VÒNG TÁI SINH
GHI CHÚ
Dưới đây là vài giải thích xét ra nên có để làm rõ nghĩa chuyện.
– Căn thể (causal body, còn dịch là chân thân)
Thể không hề hư hoại (nên được dịch là chân thân), tồn tại qua bao kiếp trong khi những thể xác, sinh lực, tình cảm, trí đều tan rã lúc qua đời, và mỗi lần tái sinh linh hồn được tạo bốn thể mới. Ba hạt nguyên tử trường tồn được lưu giữ trong căn thể lúc con người đã qua đời chưa tái sinh, nó chứa đựng tất cả quá khứ và tiềm năng con người, nên muốn biết rõ nguyên do sự việc hay mức tiến hóa một ai, cách chính xác nhất là nhìn vào căn thể (thể tàng trữ mọi duyên cớ). Rất ít người làm được như vậy, thường họ chỉ nhìn vào cõi tình cảm do đó có ít nhiều sai lạc.
– Cõi tình cảm
Vũ trụ được chia làm nhiều cõi tùy mức độ nặng nhẹ của nguyên tử cấu tạo nên cõi ấy, càng lên cao chất liệu càng thanh. Có 7 cõi trong thái dương hệ:
Cõi Thiêng Liêng -Adi (Tối Đại Niết Bàn, Mahanirvana)
Cõi Chân Thần - Anupadaka (Đại Niết Bàn, Paranirvana)
Cõi Tinh Thần - Atma (Niết Bàn, Nirvana)
Cõi Trực Giác - Buddhi (Bồ Đề)
Cõi Trí (Mental plane), còn gọi là Thượng giới, chia làm hai:
a/ Ba cảnh trên ứng với óc trừu tượng gọi là cõi thượng trí hay thượng thiên, vô sắc giới (arupa, tư tưởng trừu tượng không diễn tả bằng hình rõ ràng như cái nhà, con vật mà bằng biểu tượng và mầu sắc; thí dụ ước nguyện thanh cao, lòng sùng tín biểu lộ bằng hình sao nhấp nháy mầu tím hay xanh dương).
b/ Bốn cảnh thấp ứng với óc cụ thể còn gọi là cõi hạ trí hay hạ thiên, sắc giới (rupa, tư tưởng biểu lộ bằng hình, thí dụ ta thương mến và nghĩ tới ai thì tạo nên hình nhỏ bé của họ trong thể tình cảm của ta, người có thông nhãn thấy hình ấy và do đó 'đọc' được ý nghĩ của ta, hay tín đồ dự lễ tại chùa, nhà thờ nhưng lòng ao ước nữ trang, nhà cửa thì hình các ý này cũng thấy rõ trong thể của họ !). Đây là tây phương cực lạc, hay thiên đàng trong tôn giáo, chỗ ta ngơi nghỉ (Devachan) giữa hai kiếp sống chờ đợi tái sinh.
Cõi Tình Cảm (Astral plane) còn được dịch là Trung giới.
Chữ astral -astre: tinh tú- được dùng vì với người quan sát từ cõi trần, nó lấp lánh như ánh sao.
Cõi Vật Chất (Physical plane), còn gọi là hồng trần, Hạ giới.
Mỗi cõi lại chia làm 7 cảnh, ba cảnh thấp nhất của cõi trần là đặc, lỏng và hơi; bốn cảnh cao gọi là cảnh ether. Cõi và cảnh không phải là nơi chốn không gian riêng biệt, mà xếp chồng và thấu nhập vào nhau tựa như khí lan vào chất đặc, lỏng. Theo cơ tiến hóa, con người sau khi làm chủ một cõi sẽ tiến sang cõi trên nó để học hỏi tiếp; như vậy sau cõi trần, ta phát triển và kiểm soát tình cảm thay vì để chúng chế ngự, rồi kế đó học sử dụng lý trí, dùng óc thông minh tìm tòi học hỏi.
– Crotona.
