VỊ CHÂN SƯ
Xem Vị Chân Sư từ số đầu tiên trong mục Sách Dịch
CYRIL SCOTT
The Initiate in the New World
(tt)
Tôi nhớ có vài người hiếu kỳ thỉnh thoảng đến nhà 'The Pines', ngoài mặt thì với lý do là họ thấy 'không khỏe', mà thực ra thì họ muốn ấn tượng tâm linh của họ được xác nhận, hoặc là chỉ muốn nói với Chris về các ấn tượng đó. Một bà tốt bụng mà lầm lạc tin rằng mình thường hầu chuyện với Đức Mẹ Đồng Trinh. Có bận bà còn kêu Chris quì xuống, bảo rằng Đức Mẹ đang có mặt ... Xui thay, điều Chris có thể thấy chỉ là một vong linh tinh quái, hết sức vui thú với trò giả mạo đấng cao cả ấy; và do đó bà phải làm việc khó nói là cho bà khách hay linh ảnh của bà xẩy ra nhiều phần từ tiềm thức của mình, hoặc sao đi nữa hình mà bà thấy không phải như bà tưởng, và rằng đức Mary Đồng Trinh chẳng hề dính dáng đến chuyện ...
Tôi lại nhớ một phụ nữ khác, to lớn hồng hào, khăng khăng rằng bà được 'Huấn Thị' từ những đấng cao siêu không tưởng tượng nổi. Tuy nhiên, các đấng này, lạ lùng thay, lại tỏ ra rất chìu lòng. Để bảo vệ sức khỏe của bà, bác sĩ cấm không cho uống rượu port; nhưng sau khi nhịn được vài ngày, bà oang oang cho tất cả chúng tôi - và bác sĩ - hay rằng 'Thầy' của bà đã bác lệnh cấm của bác sĩ ! Một lần nữa Chris lại phải can thiệp ...
Cố nhiên bà không phủ nhận là thỉnh thoảng những phụ nữ ấy thực sự có thông nhãn. Nhưng bà vạch ra vấn đề là giống như tất cả những ai khác có thông nhãn mà không được luyện tập, họ không thể lọc lựa để phân biệt trấu với gạo, hay cũng không thể ngăn những 'cảm nhận' và 'linh ảnh' của họ không bị ham muốn riêng nhuộm mầu. Giúp cho những người loại này biết tự kiểm hơn mà không làm họ ngã lòng nhiều, là việc không dễ làm, mà đó là phần lớn công việc của Chris.
. . .
Tôi có thể tiếp tục kể ra bao nhiêu hồi ức khác với Christabel Portman, nhưng làm vậy sẽ kéo dài nhiều trang thành nguyên một cuốn sách. Ngay cả khi phác họa sơ sài về con người bà như thế này, nó không phải chỉ là để viết cho vui mà là lời mở đầu cho cái hồi ức sống động hơn hết thẩy - hôm sáng chủ nhật khi bà đến kêu tôi và nói:
– Chân sư ngỏ ý muốn nói chuyện với anh.
. . .
Chris ngồi đó, trong cái ghế chỉ có một mình cạnh lò sưởi trong căn phòng nhỏ lót gỗ sồi, được dùng riêng cho việc tham thiền; nhưng nụ cười thân ái mà bà chào đón tôi thì không phải của bà, và tuy giọng nói là của bà, cách nhấn âm và dùng chữ khác hẳn.
Môi bà nói những lời nhẹ nhàng và thân ái:
– Chào con ...
và tay bà cầm lấy tay tôi trong một lúc trước khi ra hiệu cho tôi ngồi xuống - với cử chỉ cũng không phải là của bà.
Và khi đó tôi hiểu rằng bà đã làm việc mà chỉ có người đạo đồ cao cấp mới có thể làm - bà đã bước ra khỏi thân xác có ý thức, tạm thời nhường nó cho Chân sư mình sử dụng.
Phải chi tôi được phép viết ra tất cả những gì ngài nói trong dịp ấy và những dịp khác, khi ngài cho tôi hân hạnh là được hầu chuyện với ngài, nhưng ngài khuyên nên giữ kín. Bởi nhiều phần những chuyện ngài nói có tính riêng tư, và đa số những gì ngài dạy tôi không thể được tiết lộ trong một quyển sách. Tuy nhiên tình thương của ngài, lòng khoan dung, khiêm tốn, ngôn ngữ phong phú, khả năng soi sáng những vấn đề khó khăn hoặc diễn giảng các chân lý bí ẩn chỉ bằng vài chữ giản dị và thí dụ thi vị - tôi cảm thấy bắt buộc phải ghi ra.
Dù trí tuệ và nét tinh thần vượt bậc tỏa ra từ ngài, Chân sư trông thật là người hết sức dễ mến. Không có chút gì trịch thượng của thái độ từ trên cao ngất nhìn xuống sự yếu đuối khờ dại của người trần đáng thương chưa tiến hóa là chúng ta. Nhiều lần tôi tỏ ý hối tiếc về những thất bại của mình nhưng thay vì la trách, ngài trấn an và an ủi với lời nhìn nhận rằng công việc phải làm thật khó mà hoàn thành trong khoảng thời gian ngắn. Bao lâu mà ngài thấy học trò thực tâm cố gắng hết sức mình để hoàn tất việc thì ngài không hề trách cứ họ; chỉ khi họ thờ ơ hoặc thiếu suy xét thì ngài mới tỏ dấu không hài lòng.
Sau những buổi được tiếp chuyện như thế, tôi thường ra khỏi phòng cảm thấy được tươi tỉnh lại, ngất ngây vừa hồn vừa xác, và với hồi ức thật sắc đậm cho đến bây giờ tôi vẫn có thể nhớ lại hầu hết những lời ngài.
. . .
Rồi nay Chris qua đời, và những buổi hầu chuyện làm phấn khởi tinh thần phải chấm dứt.
Bà mắc phải chứng bệnh chết người và đau đớn do có bệnh nhân quanh mình luôn luôn, không ngừng đòi hỏi bà chuyện nọ kia; cũng như bà luôn luôn cho ra mà hiếm khi nhận được gì trở lại; càng ngày càng tuôn ra thêm sức lực mòn mỏi của mình cho chồng, người mà trong nhiều năm vẫn cố công làm việc dù mắc bệnh nan y. Người ta đã sinh ra ỷ lại vào bà quá nhiều, thế nên để giúp cho sự tiến hóa tinh thần của họ, và cũng vì những lý do liên quan đến cuộc tiến hóa của riêng bà, quyết định thấy là tốt nhất bà nên rút về.
