BA NGƯỜI LÍNH

 

BA  NGƯỜI  LÍNH

 

Wilfred Brandon
We Know These Men.

 

Giới  Thiệu

 

Những sách của tác giả Wilfred Brandon đã được giới thiệu chung trong bài Điểm Sách trên số 54, nếu không có báo, độc giả có thể vào trang web của PST để xem. Bắt đầu từ số này, PST sẽ cho đăng quyển We Know These Men do Thanh Thiên dịch, nhằm mục đích gia tăng hiểu biết cho chúng ta về cảnh sống sau khi qua đời. Đây là tiếp nối tuyệt diệu cho quyển A Soul's Journey vừa chấm dứt trong số 56, xin đề nghị bạn đọc tham khảo chuyện trên khi cần, bởi nhiều ý trong quyển We Know hoặc được nhắc tới hoặc được khai triển trong quyển A Soul, và ngược lại; chuyện này bổ túc cho chuyện kia rất lý thú.

Trước khi vào chuyện, xin nhắc lại vắn tắt là sách có nguồn gốc lạ lùng với tác giả Brandon đã rời trần hơn 200 năm nay, bốn quyển sách của ông xuất bản được là do sự cộng tác giữa ông ở cõi trung giới và bà Edith Ellis còn sống ở cõi trần. Nhờ bà Edith có thông nhĩ (clairaudience), ông đọc cho bà ghi lại và kết quả là quyển We Know xuất bản năm 1942 giữa thế chiến II; đây là một trong những nỗ lực vào lúc đó hầu giúp ai có thân nhân thiệt mạng trong trận chiến bớt đau khổ, khi ý thức nhiều hơn về việc gì chờ đón các binh sĩ  phải bỏ mình. Cần ghi là Brandon viết chuyện chính yếu cho người Mỹ, tinh thần quốc gia vẫn còn mạnh nơi ông.

........................................

 

Edith Ellis - Người  Biên  Ký.

 

