VỊ CHÂN SƯ #PST 54

Xem Vị Chân Sư từ số đầu tiên trong mục Sách Dịch

CHƯƠNG XIII 

CHUYỆN  BÍ ẨN

 

Tuy tôi gặp Chân Sư trong buổi giảng tối thứ sáu, tôi không có cuộc nói chuyện riêng nào với thầy. Chúng tôi chỉ trao đổi vài lời trước mặt người khác; thầy có việc phải đi vào sáng hôm sau và chỉ trở về vào thứ tư tuần tới, nhưng ngài nói khéo là trong khoảng thời gian đó ngài sẽ rất vui lòng nếu tôi gặp cô Viola Brind nhiều thêm.

Có phải lời nói khéo này muốn hàm ý rằng đến nay tôi chưa kết thân với cô tới mức thầy mong muốn không, hay là chuyện gì khác ? Càng lúc tôi càng thấy  bí ẩn. Tại sao luôn luôn là cô Viola Brind ? Tôi lại còn ý thức là như có tiếng nói quái quỷ trong đầu thì thầm bên tai 'Thiệt tình anh đâu thích cô nàng tuy anh tưởng là anh có cảm tình với cô. Cô không phải loại người thật sự hấp dẫn anh vậy tại sao không tỏ thực ? Nếu anh không được kêu làm thân với cô hẳn sẽ không bao giờ tự mình làm vậy, anh biết mà!'

Và tôi thú thật là tuy rất ghét tư tưởng ấy vì nó ngược lại với ý muốn của Thầy, đôi lúc tôi không khỏi thấy là nó đúng tuy những khi khác tôi gạt bỏ ý đó và tự bảo mình chuyện thật vô lý, chỉ là điều tưởng tượng mà thôi. Cố nhiên là tôi quí mến cô, tại sao không kia chứ ? Cô chẳng có gì để tôi không ưa thích cả. Không phải tôi biết là hai chúng tôi trò chuyện thật vui vẻ lần ăn tối mới đây sao ? Tại sao tôi lại đột nhiên hóa ra lo lắng ? tôi chịu để cho ý tưởng kỳ quặc ấy ngăn cản ước muốn của Thầy à ? Chắc chắn là ngài không đòi hỏi quá nhiều nơi tôi – chỉ là kết bạn với một cô gái giỏi dang có năng khiếu kỳ lạ – nếu không làm được việc ấy thì hẳn tôi phải là người rất tồi !

Sao đi nữa, lo ngại hay không thì tôi cũng đã mời Viola ăn tối với mình vào ngay hôm sau đó và cô nhận lời. Dù vậy khi cô đến tôi lấy làm tiếc là thấy trong lòng nẩy sinh chút ác cảm đối với cô. Tôi không thể tìm cách chống chế, vì tình cảm ấy tự dưng sinh ra. Hiển nhiên là cái ngã thấp kém ở thế thượng phong khi đó và như vậy chuyện càng lạ lùng hơn vì tôi có tánh cởi mở, thân thiện, ít khi thấy khó chịu với ai. Ngược lại tâm tánh thân ái thường làm tôi bị bất tiện vì khi gặp người hấp dẫn đối với mình, tôi bầy tỏ tình cảm nhiều hơn mức phải phép.

Dĩ nhiên tôi đã quyết định là sao đi nữa sẽ không để cho Viola nhận ra bất cứ thay đổi nào trong thái độ của tôi đối với cô, nhưng tôi không thành công cho lắm vì chỉ mới ngồi với nhau vài phút, cô trầm ngâm bảo:

- Có vẻ như tối nay anh không thoải mái cho lắm.

Tôi ngẩn người một lát.

- Cô biết không, tôi đáp,  nói vậy mà đúng. Tôi có cảm giác mình không hoàn toàn là mình tối nay. Nhưng tôi đã hy vọng là cô không để ý thấy ...

- Sao vậy ? Bộ tôi để ý thì đáng nói à ?

Tôi cười cho qua.

- Ồ, không quan trọng lắm đâu, tuy nói cho đúng thì tôi có hơi xấu hổ một chút, nó làm tôi thấy ngượng nghịu.

- Chẳng sao đâu.

- Cô có biết khi mình không hoàn toàn là mình nghĩa là sao không ?

- Sao lại không biết !

Tôi lập tức thấy thích thú.

- Nói nghe coi – cô có khả năng tâm linh – cô có biết tại sao không vì duyên cớ gì mà ... Có hơi khó nói một chút, đột nhiên trong đầu có một ý tìm cách ngăn ý kia muốn làm chuyện gì đó – chẳng hạn chuyện rất dễ – mà mình thật sự muốn làm ?

- Khó mà nói, trừ phi biết đó là chuyện gì.

- Chắc vậy. Tôi đồng ý, không muốn thố lộ gì thêm.

- Anh cho thí dụ được không ? cô hỏi.

- Không dễ đâu. Cô xem, nó có thể là chuyện không đâu, chuyện mà nhà phân tích tâm lý có thể giải thích, nhưng nó cũng có thể là chuyện rất đáng ngại, tôi muốn nói 'phe Tả Đạo'.

- 'Tả Đạo' là sao ?

- Cô không biết ư ? Tôi ngạc nhiên, sách vở gọi là huynh đệ tà đạo, những người hoạt động ngược với Thiên Cơ thay vì thuận với Nó.

- Ồ, mấy người như vậy ... Cố nhiên tôi biết họ là ai, nhưng tôi không nghĩ ra là họ khi nghe chữ đó.

Rồi đột nhiên tôi nẩy ý nói thật với cô, nhưng bị ngăn lại vì cô hầu bàn đem món ăn tới.

- Coi này, tôi bảo khi cô hầu bàn đã đi xa, chúng ta là bạn rất tốt phải không ?

- Chắc chắn là tôi mong như thế, cô mỉm cười.

- Vậy nếu tôi kể cô nghe một việc hơi lạ thì cô sẽ hiểu chứ ?

- Tự nhiên rồi.

- Cô có nghĩ là mấy người gọi là tả đạo có lý do gì để muốn phá tình bạn của chúng ta không ? Tôi chậm rãi nói.

- Có thể lắm, mình không bao giờ có thể biết là họ muốn gì. Nhưng sao anh hỏi ?

- Vì có chuyện xẩy ra.

- Thực à, ra làm sao ?

- Khó mà nói cho cô rõ, nhưng tôi cũng ráng thử.

Tôi ngần ngại một chốc, tìm chữ sao cho không quá thô lậu. Cuối cùng tôi bảo.

- Tôi có cảm tưởng như có gì đó tìm cách ngăn không cho tôi quí mến cô nhiều.

Cô cười nhẹ lạ lùng.

- Chuyện kỳ cục thật, cô nói, tôi cũng có cảm nghĩ y thế.

- Thật ư ?