Vì tình thương, bà hy sinh cả đời cho nhu cầu người khác, giống như hàng ngàn năm trước bà đã hy sinh đi từ những cõi tự do và vui thú của thế giới thiên thần, xuống cảnh giới đầy xáo trộn và giới hạn của trái đất. Trong tầm nhìn nhỏ hẹp của chúng ta bà là một con người, mà với ai có thể thấy thì tinh thần bà vẫn còn giữ bản chất thiên thần, được thiên thần quí mến cũng như bà yêu quí chư thiên. Và vì tình thương đó, những vị thiên thần chữa bệnh đã hướng dẫn tay bà khi Chris chạm vào người ốm; thiên thần âm thanh gợi hứng khi bà dạo đàn; ngay cả những tinh linh nhỏ bé, tất bật giữa các bông hoa, hòa niềm hớn hở của mình với lòng hớn hở của bà và luôn luôn tỏa ra mọi vật chung quanh.
Ghi Chú.
Ta ngưng ở đây một chút để đi vào chi tiết một nhân vật trong chuyện.
Lợi điểm khi đọc bộ sách quí này nhiều năm sau khi được xuất bản là theo với thời gian, các dữ kiện hoặc lắng xuống hoặc được tiết lộ khiến chuyện rõ nghĩa thêm; cũng như lý do chuyện được đưa lên PST là để người Việt hiểu rõ một giai đoạn lý thú trong lịch sử phong trào TTH, khi nay có nhiều tài liệu được công bố, cho phép ta nhìn lại giai đoạn này một cách trọn vẹn - điều mà thế hệ trước không được hưởng - thấy phân minh tách bạch và có nhận định sáng suốt hơn.
Vậy thì, dựa vào các nguồn tài liệu từ khi sách ra đời tới nay, vài điều có thể nói được về Christabel Portman trong chuyện. Đây là một nhân vật có thực tên Ellen Louisa Chaplin (E.L. Chaplin 1874 - 1927), cũng như nhà dưỡng bệnh 'The Pines' trong chuyện có thực, ngoài đời mang tên 'The Firs', tại Sussex, Anh quốc. Bà được nhắc tới kỹ hơn trong quyển Music: Its Secret Influence throughout the Ages của Scott với tên Nelsa Chaplin và trong quyển tự thuật của Scott 'Bones of Contention', mà cũng được ông Jinarajadasa đề cập một cách che đậy, phớt qua, khi trong một quyển sách của mình ông nói đại ý rằng các đệ tử là người sống trong đời bình thường như mọi ai khác, và trong cương vị nào người ta cũng có thể phụng sự, lấy thí dụ có đệ tử là người quản lý một hostel vâng theo lệnh thầy. Nay ta có thể nói đó là Ellen Louisa Chaplin. Chồng của bà, Alexander (Alec) Chaplin (1874 - 1932 ?), là chuyên viên quang tuyến; ông cùng với bà và một bác sĩ thí nghiệm những cách mới để chữa bệnh theo sự gợi ý của đức Jesus tại The Firs.
Alec Chaplin qua đời vì bao tử bị tia X tàn phá, do ông đã dùng tia X để chữa người khác; ông là một trong những người đầu tiên thí nghiệm với tia X dẫn tới việc quang tuyến gây hư hại cho bao tử không thể chữa lành, ông mắc bệnh trong nhiều năm và chết lần mòn vì bệnh. Gợi ý về căn bệnh này được ghi trong quyển The Wheel of Rebirth (Vòng Tái Sinh, đăng trong PST và trên trang web), chương Đức, nói về những người trong kiếp trước đã lạm dụng tinh linh lửa (thí dụ như các tu sĩ, phán quan của Công giáo La Mã ngày xưa kết tội và đưa lên giàn hỏa những ai mà họ cho là theo quỉ dữ), và ngày nay họ:
– ... chịu rủi ro với mạng sống của mình để thí nghiệm, vì lợi ích của đồng loại, với dòng điện và những tia mà về sau sẽ được dùng để trị đa số những bệnh tật của con người. Nhiều kẻ ... bị thương tật khi làm vậy và cuối cùng thân xác họ ... bị hủy hoại bởi cùng chất mà có lần họ đã dùng nơi người khác.
Như thế ít nhất năm nhân vật là ông bà Scott, Challoner, và ông bà Chaplin nay được thấy có sinh hoạt liên hệ với nhau, và tuy mối liên hệ này được giữ kín trong nhiều năm, chỉ được đề cập lúc mới đây, nó lại là nền tảng cho nhiều sách của Scott, vợ ông và Challoner viết trong giai đoạn này.
Chung quanh nhà The Firs có rừng bao bọc biến nơi đây thành chỗ u tịch, u nhã. Sử liệu địa phương ghi là ông Alec Chaplin cũng dùng điện để chữa trị bệnh tâm thần, và nơi này hoạt động từ khoảng năm 1918. Chót hết, trong quyển tự thuật So Rich A Life, tác giả Clara Codd cho hay đã tới ngôi nhà - mà Scott mô tả về sau trong quyển ba của bộ The Initiate - nhiều lần, nhận ra các nhân vật trong chuyện là người từng có mặt tại đó. Ta có thể đoán bà muốn nói nhà dưỡng bệnh The Firs.
Vai trò và vài nét chính về con người của E.L. Chaplin được Scott nói nhiều trong quyển Music. Ông ghi bà là đệ tử của đức K.H., có thông nhãn ở mức cao và có sự nhậy cảm khác thường. Bà tiếp xúc bằng thần giao cách cảm với thầy từ khi còn bé, bà dùng những khả năng trên để giúp người mà không nhận hồi đáp nào, và không hề lợi dụng chúng cho mục đích nào khác. Khi còn là trẻ nhỏ, bà đã có khả năng ra khỏi thể xác đến nơi cư ngụ của đức K.H. cách xa Anh quốc vạn dặm, chứng kiến những sinh hoạt của ngài.
Ngoài ra bà còn có thể hòa vào tư tưởng của Chân sư (tune–in), ghi nhận được ý nghĩ của ngài tựa như radio hay truyền hình bắt được làn sóng điện, tựu trung chỉ là một hình thức rung động. Lúc còn nhỏ bà đã có thể chơi nhạc và chơi theo hứng (improvise) một cách thần kỳ. Em nhỏ cũng thân thiết với chim chóc, hoa cỏ; điều này cộng với sự tài giỏi về âm nhạc khiến cho em gần như là tiên nữ hơn là trẻ nhỏ bình thường.
Càng lớn, khả năng về âm nhạc càng tăng và hoàn thiện. Khi chơi đàn theo hứng, bà có thể diễn tả các trạng thái tâm thức, hoặc ngay cả những hòa điệu bà có thể nghe được khi ngắm nhìn một buổi hoàng hôn đẹp đẽ, vì với ai có khả năng, một buổi hoàng hôn có thể thấy cũng như có thể nghe được. Đôi khi Chân sư K.H. đích thân chơi qua bà, khi ngài muốn có tác dụng đặc biệt nào đó - thường là trong việc chữa bệnh - cho những ai bà đang chăm sóc. Tưởng nói thêm thì The Firs là nơi chữa những bệnh lạ và khó trị, nhiều bệnh như thế làm bác sĩ rối mù.