Như thầy và trò, tác giả và phụ tá, Wilfred Brandon và tôi đã hợp tác hơn 10 năm qua, nhưng cuộc sống của tôi và việc làm của tôi không hề chuẩn bị hay báo trước điều này.
Cha tôi là người có tư tưởng phóng khoáng, theo thuyết nhân bản như Robert Ingersoll là người mà ông rất hâm mộ và thường trích lời. Ba không có ý lôi cuốn các con theo khuynh hướng này như ông tin tưởng, hoặc nghịch lại với ý mẹ tôi là theo Anh giáo. Gia đình chúng tôi là gia đình kịch nghệ nên chuyện không tránh được là chúng tôi đi lễ nhà thờ không đều lúc có lúc không. Khi trước mẹ tôi có kinh nghiệm không hay trong một buổi cầu hồn nên bà mạnh mẽ chống đối thuyết Thông Linh học (Spiritualism).
Từ năm 13 tuổi cuộc đời tôi phần lớn liên quan đến sân khấu. Đa số sách tôi đọc là những quyển ba tôi có về kịch. Hồn ma trong kịch Hamlet và bà phù thủy trong kịch Macbeth không có nghĩa gì đối với tôi ngoại trừ như là các vai trong một vở kịch. Hễ rảnh thì tôi theo lớp giáo lý ngày chủ nhật ở nhà thờ, theo đó nhiều chuyện tâm linh trong bài học kinh thánh không làm tôi hiểu biết gì thêm, và ngay cả về sau chúng không gợi tôi liên tưởng đến cách làm việc của người đồng và người theo thuyết Thông Linh học. Thành kiến tôi có với họ là do gia đình truyền lại và hoàn toàn là cảm nghĩ thông thường.
Lúc trưởng thành tôi có nghi vấn về tín điều của giáo hội, và đi theo quan điểm vô thần của ba tôi. Sau đó một người thân trong gia đình qua đời mà bị đau đớn kéo dài làm tôi rúng động. Số mạng như tình cờ xui khiến tôi đến nhà bạn, khám phá những sách vở, tạp chí về tâm linh nói về cảnh giới bên kia và những thí nghiệm tìm cách liên lạc giữa người cõi trần và người đã quá vãng, và tôi tin ngay. Sau đó thần chết viếng thăm trở lại, lần này là nhà tôi ra đi. Cuộc sống bên ngoài của tôi rất bận rộn, tôi không đóng kịch nữa mà chuyên về viết kịch và đạo diễn. Chuyện nhà rồi nghề nghiệp làm tôi không có giờ tìm hiểu hay thắc mắc về điều huyền bí. Tôi đâm ra chú ý tới tâm lý và khoa học về tinh thần, đọc sách về các đề tài này khi có giờ, nhưng phải lo kiếm sống nên không theo đuổi sâu một niềm tin nào.
Tôi thành hội viên của hội Nghiên Cứu Tâm Linh (Society for Psychic Research) chỉ để nhận báo của họ. Trong nhiều năm tôi theo dõi việc làm của hội và của những người khác trên thế giới. Tôi không dự những buổi cầu hồn hay buổi giảng trong hội, mà thích tự mình học hỏi riêng rẽ. Việc con người tiếp tục sống sau khi qua đời đã được chứng minh hoàn toàn, nên điều chỉ cần lúc này là quan sát những hình thức khác nhau của thuật đồng cốt và sự hiện hình, để có thể phân loại ngành khoa học mới mẻ và đang tăng trưởng này. Tôi không phải là một khoa học gia nên chỉ quan tâm đến sự việc một cách tổng quát.
Trong thế chiến thứ nhất tôi là một trong những người không thấy hào hứng, bừng bừng lòng ái quốc hay vinh quang với cuộc tàn sát và phá hoại. Những tít lớn của báo chí là sự kinh hoảng hằng ngày, cho dù tôi không có người thân ngoài mặt trận hay đi lính. Tiết lộ về sự tàn nhẫn của người đối với người làm lương tâm có gánh nặng. Tôi bị yếu sức, hoang mang và tiêu cực. Cuối mùa hè năm 1919, trong lúc ngồi ở máy đánh chữ sửa lại một bản thảo, không hiểu làm sao việc xẩy ra, tôi cầm cây viết chì bắt đầu viết trên tờ giấy nháp bên cạnh. Nét chữ  mạnh bạo, đều đặn, đẹp mà tôi không sao bắt chước được. Đề tài là Sống Còn (Survival). Tôi hiểu chuyện gì xẩy ra và thấy thú vị, luôn cả ngộ nghĩnh. Tôi tiếp tục viết như thế trong hai hay ba ngày. Đột nhiên tôi bắt đầu nghe. Sự việc làm tôi sợ hãi cho dù đã đọc nhiều về đề tài này. Tôi sợ trí não mình đã bị chuyện gì.
Chẳng bao lâu tôi nghe tiếng ba tôi. Ba qua đời hồi tháng 6, 1914, và mẹ tôi mất mười tháng trước đó. Tôi nghe ba gọi tên đặc biệt của tôi, và nhận ra lối đặt câu độc đáo của ba. Rồi ông nội tôi là bác sĩ Thomas Ellis đến, ông mất lúc tôi 12 tuổi. Tôi nhận ra ngay giọng nói Dublin của ông mà nay chỉ còn nhớ lờ mờ. Mẹ tôi cũng nói chuyện với tôi. Ông nội giải thích là vì tôi mở được thông nhĩ, gia đình tôi có đó để bảo vệ không cho các thực thể có thể tìm cách xâm nhập khuấy phá tôi. Nội cũng thêm là đã nhờ được một vị thầy có trí năng mạnh mẽ giúp đỡ, người này sẽ làm chủ sự việc. Khi giọng nói kế vang lên tôi cảm được làn rung động mạnh mẽ. Ấy là ông Brandon. Ông trấn an tôi và nói rằng ông sẽ chăm lo cho tôi trong một khoảng thời gian.
Tất cả những chuyện này xẩy ra vào lúc bất tiện hơn bao giờ hết. Chưa tới một tháng nữa thì tôi phải bắt đầu đạo diễn việc dượt một vở hài kịch mới mà tôi đã soạn. Tôi rời New York đi ra một làng nhỏ ở Long Island để giải quyết chuyện này. Ông Brandon cùng với người phụ tá mà ông gọi là Lady West tiếp xúc với tôi. Thỉnh thoảng tôi nghe trọn cuộc đàm luận giữ hai người với nhau, cũng như vài chữ họ nói với tôi.
