VỊ CHÂN SƯ (PST 60)

 

Xem Vị Chân Sư từ số đầu tiên trong mục Sách Dịch

The Initiate in the Dark Cycle (tt)

 

Cyril  Scott

 

Thế nhưng, một thời gian sau Euphonia gọi điện thoại cho Viola, mời nàng đến gặp bà vì theo chữ của bà, nàng 'chống lại là phải lắm ...' Trong nhiều trường hợp khi bà, hoặc đúng hơn là Snowflake, muốn hăng hái giúp nhất, đã thua thảm hại. Chỉ dẫn đưa ra lại làm hoang mang thêm, lời tiên tri thì không thành. Tội cho Euphonia, thực tình là người cả tin, bị tuyệt vọng hết sức. Như vậy bà không gì khác hơn là kẻ giả mạo vô ý thức và ngoài ý muốn hay sao ?
Tự mình thì bà không biết mình nói gì khi Snowflake nhập vào điều khiển, nhưng lẽ tự nhiên bà thấy có trách nhiệm với chuyện gì 'xẩy ra'; và nếu năng khiếu trời cho của bà chỉ được dùng để gạt gẫm và làm người khác thất vọng ... Tóm tắt là xin Viola, một trong những khách hàng có thiện cảm nhất, vui lòng đến dự một buổi cầu hồn với bà; nàng không phải trả tiền tuy Euphonia thú thật đang gặp khó khăn ... Bà chỉ muốn có cơ hội này để thử khả năng của mình và trấn an mình rằng nó chưa mất hẳn. Bà đồng nói tiếp 'Nếu Snowflake không làm được gì cho cô thì sẽ không thể làm gì được cho ai khác, và tôi chỉ có nước dẹp tiệm'.
Viola sẵn lòng gặp bà ngay, nàng nói:
– Em có thể tưởng tượng bà như đang ở trong địa ngục.
– Có lẽ bây giờ khi em tới với tinh thần hoàn toàn không ích kỷ, tôi trêu nàng, không chừng em có thể có được kết quả thực sự đáng công.
Nàng nhún vai và cười to.
– Em hết hy vọng rồi, nhưng không thể làm Euphonia thất vọng, bà đã làm hết khả năng của bà cho em.
Đột nhiên tôi nẩy ý, sao không đem ai có thông nhãn tới dự chung buổi cầu hồn ? Có Harold Clegg đó. Tuy không phải lúc nào anh ta cũng nói đúng, nhưng có lẽ anh có thông nhãn đủ mạnh để giúp được bà đồng đang khổ sở. Và tại sao không mở buổi cầu hồn ở nơi thuận lợi hơn, tức ngay trong nhà chúng tôi, rồi có lẽ nên mời Lyall Herbert tới và 'tạo' khung cảnh cho bà đồng bằng vài khúc nhạc ...
........