Tại đây, theo sự hướng dẫn của các Chân sư, một phương pháp trị bệnh bằng mầu sắc được thực hiện - bằng cách chiếu đèn mầu - cho những bệnh mà cách chữa thông thường tỏ ra không hữu hiệu, phương pháp cho ra vài kết quả rất đáng kể, với bệnh thường được thấy có nguồn gốc tâm lý và liên can tới những thể thanh. Trong việc này, khả năng thông nhãn của bà để định bệnh thật là vô giá, thêm vào đó bà tỏ lòng thiện cảm và thông cảm với tất cả những ai bị đau khổ tâm trí hay thân xác. Tự chúng thì những tình cảm này là thuốc thoa, làm cho nhiều linh hồn không bè bạn hoặc bị đời vùi dập ê chề được êm ái. Bà khuyên nhủ ai bị hoài nghi, mặc cảm và sợ hãi dằn vặt, và khi bối rối không biết nên chữa trị ra sao một bệnh nhân nào, bà lắng nghe tiếng nói của Thầy hướng dẫn và chỉ bảo.
Bà có vinh dự thật lớn lao là cả hai Chân sư K.H. và đức Jesus thường xuyên dùng bà làm trung gian cho hai ngài, ta nên biết Chân sư Jesus đặc biệt quan tâm đến những ai chuyên về chữa bệnh. Bà thuật cho Scott lần đầu tiên khi Chân sư K.H. đưa bà ra khỏi thân xác của mình ra sao, và lúc đứng qua bên trong thể thanh, bà chứng kiến ngài điều khiển thể xác của bà để nói chuyện với chồng và bác sĩ hợp tác.
Tuy vậy nhiều bệnh nhân ở The Firs chưa hề nghe nói đến Chân sư, ngoại trừ một cách mù mờ, và xem bà Chaplin như là người dễ mến có trực giác tuyệt vời; còn vài người là hội viên hội Theosophia và tin rằng các Chân sư chỉ liên lạc với những vị lãnh đạo trong Hội, không hề ngờ là sự tiếp xúc của bà với các ngài thực sự chặt chẽ ra sao.
Ta có thể hỏi thẳng là tại sao một người được trời cho có nhiều tài năng độc đáo như vậy, dù là có tính kín đáo, lại không được người ngang hàng với bà biết đến. Câu đáp là vận mạng của bà trong kiếp này không phải để được nhận biết và ca ngợi trong quần chúng. Đúng hơn thì đời bà là sự hy sinh thân mình diễn ra trong cảnh tương đối chìm khuất lặng lẽ. Những ai thân thiết hiểu rằng cuộc đời bà có đau khổ không ngừng; do trọn con người của bà đáp ứng tuyệt diệu với các hòa điệu nơi cõi cao cũng như cõi trần, và bà có niềm khao khát lớn lao là dành trọn đời mình cho âm nhạc, để diễn tả bằng âm thanh cõi trần vài âm vang của âm nhạc cõi trời mà bà tinh tế cảm nhận. Tuy nhiên có những việc khác phải làm và không vui bằng, và vì những việc này bà phải gác lại ước muốn trên, và chỉ trong vài dịp hiếm hoi mới biểu lộ như đã nói. Hơn nữa, bà phải gánh chịu một thân xác luôn đau yếu, cảnh nghèo khó, ưu tư và bị dằn vặt vì bao vấn đề đủ loại; ngay cả sự ghen tỵ và lòng ganh ghét mà do tính khiêm nhường và giản dị bà không ngờ là sẽ gặp phải.
Thế nhưng bà sinh sống và chịu đựng đau khổ chẳng những thật anh hùng, không than vãn mà còn vui lòng hân hoan cho tới phút cuối; hân hoan theo nghĩa tâm thức của bà, cho dù phải chật vật đối phó với những gian truân trong đời nơi cõi trần, gần như hằng là một với niềm hân hoan của những đấng Cao cả.
Scott làm việc với bà Chaplin suốt bẩy năm dài, trong thời gian ấy nhiều lần Chân sư K.H. nói chuyện với ông qua bà, cho ông hiểu biết minh triết của ngài, và một lần như thế ngài đề nghị ông viết sách về âm nhạc với sự trợ giúp của bà Chaplin là đệ tử và là trung gian cho ngài. Sau đó, thời giờ được ấn định dành cho việc bà Chaplin tiếp xúc với Chân sư; trong lúc bà lắng nghe bằng thông nhĩ những dữ kiện ngài đưa ra, Scott ghi chép lại để về sau đi vào chi tiết.
Có những lúc bà phải xem trong Thiên Ảnh ký (Akashic Records), vì vài phần trong sách liên quan đến lịch sử xa xưa. Khi khác bà trả lời những câu hỏi mà Scott phải nêu ra về điểm khó khăn này hay kia. Sau khi hoàn tất vài chương, ông đọc lại cho bà trong khi bà lắng nghe lời phê bình của Chân sư hoặc sửa chữa mà ngài muốn đưa ra.
Trong một ấn bản của cuốn ba The Initiate in the Dark Cycle thuộc bộ sách The Initiate, có tranh vẽ chân dung bà Ellen Louisa Chaplin.
Nay xin tiếp tục chuyện.
CHƯƠNG II
Lời kêu cầu S.O.S. cho Thầy tôi được viết ra xong xuôi, rồi Viola thêm vài hàng tự trách mình thật đáng tội là không có óc triết lý, cũng như vì cảm nhận mà nàng biết là lòng đau khổ ích kỷ. Tôi bảo nàng mấy câu thú tội đó không cần thiết; tuy nhiên trong lòng tôi cảm phục là nàng đã thành thật và không tìm cách biện minh cho mình.
Chuyện lạ là ngay trưa hôm ấy đi gửi thư, tôi gặp Toni Bland trong phòng gửi áo của một hội quán.
– Hình như chúng ta đã gặp nhau trước rồi, anh nói.
Trong một chốc tôi không nhớ anh là ai, rồi cả hai chúng tôi nhớ ra cùng một lúc.
– Thầy Moreward Haig. Toni nói, bắt tay tôi.
Anh là chàng nhỏ người gọn gàng, ẻo lả mà tôi gặp nhiều năm về trước ở nhà thầy J.M.H. và đã dùng bút mô tả con người nhưng có che đậy trong quyển đầu của bộ The Initiate (PST 46). Tôi luôn luôn sợ giây phút gặp lại anh, lỡ anh đã đọc sách và nhận ra được nhân dáng của mình.
Anh để ý thấy sự ngượng ngập của tôi và mỉm cười.
– Tôi có thể phiền trách anh, anh nói, nhưng tôi không làm. Lời phác họa của anh có mục tiêu rất tốt.