Đêm hôm trước khi tôi rời làng để về nhà trở lại, ông Brandon đưa ra những chỉ dẫn cuối cho tôi, là ngưng mọi việc về tự động ký (automatic writing), ngưng dùng thông nhĩ lắng nghe, ngưng hết mọi chuyện, chỉ chuyên tâm vào việc của tôi vì trách nhiệm của tôi quá nặng không cho phép làm gì khác. Chúng tôi chào nhau từ giã và tôi cám ơn ông đã lo cho tôi. Tôi vâng theo những lệnh này sát từng chữ một, tuy từ đó tới giờ đôi khi, như ở một buổi hòa nhạc, đột nhiên có giọng nói của Lady West bình phẩm về một đoạn nhạc làm rung cảm tâm hồn tôi sâu xa. Có lúc tôi nghe vài lời khuyến cáo, lời khuyên hữu ích, và một lần có lời báo trước rồi về sau chuyện xẩy ra y hệt. Chỉ có thế thôi. Cuối cùng, ký ức của tất cả những việc này hóa mờ nhạt làm như không có thật. Trong một cuốn sách của ông, Brandon ghi là trong mười năm từ 1919, tôi được chuẩn bị cho việc làm về sau.
Năm 1930 từ New York tôi đi Hollywood viết kịch bản cho phim. Trong lúc soạn một vở kịch viết cho thế kỷ XVIII, chúng tôi gặp khó khăn trong việc tìm được thư ký ghi lại lời cho kịch bản. Cuối cùng họ gửi cô X đến với chúng tôi, cô có kinh nghiệm, có văn hóa và làm việc đáng phục. Sau vài tháng làm việc chung tôi được biết là không những cô có thông nhãn, thông nhĩ mà còn biết tự động ký rất thông thạo. Cô ngần ngại không muốn ai biết chuyện này, sợ là gây thành kiến cho ai quen biết trong nghề của cô.
Cô X và tôi hoàn toàn xa lạ với nhau, không biết gì về gia cảnh của nhau và không có chung bạn có thể tiết lộ gì về điều này. Vậy mà nhờ khả năng tự động ký của cô, tôi nhận được mẫu tin của ông nội Ellis cũng như là tin của ba mẹ tôi. Tất cả đều chính xác từ chi tiết đến cách thức riêng mỗi người làm tôi không chút nghi ngờ rằng chúng chân thực. Cuối cùng, ông Brandon điều khiển những việc tiếp xúc này. Lời nài xin nhiệt thành của ông là được giúp để gửi cho dân chúng Hoa Kỳ khuyến cáo về hiểm họa của một Thế Chiến khác. Ông nói rằng Âu châu vẫn còn nghĩ đến chiến tranh và muốn có nó.  Thật khó tin là sau thảm kịch 1914 – 1918 với bao đau khổ, mất mát và sự hoài công, lại có chuyện như vậy.
Rồi ông nội tôi hỏi tôi có muốn chịu để cho ông Brandon chỉ dẫn nữa, và học viết tự động ký cho ông ? Đối với tôi đây có vẻ như là cơ hội nguy hiểm. Tình hình kinh tế đang hóa tệ hơn, thế giới kịch nghệ đang thu hẹp, làm sao tôi lo được những trách nhiệm tài chính ? Đó là sự dằng co khó khăn và lâu dài với chính bản thân, nhưng có gì đó trong lòng không cho phép tôi từ chối công tác này. Cuối cùng tôi ưng thuận tuy đòi có lời hứa là phải không bao giờ tôi bị mất quyền làm chủ trí óc mình hay bị làm cho xuất thần. Tôi được hứa chắc và nó được giữ y lời. Từ đó tới nay, luôn luôn tôi có tự do xét đoán, quyết định và làm chủ hành động của chính mình. Tuy Brandon không hề can thiệp vào chuyện riêng của tôi, ông lại rất kỹ lưỡng chăm chút đối với việc làm của riêng ông. Tôi biết ông cũng có thiện chí và tôn trọng đời sống riêng và nghề nghiệp của tôi.
Trước hết tôi phải học để cho trí óc và cơ thể dãn ra thoải mái khi cầm viết chì. Chẳng mấy chốc tôi viết được một chục chữ, nhưng thêm vài chữ nữa và áp lực do rung động trí tuệ mạnh mẽ của ông Brandon vào tuyến trên cùng và bên phải xương sống của tôi lên tới mức không chịu được. Nếu cần bằng cớ là có một cái trí nào khác với tiềm thức của tôi hướng dẫn cây viết chì trong tay tôi, thì bằng cớ đó nằm trong sự đau nhức ở sau cổ của tôi. Tiềm thức của chính một ai không làm họ nhức như  thế.
Nhờ tập luyện mỗi ngày sức đề kháng của tôi mạnh hơn cùng với việc tiếp nhận dễ dàng hơn. Việc tập sự  quả có lâu, nhưng tôi được nhiều hiểu biết và chỉ dạy quí báu. Khi quay về New York, công chuyện của tôi đòi hỏi trọn sự chú ý của tôi, tuy nhiên tôi viết cho ông mỗi tối để thực tập. Ở California phía tây Hoa Kỳ tôi có thông nhĩ trở lại và ông thường xuyên nói chuyện với tôi; nhưng khi về phía đông ở New York và ở London, tôi không nghe được chút nào cả, do sự khác biệt về cường độ của tia actinic từ mặt trời ở các nơi này.
Hai năm trôi qua tôi mới có giờ rảnh để ghi cuốn sách đầu tiên Open the Door ! của ông Wilfred Brandon. Thói quen của tôi là bắt đầu viết lúc 10 giờ đêm ban tối, mỗi lần ghi lại một chương. Thỉnh thoảng tiềm thức của tôi tìm cách thêm vào một câu, khi có chuyện đó, vừa đến lần nghỉ tay kế tiếp cây viết chì sẽ di động và ông Brandon sẽ gạch ngang chữ không phải của ông rồi viết 'Thong thả'. Mỗi chương được đọc cho tôi ghi không chút ngần ngừ, không bôi xoá hay bắt đầu lại, mà cũng không có phương tiện để coi lại bài viết. Khi đọc văn Anh ngữ rõ nghĩa như pha lê và toàn hảo của ông, ta tự hỏi có nhà văn nào như thế nơi cõi trần. Ngoài giờ dành riêng cho việc viết sách, nếu Brandon hiện diện và muốn gửi tin, ông làm tôi chú ý bằng cách hướng làn rung động trí tuệ của ông vào một cơ hay dây thần kinh phía ngoài của lòng bàn tay phải. Nó khiến có sự rung nhẹ như thỉnh thoảng mí mắt nháy, giật.
Không giống như cô X, tôi không phải là người viết tự động ký đúng nghĩa mà ông Brandon gọi tôi là biên ký viên. Tôi thấy và biết chữ khi viết chúng, nhưng ký ức về chúng là gì biến đi vài giây sau. Khi tôi đọc lại nguyên trang nó hoàn toàn mới mẻ đối với tôi. Tôi không hiểu tại sao vậy.
Việc làm này đòi hỏi phần tôi phải hy sinh nhiều điều, và ông Brandon cũng thế; dầu vậy kết quả là tôi nhận được tới mức bây giờ tôi không thể tính cho đủ. Sự sống có được ý nghĩa rộng lớn hơn rất nhiều, và trên hết thẩy tôi quý chuộng cơ hội được trao cho người khác những gì mà cuộc sống nơi cõi trần có nghĩa đối với tôi.

