VỊ CHÂN SƯ# 56

Xem Vị Chân Sư từ số đầu tiên trong mục Sách Dịch

Vị  Chân  Sư  (tt)

(The Initiate in the New World – Cyril Scott)

 

Chương   20

Nguyên  Nhân  Vô  Hình  của  Chiến  Tranh.

 

Thứ tư tuần sau chúng tôi hội đủ lại vào giờ thường lệ mà không có Thầy. Nửa giờ rồi một tiếng trôi qua mà ngài vẫn chưa tới, tuy vậy tôi để ý không thấy có sự nóng nẩy, và đặc biệt hơn nữa là không có sự ngạc nhiên, trừ các đệ tử mới nhập. Những người này bắt đầu thắc mắc và thì thào là sẽ về nhà quá trễ trong khi sáng mai phải dậy sớm – liệu thầy M.H. có bị tai nạn gì không ? Có ai biết thầy ở đâu không ? Ngài có hay làm như vầy không ... ? Và nhiều câu tương tự. Tôi cũng có hỏi mấy câu mà chỉ được đáp bằng cái nhún vai và nụ cười hờ hững tuy đầy thân thiện. Rồi tôi nghe Heddon trả lời ai đó:
- Thầy ở trong Thanh Phòng, chỗ mà không ai được phép quấy rầy ngài, và tôi chỉ biết có vậy thôi !
Vậy nay tôi biết chắc là thầy ở trong nhà, và không chừng đang chìm đắm trong cơn đại định Samadhi, nhưng tại sao ngài lại tham thiền nhập định lúc này thì tôi không biết.
Hai giờ rưỡi sau ngài vào phòng và lời nói đầu tiên của thầy là:
- Ta cám ơn tất cả những ai đã tỏ ra nhẫn nại. Với ai khác – trong trường hợp họ nghĩ rằng không đúng giờ thì chẳng sao, ngài mỉm cười, chà, nó có sao lắm cho ai chưa học được tánh kiên nhẫn, có lòng tin và tự chủ: ấy là tại sao ta trễ quá như thế này.
Ngài nói những lời này một cách hóm hỉnh mà không làm giảm bớt ý nghĩa, khiến đa số chúng tôi cười lớn.
- Và nay, ngài đề nghị một cách nghiêm chỉnh hơn, ai trong các con muốn về nhà thì nên đi ngay, vì bài giảng tối nay sẽ dài. Thầy không màng là có được lên giường hay không, nhưng có lẽ con sẽ nói Thầy không giống như các con. Được lắm.
Không ai nhúc nhích. Thầy nhìn chúng tôi khen ngợi và nói:
- Đức Phật nói rằng ai có thể giữ cho tỉnh thức hai đêm liền thì có thể đạt được bất cứ chuyện gì. Tốt lắm, chúng ta hãy bắt đầu bằng cách tỉnh thức một nửa đêm.
Các đệ tử lại cười nữa. Tuy nhiên sau đó là bài giảng  khá dài mà tôi không có ý đem vào cuốn sách này, thay vào đó tôi muốn đề cập tới bài giảng ngắn hơn mà thầy M.H. đưa ra để trả lời một câu hỏi. Ngài kết thúc bài giảng bằng câu:
- Ai phấn đấu với tâm tánh mình thì anh hùng hơn ai chống trả kẻ thù đáng sợ nhất; vì sự chống trả giữa một người và thù địch của họ chỉ diễn ra một thời gian ngắn, còn sự tranh đấu giữa một người và bản tánh của mình lại kéo dài trọn đời.
Ông Galais hỏi.
- Thầy vừa nói đến tranh đấu, còn con nhiều lần có ý muốn hỏi thầy có nghĩ là nhân loại đã tiến xa đến mức sẽ không còn chiến trận nữa không ? (Xin nhắc lại bối cảnh của chuyện là mấy năm sau thế chiến I).
- Không, con à. Thầy M.H. trả lời và giọng ngài hết sức nghiêm trọng. Nhân loại chưa tiến đến xa như vậy, và nay các Chân sư chúng ta thấy rõ là có những đám mây tượng hình mà sẽ bung ra thành bão còn kinh sợ hơn thế chiến vừa qua. Thay vì học bài học mà thế chiến I nhằm dạy dỗ, có hàng ngàn người không những tránh né bài học đó mà còn lợi dụng cuộc chiến để làm giàu trên sự đau khổ của người bên cạnh kém may mắn hơn.
Như thế và qua nhiều cách khác nhau, Karma mới được tạo ra ở nơi mà Karma cũ đáng lẽ phải hết sạch. Loại hòa bình mà ta có ngày nay, như các con biết mà không cần phải nói, chỉ là việc ngưng bắn – tức hòa bình chỉ trên giấy tờ mà không có trong tâm. Chiến tranh khi trước đã chuyển từ cõi hữu hình sang cõi vô hình, nay quay về cõi hữu hình dưới những hình thái khác như đình công, cách mạng và sự xáo trộn tình cảm. Vòng luẩn quẩn kéo dài, càng lúc càng có lực xấu chồng chất, đám mây gây sấm sét  nơi cõi thanh càng lúc càng to và đen đủi hơn.
Các con có biết rằng những hình tư tưởng ác độc tạo vào lúc xa xưa như trò giác đấu thời La Mã nay vẫn còn tồn tại ? Và ai có khả năng vẫn có thể thấy hình tư tưởng do việc thực hành ma thuật từ mấy ngàn năm về trước ? Vậy hãy nghĩ xem những lực tư tưởng độc ác mà cuộc cách mạng Nga với bao sự tàn nhẫn và sắt máu hẳn đang tạo ra lúc này. Chuyện gì sẽ xẩy ra cho lực ấy ? Theo luật trời nó sẽ bị thu hút về những hình tư tưởng khác ta nói ở trên, và sẽ khiến đám mây bão to lớn thêm nữa. Vậy có gì là lạ khi các nhà tiên tri lên tiếng báo động !
Thế giới đang trải qua một trong những giai đoạn nguy kịch nhất của nó trong lịch sử, và điều mà chúng ta các vị Chân sư e ngại cho nhân loại là sự tranh chấp giữa sắc dân da vàng và da trắng. Nếu điều này xẩy ra thì chỉ có Trời cứu mà thôi. Chẳng những người da trắng phải đương cự với số đông  gấp mấy họ, mà luôn cả lòng tàn nhẫn kinh khiếp là đặc tính của thân xác ít nhậy cảm thuộc giống dân thứ tư. Nếu chiến trận xẩy ra thì sự tiến bộ của thế giới sẽ bị kéo lui lại hàng ngàn năm.
Thầy ngưng một chốc và khi ngài tiếp tục, giọng nói có chứa ý khẩn cầu.
- Phần việc của các con là ngăn chặn cuộc chiến ấy – vai trò của tất cả những ai trên thế giới như các con là chận đứng nó. Những thành viên của tổ chức và cộng đồng huyền học, Tân Kỷ nguyên và các nhóm tương tự cần sống theo lý tưởng cao nhất của mình, và khi làm vậy họ giúp Lực Thiện thắng được Lực Ác. Vai trò của các con là sinh ra những lực tinh thần cho Thiên Đoàn sử dụng hầu phá tan đám mây giông của chiến tranh đang chực hờ. Và trong những năm tới đây, bất cứ khi nào con thấy dấu hiệu không chừng báo trước là sắp có đại chiến hay trận chiến nào khác, thì đó là lúc hướng mọi tư tưởng về sự tiến hóa riêng tư của mình vào việc cao thượng hơn là giải cứu nhân loại. Hãy nghĩ đến Hòa Bình, tưởng tượng ra chữ Hòa Bình viết lớn mầu trắng chói ngời.
Nếu con là người Mỹ, hãy hình dung chữ ấy trong công ốc; là người Anh hãy thấy chữ ấy trong hai viện quốc hội, trong dinh Vua và bao quanh chính nhà Vua. Bởi những ai thật lòng phụng sự Chánh Đạo thuộc về thiểu số, họ phải làm việc gấp đôi như hiện nay, và có nỗ lực tối đa. Hãy chỉ dẫn người Thiên Chúa giáo suy nghĩ và cảm thấy hòa bình trong tâm, cùng thực lòng thương yêu kẻ thù của mình. Hãy giảng cho họ đừng thù ghét chiến tranh vì họ sợ chiến trận, mà ghét bỏ cuộc chiến vì họ quí chuộng Hòa Bình theo nghĩa đúng thực nhất và cao tột nhất. Chỉ khi nào nhân loại học được việc cảm thấy chính trong tâm họ sự 'Bình An và Thiện Tâm cho mọi người', thì nguy cơ chiến trận mới trôi qua không bao giờ tái lại.'