Giống như người hèn nhát, tôi giả vờ không hiểu.
– Chắc chắn anh không quên sách của chính mình chứ ? anh gợi ý.
– Coi nào, tôi đáp, viết sách đã mệt rồi, anh đâu thể mong là tôi lại còn sức để đọc nó nữa !
Anh cười lớn và đột nhiên tôi bắt đầu thấy cảm phục anh chàng nhỏ bé này. Anh có thể xử sự khác hẳn, vì tôi đã chế diễu anh ra sao trong sách. Sau đó tôi nhận đúng là vậy và chúng tôi trò chuyện lâu, kể tách bạch sự việc. Thầy J.M.H. đã khuyến cáo tôi hồi hai mươi năm về trước là chớ nên phán đoán lầm anh do bề ngoài; mà ngay cả vậy, chuyện xem khó xẩy ra là ai khác lại có thể thay đổi thành tốt đẹp hơn nhiều như thế; và điều ấy chỉ làm cho tôi thấy một lần nữa rằng vị Thầy có thể đạt được gì với học trò chịu gắng công.
. . .
Vài ngày sau đó tôi mời Toni Bland đến dùng trà để gặp nhà tôi và anh Lyall Herbert, một nhà soạn nhạc và cũng là đệ tử của thầy J.M.H., tôi đã gặp anh ở Boston. Chúng tôi mong chỉ có mấy người trong bọn thôi, nhưng ai ngờ là bà Saxton lù lù bước vào phòng. Bà to con và tánh tình nhất quyết này thường hay lui tới nhà The Pine. Thực vậy, tôi là người đầu têu giới thiệu bà tới đó để chữa bệnh. Bà là hội viên hội Theosphia trong vài năm, nói rằng mình là người ái mộ hết lòng bà Besant, một lòng một dạ tin tưởng Chân sư và là thành viên của Liberal Catholic Church.
Tuy thế, đột nhiên bà bỏ hết để theo Krishnamurti; và bởi Krishnamurti thường lên tiếng phê bình Theosophia, các Chân sư và giáo hội đủ mọi loại, nên bà cũng làm theo ... Lý luận của bà khi thay đổi thái độ là có lần bà Besant tuyên bố trước công chúng rằng Krishnamurti là vị Huấn sư Thế giới (The World Teacher). Tốt lắm ! Vậy điều gì vị Huấn sư Thế giới dạy đương nhiên là phải đúng.
Sau màn giới thiệu xong xuôi, bà Saxton ngồi phịch xuống ghế, nhìn Toni kỹ càng và tôi có thể thấy bà xếp anh ngay lập tức vào hạng đàn ông ẻo lả, không đáng nói, những người mà bà đặc biệt không ưa. Chúng tôi chưa gặp lại bà từ khi Chris qua đời, nên tôi nói mấy câu về chuyện bi thảm là cái chết của Chris.
– Bi thảm à ? bà Saxton hỏi, và giọng nói vui vẻ hỉ hả của bà hàm ý phản bác. Tôi không thấy vậy chút nào.
– Nhưng có quá nhiều người hóa ra lệ thuộc vào Chris -chắc chắn là ...
– Họ phải tập tự đứng lấy bằng chân của mình, bà ngắt lời một cách trịch thượng.
– Ngay cả khi họ yếu tới mức chân bị loạng choạng hay sao ? Herbert hỏi lại, thích chí lắm.
Bà Saxton khinh khỉnh nhìn và làm ngơ anh.
– Coi coi, bà nói tiếp, cô Hart - cái cô gàn dở nhỏ người luôn luôn quanh quẩn Chris - cho biết là đang tìm cách liên lạc với bà nhờ đồng cốt !
– Ồ, bà có nghĩ ... Viola hăm hở nói, rồi đỏ mặt và ngưng lại.
– Liệu tôi nghĩ là cô sẽ có được kết quả hay không ư ? Bà Saxton tiếp lời cho hết ý của nàng. Đương nhiên là không rồi. Tội nghiệp Chris - bà cũng bị xui xẻo đó chứ - tin rằng ta cần Chân sư để tiến bộ và mấy chuyện như thế. Nhưng tôi tin chắc là dù đang ở đâu, bà cũng ở ngoài tầm của những ai chìu theo nhược điểm của mình và nhờ đồng cốt tìm bà.
– Tội cho cô Hart chưa ... Viola nói nhỏ. Tôi biết nàng đang nghĩ đến cô giáo sư bị đau dây thần kinh và bị khủng hoảng, Chris là tất cả mọi điều đối với cô.
– Phước thay cho ai đau buồn, vì họ sẽ được an ủi. Bland lặng lẽ nói, và Viola nhìn anh tỏ ý biết ơn.
– Nếu người ta sống theo Chân lý, bà Saxton tuyên bố, họ sẽ không cần được an ủi.
– Nếu ... Toni lên tiếng.
– Nếu người ta đừng tự mãn quá như thế ... Viola bắt đầu nói, nhưng tôi nhăn mặt nhìn khiến nàng ngậm miệng.
– Vậy ra bà đang học hỏi về Krishnamurti, Lyall hỏi chuyện bà Saxton.
– Mỗi lần có họp tại Ommen thì tôi đều tới đó. Bà đáp lại, như thể bà nhất quyết đi cho dù có hay không có trại.
– Nói nghe coi, anh nghĩ gì về Krishnamurti và những lời tuyên bố của ông ? Viola quay sang hỏi Toni.
– Đó là sự sửa sai tuyệt vời cho việc ỷ lại tinh thần kéo dài quá đáng. Là triết lý Advaita (Bất Nhị) dưới hình thức của thời đại mới, được một linh hồn rất đẹp đẽ và thanh khiết diễn giảng.
– Vậy anh không nghĩ ông là vị Huấn sư Thế giới à ? nàng hỏi tiếp.
Anh cười đáp.
– Ta có cần vị Huấn sư Thế giới dạy cho ta điều gì xưa như trái đất không ? Gọi người bảo ta là không ai, dù cao cả thế mấy, có thể dạy ta bất cứ điều gì, là Huấn sư thì có đúng không ?
Bà Saxton hậm hực nhìn Toni, nhưng bởi anh có thói quen nhắm mắt lại và nhẹ nhàng suy luận mơ màng, anh không thấy vẻ mặt của bà.
– Ta có tuyệt đối phải có thầy khi muốn học đàn dương cầm hay không ? anh tiếp tục. Có lẽ không. Nhưng khi nhờ vào hiểu biết rộng lớn hơn và sự hướng dẫn của thầy, ít nhất chúng ta có thể tránh được nhiều vấn đề và đỡ mất thời gian.
– Nếu có ai được xem là vị Huấn sư Thế giới về Dương cầm, tới và bảo chúng ta rằng tất cả thầy dạy dương cầm đều chỉ là chướng ngại cho việc ta học chơi đàn, thì ngộ biết mấy ! Quí vị không thấy sao, cả đám những ai tự cao tự đại tưởng tượng mình là danh cầm thủ Paderewski, trong khi điều họ làm được chỉ là đập tơi bời cây đàn ?