 

Lời  Mở  Đầu

 

Cuộc chiến hiện tại ở Âu Châu (sách viết trong thời thế chiến II) đang đe dọa mau lẹ sẽ lan đến Hoa Kỳ. Đối với mọi người Mỹ chỉ có thể có một điều đáng quan tâm, là làm sao phục vụ hữu hiệu những ai phải đối diện với vấn đề tối hậu, và có thể với sự hy sinh tột cùng. Thế chiến vừa qua đã là một bi kịch cho các cõi tâm thức của bạn (người sống) và của chúng tôi (người bên cõi trung giới). Điều quan trọng là không nên để nó diễn ra trở lại.
Bạn đọc có thể ngạc nhiên khi khám phá rằng tác giả là cư dân cõi trung giới. Dầu vậy, đó là sự thật. Tôi qua đời năm 1781, lúc mười chín tuổi và là lính của thuộc địa Hoa Kỳ. Từ lúc đó tôi vẫn ở trong cõi này, trước tiên tôi học hỏi để có giáo dục sâu rộng và hơn một thế kỷ qua, chỉ dạy các linh hồn khi họ qua cõi trung giới.
Chúng tôi có nỗ lực này nhờ tay của Edith Ellis. Chúng tôi là cộng sự viên thân cận của ông nội bà, Thomas Ellis, ông qua đời lúc bà còn bé. Ông là người đã cho bà bằng chứng về lý lịch của mình hồi năm 1931. Những lần liên lạc này  không phải do tiềm thức của bà, vì trong một khoảng thời gian chúng tôi tiếp xúc với bà qua trung gian một người xa lạ, cho ghi lại lịch sử của dòng họ, tới khi sự nghi ngờ của bà được giải tỏa. Ông Thomas Ellis thuyết phục bà làm việc như là tác nhân cho tôi, với hy vọng trợ lực cho mục tiêu hòa bình thế giới.
Trong khi sinh sống bằng nghề viết kịch, bà đã thuận cho phép tôi viết hai quyển sách đã xuất bản. Người ta có thể nghi ngờ cách truyền đạt hiểu biết như vậy đến cho bạn, nhưng hiện thời không có phương tiện nào khác ngoài cách truyền tư tưởng của con người; chúng tôi – những bậc thầy ở cõi trung giới – có thể dùng thần giao cách cảm với sự hợp tác của người trần.
Từ xưa đến nay luôn luôn có rất nhiều chứng cớ về việc con người tiếp tục sống sau khi chết. Trận thế chiến vừa qua sinh ra việc ưu tiên hàng đầu là sự thật phải được phổ biến một cách rộng rãi. Để tránh hệ quả bi thảm thường chờ đợi cuộc sống sau khi qua đời, chỉ có hai điều cần làm, đầu tiên là sự hiểu biết rằng chúng ta không thể chết, và thứ hai, có ý niệm về cuộc sống sau khi chết là thực sự ra sao.
Tất cả mọi tôn giáo, ngay cả tôn giáo sơ khai nhất, đều có dạy về sự bất tử, nhưng sự hiểu biết về những luật thiên nhiên quản trị điều ấy không được tiết lộ. Cho tới lúc gần đây, việc thiếu hiểu biết của đám đông là điều cần để kềm chế họ nhờ lòng sợ hãi điều không biết. Khoa học đương thời và việc có giáo dục miễn phí làm cho hệ thống kiểm soát này chẳng những không hiệu quả mà còn là một hiểm họa, thay vì là sự trợ lực cho đạo đức trong dân gian và trật tự xã hội.
Chúng tôi đã trình bầy trong hai quyển trước, Open the Door !Incarnation, hệ quả của việc đẩy thanh niên vào trận chiến mà không hiểu cách dùng trí năng để tự bảo vệ mình trước và sau khi bỏ xác. Điều này phải không được xẩy ra nữa. Trong những chương tiếp đây, tôi chọn để trình bầy sự thực bằng cách mô tả kinh nghiệm của các nhân vật, qua lời nói và hành động của một đơn vị binh sĩ Hoa Kỳ ngoài mặt trận hồi thế chiến thứ nhất.
Khi xưa, lúc ở trong một nhóm linh hồn những huấn sư tình nguyện sang Pháp để tiếp dẫn linh hồn của binh sĩ Hoa Kỳ chúng ta bị tử trận năm 1918, công tác khiến tôi cảm được ý nghĩ sâu kín trong lòng của quân lính chúng ta ngoài tiền tuyến ở Pháp, cả người sống sót lẫn ai tử trận được giao cho chúng tôi chăm lo.
Những sự việc, nhân vật, cuộc chuyện trò và kinh nghiệm của họ tất cả đều rất thật. Tôi lắng nghe những người lính này khi họ sống ngày đêm trong hầm trú ẩn, phòng ăn, giao thông hào và trên bãi chiến trường. Chúng tôi biết họ rành hơn bất cứ người trần nào có thể biết được, vì chúng tôi thấy được tư tưởng của họ cũng như là lời họ thốt ra. Chúng tôi biết những người lính này sau khi chết và cách họ còn những ham muốn như khi còn sống. Chúng tôi cũng biết các thương bệnh binh trong quân y viện của bạn, thương binh ở ngoài bệnh viện và những người tuy thân xác lành lặn nhưng tính chất và trí não không bao giờ còn được như cũ. Chúng tôi cũng biết những phụ nữ mà các binh sĩ này thương yêu, và họ cũng yêu mến các anh, dù sống hay chết.
Chúng tôi không viết xuống điều gì không hề xẩy ra trừ ba trang chót của sách (chương 65). Chúng tôi xếp đặt cho ở chung một đơn vị những người lính mà chuyện kể lại kinh nghiệm của họ, vì cách ấy có thể gây ấn tượng sống động cho độc giả nói chung hơn  là lời giải thích khoa học và theo thứ tự trước sau về cõi trung giới. Chúng tôi chỉ mong ước cho thấy cảnh sống mà con người có được khi thoát khỏi xác thân vật chất bó buộc. Ở cõi này chúng ta vẫn là con người với mọi tình cảm và dục vọng của người, và chúng ta cũng có những quyền năng mà khi sử dụng đúng đắn, có thể làm cho cuộc sống nơi đây thỏa lòng và hữu dụng.
Mục đích của tôi là trang bị cho dân tộc chúng ta hiểu biết tối cần để phòng vệ cho họ. Chính phủ không thể cho họ dụng cụ này cùng với quân trang, vũ khí, súng đạn và trại gia binh vì lý do hiển nhiên. Phòng vệ đất nước của mình chống lại một nước trộm cắp thì không ai chỉ trích, nhưng chúng tôi hy vọng là không công dân nào sẽ được gửi ra chiến trận mà không có thông tin cho phép họ giữ gìn trí não toàn vẹn, và dùng khả năng của nó cho mình. Thiếu hiểu biết về luật gây ra tai hại ở mọi cảnh giới.
Chúng tôi chỉ tin rằng chiến tranh giai cấp, chủng tộc, tôn giáo và sự  ngự  trị của lòng tham, hám quyền, và việc làm ngơ không màng đến nhân quyền sẽ nhường bước cho một thế giới lành mạnh hơn và khoan hòa hơn, nếu ai ai cũng hiểu rằng người sống và người chết cùng thuộc chung một sự sống.