Địa danh của một vùng đông nam của Ý, khi trước thuộc Hy Lạp, và cũng là tên trường dạy về Minh Triết Thiêng Liêng, do nhà toán học Pythagoras lập ra vào đầu thế kỷ thứ sáu trước tây lịch. Ngài là tiền thân của Chân Sư K.H., một trong hai Vị sáng lập Hội Theosophia.
– Cung. (Ray)
Đặc tính của một thể, một người. Có bẩy cung tất cả: Ý chí, Minh triết-Từ ái, Triết lý, Hòa hợp, Khoa học, Sùng Tín và Nghi thức. Nói giản dị thì mỗi kiếp ta chọn một cung chính cho phàm ngã để phát triển con người.
– Chân ngã, hay Chân nhân (Ego, với chữ E hoa, Soul)
Phần linh hồn thiêng liêng trường tồn qua bao kiếp sống so với phàm ngã (ego, personality) là vật vô thường, tan biến sau mỗi kiếp. Còn gọi là con người thật.
– Chân Sư (Master),
Bậc tiến hóa cao được năm lần chứng đạo trở lên và thâu nhận đệ tử. Đây là danh từ chúng ta gọi các Ngài, còn thì các Ngài tự xưng mình là huynh trưởng, người đi trước ta một đoạn trên đường tiến hóa. Một trong các Chân Sư quen thuộc là Đức Jesus, vị đã cho Đức Chúa (Đức Di Lặc, thầy của Ngài) mượn xác trong ba năm cuối đời Ngài ở Palestine để giảng đạo. Thánh Paul, Ngài Long Thọ (Nagarjuna) là những Chân Sư khác, đức Khổng Tử cũng là một vị Đại Chân Sư.
– Chứng đạo (initiation),
Sự tiến hóa của con người được đánh dấu bằng việc mở rộng tâm thức. Mỗi chặng như vậy được gọi là chứng đạo, chỉ mức độ phát triển tâm linh và nghi lễ xác định sự đạt tới mức độ ấy. Còn dịch là điểm đạo. Mục tiêu con người trong chu kỳ tiến hóa này là đạt tới lần điểm đạo thứ năm. La Hán là bậc được bốn lần chứng đạo.
– Đạo đồ, đạo gia (initiate),
Có hai nghĩa, nghĩa rộng nói chung ai đã nhận được chứng đạo, nghĩa giới hạn chỉ người nhận chứng đạo ba lần trở xuống.
– Đạo sư (adept)
Vị qua năm lần chứng đạo trở lên.
– Đạo Vương
Tây phương có một ý niệm gần gũi tư tưởng này, là điều mà Plato gọi là Philosopher-King, chỉ một người vừa là minh quân vừa là đạo gia, dung hòa được thuật trị nước và lẽ huyền diệu của trời đất. Đạo Vương là vị quân vương thấu hiểu lẽ đạo, người đã được thâu nhân vào đường đạo, có hiểu biết về huyền bí học, do đó biết hướng dẫn đất nước, dân chúng phát triển cho hợp thiên cơ. Thường thường vào thời xa xưa khi các đấng cao cả còn ở chung với con người, những trường huyền bí học được giảng dạy công khai, hình thức Đạo Vương thực hiện được dễ dàng và cũng là khuôn mẫu để trị nước. Châu Atlantis, Ai Cập và nền văn minh Maya khi xưa là vài thí dụ cho phương thức này.
Ngày nay ý trên vẫn còn thấy trong chế độ dân chủ nhưng dưới hình thức khác. Vài nhà lãnh đạo có ảnh hưởng sâu rộng trên thế giới nhận cảm hứng từ những đấng chăm lo cho nhân loại, và nhờ đó đưa ra các quyết định phục vụ cho sự tốt đẹp chung của thế giới. Hội Quốc Liên sau thế chiến I và Liên Hiệp Quốc là hai tổ chức hình thành do sự gợi ý từ bên trong, cũng như phong trào thành lập nghiệp đoàn công nhân, hội Hồng Thập Tự, hội bảo vệ loài vật.