 

Chương   XXI

QUYẾT  ĐỊNH

Thầy M.H. cho tôi cuộc hẹn chiều hôm sau vào giờ trà. Khi đến nơi tôi thấy ngài không có vẻ nghiêm nghị như thấy trong kỳ trước.
- Nào, thầy cất lời vui vẻ khi tôi bước vào, vui vẻ chứ, hở con. Ngài cầm lấy tay tôi. Công chuyện ra sao lúc này ? Con đến để hỏi thầy đôi điều hay để cho thầy biết việc gì đây ?
- Cả hai ạ, tôi thưa, và con nghĩ là thầy biết.
Ngài trả lời bằng nụ cười riêng. Tôi nói.
- Con quyết định làm điều mà thầy yêu cầu.
- Thầy mừng lắm, con à, rất là mừng, ngài nói một cách thương mến; sự ân cần che chở lộ ra trở lại trong giọng nói ngài.
- Nhưng có mấy chuyện làm con thắc mắc ...
- À, tốt, có thể thầy sẽ giải tỏa được cho con.
- Con không muốn tỏ ra kiêu ngạo – nhưng con nghĩ có thể an tâm nói rằng tính ra con là người có óc triết lý chút ít; con nghĩ mình thực sự hấp thu khá nhiều thái độ đúng đắn về cuộc đời. Nhiều chuyện không còn khiến con bận tâm – con muốn nói là loại chuyện có vẻ như làm người khác bực bội.
Ngài khoanh tay và nhìn tôi chăm chú trong lúc lắng nghe.
- Đúng là, tôi nói tiếp, con chống đối hôn nhân, vì với tánh khí của mình con nghĩ là hôn nhân sẽ không hợp. Con không phải là người thấy quanh mình có hàng ngàn lứa đôi không có hạnh phúc và tin rằng mình ngoại lệ. Ngoài điều đó ra con luôn luôn nghĩ rằng hôn nhân sẽ là trở ngại cho việc làm của con. Con tin cái thuyết nói rằng nghệ sĩ phải thành hôn không phải với một nữ nhân mà với việc làm của họ. Ngoài ra, làm sao con có thể hy vọng viết được điều hay khi có thằng bé con thổi kèn te te bên cạnh, hoặc hét tướng lên ?
Thầy M. H. cười to vui vẻ.
- Con cũng biết rằng lập gia đình mà từ chối không muốn có con thì cũng không phải. Ít nhất con có đủ thiện cảm và hiểu biết để cảm nhận sẽ có bất công, nếu cấm người đàn bà điều mong ước lớn nhất và tự nhiên nhất trong đời họ. Có người nói với con rằng hôn nhân có nhiều ý nghĩa với phái nữ hơn là phái nam, vì nỗi mong ước mạnh mẽ, tuy vô thức, muốn có con. Phải vậy chăng ?
Ngài gật đầu.
- Vậy thầy thấy là nếu con có lòng đố kỵ với hôn nhân thì nó không phải do khó tánh, mà dựa trên điều con cho là hợp lý. Nay qua phần con thấy khó hiểu trong trọn câu chuyện. Tuy thầy cho con thấy hôn nhân theo nghĩa hoàn toàn mới lạ, và con tin những gì thầy nói là thật nhưng tại sao con lại đau khổ thế này ? Khi xem xét sự việc với lý trí điềm tĩnh, lạnh lùng, con không thấy có gì đáng phải lo lắng. Chẳng nhiều thì ít, nó giống như sống chung với một người bạn và về chuyện đó thì trong đời con đã nhiều lần sống chung với bạn, rất vui vẻ. Lẽ tự nhiên nay phải kể về mặt thân xác thì Viola đâu có già nua hoặc gù lưng, hoặc không đẹp người. Con nghĩ  nhiều người sẽ thấy cô rất quyến rũ.
Thế thì đối với con, sự đau khổ này có vẻ quá đáng mà cũng không đúng với tâm tánh nói chung và triết lý của con ở đời. Thành ra con tự hỏi tại sao như thế – hay đúng hơn là con tới đây để hỏi thầy tại sao?
- Trọn câu chuyện có thể giải thích gọn trong ba chữ là phe Tả Đạo, ngài đáp, đưa tôi điếu xì gà và lấy một điếu cho mình. Con à, con không thấy những huynh đệ tả đạo bị thiệt hại mọi điều vì cuộc hôn nhân sắp tới này hay sao, thế nên họ làm mọi chuyện có thể làm để ngăn cả nó ? Họ đã lo lắng nhiều về hoạt động của con đang làm, vì điều lành mà việc ấy sẽ sinh ra khi nhân loại sẵn sàng hơn và chịu chấp nhận nó; nhưng nếu nhờ hôn nhân mà công việc ấy mạnh mẽ gấp mười thì có lạ gì khi họ tìm cách làm con thất bại ?
- Liệu họ có thành công không ? Tôi lo lắng hỏi.
- Trừ phi con cho phép họ thắng. Và hãy nhớ là con có những vị Chân Sư Minh Triết trợ lực.
- Còn một điều khác con muốn hỏi Thầy – về Karma.
- Được lắm, con muốn hỏi gì ?
- Con nghe Viola thuật là trong một kiếp con làm hại cô và sang kiếp sau đó cô làm hại con; nếu quả vậy thì tại sao nhân quả không huề nhau ?
- Con à, hai chuyện sai hợp lại không thành chuyện đúng. Nếu trong kiếp vừa rồi con tha thứ lỗi lầm cô đã làm cho con thì hẳn chuyện sẽ khác. Nhưng khi cô ruồng bỏ con, con nghe theo lòng kiêu hãnh và giận dữ, biến tình yêu thành oán hận. Phải chi có chuyện ngược lại thì trong kiếp này, con đã không bị dằng co trong lòng như đang xáo trộn hiện nay, bởi con sẽ tự nhiên thấy yêu thương cô.
- Nhưng còn phe Tả Đạo thì sao ?
- Họ sẽ tìm cách khác để chia cách hai con – thí dụ gây ảnh hưởng để cha mẹ cô không bằng lòng con, hoặc chuyện khác tương tự vậy. Có nhiều cách để làm người ta bị khó chịu.
- Thiệt lạ là con đáng được lưu tâm như vậy.
