TTH CÓ PHẢI LÀ MỘT TÔN GIÁO?

 

(Is Thesosophy a Religion ?
Lucifer, Vol. III, No. 15, Nov 1888;
CW vol. X  p.159)

Chuyện không quá đáng khi nói rằng ít nhất trong thế kỷ này, chưa hề có phong trào xã hội hay tôn giáo nào bị hiểu lầm, hiểu bậy, ngộ nhận nhiều cho bằng MTTL, về lý thuyết như qui tắc đạo đức hay về thực hành như sự biểu lộ qua tên gọi của hội.
Năm này rồi năm kia, ngày này sang ngày khác nhân viên và hội viên của hội phải ngắt lời người nào nói về phong trào TTH, để đưa ra lời phản đối nhấn mạnh ít nhiều về việc TTH bị nhắc đến như là một 'tôn giáo', và hội TTH như là một loại giáo hội hay tổ chức tôn giáo. Tệ hơn nữa, hội thường được nhắc tới như là một 'giáo phái mới' ! Có chuyện đó vì người ta có thành kiến mạnh mẽ, có sai lầm hay là cả hai ? Có lẽ điều sau chót đúng hơn hết. Người mà đầu óc chật hẹp nhất và ngay cả ai có tiếng là không công bình vẫn cần có cớ dễ nghe, hay có đích để hướng ý kiến không hay và lời chê trách của họ thốt ra một cách ngay tình. Và còn cớ nào vững chắc hơn cho mục đích ấy, thuận tiện hơn là 'chủ nghĩa ism' hay 'giáo phái' ? Đại đa số sẽ rất buồn khi được giải thích cho thông, và cuối cùng buộc phải chấp nhận sự kiện rằng MTTL không là điều nào trong hai điều trên. Tên như vậy (giáo phái) hợp với họ, và họ giả vờ không biết là tên ấy sai lạc;  nhưng cũng còn người khác có thân thiện ít nhiều mà thành thật tin vào ảo tưởng đó. Với các vị ấy chúng tôi xin thưa:  Chắc chắn thế giới ngày nay đã bị xui xẻo đủ với bao tín điều bóp nghẹt óc thông minh, và không cần có thêm phải đón nhận thêm một đức tin mới ! Có quá nhiều người thay đức tin như thay áo, và hơn nữa ngay từ thưở ban đầu lý do hiện hữu của Hội TTH là phát ra lời phản đối thật lớn tiếng, cùng dẫn đầu cuộc tranh đấu thẳng thắn chống lại tín điều hay bất cứ niềm tin nào dựa trên đức tin mù quáng.
Nghe có vẻ lạ và nghịch lý nhưng quả đúng thực khi nói là cho tới nay, nhân viên giỏi dang nhất về TTH thực hành, hội viên tận tụy hết lòng nhất của hội là những người đến từ hàng ngũ phái Bất Tri (Agnostic, người cho rằng ta không thể biết hết mọi điều trong vũ trụ) và ngay cả người duy vật. Sẽ không bao giờ ta tìm được ai thực tâm, chân thành tìm chân lý trong số người tin tưởng mù quáng vào 'Thánh Kinh' được cho là do Allah, Brahma hay Jehovah mà có, hay kinh Koran, Purana và kinh thánh Thiên Chúa giáo. Vì:
'Đức tin không do nỗ lực suy xét mà có, mà do trí không làm việc sinh ra.'
Ai tin theo tôn giáo của mình bằng đức tin sẽ coi niềm tin người khác là dối trá và ghét bỏ nó. Hơn thế nữa, trừ phi nó trói chặt lý luận và hoàn toàn che khuất cảm nhận của ta về bất cứ điều gì bên ngoài đức tin riêng biệt của ta, đức tin ấy không phải là đức tin chút nào mà chỉ là niềm tin tạm thời, là ảo tưởng ta bấu víu vào một lúc nào đó trong đời. (...) Thế thì, MTTL là gì, và làm sao được định nghĩa trong lần xuất hiện mới đây nhất vào cuối thế kỷ 19 này ?
Chúng tôi nói rằng MTTL không phải là một Tôn giáo.