Nhân đây ta nói thêm về việc vào cửa đạo. Sự tiến hóa của con người được đánh dấu bằng việc mở rộng tâm thức. Khi thấy một người có khả năng và muốn giúp đời, Chân Sư thâu nhận họ và chỉ dạy, làm cho khả năng phụng sự của họ được gia tăng để trợ giúp Ngài trong phần việc riêng của Ngài trong Thiên cơ; còn việc người ấy cùng lúc được phát triển tâm linh là chuyện phụ, và không hề là lý do chính để được thâu nhận. Nói khác đi, Chân Sư đi tìm và được hấp dẫn bởi lòng thành tâm giúp đời, mà không phải ước ao được tiến bộ tinh thần. Vào cửa đạo có thể được hiểu theo nhiều cách:
* Một người quyết chí đi tìm và sống theo chân lý.
* Anh đã được Chân Sư thâu nhận làm đệ tử.
* Anh đã trải qua ít nhất một lần chứng đạo (initiation).
Trong chuyện, vào thời đại mà Ai Cập còn những trường dạy về huyền bí học, vào cửa đạo có thể hiểu là được thâu nhận vào một trong các đền thờ để học hỏi.
– Đệ tử,
Khi thấy một người có khả năng và muốn giúp đời. Chân Sư thâu nhận họ và chỉ dạy, làm cho khả năng phụng sự của họ được gia tăng, còn việc người ấy cùng lúc được phát triển về tâm linh là chuyện phụ và không hề là lý do chính để được thâu nhận; nói cách khác, Chân Sư đi tìm và được hấp dẫn bởi lòng thành tâm giúp đời, mà không phải ước ao được tiến bộ tinh thần. Hiện nay, việc Chân Sư thâu nhận đệ tử vẫn đang tiếp tục.
– Giống dân (root race - mẫu chủng),
Sách ghi rằng trong đời sống của trái đất có 7 giống dân chính (mẫu chủng) xuất hiện, hai giống dân đầu đã mất tích hẳn, giống dân thứ ba còn lưu lại dấu vết là thổ dân ở Úc hay bushman ở sa mạc Kalahari của Nam Phi. Giống dân thứ tư đa số ở Châu Á, ngày nay là tầng lớp thấp nhất của Trung Hoa, Mông Cổ... giống dân thứ năm là người da trắng, còn hai giống dân chót chưa ra đời. Theo nguyên tắc vào một thời điểm chỉ có ba giống dân hiện diện cùng lúc trên địa cầu. Mỗi mẫu chủng lại có 7 chi chủng (sub-race, giống dân phụ), theo đó Nhật Bản là chi thứ 7 của mẫu chủng thứ 4, còn chi thứ 6 của mẫu chủng thứ 5 đang bắt đầu xuất hiện, và mỗi chi lại có 7 nhánh phụ (branches).
Mỗi giống dân chính có đặc tính riêng, có tính chất phải khai mở trong thiên cơ: giống dân thứ tư phát triển tình cảm, giống dân thứ năm phát triển trí tuệ và giống dân thứ sáu là trực giác. Ta chớ lầm cái chót với chi thứ 6 của giống dân thứ 5 có liên hệ với giống dân thứ sáu, nhưng đặc tính nổi bật của chi này sẽ là việc sử dụng óc trừu tượng mà không phải hoàn toàn hướng về trực giác. Lại nữa, nó không có nghĩa tất cả người Á châu đều thuộc giống thứ tư và người da trắng nào cũng thuộc giống thứ năm; các linh hồn tiến hóa đầu thai vào bất cứ nơi nào cần để phụng sự và cũng để trang trải nhân quả, hay học điều cần phải học.
– Hành Tinh Thượng Đế (Planetary Logos)
Đấng cao cả nhất trên địa cầu hay các hành tinh khác, coi sóc việc tiến hóa của hành tinh. Ngài còn được gọi dưới nhiều tên như ông Trời, Chúa Cha (không phải Jehovah, vốn là thần của bộ lạc Do Thái khi xưa), đấng Cha lành. Trên các Ngài là vị Thái Dương Thượng Đế (Solar Logos) phụ trách việc tiến hóa trong thái dương hệ. Vị chịu trách nhiệm của nhiều thái dương hệ là Vũ Trụ Thượng Đế (Cosmic Logos), và trên nữa là ... chắc không cần phải đi xa hơn ! Phụ tá cho Ngài là những Đấng Cao Cả như đức Phật, đức Di Lặc (đức Chúa) và các Chân Sư.