– Nghe mới hay chưa ... bà Saxton quay sang nhà tôi mỉa mai nói.
Sau khi bà ra về, chúng tôi liếc nhìn nhau.
– Bà không ưa tôi chút nào, Toni khôi hài than.
– Bà cũng chẳng ưa gì tôi ! Herbert cười lớn thêm vào.
– Lời giảng của Krishnamurti làm bà thành như vậy đó ! Viola tức giận phê bình.
– Vậy không công bằng, tôi xen vô; rồi quay sang mấy người kia. Tôi quen biết bà từ nhiều năm nay và bà luôn luôn như thế. Hồi xửa hồi xưa tôi có nài nỉ thầy J.M.H. đi tới gặp bà, và sau đó tôi đem bà vào cuốn sách đầu của bộ The Initiate (PST 47), dĩ nhiên là có che đậy kỹ ...
– Anh với sách của anh ... Toni nhỏ giọng và nháy mắt.
– Bà nhận liền ra ngài trong chuyện, mà may phước cho tôi là bà không nhận ra chính mình. Khi bà theo hội Theosophia, phần nào do đọc sách của tôi và nghe nói về các bậc Chân sư, bà khoe là đã biết một ngài bằng xương bằng thịt. Bây giờ đi theo Krishnamurti, đương nhiên là bà cho các ngài ra rìa. Dầu vậy, trách cứ ông về sai sót của bà thì không công bằng chút nào. Coi coi, bà cũng còn chưa hiểu ông muốn nói cái gì !
– Như vậy là ... Viola cười rắn mắc.
– Có người thay đổi cá tính của mình cũng như là thay đổi triết lý, Bland nhận xét, người khác thì chỉ thay đổi triết lý. Anh mở mắt ra và mỉm cười.
– Em thấy anh bạn nhỏ con của anh thiệt là dễ thương, Viola bảo tôi sau khi chỉ còn lại hai chúng tôi. Mà anh ta nói trúng phóc hay hết sức, lại thêm nhã nhặn.
– Vậy mà hồi anh mới gặp ảnh lần đầu, làm như ảnh không dám nói nặng với ai !
– Em không tin, nàng cười to, mà chắc ai cũng vậy. Anh ta là người mình sẽ cầu cứu khi có vấn đề. Còn cái bà dở hơi kia, và câu nói trịch thượng của bà về Chris ...
– Chu choa, tình huynh đệ để đâu rồi ? Tôi chặn lời, trêu chọc nhà tôi.
– Tình huynh đệ khỉ mốc ! nàng bẻ lại. Ngay cả thái độ của bà cũng không phải tự nhiên mà có, bà chỉ xí của Krishnamurti. Chỉ vì ông giảng ở đâu đó rằng hễ thương ai thì sớm hay muộn có nghĩ là sẽ bị đau khổ, bà ... bà ...
– Trưng ra cho tụi mình lời nói của Krishnamurti chỉ mới đuợc hấp thu nửa vời, như là giải đáp cho sự đau khổ của tụi mình, phải không ?
Nàng phải phá ra cười cho dù ráng dằn lại.
– Sự việc là - tôi bắt đầu nhưng Viola nói tiếp ngay ý của tôi - là Chris chết không hề là thảm kịch cho bà, bà không hề thực tình thương mến Chris !
– Đúng vậy. Nhưng ngay cả ai yêu quí Chris – như anh nè, anh rất quí bà, em biết đó – vậy mà anh đâu có bị chấn động nhiều như em, hở cưng.
– Ồ, anh quân bình và có óc triết lý nhiều hơn em biết bao, nàng kêu lên không nghĩ ngợi. Phải chi em được như anh, nhưng em không phải là anh, đành chịu vậy ! Em biết anh vui mừng không có chút ích kỷ là Chris nay được tự do, dĩ nhiên là em cũng thế, chỉ có điều là em nhớ bà biết chừng nào ... Giọng nàng run run và tôi nhận ra là dù lời thơ có hơi sáo nhưng tâm tình mô tả lại đúng thật:
– ... Còn thấy đâu hình bóng nhau ...
Mọi tranh luận của trí não phải chào thua.
– Thôi, tôi nói và cố tình làm ra vui vẻ, anh tự hỏi thầy J.M.H. sẽ viết gì. Anh tin thầy sẽ chuyển lời nhắn của bà. Sao đi nữa, em có nhớ là lúc mẹ anh chết, Chân sư Koot Hoomi không câu nệ mà cho anh hay qua Chris nhiều tin về mẹ không ?
– Nó làm em yêu quí ngài nhiều hơn, Viola nói nhỏ, vì ngài thật là ... người ...
Nàng trầm ngâm một lúc lâu rồi bầy tỏ ao ước.
– Ô, em mong biết bao là thầy J.M.H. không ở xa như vậy, bằng không mình có thể được trả lời ngay lập tức.
Làm như nàng là người đang bị chìm mà bắt được chiếc phao.
Ghi Chú:
Để rộng đường dư luận và nếu muốn lắng nghe những ý kiến khác về hiện tượng Krishnamurti, bạn đọc có thể xem thêm hai tài liệu sau:
– Krishnamurti and the Search for Light, by Geoffrey Hodson, circa 1939.
– Cyril Scott and a Hidden School: Towards the Peeling of an Onion, by Jean Overton Fuller (Theosophical History Occasional Papers, Vol. VII) 1998. Cần dè dặt với tài liệu này vì có một số điểm không đúng.
CHƯƠNG III.
Tin Dữ Đến.
Mấy tuần trôi qua mà vẫn không có tin gì về Thầy. Phải chi sức khỏe và tinh thần Viola khá hơn, và tình trạng tài chính của chúng tôi tươi sáng hơn một chút, hẳn tôi rất muốn băng biển đến nhà thầy J.M.H. Đã nhiều năm trôi qua sau những ngày tháng đáng nhớ khi tôi gặp ngài và các đệ tử của thầy tại Boston. Thời gian thay vì làm phai dần uớc muốn được gặp lại ngài bằng xương bằng thịt, lại chỉ làm nó mạnh mẽ hơn.
Trong những năm ấy tôi tự hỏi sao ngài không hề gợi ý là tôi sang thăm, nhưng như Chris đã nhận xét rất đúng:
– Cách làm việc của các Chân sư thường bí ẩn lạ lùng ...
Hẳn nhiên là ngài có lý do của mình. Hơn thế nữa, tôi lại có hân hạnh tuyệt vời là được hầu chuyện và nhận chỉ dạy của vị Chân sư tại Himalaya mà thầy J.M.H. nhiều lần nhắc đến với lòng yêu quí, xem ngài là bậc Đạo đồ cao hơn chính thầy. Các vị Chân sư Minh Triết đôi khi có cách làm việc là tạm thời chuyển đệ tử sang một Guru khác, và tâm tình nhỏ mọn - xin thầy đại xá - gọi là 'ganh tị trong nghề' không hề có nơi các ngài.