- Thật đó, phe tả đạo rõ ràng là tìm cách ảnh hưởng cả hai chúng ta.

- Nhưng tại sao kia chứ ? Tôi kêu lên. Để làm gì vậy ?

- Chỉ có trời biết ! Nhưng tôi có thể nói thế này, là không chừng sâu kín trong trọn sự việc có chuyện gì đó khác hơn điều mình tưởng. Khi Chân sư đặc biệt muốn điều gì thì họ tìm thế ngăn cản nó.

- Cô nghĩ việc quan trọng như thế à ?

- Tôi chắc nó phải như vậy.

Cô hầu bàn lại tới làm chúng tôi ngưng lại.

- Thường thì tôi không có tánh tò mò, tôi nói khi cô hầu bàn đã lui, nhưng thiệt sự tôi ao ước muốn biết chuyện có nghĩa gì. Hôm thứ sáu Thầy nói khéo là muốn tôi tìm cách gặp cô nhiều hơn.

- Thầy cũng nói tương tự vậy với tôi.

Càng lúc chuyện càng bí ẩn thêm.

- Cô nghĩ là thầy có hay làm chuyện như vầy không ? Tức là ngài có hay mong cho hai người thành bạn đặc biệt không ?

- Tôi chưa hề nghe trước đây, nhưng mình đâu có nghe hết mọi chuyện. Cô ngưng giây lát, nói về chuyện lạ lùng thì tôi không muốn nghe thêm.

Tôi nhìn cô dò hỏi.

- Thầy bảo có ngày không chừng ngài sẽ cho tôi gặp thử thách mà tôi không thích lắm đâu.

- Thử thách ra sao ? Tôi hỏi, hết sức chú ý.

- Đó là chuyện tôi không biết. Thầy nói xa xôi để tôi chuẩn bị. Ngài chỉ bảo nó là chuyện cần tôi phải hy sinh.

- Úi chà ! tôi kêu lên.

- Sao coi anh ngạc nhiên quá vậy ?

- Tại vì – nhưng mình vào phòng kia đi. Nó thường không có ai và chúng ta có thể uống cà phê trò chuyện dễ hơn.

- Anh đang nói dở dang nửa chừng một chuyện, cô bảo khi cà phê và thuốc lá đã được mang ra, và cô châm điếu thuốc hút.

- Cô biết tại sao tôi qua Mỹ không ? tôi hỏi.

- Tôi nghĩ là để gần Chân sư.

- Đó là một lý do, nhưng còn lý do khác. Ngài bảo tôi là ngài có một dự định đòi hỏi tôi phải hy sinh về phần mình. Cô có thấy đó là chuyện lạ khi thầy dùng cùng một chữ đối với cả hai chúng ta ?

Cô nhún vai.

- Ai tới với thầy M.H. trước sau cũng phải hy sinh, tôi nghĩ nó không nhất thiết liên hệ với anh và tôi chung với nhau.

- Không, tôi nhìn nhận là không thấy làm sao lại có chuyện liên can. Trước hết tôi không thể tưởng tượng là loại công việc chúng ta phải làm chung với nhau lại có thể hàm ý có hy sinh to lớn, thứ nữa – tôi quên mất muốn nói gì rồi !

Cô phá ra cười và một lát sau ngẫm nghĩ nói.

- Cố nhiên có thể có việc gì đó ngài muốn chúng ta làm chung mà không dễ chịu, và hàm ý phải hy sinh lớn lao cho cả hai chúng ta; nhưng thiệt tình tôi không tưởng tượng ra được đó là việc gì.

- Và có thể đó cũng là lý do tại sao phe tả đạo muốn tấn công chúng ta, tôi gợi ý.

- Có thể lắm.

Tôi im lặng một lúc, ráng moi óc xem có câu đáp khác chăng mà không nghĩ ra. Đột nhiên tôi bảo:

- Cô có thông nhãn, cô nhìn thử tương lai một chút xem ?

Cô lắc đầu.

- Tôi không hề thấy được việc gì về mình cả, ai có thông nhãn ở mức độ này không bao giờ thấy được. Với lại –

- Với lại làm sao ?

- Nếu thầy muốn chúng ta biết bây giờ thì hẳn ngài đã nói rồi.

Tôi có cảm nghĩ như bất trung đối với thầy và tự trách mình.

- Cô nói đúng lắm, tôi bảo, tốt hơn mình đừng suy đoán nữa mà chờ xem có gì sẽ tới. Trong lúc này mình phải ngăn không cho phe tả đạo gây hại gì. Nói chuyện như vầy lại hay cho tôi. Hồi cô mới tới ban chiều tôi thấy ngượng ngùng và xin thú thật là có chút ác cảm, nhưng nay tôi thấy dễ chịu rồi.

- Vậy nói sao đó cũng là chuyện tốt.

Sau đó chúng tôi bàn luận về những đề tài khác, và cũng dàn xếp để gặp nhau uống trà ngày thứ hai. Và cũng vì tối hôm ấy hai chúng tôi đến dùng cơm với Clare và mẹ nàng rồi sau đó đi xem kịch, cả hai chúng tôi cảm thấy rằng Chân sư sẽ nhận biết là ý muốn của ngài đã được thuận theo.

Về phần Clare và tôi, chúng tôi xếp đặt để gặp nhau gần như là mỗi ngày, và đa số cuộc nói chuyện không có người thứ ba phá rối. Clare có phòng làm việc riêng của nàng, và bà mẹ rất chiều con, không tỏ ý ngạc nhiên khi chúng tôi ở cạnh nhau quá nhiều giờ. Bà Delafield biết rằng cảm tình của chúng tôi đối với nhau là tình yêu lãng mạn – Clare đã cho mẹ hay – và bà chấp nhận sự việc vì cho rằng con đã đủ lớn để suy nghĩ và hành động theo ý mình. Khỏi cần phải nói khi làm vậy không những bà khiến tôi nể phục mà luôn cả biết ơn.

Nay tôi yêu Clare say đắm và biết là nàng cũng đáp lại tình yêu đó. Người ta bảo đàn ông ở tuổi tôi khi yêu sẽ đắm đuối và tôi thấy lời đó đúng. Hơn nữa tôi thấy như đây là cuộc tình cuối của tôi – ngọn lửa thương yêu lãng mạn bùng cháy mạnh trước khi tôi đạt tới tâm Thương Yêu Hằng Hữu vô điều kiện mà thầy M.H. đã hứa với tôi nếu – nếu cái gì ? Bởi đó là điều bí ẩn mà tôi vẫn chưa giải ra, và có vẻ như nó càng bí ẩn thêm sau khi tôi nói chuyện với Viola.