Lyall Herbert đã chơi xong nhạc trong vở Parsifal; bà đồng đã thiếp đi và Snowflake điều khiển sự việc.
– Ô ô, cô bắt đầu, xoa hai tay như thường lệ, nhạc dễ thương quá, và chỗ gì mà dễ yêu quá vậy, tui không ngại tới đây đâu ... rồi ba ông đây, tui cám ơn lắm ... Rồi cô khởi sự rên rỉ. Nhưng bà đồng của tui tội lắm, buồn hết sức, đau lòng lắm, tại tui nói tầm bậy tầm bạ với ông Nam và quí nương là hai người mà bà đồng biết, làm ông Nam và quí nương thiệt là giận ... Tụi tôi ráng nói sự thiệt, nhưng có lúc hông có dễ ... bụi bặm bên nây nhiều lắm ... rồi có khi mấy vong linh cố ý hướng dẫn tui nói sai để giúp cho cuộc tiến hóa của ông Nam và quí nương ... Nhưng bây giờ làm ơn cho bà đồng hay là bà không có lường gạt, để bà đừng lo nữa.
Khi đó tôi hỏi, như trong những lần cầu hồn trước Viola đã hỏi, liệu cô có thể cho chúng tôi tin gì về thầy J.M.H. Ngài có thực sự bị thiệt mạng không, và nếu không thì ngài đang ở đâu và tại sao mất dạng ? Nhưng cô chỉ lắc đầu và nói ngay cả bên 'cõi của mình', cô cũng không được cho biết hết mọi chuyện. Cô cho chúng tôi hay tiếp theo cách lạ lùng của cô, là nhạc mà Herbert chơi sinh ra làn rung động cao khiến cho 'bà nhỏ con áo xanh', cô gọi Chris như vậy, đến được một chốc. Ngay cả trong ánh sáng mờ nhạt tôi cũng thấy được niềm vui mừng không ích kỷ hiện trên mặt Herbert, và nét ngạc nhiên pha với lòng mong mỏi lộ trên mặt Viola. Nhưng khi Chris nhập vô thì tuy có vẻ như bà tuôn rải tình thương ra chung quanh, bà chỉ nói được thì thào: 
– Không phải lúc nào tôi cũng nói được qua bà đồng này, tôi đi tìm khắp nơi, tìm hoài ... có ai khác làm cầu nối được chúng ta với nhau ... tôi tới để cho các bạn hay ...
Bà tan biến dần.
– Sao, anh thấy thế nào ? chúng tôi hỏi Clegg sau khi bà đồng đã về.
– Snowflake nói đúng, anh đáp, tình trạng ở cõi trung giới trong lúc này bị xáo trộn gây khó khăn nhiều cho việc tâm linh. Tôi dám nói là nhiều người đồng như kiểu Euphonia thấy mình cũng bị gay go như vậy.
– Tuy nhiên, tôi nghĩ mình đã giúp bà tự tin hơn khi cho hay Snowflake nói gì. Viola bảo
– Trông bà vui hơn hẳn so với khi mới tới, Herbert  nói, và chúng tôi cùng đồng ý với anh..
– Trong lúc Herbert chơi đàn, Clegg tiếp tục kể cho chúng tôi hay những ấn tượng của anh, tôi thấy cô gái da đỏ ngộ nghĩnh lượn chung quanh bà đồng. Rồi đột nhiên – phụt ! – và cô biến mất vào huyệt tim của bà giống như làn khói bị hút vào ống khói.
– Nhưng còn Chris thì sao ? Viola hăm hở hỏi.
– Khi Snowflake nói chuyện, tôi thấy bà hiện ra ... Ồ, đúng là bà Portman, Clegg không hề dùng tên cúng cơm của bà, bà đứng xa xa một chút cạnh bức tường.
– Tôi tưởng anh có nói, tôi mở miệng, là bà đã đi lên chỗ cao ... nhưng Viola ra hiệu cho tôi đừng ngắt lời.
– Khi cô gái nhỏ da đỏ rút lui, bà Portman tìm cách điều khiển hào quang bà đồng và gây ấn tượng về tư tưởng của bà lên đó; nhưng bà không điều khiển hoàn toàn cơ thể của Euphonia được như Snowflake. Có vẻ như bà thấy làm chuyện bà đã làm đủ khó rồi, và phải nhờ Snowflake giúp vào. Trọn câu chuyện là xà ngầu giữa bà Portman, bà đồng và cô nhỏ hướng dẫn bà đồng.
– Đúng như tôi luôn luôn nghĩ, Viola kêu to, nó có tình thương tuyệt vời của Chris, rồi khi bà tìm cách nói ra lời ...
– Giống như chơi đàn dương cầm mà có đeo bao tay dầy ... Lyall gợi ý, chống mấy ngón tay dài vào một bên gương mặt nhậy cảm có nét giống như Chopin, anh hay có cử chỉ đó.
– Nó đúng là thí dụ tôi muốn nói mà nghĩ không ra.
– Tôi cứ nghĩ chuyện xui là, Clegg nhận xét, mấy người đồng không chịu tính toán hơn; họ có năng khiếu đó mà không chịu nghiên cứu huyền bí học một cách khoa học. Bà đồng này không biết việc gì đang thực sự diễn ra.
– Ông già, hôm nọ anh nói trật đường rầy ..., tôi nhất định nói điều muốn nói. Ai bảo Chris đã đi xa lắc làm cho không thể có liên lạc được nữa ?
Anh cười xin lỗi.
– Tôi nói theo cái óc mà không dùng khả năng tâm linh của mình.
– Cái não có thể rất sai lầm, Herbert nói khô khan.
– Chút xíu nữa là anh làm tan vỡ tim cô Hart, tôi bảo, không có ý chơi chữ (Miss Hart's heart), nhưng Clegg dở về tâm lý quá nên không hiểu.
– Mấy người nào thấy được thì hay gặp vấn đề như vậy, họ không thể đặt mình vào địa vị của ai không thể thấy ... Viola phê bình sau khi anh đã ra về. Rồi nàng nói một cách ao ước.
– Em nghĩ, em tự hỏi ai sẽ là trung gian mới mà Chris bảo là đang tìm cho tụi mình ...

