VỊ CHÂN SƯ# 58

Xem Vị Chân Sư từ số đầu tiên trong mục Sách Dịch

Vị Chân Sư (tt)

 

  – Bởi chúng ta đều quan tâm, ngài bắt đầu sau khi nhạc Scriabine đã xong, với năm tháng kỷ niệm tối nay, ta hãy bàn đến chuyện ấy. Một ý nói rằng giữ kỷ niệm năm tháng có liên quan đến chuyện buồn phiền là phí phạm tình cảm tốt, vì vậy không khôn ngoan và thậm vô ích. Nghiền ngẫm nỗi đau lòng không tránh được đã là chuyện tệ, nay thực sự bắt mình nhớ tới nó vào một ngày đặc biệt trong năm thì rất ư là dại khờ.
Các lễ hội tôn giáo có mục đích bí truyền của chúng, thí dụ như Giáng sinh, nhưng đó là chuyện khác. Giáng sinh  gợi cho mọi người cảm thấy hân hoan là tình cảm xây dựng, còn ngày giỗ khiến ta cảm thấy đau buồn và ích kỷ là những tình cảm phá hoại. Nói về tối giao thừa – chắc hẳn có nhiều người nhìn lại quá khứ một cách rầu rĩ và nghĩ:
"Trong năm sắp qua này tôi đã mất bạn bè hay thân quyến",
còn ai khôn ngoan hơn sẽ không nghĩ:
"Mười hai tháng qua tôi đau buồn biết bao"
mà nghĩ:
"Tôi đã tiến bước ra sao ? Tôi đã gần tới lý tưởng đến mức nào rồi ?
Và không chừng để khuyến khích chính mình họ sẽ gợi nên trong trí bao niềm vui và nét mỹ lệ của Lý Tưởng ấy, cùng tưởng tượng chính mình đã đạt tới nó, với trọn sự vui thích đi kèm với thành đạt như vậy. Và đó là cách khôn ngoan, có hiệu quả để tiễn đưa năm cũ. Không chừng các con đã thấy là khi đọc sách có hứng khởi, con sống theo cách nào đó trong đời, rồi lòng nhiệt thành giảm xuống, con thấy bớt hứng thú; nhưng rồi nếu đọc trở lại sách, nó gợi hứng con như cũ và một lần nữa con lại tiến  lên với năng lực mới.
Thế nên thầy nghĩ tối nay, khi năm cũ sắp xong, thầy muốn đóng vai trò cuốn sách ấy và thử đưa tư tưởng con về niềm vui và nét mỹ lệ của Lý Tưởng đặc biệt mà tất cả chúng ta ở đây nhiệt tâm mong ước đạt tới. Bởi tuy chủ trương của thầy là luôn luôn giữ cái Lý Tưởng ấy trong trí các con, tối nay thầy đề cập tới những lợi điểm gần như không tưởng tượng nổi khi đạt tới đích – hầu cho khi làm vậy biết đâu các con sẽ lại tập trung năng lực để đạt nó, tức tâm Thương Yêu hằng hữu và tâm An Lạc hằng hữu.
Trong kinh sách Ấn xưa ghi một chuyện ngụ ngôn rất sát. Chuyện kể có người than phiền mặt đất họ đi sao mà lồi lõm, đá to nhỏ, gai góc đầy; rồi họ nẩy ra một ý cho là rất thần diệu. Anh nói:
– Ta hãy thu góp hết da trong thế giới và phủ trọn mặt đất, để cho khắp nơi ta đi sẽ êm ái, phẳng đều không còn đau chân.
Lúc ấy có trẻ nhỏ đứng nghe, mà bởi em có óc tưởng tượng nhiều hơn mới đưa ra ý khác hay hơn nữa.
–  Đem da mà trải khắp mặt đất mất công lắm, trẻ bảo, chi bằng mỗi người chỉ cột một miếng da vào chân mình thì kết quả cũng y hệt.
Và đó là kết quả mà các con nhắm tới, khi thay vì tìm cách thay đổi thế giới bên ngoài cho hợp với ham muốn riêng của mình, con nỗ lực thay đổi tâm con. Đúng là con có thể cố gắng làm được việc thiện chút ít ở chỗ này hay nọ, nhưng tính chung điều thực tình đạt được thì rất ít oi. Nó gần như tìm cách tát nước ra khỏi ao bằng cái muỗng. Nếu có cả ngàn hay cả mười ngàn người dùng muỗng cùng tát nước, sẽ sinh ra kết quả đáng nói. Nhưng – thử đưa thí dụ đi xa hơn, ai chịu làm việc đơn điệu và mệt nhọc như vậy trừ phi họ có niềm vui trong lòng mà không công việc nào, dù chán ngán và nặng nhọc tới đâu, có thể làm mất đi niềm vui ấy ?
Chuyện cũng y vậy với việc tìm cách làm điều lành trong thế giới. Bao lâu ta chưa đạt tới tâm Thương Yêu và Hoan Lạc hằng hữu, khả năng làm lành của ta sẽ bị giới hạn do niềm ao ước muốn làm lành – ít nhất sẽ bị giới hạn rất nhiều. Không phải con muốn giúp người mà con thương hơn là giúp kẻ mà con không thương sao ? Nhiều phần là con làm vậy. Thế thì nghĩ xem chuyện ra sao nếu con có thể thương yêu mọi người trên thế giới – không phải vì mọi ai trên đời đều khả ái và xinh đẹp làm gợi dậy tình thương của con, mà vì có một tâm Thương Yêu hằng có trong lòng, và giống như mặt trời, túa rải ra mọi hướng, cho người lành và chẳng lành đồng đều như nhau.
Có người không bỏ được quan niệm rằng Tình Thương tinh thần cho trọn nhân loại là điều quá viễn vông, trừu tượng, lạnh lùng, tẻ nhạt chẳng đáng ta cố công đạt tới. Họ muốn điều gì cụ thể, nhiều tình cảm hơn, giống như tình cảm giữa các tình nhân hay bạn hữu quyến luyến sâu đậm. Trên thực tế người như vậy lẫn lộn thiện tâm hay cảm tưởng tốt bụng mơ hồ với tình thương. Thầy không nói rằng thiện tâm tự nó không phải là chuyện hay, nhưng nó là tình cảm thực ra rất nhẹ so với tâm Từ Ái; ngay cả tình thân giữa bạn bè cũng nhẹ so với tâm Từ.
Hãy nhớ rằng, bạn bè hết lòng hết dạ với nhau cũng không luôn luôn nghĩ đến nhau. Con có thể trào dâng tình thương bất cứ khi nào nghĩ đến người mà con thương yêu rất mực, nhưng chỉ vì con không trụ tư tưởng vào người ấy trọn ngày, sự trào dâng đó tương đối hiếm nên không thể được xem như là một phần của tâm thức thường nhật. Ngoài ra, nếu xa cách bạn thì hoặc là con đau khổ, hoặc nếu sự xa cách kéo dài thì tình thương của con bắt đầu phai lạt, vì tình thương có điều kiện tùy thuộc phần lớn vào việc ký ức có nó. Làm sao ai có thể thương nhớ hoài người vắng mặt trừ phi họ có ký ức – không phải đó là chuyện bất khả sao ?
Thế nên con thấy là khi mọi người tìm cách so sánh không thuận lợi tình thương có điều kiện với Tình Thương tinh thần vô điều kiện, họ làm vậy vì chưa hề kinh nghiệm điều sau và do đó không biết. Để họ kinh nghiệm nó một lần dù chỉ trong một phút, và sau đó họ sẽ mãi mãi nói cách khác đi. Đó không phải là chuyện trừu tượng, hời hợt và dửng dưng lạnh lùng – nó là sự hoan lạc, bình an, nồng ấm và đẹp đẽ tất cả hòa làm một.
Khi xưa có một thanh niên ngửi thấy mùi hương lạ và tuyệt diệu mà không giải thích được. Anh kê mũi vào bất cứ bông hoa nào nghĩ là có thể phát ra mùi hương đó, nhưng không một hoa nào tỏa ra mùi hương giống nó chút nào. Cuối cùng anh khám phá ra sự thật, mùi hương từ nơi anh mà ra và anh mang theo mùi hương đến bất cứ đâu anh đi tới, vì đêm hôm trước tình nhân anh đã nhỏ một giọt dầu thơm dịu vào khăn đội đầu, nhưng anh quên mất điều ấy.
Chuyện gì xẩy ra cho thanh niên thì cũng xẩy ra cho ai đạt được tâm Thương Yêu – họ cũng mang theo Tình Thương và Hoan Lạc quanh mình bất cứ nơi đâu họ tới, vì nó hiện diện bên trong họ thay vì bên ngoài. Bất cứ nơi đâu họ vào, người như vậy cũng cảm thấy một bầu không khí thương yêu, vì họ là người mang bầu không khí ấy; và bởi Tình Thương làm đẹp mọi chuyện, ngay cả chỗ nhớp nhúa và xấu xa cũng hóa đẹp đối với họ.
Lấy thí dụ, thử nghĩ con có chuyến đi xe lửa và tới trạm đông đảo nơi có nhiều người muốn vào toa của con. Không chừng trong đám có một thiếu phụ không được sạch sẽ cho lắm với em bé, nên con nói thầm:
– Mong là cô không vào đây với em bé la khóc inh tai, làm mình không mơ mộng được.
Và có thể cô với con nhỏ vào toa xe, con thấy không thoải mái, chán ghét và đi tránh xa cô tới hết mức có thể được. Nào, con có thấy vui khi không thoải mái và lòng chán ghét ? Con chỉ mong  tới trạm kế cô xuống xe và con thoát khỏi sự có mặt khó chịu của cô.
Nhưng chuyện sẽ khác hẳn đi nếu trong lòng con có tình thương không khi nào biến mất, con thương mến ngay cả người đàn bà ấy và con của họ, và mừng là cô vào toa xe của con. Con không thể tiếp tục mơ màng hay đọc sách báo thì đã sao ? Con ngồi đó không làm gì thì cũng vui như khi thưởng thức cuốn chuyện hấp dẫn nhất. Vì hạnh phúc của con không tùy thuộc vào chuyện có cuốn sách hay toa xe ngột ngạt hay trên đỉnh núi cao. Con sẽ hạnh phúc ở bất cứ đâu, vì con là một với Hoan Lạc như ai thực sự mạnh khỏe có thể nói là một với sự mạnh khỏe.
Nay nói về nỗ lực của các con trong năm mới. Thầy chúc lành cho các con và mong ước tất cả các con tiến gần đến Mục Tiêu. Hãy học sử dụng trí tưởng tượng  nhiều hơn và nghĩ về Tình Thương, nghĩ về sự Hoan Lạc để con có thể trở thành điều mà con có tiềm năng trở thành – Cái Tôi Vĩnh Cửu Bất Hoại – Tình Thương và Hoan Lạc, Hiểu Biết, sự Hiện Hữu Tuyệt Đối.'

