THÔNG THIÊN HỌC LÀ GÌ ?

(What is Thesophy ?
The Theosophist, Vol 1, No. 1, Oct 1879 - CW vol 1, p. 87)
                                
  
Câu hỏi này rất thường khi được hỏi, và ngộ nhận tràn lan quá rộng nên những người chủ biên một tờ báo về Minh Triết Thiêng Liêng (Theosophia - Thông Thiên Học) cho thế giới sẽ không làm tròn việc nếu số báo đầu tiên không cho độc giả sự hiểu biết đầy đủ về đề tài này. Tuy nhiên tựa bài dẫn tới hai thắc mắc khác: Hội Theosophia là gì, và người Thông Thiên Học là sao ? Lần lượt chúng tôi sẽ đưa ra trả lời cho mỗi thắc mắc trên.
Theo nhà soạn tự điển thì chữ Theosophia do hai chữ Hy Lạp ghép lại - theos (thần linh) và sophos (minh triết, sáng suốt). (...)  Vaughan đưa ra một định nghĩa hay hơn và có tính triết lý hơn (...) theo đó mỗi tư tưởng gia và triết gia vĩ đại, đặc biệt mỗi vị nào sáng lập một tôn giáo mới, trường phái triết lý, hay giáo phái cần phải là người TTH. Thế thì, TTH và người TTH đã có từ thuở con người manh nha biết suy nghĩ và theo bản năng đi tìm cách để diễn tả quan niệm độc lập của mình.
Trước khi Thiên Chúa giáo ra đời thì đã có người TTH, cho dù  các tác giả Thiên Chúa giáo ghi rằng sự phát triển tư tưởng TTH xẩy ra vào đầu thế kỷ thứ ba của Công nguyên (Common Era CE). Diogenes Laertius truy nguyên là TTH bắt đầu từ thời trước triều đại Ptolemy ở Ai Cập, cho rằng vị sáng lập là một bậc trưởng giáo Ai Cập tên Pot-Amun; danh hiệu ấy cho biết nó thuộc ngôn ngữ Copt xa xưa, chỉ một giáo sĩ thờ phượng Amun, thần Minh Triết. Lịch sử nói rằng Ammonius Saccas  (sống vào cuối thế kỷ I và đầu thế kỷ II sau công nguyên) làm phục hồi Theosophia, ông là triết gia sáng lập trường phái Tân Plato (Neo-Platonism). Ông và các học trò đặt tên cho mình là 'Người Tình của Chân Lý - Philaletheians', còn kẻ khác gọi họ là 'Analogist' vì cách nhóm này dùng sự  suy luận, loại suy để diễn giải tất cả chuyện thần thoại thiêng liêng, biểu tượng trong chuyện hoang đường và bí ẩn, khiến cho các biến cố xẩy ra trong thế giới bên ngoài được xem như là biểu lộ hoạt động và kinh  nghiệm của linh hồn con người. Người thời đó cũng gọi ai theo triết lý này là 'theodidaktoi, kẻ được thần linh chỉ dạy'.