 

CHƯƠNG  IV
'Âm của Lời Thinh Lặng'

 

Nhưng tôi đã nhẩy chuyện mà không theo diễn biến có thứ tự lớp lang.
Vào ngày nhận được thư của Arkwright làm chấn động, tôi gọi điện thoại cho Toni Bland và Lyall Herbert, mời họ đến nói chuyện; tôi thấy bắt buộc phải cho hai người hay lỡ họ không được một trong các đệ tử nói thẳng cho biết.
Lyall Herbert bị ảnh hưởng thấy rõ khi tôi đọc cho cả hai nghe lá thư của Arkwright; Toni, ngược lại, sau cái chấn động thoảng qua ban đầu, nhắm mắt lại theo thói quen của anh, và lập tức ra công trấn an chúng tôi.
– Nói cho cùng, anh ngẫm nghĩ, vị Chân sư vẫn tiếp tục là Chân sư dù ngài có tạm thời mất thể xác hay không.
– Nhưng một vị Chân sư không bỏ đi và để bị thiệt mạng theo như vầy, Lyall phản đối. Để mình bị đóng đinh vì công cuộc cao cả là một chuyện, mà nó là chuyện khác khi để mất thân xác hoàn toàn mạnh khỏe trong tai nạn hỏa xa.
– Anh tin vào điều tệ hại nhất trước khi mình biết đó là chuyện thật à ? Toni chất vấn.
– Thiệt tình tôi không biết nghĩ sao, tôi lên tiếng, trọn sự việc làm tôi hoang mang hết sức. Khi đọc lá thư ấy, tôi không ngại nói thật với mấy anh là mới đầu tôi có ý nghi ngờ.
– Nghi ngờ cái gì ? Toni hỏi
– Như vầy, tôi tự hỏi thầy J.H.M có đúng như là tụi mình nghĩ về ngài hay không !
– Tôi cũng cảm thấy giống vậy, Lyall bảo, tuy nói ra thì có xấu hổ một chút.
Toni mỉm cười.
– Nó có phải là câu hỏi về luật chu kỳ không ? anh gợi ý.
Chúng tôi không hiểu ý anh.
– Hai anh có nhớ vị Chân sư được gọi là Bá tước St. Germain hồi ngay trước cuộc cách mạng Pháp ? Toni tiếp tục.
Tôi gật đầu.
– Sau khi làm việc ở Paris, ngay cả việc tới lui trong xã hội một thời gian giống như thầy J.H.M làm ở London, ngài đã mất tăm một cách bí ẩn phải không ?
– Đúng đó, Herbert nhìn nhận.
– Đúng, nhưng mà tại sao ? Toni nói tiếp. Tôi nghĩ đó là vì các Chân sư làm việc theo chu kỳ, và khi    tới lúc chấm dứt một chu kỳ thì các ngài cần thay đổi đường lối và phải có thích nghi đủ loại. Anh mở mắt và nhìn tôi. Phải thầy J.H.M biến mất khỏi London khoảng năm 1908 ?
– Khoảng đó, tôi đồng ý.
– Và khoảng 12 năm trước tụi mình gặp ngài trở lại ở Hoa Kỳ, tôi tới đó vài tháng sau khi anh về, Broadbent. Lúc đó thầy J.H.M có hề cho chúng ta hay ngài làm chuyện chi không ?
– Chắc chắn là ngài không hề nói với tôi, tôi đáp. Hồi tôi tới thì thầy đã trụ vững vàng ở đó với nhóm đệ tử của ngài, nhưng thầy đã ở đó bao lâu rồi thì ngài không hề cho biết.
– Thế thì, anh có nghĩ là thầy sẽ trở lại nữa không ? Lyall hỏi. Tôi chỉ quan tâm đến việc đó thôi. Tôi làm cật lực trong thời buổi khó khăn này để dành dụm có đủ tiền quay lại Boston, rồi bây giờ ... Anh bỏ lửng và tôi ý thức được anh cảm xúc ra sao.
– Mà thầy có bao giờ gợi ý điều đó không ? Toni hỏi với một nụ cười.
– Không, bây giờ nghĩ lại thì thầy không có nói !
Toni lắc đầu.
– Tính toán kiểu đó là điều nguy hiểm khi chuyện có liên quan đến vị Guru. Hồi thầy J.H.M viết thư mời tôi sang Boston, ghi rõ ngày giờ chính xác, tôi hăng hái quá và gửi điện tín hỏi có thể tới sớm hơn một tháng. Thư trả lời là chữ Không thẳng thừng, ngắn gọn không có giải thích nào. Đến khi tôi sang, ngài rầy tôi đã gửi bức điện tín ấy. Từ đó tôi học được bài học của mình.
– Thế nhưng, anh coi này, tôi vạch ra. Tôi nhận được nhiều thư hỏi xin tôi dàn xếp buổi gặp mặt với thầy J.H.M, trong khi ngay cả chúng ta, học trò của ngài, không thể đi tới gặp thầy sớm hơn một phút giờ mà ngài đã chọn. Có lần tôi làm gan gửi cho thầy bức thư của một độc giả nằng nặc đòi và ngài trả lời 'Này con, ta tưởng con có đủ thông minh để hiểu rằng ta không giúp được gì cho một bà chỉ coi mình là trọng ...' Thầy nói nặng thật, mà trúng ngay hồng tâm.
