VÒNG TÁI SINH

CHƯƠNG  4

HY LẠP

 

Về kiếp sống ở Hy Lạp, tôi chỉ ghi lại những nét tóm tắt. Kỳ này tôi cũng mang thân xác nữ, nhưng không còn phản kháng định mạng, và sau cùng đã hiểu cách sử dụng những lực tinh tế có trong người đàn bà. Lần này tôi chấp nhận phần số của mình và tìm cách ứng dụng quyền năng của nữ phái.
Nhưng ở Ba Tư, ngay cả khi phải chịu những éo le của đời phụ nữ, tôi cũng từ chối không tuân theo luật thiên nhiên để tìm vui với người đồng phái, chọn nhân tình trong đám nô tì. Làm vậy, tôi đã cố tình bẻ ngược cái dòng sống chảy qua cơ thể phái nữ, và do sự lạm dụng đó, đã làm mạnh mẽ thêm khía cạnh nhục thể và vật chất của tình dục, đến nỗi khi tái sinh ở Hy Lạp, tôi bị tình dục chế ngự và ám ảnh tới mức khác thường.
Thành ra, ngay khi là thiếu nữ trẻ tuổi, đời tôi bị dằn vặt bởi dục vọng mà tôi không hiểu cũng không làm thỏa mãn được. Tôi cứng đầu, hay thay đổi tính khí, thiết tha ham sống, khao khát kinh nghiệm ở đời về cả trí  thức lẫn mỹ lệ. Cái nhìn của tôi bị nhuộm mầu bởi quy ước xã hội và nơi tôi sống, cho nên óc tôi quay sang đàn ông, coi họ là phương tiện duy nhất qua đó tôi thực hiện được ước vọng của mình.
Mà có rất ít cơ hội làm bạn với nam giới cho một cô gái trung lưu ở Athens. Tôi lớn lên trong khuôn viên dành cho phụ nữ, được dạy hết những thuật cần ích để trở thành người vợ đảm và mẹ hiền. Nhưng trong lòng ngay hồi còn rất nhỏ, tôi không bao giờ chấp nhận kiếp sống chán phèo ấy, vì cùng với nỗi ham muốn về tình dục, tôi lại rất lãng mạn, đầy lý tưởng. Về một mặt tôi mơ tưởng việc cai trị đàn ông - vì lòng thèm muốn quyền lực của tôi không thể được thỏa mãn bằng đường lối nào khác- , về mặt khác tôi ước ao có người tình lý tưởng và tuyệt vời, có thể mở mọi cánh cửa, cho tôi sự hòa hợp và toàn hảo mà linh hồn tôi khát khao.
Người ta nói rằng trước khi sinh ai cũng được cho thấy trong khoảnh khắc những gì định trước trong kiếp tương lai. Nếu vậy, tôi đã giữ một ký ức sống động hơn người thường về điều gì tương lai dành cho tôi, vì tư tưởng cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, lập gia đình với một thanh niên đẹp trai, nhà giầu - mà tôi chưa hề biết mặt -, do cha mẹ lựa làm tôi rất bực bội.
Trước khi đến tuổi thành hôn tôi đã yêu thương say đắm, gặp gỡ lén lút. Tôi tưởng qua gã đàn ông này tôi đã tìm được người lý tưởng. Cho dù có nhiều nguy hiểm, tôi bỏ nhà trốn đi với hắn tuy cha mẹ tôi đã dàn xếp một đám xứng đôi vừa lứa. Từ Athens chúng tôi chạy xuống Sybaris, chỗ đó luật dễ dãi hơn, cũng như địa vị đàn bà được coi trọng hơn. Nhưng chẳng bao lâu tôi nhận ra là người này không thỏa mãn được tôi; vẫn theo đuổi giấc mộng của mình, tôi bỏ hắn đi với người khác. Cuộc chinh phục tiếp diễn, tôi bị một ý niệm mơ hồ về sự toàn hảo giục giã, cũng như bị một ý niệm không mơ hồ chút nào về ham muốn nhục dục thúc đẩy. Tôi thay đổi nhân tình luôn, với kết quả không tránh được là chẳng mấy chốc, do việc buông thả mọi trói buộc, cái mầm xấu bây lâu im ngủ bắt đầu tỏ lộ. Tôi chẳng còn dùng thân xác chỉ vì tình yêu, bởi tôi khám phá mau lẹ là cơ thể tôi đáng giá ngàn vàng, nữ trang quí báu và bao nô lệ, mọi biểu tượng của uy quyền; tham lam trở thành nỗi đam mê chính của tôi, tham nhục dục, thèm muốn của cải vật chất.
Tôi quay về Athens, và trong vài năm trở nên gái làng chơi thượng hạng. Tôi đầy tham vọng, chẳng bao lâu tôi tụ tập quanh mình một nhóm nhỏ gồm những khách giầu có, thông minh lỗi lạc và tài hoa số một của Athens.
Nhưng cho dù thành công, trong lòng tôi vẫn thấy có gì thiếu sót ở đời. Tôi cố gắng quên mơ ước của mình nhưng nó cứ ám ảnh mãi, chẳng bao lâu tôi biết không sở hữu vật quý giá như thế nào, hiểu biết uyên thâm tới đâu, hay nhân tình nồng nàn bao nhiêu, có thể thỏa mãn sự đòi hỏi không phải chỉ thuộc về nhục thể mà thôi.
Một hôm có khách giầu mở tiệc.
Đã hơn nửa tiệc, đa số khách ngà ngà say. Lẽ tự nhiên không có phụ nữ nào hiện diện, chỉ có vài gái làng chơi, nhạc công thổi sáo và vũ nữ. Sảnh đường bừa bãi, sàn vất đầy hoa và y phục. Tôi nằm trên ngực nhân tình mới nhất, nhưng không muốn âu yếm vuốt ve. Tôi chưa say như những người khác và một viễn ảnh kỳ lạ chợt diễn trong đầu. Tôi thấy mình chán chường trước cảnh bạn bè say sưa. Tôi khinh bỉ nhìn mặt nhân tình đỏ au, lấm tấm mồ hôi, miệng há hốc, vòng hoa hồng vắt kỳ cục ngang một bên mắt.. Thế rồi một nhóm khách từ đám tiệc khác đi vào. Tôi ơ hờ nhìn họ bỗng tia mắt dừng lại nơi một người trong bọn tôi chưa gặp bao giờ. Hắn còn trẻ, dễ coi nhưng ngoài ra không có gì đáng chú ý.