– Hạt nguyên tử trường tồn (permanent atom),
Mỗi thể xác, tình cảm, trí có một hạt nguyên tử trường tồn, cái vẫn tồn tại sau khi con người qua đời trút bỏ các thể khiến chúng tan rã. Chúng lưu trữ tất cả kinh nghiệm con người đã trải qua trong ba cõi. Khi tái sinh thiên thần dựa vào hồ sơ trong ba hạt mà tạo những thể thích ứng với nhân quả.
– Hình tư tưởng (thought form),
Mỗi tư tưởng cụ thể hay trừu tượng, tình cảm con người phát ra đều tạo nên hình ở cõi thanh, chúng có mầu sắc và hình dạng tương ứng với đặc tính của các ý. Nếu ý mạnh, hình có thể phóng tới đối tượng, mang theo năng lực của nó và đem chuyện lành hay chuyện dữ tới họ. Lời cầu nguyện của bà mẹ là một thí dụ, nó mang tình cảm thương yêu đến con bà cũng như lời cầu nguyện cho người chết có kết quả rất thực, giúp họ sớm thức tỉnh hơn với cảnh đời mới và thấy bình an trong những ngày đầu chuyển tiếp giữa hai lối sống.
– Hoàng hậu của Pharaoh, chương 2.
Theo tục lệ hoàng gia Ai Cập khi xưa, Pharaoh lập em gái hay chị làm hoàng hậu.
– Huyền bí học và huyền bí gia, huyền thuật (occultism, occultist, occult art)
Khoa học về những bí ẩn trong trời đất và người thực hành khoa ấy. Môn học có nhiều trình độ, với người đi sâu họ có sự hiểu biết về các luật trong vũ trụ, có thể sử dụng sự hiểu biết ấy cho ra kết quả mà ta gọi là huyền thuật (dân gian gọi là phép lạ). Hiện tượng đi trên nước, hóa bánh và cá với số lượng dồi dào mà đức Chúa làm là huyền thuật, ai cũng có thể làm được nếu biết cách. Ở mức thông thường hơn, đó là các đạo sĩ Yogi sống lâu, có thể được chôn nhiều ngày mà vẫn sống, biết tàng hình, phân thân. Ở mức thấp nhất, mỗi chúng ta là huyền bí gia khi suy nghĩ hay thốt lời, vì tư tưởng là vật có sức mạnh và sức sống riêng, ta có thể dùng tư tưởng hay lời nói để làm người vui vẻ hay gây tổn thương cho họ; khi dùng lực như vậy ta đã vô tình sử dụng huyền thuật và trở thành huyền bí gia dù không ý thức.
– Karma,
Nhân quả.
– Lắm kẻ không trở về, chương 1.
Câu nói 'bán linh hồn cho quỷ' chỉ là một cách diễn tả mà không phải là sự thực, vì linh hồn con người (Chân ngã) cùng bản chất với Thượng Đế, và không có gì tách rời được nó với nguồn gốc sinh ra là Ngài. Linh hồn ở cõi cao nên muốn kinh nghiệm ở cõi thấp, nó phải gửi một phần của mình xuống ba cõi dưới (trí, tình cảm, và vật chất); đó là phàm ngã với ba thể trí, tình cảm và xác thân. Phàm ngã còn được gọi là phản ảnh của chân ngã, nó là một phần của linh hồn, cũng như linh hồn là một phần của Thượng đế. Như linh hồn có sự sống riêng biệt với Thượng đế tuy nằm trong ngài, phàm ngã cũng có tự do ý chí và đời sống riêng. Khi do ý muốn mà phàm nhân đi theo tà đạo trong nhiều kiếp, tới khi tình thể trầm trọng không thể cứu vãn được nữa, linh hồn tạm thời cắt đứt mối dây với phản ảnh của nó dưới trần, đưa tới tình trạng sách vở huyền bí gọi là mất linh hồn. Ấy là biến cố trọng đại làm ngăn trở đáng kể sự tiến hóa của chân nhân.