- Con à, ngài thương mến nói, các vị Chân sư chúng ta không dè sẻn lời khen và lời khuyến khích khi đúng dịp, thế nên ta không ngần ngại nói rằng lòng thanh khiết tuyệt mức của con làm các Chân sư chính đạo vui mừng, nhưng lại khiến những vị tả đạo giận dữ. Không có mấy người có tinh thần phụng sự mạnh mẽ như con. Chính điều này làm các Chân sư lưu ý và vì thế mà vị Đại Chân sư phái Thầy đến London gặp con, lẽ tự nhiên là con không hay biết về vai trò của Ngài trong chuyện.
Phải, con ạ, nhiều việc xem ra tình cờ mà thật ra không có gì là ngẫu nhiên cả, và con nên cám ơn là nhờ tấm lòng thanh khiết của mình mà trong kiếp này con và Ta được gặp nhau. Và nếu mai sau con đạt được tâm An Lạc, như thầy hy vọng con sẽ đạt, con lại nên cám ơn niềm tin, sự vâng lời và nỗ lực của mình. Vậy hãy làm hết sức mình để hoàn thành việc con đã bắt đầu một cách tốt đẹp. Và khi những huynh đệ Tả Đạo dựng nên bức tường ngăn cách con và thiếu nữ mà chúng ta đã chọn để cô giúp con trên đường Đạo, con chỉ cần kêu gọi tình thương của các Chân sư tuôn xuống cô – và bức tường sẽ biến mất. Hãy làm vậy mỗi lần chuyện xẩy ra, và tới một ngày nó sẽ không xẩy ra nữa.
Cũng vậy, hỡi con, thỉnh thoảng cầm lấy tay cô, có cử chỉ tỏ tình thương yêu quí mến ngay cả khi con không cảm thấy như thế trong lòng; và nếu cô cũng đối xử giống vậy với con thì đừng tránh né mà hãy đón nhận vì Tình Thương Duy Nhất – Tình Thương Vô Điều Kiện. Hãy học đáp ứng với chuyện riêng tư xuyên qua chuyện vô tư. Từ trước tới nay con chỉ thương yêu những ai hấp dẫn con, làm vậy không có gì khó; nhưng nay con phải học thương yêu người không thu hút con, và điều ấy chỉ đạt được nhờ Tình Thương vô tư.
Và hãy ý thức rằng khi đạt được tình thương như vậy thì nó không bao giờ có thể bị phe Tả Đạo phá hoại, vì họ chỉ có thể ảnh hưởng cái tôi nơi cõi trung giới – còn những cõi cao hơn họ không bao giờ đụng tới được ... Nay còn điều gì thêm con muốn hỏi thầy ?
- Vâng – chỉ một điều thôi, là về thử thách.
- Được ? Con thắc mắc chuyện gì ?
- Hôm nọ thầy nói là Clare cũng có thử thách riêng của cô. Con nghe lời thầy và cho cô hay điều mà thầy đề nghị – con muốn nói là cô xét lại những đắn đo của lòng một cách thẳng thắn. Con cũng  nói là bao lâu con còn ở trên đất Mỹ thì con tin là theo ý thầy, không nên vì cuộc hôn nhân sắp tới mà có thay đổi sự việc.
- Phải lắm, con à.
- Chà, con sắp nói chuyện nghe có vẻ lạ trong hoàn cảnh hiện giờ, vì từ bỏ Clare lúc này là chuyện rất khó cho con, nên xin Thầy đừng hiểu lầm con. Tuy nhiên, nếu thầy bảo cô từ bỏ con bây giờ thì không phải đó là thử thách lớn hơn cho cô hay sao ?
Ngài cười một cách âu yếm, và câu trả lời của ngài đối với tôi – có sức dẫn dụ thật sâu xa.
- Hỡi con, ngài đáp, điều gì ngoài mặt có vẻ đau lòng vô cùng thì tính ra không phải luôn luôn là bài học hữu ích hơn hết. Để ta cho con một thí dụ giản dị. Giả thử có một cô – hiển nhiên ta không ám chỉ Clare trong trường hợp này – vừa hết sức kiêu hãnh vừa câu nệ mạnh mẽ, thương yêu một anh mà người này không cầu hôn cô, với lý do là anh muốn biết về tâm tánh cô trước khi nên cầu hôn. Vậy có phải là cô gái sẽ học được nhiều hơn khi thắng lòng kiêu hãnh và óc câu nệ của mình, so với việc bỏ rơi anh chàng cho dù cô bị đau khổ khi bỏ rơi anh ?
Tôi bắt đầu hiểu được ý thầy.
- Dĩ nhiên người đời không thấy được tâm cô sẽ bảo rằng cô đúng – và quả đúng thế khi nhìn theo thói đời. Hãy xem trường hợp của con. Nếu con cho người khác – không phải ai thuận theo thói đời mà là người đã có ý niệm tinh thần phần lớn do đọc sách đạo và thông thiên học – hay rằng con sắp thành hôn với một cô, mà cô này không thương yêu con và con cũng không thương yêu cô, thì con có được câu đáp ra sao ? Họ sẽ cho con hay rằng đó là chuyện vô đạo đức, bậy bạ khi có liên hệ thân mật với bất cứ ai, trừ phi con thật lòng yêu thương cô gái.
Vậy mà nay, Ta, một trong các bậc Huynh Trưởng, yêu cầu con làm chính chuyện ấy. Giờ con hiểu rồi chăng ? Nếu Clare có thể học bài học đặc biệt mà thầy tin cô phải học bằng cách từ bỏ con lúc này, hẳn thầy sẽ kêu cô làm vậy; nhưng khi nhìn vào tâm tánh cô Ta hiểu là cô sẽ học được bài học lớn hơn bằng cách không từ bỏ con. Này con, hãy để thầy phán đoán sự việc mà con đừng làm chuyện ấy, và ta mừng là con thuận theo lời khuyên của ta, ngay cả khi con không nhìn ra ý nghĩa của nó.
Ngài đứng lên khỏi ghế, tôi cho đó là ý muốn nói tôi không nên ở nán lâu hơn. Nhưng khi tới cửa thầy cầm chặt tay tôi và nói.
- Thầy ban phước lành cho quyết tâm mà con đã chọn, con à.
Và tôi ra về, thấy vui vẻ hơn so với mấy ngày qua.