Tuy nhiên ai cũng biết rằng trong mấy năm gần đây, có những sự tin tưởng về triết lý, tôn giáo và khoa học được nối kết chặt chẽ với chữ 'TTH' khiến công chúng xem đó chính là TTH. Hơn thế nữa người ta còn nói rằng các niềm tin đó được chính các vị sáng lập hội đưa ra, giải thích và biện hộ, mà họ là những người  tuyên bố rằng TTH không phải là một Tôn giáo. Vậy ta giải thích ra sao điều có vẻ là mâu thuẫn này ? Chúng tôi được hỏi là làm sao một hệ thống niềm tin và các điều giảng dạy, một triết lý súc tích lại có thể được gọi là 'TTH" và được chín phần mười hội viên của hội mặc nhiên nhìn nhận là theo TTH, nếu TTH không phải là một Tôn giáo?
Trước tiên có lẽ cần phải nói là lời khẳng định 'TTH không phải là một Tôn giáo'' không hề gạt bỏ sự kiện rằng 'TTH Tôn giáo'. Một Tôn giáo theo nghĩa thật và nghĩa đúng duy nhất là dây liên kết mọi người làm một, mà không phải là một bộ riêng biệt các đức tin và tín điều. Tôn giáo tự nó theo nghĩa rộng nhất là một điều gì nối liền không những tất cả Con Người, mà luôn hết mọi Sinh Linh và tất cả Vật trong trọn Vũ trụ thành một khối lớn. Ấy là định nghĩa của chúng tôi theo TTH về tôn giáo; nhưng chính định nghĩa này lại thay đổi nữa theo từng niềm tin và quốc gia (...).
Tuy nhiên đối với người TTH (chúng tôi muốn nói người TTH chân chính), người không chấp nhận có ai làm trung gian để cứu giúp mình, có kẻ vô tội đổ máu để họ được cứu chuộc, ... thì định nghĩa duy nhất mà họ có thể tin theo và chấp nhận hoàn toàn là do Miller đưa ra. Ông mô tả nó thực biết bao và đầy nét TTH khi cho thấy rằng:
' ... chân Tôn giáo
Thì luôn luôn hiền dịu, tốt lành và khiêm cung;
Không là bạo chúa, không có niềm tin sắt máu.
Không vũ bão tấn công gây hủy hoại;
Mà  hạ mình chăm sóc, cứu độ và tu chỉnh,
tạo danh tiếng mình bằng việc lành cho thế gian'.
Phần trên là định nghĩa đúng đắn về TTH chân thực là gì, hay phải là sao. (Trong các tôn giáo thì chỉ có Phật giáo là triết lý thực sự nối kết tâm và con người với nhau, vì nó không phải là tôn giáo có tín điều.) Về phương diện ấy, bởi bổn phận và công việc của mỗi người TTH chân chính là nhìn nhận và thực hiện các nguyên lý này, TTH là Tôn giáo, và Hội là thánh đường chung duy nhất của nó; là ngôi đền cho óc minh triết của vua Solomon mà kinh sách nói (I Kings, vi, 7) là được xây không cần búa, rìu hay bất cứ khí cụ nào bằng sắt nghe thấy trong nhà vào lúc xây đền. Vì ngôi đền này không do tay người xây nên, hay được dựng nên ở bất cứ nơi nào trên trái đất – mà thực ra nó chỉ được xây trong chỗ sâu kín nhất của tâm người, nơi một mình tâm thức đã thức tỉnh ngự trị.
Thế thì chúng tôi nói rằng TTH không phải là một Tôn giáo, mà chính nó là Tôn giáo, sự nối liền làm một, bao quát và chứa trọn hết thẩy tới mức không một ai, từ thánh thần và người phàm đến thú vật, cọng cỏ và hạt nguyên tử – tựa như hạt bụi, có thể nằm ngoài ánh sáng của nó. Do đó, bất cứ tổ chức hay cơ cấu nào mang tên ấy cần phải là một Tình Huynh Đệ Đại Đồng.