– Và rồi bây giờ không ai có thể gặp thầy, Lyall nghiền ngẫm với chút cay đắng. Phải nói là tôi thấy thiệt là khó cho hết các đệ tử của ngài. Nếu ngài không bị thiệt mạng thì ít nhất cũng nên phản bác lại tiếng đồn, bằng cách nào đó, thay vì để mọi người phải đau khổ như vầy. Hành vi đó của bậc Chân sư xem lạ lùng quá.
– Lạ hay không, Bland nói, lên tiếng thật mạnh mẽ, thì có một điều chắc chắn chúng ta phải không làm, là để cho mấy lời bàn tán khiến mình nghi ngờ vô ích và cô lập. Dù sống hay chết, về mặt tinh thần thầy J.H.M sẽ không hề lìa xa chúng ta; nhưng ta sẽ tách rời mình khỏi ngài nếu mất niềm tin vào đúng lúc ngài làm điều chi ta không giải thích được. Hãy nhớ, lòng nghi ngờ tạo nên rào cản mà ngay cả vị Chân sư không được phép, hoặc có lẽ là không thể, phá đi.
Sau đó tôi lặng lẽ quyết định là sẽ trung thành với Guru của chúng tôi bất kể có chuyện gì, và tôi tin Herbert cũng có quyết định tương tự. Về thái độ của Toni, thấy như anh chẳng có mấy nghi ngờ, ít nhất là ngoài mặt. Nhưng nói cho ngay, tuy tôi đâm ra quí mến và cảm phục anh, vẫn có một cái gì đó về anh làm tôi thấy bí ẩn. Sao đi nữa, cơn chấn động mà chúng tôi đã gặp phải, và chỉ những ai đã có tiếp xúc riêng với một Guru mới hiểu được nó có nghĩa gì, mang cả ba chúng tôi lại gần với nhau hơn, và quyết định của chúng tôi là gặp nhau thường hơn, nói chuyện về thầy là vị có ý nghĩa biết bao đối với chúng tôi.
...
Mấy tuần trôi qua, và Arkwright, anh chàng đệ tử người Mỹ hồn nhiên, có mặt trong quyển hai của bộ The Initiate, tới Anh quốc và ngụ tại nhà chúng tôi. Tự nhiên là một trong những câu hỏi tôi đặt ra với anh là về thầy J.H.M, có tin gì thêm chăng ?
– Không có lấy một chữ ! anh đáp
– Mà chính anh vẫn nghĩ là thầy không bị thiệt mạng ư ?
– Có lúc tôi nghĩ vậy, mà có lúc tôi không nghĩ vậy. Điều làm chuyện kỳ lạ là dường như không có chi tiết gì về người mang tên J.H.M mà thân xác bị nạn; không có bạn bè hay thân quyến nào tới để nhận diện ông ta. Bác sĩ Moreton đã hỏi đủ cách.
Khi đó tôi hỏi những đệ tử khác phản ứng ra sao với sự mất mát này.
– Có mấy người tỏ ra thật tuyệt vời, anh rộng lòng nhận xét, dù thầy J.H.M không còn đó nữa họ vẫn tiếp tục và theo đuổi việc làm. Mấy người khác ... anh nhún vai. Vấn đề với tụi tôi bên đó là coi trọng cá nhân chủ nghĩa, ai mà có sức thu hút một chút và làm chuyện khác thường là chúng tôi bu lại như con nít thèm kẹo.
'Tôi rất nghi là thầy J.H.M đã nói trước với Heddon để anh tiếp tục công chuyện sau khi ngài đã rời, nhưng bởi anh không có cá tánh thu hút, một số chela nhất là phái nữ, không thuận theo chương trình. Trời đất, mà anh biết, thầy J.H.M đã giảng cho mình đủ dùng cả đời, nếu thực tâm muốn ứng dụng. Nhưng ý tưởng muốn giữ trung tâm làm chỗ học tập và khuyến khích lẫn nhau không được mọi người tán đồng, nên số thành viên đã giảm xuống.'
Anh ngưng một lát để châm điếu thuốc.
– Có một hay hai cô đi sang mấy ông tự gọi mình là Swami phái Veda, người khác đi xuống California, để xem Krishnamurti có gì dạy được họ. Chắc anh có nghe về ông rồi, mà cũng có thể không ... Sao đi nữa ..
Nhưng lúc ấy con trai nhỏ của tôi ùa vào phòng, và trong phút chốc Arkwright biến thành cậu học trò hào hứng trong giờ chơi.