 

Chương   XXII

Tính  Dục

Chẳng bao lâu sau buổi nói chuyện này, trong một buổi giảng thứ sáu thầy M.H. đưa ra một số ý tưởng soi sáng vấn đề tính dục và đạo đức ngày nay về mặt tình dục.
Viola hỏi ý kiến của ngài về phân tâm học.
- Khoa học này, thầy đáp, chứng tỏ là nó có ích lợi trong một số trường hợp như khi bệnh tâm thần có là do ấn tượng ghi nhận lúc thơ ấu, hoặc sao đi nữa được ghi nhận trong kiếp hiện sinh của bệnh nhân. Tuy nhiên bởi đa số nhà phân tâm học không nhìn nhận có sự hiện hữu của bất cứ chuyện gì bên ngoài cõi vật chất, và do đó không kể đến các thể thanh của con người, luật nhân quả và luật tái sinh, phần lớn là họ mò mẫm trong bóng tối, làm việc với những lực mà họ không thực sự thấu hiểu và do đó, sử dụng chút ít kiến thức mà tự nó là điều thật nguy hiểm.
Thí dụ thầy biết có trường hợp nhà phân tâm học vô tình đi quá sâu vào tiềm thức của bệnh nhân, khám phá ra ký ức về những kiếp đã qua, những điều mà lẽ ra chớ bao giờ nên đụng tới trong kiếp này. Bởi phần lớn các hồi ức này có bản chất sơ khai nhiều đau khổ, gây chấn động cho cái tôi, bệnh nhân bị chìm đắm trong cảm giác có lỗi, hối hận, thấy mình thấp hèn. Thế nên thay vì đạt được mục đích chân thực của nhà phân tâm học là hòa hợp trọn bản thể cho bệnh nhân, kết quả là họ có được chuyện trái lại.
Dầu vậy điều mà ta có lý do đặc biệt để cám ơn ông Freud và những ai nghiên cứu về khoa này, là cách mà họ từ từ giáo hóa con người có thái độ hợp lý hơn về mọi chuyện liên quan đến tính dục. Họ giúp làm tan biến cái cảm giác ghê tởm được truyền lại từ thời nữ hoàng Victoria. Lý do là điều được gọi là 'trinh bạch' của thời Victoria chỉ là chuyện bề mặt hời hợt mà không phải là tự trong lòng có sự trinh tiết.
Người 80 tuổi có thể hãnh diện và hài lòng hồi nhớ lại sự ngây thơ và trong trắng đáng yêu trong thời niên thiếu của mình, lúc thiếu nữ con nhà nề nếp sẽ đỏ mặt lên khi có ai nhìn tới các cô, và khi được ngỏ lời cầu hôn thì ngã ra bất tỉnh. Nhưng hãy thử xem tình trạng khác biệt của thời đại đó. Lúc ấy chưa có xe đạp cho phái nữ, không có trò chơi mạnh bạo, không có tập dượt về sức khỏe và làm nẩy nở bắp thịt mà chỉ có những môn giải trí nhẹ nhàng như croquet, thêu thùa, tán chuyện gẫu, dạo đàn và việc tương tự. Vậy chẳng lạ gì thiếu nữ có sự trinh trắng, chẳng lạ gì các cô bất tỉnh và khóc oà dù chỉ mới bị động lòng chút ít, khi cơ thể các cô chứa đầy độc tố vì thiếu vận động.
Có lòng trinh bạch trong hoàn cảnh như vậy thật dễ biết bao, và do đó không đáng khen cho lắm, nhất là khi con thêm vào đó việc luôn luôn có cô gia sư (governess), có bà vú, cô hầu gái bên cạnh, hoặc bất cứ tai mắt, ai dòm ngó trong xã hội mà con có thể nghĩ ra. Nó chẳng khác nào bị giam mình trong nhà dòng hoặc bị khóa chặt trong cũi ! Nhưng hãy để các nữ tu bung ra thế giới bên ngoài, và để vài chàng thanh niên hào hoa phong nhã bắt đầu làm tình với cô, và ta sẽ thấy các cô thật sự có trinh khiết hay chăng. Bằng chứng của đức hạnh không phải là cách con người xử sự khi họ bị trói buộc, như trong bốn bức tường của nhà dòng hoặc bức tường tế nhị hơn của dư luận hoặc thói đời, mà là cách họ cư xử khi được tự do.
Mà giới trẻ ngày nay được tự do; một phần là kết quả gián tiếp của thế chiến I và phần khác là do, như ta có nói, khoa phân tâm học vạch ra những tệ hại của việc áp chế tính dục, hệ quả là khá đông cha mẹ và người bảo hộ đã nới lỏng, tỏ ra dễ dãi hơn. Ngược lại có người khác kinh ngạc lớn lao, đau lòng và tự hỏi giới trẻ đã hư hỏng tới đâu, và chừng nào thì sự việc mới chấm dứt ... Tự nhiên đó là câu hỏi của người chỉ có thể nhìn xa một quãng vài năm, và chỉ thấy bề mặt sự việc mà không biết được nguyên do ẩn bên dưới. So sánh thì các Chân sư chúng ta nhìn sự việc theo quan điểm nhiều thế kỷ, xem tình trạng tính dục hiện giờ chỉ là giai đoạn cần thiết trong cuộc tiến hóa.
Trở lại thí dụ của ta về cô nữ tu và nhà dòng. Cô nữ tu dễ dàng có sự trinh khiết vì không gặp cám dỗ lẫn không có cơ hội để tự buông thả, nhưng giả dụ cô được cho phép bước ra thế giới và được có liên hệ thân mật theo ý mình, không sợ có Mẹ Bề Trên hay ai khác phản đối, thì sao ? Chỉ khi nào dù có tự do mà cô vẫn giữ lòng trinh khiết, thì khi ấy cô mới thật sự sống theo lý tưởng của sự trinh bạch. Động cơ làm cho con người xứng đáng hay không. Cái động cơ thúc đẩy cá nhân học giữ lòng trong trắng, là ước nguyện thanh khiết muốn có sự tự chủ, và chỉ muốn có vậy mà thôi.