Wilfred Brandon.
New York
Xuân, 1941.

.....................................................

 

Chương  I

Làm  Sao  Chúng  Tôi  Biết  Họ.

 

Sự khích động ở cảnh sống của chúng tôi cũng lớn gần như ở cõi của bạn khi Hoa Kỳ tham chiến năm 1917. Khi ấy chúng tôi biết là mỗi ai trong chúng tôi sử dụng giỏi dang năng lực trí tuệ phải ghi tên dự cuộc. Nếu binh lính chúng ta sẽ chiến đấu tại Pháp thì phải có những linh hồn để tiếp dẫn người chết của ta. Chúng tôi nhất quyết rằng không một linh hồn người lính Hoa Kỳ nào bị bỏ rơi, phải sống đời bên kia cửa tử giữa những ai xa lạ với họ.
Chúng tôi đi theo tầu chở binh lính của ta. Chúng tôi nhận lệnh của một trong các linh hồn bậc thầy, có văn phòng làm việc ở bộ tư lệnh quân đội Hoa Kỳ tại Âu Châu. Chúng tôi được giao nhiệm sở là những vùng của quân đội Hoa Kỳ. Ở trạm của tôi với tôi nắm quyền điều khiển, có hai mươi linh hồn huấn sư cùng làm việc với tôi. Vì chúng tôi không có phương tiện vật chất nên danh hiệu và cấp bậc Huấn sư (Master) chỉ về việc làm chủ trí năng, ý chí và tình cảm. Trong những chương tiếp theo đây mỗi phần việc của tôi được cho một tên khác nhau, và để tránh cho gia đình cùng thân hữu của họ, ai – nam và nữ trong sách – có chuyện của họ được thuật lại sẽ mang tên giả.
Làm sao chúng tôi biết cặn kẽ những người đàn ông này?
Chúng tôi ở chung với họ trong hầm trú ẩn và giao thông hào, trong nhà ăn, ngoài chiến trường và sau trận đánh. Chúng tôi nghe họ trò chuyện, và nhờ thần giao cách cảm biết được ý nghĩ triền miên của họ. Muốn giúp đỡ các linh hồn,  chuyện cần là hiểu họ theo cách này, y như bác sĩ và tâm lý gia phải biết về bệnh nhân của họ.
Chuyện của bẩy binh nhì tay mơ này là ký ức sống động đối với tôi. Họ tượng trưng cho một tiểu vũ trụ những tâm tình, sự dân chủ về cấp bậc, chỉ có quân phục là giống nhau còn thì không ai giống ai. Tính tới nay đơn vị của họ được may mắn. Chỉ có ba người thiệt mạng và hai người phải nằm nhà thương. Đa số quân nhân nói về tình trạng vật chất mà họ đang phải sống. Để giữ lòng hăng say họ dùng cách nhiều nhất là nói đùa, nhưng tư tưởng của họ phần lớn chỉ có hai điều chính – cuộc chiến và đàn bà.
Tôi sẽ giới thiệu lần lượt từng người lính một.

 

Brainard.

Gordon Brainard là người chỉ huy đơn vị, và là thanh niên Hoa Kỳ gương mẫu. Sau khi xong đại học anh tới làm việc ngay cho một tờ báo nổi tiếng. Ba lần lên lương và có quyền uy ở tuổi 26 cho anh một chỗ đứng vững chãi trong đời. Anh không tình nguyện đăng lính, không thấy có bổn phận chiến đấu trong một trận chiến ở Âu châu. Anh chấp nhận việc động viên  một cách chịu đựng, nghĩ rằng bất cứ người Mỹ tử tế nào cũng sẵn lòng làm phần việc của mình trong 'Trận chiến để chấm dứt Chiến tranh' này. Được lên chức là chuyện dễ, nhưng anh không có tham vọng về binh nghiệp. Anh bị thương nhẹ ở vai nhưng chẳng mấy chốc sẽ ra tác chiến như cũ.
Lúc nào rảnh là anh nghĩ ngay đến cô gái mà anh đã đính ước trước khi xong đại học. Ý nghĩ ám ảnh anh luôn là phải chi anh để dành tiền thay vì chơi bài với tiền cọc cao, hẳn hai người đã có thể thành hôn rồi. Tật cờ bạc, mà không phải chính việc chơi để giải trí, đã cám dỗ anh. Từ khi sang miền đông anh đã có ba, bốn cuộc tình nhưng chúng không để lại vấn vương nào cả. Carol Carlisle vẫn là người tình lý tưởng để làm bạn đời của anh. Qua bao năm tháng nàng vẫn chung thủy với anh, anh biết nàng là người như thế –  tính tình có hơi xưa một chút.
Bây giờ nàng là điều dưỡng viên tại một bệnh viện ở căn cứ; khi đại đội của anh được nghỉ phép anh đã tìm cách gặp nàng. Carol lấy một giờ nghỉ rồi hai người đi tản bộ, âu yếm ôm nhau đôi lần, bầy tỏ tình yêu với nhau. Nàng lúc nào cũng tươi cười, vui vẻ để cả hai thoải mái, còn anh thì sau khi chia tay, lúc trở về sẽ tự trách mình là đã không xứng với nàng. Đôi mắt mệt mỏi của nàng sẽ ám ảnh anh luôn. Carol ốm hơn nhiều dù rằng vẫn yêu kiều, uyển chuyển đi lại với sự duyên dáng như con chim mà anh đã biết. Anh lo lắng về nàng. Anh hẳn có thể tránh cho nàng những công việc đáng sợ này, nàng không phải sinh ra để làm những chuyện như vậy. Và trí óc anh cứ miên man suy nghĩ mấy điều này. Trước khi chìm vào giấc ngủ anh nhớ tới Carol trong trí, hy vọng sẽ gặp nàng trong giấc chiêm bao.
Brainard đã bỏ hết giáo lý nghe từ lúc nhỏ. Cuộc đời đối với anh chỉ là khoảng thời gian từ sinh đến tử. Luật lệ thật rõ ràng – sống hợp theo luật của thiên nhiên và của người. Có thân thể mạnh khỏe, trí não bình thường, học lực trung bình, có trái tim biết thương yêu, có ý muốn làm việc. Còn đòi hỏi gì hơn nữa ? Còn cần gì hơn kia chứ ? Nhưng nếu có viên đạn nào cắt đứt đời mình, thì – chịu vậy thôi.