Tôi không hề đoán ra được làm sao bà Saxton lại thỉnh thoảng ghé qua nhà chúng tôi, trừ phi đó là do bà thấy mình có mãnh lực chi phối được nhà tôi và bị điều ấy thu hút không cưỡng được, làm phiền nhà tôi. Tuy nhiên vào dịp này, chuyện hóa ra là bà đến nhà với dụng ý rõ rệt, hơn là chỉ để phô bầy cao kiến  của bà cho chúng tôi nghe.
– Trời hôm nay không dễ chịu cho lắm, bà nhận xét giả lã với Arkwright, sau khi bắt tay anh.
– Phải, tôi đoán cái khí hậu gàn dở của nước bà có bị chê bai một chút, anh trả lời một cách vui vẻ, thành ra đối với tôi nó y như tôi đã tưởng.
Vẻ mặt của bà Saxton muốn nói như nữ hoàng Victoria ngày xưa là 'không vui', nhưng bà không nói gì. Tôi hóa giải bầu không khí bằng cách tiết lộ là bà thích triết lý.
– A, cái đó mới hay ! Arkwright reo lên. Chà, lúc này người ta cần nó tại vì không ai còn theo tôn giáo nào, mấy cô thì rượu chè và mỗi đêm ngủ với một chàng khác nhau, và nói chung thì thế giới rối lung tung xòe.
Anh nhìn bà Saxton với vẻ hiền lành và thân thiện mà nếu không cứng lòng và dễ phật ý, hẳn bà quí mến anh ngay.
– Thấy tình hình não nề của thế giới không làm nhụt lòng hăng hái lẫn tinh thần của anh, tôi cười nói.
– Tính tôi vậy, có lẽ phải có chuyện gì ghê gớm lắm mới khiến tôi nao núng.
– Tôi tới đây, bà Saxton trịnh trọng bảo Viola, để cho cô một vé dự buổi giảng của Krishnamurti vào tối mai. Tôi mua nó hồi mấy tuần trước cho cô Hart – nó hay cho cô ấy lắm nếu cô hiểu ra, tội cho cô – mà coi, thiệt bực là bây giờ cô bị sưng cuống phổi.
– Ồ, tiếc quá hở, Viola kêu lên, tiếc giùm; nhưng bà Saxton vì sao đó lại coi đấy là chuyện đáng phiền thay vì đáng tiếc.
– Thế là Viola sẽ được nghe giảng và hay cho nàng thay vì ..., tôi nghĩ thầm.
– Thế thì vé là cho cô đấy ! bà Saxton cho cảm tưởng là Viola phải thấy mình may mắn có cơ hội được giải thoát khỏi những điều mê tín dị đoan đủ loại mà nàng đang đắm chìm trong ấy.
– Tôi thích lắm, Viola ưng thuận. Tôi có đọc tờ tạp chí ngộ nghĩnh mầu vàng của ông, nhưng chưa hề thực sự nghe ông giảng.
– Nó sẽ làm thay đổi trọn quan điểm của cô, bà Saxton nghiêm khắc cho nàng hay.
– Ra là Krishnamurti có ở đây sao ? Arkwright nói. Coi coi, cái anh chàng (guy) mà ...
– Anh chàng (Guy) ?! bà Saxton ngắt lời, tức giận. Ông ta có gương mặt đẹp vô cùng.
Tôi giải thích với bà rằng ở Mỹ chữ này (guy) không có ý nói về hình nộm hoặc pháo bông, mà làm như bà không tin tôi. (Đây là chơi chữ, tại Anh có ngày Guy Fawkes, dân chúng đốt hình nộm và đốt pháo bông vào ngày này).
Arkwright cười ngất vì chữ dùng trật chìa của mình, và bảo với bà rằng anh không có ý gây phiền lòng cho bà.
– Người hay lắm, anh thêm vào với lòng kính phục thật tình. Tôi có nghe ông giảng ở Mỹ, triết lý đông phương trong y phục tây phương. Đúng như bà nói, mặt đẹp. Mà ưa lập lại chính mình, và khi ai lập lại chính mình quá nhiều thì người nghe nhấp nhổm không yên.
Câu đó làm bà Saxton chịu hết nổi, vội vàng kiếu đi.
– Tôi đoán còn lâu lắm bà mới chịu gặp lại tôi. Arkwright tặc lưỡi nói khi bà ra về.
Nhưng tôi bảo đảm với anh là Toni Bland và mấy người khác cũng làm cho bà có cảm tưởng đó.
– Làm như bà cho rằng bất cứ liên hệ tình người nào cũng  là chướng ngại cho việc giải thoát ... nhà tôi nhận xét.