Nói theo một cách thì những bức tường trong xã hội bao lâu nay giam giữ phái nữ, giờ phần lớn đã bị phá sập, người ta bớt sợ hậu quả và vì vậy lý do thuần vật chất của hành vi trinh khiết trên thực tế đã biến mất. Ngay cả ý niệm bị bẻ cong nói rằng lòng si mê tình dục tự nó là điều xấu, hoặc thấp hèn, hoặc ngược với tiến bộ tinh thần, đang giảm bớt ảnh hưởng trong dư luận. Vậy còn lý do nào, hay nói đúng hơn sẽ còn lý do nào khi các bức tường hoàn toàn sụp đổ ? Không còn lý do nào – ngoại trừ lý do trong nội tâm: cái ước muốn nắm quyền kiểm soát, cái lý do duy nhất muốn làm chủ mọi mặt của thiên nhiên thay vì làm tôi tớ cho nó.
Thầy ngưng chốc lát, và một lúc sau tiếp tục giảng.
- Nay ta đang nói về đề tài tính dục thì thầy cũng nên thêm vài lời về những loại tính dục bất thường. Như các con đã biết, khoa phân tâm có chú ý đến điều này nhưng thầy nghĩ chỉ có nhà huyền bí học mới đi đến tận gốc rễ của vấn đề, và khi làm vậy, giúp xóa bỏ lòng thiếu khoan dung sâu đậm đối với những người ấy. Nghe thì có vẻ lạ nhưng sự bất thường về tính dục không nhất thiết là dấu hiệu của đồi bại ghê gớm; thường khi nó là dấu hiệu của Chân Nhân cố gắng khắc phục hoàn toàn lòng ham muốn tình dục.
Đôi khi đó là trường hợp một ai phát triển thể trí trước khi phát triển thể tình cảm, hoặc linh hồn tìm cách tiến bước quá mau so với thân xác nó đang cư ngụ mà không đủ sức quản trị. Con có thể nghĩ là phương pháp ấy quả lạ lùng, nhưng  cách biểu lộ nơi cõi trần mới là chuyện lạ mà không phải là phương pháp. Ta hãy lấy một thí dụ ngoài thiên nhiên. Giả thử con dựng tấm ván chặn ngang dòng suối thì chuyện gì xẩy ra ? Nước bị ngăn không cho chẩy theo cách bình thường của nó sẽ túa làm nhiều rãnh nhỏ, chẩy một quãng xa theo đủ mọi hướng. Lực tình dục cũng giống y vậy. Khi tìm cách chặn nó thì kết quả là nó sẽ bung thành nhiều đường phụ có vẻ khác xa tính dục bình thường, tựa như nhiều khe nước nhỏ tuôn ra từ dòng tự nhiên của con suối.
Và như thế nếu có thể ý thức điều này khi gặp ai có tính dục bất thường, cùng chỉ dạy người khác cũng ý thức giống vậy, là con giúp nhân loại tiến đến việc có từ tâm hơn thay vì sinh cảm giác ghê tởm, khinh bỉ và xua đuổi, là phản ứng mà họ thường có đối với những chuyện bất thường, vì họ không hiểu. Hiển nhiên điều hay thấy là ai bất bình thường về mặt này không ý thức được chân nhân của họ đang muốn thực hiện điều chi, nhưng chuyện ấy không làm thay đổi sự kiện.
Ở đây, sự hiểu biết của các con về huyền bí học có thể giúp được nhiều. Có lần thầy nghe chuyện một thanh niên tự tử vì một trong những bất thường này. Anh là người lý tưởng có khuynh hướng tinh thần, và trong một kiếp trước từng là tu sĩ. Nếu có ai  hiểu biết về huyền bí học có thể giải thích cho anh rõ lý do ẩn sau tính dục bất thường của anh, hẳn thanh niên đã được cứu thoát; bởi chỉ vì lòng xấu hổ quá mạnh sinh ra do sự dằng co giữa những lý tưởng của anh và lòng ham muốn đã khiến anh bỏ xác.
Lại nữa, những bất thường này đôi lúc còn là do việc linh hồn, tự nó không có phái tính, cư ngụ trong thân xác phái nam hay phái nữ ở cõi trần; nếu người nam kiếp này có kiếp ngay trước đây là người nữ hoặc ngược lại, khuynh hướng có khi được duy trì dẫn đến việc lập lại thói quen tình dục của kiếp đã qua ấy, bất kể sự khác biệt về thân xác hiện giờ. Người như vậy không thể được chữa hết bằng sự trừng phạt, mà chỉ do trị liệu bằng phân tâm học theo một phương pháp rất chuyên môn.
Với câu hỏi như vầy, các con thấy ngay vấn đề là nhìn cho đủ sâu, và ai ở vị thế có thể làm vậy nên giúp ai khác không nhìn ra. Hiểu biết là quyền lực, nhưng chớ quên rằng quyền lực ấy phải được dùng cho người khác mà không phải cho chính mình. Càng tiến hóa nhiều ta càng có thể cảm được những khó khăn, tội lỗi và ham muốn của đồng loại. Có nhiều người học hỏi huyền bí học và những người khác hoàn toàn không nhận ra điều này, họ còn kinh ngạc thấy rằng các Chân sư chúng ta lại bàn luận về sự bất thường trong tính dục.
Họ tưởng tượng chúng ta phải không nên hé môi nói tới những chuyện như vậy, nhưng tiếc là họ sai lầm mà không phải chúng ta. Liệu các ngài có bị dơ miệng vì tâm thương yêu 'nhân loại là trẻ mồ côi lớn lao' như một trong các Chân sư đã nói chăng ? Hãy nhớ rằng tình thương mà không đi kèm với lòng cảm thông, thì không phải là tình thương như các ngài hiểu theo nghĩa trọn vẹn hơn hết của chữ ấy. Và chắc chắn phận sự của tình thương chân thật là cảm thông và có lòng thiện cảm với mọi giai đoạn của sự sống, dù đó là bất cứ giai đoạn gì; nhất là những giai đoạn mang lại sự khổ tâm, đau lòng cho người mà ta thương mến.