Sao đi nữa, tôi có thể làm tròn điều kiện của ngài không ? Tôi không thấy làm sao mình lại có thể đâm ra thương yêu lãng mạn được nữa. Thầy M.H. có nói 'Con sẽ thương yêu mãi mãi'. Nếu dùng lý luận mà nói thì khi đã thương yêu mãi mãi người ta không thể thương yêu lần thứ hai ! Nhưng tôi có thể sai. Giả dụ mà nói khi tâm Lòng Từ Hằng Hữu này tới thì không chừng nó khác xa với điều tôi mong đợi, và có nhiều chuyện khả hữu xẩy ra mà tôi không đoán trước được.

Rồi tư tưởng lạ lùng khác cũng tới, thí dụ sự hy sinh mà tôi bị đòi hỏi phải làm tỏ ra lớn lao quá đến nỗi tôi không thực hiện được ? Chuyện khó thể xẩy ra, nhưng người ta không sao chắc chắn hoàn toàn một việc gì – trừ phi chính cái Tuyệt Đối ... Dầu vậy – tôi gạt ngay tức khắc tư tưởng vừa khi nó chớm phát; tôi nhất định không nghĩ tới nó. Không phải đã có một hai lần tôi nếm được tâm Lòng Từ Hằng Hữu rồi sao, và ngay cả khi ấy biết nó là châu ngọc vô giá mà người ta sẽ đánh đổi bất cứ gì khác để có – phải, ngay cả những cuộc tình sau này ?

Tôi không biết có phải vì những suy đoán của mình hay không mà thầy M.H. bàn về đề tài Tình Yêu trong bài giảng của ngài vào hai thứ tư liên tiếp kế đó. Thời gian này tôi không thể đoán là ngài ý thức tư tưởng và cảm xúc không lời của tôi tới mức nào. Sao đi nữa ngài chọn đề tài ấy và bởi không có gì hệ trọng xẩy đến cho tôi trong tuần, tôi xin thuật lại hai bài giảng ở các chương sau.

 

                                                       CHƯƠNG XIV

 

Bài giảng tối thứ tư ấy là về 'Ảo ảnh (Maya) và sự liên hệ của nó với Tình Yêu', nhưng vì bài có tính chất riêng tư nên khó mà đăng trọn bài cho công chúng, bởi vậy tôi chỉ có thể ghi lại phần nào xét ra thích hợp.

Thầy M.H. bắt đầu bằng cách vạch ra rằng phần lớn điều gọi là Tình Yêu thì thuần là Maya – có nghĩa Ảo Ảnh. Mà chữ Ảo Ảnh không phải là chữ dịch đầy đủ của Maya, vì chữ sau này không có nghĩa là điều gì không hiện hữu hay ảo tưởng như vật trong giấc mơ, mà là tình trạng trong đó chuyện hiện ra như nó không phải là vậy, hay tình trạng trong đó ta thấy chuyện không phải là nó. Thế thì phần lớn những gì người đời cho là tình yêu thì chính thực lại là Maya, vì nó dẫy đầy những ảo ảnh và sinh ra ảo tưởng trong chính chúng ta. Thầy giải thích:

- Người chưa sáng suốt và người mơ mộng nghĩ rằng tình yêu sẽ kéo dài mãi mãi, nhưng không có chuyện đó, và ấy là Maya; họ nghĩ người yêu của họ khác với con người thực lộ ra – và đó là Maya.

Ngài giảng tiếp rằng hiểu rõ ý này là chuyện rất quan trọng, vì một trong những trợ giúp lớn lao nhất cho tiến bộ tinh thần là nỗ lực giải thoát chính mình khỏi mạng lưới của Maya.

- Khi ta có thể thấy mọi việc như chúng là, thay vì như ta muốn chúng là, khi ấy ta sẽ không còn thất vọng và chỉ gặp ít chuyện buồn phiền. Người đàn ông nào nghĩ rằng cô gái sẽ chung tình với anh đến chết, và bắt gặp cô ngoại tình với quân nhân đẹp trai đầu tiên cô gặp, là nằm trong mạng lưới của Maya. Cứ như thế mà suy diễn. Chúng ta phải nỗ lực thoát khỏi mạng lưới này, bằng không ta sẽ không bao giờ có được minh triết hay sự bình an.

Thầy nói thêm rằng chúng ta thấy nhiều tính chất Maya này trong thái độ của đông đảo người về tình dục. Thí dụ ngài dạy:

- Người đàn ông nào bắn hay ly dị vợ mình vì cô đã chung đụng gối chăn với một người đàn ông khác, cho thấy ngay rằng anh coi trọng rất đỗi chuyện liên hệ thân xác; ngược lại ai tha thứ vợ mình hoặc khá hơn nữa không thấy có gì phải tha thứ, tỏ ra không coi trọng cho lắm việc trao thân và như thế chứng tỏ chẳng những anh là linh hồn tiến hóa và giác ngộ hơn, mà cũng là người trinh tiết (chaste) hơn. Kẻ như thế không còn nhìn chuyện tình dục lẫn hôn nhân qua màn Maya.

Kế đó thầy M.H. giảng về ngộ nhận đối với sự trinh tiết, trong sạch và hoàn toàn cấm dục (abstinence). Ngài giải thích:

- Theo cách chúng ta nói ở đây, người trinh tiết không phải là ai thực hành việc cấm dục hoàn toàn, mà như thầy hàm ý, là người nhìn chuyện tình dục đúng như nó là. Cũng giống như ta không cho là tham ăn uống ai hân hoan dùng bữa khi đói lòng mà bình thường không coi trọng việc ăn uống, thì y vậy, ta không nên cho là không trinh tiết ai vui thích chuyện gối chăn khi cơ thể đòi hỏi còn khi khác không bận tâm đến tình dục.

'Nói về sự trong sạch – điều chúng ta ngụ ý thì không phải là sự câu nệ về tiết hạnh mà là ý đối nghịch hẳn lại. Trong sạch là khả năng nhìn thấy cái đẹp ở mọi vật và trong mọi sinh hoạt của sự sống, và tôn vinh mọi hành động trong tinh thần không ích kỷ. Ai học được lòng không ích kỷ trong từng hành vi tình dục của mình, là người trong sạch ...' Tới đây thầy dạy một số điều làm nâng cao con người mà bởi thói đời câu nệ chuyện tình dục nên tôi không thể ghi ra.

- ... Nếu chỉ ai có con tim thanh khiết, theo nghĩa hoàn toàn không có tình dục, mới thấy được Thượng Đế, thì may ra chỉ có những cụ ông, cụ bà không còn si mê thiết tha – hay chưa hề có yêu đương say đắm – mới có được địa vị đáng ao ước đó mà thôi. Tại sao Thượng Đế tạo cho con người có một hoạt động mà vì vậy họ lại bị ngăn cấm không tìm được Ngài ? Cũng là Maya nữa thôi – ngay cả ai không cảnh giác cũng diễn dịch sách vở qua màn che mắt của Maya.