Bài nói chuyện của thầy ngắn nhưng nó gây ấn tượng lạ lùng, nhất là phần kết luận. Tôi không sao lột tả được tình thương tuyệt vời của thầy trong giọng nói lúc ban phép lành, tôi chỉ có thể nói là uy lực cùng sự mỹ lệ của nó làm rung động mỗi chúng tôi. Hơn một phút sau khi ngài dứt lời, tuy có sự di động tới lui của mọi người để ra về, không ai trong chúng tôi lên tiếng; và khi cuối cùng có nói chuyện thì chỉ là thì thào nhỏ giọng.
Tôi tự hỏi có nên đến gặp thầy M.H. và chào từ biệt thì ông Galais, như là trưởng tràng các đệ tử, đi lên bục và nói vài lời cám ơn thầy đại diện cho tất cả bọn có mặt. Chẳng những ông cám ơn về buổi tối vui vẻ nhiều tiết mục, mà còn cám ơn mọi chuyện Chân sư đã làm cho chúng tôi trong quá khứ, mà ông biết ngài cũng sẽ làm trong tương lai. Ông nói mình biết là những gì có thể nói sẽ không thể biểu lộ dù chỉ một phần rất nhỏ lòng biết ơn mà tất cả chúng tôi cảm thấy, nhưng có những lúc ông không cưỡng được mà ít nhất cố công làm thử.
Khi ông nói xong, Chân sư cám ơn ông và tất cả chúng tôi ngược trở lại, về lời cảm ơn của bọn tôi, và nói rằng thêm vào đó, ngài muốn tỏ lòng cảm tạ những bạn đã dạo đàn, ca hát, đọc thơ văn tối ấy, làm thêm vào sự vui thích chung. Sau đó ngài chúc tất cả chúng tôi năm mới hạnh phúc, với một nụ cười.