Mục đích của Ammonius Saccas là hòa giải mọi giáo phái, sắc dân và quốc gia để có chung một đức tin - niềm tin vào một Đấng Tối Cao, Vĩnh Cửu, Bất Tri, Năng lực Vô danh, quản trị vũ trụ bằng những luật hằng hữu và bất biến. Chủ tâm của ông là chứng tỏ có một hệ thống sơ khai về Thesophia mà lúc ban đầu giống hệt nhau trong mọi nước, là khuyến dụ mọi người bỏ qua bên những trái ý, tranh cãi, và thống nhất với nhau về mục tiêu và tư tưởng như các con một mẹ; thanh lọc các tôn giáo cổ bị người gây hư hoại và che khuất ít nhiều bằng cách kết hợp họ lại, giảng dạy các nguyên lý thuần triết lý để loại bỏ tất cả những tính thô tục của người. Theo đó, đạo Phật, Vệ Đà, Hỏa giáo được dạy trong trường TTH cùng với tất cả những triết lý của Hy Lạp. Cũng vì vậy mà những người TTH khi xưa đó tại thành phố Alexandra thực hành một điều nặng tính chất Ấn giáo và Phật giáo, ấy là kính trọng cha mẹ và bậc cao niên; một tình huynh đệ với tất cả mọi người, và lòng từ cho cả thú vật khờ dại. Trong khi tìm cách thành lập một hệ thống kỷ luật đạo đức, khiến mọi người có bổn phận sống theo luật pháp của quốc gia mình, nâng cao trí tuệ bằng cách tìm tòi và suy gẫm Chân Lý Tuyệt Đối duy nhất, ông tin rằng mục đích chính yếu mà khi làm được sẽ giúp đạt tới những điều khác, là chọn lọc từ huấn thị của các tôn giáo khác nhau, giống như từ một nhạc cụ nhiều dây, tạo ra một bản nhạc tròn đầy và hòa hợp, gợi nên đáp ứng trong tim của mỗi ai yêu mến chân lý.
Thế thì, Theosophia là Tôn giáo Minh triết cổ xưa, phần triết lý bí truyền mà mỗi nước cổ có nền văn minh đã có lần biết đến. "Minh Triết" này có trong tất cả những kinh sách xưa, được nói tới như  là phát xuất của Nguyên Lý thiêng liêng, và tên đức Phật của Ấn Độ (Budha, từ chữ Buddhi - Bồ đề tâm, chỉ sự Minh Triết, Giác Ngộ), Nebo của Babylon, thần Thoth của Memphis (Ai Cập), Hermes của Hy Lạp cho thấy có sự thấu hiểu ý này rõ ràng; tên một số nữ thần cũng vậy, như Metis, Neitha, Athena, chữ Sophia của Thông giáo (Gnostism), và chót hết kinh Veda, có nguyên ngữ là 'biết' (...).
Ý tưởng chính trong trường phái Theosophy của Ammonius Saccas là có một Bản chất Tối thượng duy nhất, điều Bất Tri và Bất Khả Tri, vì theo kinh Brihadaranyaka Upanishad 'Làm sao ai có thể biết được người biết ?' Hệ thống của họ có đặc điểm là ba nét riêng biệt:
- Lý thuyết về Bản Chất nói ở trên,
- Triết thuyết về linh hồn con người, được xem là sự phát xuất của Bản Chất vừa nói và như thế có cùng tính chất, và
- Huyền thuật.
Khoa sau chót này làm cho người theo phái Neo-Plato ngày xưa  nay bị hiểu lầm trong thời đại duy vật của chúng ta. Nói cho sát thì huyền thuật là thuật áp dụng những quyền năng thiêng liêng của con người để chế ngự các lực mù quáng của thiên nhiên. Những người thực hành chúng đầu tiên được gọi là thuật sĩ (magician), từ chữ Magh mà ra, có nghĩa là người khôn ngoan, thông thái mà thời nay bị chế diễu. Kẻ hoài nghi cách đây một thế kỷ sẽ sai lầm biết bao nếu họ cười nhạo ý tưởng về máy thâu âm hay điện tín. Người bị chế diễu và 'lạc điệu' của thế hệ trước thường là trở thành kẻ khôn ngoan và thánh nhân của thế hệ sau.