Khi tôi chống tay nhỏm dậy để nhìn kỹ hơn, hắn quay lại và mắt chúng tôi gặp nhau. Không ai nhúc nhích, chúng tôi ngó nhau một phút mà như dài trăm năm với tôi. Tôi không biết điều gì xẩy ra, nhưng y như có ngọn lửa vừa trong tim hắn vọt qua tim tôi. Tôi trở nên một người đàn bà khác. Tôi nhìn mình và sự vật chung quanh với con mắt khác hẳn, đột nhiên thấy xấu hổ và kinh sợ. Bàng hoàng không biết mình làm gì, tôi mau lẹ kéo lại áo xống, gỡ tay nhân tình và đứng dậy. Tôi thấy khách lạ nói với người bạn và tưởng như nghe tên tôi. Ý tôi lúc đó là muốn chạy trốn thật xa, trốn cái gì tôi không biết. Đi len lỏi qua bọn khách gục lên gục xuống vì rượu, không liếc nhìn về phía hắn, tôi ra cửa gọi nô lệ mang kiệu đến lập tức. Tôi chờ ở cửa, dựa vào cột, mệt mỏi vì xúc động, run rẩy hoang mang.
Đúng là tiếng sét ái tình, là tình yêu thực sự. Dù trời nóng, tôi lấy khăn choàng đầu và rùng mình. Trời đen như nhung có vài ánh sao lấp lánh, không khí nặng nề hương hoa, đâu đây có tiếng chim khuyên hót. Đêm của tình nhân ... Ô, sao bọn nô lệ lâu quá vậy ?
Tôi nghe có tiếng đi sau lưng và hốt hoảng nhìn quanh như con thú bị săn đuổi. Tôi điên ư ? Làm sao chỉ mới nhìn một người tôi bỗng hóa e lệ, thẹn thùng như con gái mười sáu ?
Một giọng nói êm nhẹ cất lên.
– Chloris, hắn nói, xin cô nán lại vài phút, cho phép tôi hầu chuyện. Tôi là Serretes, điêu khắc gia, trọn cả đời tôi đi tìm người mẫu cho tác phẩm đời mình là tượng thần Aphrodite (Venus) đang trồi lên mặt biển. Tôi đã đi Ai Cập, Ba Tư, ra đảo, mà chưa tìm được nàng. Bây giờ đến Athens và mắt tôi chợt bắt được hình ảnh tuyệt thế. Cô là nàng, người mẫu mà tôi hằng kiếm trong mơ. Tôi xin cô, mong cô nhận làm người mẫu. Giọng hắn run run.
Tôi không dám nhìn quanh. Vòng hoa đổng thảo (violets) trên đầu hắn tỏa hương làm tôi choáng váng. Bị cảm xúc quá độ bởi sự xấu hổ và kinh tởm, tôi hốt hoảng không biết gì khác. Lúc ấy kiệu tới. Không một lời tôi bước lên và kéo rèm ngay trước mũi hắn, rồi vật mình trên gối tôi khóc òa. Tôi đã mất hắn. Tôi không biết điều gì khiến tôi trốn chạy như ma đuổi. Trọn đường về tôi nức nở. Khi kiệu ngưng trước nhà tôi lảo đảo bước ra. Vừa lúc đó một bóng từ màn đêm xuất hiện. Chính hắn.
– Tôi đi theo cô, hắn nói. Tôi không có cách nào khác. Chắc cô khinh tôi, đúng là tôi nghèo và chưa có danh vọng. Cô lại rất nổi tiếng, nhân tình cô toàn là người giầu nhất Athens, tôi không thể đền công cô bằng vàng ngọc, nô lệ, nhưng tôi làm được hơn thế.
Giọng hắn to và tôi rung động vì sự quyết chí và sức mạnh của hắn.
– Tôi sẽ làm điều họ không thể làm, tôi sẽ làm cho cô bất tử. Bao thế hệ về sau sẽ ngắm nét mỹ lệ và toàn hảo mà cô là biểu hiệu. Cô Chloris thần thánh ơi, cô có nghe tôi không ? Cô có bằng lòng nhận quà của tôi không ?
Tôi quay sang hắn mặt nhạt nhòa nước mắt. Ánh đèn trên lối đi chiếu xuống rõ nhưng tôi cóc cần.
– Tôi không muốn quà của anh, tôi bảo, tôi không muốn gì của anh cả, Serretes.
Sắc mặt biến đổi, hắn buông thõng tay cạnh người.
– Cô đuổi tôi à ? Không có hy vọng gì ư ?
Tôi cười nhỏ, ngửa mặt lên nhìn hắn, dang rộng tay đầy buông thả.
– Tôi không muốn gì của anh hết, chỉ muốn cho anh - tình yêu. Vậy có đòi hỏi nhiều quá không ?
Hắn thở mau, rồi đưa hai tay lên trời.
– Ồ, Aphrodite, cầu nguyện đền thần quả chẳng uổng công. Đa tạ nữ thần.
Rồi, nhấc bổng tôi như chú rể bế cô dâu vào nhà, hắn bồng tôi qua cửa.
Ba năm sau đó thật thần tiên ít người có được. Tôi mua nhà ở miền quê cho chàng làm việc, hai chúng tôi dành nhiều thì giờ đi dạo trong vườn, lên đồi, tương đắc tới nỗi có lúc tôi sợ thần thánh ganh tỵ và quở phạt. Nhưng chẳng bao lâu, hạnh phúc chúng tôi có bóng mờ. Tác phẩm của Serretes được tán thưởng khắp nơi. Chúng tôi bắt buộc phải quay về Athens. Ở đó tôi ghen dữ dội. Chỉ có người đàn ông mạnh mẽ và dịu dàng như Serretes mới chịu nổi sự ghen tương ghê gớm của tôi. Tôi muốn chàng thuộc về tôi mà thôi, và hễ chàng xa tôi vài phút là tôi lo lắng sợ hãi như điên cuồng. Hẳn tôi đã biến đời chàng thành địa ngục, nhưng đáp lại cơn si dại bất trị của tôi là tính kiên nhẫn và tình yêu của chàng. Hơn nữa, chàng tìm cách tập cho tôi có tính điềm đạm và óc triết lý của mình, vì nó giúp chàng không nhỏ trong khi sống với tôi.
Serretes là công dân thành Crotona, trước khi gặp tôi chàng có ý vào lớp nhập môn của trường Pythagoras và nhận lời thề ba năm yên lặng. Óc chàng vẫn thường hướng về trung tâm học hỏi và minh triết ấy, đôi khi chàng bàn việc tôi cùng về Crotona, nơi chàng rất yêu mến. Nhưng tôi xem Pythagoras như kỳ đà cản mũi trong cuộc nhân duyên của mình, và dù một phần của tôi ưa thích ý đó nhưng không muốn chia sẻ chàng với ai - dù là với triết học -, tôi tìm cách dụ chàng khỏi mơ tưởng ấy, và giữ chàng chặt hơn bằng tình yêu cháy bùng.
Bất thình lình số mạng xen vào chuyện của tôi. Chiến tranh xẩy ra giữa Sybaris và Crotona. Serretes bảo chàng phải quay về giúp thành phố cự địch.