– Luân xa (centre, chakra).
Là những trung tâm lực còn gọi là huyệt đạo trong các thể thanh của con người. Có nhiều luân xa, trong số có 7 luân xa chính với ba cái ở dưới hoành cách mạc (diaphragm) thiên về bản năng, tình cảm và bốn cái ở trên thiên về trí tuệ, tinh thần. Sự phát triển của luân xa tương ứng với sự phát triển tâm linh của người, hiện tại đa số nhân loại phát triển mạnh về mặt tình cảm và bị tình cảm chi phối, và đang tập dùng lý trí để chế ngự tình cảm. Vì lý do đó huyệt đan điền (solar plexus, tùng thái dương) phát triển nhiều hơn các luân xa khác. Huyền bí học dạy là không nên tập mở đặc biệt một luân xa nào, cũng như không nên chú trọng vào nó; các phép luyện hay khai mở luân xa trong đa số sách có thể dẫn tới kết quả bất lợi và nguy hiểm. Cách tốt nhất là để yên chúng mà chăm chú vào việc sửa tánh hạnh, tu thân và giúp đời; một khi đời sống tâm linh tiến bộ các luân xa sẽ tự động phát triển, bởi chúng chỉ là hệ quả tất nhiên của việc trau luyện thân tâm.
– Lực trên đường đi xuống,
Sự tiến hóa đi theo hình chữ V, con người thật là tinh thần thiêng liêng, đi xuống những cõi thấp khoác lấy nhiều hình thể mà cái nặng nề nhất là kim thạch, rồi sau đó bắt đầu đi lên. Nhưng có nhiều đường tiến hóa song song cùng lúc với nhau tuy không cùng hướng với con người, cũng như các đường tiến hóa trong thế giới xếp chồng lên nhau. Trong lúc con người đi lên thì có những đường đi xuống, mục tiêu của hai đường khác nhau nên ta phải cẩn thận không để bị lôi cuốn vào những khuynh hướng không phù hợp với đường tiến hóa vào giai đoạn này của mình. Lấy thí dụ lực phân rẽ, tách biệt, thù hận, ghét bỏ là những lực thích hợp cho giai đoạn cần củng cố cái tôi, cần những rung động thô bạo và nó rất hợp cho sinh vật ở trình độ tâm thức ấy, nhưng vào mức tiến hóa của con người điều đó không cần thiết nữa, y như tính tình trẻ thơ hóa lạc điệu khi ta trưởng thành.
– Medici, Lorenzo dei (1459-1492),
Một nhà tài chính nổi tiếng thời Phục Hưng của Ý, khiến cho giòng họ Medici trở nên một thế lực chính trị và tài chính đáng kể. Ông cũng có công khuyến khích, phát triển nghệ thuật.
– Nốt của chân nhân.
Việc quá quen thuộc với thế giới vật chất hữu hình, sờ mó được khiến chúng ta khó nắm lấy cái chân lý là thế giới được tạo do âm thanh (Ngôi Lời), và mỗi trình độ tâm thức hay tính khí đều có một nhịp rung động riêng, một âm thanh căn bản. Ở cõi vô hình nơi linh hồn trú ngụ, điều phân biệt mức cao thấp của những linh hồn là ánh sáng mà âm thanh mà linh hồn phát ra. Nói một cách bóng bẩy mà rất cụ thể, linh hồn biết rõ nốt căn bản mà nó muốn làm ngân vang trong một kiếp hay một chuỗi nhiều kiếp, nốt ấy có những phụ âm và mỗi lần tái sinh, linh hồn cố gắng học hỏi sao cho một phụ âm được tròn đều, trong trẻo, vang dội.