Rồi Chân sư nói sang thái độ sai lầm của một số học viên và giảng viên về triết lý bí truyền đối với tình yêu và lòng say mê đắm đuối. Ngài bảo:

- Các con không có quyền mong đợi linh hồn chưa hiểu biết hành xử như ai đã tiến xa. Thí dụ nghe đã quá quen nói rằng ta không thể mong trẻ nhỏ lớp mẫu giáo hiểu được hay đủ sức học bài học của lớp Sáu; cũng như con không thể mong ngay cả linh hồn đã tiến xa xử sự như linh hồn toàn thiện – chỉ có khoảng ba trăm linh hồn toàn thiện trong thế giới này – vì ngay cả linh hồn đã tiến xa vẫn chưa chắc tiến đủ về mọi mặt, ở đâu đó vẫn còn chút thiếu sót.

'Tiếp theo là phải xét tới loại xác thân mà linh hồn tiến hóa sử dụng trong một kiếp nào đó. Lấy thí dụ nghệ sĩ sáng tạo, rất thường khi nghệ sĩ sáng tạo tài hoa nhất có hành vi xét theo luân lý về tình dục như là linh hồn chưa tiến hóa. Tuy nhiên họ không phải vậy – họ chỉ sinh ra với loại thân xác rất đỗi khó làm chủ và sử dụng.  Chẳng hạn khi một nhạc sư soạn vở nhạc kịch hay bản đại hòa tấu, ai có thông nhãn sẽ thấy những đường lực dũng mãnh từ Đại Thiên Thần tuôn tràn qua người họ hay tác động chung quanh nghệ sĩ, và kết quả là khơi dậy trọn phần tình cảm của họ.

' Thế thì – các con phải ý thức là mỗi hình thức tự chủ, kiểm soát đều đòi hỏi năng lực, và nếu ta thấy là gần như trọn tất cả lực mà nghệ sĩ sáng tạo có trong người phải dùng vào việc làm của họ, thì sẽ còn rất ít cho việc làm chủ phần tính dục của ông. Mà ngay cả khi ấy, nhìn theo quan điểm của các Chân sư là những Vị biết được sự việc, những cuộc tình của một đại nghệ sĩ không giống như cuộc tình của người bình thường. Tính rất mong manh, thoảng qua của chúng mà nhà luân lý nghiêm khắc lên án, là triệu chứng không phải của một linh hồn nông nổi, mà là của linh hồn quyết tâm đến mức ngay cả tình yêu gợi dục cũng không để lại cảm tưởng lâu dài nào.

'Chỉ có linh hồn tiến hóa mới có thể yêu thương mười cô gái mà không hề muốn thành hôn với cô nào. Nhà đại nghệ sĩ biết, dù hữu thức hay vô thức, rằng những cuộc tình của họ chỉ là Maya – và khi ai ý thức rằng Maya là Maya, họ chứng tỏ là đã thoát khỏi màng lưới Maya. Ai tỏ ra đạo đức và nói 'Tội nghiệp cho ông, ông có tài vậy mình phải tha thứ cho ông ...' là không có lòng nhân hay sáng suốt; lòng tha thứ thân ái chỉ tìm thấy nằm sâu trong sự hiểu biết đúng đắn mà thôi. Như thế những cuộc tình tự chúng không có gì là bậy, chúng chỉ xấu khi làm đảo lộn óc suy xét của ta, gây đau khổ cho người khác hay làm ta xa lánh Mục Tiêu Cao Cả.'

Dầu vậy, thầy nói tiếp rằng ý trên không áp dụng cho linh hồn nào tiến xa tới mức sắp đạt quả vị Chân Sư. Trong trường hợp những bậc này, sự trung thành về tình dục với một người vợ là điều nên có, vì việc không giữ trinh tiết làm hư hại những thể thanh. Tới đây thầy M.H. đưa ra giải thích dài về mặt huyền bí mà người không rành sẽ thấy khó hiểu. Ngài chấm dứt bài giảng bằng đoạn sau:

-    Loại tình yêu cao tột nhất có thể thấy khi hai người hợp lại trong tinh thần tự do hoàn toàn, mà không ai có lòng muốn sử dụng tự do ấy. Nhưng cho dù ấy có thể là hình thức của tình yêu cao cả nhất, nó không nhất thiết là hình thức hôn nhân cao nhất. Chỉ khi những ai như vậy thành hôn nhằm mục đích phụng sự những Đấng Cao Cả và Nhân Loại, dù là qua công việc chỉ thực hiện được bằng cách cộng tác chung (ta có thể kể đến trường hợp Nicolas và Elisabeth Roerich, xin đọc bài Nicolas Roerich trong PST số 53), hay qua việc tạo thân xác thích hợp cho linh hồn muốn tái sinh qua họ, chỉ chừng đó họ mới có cuộc hôn nhân loại này, là loại cao hơn hết thẩy, và theo đó hoàn toàn vượt ra khỏi những biến hóa mê hoặc của Maya.

 

CHƯƠNG XV

TÂM THƯƠNG YÊU HẰNG HỮU

(Permanent Love Consciousness)

 

Thứ tư tuần sau Chân sư có bài giảng cho những đệ tử mới, nói về sự định trí, tham thiền, suy gẫm, và làm sao thực hành những điều này có thể mang lại tâm từ luôn luôn. Ngài nói rằng ai có thể giữ trí não không xao động trong 84 phút 20 giây về Đại Ngã tức Nhất Nguyên - Từ Ái - An Lạc, sẽ giữ được các đặc tính ấy của Đại Ngã trong suốt đời còn lại của mình. Nhưng ngài khuyến cáo là chẳng những rất khó tập trung tư tưởng như vậy, mà tham thiền quá lâu cũng có hại trừ phi có sự trông nom riêng của một bậc Chân Sư cho ai muốn tập.

- Hãy tham thiền nhiều bận, ngài giải thích, mỗi bận một lúc ngắn. Tham thiền 10 lần một ngày mỗi lần vài phút thì tốt hơn là tham thiền trọn một giờ. Và hãy luôn luôn nhớ, ngài nói thêm, là phải dùng óc tưởng tượng thay vì dùng ý chí, khác với sự hiểu biết của đa số người. Hơn nữa, trong nhóm chúng ta đây khi nói về việc biểu lộ ý chí là ta muốn nói đến việc ra sức tưởng tượng. Một điểm quan trọng khác là cần có cảm xúc và tư tưởng đồng thời với nhau. Khi các con tham thiền về tình thương, chẳng những con nghĩ về tình thương mà còn phải cảm thấy thương yêu, nhắc lại là bằng cách tưởng tượng.

Và rồi ngài nói giọng êm dịu làm tôi nhớ mãi.