Nếu không là vậy, TTH sẽ chỉ là một chữ được thêm vào hằng trăm chữ như thế nghe trịnh trọng, cao thâm mà trống rỗng. Khi được xem như là triết lý thì TTH có tính thực dụng như là bình chưng cất của nhà luyện kim thời trung cổ. Nó chuyển hóa kim loại có vẻ thấp kém của mọi niềm tin cứng ngắc và nghi thức (kể cả Thiên Chúa giáo) thành chân lý và sự kiện như vàng, và do vậy thực sự chế ra thuốc chữa bá bệnh cho những bệnh tật của con người. Đó là vì sao khi làm đơn gia nhập Hội, không ai được hỏi là họ theo tôn giáo nào, và quan niệm của họ về thần thánh là sao. Những quan điểm này là chuyện riêng của họ và không có liên quan gì đến Hội.
Vì người Thiên Chúa giáo hay đạo khác, Do Thái hay dân khác, người theo phái Bất Tri (Agnostics) hay thuyết duy vật, và ngay cả người vô thần, đều có thể thực hành  TTH, miễn không ai là người cuồng tín không chịu xem những kẻ nào ngoài đạo mình hay niềm tin của mình là huynh đệ. Bá tước Leo N. Tolstoy không tin vào kinh thánh, giáo hội, hay sự thiêng liêng của đức Chúa, thế mà không người Thiên Chúa giáo nào có thể hơn được ông về việc thực hành những nguyên tắc được cho là trong bài đức Chúa giảng trên núi.
Và những nguyên tắc ấy là MTTL, không phải vì chúng do đức Chúa của Thiên Chúa giáo thốt ra, mà vì chúng là nguyên tắc đại đồng, và đã được đức Phật lẫn Khổng Tử, Krishna, và tất cả những nhà đại Hiền Triết giảng hàng ngàn năm trước khi bài giảng trên núi được viết ra. Thế thì, một khi chúng ta sống theo thông thiên học như  vậy thì tự nhiên là nó trở thành thuốc chữa vạn năng, vì nó chữa lành những vết thương mà các chủ thuyết  thô bạo ... của Giáo hội gây ra cho tâm hồn nhậy cảm của mỗi ai có khuynh hướng tôn giáo tự nhiên. Có bao nhiêu người như thế khi từ niềm tin mù quáng chật hẹp đổi sang niềm tin nghèo nàn đã bị thất vọng, và có ước nguyện đầy hy vọng trở lại chỉ do gia nhập vào hàng ngũ huynh đệ của chúng tôi – phải, cho dù là nó bất toàn.
Nếu, ngược lại điều này, chúng ta được nhắc nhở rằng một số hội viên tiếng tăm đã rời Hội, thất vọng với thông thiên học như là đã thất vọng với các hội đoàn khác, thì điều này không khiến chúng tôi nao núng chút nào. Vì có rất ít, thật ít gương ngoại lệ trong những giai đoạn đầu của sinh hoạt trong Hội, khi có người rời Hội vì không thấy huyền học theo như họ hiểu được thực hiện trong khối hội viên nói chung, hay vì 'các vị lãnh đạo thiếu nét Tinh Thần', tỏ ra 'không-thông thiên học, và như thế không trung thực với nội qui'. Bạn thấy đó, đa số bỏ ra đi vì phần lớn hoặc chỉ nhiệt tâm nửa vời hoặc quá bảo thủ ý kiến, tự họ là giáo hội và tín điều không thể sai lầm.
Lại nữa có người tách ra nhóm riêng với cớ rất nông nổi, thí dụ như viện lẽ 'vì Thiên Chúa giáo (gọi đó là tôn giáo của giáo hội hay Thiên Chúa giáo giả hiệu thì đúng hơn) bị đối xử tệ trên tạp chí của chúng ta' – làm như các tôn giáo cuồng tín khác được đối xử khá hơn hay được bênh vực ! Vậy, tất cả những ai bỏ hội mà đi là làm chuyện phải lắm, và không ai thương tiếc họ.
Còn có một điều khác thêm vào chuyện: khó mà so sánh con số người bỏ đi với con số những ai tìm được mọi điều họ mong mỏi ở MTTL. Triết thuyết của nó khi được nghiên cứu nghiêm chỉnh bằng cách kích thích khả năng lý luận của ta, đánh động phần nội tâm của người còn thú tính, sẽ khơi dậy mỗi một tiềm năng hướng thiện còn ẩn trong chúng ta và luôn cả cảm nhận về điều chân thực, chuyện đúng đắn so với điều không thực và chuyện không đúng đắn. Nó thẳng tay xé bung màng lưới dầy đặc của chữ nghĩa chết  mà kinh sách cổ nào về tôn giáo cũng bị bao kín, TTH khi học hỏi một cách khoa học xuyên qua những biểu tượng khôn khéo của các thời đại, làm lộ ra căn nguyên của các tôn giáo và khoa học trong thế giới cho ai chê bai minh triết cổ.