Điều ấy làm sụp đổ giấc mơ của tôi. Hồi còn nhỏ tôi luôn luôn sợ hãi vô cớ chiến tranh, dưới bất cứ hình thức nào. Chỉ cần thấy người lính là tôi kinh hoàng khiếp đảm. Bây giờ tôi tin chắc rằng Serretes sẽ bị giết. Tôi dùng hết tài nghệ để làm chàng đổi ý, nhưng ý thức trách nhiệm với thành phố đã sinh ra chàng mạnh hơn tình yêu chúng tôi. Tôi không để chàng được yên, vật mình khóc than, giận dỗi sụ mặt. Sự hòa hợp tuyệt diệu của đời chúng tôi bị phá vỡ, lần dầu tiên chúng tôi cãi nhau chí chóe không dứt. Cuối cùng, ngay trước khi chàng lên đường tôi làm trận làm thượng lần chót, dọa rằng nếu chàng bỏ tôi, tôi sẽ quay về đời cũ, cuộc đời mà tôi đã xa từ khi ở với chàng.
Serretes chỉ cười với tôi và nói buồn bã.
– Anh không biết sao ? Chỉ có điều ấy làm anh ngần ngại - nhưng anh vẫn phải đi. Phải, em yêu à, anh biết nhu cầu của em, em cần đàn ông như người khác cần không khí để thở. Em sẽ luôn luôn cần họ để làm thỏa mãn tính độc đoán, thân thể mỹ miều và óc hiếu tri vô độ của em. Cũng như em đã có vô khối nhân tình trước khi anh đến, em cũng sẽ có vô khối sau khi anh đi. Việc đó chúng ta khác nhau. Anh không bao giờ muốn người đàn bà nào khác ngoài em.
– Nhưng sao anh để em lại cho bọn chúng ?
– Anh phải đi, chàng lại chỗ tôi đang nằm trên ghế, ôm chặt tôi vào lòng. Chloris em yêu, đừng làm việc hóa nặng nề cho anh. Crotona nhỏ, ai cũng phải góp sức nếu muốn đánh bại Sybaris. Nếu ở lại đây anh sẽ không bao giờ có hạnh phúc, dù trong vòng tay em, vì anh có cảm tưởng mình phản bội đồng bào khi họ cần. Em cứ tự do sống theo ý muốn.
Lúc đó tôi òa khóc cay đắng.
– Không, tôi nức nở. Em không muốn có tự do. Em không có tình yêu trước khi gặp anh - em sẽ không yêu ai nữa đâu. Em thề sẽ trung thành.
Chúng tôi đang ngồi trong vườn. Tôi đưa mắt tuyệt vọng nhìn quanh. Cảnh đẹp quá, nhưng chàng sẽ mang sự mỹ lệ với mình khi ra đi. Tôi nhìn nắng chói trên lối đi, nước từ suối phun bắt nắng chiều lấp lánh. Ngoài kia nắng ấm, những hàng cột mảnh mai mầu trắng của đền thờ vươn cao lặng lẽ, và ở đây là tuyệt tác phẩm của chàng, nữ thần Aphrodite, nghiêng người như mới bước khỏi mặt nước, cử chỉ thật yêu kiều, nét nhìn thật sống động, sức sống như đang tuôn chẩy trong tứ chi. Nàng là quà của chàng cho tôi - làm tôi bất tử.
Tôi chỉ bức tượng.
– Có thần thánh chứng giám, em thề sẽ trung trinh băng giá như pho tượng kia cho đến khi anh trở lại.
Đây là lần đầu tôi nhìn nhận mình thất bại. Chàng ôm tôi chặt hơn, lấy tay bịt mồm sợ hãi.
– Đừng thề, Chloris; anh không muốn em thề, chỉ cần em hứa chắc là sẽ đón anh trở lại trong nỗi vui.
Chàng tháo chiếc nhẫn nặng khỏi ngón tay.
– Em đeo nhẫn này, nó là lời thề của anh với em. Không gì thay đổi tình anh yêu em; nhớ lại sắc đẹp của em sẽ cho anh sức mạnh, và có thể nó sẽ tránh cho anh cả thần chết.
Nhưng tôi bám vào chàng như đứa trẻ.
– Em muốn thề, tôi khóc. Em muốn buộc chặt vào anh bằng lời thề với trời đất.
Tôi ngửng phắt lên.
– Serretes, anh thường nài nỉ em lập gia đình với anh nhưng em luôn từ chối. Giờ nếu anh vẫn muốn thì em sẵn lòng. Có thể em sẽ thấy ràng buộc với anh mãi mãi. Làm vợ anh thì em phải thủ tiết kẻo khắp Athens cười chê.
Tôi khóc nữa.
– Em không muốn gì trên đời bằng được trung thành với anh.
...
Mới đầu, hãnh diện được làm vợ Serretes, tôi rúc trong nhà. Tôi sống vì những bức thư của chàng và bởi được chàng dạy phần sơ đẳng của thuật điêu khắc, tôi giết thì giờ bằng cách họa lại những tác phẩm của chàng. Tin ít khi về mà lại thất thường. Rồi không có thư nữa. Nhưng tôi vẫn hy vọng. Ngày tháng kéo dài. Sống như vậy không khác gì bị cực hình với tôi vì đã quen chơi bời phóng đãng với đàn ông ở thành phố. Tôi giữ cho mình trung trinh thật, nhưng giá đắt biết chừng nào ! Serretes đã nói đúng khi bảo tôi sinh ra không phải để giữ trinh tiết. Nhưng tôi làm chỉ vì yêu chàng. Tuy nhiên sau mấy tháng không có tin, ý chí tôi bắt đầu lung lay, tôi tự hỏi nếu chàng chưa chết thì sống thủ tiết như vầy để chi, u mê thần trí rồi thân xác ù lì; bởi cơ thể không cho tôi yên và tôi thấy trí não không chịu nổi sự căng thẳng lúc này. Nhưng tôi không dám vào thế giới đàn ông trở lại, vì tôi biết chỗ yếu của mình, sợ không cưỡng được.
Hằng giờ tôi đi bách bộ tới lui, giật nẩy mình mỗi khi có tiếng gõ cửa, hy vọng đó là người đưa thư hay có ai tới thăm. Nhà lặng lẽ quá ... Tôi sợ chẳng bao lâu người ta sẽ quên tôi, những cô gái khác sẽ chiếm chỗ tôi ở nơi ăn chơi trong thành phố.
Rồi, hoảng vía, tôi chạy ào tới gương để cả buổi thử quần áo, rờ mặt lo lắng; chắc chắn nỗi u sầu bồn chồn đã để lại vết nhăn.
Gần một năm trôi qua. Tôi thành ốm người, gắt gỏng. Có tiếng là rộng rãi và nhân từ với kẻ ăn người ở, giờ tôi đâm cau có với nô lệ.
Sự thay đổi chính mình làm tôi sợ hãi; nghe nói có viên y sĩ Ai Cập mới đến rất thời thượng, tôi quyết định tới nhờ hắn thăm bệnh.