 

Kết  Từ

Khi viết lời kết từ này tôi cảm thấy mình như tiểu thuyết gia phái cổ, luôn luôn nghĩ là cần phải cho độc giả biết hậu sự của những nhân vật trong chuyện. Sự khác biệt là trong khi tiểu thuyết gia không chừng đã viết trang chót ngay sau khi đã xong những trang trước đó, phải vài năm sau tôi mới viết trang chót của mình.
Viola và tôi nay đã thành hôn được một khoảng thời gian, và chú bé mà Thầy M.H. muốn chúng tôi có nay đang lớn như thổi thành thằng bé con cứng cáp. Tuy chú bé xem ra có bản tính vui vẻ khác thường, chú không biểu lộ niềm vui ấy bằng âm nhạc theo cách mà có lần tôi đã e ngại chú sẽ làm. Chú bé con cũng không được cho, hay xin, cái kèn nhỏ bằng thiếc để thổi tò tí te suốt ngày, trong lúc cha chú đang gắng sức làm việc ...
Trước lúc chú nhỏ sinh ra một khoảng thời gian, Chân Sư cho chúng tôi hay chú nhỏ là ai, hay đúng hơn đã từng là ai, và như tôi nghĩ cùng hy vọng là chỉ một hai người bạn rất thân của chúng tôi biết chúng tôi là ai (lúc đó sách ký tên His Pupil và tác giả Cyril Scott chưa lộ diện), tôi có thể nói rằng chẳng những chúng tôi rất ngạc nhiên mà còn cảm thấy có vinh hạnh lớn lao. Thực thế, trong mấy năm vừa qua nhiều lần chúng tôi thấy có lý do phải cám ơn Trời là đã thực hiện ước muốn của Chân sư. Chuyện không dễ dàng lúc ban đầu, chúng hết sức khó khăn; nhưng thời gian khó khăn trôi qua mau lẹ và nay gần như được quên lãng. 
Từ khi rời Boston, tuy không còn được gặp thầy M.H. bằng xương bằng thịt nữa nhưng thỉnh thoảng ngài đến thăm chúng tôi trong thể vía – khi ngài cho rằng chúng tôi cần ngài, và bởi Viola có thông nhãn thấy được ngài cũng như có thông nhĩ nghe được tất cả những gì thầy nói, nàng nhắc lại lời thầy cho tôi nghe. Còn một cách liên lạc khác mà đôi khi ngài dùng và theo cách ấy thầy có thể nói chuyện trực tiếp với tôi và tôi với ngài, nhưng tôi không được phép viết về chuyện ấy. Cũng nhờ Viola tôi biết có đôi lần ngài ở cạnh tôi khi tôi bận rộn với sáng tác đầy hứng khởi, nhiều lần nàng cảm được sự hiện diện của ngài.
Nàng kể với tôi rằng tôi chỉ từng thấy ngài trong xác thân vật chất, không thể tưởng ngài thực sự trông ra sao. Tuy ở cõi trần thầy có gương mặt thanh tú làm ta phải chú ý ngay, nàng bảo không sao tả được nét mỹ lệ của ngài trong thể vía. Hào quang của ngài rộng đến mức mỗi khi thầy đến thăm chúng tôi, nó bao trùm vượt xa ra ngoài căn nhà. Những lần thăm viếng của ngài cũng không phải là không có nét khôi hài, vì có lắm lần bà bếp, bà có thông nhãn một chút tuy không ý thức điều ấy, tự hỏi tại sao vật gì trong nhà bếp 'trông cũng có mầu hồng', và mắt bà có gì không ổn chăng ! Dĩ nhiên chúng tôi không thể giải đáp thắc mắc này cho bà ...
Thầy M.H. không hề viết thư cho tôi, xem ra có vẻ lạ lùng vì qua Heddon, thư ký của ngài, tôi biết là ngài có đọc nhiều thư cho anh viết; nhưng vì ngài có thể liên lạc bằng những cách khác, chuyện này không có gì ngạc nhiên. Dầu vậy tôi có nhận được những tin gián tiếp về ngài và việc làm của ngài qua Arkwright, vì anh có liên lạc thư từ với tôi. Một trong những thư của anh có chứa vài tin sửng sốt về Clare.
Cuộc chia tay của chúng tôi không gây đau lòng như đã tưởng, vì nàng và mẹ dự tính 'có chuyến đi' sang Anh quốc vào mùa hè sang năm. Nhưng tôi không bao giờ gặp Clare lần nữa, nàng qua đời vì bệnh sưng phổi ba tháng sau khi tôi rời Hoa Kỳ. Arkwright viết:
– Cô rời trần tại Canada, không đau đớn chi hết.
Trong nhiều ngày nàng mê man và chỉ tỉnh lại khoảng một giờ trước khi mất.  Khi Clare thỉnh thoảng tới thăm chúng tôi từ 'Cõi bên kia' và Viola thấy được nàng, Clare kể là thầy ở cạnh nàng trong những giây phút cuối. Giống như nhiều người vào phút ly trần, Clare có được thông nhãn trong chốc lát và thấy Chân sư đứng bên cạnh an ủi và đưa nàng qua cõi bên kia. Clare rất vui vẻ và giúp đỡ chúng tôi về nhiều mặt, vì nàng mô tả cảnh sống bên cõi của mình, còn chúng tôi học được từ nàng một số chi tiết thú vị. Cố nhiên nay tôi hiểu vì sao thầy không cho nàng hay chuyện tương lai về tình thân giữa nàng và tôi. Dù vậy, cái chết của nàng làm tôi thắc mắc – nhiều hơn là nó làm tôi đau khổ – và tôi phải cầu xin ngài để được soi sáng.
– Tại sao thầy nhận làm đệ tử, tôi hỏi, khi thầy hẳn đã biết là vài tháng sau cô sẽ qua đời ? Thấy có vẻ như chỉ là phí ngày tháng.
Ngài mỉm cười nụ cười nhẹ nhàng đặc biệt của ngài.
– Này con, thầy đáp, ta nhận cô một phần là để làm thử thách lớn hơn cho con, và một phần – chà – con không cần phải biết tới lý do khác. Chuyện sẽ tương đối dễ cho con quí mến Viola nếu không có thương yêu Clare. Mà ngoài việc đó ra, không có gì là uổng phí cả, con có cho rằng chỉ vì nay Clare ở trong tình trạng mà người chưa hiểu biết gọi là chết, cô có xa rời thầy chăng và không còn là chela (đệ tử) của thầy ?
Tôi cười cho sự ngốc nghếch của chính mình.
– Thế thì, sau đó tôi nói với Viola, anh không thành hôn với Clare vậy mà hay, bằng không nay anh thành người góa vợ rồi.
– Còn em không lấy Norman thì cũng rất may phước, nàng đáp, hẳn em sẽ ủ ê sầu não cả ngày. Giờ thì cả hai ta sống chung hạnh phúc, và nhờ vậy đôi chúng mình có được tâm thức tinh thần với giá rẻ biết mấy.
– Và vẫn còn giữ được óc hài hước của mình, tôi nói với óc châm biếm đùa nghịch. Tuyệt quá phải không ?
..........