CHƯƠNG  V
Krishnamurti: Một Vấn Đề.

'Oh Krishnaji ! Năm 1926 ông khiến tất cả chúng tôi tin rằng chúng tôi đi tìm hạnh phúc, năm 1927 là tìm giải thoát, năm 1928 chân lý, năm 1929 sự độc đáo; năm 1930 ông phá vỡ niềm tin của chúng tôi về luân hồi, chân sư, đấng cứu thế, và nay ông nói về việc loại bỏ cái 'Tôi', cái ngã, cái tình trạng không sinh không tử, cái sự sống làm như có nghĩa với ông mà không có nghĩa với chúng tôi. Và ông còn nói đến việc thành đạt, thực hiện, tột đỉnh. Sự thành đạt, của ông có phải là diễn trình theo nghĩa ông có nhiều điều để nói, và thông điệp của ông đi từ trạng thái chưa toàn vẹn nay sang toàn vẹn ?'
'Star Bulletin', Sep 1931.

 

Viola đã đi dự buổi giảng của Krishnamurti, và chúng tôi họp thành bọn tứ quái: Toni Bland, Lyall Herbert, Arkwright và tôi. Chúng tôi ngồi nán lại ở bàn ăn, rồi đi sang phòng khách, và dụ được Lyall chơi một ít nhạc Scriabine cho nghe. Anh vừa mới đứng lên rời cây dương cầm thì Viola đi về.
Cố nhiên chúng tôi nóng lòng muốn biết nàng nghĩ sao về buổi giảng, và tôi hỏi đùa là nàng đã cải đạo chưa để thành tín đồ của ông. Nhà tôi cười.
– Không đâu, em chỉ là khán giả chăm chú thôi. Các nữ tín hữu dường như hoặc là người nào ao ước muốn làm mẹ chăm sóc ông, hoặc say mê lông mày và hình dạng tuyệt mỹ bề ngoài của ông, muốn một điều gì khác hẳn ... Rồi lại có vô số người Bất định, dù trí não chưa đủ sức, vẫn cố gắng bắt lấy những điều yếm thế trong bài giảng của ông.
– Chị thật tình thấy nó tiêu cực à ? Lyall hỏi.
– Chà, đối với tôi ông chỉ là Tông Đồ của Yếm Thế, nàng đáp, tựa như Chris là Tông Đồ của Hoan Lạc ... Ngoài ra, ông đầy sự mâu thuẫn, bảo người ta phải tự nghĩ cho chính mình – tuyệt, có nghĩa là tới một mức nào đó – và rồi chặn hết mọi ngõ ngách của tư tưởng riêng. Chúng ta được nghe là không thể tới đích bằng việc thờ phượng, hay nghệ thuật hay mỹ lệ hay sự giúp đỡ của các Chân sư hay nghi lễ. Tại sao không kìa ?
'Krishnamurti có thể không cần những điều này cho mình, nhưng còn người khác thì sao ? Chắc chắn nếu họ chọn việc đi tìm Thượng đế qua mỹ lệ, hay nghệ thuật hay bất cứ cái gì khác ... Coi coi, mọi tôn giáo  và triết lý (có vẻ như ông không nghiên cứu chúng, còn nếu có, ông đã vứt chúng vào sọt rác cùng với bao chuyện khác), mỗi vị huấn sư từ thời xa xưa mờ mịt tới nay đều hàm ý rằng dù đi bất cứ con đường nào để tìm Thượng đế, người ta cũng tới được Ngài !
'Nhưng Krishnamurti không những phá hủy con đường, hoặc những con đường, mà luôn cả chính mục tiêu. Bắt đầu thì bạn không được dùng chữ 'Thượng đế' ... Thực tại tối hậu (Ultimate Reality) của Krishnamurti chỉ là ý niệm trừu tượng mơ hồ, có lúc gọi là 'Sự Sống', khi khác là 'Chân Lý', mà không hề cho ý nào là tuyệt vời hoặc vui thú.
– A, nói về quí cô quí bà, Arkwright cười, thì quí vị không có giỏi về chuyện trừu tượng – thiếu sót nằm sẵn trong tâm lý của quí vị. Điều mà quí vị muốn là hình ảnh Chúa Cha dễ thương, hiền từ trên đám mây dầy vàng óng, êm êm, có ngay những điều an ủi để cho, bất cứ khi nào quí vị kêu lên xin xỏ.