Từ ngày tôi đến với hắn, Nectanebes lại nhà tôi luôn. Hắn làm tôi thích thú và cùng lúc, lại sợ. Thiếu tình yêu, muốn được nghe lời dịu ngọt, tôi không thể cưỡng lại lời đường mật của hắn; hơn nữa, kiến thức hắn quảng bác và hắn kể tôi nghe chuyện thần thoại lạ lùng, cùng với một triết lý cũng hấp dẫn như triết lý của Serretes, vì nó nói tới phép thuật, quyền uy. Hắn cười vào mũi tôi việc trung thành với người yêu, và tôi nhớ lại Serretes đã bảo chàng không mong tôi chung tình. Hai điều ấy dằng co trong tôi. Nhưng trong một thời gian dài tôi từ chối không đầu hàng trước lời van xin của gã Ai Cập, mặc dù hắn hứa hẹn mọi chuyện, khêu gợi lòng kiêu hãnh, dễ tin, tính tham lam của tôi một cách khéo léo.
Một hôm khi ngồi trong vườn, hắn bảo.
– Không có gì trên thế giới này mà tôi không cho em, Chloris, ngay cả việc trẻ đẹp mãi mãi, nếu em ưng tôi; nếu em chịu - chúng ta có thể có được công thức bí mật.
Tôi nhìn hắn lạ lùng vì lời đó.
–  Trẻ mãi mãi ? Anh có điên không ? Không ai có khả năng làm vậy.
Hắn cười bí mật.
– A, em muốn biết điều ấy biết bao nhưng em đâu rành gì về nó.
Bằng một cử chỉ mau lẹ hắn nắm cổ tay tôi rồi kéo lại bồn nước bằng đá.
– Nhìn kìa, hắn nói, chỉ vào mặt nước yên lặng có in gương mặt của tôi, sắc đẹp ấy là gốc của uy quyền em có, nó nằm trong thân thể trắng ngần, dáng thướt tha yêu kiều lúc tuổi xuân ! Nhưng chúng sẽ tàn, mắt em sẽ mờ, da nhăn, thân thể biến đổi. Với em sung sướng là được giàu có, sống xa xỉ, được người ái mộ; nếu không đẹp ngay cả Serretes cũng sẽ bỏ em, nếu hắn còn sống. Mà hắn đã bỏ em rồi, để ôm lấy quê hắn ! Mấy nhân tình khác không đến nỗi tệ như thế, nhưng họ cũng sẽ quên em ngay khi em già, hoặc sẽ nhìn em thương hại, đầy trách móc. Lúc đó em ra sao ?
Hắn kê sát mặt lại gần.
– Có muốn nghe anh tiên đoán không ? Con điếm già lôi thôi, bám vào cổ lính thủy say sưa ở bến tầu, hay mụ hành khất rên rỉ xin tiền ở cổng thành Athens ? Hay chết, tự tử vì tuyệt vọng ?
Lời hắn như mũi tên đầy nọc độc, xuyên thẳng vào người tôi. Tôi nhìn trân trân, bị thu hút bởi ảnh mình và lúc ấy, một ngọn gió không biết từ đâu tới làm xáo động mặt nước; gương mặt bỗng nhăn nhíu, thê thảm. Kinh hoàng chụp lấy tôi. Đúng quá, sắc đẹp là khí giới duy nhất của tôi, quý nhất, vậy mà tôi phung phí nó, khóc thương Serretes, người đã bỏ quên tình yêu của tôi để giữ cái khỉ gió mà chàng gọi là danh dự, như Nectanebes đã nói.
Tên Ai Cập ngồi ghé lên thành bồn nước và kéo tôi ngồi cạnh.
– Nghe đây, hắn bảo, ở Ai Cập anh có nhiều quyền năng; anh đã học huyền thuật. Anh giầu hơn em tưởng. Nếu em làm theo lời anh dặn em sẽ có những nữ trang mà chưa mụ nào ở Athens được thấy, ngựa Ba Tư, vô số nô lệ, không thiếu thứ gì. Hơn nữa, anh tin nhờ huyền thuật mình có thể trẻ đẹp mãi mãi, đạt quyền năng bắt người khác phục dịch trọn đời. Hy sinh đời em cho lý tưởng mắc dịch có phải là điên không ?
Giọng mơn trớn của hắn thao thao và khi tôi lắng nghe, thấy những viễn ảnh đẹp đẽ thì hình ảnh Serretes mờ dần. Nhưng tôi vẫn còn bị dằng co giữa hai chuyện.
– Nếu em làm việc này, cuối cùng tôi hỏi, làm sao em biết anh sẽ cho em liều thuốc đó ? Anh thề với ai ?
Hắn cười và rút trong túi một ve pha lê chứa chất lỏng mầu đỏ đục.
– Lọ này còn hơn bất cứ lời thề nào trên thế giới, vì nó chính là nước khiến em trẻ mãi mãi.
– Đưa em ! tôi la to.
Nhưng hắn cười và giữ vật ở xa.
– Không, không, bấy nhiêu không đủ. Em không biết phải cần nhiều nghi lễ để chưng cất được thuốc này. Uống trong vòng sáu tháng rồi em sẽ thấy kết quả. Suy nghĩ đi, Chloris, trẻ đẹp mãi mãi, mỹ miều, quyền uy !
Tôi ngó nó trân trân, thở hổn hển. Tôi bảo chính mình nếu Serretes đã chết thì có gì phải lo; nếu chàng trở về thì tôi đã có sự hiểu biết còn hay ho hơn mọi chuyện Pythagoras dạy ở trường.
– Ở đâu ta mua đủ thuốc được ? tôi thì thào.
– Ở đền Hecate. Nếu chịu đi tối nay với anh, em sẽ được dự lễ bí mật, và tương lai của em bảo đảm.
Tôi đi theo hắn, và một khi đã thất thân với hắn, càng lúc tôi càng bị hắn làm mê hoặc. Athens cười chê nhưng chúng tôi đếm xỉa gì đâu. Trong tôi một phần bị Serretes thu hút và đáp ứng lại, phần khác lại được hoàn toàn thỏa mãn với tên Ai Cập. Chỉ có một điều, dù hắn nài nỉ lắm tôi vẫn không chịu trở lại đền Hecate dự lễ nữa. Tôi khám phá là huyền thuật làm tôi sợ hãi, và luôn tìm cách quên đi những gì đã thấy ở đó.
Rồi một hôm tôi nhận được thư Serretes. Chàng bảo mình bị thương và bị bắt làm tù binh. Trong suốt mấy tháng chàng đau nặng rồi bị bán làm nô lệ, nhưng đã được trả tự do và đang trở về Crotona; chàng năn nỉ tôi đến đó cùng với chàng.
Tôi báo Nectanebes và cho hắn hay tôi rời Athens ngay.
Hắn tìm cách ngăn cản tôi nhưng vô ích. Giờ tôi nhìn hắn lạnh lùng; tôi không muốn nhớ có lúc hắn đã là nhân tình tôi. Xong hắn bắt đầu dọa nạt, lời dọa của hắn thật ghê gớm. Tôi kinh hoàng run sợ. Để có thêm thì giờ tôi hứa sẽ không rời Athens mà kêu Serretes trở về; nhưng tôi bí mật chuẩn bị cho cuộc hành trình, và nhất quyết từ chối không cho Nectanebes làm nhân tình nữa.