 

 

Cummings

 

 Người đẹp trai nhất trong bọn, dáng dấp cao lớn, da sậm, lãng mạn là Dent Cummings. Anh giỏi chiến trận, anh chịu được kỷ luật cho dù anh có học nhiều hơn người ra lệnh cho anh. Thần kinh anh chưa đủ mạnh để chấp nhận việc lụi lưỡi lê; anh bị nôn mửa rồi ngã bệnh sau đó.
Khi có lệnh động viên anh có thể nhờ bạn hữu tìm cho mình một chân trong văn phòng, hay một chức vụ an toàn  hơn ở hậu tuyến, nhưng anh không đành lòng dành giật một cơ hội mà người khác không thể có được. Lúc ra trận anh bị thương ở đùi nhưng chẳng bao lâu đã quay về đơn vị của mình. Luôn luôn là kẻ đứng ngoài nhìn đời, anh đọc được ý nghĩ không lời của ai chung quanh, và lắng nghe cuộc đối thoại thú vị của họ. Trong khi họ giận dữ rủa bụi đất, chấy rận, chuột bọ, sự hôi hám, ẩm ướt  trong chiến hào, Cummings chỉ lặng thinh chịu đựng.
Cô độc trong đời, với lợi tức nhỏ từ gia tài của ba mẹ để lại, cộng thêm với tiền lương của mình khiến anh có đủ mọi điều mong muốn. Anh từ chối không chịu làm việc quần quật như tôi mọi để tạo nên sản nghiệp lớn. Nếu anh có nghề nghiệp gì thì nó là nghề bị xã hội lên án là không xứng đáng trên đất Mỹ – tức là người phong lưu kín đáo.
Anh ẻo lả hơn ai hết, nhưng có vẻ là không có bóng hồng nào trong tâm trí anh. Anh không nhắc tới cô nào, không có hình của ai trong ví, và xé bỏ phần lớn thư từ của mình. Bạn đồng đội ngạc nhiên về tính 'không biết tới đàn bà' của anh chàng từng sống trong thế giới đầy những cô gái khôn khéo, xinh đẹp. Chỉ riêng anh mới có chìa khóa cho bí ẩn này. Anh thương yêu một thiếu phụ nhưng cô lại là vợ của một người khác, và người này chẳng những là bạn mà còn là chủ nhân của anh. Cô là tất cả những gì anh mong muốn từ hồi nào đến giờ. Nhưng anh không nói ra, sợ làm phá hủy sự bình an của gia đình họ. Đó chẳng phải vì Cummings có đạo đức gì hơn ai. Doris Fuller đã giúp chồng thành nhà xuất bản thành công, nhờ nàng có khiếu nhìn ra được ai có tài năng; cách xử sự đúng đắn phải là yên lặng thôi.
Anh nghiên cứu về sử học, Cummings biết việc gì dẫn đến chiến tranh và việc gì sẽ chấm dứt nó. Anh cảm thấy nhiều nhất là sự ngao ngán về cuộc chiến này.

 