Mà đương nhiên với việc Chris qua đời và Viola mất đi khả năng tâm linh, tôi lại bị hoàn toàn lệ thuộc vào phương tiện liên lạc thông thường để có được chỉ dẫn và lời dạy. Thế nên chẳng lạ gì là cả nàng và tôi chờ thư của thầy J.M.H. và không che dấu lòng nóng nẩy của mình.
Rồi buổi sáng kia tin dữ đến.
Thay vì có thư trả lời mà chúng tôi mong đợi, tôi nhận được thư từ người thư ký của ngài, ghi vắn tắt là Guru đã biệt tăm. Vẻ mặt của tôi khi đọc những hàng chữ hẳn phải cho thấy sự kinh ngạc và lo lắng tột cùng:
– Có chuyện gì không hay vậy ?
Viola hỏi, nàng vừa xuống để ăn sáng. Tôi không thể làm gì khác hơn mà phải cho nàng hay. Giây phút đó thật đáng sợ vì tôi biết tin có nghĩa gì đối với nàng. Nhà tôi đã mất Chris, và nay lại mất thêm Guru, bao nhiêu hy vọng tiêu tán cùng với ngài. Viola đang đau ốm, không đủ sức để bị chấn động như vầy, nhưng tôi bất lực không ngăn chặn được nó. Nàng hóa trắng bệch, không nói tiếng nào, rồi òa khóc.
Để an ủi nàng, tôi tìm cách làm tin nhẹ bớt đi.
– Cưng à, tôi nói, vòng tay ôm lấy nàng, em đâu hề nghĩ là ngài sẽ mất biệt luôn phải không ? Chắc chắn ngài sẽ trở lại bình an vô sự. Em có tưởng tượng là ngài bỏ đi mất không một lời từ biệt và để các đệ tử như thế này không ? Hẳn nhiên là ngài có ý sẽ trở lại.
– Mình đâu hề nghĩ là các Chân sư sẽ khiến Chris bỏ tụi mình mà đi, nhà tôi nức nở, vậy mà các ngài để bà ra đi ... Ô, em không chịu được. Liệu em sẽ mất hết những người mà em yêu quí hay sao ?
Đột nhiên tôi đâm ra tức giận với thầy J.M.H. Ngài có quyền gì để bỏ đi như thế và gây ra đau khổ ? Trời biết là Viola là đệ tử trung thành với ngài trong năm cả hai chúng tôi ở Boston, và nàng đã anh dũng hy sinh mình theo lệnh của ngài. Thầy phải biết rất rõ là bây giờ nàng đang đau ốm, đã mất bạn, vậy mà ngài chọn ngay lúc này để biến mất tăm ! Rồi tất cả những đệ tử khác của ngài thì sao ? Bộ thầy để cho họ đau khổ không một lời giải thích ư ?
Nhưng có tư tưởng giận dữ chẳng ăn thua gì, và sao đi nữa chúng không an ủi được Viola; thành ra tôi ráng hết sức để gạt bỏ chúng. Còn có những thư khác đang chờ mở xem, trong đó có một phong bì dầy với con dấu bưu điện Boston. Tôi mở thư ra xem.
Anh Broadbent thân, tôi đọc.
Như Heddon đã viết cho anh, ở đây chúng tôi đang có một tin động trời. Thầy J.M.H. đã biệt tích. Hai tháng trước ngài ra đi, rời chúng tôi với hàm ý là vài ngày sau sẽ trở lại, vậy mà chúng tôi ngồi chong ngóc chờ thầy từ đó tới nay. Lại có ý nói là thầy lên thiên đàng trong tai nạn xe lửa ở California, vì trong danh sách người tử nạn có một người tên J.M.H.
Bác sĩ Moreton, một trong những đệ tử mà tôi nghĩ anh chưa gặp, đã mướn phi cơ đi xem xét, nhưng không nhận dạng thi hài được. Nhiều thi hài khác cũng trong tình trạng như vậy. Chứng cớ có được chỉ là một valise mới có tên J.M.H. đóng trên đó. Nói riêng thì tôi không tin người này là Guru của chúng ta. Bậc Đạo đồ như ngài không có nhân quả khiến phải bị thiệt mạng vì xe lửa lật.
Tôi nghĩ Heddon, là đệ tử cao cấp nhất của thầy J.M.H., biết nhiều về chuyện mà anh không nói thôi, mà như vậy chẳng giúp gì cho chúng tôi. Mấy đệ tử khác nói họ có linh tính là thầy J.M.H. sắp bỏ đi, vì mới đây ngài quở trách họ là không tiến mau theo hết sức mình. Thầy hỏi bộ họ tưởng là ngài sẽ luôn luôn có đó để dẫn họ đi từng bước hay sao !
Sao đi nữa, tôi nghĩ là nên viết cho anh hay, và mong là anh không xuống tinh thần cho lắm. Ngoài ra, tôi muốn cho anh biết là tôi sắp đi London. Ba tôi đau trong mấy tháng và qua đời hồi năm ngoái, để lại cho tôi hầu hết tiền của ông. Tại sao không chi một ít và đi đó đây ? Tôi có thể vui tính nhưng trời, chuyện này làm tôi hơi buồn một chút. Cuộc sống mà không có thầy J.M.H. - chà, tôi chỉ thấy muốn bỏ đi một thời gian cho khuây khỏa.
Khoảng một tháng nữa là tôi đi, và sẽ gọi cho anh khi tới nơi. Cho hỏi thăm Viola nhé.
Thân,
Arkwright.
Tái bút:
Anh có thấy Guru hiền lành nào đi lại ở London không ?
Người viết bức thư thân ái này quả nói trúng phóc khi ghi là có tin động trời. Tôi nói được gì với Viola bây giờ đây ? Nàng không đụng tới bữa sáng và đã ra khỏi phòng, nhờ vậy nó cho tôi có giờ để suy nghĩ. Cho nàng hay có lẽ thầy J.M.H. đã bị thiệt mạng thì đó là tin tệ nhất. Với tâm trạng hiện giờ của nàng, chỉ gợi ý sơ sơ là có thể có chuyện bi thảm là đủ khiến nàng tin đó là chuyện thật. Và nó có thật hay không ? Biết đâu thầy J.M.H. vẫn còn vài nhân quả phải cân bằng, và ngài đã chọn cách đó ? Ý nghĩ thật kinh sợ biết chừng nào ! Ngài đi chuyến xe lửa đó, biết là xe có thể đụng bất cứ phút nào và ngài sẽ thiệt mạng ... Hoặc không chừng ngài không phải là bậc Đạo đồ cao cấp như chúng tôi đã tưởng về ngài. Không chừng không giống như những nhà Yogi cao cấp người Ấn mà ngài hay nhắc đến, thầy không thể tiên đoán giây phút cái chết của mình, và ngay cả khả năng thông nhãn đáng kể của ngài đã bị những Đấng cao hơn ngài rút lại.