Trốn đi không phải dễ. Nectanebes cho người dòm ngó và tôi gần như là bị tù. Ngày trôi qua, cuối cùng tôi nhận được thư chót của Serretes. Chỉ có vài hàng. Chàng viết là đã nhận được thư tôi, ghi là tôi đã hết yêu chàng, và trả lại chàng chiếc nhẫn.
– Về phần anh, Serretes viết, anh không ngừng yêu em trong đời này hay đời khác. Anh luôn luôn hiểu đàn bà như em mà thủ tiết thì khó biết chừng nào, dù chỉ trong tư tưởng. Nhưng anh đã mất em, cuộc đời trở nên trống rỗng, cả nghệ thuật của anh cũng vậy. Anh đã vào trường của Chân Sư Pythagoras và khi thư này đến em, anh đã thề yên lặng. Trong ba năm đó tư tưởng anh sẽ luôn luôn hướng về em, mong thần thành phù hộ và ban cho em mọi điều ao ước.
Tôi nghĩ ngay đến chiếc nhẫn. Lâu lắm rồi tôi không mang và tôi lại để nữ trang cẩu thả. Tôi kêu hết bọn hầu gái đi tìm. Tìm không ra. Khi ấy tôi biết chỉ có Nectanebes.
Khi hắn đến tôi chất vấn và hắn nhận ngay. Chính hắn đã gửi lá thư cùng chiếc nhẫn.
– Anh muốn đem em về Ai Cập với anh, anh có thể dùng em ở đó cho công việc anh đã hiến cả đời. Em sẽ được giàu sang hạnh phúc, hạnh phúc hơn khi em ở với thằng nhân tình nghèo.
Ý chúng tôi đụng nhau dữ dội, nhưng ráng cách mấy hắn vẫn không chế ngự được tôi, cơn mê đã hết và giờ tôi chỉ muốn không bao giờ nhìn mặt hắn nữa.
Sau hết, thua cuộc, hắn ra về nhưng tới cửa đứng lại.
– Em có nhớ hình ảnh tôi chỉ em trong bồn nước chăng ? Số phận em vậy đó, quà chia tay của tôi là lời nguyền cho em giống vậy.
Tôi hất đầu cười lớn.
– Đồ điên, khôn cũng vậy thôi. Anh nguyền rủa tôi có lợi gì khi anh đã cho tôi thuốc trẻ đẹp mãi mãi, khi tôi có vật này ! Tôi ôm chặt vào lòng ve thuốc mà tôi luôn luôn giữ trong người.
Hắn cười chậm rãi.
– Cái đó à ? Nó là nước cốt trái dâu. Em tưởng tôi phung phí quyền năng của mình để làm thỏa mãn mơ ước quá quắt của đàn bà sao ? Tôi cần em để làm chuyện lớn lao hơn thế.
Hắn đi ra không ngó lại. Cửa đóng mạnh. Ve thuốc rơi khỏi tay vỡ nát trên nền nhà.
...
Còn những hình ảnh khác trong đời Chloris, nhưng chỉ thoáng qua, mờ nhạt không chỉ điều gì rõ rệt, như thể dù cố gắng quên, cảnh sống đó - kinh tởm và hèn hạ - vẫn không xóa hết trong ký ức trường cửu của tôi. Tôi như thấy mụ điếm già lủi thủi đi trong đường phố chật hẹp, dơ bẩn ở bến tầu, cảm được nỗi tuyệt vọng và xấu hổ khi nhan sắc tàn tạ. Lời tiên tri của người Ai Cập chắc chắn đã thành,  '... hay chết, tự tử vì tuyệt vọng ...' Chắc nó đã kết cục như thế, nhưng nói cho đúng việc xuống dốc đáng thương này không phải do lời nguyền - vì không lời nguyền nào thực hiện được nếu trong bản thân người bị rủa có điều ác tương ứng -, mà đúng ra do sự hiểu biết kinh khủng bên trong nàng, rằng khi mất Serretes nàng đã mất đi ý nghĩa tột cùng của Sự Sống, vì nàng đã tự làm tự hại mình, và do đó giết mất lòng tham sống trong người. Nàng chính là lời nguyền của mình. Giống như bệnh lan, ký ức đã dần dần ăn vào điểm sâu kín của đời nàng, rút rỉa sinh lực, tinh quái lấy đi những đặc tính mà từ trước đến nay đã giúp nàng thành công. Không chuyện gì còn đáng làm, khả năng thu hút giữ chặt bọn đàn ông thông minh, tài hoa đã mất, vì nàng không còn gắng sức. Nàng rời khỏi đời họ, sống mà như chết.
Tôi thấy nàng ngồi ở bờ biển, mặt nước phản chiếu ánh trăng. Đá đen bao chung quanh; trời ấm đầy hương thơm, nhưng vẻ diễm lệ của đêm hè không còn động lòng nàng. Tôi thấy gương mặt nàng dưới trăng chiếu, ghê gớm như mắc bệnh nặng. Nàng giương mắt hết thần ngó xuống nước; môi dầy vì trác táng, mấp máy luôn; tôi nghe tên Serretes và trong phút chốc, tâm thức tôi hòa với tâm thức nàng, tôi cảm thấy tên như một nốt tuyệt vọng, và nỗi thống khổ tràn lan vô bờ.
Nàng gục đầu, tay đập lên cạnh đá sắc.
– Sao ta không thể chờ, trời ơi, sao ta chờ không được, tôi nghe nàng nói. Chờ bao năm, thêm một chút đã sao. Ta điên ư ? Giàu sang, sắc đẹp, so với chuyện đó ư ? Sắc đẹp để chi ? Ta không biết, ta mù quáng, ngu dốt, khờ khạo; ta đã tôn vinh thân xác như nó là thần thánh. Chàng mới là thượng đế của ta, vậy mà ôm lấy thân xác ta làm mất chàng. Mãi mãi. Không bao giờ ta mắc lỗi nữa, không bao giờ ...
...
Thất bại - lại một thất bại nữa. Nhưng lần này thất bại vì tình. Ai là Serretes ? Hắn có phải là Shahballaz, trở lại với tôi để rồi bị phản bội ? Hậu quả của sự tệ bạc ấy là sao ? Chloris có đúng chăng, liệu tôi đã mất anh hàng mấy thế kỷ, người mà tôi yêu quý vô cùng ?
Một cảm giác não nề lạ lùng bao phủ người tôi khi nghĩ vậy. Nó không phải chỉ là việc đồng hóa với tâm thức Chloris, nhưng là mối sợ hãi rất thật lúc này. Vì tôi biết lòng khát khao của Chloris không phải chỉ nàng mới có. Trong kiếp này thường khi tôi mơ có một người bạn chân tình, người tình hay người bạn tượng trưng cho sự mở rộng, sự trọn vẹn của cái tôi; biết rằng ước mơ ấy còn được nói tới dưới hình thức này hay hình thức khác, và ý niệm tri âm tri kỷ, tâm đầu ý hợp (twin soul) ở đâu cũng có.