 

Tới đây là hết quyển hai 'The Initiate in the New World' trong bộ ba cuốn 'The Initiate'. Nay ta bắt đầu quyển ba 'The Initiate in the Dark Cycle', xuất bản năm 1932. Từ năm 1932 đến nay có thêm nhiều khám phá về các nhân vật hoặc chi tiết trong bộ sách này, cũng như có những diễn biến liên quan đến vài điểm mà sách nêu ra. Tới đoạn nào như vậy, ta sẽ có lời chú thích để giúp độc giả hiểu rõ hoặc nắm vững điều tác giả trình bầy trong cuốn chót của bộ.
Tưởng cần nói thêm là bộ sách 'The Initiate' rất được ưa chuộng, được tái bản nhiều lần từ đó tới nay, và có nhiều ấn bản tuy nội dung không khác nhau lắm. Trong một ấn bản nay không còn nữa, tác giả ghi là có trình lên Chân sư thư của một độc giả tỏ ý ngưỡng mộ ngài sau khi đọc xong cuốn 1 'The Initiate', cùng trình bầy ước muốn được theo chân các đấng cao cả. Chân sư mỉm cười và hỏi Scott là ông có nhận ra điều gì đáng để ý của thư, Scott còn ngơ ngác thì ngài chỉ cho thấy trên phong thư không có địa chỉ người gửi. Ngài nói:
– Đây là người khiêm nhượng, ông tự cho mình chẳng đáng làm con, làm ta bận lòng nên tuy viết về niềm tin của mình, ông đã không mong và không kèm địa chỉ để được con trả lời. Ông nên biết rằng những ai có lòng thành và quyết tâm đều được các Chân sư lưu ý và theo dõi tuy họ không cảm biết, không ai bị bỏ rơi.
Thời điểm quyển ba được xuất bản cũng đáng được đề cập, vì trong một thời gian ngắn sau đó vài quyển khác cũng chào đời mà giống như cuốn này, đã được hân hoan đón nhận và hiện giờ cũng vẫn được ưa chuộng, nhờ giá trị độc đáo của chúng. Dưới đây là bản tóm tắt thời điểm và những tác phẩm, xuất bản chỉ cách nhau vài năm trong giai đoạn đáng nói này:
1932 –    The Initiate in the Dark Cycle, Cyril Scott.
Through the Eyes of the Masters, David Arias.
1933 –    Watchers of the Seven Spheres, H.K. Challoner
1935 –    An Outline of Modern Occultism, Cyril Scott
The Vision of the Nazarene, Cyril Scott
The Wheel of Rebirth, H.K. Challoner
The Adepts of the Five Elements, David Arias
1936 –    A Greater Awareness, Cyril Scott
1938 –    Music, Its Influences throughout the Ages, Cyril Scott
Vắn tắt thì tất cả những sách trên trình bầy các điểm chính của Minh Triết Thiêng Liêng hay Theosophia một cách giản dị, khiến quần chúng dễ dàng chấp nhận hơn, cùng lúc cho ra nhiều hiểu biết giá trị về huyền bí học. Độc giả lâu năm của PST hẳn đã nhận ra là nội dung các sách này từng được trích dẫn trong các bài viết trên PST, với chủ ý là để người Việt cũng được biết chúng như người tại các nước khác.
Sau đây xin mời bạn đọc cuốn ba và là cuốn chót của bộ 'The Initiate', do Thanh Thiên dịch

 