 

Chương  XXIII

Thời gian thăm viếng Hoa Kỳ của tôi kéo dài cho đến Giáng Sinh, và tôi dành cả ngày Giáng Sinh với gia đình Delafields. Đến tối gia đình mở tiệc mời nhiều bạn bè tới, kể luôn cả Viola.
Chuyện đáng khen cho Clare và Viola là dự định hôn nhân sắp tới không làm giảm tình bạn của hai cô với nhau mà thực ra tăng cường nó hơn. Hai cô hóa thân tình với nhau hơn bao giờ hết. Quả họ là linh hồn tiến hóa – bằng không làm sao họ được là đệ tử của thầy M.H. ? – bầy tỏ sự thông cảm với nhau; Clare với Viola vì phải thành hôn với tôi, và Viola với Clare vì phải mất tôi, không phải do chính cuộc hôn nhân mà vì sự chia cách chẳng bao lâu sẽ tới không tránh được. Ngày về của tôi đã thấy trước mắt, và Clare bắt đầu lo lắng về việc chia tay, tôi cũng vậy.
Dù yêu quí nhau rất nhiều, cả hai chúng tôi có đủ sáng suốt để hiểu rằng tình yêu này khó mà qua được thử thách của thời gian và sự xa cách. Nhưng để cho tình yêu của chúng tôi phai nhạt từ từ, và ngăn chặn nó ngay ở lúc sâu đậm nhất như Clare tưởng chúng tôi phải làm, là hai chuyện rất khác nhau; và về sau tôi được biết là nhờ Viola hơn là nhờ tôi mà cô chót hết quyết định không làm điều thứ hai.
Tôi cũng khám phá tại sao thử thách mà thầy M.H. đặt ra cho Clare không nhắm đòi hỏi nàng từ bỏ tôi: thầy muốn thử thách niềm tin của nàng và hơn nữa, khiến Clare ý thức điều mà ngài làm tôi chú ý trong cuộc nói chuyện vừa rồi của hai chúng tôi. Vì đối với người Anh, cho dù Clare tỏ ra phóng khoáng ra sao đi nữa, là thiếu nữ Hoa Kỳ cô tỏ ra không cởi mở như bề ngoài gợi ý. Có nhiều phụ nữ Hoa Kỳ thấy không có gì là sai lầm khi cho phép người đàn ông mà họ thương yêu có được tự do phần nào, miễn các ông này đừng hứa hôn hay lập gia đình.