Tôi lẩn thẩn tự nghĩ điều gì đã khiến nhân loại mơ ước chuyện như vậy ? Nhà sinh vật học sẽ cho ấy là ý muốn sinh con đẻ cái; nó là câu đáp ở mức thấp nhất, nhưng tôi tin rằng còn một ý nghĩa thâm sâu cao đẹp hơn.
Khi có thể liên lạc trở lại với Thầy, ngài xác nhận ngay điều này .
– Việc tìm kiếm linh hồn tri âm với một vài người y như chuyện ám ảnh, với người khác họ chỉ xem đó là chuyện khả hữu vu vơ, ngài nói, nó quả có ý hơn nhu cầu sinh lý. Nó có nhiều khía cạnh và tầm quan trọng, con nên tham thiền về ý nghĩa của nó.
'Trong đời Chloris, cả hai khía cạnh cao và thấp tương ứng nhau rất rõ mà nếu nghiên cứu tánh tình của nàng, con sẽ học được nhiều điều; ấy là lý do tại sao con được cho phép thấy nhiều chi tiết. Như mọi chuyện khác, điều cần thiết là đặc tính thấp của bất cứ sự biểu lộ nào phải được hiểu và làm cho trọn vẹn trước khi những đặc tính thanh cao và đúng thực hơn có thể được biết; những điều này - vì không thuộc phàm ngã và do đó vô thường - mang bản chất của Thượng đế nên chỉ có chúng mới có thể mang lại hạnh phúc trường cửu. Thành ra, ai cảm thấy khao khát mãnh liệt một linh hồn bạn, một người bạn đường lý tưởng, bạn tri âm, hay bất cứ hình ảnh lý tưởng nào, thì hãy tự hỏi một người như thế đóng vai trò gì trong đời mình. Rất có thể họ sẽ nói rằng đó phải là một ai đi cùng đường với họ, chia sẻ mọi nỗi vui nỗi buồn, thông cảm với tánh khí họ, ở với họ lúc đau cũng như lúc mạnh, trung thành tới chết. Nói một cách khác, một người chỉ để thỏa mãn nhu cầu của họ; xác thân, tình cảm và tâm linh. Sự việc kẻ đi tìm rất sẵn lòng - hay nói rằng họ mong muốn - thương yêu lo lắng ngược lại thì không nên tin cho lắm. Có cả ngàn người trên thế giới mong được thương yêu, săn sóc mà họ làm ngơ, chứng tỏ rằng mối ao ước không phải vô vụ lợi, mà hoàn toàn tùy thuộc vào sự cung phụng và thương yêu mà đối tượng có thể cho họ.
'Vậy nỗi lòng ước ao có nghĩa gì ? Chẳng có gì khác hơn là cái ngã muốn được hoàn toàn thỏa mãn ở cõi trần, cái tôi được đắc ý; ấy là ước vọng hết sức ích kỷ do đó không đáng thưởng, cũng như nó không bao giờ nhìn nhận là được thỏa mãn; hơn nữa điều gì đầy tính chia rẽ như vậy tự nó sẽ tiêu diệt lấy, tự chứa mầm mống tan rã. Và đó là lý do cho nhiều thất vọng cay đắng trong tình người; bởi những ai đòi hỏi và mong chờ các điều này nơi bạn mình là đang ở trình độ mà nhân quả không cho phép họ được đãi ngộ như thế. Cho dù họ nhận được, họ cũng không biết cách đáp ứng và sử dụng tối đa cơ hội. Cái phàm ngã do bản tính không bao giờ thấy thỏa mãn, và ai tin ngược lại là đang bị lú lẫn nặng nề. Sự hoàn thiện vốn không đến từ bên ngoài mà đến từ bên trong, niềm ước mơ được hạnh phúc hoàn toàn với linh hồn tri âm chỉ là phản chiếu ở cõi tình cảm - bằng chất liệu tình cảm tức dục vọng -; sự hoàn thiện có thật, mà đúng ra nó là một trạng thái của linh hồn. Thế nên cảm giác thiếu vắng, bất mãn, khao khát nồng cháy một điều gì hay một ai để bổ túc phần thiếu sót nơi mình, chỉ muốn nói cái phàm ngã là một dụng cụ chưa toàn vẹn của linh hồn, mà không phải vì họ chưa thỏa mãn đầy đủ, hay chưa có bạn đồng hành trong kiếp này. Người có Chân ngã và phàm ngã hòa hợp toàn vẹn sẽ không bận tâm mấy đến việc đi tìm linh hồn tri âm, vì họ đã có tất cả những gì muốn có trong sự hòa hợp tinh thần ấy.
– Còn mối liên hệ chặt chẽ giữa Chloris và Serretes là sao ? tôi hỏi.
Ngài mỉm cười.
– Ta nói kẻ hoàn hảo không còn mơ tưởng linh hồn tri âm, mà ta không nói là chuyện ấy không có. Nhưng về khía cạnh cao của câu hỏi này, ta chỉ có thể giải thích một phần, bởi chỉ những ai tiến xa đến mức có thể nhìn trọn Thiên cơ vĩ đại mà con người đóng một vai trò nhỏ bé trong đó mới có thể hiểu trọn vẹn, vì nó có liên hệ đến mối tương quan giữa nhữang thể thanh con người.
– Ở cõi trần, mọi người có vẻ như là một đơn vị riêng rẽ, nhưng đó chỉ là ảo ảnh do việc mỗi người phải phát triển tâm thức cá nhân. Trên thực tế mỗi người là thành phần của một nhóm linh hồn, mỗi nhóm có một nốt riêng; bởi nhớ rằng ở những cõi cao, sự sống biểu lộ bằng làn rung động, tức bằng âm thanh và mầu sắc, việc ấy có hơi khó hiểu nhưng bao lâu chưa nắm vững, con chưa hiểu được công chuyện và tính chất mỗi nhóm. Thử nghĩ đến việc mỗi nhóm tế bào trong người đóng một vai trò trong cơ cấu, vậy thì mỗi nhóm linh hồn nơi cảnh cao cũng đóng vai trò riêng biệt trong toàn khối nhân loại. Muốn đạt sự toàn thiện, mỗi linh hồn phải tái sinh nhiều lần nhưng bởi họ có tự do ý chí, chuyện xẩy ra là có kẻ đi mau, người đi chậm. Dầu vậy, điểm ghi nhớ là khi tất cả mọi người trong nhóm chưa tiến đến một mức phát triển nào đó, nhóm ấy không thể làm phần việc dành cho họ. Nên con thấy người trong nhóm có trách nhiệm nặng nề là phải đi mau hết sức mình, để không làm trễ nãi phần Thiên cơ mà nhóm chịu trách nhiệm. Bước đầu tiên đương nhiên là việc hiểu và kiểm soát phàm ngã. Kế tiếp là việc hòa hợp Chân ngã phàm ngã với kết quả là bắt liên lạc với nhóm. Sau đó là sự liên kết có ý thức giữa mỗi đơn vị trong nhóm, cả lúc ở trong hay ở ngoài thể xác. Khi mỗi người đạt tới mức có thể làm vang cái nốt rõ ràng nơi cõi trần, khiến cho những người khác trong nhóm tái sinh cùng lúc ấy được thu hút tới quanh họ, làm nên một tâm khiến cho những nhóm viên nào còn ở cõi vô hình - vì ít khi, hay không bao giờ tất cả nhóm viên đầu thai cùng một lúc - dìu dắt và hướng dẫn phần năng lực tổng hợp ấy tới mục đích mong muốn.