Nói về Bản Chất Thiêng Liêng và bản tính của linh hồn và tinh thần, Theosophia tân thời tin tưởng giống như Theosophia cổ thời. (...) Bàn về Bản Chất Tuyệt Đối, điều Duy Nhất và là Vạn Vật, thì dù ta chấp nhận triết thuyết của phái Pythagoras thuộc Hy Lạp, Kabalah (hay Kabbalah, Qabalah) của người Chaldean hay truyết lý người Aryan, tất cả đều nói tới một điều và cho cùng một kết quả. (...) Theosophia đó thúc đẩy các triết gia như Hegel, Fichte và Spinoza vò đầu suy tư như triết gia thời cổ Hy Lạp, suy đoán về Bản Chất Duy Nhất - Thần linh, Vạn Vật Thiêng Liêng phát sinh từ Minh Triết Thiêng Liêng - mà bất cứ triết thuyết tôn giáo nào xưa cũng như nay xem là bất khả tư nghị, bất tri, vô danh, ngoại trừ Hồi giáo và Thiên Chúa giáo.
Vậy thì mỗi người TTH (...) có thể chấp nhận bất cứ định nghĩa nào ở trên hay thuộc về bất cứ tôn giáo nào mà vẫn nằm trong vòng ranh giới của Theosophia, vì Theosophia tin rằng Thượng Đế là Toàn Thể, nguồn cội của mọi sự hiện tồn, là điều vô cùng bất khả tư nghị hay thấu triệt, chỉ có vũ trụ biểu lộ Nó, còn nếu gọi đó là Ngài (Him, có nam tính) tức gán cho một phái tính, nhân bản hóa ý niệm thì là phạm thánh. Quả thực, TTH không chủ trương vật chất hóa một cách thô bạo mà tin (...) có sự hiện hữu liên tục, có sự tái sinh (tiến hóa) hay  thay đổi của linh hồn (...).
Muốn định nghĩa đầy đủ TTH ta phải xem xét mọi khía cạnh của ý niệm. Thế giới nội tâm không phải là sự đen tối dầy đặc không thể tìm hiểu. Với trực giác có được nhờ hiểu biết về MTTL hay Theosophia, trí tuệ con người đi từ thế giới sắc tướng sang thế giới tinh thần vô sắc tướng; vào mỗi thời đại và ở mỗi nước con người đôi khi có thể cảm nhận được những điều thuộc nội giới hay cõi vô hình. Vì vậy, trạng thái nhập định Samadhi của tu sĩ Ấn giáo, hay sự tỏ ngộ tinh thần của phái Tân Plato (...) và ngay cả sự ngất ngây thần trí của nhà huyền học (mystic), của nhà thôi miên đương thời và của ai tin chuyện siêu hình, đều có tính chất y hệt nhau tuy sự biểu lộ có khác. Việc đi tìm 'cái tôi' thiêng liêng mà rất hay bị diễn giải thực sai lầm như là sự hợp nhất với vị thượng đế cá nhân, là đối tượng của mỗi nhà huyền học, và niềm tin vào sự khả hữu của nó thì có vẻ như .. với việc tạo ra nhân loại - mỗi người cho nó một tên khác nhau (...)
Trong khi nhà huyền học Yogi thời nay tuyên bố là có khả năng giải đáp hết mọi vấn đề về sự sinh và sự tử  một khi họ có được khả năng tác động độc lập với cơ thể, nhờ Atma - cái ngã hay linh hồn; và người cổ Hy Lạp đi tìm Atmu hay điều Ẩn dấu tức Linh Hồn trong con người (...) -, thì các nhà thông linh học ngày nay tin vào khả năng của vong linh, tức linh hồn của người đã khuất, để tiếp xúc liên lạc một cách hữu hình,  đụng chạm được với thân nhân còn tại thế.
Tất cả những người này, Yogi, triết gia Hy Lạp và nhà thông linh học đương thời, xác nhận điều khả hữu ấy trên căn bản rằng cái linh hồn thể hiện và tinh thần không hề thể hiện - tức chân thần - không hề tách biệt với Đại hồn hay các linh hồn khác do không gian , mà chỉ do sự khác biệt tính chất, vì trong vũ trụ vô bờ không thể nào có giới hạn. Và khi sự khác biệt này được loại bỏ - theo người Hy Lạp và nhà Yogi là bằng cách suy gẫm trừu tượng, cho ra sự giải thoát tạm thời của linh hồn bị cầm giữ bên trong; và theo nhà thông linh học  là bằng thuật đồng cốt - thì có thể có được sự hòa hợp giữa linh hồn có xác thân và vong linh đã bỏ xác.
