TƯỜNG TRÌNH THƯỜNG NIÊN CỦA CÁC XỨ BỘ TTH VIỆT NAM 1952 - 1975

 

PST rất vui mừng được gửi tới bạn đọc những báo cáo của Xứ Bộ Thông Thiên Học Việt Nam, từ lúc thành lập năm 1952 cho tới ngày chót, khi chính quyền cộng sản không cho phép hội hoạt động nữa sau 1975.
Hằng năm các xứ bộ trên thế giới gửi tường trình sinh hoạt trong năm về hội chánh tại Adyar, Madras (nay gọi là Chennai), Ấn Độ. Với xứ bộ Việt Nam bị ngưng sinh hoạt và trụ sở hội tại Phú Nhuận, Sài Gòn bị sung công sau 1975, có lẽ đây là tài liệu duy nhất còn có được, cho thấy hội Việt Nam đã làm việc ra sao trong 24 năm hiện diện trên đời, và do vậy có giá trị lịch sử lớn lao.
Chúng lại càng quý hơn vì một lý do khác. Vào năm 2006 nỗ lực to tát của nhiều hội viên TTH trên khắp thế giới được thành tựu qua việc phát hành cuốn Theosophical Encyclopedia. Sách khổ lớn, hơn 700 trang, được biên soạn công phu do nghiên cứu của nhiều người. Ngoài phần giải thích các từ ngữ TTH, sách còn ghi lại tóm tắt hoạt động của các xứ bộ TTH trên thế giới.
Khi được biết có sách, ban biên tập PST nao nức tìm xem với lòng hồi hộp, mong đợi đọc trang nói về xứ bộ Việt Nam. Bạn có thể tưởng tượng nỗi thất vọng, hoang mang của PST lớn tới đâu khi không thấy có mục này. Tưởng mình lầm, PST lật tới lật lui và vẫn không tìm ra; trong khi ấy sách in bài về những xứ bộ khác, chẳng những các xứ bộ lớn như Hoa Kỳ, Pháp, Anh mà ngay cả những nơi không có xứ bộ cũng có bài nói về sinh hoạt TTH tại đó. Thí dụ các nước đông Âu và luôn cả nước Nga vào đầu thế kỷ này, họ vừa thoát khỏi chế độ cộng sản không lâu, phong trào TTH mới được hồi sinh tại Nga, Ukraine, Hungary, Bulgaria v.v. số hội viên còn thưa thớt. Có nơi còn chưa có chi bộ và chỉ mới thành lập nhóm học (study group) mà cũng được nói tới, cho chi tiết. Họ có khoảng vài chục hội viên mà được có bài viết trong sách, trong khi xứ bộ VN năm 1974 có hơn 1.300 hội viên lại không có hàng nào.
Nói khác đi, sách được bán khắp nơi và ai đọc sẽ không hề biết rằng hội TTH VN đã từng hiện diện trên đời với đông đảo hội viên, có đóng góp đáng kể cho đời sống tinh thần tại VN trong 24 năm hoạt động, và hội viên vẫn tiếp tục truyền bá Theosophy sau 1975. PST gửi thư phản đối với ban biên tập sách, nói rằng đó là bất công lớn lao cho hội VN, vì tuy xứ bộ VN không còn, nhưng hội viên tại hải ngoại sinh hoạt rất hăng hái. Chúng ta lập chi bộ và nhóm học trực thuộc xứ bộ Hoa Kỳ, in lại sách trước 75, dịch và in sách mới sau 75, mở trang web, ra báo. Tất cả sách, báo đều được tặng miễn phí.
Vị chủ biên Theosophical Encyclopedia trả lời, giải thích họ có nghĩ đến xứ bộ VN, đã đề nghị hai hội viên VN tại Pháp viết bài, nhưng cả hai từ chối với lý do không rành tình hình hội VN nên e là sẽ không thể soạn cho đúng, và do vậy sách không có bài. Thư qua lại giữa vị chủ biên và ban biên tập PST đưa tới ý là ban chủ biên sách Encyclopedia rất muốn chữa lại sơ sót này, và mời PST đóng góp bài về xứ bộ VN.
Nói tổng quát thì các bạn trong ban biên tập PST chưa sinh ra khi hội VN được thành lập năm 1952, nên đây là vinh dự rất lớn mà cũng gây đau lòng, tựa như con nhỏ đứng ra đọc bài ai điếu về cha mẹ mình. Bài viết được huynh François Mylne - phó hội trưởng sau cùng của xứ bộ VN - duyệt lại, và tuy viết bài gợi lại nỗi đau là hội không còn, niềm an ủi của việc làm này là ban chủ biên sách đưa bài viết lên trang web của cuốn Theosophical Encyclopedia. Như vậy ai mua sách sẽ không biết có hội VN, còn ai vào internet đọc sách này mới thấy bài. Bài cũng có trong trang web PST.
Bài có câu ‘The Vietnamese Section died young’. Xứ bộ VN chết trẻ, nhưng các báo cáo này là chứng cớ hùng hồn cho thấy trong 24 năm đó hội đã hoạt động mạnh mẽ ra sao, tạo ảnh hưởng rộng rãi, sâu xa, lâu dài cho đời sống tinh thần của VN từ đó tới nay và sẽ còn hằng chục năm nữa.
Tổng cộng có 24 báo cáo. Mỗi bài được viết và gửi cho Adyar về sinh hoạt của năm trước, có nghĩa  năm 1975 tường trình cho năm 1974, như vậy có báo cáo 1974 mà không có báo cáo cho năm 1975, vì hội bị xáo trộn lớn sau 1975 cùng với vận nước. Sau đó là hai báo cáo chót, năm 1979 và 1981.
Tất cả các bản được đưa lên internet để sự có mặt của hội VN được minh chứng, việc làm của hội được ghi lại và là một phần của lịch sử, dù không có bài về hội trong sách Encyclopedia ! Chỉ có điều chúng được viết bằng Anh văn, nhưng dù vậy, bất kể thuộc chi bộ nào trước kia, chắc chắn bạn sẽ tìm thấy chút hương xưa về chi bộ mình trong các bài này, với hoạt động và thành quả mỗi chi bộ được nhắc tới sẽ làm bạn hãnh diện. Bạn cũng nên đọc các bài trên PST 55 để rõ thêm về lịch sử hội VN.
Bài được ghi chép công phu, cẩn thận, có bài dài hơn ba trang nên sẽ cho bạn nhiều chi tiết, kỷ niệm, gây xúc động bồi hồi về một thời gian đã sinh hoạt chung với các hội viên khác, hoặc đi nghe giảng, học tối thứ năm cuốn Tiếng Vô Thinh, phụ quay roneo hay in tài liệu TTH, dự trường hè v.v. Mời bạn đọc trọn tất cả. Không chừng có ngạc nhiên khi bạn khám phá chi bộ khác có sinh hoạt mà nay bạn mới hay. Biết bao kỷ niệm được gợi lại trong các báo cáo khiến lòng man mác cảm hoài.