'Như vậy công việc tiến hành trong sự điều hòa mà mạnh mẽ càng lúc càng tăng, cho tới lúc bằng một phương pháp tinh tế dùng rất ít năng lực, một nhóm có thể đạt được kỹ thuật là các nhóm viên có thể tự do làm việc nơi cõi trần hay những cõi thanh tùy ý. Tiết lộ nhiều hơn thế không nên, nhưng ai đã có sự hiểu biết thì nhờ vào tham thiền, họ có thể phám phá lấy cho mình.
'Nhưng con cần nhớ rằng việc hòa hợp có ý thức với nhóm ở mỗi cảnh giới cũng chưa phải là mục tiêu tối hậu của linh hồn. Tuy nó tiến bộ hơn niềm ước ao hòa hợp với một người nam hay người nữ lý tưởng - mà đúng ra là sự phản chiếu của Chân ngã trong cái tôi, và là điều mà đa số người vào lúc này có thể đạt tới -, nó vẫn chỉ là bước đầu tiên dẫn tới một thành quả vĩ đại hơn; bởi nhiều nốt họp lại thành một hợp âm, hợp âm với nốt đánh chung thành hòa âm, thì các nhóm linh hồn cũng vậy. Một khi các nhóm linh hồn phát triển được khả năng điều hợp, họ được phép kết hợp với các nhóm khác ở những cõi cao, và nhờ vậy gia tăng mạnh mẽ tiềm năng làm việc của mình. Khi việc sau này hoàn thành là tới việc tham dự vào Âm Sáng Tạo của vũ trụ, cái ý muốn thể hiện của Thượng Đế, và nó lại càng phát mạnh hơn những âm điệu của tấu khúc thiêng liêng. Đạt tới những trạng  thái này, các nhóm linh hồn hòa tan trong sự duy nhất không thể diễn tả nơi cõi trần; nhóm viên có được sự mở rộng tâm thức, ý thức sâu xa về Chân, Thiện, Mỹ, cảm được nỗi hoan lạc mà một đơn vị đứng riêng rẽ không sao hy vọng có được.
Ngài dừng lại. Ẩn sau lời ngài tôi có thể cảm thấy những ý nghĩa trọng đại hơn mà bộ óc giới hạn của tôi chịu thua không thấu hiểu. Lời nói chỉ làm việc rối thêm.
– Vậy Thầy muốn bảo, tôi nói đại, cái linh hồn tâm đầu ý hiệp mà con người mơ tưởng, trên thực tế là Thượng Đế ...
– Đó là sự tột cùng con người sẽ đi tới, ngài đáp. Mọi việc đều tương đối, nhưng con thấy rằng nỗi ước ao linh hồn tri âm - điều ám ảnh nhân loại từ lâu - có một căn bản đúng thật, và đóng vai trò trọng yếu trong cuộc tiến hóa, vì nó chính là sự thúc giục khiến cho phần tử đi tìm sự trọn vẹn trong cái Trọn Vẹn. Chân ngã ở cõi riêng của nó biết mục đích sự sống, và trong lúc nó kiện toàn ảnh hưởng đối với dụng cụ là phàm ngã, nó càng ngày càng ghi khắc những lý tưởng của mình vào phàm ngã. Con sẽ thấy rằng người nhậy cảm và tiến hóa bao nhiêu thì họ càng bất mãn bấy nhiêu với hiện trạng của vật, và nhất là với chính mình. Từ đó, ý thức được sự thiếu kém nơi mình, họ tìm cách sửa đổi và nhờ vậy tiến bộ. Bằng cách ấy Pharaoh học từ Shahballazz và Chloris từ Serretes.
– Nhưng Shahballazz và Serretes không phải là một ! tôi buột miệng.
– Tất cả đều là người trong nhóm, ngài đáp. Mỗi khi người trong nhóm gặp nhau ở cõi trần, vì họ rung động theo cùng Nốt nguyên thủy, thường thường chuyện xẩy ra là họ nhận biết và trợ giúp lẫn nhau, chuyện không may là không phải lúc nào việc cũng xẩy ra như vậy, vì khi linh hồn càng ngày càng đi sâu vào vật chất, sự lỗi nhịp và những rung động chỏi nghịch của cõi vật chất bao lấy họ, khiến họ mất liên lạc với cái Nốt nguyên thủy của nhóm. Điều ấy làm việc nhận ra nhau khó hơn. Đôi khi hai người gặp nhau rồi ai đi đường nấy, không đủ tiến hóa để nhận ra người đồng nhóm qua xác thân nặng nề; lại có khi trên đường hướng thượng, người tiến hóa cao nhận ra huynh đệ trong nhóm mà người sau lại không hay biết; ấy quả là thảm kịch, nhất là cho ai nhậy cảm hơn vì có thể nó làm họ đau khổ nhiều. Nhưng phần lợi cũng to tát không kém, vì một kiếp như vậy gần như luôn luôn đầy lòng hiến dâng vô ngã, như Shahballazz đã cho con, và hành động loại ấy hằng mang lại phần thưởng đẹp đẽ.
– Nhưng Chloris nhận ra cái nốt chung mà không đủ sức đi theo nốt ấy ...
– Đúng vậy khi hai bên nhận biết nhau mà một người quá yếu hay quá ích kỷ, không trung thành và chịu trả giá để có được đặc ân như vậy, hậu quả càng nghiêm trọng hơn. Việc không trung thành với nhóm cách đó làm sợi dây nối kết một phần của nhóm với những phần khác bị xé rách, làm vỡ tan cái nhịp quân bình nhịp nhàng và tế nhị. Nó làm rúng động, phá hủy sự điều hòa không phải chỉ trong một nhóm, mà cả những nhóm liên hệ, cũng như có thể có những hậu quả xa xôi hơn mà Ta không thể giải thích cho người chưa thấu hiểu những chi tiết về nhân quả nhóm như con.
– Hậu quả của việc phản bội người trong nhóm thường là gì ? tôi hỏi ngài.