GIỚI  THIỆU

Vào lúc mà những thay đổi lớn lao trong vũ trụ đang xẩy ra trong các cõi vô hình, cùng với những biến đổi và xáo trộn tương ứng nơi cõi trần, các Chân sư Minh Triết đã cho tôi hân hạnh khi đề nghị tôi viết cuốn ba tiếp tục cho quyển 'The Initiate'. Mục đích của các ngài là đưa ra thêm một chút hiểu biết và giác ngộ cho một nhân loại đang bị hoang mang rất tội, và đặc biệt hơn là cho những học viên Huyền Bí Học loại cao hơn. Có lúc họ bị đối đầu và nay vẫn còn bị vậy, với những vấn đề mà họ cảm thấy không thể giải quyết.
Tính chất của những vấn đề này và cách giải quyết mà các Chân sư dùng để truyền hiểu biết cần thiết sẽ được trình bầy về sau trong sách. Hơn thế nữa, gợi ý của các ngài và sự thực hiện chúng có thể ngẫu nhiên đáp ứng với mục tiêu cá nhân của tôi và không quan trọng bằng, là tránh cho tôi một số điều nan giải mà tôi vướng vào, như là kết quả của hai quyển trước. Vì tôi trở thành mục tiêu cho bao nhiêu là thư, thắc mắc và đòi hỏi mà phần lớn là tôi không thể đáp lại thỏa đáng.
Thư đến từ khắp nơi trên thế giới, và một số người viết những thư này yêu cầu tôi xin với Guru của tôi để nhận họ làm đệ tử; người khác năn nỉ tôi xin ngài can thiệp vào các vấn đề và khó khăn của họ hoặc của bạn họ; người khác nữa muốn đến nói chuyện với tôi như là bước đầu tiên để được gặp ngài. Vài người như thế tự khen mình nức nở, kê ra nhiều tính chất khác nhau mà họ cho là làm họ xứng đáng thành đệ tử của ngài.
Các bà vợ viết cho tôi, muốn biết họ phải làm gì đối với ông nhà thiếu thủy chung, và các đức ông chồng hỏi đối phó làm sao với các bà không chung thủy. Nói vắn tắt thì tôi nghĩ thầy Justin Moreward Haig sẽ khuyên gì trong trường hợp riêng của họ ? Tôi còn nhận được cả lời đe dọa rằng nếu không tiết lộ cách mà Chân sư làm điều gọi là 'phép lạ' của ngài, tôi sẽ bị xem là thiếu tình huynh đệ chân thực, vì không Đấng Từ Bi nào sẽ giữ hiểu biết lấy cho riêng mình, mà sẽ chia sẻ nó với người khác !
Tuy vài người liên lạc thư từ này viết là họ ái mộ sách của tôi (nhân đây tôi xin cám ơn các vị ấy), họ lại nêu ra những thắc mắc mà nói cho đúng, đã được trả lời trong hai tác phẩm trước rồi. Điều này hàm ý hoặc họ không hoàn toàn nắm được ý nghĩa của sách, hoặc họ đã làm điều mà nhiều người làm liên hệ với kinh thánh – là chấp nhận những chỉ dạy riêng biệt nào hợp với nhu cầu của họ, và làm ngơ những điều khác.
May mắn là thư từ loại khó ăn nói chỉ là một mặt của câu chuyện. Tôi còn nhận được nhiều thư khác ghi rằng người viết đã thực sự được cứu thoát cảnh hôn nhân tan vỡ, nhờ lời dạy của Chân sư. Một số người nữa nhiệt tình cho rằng ngài có can dự vào việc chuyển hóa hoàn toàn quan điểm của họ về cuộc đời; và người khác nữa tin là họ đã được các sách trợ giúp khi gặp khủng hoảng về vật chất hay tâm linh.
Dầu vậy, khi viết lời Giới Thiệu này nói nhiều về việc liên lạc thư từ, tôi không có ý ngăn cản độc giả nào thấy bị thúc giục phải viết cho tôi về những câu hỏi chưa được đề cập trong hai quyển sách. Mặt khác, tôi xin mau mắn nhắc quý độc giả rằng viết thư cho tôi để nhờ dàn xếp việc gặp mặt Chân sư chỉ là điều vô ích, vì nếu có kiên nhẫn đọc hết cuốn thứ ba này, họ sẽ thấy làm sao và vì sao đòi hỏi như thế không thể thỏa mãn được. Hơn nữa họ sẽ nhận thức là, vì xem ra họ chưa hiểu sự việc sau khi đọc lời giới thiệu quyển thứ hai, tôi không ở vị thế làm hài lòng được ai tìm cách, hoặc ai vẫn còn cố công, khuyến dụ tôi đừng giữ kín nữa mà cho họ biết ngay Chân sư là ai, tìm được ngài ở đâu.
Có những lời đồn đãi rằng ngài là nhân vật này hay nọ, và tôi nhận được các thư hỏi điều ấy có đúng chăng. Nhân đây tôi xin trả lời không dè dặt rằng ấy là lời đồn đãi sai lạc. Sao đi nữa, những Guru sống trong thế giới tây phương – và đây là điểm quan trọng – không thể làm công chuyện của mình giống như cách thức của những nhà Yogi người Ấn, sẵn lòng giảng cho ai tỏ ý muốn nghe, và có vẻ không tránh né chuyện có sách vở, tờ thông tin (palmphlet) viết về họ, tuyên bố sự thánh thiện và hành tung đích xác của họ. Thực thế, dù không thiết tha với cõi trần, họ làm như không có gì phản đối việc thành nhân vật trong quần chúng. Nhưng tình trạng ở đông phương khác xa với tình trạng tây phương. Tôi chưa hề nghe có một Guru tây phương hay Chân sư nào là nhân vật của quần chúng. Các Mahatma ở nơi thâm sơn cùng cốc của Tây Tạng, cho phép sách viết ra mô tả khung cảnh sống của các ngài là một chuyện, và các chân sư tây phương cho phép có tiết lộ tương tự là chuyện khác hẳn.
Không sách nào đã viết, mô tả tông tích của các Chân sư người Anh, thí dụ vậy; một trong những lý do là việc xuất bản một cuốn sách như thể sẽ dẫn đến những việc công kích đối với sự riêng tư của các ngài, và do đó phá rối công việc quan trọng mà các ngài, chung với các Chân sư khác, đang làm cho nhân loại.
Vì thế xin nói rõ ở đây là những quyển sách của tôi không hề được viết để 'quảng cáo' Guru của tôi như là vị Thầy mà tất cả những ai nghĩ họ đáng có được huấn luyện huyền bí, có thể dễ dàng gặp mặt bằng xương bằng thịt; mà đúng ra cho mục đích rộng rãi hơn là làm chứng về sự hiện hữu của những Đấng Cao Cả, các Guru, Chân sư, những vị khiêm tốn tự gọi mình là các Huynh Trưởng của nhân loại.
Trước hết, có những người chưa hề nghe nói tới các Chân sư và do vậy không tin vào các ngài; thứ hai, có những người muốn tin là các ngài hiện hữu nhưng thấy không tin được; và thứ ba là những người kém may mắn nhất, những ai đã có lần tin mà nay đâm ra nghi ngờ mạnh mẽ. Hạng người thứ nhất không cần làm bận trí chúng ta, nhưng người hạng thứ hai và thứ ba có lẽ cần được ai có hiểu biết rõ ràng làm chứng nhân giúp đỡ họ, so với chuyện đối nghịch là chỉ có niềm tin mà thôi.
Bởi dù sao đi nữa, hiểu biết của ai đã thấy có thể gợi nên niềm tin trong trí ai chưa thấy, và trong thế giới của huyền bí học, niềm tin chót hết có thể dẫn tới sự hiểu biết. Ai đã tin vào các Chân sư Minh Triết và thuận theo chỉ dạy của các ngài, là tạo nên liên lạc thần giao cách cảm với các ngài; hoặc nói theo chữ chuyên môn của vô tuyến điện là bắt được làn rung động của các ngài. Tuy nhiên, ngoài chuyện ấy ra, vào những giai đoạn khác nhau trong lịch sử thế giới, các Chân sư sẵn sàng dùng giáo huấn và lời khuyên để làm quân bình phần đạo đức, thói đời và niềm tin đang thay đổi. Trong những bài ghi nhận mà ngài cho phép tôi viết ra, tôi đã cố công cho thấy – dù thiếu sót thế mấy – Guru của tôi đã thêm sự đóng góp của ngài vào các huấn thị này.
Dầu vậy, chúng ta chớ nên hiểu lầm ngay từ đầu. Tôi, người cho mình tên Charles Broadbent, không phải là ai có tiếng tăm về mặt tinh thần hoặc văn chương như chắc chắn nhiều nhà phê bình và ai khéo quan sát đã nhận thấy từ những sách trước của tôi. Tôi không phải là ông thánh và khả năng văn chương của tôi còn thiếu sót rất nhiều, đến nỗi tôi cảm thấy trọn công việc lẽ ra phải giao cho ai viết tiểu sử, hoặc tiểu thuyết gia có tiếng tăm thay vì cho tôi.
Nhưng cái lạ là không có tiểu thuyết gia nào như thế xuất hiện. Còn nói về thánh thì họ có thể viết về những trạng thái huyền bí của tâm thức tuy có khó một chút, nhưng khi ghi lên giấy cuộc trò chuyện sơ đẳng nhất thì kết quả là sự méo mó đáng tội. Vậy ta nên hiểu rằng tôi chỉ là dụng cụ trong tay những đấng mà hiện nay không thể tìm ra ai khá hơn; có lẽ vì có nhiều việc quan trọng hơn phải làm, các ngài còn không hề thử tìm ai khác.
Như thế, các ngài tin rằng độc giả của tôi có đủ suy xét để hiểu rằng tuy người viết không có gì hứa hẹn, nhưng câu chuyện được kể không nhất thiết vô ích và dối gạt. Nên các ngài không bận tâm rằng tôi là 'linh hồn tiến hóa' hay không, hoặc tôi có đủ điều kiện tinh thần này hay kia. Lý do tôi được chọn để viết những đề tài quan trọng như  thế mà sẽ được bàn tới trong những chương sau, là vì đời tôi diễn ra khiến cho tôi ở trong địa vị đáng ao ước là có thể dành phần lớn ngày giờ cho đòi hỏi của các Chân sư. Thực vậy, tôi thấy hoạt động của các ngài – những gì mà tôi được phép theo dõi – là chuyện lý thú tuyệt vời nhất trong kiếp này của tôi, và tôi không tưởng tượng ra được việc làm nào khác cũng gợi hứng và kích thích như là 'người tùy phái chạy việc' hiểu theo nghĩa bóng cho các ngài.
........