- Óc tưởng tượng, thầy bảo, là chiếc thang thiêng liêng mà Thượng đế tạo nên để nhờ đó người chí nguyện có thể lên tới đỉnh cao của ý thức. Ai chỉ mơ màng vẩn vơ là dùng sai khả năng tưởng tượng, ngài nói tiếp, nhưng nếu con mới được nhận làm đệ tử và bây giờ tập tham thiền theo cách ta khuyến khích, về sau con có thể thấy là có những lúc con được thưởng với cảm giác thương yêu đối với tất cả mọi người, bất kể họ là ai và là gì, và con không màng là họ có thương lại con hay không.

'Trong những lúc ấy không còn ác cảm khó chịu mà con hay cảm thấy về người khác, con không bận lòng là người ta xấu hay đẹp, thanh tao hay thô lậu, khôn ngoan hay ngớ ngẩn, tốt lành hay xấu xa, không một điều nào như vậy sẽ ngăn trở cảm giác thương yêu không gì so sánh được lan từ con đến họ đầy niềm an lạc. Vài người trong nhóm không chừng còn khám phá là tâm Từ ấy đã trở thành thường hằng, vì con chỉ đạt trở lại điều mà con đã phát triển rồi trong một kiếp trước.'

Và thầy tiếp tục chỉ cho thấy làm sao khả năng tâm linh tùy thuộc vào những kiếp đã qua, loại thân xác mà chúng ta sử dụng, tính di truyền và những điều tương tự. Khi gần đến phần kết bài giảng, ngài nói.

- Không có cách nào khác để tập được trạng thái thương yêu này ngoài việc tham thiền chăng ? vì hãy nhớ rằng đó là trạng thái. Riêng thầy thì tin rằng có. Lấy thí dụ như cánh tay người thợ rèn,  tay phải của ông mạnh và lực lưỡng khác thường, so với tay phải yếu và nhỏ hơn. Tại sao thế ? Vì ông đã phát triển sức mạnh của cánh tay phải bằng cách vung búa, còn tay trái chỉ dùng như những ai không thuận cả hai tay dùng nó.

'Chuyện cũng y vậy với tình thương, hãy dùng ý chí để thương yêu và con sẽ phát triển khả năng thương yêu, làm cho trọn bản chất thương yêu của con hóa mạnh và trường tồn; thương yêu theo cách thông thường như người ta làm chỉ vì bị lôi cuốn thì tình thương của con vẫn yếu ớt, èo uột và cuối cùng chết hẳn. Hãy xem: tình thương đòi hỏi được nuôi dưỡng từ bên trong mà không phải từ bên ngoài. Bao lâu mà con còn tùy thuộc vào ngoại vật thì không bao giờ được an toàn. Chỉ khi nào con nhất quyết không chịu tùy thuộc vào ngoại vật khi ấy con mới được vững chắc.

'Nhưng con phải khởi sự ngay bây giờ khi còn trẻ, tới lúc lớn tuổi thì đã trễ. Tâm tính một khi học được sẽ tự nó còn hoài và tới tuổi già con sẽ không gặp khó khăn trong việc kết bạn mới như ta hay nghe nói. Thay vì chỉ ưa thích một hay hai người bạn con sẽ ưa thích mười, hai mươi bạn, cả trăm không chừng, không có giới hạn nào ngoài giới hạn mà tự con đặt ra. Và cố nhiên con số càng tăng thì nhiều phần con không sống lâu hơn họ. Cảnh già lão cô đơn chỉ là sự trừng phạt người ta phải trả do giới hạn lòng mình.

'Bây giờ qua thí dụ thực tế: tại sao không chọn ít nhất một người trong số ai quen biết mà không có thiện cảm với con, và dùng ý chí buộc mình thương yêu họ, dĩ nhiên là làm thế mà luôn luôn có óc tưởng tượng phụ vào. Thầy không hàm ý rằng trong số các con hiện diện ở đây có người thực tình và mạnh mẽ ghét bỏ ai, vì như các con đã biết, chúng ta không dám thâu nhận kẻ nào chưa trừ được lòng ghét bỏ; nhưng vẫn còn những người mà con thấy dửng dưng vô cùng đối với họ, người mà các thể làm như không hợp với con và con không thích cầm tay hay vuốt ve tỏ tình thân ái, cử chỉ hay thấy giữa phái nữ với nhau.

'Con không cần phải thực hành đâu xa ngoài nhóm này, vì tuy thầy nhìn nhận là nói chung bầu không khí trong nhóm có tình thân ái và bằng hữu, vẫn có vài trường hợp có thể cải thiện hơn. Phe các cô thì một hay hai cô có thể tỏ ra quí yêu bạn nhiều hơn con cảm thấy lúc này, thầy không cần nói ra nhưng lòng con biết thầy muốn nói gì. Hãy lắng nghe tiếng lòng và hành động theo đó. Thầy đoan chắc rằng khi làm theo lời thầy con sẽ tiến bộ rất xa.

'Ta cũng xin thêm là việc tập dùng ý chí để thương yêu không cần phải giới hạn vào người cùng phái. Thí dụ thường khi các cô cảm thấy ra sao khi thích rất nói chuyện với một anh, nhưng sẽ la lớn nếu anh cầm tay hay choàng qua người cô ? Phái nữ rất thích bàn về chuyện kêu thét lên này. Có anh cũng cảm thấy như vậy với các cô, duy có điều đàn ông thường không la lớn ! Có cảm giác ghê sợ muốn tránh né ai, bất kể là ai, có phải là tình trạng lý tưởng không ?

'Ồ, chắc chắn việc thầy muốn con thắng cảm giác tránh né không phải là chuyện dễ, nhưng nếu chúng ta chỉ làm việc dễ làm trong đời thì không bao giờ tiến bộ cả. Tâm thương yêu mà con nhắm tới thì giống như nước trời, phải ra sức chiếm đoạt, phải chinh phục nó, và giống như mọi điều liên can đến chiến thắng, nó đòi hỏi có sự gắng công. Thầy sẽ đi xa tới mức nói rằng đối với một số người, thương Trời thì dễ hơn là thương người bên cạnh không thiện cảm với họ. Con có thể gán cho ông Trời đủ mọi tánh tốt lành như ý, và Trời không có thình lình hiện ra chọc giận và làm con không vui. Hay con có thể nghĩ Trời có tánh xấu như ganh tị, giận hờn, trả thù nếu muốn thế, nhưng với người bên cạnh thiếu thiện cảm thì họ ra sao con phải chịu vậy. Con là người phải thay đổi mà không phải họ, và con phải là người trước tiên muốn thay đổi.

'Vì vậy Ta nói với con rằng ai muốn có tâm đầy tình thương hãy dùng mọi phương tiện có trong tay để đạt tới nó. Chỉ tham thiền có lệ thì chưa đủ, mà hãy học thương yêu người bên cạnh có vẻ không dễ yêu. Học thương yêu họ vì Đại Ngã, điều Duy Nhất hiện hữu trong Muôn Loài.