 Sau cùng là hy vọng về tương lai của hội VN mà PST xin gửi đến tất cả bạn đọc:

"Mỗi trung tâm có lúc hưng vượng của nó rồi tới thời lặng lẽ chìm khuất, đợi chu kỳ trở lại sẽ hoạt động lần nữa, đóng vai trò huấn luyện, chỉ dạy người vào đường Đạo. Nói cách khác, từ sự đổ nát của một nền văn minh cũ sẽ chổi dậy nền văn minh mới và cùng với nó là trung tâm mới, tái sinh thường ngay chỗ của trung tâm cũ.
Ta được dạy rằng chỉ có gạch, cát, xi măng biến mất mà thôi, ngoài ra tất cả công trình rất đỗi quý giá mà bất cứ một trung tâm nào đã thực hiện trong một thời gian dài, sẽ vẫn còn tiếp tục qua đời sống của người ở trung tâm xưa và nay. Khi người chí nguyện nhờ trung tâm ở một nơi mà vào đường Đạo, theo đuổi lý tưởng, tinh lọc mình, được huấn luyện bước lên Những Nấc Thang Vàng … công trình ấy không thể bị hủy hoại, không bao giờ mất đi mà sẽ tiếp tục vô hạn định.
Vì vậy có lời khuyên không nên buồn lòng khi một trung tâm tàn lụi, mà hãy tạ ơn là trung tâm như thế đã từng hiện hữu, đã giúp đời và xuyên qua nhiều đại diện vẫn còn ngày nay, sẽ được tái sinh với cùng đặc tính, gây hứng khởi và nâng cao con người.
Vật gì được xây dựng bằng tay có thể bị tàn phá, đền đài ở trung tâm có thể bị sụp đổ, nhưng vật không xây dựng bằng tay sẽ tồn tại, lý tưởng và công trình của trung tâm không bao giờ biến mất, in khắc không xóa nhòa được vào Thiên Ảnh Ký. Hơn nữa, chúng ta còn có thể tin chắc là một trung tâm khác cũng với hoạt động tinh thần sẽ mọc lên, tiếp tục ở mức độ cao hơn công tác của trung tâm xưa và lý tưởng về đời sống tinh thần." (PST 34).

Tường Trình 1952 * Tường Trình 1953 * Tường Trình 1954 * Tường Trình 1955 * Tường Trình 1956 * Tường Trình 1957 * Tường Trình 1958 * Tường Trình 1959 * Tường Trình 1960 * Tường Trình 1961 * Tường Trình 1962 * Tường Trình 1963 * Tường Trình 1964 * Tường Trình 1965 * Tường Trình 1966 * Tường Trình 1967 * Tường Trình 1968 * Tường Trình 1969 * Tường Trình 1970 * Tường Trình 1971 * Tường Trình 1972 * Tường Trình 1973 * Tường Trình 1974 * Tường Trình 1975-1981