Diễn tả rõ hơn, mỗi kiếp sống có một nốt, nốt ấy có thể là thương yêu, vui vẻ, sáng suốt, hy sinh hay quyết tâm, và người càng tiến hóa nốt ấy càng phức tạp, đa dạng mà cũng rất tinh tế. Khi âm vang trong một kiếp chưa được như ý muốn, linh hồn sẽ tái sinh để làm toàn thiện, xong âm này rồi tới âm kia. Đây là ý đã nhắc tới phớt qua trong chữ 'Cung' ở trên. Ý thật của câu 'đồng thanh tương ứng ...' là khi hai thể cùng rung động ở một nốt hay cùng một tần số, ta có sự thu hút lẫn nhau. Hai linh hồn cùng phát triển về một khuynh hướng, có cùng một cung, sẽ rung động nhịp nhàng với nhau, cho ra hiện tượng tâm đầu ý hợp.
– Phàm ngã, (Personality, ego với chữ e thường, còn dịch là phàm nhân),
Cái ngã, cái tôi, cá tính, chỉ phần thấp của linh hồn trong mỗi kiếp sống ở cõi trần. Trong các sách về Minh Triết Thiêng Liêng, chữ Ego với E hoa chỉ chân nhân, cái tôi thiêng liêng bất diệt, phần linh hồn; còn chữ ego với e thường chỉ phàm nhân. Ý nghĩa hai chữ ego này khác với lối dùng của khoa tâm lý và cần phân biệt, cũng như đôi khi ego với e thường lại ngụ ý chân nhân !
– Prana,
Sinh lực phát xuất từ mặt trời được thể sinh lực hấp thu.
– Quên nhiều kiếp, chương 1.
Bất lợi của việc nhớ lại kiếp xưa đã được trình bầy trong chuyện, và còn một điều nữa nên được biết tới. Trọn quá khứ từ khởi thủy xa xăm của con người được lưu giữ trong ba hạt nguyên tử trường tồn xác, tình cảm và hạ trí. Khi ta chết, ba thể tan rã nhưng hạt nguyên tử này còn lại mãi, được giữ trong căn thể giữa hai kiếp sống; trước lúc tái sinh, dựa vào 'hồ sơ lưu trữ' này mà các thể mới được tạo, và nhân quả được ấn định cho kiếp tới. Khi trả quả phàm nhân có thể không hay biết lý do, nhưng bởi kinh nghiệm được lưu lại trong ba hạt, linh hồn biết chuyện xưa và bởi chính linh hồn tái sinh để học hỏi - mà không phải ba thể -, việc não bộ xác thịt nhớ hay không không phải là điều chính.
– Tinh linh (Elementals),
Là những sinh vật ở ba cõi vật chất, và tình cảm lo việc tạo dựng mặt hình thể của sự sống. Thường khi con người không thấy được chúng. Sinh vật chưa có ngã thức riêng, được sai khiến bằng thần chú để làm chuyện lành hay dữ tùy ý người sử dụng chú ngữ. Các phép thuật như hô phong hoán vũ chính là sự điều khiển các tinh linh này. Tinh linh đất như chú lùn tạo nên tinh thể đá, khoáng thạch, làm mùa màng chín, cây lá đổi màu; tinh linh không khí sinh ra gió, thủy tiên sống ở suối, thác, biển và sinh ra mưa bão v..v..Tinh linh tiến hóa cao có được ngã thức và thành thiên thần. Chính thiên thần điều khiển tinh linh tạo nên các thể con người trong giai đoạn tạo hình khi tái sinh, nhân gian gọi các ngài là bà mụ.
Tinh linh thấp kém ưa thích làm rung động nặng nề, thô kệch, hung bạo, nên có hiện tượng sát sinh để tế thần. Trên đường tiến hóa đi theo hình chữ V, tinh linh là sinh vật đang tiến hóa theo chiều đi xuống nên tuy có vị trí chính đáng trong thiên cơ, mục tiêu và đường lối hoạt động của chúng đối nghịch hẳn với người. Các tôn giáo lớn đều răn dạy tín đồ tránh xa cùng ham muốn việc tập luyện huyền thuật, vì huyền thuật xử dụng tinh linh mà với ai thân, tâm chưa trong sạch, chưa thông thạo huyền bí học, đó là việc làm tối nguy hiểm.