CHƯƠNG  XVI

 

LÀM  SÁNG  TỎ

Sau buổi giảng, trước khi tôi về hội quán thầy M.H. kéo tôi qua bên và dặn tôi sáng thứ sáu đến lúc 11 giờ, vì thầy có chuyện quan trọng muốn nói. Do bản năng tôi cảm ngay tức khắc lúc thầy nói là chuyện có liên quan đến điều mà tôi cho là bí ẩn. Chót hết bao nhiêu ức đoán của tôi sẽ được giải ngay, đã tới lúc thời gian tỏ ra chín mùi để tôi được biết lý do của chuyến đi dài này của tôi. Nhưng việc gì đã làm chuyện chín mùi ? Hoặc nói cho rõ hơn, về phần mình tôi đã làm gì để khiến phải có giải đáp ? Tôi không trả lời được và thấy sự việc càng hoang mang hơn bao giờ hết.  Khi nhìn trở lại những chuyện đã qua, điều tôi chỉ có thể thấy là tình cảm lãng mạn của tôi với Clare và tình bạn của tôi với Viola Brind. Dĩ nhiên thêm vào đó tôi đã học được nhiều điều từ những bài giảng của thầy, nhưng tôi không  thấy là đã có hy sinh gì về phần mình so với quan điểm và triết lý mà thầy đã giảng.

Tôi thấy Chân Sư tỏ ra nghiêm trang khác thường khi tôi bước vào phòng làm việc của ngài. Tôi không hàm ý là ngài có chút ưu tư rầu rĩ nào, mà hoàn toàn chỉ muốn nói là vẻ bình thản, hiền từ và tình thương như tình phụ tử trong cá tính đa diện của ngài hiện ra nổi bật hơn vào sáng hôm đó.

Chúng tôi bắt tay và tôi ngồi xuống chiếc ghế bành thoải mái mà ngài đẩy tới trước mặt tôi, trước lò sưởi củi cháy rực. Ngài mở lời.

- Này con, hẳn con nhớ khi thầy viết thư kêu sang đây, chuyện có một mục đích rõ ràng. Thầy có hứa sẽ cho con rõ điều ấy khi tới đúng lúc.

Tôi gật đầu. Thầy nói tiếp.

- Vậy, thầy nghĩ nay có thể cho con hay thầy đã tính chuyện chi. Con đang tới một giai đoạn trong cuộc tiến hóa của mình và có lẽ con nhớ thầy có viết là trừ phi phải thực hiện một việc nhất định, con không có cơ hội tiến xa hơn nữa trong kiếp này. Con nhớ chăng ?

- Con có nhớ.

- Con à, thầy sẽ kêu con làm một chuyện mà nó có nghĩa là trọn cuộc đời của con sẽ thay đổi, và như thầy đã cho hay, sẽ đòi hỏi phải quên mình lớn lao và ngay cả việc đi ngược lại vài ý tưởng mà con hết sức quí chuộng. Nhưng ta hy vọng và nghĩ là đức tin con đủ mạnh để ý thức là khi kêu con làm vậy, không những thầy quan tâm đến sự tiến hóa mà luôn cả hạnh phúc của con. Phải, đó là hạnh phúc lớn đến mức ngay cả óc tưởng tượng của con người thi sĩ nơi con cũng chỉ có thể lờ mờ cảm thấy mà thôi. Quả thật có những lúc con cảm được tâm An Lạc mà tất cả đệ tử nơi đây đang gắng đạt tới, nhưng cảm được vậy chỉ làm con càng ao ước có được trạng thái trên thường hơn. Có phải thế không ?

- Đúng lắm ạ.

- Thế thì, như ta đã giảng tối hôm nọ, không phải có một mà có nhiều cách để đạt tới chuyện đó.  Có phương pháp tham thiền mà con đã tập rồi, và còn một cách khác - một phương pháp mau hơn và anh hùng hơn. Đó là đặt mình vào trạng huống mà ta bị bắt buộc phải đạt tâm An Lạc và Thương Yêu, bằng không thì phải bị đau khổ.

- Nhưng làm sao người ta tạo những điều kiện như thế? Tôi hỏi, hết sức ngẩn ngơ.

- Này con, hẳn con có thể đoán được từ những bài giảng của chúng ta. Nhưng giảng cho cả nhóm là một chuyện, mà yêu cầu cá nhân con thực hiện đề nghị của thầy lại là chuyện khác. Trên thực tế thầy chỉ có thể yêu cầu rất ít người trong nhóm này của chúng ta làm điều mà thầy sắp yêu cầu con làm; không phải ai cũng ở trình độ tiến hóa có thể qua được thử thách đó.

- Nhưng thầy chưa nói đó là gì ? Tôi nói, cảm thấy sự căng thẳng làm đau đớn.

- Tới ngày giờ sẽ hay, tuy thầy không bắt con phải bị căng thẳng lâu hơn đâu. Ngài ngưng giây lát rồi nói tiếp. Con sắp 50 tuổi, phải chăng ? và tới nay chưa có kinh nghiệm mà thầy xem là hết sức tốt lành cho vài loại linh hồn. Con à, kinh nghiệm đó là hôn nhân, vì sống độc thân cả đời là chuyện không tốt, không nghĩ tới ai khác ngoài chính mình mà thôi.

Tôi nghĩ ngay đến việc là thầy muốn tôi thành hôn với Clare, nhưng tôi kinh ngạc quá khiến không thể giả vờ là mình vui hay buồn.

- Con không thích cuộc sống lứa đôi, con không tin vào hôn nhân vì con ý thức là chưa tới 1/1000 trường hợp có tình yêu kéo dài mãi mãi và cuộc hôn nhân được thành công. Phải thế chăng ?

- Dạ, đó là quan điểm của con.

- Nhưng con có nghĩ là bất cứ sự không ưa, khắc kỵ nào, nhất là mạnh như vậy, có ích cho linh hồn chăng, nó có ngăn trở sự Tiến Bộ chăng ? Ngoài ra, hãy nghĩ xem con sẽ học được nhiều điều khác khi cố công khắc phục tính ghét bỏ đó, như thầy đã vạch rõ chỉ mới hôm kia ?

- Vậy thầy muốn con ... thành hôn ... với Clare ? Tôi ấp úng nói.

 Ngài lắc đầu nghiêm nghị.

- Làm vậy thực ra chỉ là thành hôn để con có vui thú. Con yêu Clare. Người ta không đạt được tâm Thương Yêu bằng cách thương ai mà ta đã có tình thân ái rồi, mà chỉ bằng cách thương ai mà mình chưa yêu quí.

- Nhưng hẳn là, tôi kêu lên, người ta có thể làm vậy mà không cần phải lập gia đình với họ ?