 

Ai đi theo con đường của Tình Thương có thể đau lòng khi người thân của họ qua đời. Ai theo con đường Quyền Lực có thể đau khổ khi quyền lực của họ bị đối kháng. Nhưng ai theo con đường Minh Triết sẽ tìm thấy Bình An, vì Minh Triết không thể bị lấy mất đi. Khi Minh Triết mạnh đến nỗi nó chìm vào tiềm thức và tràn ngập trở lại vào tâm thức, nó làm con người không còn cảm thấy đau khổ; vì ánh sáng của nó xua tan bóng tối khỏi mọi lớp tâm thức.
Justin Moreward Haig.

 

CHƯƠNG  I

Vị Đạo Đồ Thiên Thần

Một thời gian ngắn sau khi cuốn The Initiate in the NewWorld được xuất bản, tôi buộc phải gửi một thư cầu cứu S.O.S. cho Guru của tôi, thầy Justin Moreward Haig. Viết thư này không dễ, vì không cần phải nói, tôi biết ngài không phải là người có toàn năng; ngài không thể làm kẻ chết sống lại, và ở nhà ngài tại Boston cách xa hàng ngàn dặm, cũng không thể làm cho điều vô hình trở thành hữu hình cho ai đã mất khả năng thấy chuyện tâm linh. Vì nhà tôi, chúng tôi cho là do vài lần giải phẫu, đã không còn thông nhãn và không thể liên lạc bằng phương tiện siêu hình với Chân sư.
Sự mất mát này làm nàng rất buồn khổ, và chỉ bớt đi lúc chúng tôi gặp được Chris, nhờ khả năng riêng của bà, đã có thể làm sự việc sáng tỏ hơn khi nay Viola không còn có thể tự mình thấy được. Mà giờ Chris cũng đã qua đời và chuyện hóa đen tối hơn cho Viola, vì cộng thêm với sự mất mát là nỗi đau khổ vì không thể sử dụng chính quan năng mà chỉ có nó mới có thể bắc cầu qua hố thẳm ngăn nàng và bà bạn thân mến.
Chris không phải là người bạn theo nghĩa thông thường. Bà có những đặc tính độc đáo làm khác với người bình thường. Bà có vẻ như thuộc về một thế giới khác hơn là thế giới này, thế nhưng lại có sự thấu hiểu lạ lùng và thông cảm để làm vơi bớt khổ nàn của nó, bà trở thành trụ cột mà đời chúng tôi xoay quanh trong nhiều năm. Cái chết của bà làm Viola, người có liên hệ thân ái mạnh mẽ với bà và theo con đường tình thương hơn là minh triết, thấy tan nát trong tim. Tánh khí thiên về tình cảm hơn là triết lý, nàng dũng cảm ráng đè nén sự đau khổ của mình vì nó không hợp với lý tưởng tinh thần nhưng rốt cuộc chỉ làm việc hóa tệ hơn. Thế nên với hy vọng là có được lời khuyên để làm vơi bớt sự đau khổ của nàng, tôi quyết định gửi thư  S.O.S. cầu cứu Guru tôi. Tôi không hề tưởng tượng được là hệ quả từ quyết định đơn giản ấy lại cho ra tài liệu đủ để viết phần lớn trong cuốn thứ ba này.
...........