Thế thì nhà Yogi như Patanjali (vị lập ra triết lý Yoga ) mô tả, và theo chân họ là những người như Plotinus (205-270 CE, học trò Ammonius Saccas), Porphyry (232 - 302 CE, học trò Plotinus) và những triết gia của phái Tân Plato, chủ trương rằng trong những lúc xuất thần họ hòa hợp được với, hay đúng ra là trở nên làm một với Thượng Đế, và có được nhiều lần như vậy trong đời. Tư tưởng này, tuy có vẻ sai lầm khi áp dụng vào Đại hồn, đã được quá nhiều triết gia vĩ đại bàn tới nên không thể bác bỏ như là chuyện không tưởng. (...) Trong trường hợp của nhà Yogi nói rằng họ có khả năng thấy được Iswara (Thượng đế) mặt tận mặt, tuyên bố này đã bị Kapila dùng lý luận nghiêm nhặt bác bỏ. Nói về tuyên bố tương tự của người Hy Lạp, hay danh sách dài thậm thượt của ai xuất thần trong Thiên Chúa giáo,  (...) lẽ ra cần đặt câu hỏi theo lý luận và triết lý, nếu một số nhỏ các khoa học gia tài giỏi theo phái Thông linh chịu quan tâm đến triết lý nhiều hơn là chỉ lưu ý đến các hiện tượng trong Thông linh học.
Các nhà TTH ở Alexandria khi xưa được chia thành các cấp như kẻ nhập môn, đạo sĩ, huấn sư; và luật của họ lấy theo phái Mysteries of Orpheus cổ thời; theo sử gia Herodotus phái sau này đem luật từ Ấn Độ sang.  Ammonius bắt buộc học trò mình có lời thệ nguyện là không được tiết lộ các triết thuyết cao của ông, ngoại trừ những ai đã chứng tỏ hoàn toàn là xứng đáng và đã chứng đạo, và ai đã học nhận biết được thần linh, thiên thần và quỷ dữ như người khác gọi, nhờ vào thuật bí truyền. Epicurus nói:
- 'Có thần thánh nhưng không phải như bá tánh không hiểu biết nói. Ai bác bỏ việc có thần thánh mà dân chúng thờ phượng thì không phải là kẻ vô thần, mà kẻ vô thần là người gán cho thần thánh ý kiến của đám đông.'
Aristotle thì bảo:
- 'Bản Chất Thiêng Liêng thấm tràn thiên nhiên, điều gì gọi là thần thánh thì chỉ là các nguyên lý tiên khởi'. Plotinus, học trò của Ammonius 'người được thần thánh chỉ dạy', cho ta hay rằng phần minh triết Gnosis hay sự hiểu biết về TTH có ba cấp: ý kiến, khoa học và tỏ ngộ.
- 'Phương tiện của điều thứ nhất (ý kiến) là cảm quan hay cảm nhận; của điều thứ hai là biện chứng pháp, và của điều thứ ba là trực giác. Với điều thứ ba này, lý luận là chuyện phụ thuộc, chuyện chính là hiểu biết tuyệt đối có được do sự đồng hóa của trí năng với đối tượng được tìm hiểu'.
Ta có thể nói TTH là khoa học xác thực của tâm lý học, đem so nó với thuật đồng cốt tự nhiên không tập luyện thì giống như một Tyndall đứng cạnh học trò trung học về vật lý. Nó làm sinh ra trong con người cảm nhận trực tiếp như Schelling tả 'sự nhận thức trong con người việc đồng bản chất giữa chủ thể và khách thể; thành ra nhờ ảnh hưởng và hiểu biết về thuật bí truyền con người nghĩ tư tưởng thiêng liêng, nhìn ngắm mọi vật như chúng thật sự là, và cuối cùng 'trở thành kẻ đón nhận Linh hồn của Thế giới' như ta mượn lời diễn tả tuyệt diệu nhất của Emerson. Trong bài tiểu luận The Over-Soul tuyệt vời ông nói 'Tôi, phần chưa hoàn thiện, quí yêu phần Hoàn Thiện của chính tôi.'