Và tôi, người từng nghĩ là không bao giờ nghi ngờ, lại thấy mình chìm sâu vào trạng thái tâm hồn tê tái nhất. Cứ vừa tìm cách gạt bỏ những mối nghi ngờ của tôi bằng lý luận này, thì một lý luận trái ngược khác lập tức nẩy ra trong trí, như thể có ai đó đứng chực bên cạnh, tạo ấn tượng về nó trong trí não tôi.
Trong lúc đó nhà tôi, chắc trong phòng trên lầu, đang vật vã với cơn thảm sầu hai mặt. Tôi phải lên với nàng. Nhưng tôi quyết định không nói gì về lá thư của Arkwright. Nếu sau này tôi nhận được bằng chứng xác định là thầy J.M.H. đã bị thiệt mạng, khi ấy tôi sẽ phải báo tin cho nàng hay thật khéo léo.
Tôi thấy Viola nằm trên giường, đau đớn cả xác lẫn tâm.
– Tội nghiệp cô Hart đó quá ... nàng bắt đầu một cách yếu ớt.
– Phải, cưng, cô ta thì sao ?
– Anh có nghĩ là thật sự cô có thể liên lạc với Chris không ? Anh nhớ chuyện bà Saxton nói đó.
Tôi gật đầu.
– Không biết được. Tôi trả lời khích lệ. Em có tính thử không ?
– Em nghĩ muốn gặp cô ấy, anh gọi cho cô được không ?
Tôi đi ra chỗ để điện thoại. Tôi nói chuyện được với cô Hart, mà đúng hơn là có mình cô nói.
– Anh gọi cho tôi thật hay quá ... tôi chờ anh chị hết sức, nhưng thấy ngại ngùng ... Anh chắc là tôi không làm phiền khi đến nhà anh chị chứ ? Thật à ? Không làm chị mệt ư ? Tôi biết chị không khỏe, mà khi mình không khỏe - tôi nghĩ tốt hơn không nên ở lâu. Giả dụ tôi chỉ ghé lại một khắc thôi ? Vậy có lâu không ? Tôi có nên ... ?
– Trời đất ơi! Tôi than khi cuối cùng ngưng được và gác máy.
Chiều hôm đó cô Hart đến; nhỏ người, chộn rộn, liến thoắng, không rõ bao nhiêu tuổi, hoàn toàn không tân thời chút nào. Tôi tính không có mặt trong buổi nói chuyện mà rốt cuộc lại dính.
Cô bị rối bời với bao nỗi hy vọng, nghi ngờ, mong mỏi và hoang mang xáo trộn vào nhau. Cô ngồi xuống cạnh nhà tôi với thái độ của đứa trẻ muốn kể hết mọi chuyện cho người khác hay, mà thực tình cô đã bắt đầu kể trước khi chúng tôi có thể mời cô ngồi.
– Bà mới dễ thương làm sao ... thật là tử tế ... bà chỉ tính tôi có năm shillings khi tôi nói là mình không dư giả và bị nhức đầu ... bà Chris khả ái thường tỏ ra dễ thương với họ -như có phép mầu ... Mà, trời ... nhưng tôi không được làm chị xuống tinh thần, chị Broadbent ... coi nào, tôi đang nói gì ? A, phải, bà đồng này, chỉ có năm shilling thôi ... bà tốt quá phải không ? Vậy mà người ta nói đồng cốt chỉ làm tiền. Bà mô tả Chris - Ồ, tôi tin chắc đó là Chris - tóc bạc, áo xanh bà hay mặc vào buổi tối, những cử chỉ nhỏ nhặt ngộ nghĩnh của bà, nụ cười của bà - mọi chuyện , và bà nói Chris thăm hỏi tôi và bảo bà không ở xa lắm đâu, thật đấy, và rồi ...
Đột nhiên giọng nói cô Hart lạc hẳn và mắt cô đầy lệ:
– ... và rồi ông Clegg làm hư chuyện hết, mà ông được xem là người đồng tuyệt vời !
– Làm hư chuyện à ? Viola hăm hở hỏi, là làm sao ?
– Về sau, khi tôi kể cho ông nghe – tôi hay gặp ông, chị biết chứ – ông bảo Chris đã tiến xa và hẳn đã lên tới cõi cao làm cho mình không thể nào liên lạc được với bà ! Vật mà người đồng thấy chỉ là cái vỏ tình cảm của bà – nghĩ coi, chỉ là cái vỏ tình cảm – mà tôi tin chắc là ...
– Tôi tưởng, tôi nhẹ nhàng ngắt tràng câu nói, người nào càng tiến hóa bao nhiêu, thì càng có lòng từ bấy nhiêu, và bà sẽ càng muốn tìm cách an ủi những ai bà phải từ bỏ mà đi.
– Ồ, anh Broadbent, thiếu phụ nhỏ bé đáng tội kêu lên, mắt cô lại đầy lệ, anh thực tình nghĩ thế à ?
– Tôi thấy làm sao có ai nghĩ khác được chứ, tôi đáp. Rồi tôi xin lỗi và chuồn đi.
Về sau tôi nghĩ người như Harold Clegg đáng lẽ phải sáng suốt hơn, và không nên thao thao nói cho người như cô Hart nghe giả dụ của anh về đời sống sau khi chết của Chris. Sao anh không để cho cô được an ủi với ảo tưởng, nếu đó là ảo tưởng, mà lại gạt biến nó đi một cách phũ phàng như thế ? Và nay dĩ nhiên là Viola can dự vào; nàng hay gặp Harold Clegg tại The Pines và rất phục khả năng thông nhãn của anh; thành ra nàng dễ tin những gì mà anh xác nhận không khôn ngoan chút nào.
Và nỗi lo sợ của tôi hóa ra đúng thế. Khi cô Hart đã về, Viola nói một cách rầu rĩ:
– Em sợ cách đó cũng không có hy vọng gì ... Có lúc em tưởng – nhưng nếu Harold Clegg nói đúng về Chris thì anh ta đã phải thấy bà rồi, đâu cần người đồng.
– Không nhất thiết phải vậy, tôi tiếp lời. Bà quí mến anh chàng thật đấy, nhưng không có dây liên hệ thực sự giữa đôi bên. Nói cho đúng thì nhiều phần là bà sẽ đến với ai thực tình cần bà hơn là ai nghĩ bà đã tới chỗ nào đó rồi - như Kim tinh hay chòm sao Pleiades. Vớ vẩn !
Nàng cười buồn rầu.