Trong lúc tôi ngồi đây với vài trang đầu tiên của sách, ký ức tôi quay trở về người phụ nữ nhỏ bé ấy, tuổi trung tuần, trông bề ngoài không có gì đáng để ý, mà lại đóng vai trò thật quan trọng trong đời sống tâm linh của chúng tôi, và truyền đến một số nhỏ người có khả năng tiếp nhận nó, biết bao hiểu biết từ các Chân sư Minh Triết. Tôi vẫn hình dung ra được bà với mái tóc bạc trắng và gương mặt trẻ trung khác hẳn, có đường nét không đẹp nhưng trông vẫn duyên dáng nhờ sự biểu lộ nét dịu dàng tinh thần.
Tôi thấy trong tâm tưởng bà ở trong ngôi nhà khách hơi cũ kỹ của mình, nơi tiếp đón những người bị thiệt hại trong đời theo mọi hình thức, ai bị tổn thương về thể chất và tâm hồn – chẳng những họ được niềm nở đón chào mà trong đa số trường hợp còn được chữa lành bệnh riêng biệt của họ. Họ kêu nài bà suốt ngày, bà không hề có giờ khắc nào cho riêng mình. Tôi thấy bà luôn luôn tất bật, tìm cách làm chuyện bất khả là có mặt ở mọi nơi cùng lúc, lắm khi hết hơi kiệt sức và gần như bị đau dây thần kinh không ngớt; thế mà bà luôn luôn ngọt dịu và ôn tồn, khi thì nhờ cái chạm tay có từ lực kỳ lạ làm êm dịu cơn nhức đầu của ai, khi khác bà an ủi một cô gái có tình duyên không hạnh phúc; một lúc bà giải quyết một vấn đề siêu hình khó hiểu cho người nghiên cứu triết lý tỉ mỉ, lúc sau bà tìm cách hòa giải sự dị biệt của cặp vợ chồng không hợp nhau. Ngay cả lúc này đây tôi vẫn còn ngạc nhiên với sự thích nghi gần như tức thì mà bà có thể làm, đối với những đòi hỏi đủ loại và chỏi nhau của họ.
Đó là ngôi nhà cất lan ra tứ bề kỳ lạ, với bệnh nhân khác biệt thuộc đủ mọi thành phần. Christabel Portman và chồng của bà làm như không thể đóng cánh cửa hiếu khách của hai vị đối với người khác, bất kể thành phần xã hội hay địa vị của họ, ai có nhu cầu vậy là đủ cho họ được nhận vào; nhà sản xuất xà phòng ở miền bắc, giới quý tộc của Anh lẫn ngoại quốc, giáo sư mệt rã rời, công chức người Ấn độ, người Pháp, Hòa Lan, Syria, tất cả những người này và còn nhiều nữa vào lúc này hay kia đã tụ hội và ngụ một thời gian tại ngôi nhà 'The Pines', nhà nghỉ mát mà hai ông bà Portman cùng với một bác sĩ, mở ra để trị những bệnh tâm lý kỳ lạ. Với khả năng kỳ diệu của mình, Chris chẳng những chẩn đoán bệnh và còn có cảm nhận tâm linh về cách thích hợp nhất để chữa nó. Tuy nhiên bệnh mà bà chữa hay nhất, như Viola luôn nói, là bệnh 'khổ tâm' ...
Một số người này là hội viên hội Theosophia, đến đây theo lời giới thiệu của hội viên khác; người khác nữa thì đến theo lời đề nghị của bác sĩ chữa trị khác lề lối thông thường, và rồi thấy mình thắc mắc, đôi khi lại bị chấn động một chút khi thấy mình ở chung với nhóm người có tâm tánh lạ lùng như vậy.  Tôi nhớ rất rõ những mẫu đối thoại không đầu đuôi mà thường được nghe ở bàn ăn đông người, khi giọng của người này hay người kia nổi bật lên hẳn giữa tiếng ồn ào nói chung, hoặc đột nhiên có khoảng lặng thinh khiến vài câu nói tiếp nhau nghe rõ mồn một.
– Tôi chắc ông biết, ông Smith, là tất cả khó khăn của ông do Karmic (nhân quả) mà ra ..., một bà nói hăng hái không có chút ý nhị khôi hài nào.
– Ở Manchester hổng hề nghe chữ đó, ông Smith mỉa mai đáp lại. Tôi không biết phải vậy không, nhưng bác sĩ Hodges nói tôi bị bón.
– Không, không, ông không hiểu, đúng vậy không, bà Portman ?
– Mais pardon, Madame ..., giọng mũi một người Pháp chen vào câu chuyện đang nói, giống như tiếng kèn nhỏ giọng, cái Tuyệt Đối trong bất cứ trường hợp nào không hề biểu lộ – voyons, ça n'est pas logique ça !
– Nhưng tôi luôn luôn hiểu là sách nói ...
– Anh muốn nói sao thì nói, đương nhiên rồi, miệng nói vậy nhưng bà người Yorkshire này không có vẻ là bà nghĩ như thế, nhưng tôi thích nghe chuyện đức Chúa và theo đạo Thiên Chúa.
– Không ai trong chúng ta bác bỏ đạo Thiên Chúa cả, bà Satterthwaite ạ.
– Sir Thomas thật tuyệt vời, ông thật sự có tình huynh đệ.
– Bà đó thích tước vị lắm ..., người ngồi cạnh tôi thì thào nhận xét.
– Có phải hạt nguyên tử trường tồn luôn luôn nằm ở huyệt cổ họng không, bà Portman ?
– Chris này, tôi có giấc mơ lạ lắm – nó có thể nào là hồi ức của kiếp trước không ?
– Lạ lắm – mấy ngón chân của tôi luôn luôn tê rần khi tham thiền; bà có nghĩ là nó muốn nói ...
– Năm nay, sang năm, có lúc, không bao giờ ..., ai đó đang hăng hái đếm những hột mận.
Và Chris ngồi ở đầu bàn, luôn luôn là chỗ cầu viện cuối cùng, lúc thì bà ráng để không cười rũ rượi, lúc khác bà tìm cách giảng hòa chuyện gay go, và mang lại một chút hòa hợp giữa sự va chạm của bao nhiêu cá tính khác nhau.
.........