– Tôi đâu có muốn mấy cái đó ! nàng cười to. Nhưng anh phải nhìn nhận là dù anh tin thuyết Nhị Nguyên muốn có một vì Thượng đế bên ngoài, vượt ra ngoài anh để hướng tới ngài và thờ phượng; hoặc anh theo Nhất Nguyên muốn thể hiện mình như là một với Đại Ngã thì lý trí – chưa nói tới con tim – đòi hỏi phải có một mục tiêu hấp dẫn, có sức thu hút, ít ra phải vậy !
'Anh có thể nghĩ ai không muốn đứng trên đỉnh núi đìu hiu, trơ trọi chẳng có gì, gió lạnh buốt, nhìn ngắm khoảng trống không là hèn nhát, yếu đuối, nhưng tôi hỏi làm vậy có đáng không ? Nếu cái 'Viên Mãn (Completeness)' này của Krishnamurti đồng nghĩa với hạnh phúc thì trông nó thực là xanh xao, loắt choắt bên cạnh niềm hoan lạc mà Chris nói về, và sống niềm vui đó ... Bà không nhân cách hóa Thượng Đế; bà đặt ý niệm về Ngài ra ngoài tư tưởng (bất khả tư nghì), nhưng chỉ để cho thấy là mọi vẻ mỹ lệ, kỳ diệu, và huyền bí đều chỉ là nét thoáng qua hay phản ảnh của một Thực Tại tuyệt vời không thể nhìn ngắm được tách bạch ...
'Vị Chân sư nói qua Chris làm biểu lộ Ngài như là nét Khả Ái, Từ Ái thật rõ ràng, những điều mà ai cũng ước ao dù hữu ý hay không, mỗi người theo cách của mình, và Ngài đáp ứng lại với mỗi người theo nhu cầu của họ. Ngài nói:
"Trí tuệ con người không thể hiểu điều Vô Cùng không khác gì côn trùng bên dưới sàn không hiểu được vị Chân sư, nhưng các con có thể biết điều này, rằng Ngài là Tình Thương ... và Tình Thương ấy là lý do cho vũ trụ, lý do cho chính sự hiện hữu của các con !" '
– Nhưng Krishnamurti không phủ nhận tình thương, có một lúc ông luôn luôn nói về nó, tôi phản đối.
– Ah, có một lúc, chắc vậy, mà bây giờ không còn nữa; và ngay cả khi ông nói thì người ta có cảm tưởng tình thương ấy nó vô tình và mơ hồ gần như là ngại ngùng, dè dặt. Nó là cảm xúc khác biết bao với cảm xúc ta có khi Chân sư Koot Hoomi nói: Tình Thương mà ta cảm với mỗi người các con, là Thượng Đế ... Ngài lại nói: Tình Thương và Chân Lý là điểm chính của vũ trụ, và Tình Thương là Chân Lý, nó không như Krishnamurti nói: Chân Lý không thể mang lại an ủi ... Làm sao ta hòa giải hai quan điểm đó ?
– Chị có đặc biệt muốn vậy không ? Lyall hỏi.
– Cho riêng tôi thì không, 50 ông Krishnamurti cũng không phủ nhận được ý niệm về Chân sư mà Chris đã nói cho chúng ta nghe, và trước đó là từ thầy J.H.M ... Tôi nghĩ đến những người đáng thương có thể đã nghe những lời tương tự, mà không có sự kiên trì như chúng ta để ghi khắc mãi trong tâm. Họ cũng từng được dạy rằng các Chân sư là Huynh Trưởng của chúng ta, dìu dắt họ một cách thương yêu để 'hòa hợp với Vô Cùng ở những mức càng ngày càng cao hơn ...', như ông Leadbeater có nói đâu đó.
'Rồi Krishnamurti tới và bảo họ rằng Chân sư chỉ là cây nạng, thành ra họ vứt cây nạng, lảo đảo đi vài bước, có lẽ để đi tìm sự 'Giải thoát' của ông, rồi té lăn ra đất. Ông có đề nghị cho họ đôi cánh thay cho cặp nạng, hoặc luôn cả việc chỉ họ cách mọc cánh cho chính mình ? Làm gì có ông ! Ông chưa phải là tâm lý gia để bảo họ bắt đầu ở đâu. Ông kê toa với cùng một món lập đi lập lại mãi: 'Chuyện gì tôi làm được, bạn cũng làm được' ... Không hề kể tới việc mỗi người có giới hạn do sinh ra nhân quả, hoặc trình độ tiến hóa hoặc bất cứ gì khác.
'Với Chris, bà biết không thể đối xử với hai người nào cùng một cách; đó là bí quyết thành công của bà khi xử sự với người, bà không hề yêu cầu mọi người làm cùng mot viec như nhau !.'