– Tinh lọc hạt nguyên tử (chương 2).
Chỉ tính cách chính xác rất mực của việc tu thân, nó được thực hiện ở thế giới hữu hình lẫn vô hình. Khi ta phát sinh một ý, mỗi hạt nguyên tử trong các thể rung động theo ý đó, và tu thân là nâng làn rung động cho cao hơn. Sự trang trải nhân quả bắt đầu từ các hạt nguyên tử, tức khởi sự từ vật nhỏ nhất; vì vậy hành động cầu xin thần thánh giải tội, cúng sao, xá tội, có năm toàn xá, chỉ là hình thức hối lộ, hiểu sai luật trời và không có ích gì.
– Tổng Quả (Dweller on the Threshold)
Chỉ tổng số nhân quả từ trước đến nay ta đã tạo mà chưa trang trải hết, đang chờ được quân bình. Về con cua, người có thông nhãn quan sát thấy nơi ai bị ung thư nó như khối vật chất thanh bám vào thể thanh của họ, ăn lan như cua bò. Về mặt bí truyền, khối vật chất ấy là tư tưởng hay tình cảm đã gây ra khi xưa, giờ cần được hấp thu hoặc để hóa giải cho tiêu tan, hoặc để thăng hoa.
– Thể Sinh Lực (etheric body, vital body còn gọi là thể phách),
Một thể thanh của con người, làm bằng chất ether của cõi trần, có nhiệm vụ luân lưu sinh lực prana từ mặt trời đi vào thể xác.
– Thiên Ảnh Ký (Akashic Records)
Tất cả những sự việc xẩy ra trong vũ trụ được ghi trong đó, lưu giữ mãi mãi và con người có thể đọc lại nếu biết cách. Người có thông nhãn nhìn vào đó thấy lại quá khứ lẫn tương lai. Phương pháp là khi đi ngược như vậy, họ sinh sống y như các nhân vật ở thời đại ấy mà khi quay trở về đời hiện giờ, do những chi tiết nghe, thấy được trong cảnh đời qua, họ có thể so sánh và truy ra được mốc thời gian của nó.
– Thiên Đoàn (Hierachy), Nhóm Huynh Đệ Chánh Đạo (White Brotherhood),
Tổ chức của những đấng Cao Cả chăm sóc sự tiến hóa trên địa cầu, còn được gọi là Đại đoàn Chưởng Giáo, hay Đại đoàn. Trong sách về Minh Triết Thiêng Liêng, chữ Hierachy với H hoa được dịch như trên, với h nhỏ dịch là loài, thí dụ loài vật, loài người. Đức Phật, Đức Chúa và các Chân Sư đều thuộc về Thiên đoàn.
– Thông nhãn, thông nhĩ (clairvoyance, clairaudience),
Khả năng thấy và nghe được sự việc ở cõi khác, còn được dịch là thần nhãn và thần nhĩ, nhưng xét ra chữ thần không đúng lắm vì ai cũng có thể luyện tập để có khả năng này (còn nên có hay không lại là chuyện khác), mà không phải chỉ thần thánh mới có; nó cũng không phải là quan năng tinh thần mà trong nhiều trường hợp là biểu hiện của phần tâm linh thấp, chẳng hạn thú vật như chó, mèo, ngựa và người rất sơ khai ở các bộ lạc da đỏ hay ở Phi châu có khả năng ấy, nên chữ thông (clair: trong sáng) chính xác hơn.
– Zarathustra,
Giáo chủ Hỏa giáo ở Ba Tư (Persia) vào thế kỷ thứ sáu trước tây lịch. Hiện nay đa số tín đồ là người Farsi (tên cũ của Ba Tư). Họ bị đánh đuổi khi Mông Cổ xâm lăng Ba Tư và chạy sang nước khác lánh nạn, nhiều nhất là ở Ấn Độ. Viết theo Hy Lạp tên ngài là Zoroaster, ngài là một tiền thân của Phật Thích Ca.