– Cô Hart muốn em đi tới người đồng của cô. Làm như cô nghĩ là em có thể biết đó thực là Chris hay không. Em bảo cô lúc này em không còn thông nhãn và không thấy được gì, nhưng ...
– Nếu nó làm cho cô vui hơn, tôi ngắt lời, thì nên đi.
Nhưng cuối cùng hóa ra tôi cũng đi dự.
. . .
Chỗ đó là căn phòng nhỏ kỳ dị nằm trên con đường có hơi tồi tệ. Người đồng tên Euphonia chẳng có gì khác đời. Bà không nói cho chúng tôi nghe mấy chuyện tâm linh nửa vời hoặc bá láp. Bà có khả năng đồng cốt đặc biệt, và làm hết sức mình để giúp chúng tôi.
Sau khi ngồi yên trong ghế bành vài phút, bà bắt đầu vặn vẹo thân hình; đột nhiên bà ngồi bật dậy và xoa hai tay với vẻ hài lòng mau mắn. Snowflake, vong linh hướng dẫn bà đồng, đã tới, về sau vong linh cho hay mình là cô gái da đỏ. Snowflake vui tánh, hay nói đùa và có lối nói lạ đời. Cô gọi tôi là ông Nam (Mr. Man), và gọi cô Hart với Viola là 'quí nương'.
– Ô, cô nói, quay sang Viola, chung quanh ông Nam của cô có mầu sắc thiệt dễ thương; ổng hổng phải linh hồn tầm thường, hông đâu ... ở bên nây người ta thương ông lắm, ông làm chuyện lớn lúc bên ngoài thân xác và cũng chuyện lớn lúc bên trong thân xác ... Tụi tui biết ông đã lâu, thiệt đó ... ông có tiếp xúc với mấy Thầy Lớn ... tui như con sâu cái kiến thôi ...
– Nào, nào, tôi trách móc, cô muốn làm tôi ngượng đỏ mặt hay sao đây ?
Cô cười phá lên một tràng.
– Aha, ai có da sậm như tui làm sao đỏ mặt được!
Rồi đột nhiên cô hóa ra nghiêm nghị.
– Ah, quí nương cũng có hào quang xinh đẹp, mà sao buồn quá, đau khổ nhiều, làm tui muốn khóc luôn ... quí nương kia cũng vậy, buồn hoài, buồn quá, bạn quen mà, Snowflake đã gặp rồi, tóc trắng, áo xanh, cười dễ thương, qua bên nây làm ai ở lại cũng buồn, nhưng không sao, tui với bà đồng, để coi coi.
Cô ngừng một chút, chộn rộn một lát rồi:
– Bây giờ có quí nương xinh đẹp tới đây, nói muốn dùng bà đồng, nhưng mà, cô lắc đầu, khó lắm, khó quá, quí nương chút nị mà linh hồn thiệt lớn, rung động mau quá bà đồng không theo kịp. Để ráng chút, Snowflake phụ ...
Bà đồng ngồi lọt trong ghế và bất động một lúc. Bà lại ngồi bật dậy, lần này không có vặn vẹo nhưng tim bà đập quá mau tới nỗi ngồi ở chỗ tôi mà cũng nghe được. Chris, nếu quả thực đó là Chris, đưa hai tay ra với cử chỉ có thể là của bà, một cho Viola và một cho cô Hart. Tôi nghe nhà tôi hít một hơi dài. Rồi có một giọng nói rất nhẹ, không phải giọng của Snowflake hay của chính bà đồng, nói:
– Tụi mình gặp lại hè ...
Viola rụt người lại, Chris sẽ không hề có cách nói như thế.
– Bạn tưởng tôi đã bỏ bạn đi biệt tăng tích, một cách nói khác bà cũng không hề dùng, nhưng tôi không thể làm vậy. Bạn muốn gặp tôi, nên tôi tìm cách đến ... Giống như ngày trước, phải không ?
– Chris, bạn ơi, bạn có được vui không ? cô Hart hỏi, ráng kềm lại xúc động của mình.
– Vầy vậy thôi, bà đáp lại với nụ cười héo hắt. Tôi sẽ vui nếu họ không buồn nhiều như vậy.
– Bà muốn nói mấy người bệnh của bà ư ? Viola hỏi nhẹ.
Bà rùng mình.
– Nhầy nhụa quá.
Viola rụt người lại nữa, tuy về phần tôi, tôi nhận ra ý nói về tình trạng đờ đẫn của hào quang những ai sầu não.
– Tôi phải đi, Chris nói đột ngột, năng lực hết rồi. Bà cầm tay tôi và ép nó. Anh bạn à, bà nói nhỏ, tôi không có giờ để nói với anh.
Bà đồng bật ngửa ra sau trong ghế.
Viola rời buổi cầu hồn mà vẫn còn chán nản và kiệt lực. Về mặt tình cảm, nàng tin đó là Chris, nhất là trong vài phút đầu khi Chris có vẻ như điều khiển bà đồng; nhưng về trí óc thì nàng bị điều như là sự giả mạo Chris thô bỉ làm dội ngược.
– Mấy chữ dễ sợ đó ... nàng nhắc tôi.
Tuy vậy, với hy vọng là có được kết quả hay hơn, nhà tôi đi tới bà đồng nhiều bận. Nó luôn luôn cho cảm giác có một tình thương gần muốn làm ngợp, nhưng khi tình thương này được Snowflake diễn tả với cách đặt câu vay mượn, hoặc của chính bà đồng, thì ảnh hưởng đâm ra chỏi nghịch.
– Nó cứ lấp lửng ... Viola nhìn nhận với tôi, Chris, rồi lại không hẳn là Chris, Chris bị cá tính của bà đồng che lấp mất đi.
Chúng tôi không có được điều gì thực sự đáng tin hoặc cho biết rõ về đời sống và sinh hoạt của bạn chúng tôi ở những cõi bên kia; thực vậy, chẳng những không cho ấn tượng gì là bên ấy có sự vui vẻ và mỹ lệ, bà lại như bị sự đen tối và sầu não của tình trạng trên trái đất, mà bà phải tiếp xúc, làm tràn ngập, khi hy sinh đi xuống vào cõi vật chất đậm đặc hơn để dùng bà đồng. Từ từ, Viola tin đó là một sự hy sinh.
Tuy có vẻ như Chris nỗ lực một cách anh hùng hầu duy trì dây liên lạc mà bà đã tạo, chỉ để cho những bạn bè đang sầu khổ của mình, càng lúc bà càng hóa ra không phải là chính con người thật của mình, làm như bà rút ra khoảng cách ngày càng xa; khi tới cuối cùng Viola cảm thấy không còn lý do để mời gọi bà về từ những cõi mà chắc chắn chỉ là sự hoan lạc. Dần dần, nàng chấp nhận và bỏ hẳn không đi dự những buổi cầu hồn.
(còn tiếp)