Chúng tôi phải phá ra cười, nhưng Viola, đi tới lui trong phòng như con trai, có đầy thiện cảm và tức giận mà có vẻ như bài giảng đã gợi nên trong lòng.
– Cười thì dễ lắm ... Tôi dám nói là bắt người ta tự mình dùng chân đứng dậy và tự suy nghĩ lấy là chuyện tốt, nàng tiếp tục, trong số đông người bao lâu nay lắng nghe lời nói của cấp lãnh đạo trong hội Theosophia, mấy người có thể hoặc có suy nghĩ độc lập, hoặc có đủ óc phân biện để lọc lựa trấu và gạo trong bài giảng của Krishnamurti ? Anh phải thấy sự biểu lộ trên nét mặt của họ trong buổi giảng, khi họ ráng hết sức và chăm chỉ theo vị Huấn Sư Thế Giới tới đỉnh vinh quang trơ trụi và thấy – nếu họ thành thật với chính mình – rằng không có vinh quang nào cho họ mà chỉ có trống không!
'Anh có thể thấy trong ánh mắt hoang mang của họ cái địa ngục mà họ đang trải qua, nhất là phụ nữ. Ông đã lấy đi hết mọi điều của họ, luân hồi, đời sống sau khi chết, tái ngộ với người thân sau khi chết, sự giúp đỡ và lòng từ của Chân sư – coi coi, trọn cấu trúc tinh thần trong đời họ – mà không đưa lại cho họ điều gì để thay thế, ngoại trừ một trạng thái tâm thức mù mờ không quyến rũ được chút nào quả tim hay óc tưởng tượng.
– Anh không hoàn toàn đồng ý ... tôi khởi sự nói, nhưng nàng làm ngơ tôi, và tiếp tục bênh vực những ai mà rõ ràng được nàng xem là kẻ đau khổ nặng nề.
– Họ vấp té vô vọng trong khoảng không, tội nghiệp chưa ! Quá dễ bảo và quen vâng lời nên không phủ nhận Krishnamurti hoàn toàn và chịu nêu cao nguyên tắc khi xưa; không thể nắm lấy điều ông muốn nhắm tới và nhờ vậy được mãn nguyện, và thiếu sáng kiến để tự tạo đường riêng cho mình. ... Họ tự hỏi nếu những gì họ được dạy từ trước tới nay chỉ là chuyện tưởng tượng dễ yêu, nó là điều họ phải đối mặt trong những đêm không ngủ, và đó thật đáng sợ.
'Không gì gây tan nát cõi lòng cho bằng bảo ai đó hay là những gì họ tin tưởng là không có thật. Ngay cả ai chỉ tin vào chính mình cũng phát khùng luôn khi niềm tin ấy bị lung lay ... Nếu những chỉ dạy ban đầu là tưởng tượng thì họ làm gì bây giờ ? Krishnamurti đã hủy hết tất cả những mốc điểm xưa của họ; nếu bây giờ họ dùng lại chúng hoặc nghĩ theo những quan niệm cũ, họ bị rầy la. Họ kêu cầu cùng ông với hy vọng rằng ông vẫn còn điều gì đó chưa nói, điều gì chưa biểu lộ trong bài giảng của ông mà cho phép họ hòa giải được chuyện cũ với chuyện mới, và họ bị thất vọng từng điểm một. Họ sẽ ra sao đây ?'
– Không chừng có ai đó sẽ tới, Bland đề nghị, ai sẽ tìm cách tái tạo niềm tin của họ vào các Chân sư.
– Có thể là quá trễ, có thể họ không còn đủ sức đáp ứng. Họ đã bị tả tơi quá nhiều, có mấy người đã lớn tuổi quá. Anh không thể phá vỡ niềm tin trong bao nhiêu năm mà không gây hại cho chính sức mạnh của niềm tin, tôi tin chắc việc ấy. Đôi khi tôi tự hỏi các Chân sư có buồn lòng một chút, khi thấy hố thẳm mà Krishnamurti đã đặt ra giữa các Ngài và những ai mà có lần các Ngài đã có thể dìu dắt ... Và bây giờ, nàng thêm vào với tâm tình chợt thay đổi, làm điên đầu các anh xong tôi phải đi làm miếng bánh mì để ăn !
Nàng vẫy chào chúng tôi một cách trêu chọc và bỏ đi ra.

(còn tiếp)