Flanagan

Nhỏ người mà dẻo dai, Flanagan chiến đấu dữ dội khi đánh xáp lá cà; làm như anh trở nên điên dại. Bạn đồng đội thắc mắc là làm sao anh chàng thư ký ở nhà thuốc tây lại có tính như thế. Giống như đa số binh lính trong lực lượng Hoa Kỳ tham chiến tại Âu châu, khi đặt chân tới đất này anh thấy có tự ti mặc cảm. Lúc còn trong nước ai cũng khen ngợi và cho rằng họ là lính giỏi. Những lính Pháp đã lăn lộn lâu ngoài chiến trường thì lại khác hẳn; nhưng người Mỹ muốn tỏ cho đồng minh thấy là họ cũng là tay cừ. Chẳng bao lâu ý muốn này biến mất và họ chỉ còn lại quyết tâm là đánh trận cho xong rồi đi về. Flanagan cũng nghĩ thế.
Anh nghĩ chiến tranh đã biến đời anh 'thành chuyện rối nùi’. Không phải vì anh thích công việc của mình hay thấy nó đáng giá. Tuy nhiên, anh đang tính chuyện lập gia đình với một cô gái đàng hoàng, hiền lành; nếu cô cũng đi làm thì chung với nhau hai người có thể lập một tiểu gia đình ấm cúng. Anh chẳng để ý gì đến mấy cô vào tiệm đùa nghịch với anh, nhưng rồi Molly Burke xuất hiện. Cô ngồi ăn trưa ở bàn cạnh máy bán nước ngọt, xong tới quầy của anh mua thuốc hút. Chuyện bắt đầu là vậy. Họ chờ một năm rồi mới tính chuyện thành hôn.
Anh cứ ôn lại tới lui chuyện cũ trong đầu. Vừa vào hố cá nhân là trí anh đã quay về nhà thuốc tây và Molly. Làm như nó che chở anh đối với cơn ác mộng mà anh đang sống. Anh nhớ lại những buổi đi dạo ngày chủ nhật với Molly, đi xem phim buổi tối, và đi thuyền chơi ngày chủ nhật quanh New York. Và chủ nhật hôm ấy tại Vương cung thánh đường, Molly thật khả ái và thành kính làm mạnh thêm đức tin thuở nhỏ của anh. Rồi Molly khiêu vũ. Nàng khiêu vũ thật tuyệt vời. Khi trở về, anh phải tập khiêu vũ cho hay hơn; anh tự bảo mình, mới hăm sáu thì không có lý nào nhẩy loạng chạng được.
Flanagan không nhập bọn với ai; anh không có bạn thân. Các bạn đồng đội để ý thấy dường như anh chẳng bao giờ cười, trừ phi đọc thư của người yêu. Flanagan ít khi uống rượu, ngoại trừ lúc xáp trận hoặc sau một ngày xui xẻo. Anh chàng nhỏ con này được kính trọng trong đơn vị tuy anh không hề thố lộ tâm tình với ai. Thần kinh anh yếu và anh biết vậy. Cách xả hơi và thú tiêu khiển duy nhất của anh là ngủ. Anh sẽ nằm dài trong hố cá nhân và, với chuỗi tràng hạt trong mền, cầu nguyện, làm vậy để mong thần kinh bớt căng thẳng.

 

Hanson

Lớn tuổi nhất và cao nhất bọn, anh chàng vạm vỡ người Mỹ gốc Thụy Điển này là kẻ khó chịu trong đơn vị – nói dối, khoe khoang, và hay bắt nạt nếu làm được. Anh từng là thợ sơn nhà, thủy thủ, người khuân vác bến tầu, và bị vô gia cư mấy lúc lâu. Đối với mọi người anh là kẻ quấy rầy đáng ghét ngoại trừ người bạn thân là chàng Rosenberg bé người, hay cho anh mượn tiền nhưng hiếm khi được anh trả lại. Với Hanson, Hoa Kỳ chỉ là nơi tình cờ anh sinh ra mà thôi. Cha mẹ anh chỉ nói được chút ít tiếng Anh. Về chính trị anh thuộc phái cấp tiến tuy anh lười biếng không màng đến chủ thuyết của họ, trừ điều kêu gọi chia sẻ tài sản, đây là điều anh nhiệt thành tán tụng.
Anh không hề mong ước thành chiến sĩ nổi danh, anh tìm cách càng ít lâm trận càng tốt, và khi có đánh nhau thì rất giỏi trong việc tìm chỗ nấp thân hình to lớn dềnh dàng của mình. Khi im tiếng súng thì anh thò đầu ra, bắn cho tới hết gắp đạn ở thắt lưng, làm như anh chiến đấu cật lực từ đầu trận đến giờ. Anh hết sức bực bội với cuộc chiến, nhất là với thực phẩm. Anh giỏi dang trong việc đi lùng cái ăn, và nốc cho tới say mèm bất cứ khi nào tìm được rượu để uống.
Với phụ nữ, Hanson tự cho anh là người phụ nữ thích để ý tới. Những năm tháng có tình duyên lận đận, hai cuộc hôn nhân, năm đứa con, chưa làm giảm sự nóng bỏng trong lòng. Vậy mà anh vẫn chê bai dữ dội hôn nhân. Anh tuyên bố đàn bà đã phá hoại đời anh, đầu tiên là chiếm đoạt anh để thỏa lòng ác độc của họ, rồi không ngần ngại cột chân anh với con cái. Anh rủn xả là đàn bà không biết gì đến trách nhiệm.
Hanson nghiền ngẫm một kế hoạch để qua mặt cuộc chiến này. Cuối cùng anh quyết định là phải giả như mình bị sốc. Anh đã chứng kiến nhiều người bị vậy và biết triệu chứng của bệnh. Ý định của anh là sau đó sẽ đi Paris để 'say túy lúy càn khôn'. Anh hay kể điều này cho Rosenberg nghe, và dường như kẻ sau tin rằng thằng bạn to con của mình có thể làm được việc ấy.

 

Rosenberg

Nhỏ con nhất trong đơn vị, lôi thôi bề bộn, Rosenbeg có tính thân thiện nên lấy lòng được mọi người và họ tỏ ra khoan hòa đối với anh. Giống như Hanson anh không có tính giả dối, do không có mong ước thành anh hùng hoặc thánh tử đạo. Không giống như bạn thân của mình anh không màng đến rượu chè, và tuy Hanson luôn làm anh thích thú và vui vẻ, Rosenberg không lên án hôn nhân như chàng khổng lồ. Anh lớn lên ở vùng phía đông New York, là con út trong nhà tám đứa con, anh biết tình thân gia đình có sức mạnh và sự an ủi ra sao.
Anh sống trong mộng để khuây khỏa tâm hồn trong cuộc chiến. Luôn luôn anh mơ tưởng được trở lại bàn máy ủi quần. Trên lý thuyết anh đồng lòng đả kích chế độ tư bản như Hanson, tuy anh hy vọng  rồi ra mình sẽ trở thành nhà tư bản, có cửa hàng riêng của mình. Ước mơ lớn nhất của anh là ngày kia có được cô tình nhân tóc vàng theo đạo Thiên Chúa, người có tính tình dễ thương như anh. Sau một thời gian dài hạnh phúc anh sẽ tìm một cô Do Thái tốt bụng và thành hôn với cô. Món tiền hồi môn của cô có thể dùng làm vốn cho cửa tiệm riêng của anh, có kẻ chữ 'Morris Rosenberg' trên cửa sổ. Họ sẽ có con với nhau để vui vầy khi tuổi về già.
Tính ghét chiến tranh của anh là do thừa hưởng mà có, và vào lính chẳng làm giảm bớt tính này. Óc tưởng tượng sống động làm anh không có lòng háo hức của người yêu nước. Tuy Rosenberg không có kinh nghiệm gì về Hoa Kỳ ngoài New York và vùng phụ cận, anh cảm thấy là tương lai dân tộc anh nằm ở đó. Anh có đầy nhiệt tình với Chú Sam.

