giáo, nhà thần bí Thiên Chúa giáo, người Sufi, Phật tử, tín đồ Ấn Độ giáo, và người vô thần có cảm nhận tinh thần hết sức sâu xa, tiếp xúc. Tất cả đều nói về cùng một chuyện.
RS: Có còn gì ông muốn nói thêm ?
EB: Thông điệp cốt tủy của Proof of Heaven là tâm thức là gốc của mọi sự hiện hữu. Tôi nghĩ điểm quan trọng hơn hết của bài học ấy, do biết bao người có kinh nghiệm cận tử và ai có những cuộc du hành tinh thần mang về, là sự kiện chúng ta đều là thực thể tinh thần vĩnh cửu, và sự thực là tâm thức của ta là đường nối trực tiếp với nguồn tình thương sáng tạo vô tận, là tâm điểm trong vạn vật. Và như nhiều người đã có kinh nghiệm này sẽ nói với bạn, tình thương vô điều kiện ấy là sức chữa lành vô biên.
Chuyện quan trọng mà tất cả chúng ta cần nhận biết là chúng ta là thực thể tinh thần vĩnh cửu, là chúng ta tái sinh nhiều lần trên đường đi lên tới sự Hợp Nhất, và chúng ta đều là một phần trong việc này. Tâm thức liên kết chúng ta với nhau, không phải chỉ là con người, không phải chỉ là tất cả sự sống trên trái đất, mà là tất cả sự sống có ý thức trong khắp vũ trụ.
Những va chạm giữa các trường phái về tư tưởng tôn giáo, va chạm giữa khoa học, triết học, tôn giáo và tinh thần, đều là rào ngăn giả tạm liên can với não ngôn ngữ muốn định nghĩa và đặt giới ranh. Trong khi đó chuyện ta phải làm là đi từ trên cao xuống. Ta có thể làm điều ấy bằng cách tìm hiểu tâm thức của ta qua lời kinh cầu nguyện và tham thiền.