- Người ta có thể làm, nhưng không ai làm, ngài đáp. Rồi còn những lý do khác có liên hệ với quá khứ, lý do nhân quả. Và ngay cả như thế cũng chưa phải là hết mọi chuyện trong trường hợp của con, thầy còn những động cơ đáng kể hơn nhiều khi đề nghị con lập gia đình với một người đặc biệt, người mà tính ra con chưa thương yêu.

Rồi bất ngờ có chấn động làm tôi hiểu ra mọi việc.

- Phải thầy muốn nói cô Viola Brind ? tôi nói, ráng sức che dấu cảm xúc trong lòng.

- Phải, đó là cô Viola Brind.

Trong một lúc tôi chán ngán nhìn vào lửa trong lò sưởi, không nói nên lời. Làm như thể ngài đòi hỏi chuyện quá sức tôi, mà cùng lúc đó tôi hiểu không nên từ chối ngài. Trong những giây phút ấy tôi thấy mình từ bỏ Clare, với bao luyến tiếc sinh ra do hành động ấy, và rồi cột chặt mình vào cô gái nay tôi thấy rõ hơn bao giờ hết là không quí mến cô chút nào; thực vậy, cảm tưởng chống đối cô không giải thích được mà đã làm tôi bận lòng  nhiều lúc, nay đột nhiên hóa mạnh đáng sợ hơn bội phần. Tôi cảm thấy ý tưởng thành hôn với cô đáng ghê hết sức, và gần như tức giận là tại sao thầy M.H. lại đòi hỏi tôi chuyện như thế được.

Giọng nói của ngài phá vỡ sự trầm ngâm suy nghĩ của tôi, nó vang lên nhẹ nhàng không sao tả được.

- Con à, ngài nói, chạm vào tay tôi, thầy tiếc là con phải đau khổ, nhưng hãy tự an ủi chút ít với ý nghĩ là nếu con không có đức tin không sao lay chuyển và sự vâng lời không nao núng, hẳn ta không thể nào đặt con trước thử thách này. Ngay cả hiện giờ, hãy nhớ rằng ta không hề ép buộc một đệ tử nào làm điều gì trái với ý muốn của họ - tất cả đều là cá nhân tự do và phải tự lo cứu độ mình. Con không phải trả lời thầy ngay hôm nay, thầy mong con không làm vậy mà tốt hơn nên có giờ suy nghĩ.

Lúc này tư tưởng quá đỗi mới mẻ nên con kinh ngạc là chuyện tự nhiên, nhưng hãy tin thầy, chuyện đáng nói là con người có thể thích ứng mau lẹ ngay cả với điều gì kỳ dị nhất. Cứ thong thả, nghĩ tới lui trọn câu chuyện cho kỹ rồi chọn lựa. Trong lúc này hãy thổ lộ với thầy hết mọi điều, và hỏi bất cứ điều gì tâm con thắc mắc.

- Thầy bảo hỏi ngay bây giờ ư ? tôi nói.

- Phải, con à; thầy đặc biệt dành giờ trống cho chúng ta được rộng rãi thời gian nói chuyện với nhau.

Tôi im lặng một chốc; trí não hoang mang quá và tôi có bao điều muốn hỏi mà không biết bắt đầu từ đâu.

- Nhưng còn chính cô Viola thì sao ? cuối cùng tôi nói.

- Cô sẽ ưng thuận nếu con chịu.

- Tội cô chưa, tôi lẩm bẩm có chút cay đắng, mà cô thương người khác ... Rồi đột nhiên tôi hỏi. Con nghĩ thầy muốn đó là cuộc hôn nhân trong trắng phải không ?

- Này con, không phải vậy, thầy muốn con thành hôn theo trọn nghĩa của điều ấy.

Tôi sững sờ nhìn ngài.

- Nhưng ý tưởng ghê sợ quá, tôi kêu lên, con không nghĩ là có thể ...

- Lúc mới đầu nó có thể làm con dội ngược, thầy nghĩ vậy, nhưng về sau thì khác. Và hãy thử nghĩ xem con có thể học được điều gì khi chế ngự được lòng chán ghét đó. Ngoài ra có những lý do khác để con nên khắc phục nó. Có một linh hồn đặc biệt mà hai con có thể tạo thể xác cho họ; linh hồn này tiến hóa cao nên không thể tái sinh do dục tình mà chỉ có thể tái sinh do kết quả của lòng tự hy sinh và có cân nhắc. Các thể sinh ra do dục tình có thể rất thích hợp cho linh hồn có tính đồng bóng, nhưng linh hồn tiến xa không thể tái sinh bằng cách ấy.

Tôi gục đầu xuống hai tay.

- Này con, chuyện không phải hợp lý sao, ngài nói tiếp, là linh hồn tiến xa như hai con nên tạo thân xác cho những linh hồn tiến xa khác ? Làm sao các linh hồn như thế có được những thể thích hợp nếu con và những người như hai con, từ chối không làm bổn phận của mình ?

Tôi vẫn nín lặng.

Dù ngài có đưa ra cũng những ý nghĩ này trong bài giảng của thầy về 'Maya - Ảo Ảnh' vào tối hôm trước, và trí não tôi chấp thuận nó hoàn toàn, ngài thấy rõ sự việc lại là điều khác hẳn khi tôi bị yêu cầu thực hiện nó.

- Còn một điều khác thầy phải cho con hay. Giữa con và Viola có nhân quả cần hóa giải. Con có biết tại sao tâm con nẩy sinh cảm tưởng thù nghịch đối với cô chăng ? Nó là do hành động sai lầm trong quá khứ. Con à, nếu không chịu hóa giải trong kiếp này thì con phải làm điều ấy trong kiếp tới, việc chỉ có nghĩa là dời lại mà thôi. Con có thể tức giận về điều thầy yêu cầu con làm, nhưng việc con có nhân quả phải trang trải cho hết thì không phải là lỗi của thầy, phải không ?

Tôi cầm lấy tay ngài siết chặt để trả lời.

- Và rồi còn công tác phải làm, ngài giải thích. Hẳn con nhớ thầy có nói là nếu con thực hiện chương trình của ta, cảm hứng con sẽ trội hơn nhiều phần. Và không phải đó là chuyện tự nhiên sao ? Hãy nghĩ xem thơ của người mà tâm thức nhuốm sự An Lạc, Thương Yêu sẽ ra sao ! Có phải là họ sẽ vượt xa những thi sĩ khác trong thời đại của họ chăng ? Nhưng thêm vào hết các chuyện ấy là Viola do loại nhãn quan lạ lùng của cô, có thể giúp con theo cách mà con không ngờ được.

Cô có thể thấy những cõi khác và cho con hiểu biết trực tiếp mà con khó có thể có được. Đôi lúc cô cũng có thể cho phương tiện tiếp xúc giữa con và thầy; vì thầy không muốn con ở luôn nơi đây. Nó không phải là bầu không khí thích hợp cho con, lại nữa thầy có công chuyện cho con làm bên Anh. Con cũng phải làm việc hướng dẫn, chỉ dạy.