Vì thế, vừa khi tôi có hứa hôn thì Clare lộ ra tính câu nệ trong bản tánh của nàng như Chân sư thấy được mà tôi thì không nghi ngờ gì. Khi chúng tôi mới thảo luận về cuộc hôn nhân, Clare nại cớ với tôi là Viola có thể bị tổn thương nếu hai chúng tôi tiếp tục yêu quí nhau, nhưng đó chỉ là giả vờ và chính tôi cũng biết vậy. Trong nhiều cuộc nói chuyện giữa hai chúng tôi về đề tài này, nàng bảo:
- Có vẻ như ngài muốn kêu em làm chuyện thực ra là bậy, chẳng những em mà luôn cả ba chúng ta.
- Sao vậy ? tôi hỏi.
- Trước hết, chà, ngài cho phép anh và em thương yêu nhau, rồi vài tuần sau ngài kêu anh hứa hôn với Viola; sau khi anh hứa hôn rồi thầy bảo anh là em không cần phải từ bỏ anh. Anh yêu, anh có chắc mình không có lẩm cẩm đó chứ ?
- Anh tin chắc lắm.
- Vậy thì em không hiểu gì hết.
- Sao em không chính mình tới hỏi thầy ?
- Em có hơi sợ. Ngoài ra thầy có thể nói 'Con đã nghe hai người thuật lại, vậy không đủ sao?'.
- Thế ra Viola cũng cho em biết ư ?
- M'mm.
- Anh thắc mắc sao em lại ngượng ngùng với Thầy ? tôi nói. Có khi có mặt thầy thì em không là Clare thường ngày. Cách em ăn nói cũng khác đi. Em mất cách đặt câu của người Mỹ mà anh cảm thấy rất thú vị.
- Anh dễ yêu chưa, nàng đáp, nắm chặt lấy tay tôi. Nhưng em thực sự khác biệt à ?
- Lẽ tự nhiên em khác, và em biết thế.
Nàng cười.
- Mà thầy khả ái quá, gây ấn tượng mạnh và –
- Nếu ngài tuyệt vời như vậy, tôi ngắt lời, sao em còn nghi ngờ thầy ?
- Em không biết, em không muốn nghi ngờ Chân sư, nhưng ngài kêu chúng ta làm chuyện lạ lùng phải không ?
Sao đi nữa chuyện chấm dứt khi nàng qua được cuộc thử thách và vì lý do đó, thầy M.H.kêu nàng đến gặp ngài vào hôm trước lễ Giáng Sinh.
- Thầy khả ái hết sức, nàng bảo và tôi không dừng được mà phải cười phá lên, cho dù đã bắt đầu quen với cách nói chuyện của người Mỹ – nhiều cô gái hay dùng cách nói này. Mới đầu em sợ nhưng em nghĩ đã hết sợ rồi, hy vọng vậy.
- Kể anh nghe thầy đã nói gì, được không ?
- Được chứ, nhưng kể thì không bằng như nghe chính thầy nói.
- Không sao đâu. Thầy có nghiêm nghị không ?
- Mới đầu thì không. Ngài thấy em không tươi tỉnh nên nói chuyện vui vẻ lắm.
- Sau đó thì sao ?
- Thầy hóa nghiêm trang hơn, nhưng rất là dễ yêu – luôn miệng nói 'con à'. Chỉ nghe thầy giảng ở những buổi học thì không biết mấy về ngài.
- Nhưng hẳn là em đã thấy phần nào con người thật vào hôm đi nghĩa trang ở nhà thờ chứ ?
- Có, nhưng anh quên là sau khi nghe ngài giảng hôm thứ tư, coi thầy khác lạ lắm. Làm như thầy có rất nhiều cái ngã. Hôm qua thầy lại khác nữa, tuy giống hơn lần mà tụi mình với thầy đi chơi chung.
- Ngài có nói nhiều về tụi mình không ?
- Ồ, nhiều lắm.
- Thầy nói chuyện gì ?
- Chuyện hay.
- Trời, kể cho anh nghe đi.
- Tuôn ra bây giờ không dễ đâu.
Cuối cùng nàng cho tôi một ấn tượng khá đủ về buổi nói chuyện ấy. Mới đầu ngài khen nàng là đã có niềm tin thắng được sự nghi ngờ.
- Này con, ngài nói, không có niềm tin thì ta không thành đạt được gì trong đời – ta cũng không thể băng qua đường được.
Nàng thấy lạ lùng, nghe kỳ lạ khó tin quá.
- Nào, không phải vậy sao ? thầy tiếp tục. Con có chịu băng qua đường nếu không có đủ niềm tin để ý thức rằng mình sẽ tới được bên kia ? Đúng là niềm tin ấy dựa trên ký ức và kinh nghiệm, do đó có hiểu biết –  nhưng cũng vẫn là niềm tin. Và như vậy, hỡi con, nếu muốn tiến mau thì chớ mất niềm tin một giây phút nào.
- Nhưng nghe giống như Thiên Chúa giáo thông thường nói, nàng phản đối, nghĩ mình quả thật bạo dạn khi làm vậy.