Và nay ký ức tôi quay lại một cảnh khác hết sức khác lạ, Chris trong khu vườn rộng và thơ mộng của bà với sân cỏ và lối đi quanh co, hồ bông súng, nhà bát giác và vòm cổng có hoa hồng leo; Chris, nói về chuyện siêu hình cấp cao cho một số nhỏ người trong lúc họ lắng nghe mê say và thán phục. Vì bà không hề cố tình gây ấn tượng cho người nghe, bà không hề làm họ bực bội vì cho rằng bà 'thuyết giảng'. Hơn nữa, nếu chủ ý và 'hòa vào tâm thức cõi cao' (tune–in) thì bà có thể cho những bài giảng đúng đắn và uyên bác về những đề tài mà trước đó bà không biết chút gì. Tôi nhớ có lần có ai đó thách thức bà nói một bài ngắn về nghệ thuật Nhật Bản, chẳng những bà chìu theo mà còn nói hết sức hay.
Tuy mọi người đồng ý rằng 'bà Portman là người đàn bà tuyệt diệu', ngay cả hội viên của hội Theosophia, trừ một số rất ít, không biết rằng mối liên hệ của bà với các Chân sư Minh Triết mà họ được dạy tôn kính, gần gũi tới bực nào. Nếu biết, hẳn vài người trong nhóm sẽ không tin. Giống như bà Blavatsky bị hiểu lầm, với Chris ngay từ lúc rất bé bà đã có thông nhãn thấy được Đấng oai nghi tỏa ra tình thương rạng rỡ, mà sau này bà biết là một trong các Chân sư tại Himalaya – vị Guru đặc biệt của bà.
Tôi nhớ có hôm khi chúng tôi ngồi chung với nhau trong một góc kín đáo của khu vườn, bà kể tôi nghe làm sao khi cơ thể say ngủ, bà thoát ra đi tới nhà ngài tại Shigatse, và với vẻ mê say thích thú của trẻ thơ, lắng nghe ngài dạo phong cầm, cây đàn trong nhà ngài nơi ấy; vì Chân sư Koot Hoomi có quan tâm đặc biệt tới âm nhạc, và tìm cách gợi hứng tất cả những ai cảm nhận được ảnh hưởng của ngài tùy mức độ khác nhau.
Tự Chris bà cũng có tài chơi theo hứng. Bà có thể nghe khúc nhạc thoát trần tuyệt vời của thiên thần, và trong khả năng giới hạn của dương cầm, diễn dịch nó sang âm thanh của trần thế. Về một mặt, thấy có vẻ lạ lùng là ai tài giỏi như vậy lại có số mạng đặt để phải sống trong bầu không khí bệnh tật và tâm trí rối loạn, nơi mà tôi luôn luôn cảm thấy là bản tính nhậy cảm của bà co rút lại trong lòng.
– Ồ, phải chi tôi được làm nhạc sĩ !
đôi khi bà ao ước kêu lên, nhưng rồi lại nở nụ cười ngộ nghĩnh của bà:
– Thôi, số mình không được vậy .
và như để gạt bỏ tư tưởng này, bà sẽ chạy đi khích lệ bệnh nhân này hay kia trong số đông người; rồi một lát sau, bà đi ngang qua tôi nữa khi lo chuyện từ tâm cho người khác, vừa đi vừa buông câu:
– Đừng tưởng là tôi không ưa thích công việc cho những người bệnh hoạn nhé !
– Họ càng đau ốm chừng nào, bà có vẻ càng thương họ chừng nấy, tôi vặn lại. Tiếng cười của bà chìm dần theo khoảng xa, trả lời cho tôi.
.........
Một ngày kia tôi kể cho bà Chris nghe về Guru của mình, thầy J.M.H., tuy không nói tên ngài.
– Hay quá vậy ! bà kêu lên, hết sức nồng nhiệt, và rồi mắt bà có cái nhìn xa vắng, cho biết bà đang cảm nhận sự việc. Sau một lúc bà cười một mình – nụ cười hóm hỉnh và bí ẩn.
– Chris này, tôi nói, bà đừng giữ riêng cho mình đấy nhé. Coi coi, không chừng bà biết về Chân sư của tôi nhiều hơn là chính tôi biết. Nói nghe đi, khai ra hết đi !
Bà cười vui vẻ.
– Anh làm tôi buồn cười quá.
– Tạ ơn Trời; nhưng tôi chờ nghe nói bà biết gì về Chân sư tôi.
– Ồ, không bao nhiêu đâu; chỉ có điểm là công việc của ngài dường như có liên hệ với chuyện chuẩn bị xác thân cho chi chủng mới.
– Thấy chưa ! tôi kêu to, tôi không hề biết chuyện đó.
– Ồ, không à ? bà tỏ ra, hoặc giả vờ tỏ ra ngạc nhiên.
–  Làm sao tôi biết ? Ngài không hề cho tôi hay. Tôi tự hỏi tại sao.
– Đường lối làm việc của các Chân sư thường bí ẩn, bà nói, có lẽ ngài nghĩ nó không quan trọng.
– Hoặc có lẽ ngài không muốn cho tôi hay, và giờ bà kể ra tuốt luốt, tôi trêu bà.
– Ngài không màng là anh biết hay không, nếu ngài quan tâm thì tôi đã không nói cho anh hay.
– Được lắm, xin kể thêm đi !
– Trọn mấy chuyện tập Yoga mà ngài dạy ...
– Phải, chúng thì sao ?
– Chúng là nhằm mục đích làm cơ thể mạnh hơn và có kiểm soát hơn, cũng như là nhậy cảm hơn. Đó là những điểm mà giống dân mới phải có.
– Bà muốn nói là khi các đệ tử của ngài có con thì chúng sẽ thừa hưởng trọn những điều ấy à ?
– Đương nhiên là vậy.
– Và tại sao đặc biệt là ở Mỹ ?
– Vì có một số đông người ở đó có cơ thể thuộc chi chủng thứ sáu. Mà không phải chỉ ở nơi ấy. Vào lúc này Guru của anh đảm nhiệm phần việc cho Hoa Kỳ trong chu kỳ đặc biệt này. (từ `1909 đến 1944).
– Nghe hay quá. Bà nói thêm đi.
Nhưng có ai kêu bà đi chữa người đang bị động kinh. Luôn luôn có gián đoạn này hay kia.

 

CYRIL  SCOTT
(The Initiate in the Dark Cycle)
còn tiếp.

 

 

Tặng Sách
Chi bộ Chân Lý hiện đang dời chỗ và chưa có địa chỉ mới. Quí độc giả muốn nhận sách TTH tặng miễn phí xin liên lạc về địa chỉ sau:
Marlene Hurst (Mỹ Phượng)
7316 Aldea Ave
Lake Balboa, CA 91406. U.S.A.
Email : Marlhurst@yahoo.com