Bên cạnh đặc tính tâm lý hay trạng thái tâm linh này, TTH khuyến khích phát triển mỗi ngành khoa học và nghệ thuật. Nó biết rất rõ về thuật mà ngày nay quen gọi là thuật thôi miên (...). Khi không có hiểu biết về ý nghĩa thực sự của những biểu tượng thiêng liêng bí truyền trong thiên nhiên, con người  dễ có suy luận sai lầm về quyền năng của linh hồn, và thay vì tiếp xúc với những bậc cao hơn thuộc cõi trời, những thần thánh tốt lành được nói đến trong trường phái Plato bằng phương tiện tinh thần và trí tuệ, họ lại triệu ma quỉ mà không ý thức, những lực đen tối xấu xa ẩn nấp trong nhân loại - sản phẩm còn hoài không chết, ghê gớm do tội phạm và tật xấu của người sinh ra - và như vậy bị rơi từ chính đạo sang tà đạo.
Tuy nhiên óc mê tín của dân gian không hiểu rõ chính đạo lẫn tà đạo, cho rằng có thể xuất thần theo kinh sách cổ chỉ dẫn là mê tín và vô minh cao độ Chỉ có hành động và tư tưởng trong sạch mới khiến ta được nâng cao và tiếp xúc với thần thánh, và đạt được mục tiêu mong muốn. Thuật luyện kim mà nhiều người tin là khoa học vật chất cũng như triết lý tinh thần, nằm trong những chỉ dạy của trường về MTTL.
 Sự việc đáng lưu ý là giáo chủ Zoroaster (của Hỏa giáo), đức Phật, Orpheus, Pythagoras, Khổng Tử, Socrates hay Ammonius Saccas không hề đặt bút viết điều chi. Lý do thật hiển nhiên. TTH là con dao hai lưỡi và không thích hợp cho người không hiểu biết hay kẻ ích kỷ. Giống như  mỗi triết lý cổ xưa, nó có người ưa chuộng trong số kẻ đương thời, nhưng tín đồ thì ít mà lại thuộc đủ mọi chi phái và quan niệm khác nhau (...).
Kể từ thời của Hỏa giáo, người theo TTH không hề họp nhau thành hội vì giáo sĩ Thiên Chúa giáo truy lùng họ như lùng thú hoang, và cách đây (bài viết năm 1879) chưa tới trăm năm, được xem là người TTH thì gần như đồng nghĩa với việc bị tuyên án tử hình. Thống kê ghi rằng trong vòng 150 năm có tới 90.000 người nam và nữ bị hỏa thiêu ở Âu châu vì bị gán là phù thủy. Chỉ riêng tại Anh, từ năm 1640 đến 1660 tức trong vòng 20 năm, có 3.000 người bị xử tử vì bị cho là có giao tiếp với 'quỷ dữ'. Chỉ vào cuối thế kỷ này - năm 1875 - mà một số nhà huyền học và thông linh học cấp tiến, không hài lòng với lý thuyết và lời giải thích của phái Thông linh học (Spiritualism) do người hâm mộ đưa ra, và thấy rằng chúng không bao trùm được hết các hiện tượng thay đổi khác nhau, đã lập tại New York, Hoa Kỳ, một hội mà nay được biết rộng rãi là Hội Thông Thiên Học.
Nay đã giải thích TTH là gì, trong một bài khác ta sẽ giải thích tính chất của Hội còn gọi là Tình Huynh Đệ Đại Đồng.

H.P.Blavatsky