- Có nhiều điều trong Thiên Chúa giáo thông thường không nên bị bài xích, thầy cười một cách nghiêm trang, mà cũng có sự khác biệt. Một số giáo sĩ giảng đạo Thiên Chúa cho rằng ráng tin chuyện không thể nào tin được là điều hay nên làm – ta gọi đó là đức tin mù quáng. Niềm tin không mù quáng thì hoặc dựa trên hiểu biết mà thôi, hoặc cả hiểu biết và óc tưởng tượng.
Nàng lại thấy khó hiểu.
- Khi con quyết định không chia tay với anh Broadbent, con làm vậy mà không hiểu gì cả.
- Thế tại sao con vẫn làm, hở con ? Thầy hỏi thật nhẹ nhàng.
- Vì thầy muốn con xử sự như thế, con nghĩ vậy.
- Và không phải vì óc tưởng tượng của con bảo rằng thầy có lý do rất tốt để muốn con làm vậy ?
- Dạ đúng – con chắc có việc đó.
- Chà, bảo rằng dù thầy có tính lạ lùng nhưng nói cho đúng thì con cũng hiểu được thầy phần nào, còn điều nào chưa hiểu thì con dựa vào óc tưởng tượng, có đúng không ? Cả hai điều hợp lại thành niềm tin của con, và nhờ niềm tin mà con tiến bộ.
Thầy ngưng một chốc rồi thêm vào:
- Người đàn ông mà con thương yêu là học trò rất đáng mến của thầy – chính niềm tin không lay chuyển của anh làm ta và các Chân sư khác quí chuộng anh; hẳn con biết rằng tất cả các Chân sư hòa hợp làm một. Vì niềm tin mà anh sang Hoa Kỳ, và cũng vì niềm tin của mình mà anh có sự hy sinh ta đòi hỏi nơi anh.
- Nhưng chuyện sẽ chấm dứt ra sao – cho con, cho chúng con ? đột nhiên nàng hỏi.
Thầy lại mỉm cười nghiêm nghị.
- Nếu thầy cho các đệ tử biết rõ chuyện tương lai thì họ có lợi điểm hơn người chung quanh, mà họ chưa làm gì để được hưởng điều ấy. Nếu thầy cho con biết là chuyện sẽ kết cục tốt đẹp, vậy đủ rồi.
- Chúng con có sống chung trong những kiếp trước không – con muốn nói anh Broadbent và con đó ? nàng hỏi.
- Có, con ạ.
- Như là sao ?
- Ồ, như là anh và em gái, như mẹ và con trai. Kiếp vừa rồi anh là mẹ con.
Nàng phá ra cười.
- Thấy lạ quá. Nếu đúng vậy thì tại sao kiếp này chúng con lại yêu nhau ?
- Khi hai linh hồn tái ngộ trong thân xác khác phái, mới đầu phần thể chất  nổi bật hơn cả.
- Giờ ngẫm nghĩ lại thì điều thầy nói về mẹ và con trai thấy có lý – con luôn luôn cảm thấy thái độ của anh Charlie đối với con có tính che chở lạ lùng.
- Con nhận xét đúng lắm: tình thương của anh rất là có nét bảo bọc. Ngay cả những bài thơ của anh – những bài mà con gợi hứng – có chứa đựng điểm ấy rất nhiều.
- Thầy thực sự nghĩ là con đã gợi hứng cho anh ư ?
- Chắc chắn vậy, con à.
- Ồ, con sung sướng quá ! nàng kêu to.
- Đối với họa sĩ, thi sĩ và nhạc sĩ, tình yêu là nguồn cảm hứng lớn lao. Đó là lý do phần nào cho việc một số các nghệ sĩ có nhiều cuộc tình. Thế giới miễn cưỡng tha lỗi cho các ông nhưng bạn tình của họ là các cô các bà lại không được người đời miễn thứ. Tuy vậy người ta cũng nên tha thứ cho bạn gái của nghệ sĩ – vì qua tình yêu của họ đối với các nhân vật này, các nữ nhân đã gián tiếp làm phong phú chính cái thế giới đã lên án họ.
- Thầy có lòng từ tuyệt diệu quá ! nàng kêu lên, thầy biết không, đôi lúc con cảm thấy muốn – muốn được hôn thầy ...
Thay vào đó, ngài nâng tay nàng lên và hôn tay để trả lời.

- Anh nghĩ em nói vậy có bạo dạn quá không ?
Nàng hỏi tôi với một trong những vẻ hết sức trẻ thơ của mình.
- Thấy rõ là ngài không nghĩ vậy.
- Thầy dễ thương quá phải không ?
Tôi mỉm cười.
- Em là người đáng yêu hơn ai hết ...
Nàng nói đúng lắm, tôi có thấy mình đầy tính bảo bọc, che chở đối với nàng – tôi còn ý thức là tình cảm che chở đang tăng dần. Tình thương của tôi dần dần thay đổi: tôi yêu nàng nhưng không quá say mê với nàng. Có phải đây là điều mà thầy M.H. hàm ý khi nói: 'Đừng lo, con à, chuyện giữa con và Clare sẽ tự nó dàn xếp ổn thỏa' ?

(còn tiếp).

 

 

leaf1leaf1egyptgeesleaf1