 

Potter

Potter là nhân viên văn phòng, trông già hơn số tuổi 37 của mình. Anh theo học một lớp kế toán ở trường thương nghiệp và nhờ đó được một chân trong hãng sau này từ quận nhỏ mà anh sinh ra dọn lên New York. Với số lương ít ỏi của anh và cô em gái làm cô giáo, hai người nuôi dưỡng bố mẹ. Hôn nhân và tổ uyên ương từ lâu không thành vấn đề cho anh nữa.
Tuy vậy, từ năm năm nay Potter đã yêu. Say đắm ! Lãng mạn ! Với cô gái đẹp nhất trên đời, nữ tài tử nổi tiếng nhất trên màn bạc. Lúc nào anh cũng có tấm hình của cô gái này trong người, và viết liên tục không ngừng những bức thư tình cho cô. Rồi anh xé bỏ những lá thư này, vì biết thư của những kẻ ái mộ cô phải nhiều vô số kể. Anh dùng tôn giáo để được an ủi và để quên đời, nên tin chắc là với sự Công Minh Thiêng Liêng, sau cõi đời này hẳn cô sẽ biết chỉ có mình anh trong số bao đàn ông con trai trên trái đất này xứng đáng với tình yêu của cô, và cô sẽ ban phát tình thương cho anh nơi cõi thiên đàng.
Lẽ ra Potter không nên đi lính với tuổi già như vầy. Thiếu ăn, quen ngồi một chỗ, chút xíu nữa là anh thiệt mạng lúc ở trại huấn luyện. Bây giờ anh ước phải chi mình theo lương tâm phản đối nhập ngũ, để họ đưa anh vào nhà tù liên bang, hồi đó anh sợ vậy. Ngoài ra, anh tự thú trong đầu là thích mặc quân phục, đi theo nhịp quân hành, tin là người ta cũng ái mộ, hoan hô, xem anh là thần tượng. Nếu nhờ phép lạ nào mà cô biết được về anh, hẳn cô sẽ ái mộ anh hơn nữa.
Anh không có bụng dạ nào đánh cận chiến. Lẽ ra người ta không nên xếp anh vào bộ binh. Tư tưởng duy nhất anh có khi ra trận là lời răn 'Con Không Được Sát Nhân', và anh luôn luôn nhắm bắn tuốt trên cao để đạn không trúng ai. Ngày đêm anh cầu nguyện trong giấc ngủ như người Thiên Chúa giáo. Trên hết thẩy, anh nói tới lui với chính mình, anh phải không đánh mất đức tin bằng không sẽ mất tất cả. Anh cầu cho có thêm niềm tin – rồi cái chết – rơi vào giấc ngủ – và – chờ đợi nàng.

 

Goertsch

Trẻ nhất trong đơn vị, chỉ mới 21 tuổi, Chris Goertsch thích nghề lính. Anh thấy nhẹ người khỏi phải đi giao sữa mỗi buổi sáng sớm, thấy đó là sự thay đổi tốt đẹp so với đường phố vắng tanh, cô đơn, nhà cửa mờ tối và khu gia cư mà anh giao hàng, trong khi kẻ khác vui chơi ở thành phố về đêm. Anh không hề sợ hãi và tin chắc là không có viên đạn hay quả bom nào đụng được tới anh. Đối với anh lỗ đạn ở tay áo được coi như là dấu hiệu may mắn trong đời. Làm như anh cũng không hề hấn gì với việc dùng lưỡi lê đánh cận chiến. Cấp trên thích anh nhất trong bọn. Goertsch chấp hành lệnh, luôn luôn chịu làm việc và mạnh như chú bò tơ.
Brainard thích anh, ngay cả thán phục phần nào. Cummings thì xem anh chỉ là khối thịt năng động. Rosenberg ganh tị việc anh thành công với phái nữ, ấy là chuyện chưa có trước đây trong đơn vị tuy lắm lúc Rosenberg tự hỏi thằng con trai nghèo, vô học có gì đặc biệt ngoại trừ mặt mũi bảnh trai, trẻ trung và hàm răng trắng chắc. Có phải đó là nhờ hắn có thể giết quân địch và thích chuyện ấy ?
Không phải là Goertsch ngu dại. Anh biết thảm kịch xẩy ra chung quanh mình, nguy hiểm thường xuyên, sự đau khổ. Anh chỉ giản dị tin là mình không thể bị trúng đạn và ưa thích cuộc tranh chấp này. Nếu có tính háo chiến hẳn anh sẽ thành công. Chỉ khi vào đời lính anh mới khám phá ra phụ nữ và sức thu hút của anh với họ. Anh nhận ra là các cô mà anh gặp trong thời gian huấn luyện và nay ở Pháp,  thường là không có gì nổi bật nhưng anh thích khiêu vũ và vui vẻ chi tiền ra cho người kéo đàn.

 (còn tiếp)

Xem trọn bộ Ba Người Lính

 

leaf1leaf1egyptgeesleaf1