– Mỗi việc tùy thuộc vào trường hợp nó xẩy ra. Nếu một nhóm viên kiếp này sang kiếp khác cứ một mực làm lỗi nhịp, sinh ra những rung động hủy hoại, cuối cùng họ có thể làm hư sợi dây làm bằng chất liệu thanh bai nối kết họ với người khác, trở thành một hiểm họa cho người trong nhóm. Lối sống bất hảo vì vậy sẽ bị đào thải khỏi nhóm - giống như cắt bỏ một nhánh cây hư - và việc tái tạo lại những thể để tái sinh không làm được trong một thời gian rất dài. Đó là việc suýt xẩy ra cho con sau kiếp Atlantis, vì con cố tình cắt đứt sự ràng buộc; người châu Atlantis có sự hiểu biết về huyền thuật sâu xa hơn bất cứ ai về sau được phép biết, chỉ vì họ đã lạm dụng chúng.
'Nhưng phản ứng của Chloris - đáng tiếc là nó xẩy ra rất thường - chỉ mang lại kết quả là người ấy bị cấm mọi liên lạc với các nhóm viên trong một thời gian đáng kể, cho tới khi họ thuộc bài học trọn vẹn. Bởi nếu trình độ tiến hóa giữa các linh hồn trong cùng một nhóm khác biệt sâu xa, tốt hơn người tiến bộ ít không nên gặp những người khác, cho tới khi họ sẵn sàng nhận lấy trách nhiệm mà cuộc tái ngộ như thế chắc chắn sẽ mang lại. Việc cắt đứt liên lạc sinh ra từ thất bại trên là hình phạt khá nặng, vì một khi đã kinh nghiệm nỗi hoan lạc do việc hợp nhất với người trong nhóm ở cõi trần, con người sẽ không thể nào quên nó trong những lần tái sinh kế, và sẽ luôn luôn cảm thấy lẻ loi, mất mát nhiều hơn.
– Vậy tại sao con được phép gặp Serretes ? tôi hỏi. Tại sao cho người chưa tiến hóa như con cơ hội làm hại hắn và những người khác rồi lãnh Karma xấu ? Thấy không công bằng !
Ngài mỉm cười.
– Nhiều chuyện xem ra không công bằng với người có tầm nhìn nhỏ hẹp như con, ngài nói có hơi thú vị, nhưng con không nên lo, nhờ các Đấng Cao Cả, những vị Thần Nhân Quả chăm nom, không gì xẩy đến cho ai mà không công bằng, vì nó được phân phối hết sức chính xác, theo đúng Luật Nhân Quả. Không một tư tưởng hay hành động nào của con người thoát khỏi các Ngài; các Ngài là những đấng dệt nên phần số mỗi người; các Ngài giữ sự công bình của công lý và sự thật; các Ngài không hề sai lầm. Hơn nữa, nghĩ thử coi ! Con biết rằng không chấp nhận rủi ro thì không tiến bộ. Luật này áp dụng vào mọi cảnh giới. Đôi khi nhóm sẵn lòng cho người đi chậm cơ hội gặp gỡ như thế để thúc đẩy sự tiến hóa của linh hồn đó. Con có thể tin là việc thất bại có thể xẩy ra cũng như kết quả có thể có đã được cân nhắc, lượng xét trước rồi.
'Ta không thể nói rõ hơn, nhưng chớ quên rằng không một công việc, nghịch cảnh nào khó khăn hơn sức con người có thể chịu. Khả năng họ được đo lường sát mức. Thường thường Chân ngã của họ được tham khảo ý kiến, xem nó có sẵn sàng chịu nhận karma trong trường hợp thất bại. Phải chi con người hiểu được việc là mọi chuyện xẩy đến cho họ, tốt hay xấu, đều chính là ý họ muốn và họ luôn luôn có thể vượt lên trên điều gọi là Định Mạng ! Tuy nhiên có mấy ai thể hiện hết tiềm năng của mình, sự giãi đãi và sợ hãi cầm chân họ lại; nhưng với ai can đảm tranh đấu, chống chỏi nghịch cảnh gớm ghê thì luôn luôn họ tìm được trong vũ trụ kho sức mạnh dồi dào. Biết bao lần con người chịu thua mà nếu cầm cự vài giờ nữa, chắc chắn họ sẽ được trợ giúp !
'Trở về chuyện của con, trong trường hợp này cuộc thí nghiệm hoàn toàn tốt đẹp. Cảm tưởng mất mát và lạc hướng sau đó, gây một ấn tượng mạnh mẽ khiến lý tưởng không còn quên được nữa. Con đã tiến một bước dài trong kiếp Hy Lạp. Kiếp ấy con không tự tử như đã tưởng, chuyện đó con làm nhiều lần trong những kiếp trước và sự vô ích của nó trở thành kinh nghiệm trong trí năng suốt những đời sau. Ngược lại, những năm có vẻ thật tủi nhục, ghê gớm nay đã mang lại nhiều kết quả hơn hết. Vì khi nhìn nhận thất bại, cuối cùng con đã hiểu mình thất bại ở đâu. Con không còn viện cớ chống chế, trách móc người khác thay vì trách mình. Máu Hy Lạp - sắc dân tôn thờ chân lý và có được cái trí sáng suốt, hợp lý một cách đặc biệt - đã giúp con ở đây, cũng như việc tiếp xúc với những người trí thức tiến bộ thời đó. Không còn mù quáng do việc đời mình, cuối cùng con ăn năn, mà đây là lòng ăn năn thực sự. Nó không dựa trên nỗi sợ hãi, hay hy vọng được thưởng như ở Ai Cập, mà được gợi hứng bởi tình thương và sự hiểu biết nhiều hơn về Luật.
'Cihrzad không hề học, còn con lại học rằng lòng cao ngạo, xuẩn ngốc, và vô minh sinh ra những trái đắng cay. Con không đổi lối sống của mình, việc ấy quá trễ; nhưng khi bị lôi xuống bùn nhơ của xã hội, - nhờ vào triết lý mà Serretes đã dậy con cùng với lòng hiến dâng cho hắn đã hướng dẫn, trợ lực -, con phát triển sự thông cảm thương yêu và hiểu biết với người cùng cảnh ngô. Dù con không hay biết, kinh nghiệm này là phần rất lớn trong sự tiến hóa tinh thần. Nó chuẩn bị cho con một kiếp quan trọng trong cuộc tiến hóa.
– Con tưởng Ai Cập là kiếp ấy, tôi nói.
– Ai Cập là chỗ bắt đầu, nhưng kiếp sau ở Đức, là tột đỉnh. Ở Ai Cập con thấy Tổng Quả, từ đó trở đi con vật lộn mù quáng với nó. Vậy không đủ. Kiếp sau này con lại kêu gọi và lâm chiến với nó, mặt tận mặt. Từ trước tới nay phàm ngã chế ngự tất cả hoạt động của con và liên tiếp chặn đường, nhưng con chưa bao giờ đủ mạnh về mặt tâm linh để có thể đối diện những vật ở Atlantis với đầy đủ tri thức. Tới lúc này con cố tình gặp chúng và nhìn nhận chúng bằng cách thâu nhập vật vào người. Con tìm cách triệt hạ sự chế ngự của chúng, không nhờ thầy nào ở cõi trần, mà nhờ năng lực của Thượng đế nội tâm như bất cứ ai sẽ phải làm.