Tôi bắt đầu thấy sự việc bớt ảm đạm hơn.

- Có lần thầy nói là con có thể giúp cho cô, nhưng bằng cách nào ?

- Con à, về mặt tiến hóa thì con khôn ngoan hơn cô, và vai trò của con là hướng dẫn cô điều gì mà cô còn thiếu, vì dù với trọn những khả năng của mình cô vẫn chưa phải là linh hồn già dặn như con. Sự phối hợp giữa óc khôn ngoan sáng suốt nơi con và trực giác của cô sẽ tạo nên vùng từ lực thích hợp, để các Chân sư có thể làm việc xuyên qua cả hai con. Nhờ sống chung với nhau, kết quả sinh ra là có sự hòa hợp các bầu không khí và đó là tại sao cuộc hôn nhân giữa con và Viola lại quan trọng như vậy.

Tôi lại yên lặng nữa, tuy cảm thấy bớt sầu não khi ngài đã giải thích nhiều như thế.

- Còn điều gì khác con muốn hỏi không ? thầy nói.

- Về cô Clare thì sao ? Con đang si tình,  thương yêu cô say đắm.

Ngài nhìn tôi cười một cách bí ẩn.

- Đừng lo, con à. Thầy nghĩ là Viola sẽ không ghen mà cũng không đòi con phải bỏ Clare. Theo thời gian mọi việc sẽ tự thu xếp ổn thỏa.

- Ồ, con không phải là người nghĩ rằng tình yêu sẽ kéo dài mãi mãi, con biết là nó không phải vậy mà cho dù được vậy, làm sao con có thể biết chắc là mình sẽ không bị phụ nữ khác lôi cuốn ?

Tôi đứng lên khỏi ghế và bắt đầu đi tới lui.

- Không ai đòi hỏi con phải biết chắc. Ngược lại chuyện của con và Viola là cho thế giới thấy cuộc hôn nhân lý tưởng trong tương lai là sao, một cuộc hôn nhân tự do vượt khỏi tính ghen tương và việc sở đắc cho mình.

- Nhưng chắc chắn đó là chuyện dễ khi người ta không thương yêu nhau ?

- Con quên điều thầy đã nói, con à. Thầy không bảo là các con sẽ luôn có lòng si mê với nhau, mà đó cũng không phải là chuyện đáng ao ước; nói cho cùng thì lòng si mê cũng chỉ là một hình thức của sự trói buộc. Thầy nghĩ con sẽ thắng được lòng không ưa kề cận xác thân, nhưng nó khác với việc có sự  thiết tha đắm đuối.

Điều thầy thấy được về con là có sự hòa hợp tinh thần và trí tuệ, tình bằng hữu theo mọi nghĩa của nó, và đương nhiên với nó là sự tự do hoàn toàn, vì tình thương chân thực sẽ không có ràng buộc hay ghen tương. Thầy cho rằng con biết nguyên ngữ của 'ghen tương - jealous' 'để tâm canh chừng - watchful', ngài giải thích. Vậy con thấy không phải sợ bị mất tự do. Như con sẽ không ghen nếu Viola bị người nam nào khác thu hút, thì cô cũng sẽ không ghen nếu con thấy bị phụ nữ khác lôi cuốn. Không ai có quyền giữ riêng người nào khác cho riêng mình - đó là điều ta ra sức chỉ dạy các đệ tử ở đây, và đó là tại sao ta hay ám chỉ tới nó trong các bài giảng. Thầy muốn học trò của thầy truyền rộng cái lý tưởng cao cả hơn về hôn nhân, và lòng chung thủy loại cao hơn.

- Không dễ gì chỉ dạy cho một thế giới chỉ biết phải cưỡng ép mới có được lòng chung thủy.

- Hoặc là lòng chung thủy rất mực bất kể gì khác, ngài thêm vào, mà vậy cũng không phải là lý tưởng vì nó có thể dẫn tới tính ích kỷ gấp đôi. Đúng là hai người  nên có lòng hiến dâng sâu xa và đẹp đẽ của người này cho người kia, nhưng nó không đúng khi họ say đắm mê mẩn nhau tới mức không còn tình thương cho ai khác.

Khi có chuyện như vậy, làm sao họ mong làm lành trong thế giới này bằng cách giúp đỡ người khác ? Họ có muốn giúp ai chăng trừ phi họ thương yêu người đó ? Vì tinh thần phụng sự bắt đầu với tình thương. Và do đó điều ta thấy trước cho con và Viola thì không phải là tình thương ích kỷ chỉ hướng tới nhau, mà hai con sẽ thành bạn đường giúp lẫn nhau, hợp nhất trong tinh thần và tình yêu, mặc dù vẫn được tự do. Ở những cõi cao giữa hai con đã có sự hợp nhất nhưng vì lý do nhân quả nó chưa lan xuống tới cõi trần ... Nay có điều gì khác con muốn hỏi chăng?

- Lúc này con không nghĩ ra điều gì khác, tôi đáp.

- Vậy được lắm. Hãy suy nghĩ kỹ đi, và hãy chọn một cách khôn ngoan sáng suốt. Trong lúc này hãy ráng sức nghĩ tới Viola với tình thân ái. Hãy dùng sự tham thiền và sự gợi ý cho mục đích này, chúng sẽ giúp cho con.

- Con sẽ ráng, tôi nói có hơi nghi ngại.

- Và thành công, ngài thêm vào làm trọn câu.

Tôi sửa soạn về. Thầy cầm lấy tay tôi trong chốc lát khi chúng tôi chào nhau.

- Mà này, ngài nói, thầy rất vui là con đã theo lời thầy khuyên và không bỏ bê công việc của mình, con đã biến tình thương mà con đang cảm nhận thành chuyện hữu ích. Nếu con cũng thử diễn tả sự dằng co xáo trộn trong tâm bằng thơ thì không những con được nhẹ lòng mà còn làm được việc tốt đẹp. Phận sự của thi sĩ là lý tưởng hóa sự đau khổ, và cống hiến cho đời kết quả của việc ấy. Chớ bao giờ quên việc đó, và hãy biết ơn rằng con có khả năng làm như thế.

Người bình thường hân hoan hay đau khổ theo trường hợp, nhưng ai có lợi nhờ niềm vui hay sự đau khổ của họ ? Với con thì là chuyện khác, vì vậy, con à, hãy khiến sao cho con lợi dụng được sự khác biệt đó. Và hãy biến nó thành sự an ủi cho con khi cảm thấy người khác có thể được sự tốt lành nhờ sự đau khổ của con. Thầy ban ân lành cho con, ngài thêm vào, ôm choàng lấy tôi.

 

Cyril Scott

The Initiate in the New World

 (còn tiếp)