Nó mở ra khung trời mới vượt khỏi chân trời cũ của những đức tin đóng khung khô cứng, không còn linh động và có tính áp đặt; và biến niềm tin mù quáng thành hiểu biết có lý luận dựa trên các luật toán học là khoa học duy nhất có sự chính xác. Nó chứng tỏ cho ta thấy qua những khía cạnh càng lúc càng nhiều nét triết lý và thâm sâu, sự hiện hữu của điều mà do tính thô trược của chữ nghĩa chết ta đã bị dội lại và gạt bỏ từ lâu, coi như là chuyện cổ tích trẻ con. Nó cho một mục tiêu rõ ràng, xác định rạch ròi, một lý tưởng để sống theo, cho mỗi ai thành tâm dù thuộc về bất cứ tầng lớp nào của xã hội và bất cứ trình độ trí tuệ nào hay thuộc bất cứ văn hóa nào. TTH thực hành không phải là một Khoa học, mà bao trọn mọi khoa học trong cuộc sống, đạo đức và vật chất.
Nói tóm tắt thì nó có thể được xem một cách đúng đắn như là 'huấn luyện viên' toàn diện, người hướng dẫn có hiểu biết và kinh nghiệm khắp thế giới, có sự uyên bác không những chỉ giúp và hướng dẫn học viên đến việc nghiên cứu thành công về mọi hoạt động khoa học và đạo đức trong đời ở cõi trần, mà còn trang bị họ cho những kiếp mai sau, nếu các học viên này chỉ cần học vũ trụ và những bí ẩn của nó trong chính con người mình, thay vì học chúng qua lăng kính của khoa học và tôn giáo thông thường.
Và không nên có độc giả nào hiểu lầm những điều nêu trên. Ta nói về chính MTTL, tính toàn tri của nó, mà không phải nói về bất cứ hội viên riêng rẽ nào của Hội hoặc ngay cả người TTH. Chớ nên có lầm lộn giữa hai điều – TTH và Hội TTH – một là bình chứa và một là dầu trong bình. Một là cái lý tưởng, Minh Triết thiêng liêng, tự nó toàn thiện; điều kia là vật thiếu sót, bất toàn, cố gắng theo đuổi bên dưới nếu không phải bên trong, cái bóng của MTTL trên trái đất.
Không ai là toàn hảo, vậy tại sao lại mong mỏi bất cứ hội viên nào của Hội TTH là gương mẫu tuyệt vời cho mỗi một đức tính của người ? Và tại sao trọn tổ chức lại bị phê bình và chê trách vì lỗi lầm, có thật hay tưởng tượng, của vài hội viên hoặc ngay cả những lãnh tụ của hội ? Hội, như là một tổ chức cụ thể,  không hề thoát khỏi lỗi lầm hay sai sót, – errare humanum es (là người thì có sai  sót) – và các hội viên của nó cũng thế. Do vậy, đúng ra là các hội viên phải bị chê trách, với đa số không đi theo thông thiên học. MTTL là linh hồn của hội, vật sau là thân xác thô thiển và bất toàn của vật trước. Từ đó, những vua Solomon tân thời ngồi ghế xét xử và nói về chuyện mà họ không biết chút gì, được mời là trước khi thóa mạ thông thiên học hay hội viên nào, đầu tiên hãy tìm hiểu cả hai thay vì gọi một cách thiếu hiểu biết điều trước là '... niềm tin điên rồ' và điều sau là 'giáo phái những ai mạo danh và điên dại'.
Bất kể chuyện này, bạn cũng như  thù đều coi TTH như là một tôn giáo hay nếu không phải thì là một giáo phái. Ta hãy xem làm sao những điều tin tưởng đặc biệt có liên quan đến chữ  TTH lại bị hiểu như vậy, và làm sao chúng có quyền  đến nỗi không một lãnh tụ nào trong Hội chớ hề nghĩ đến chuyện từ bỏ triết thuyết của mình. Chúng tôi có nói rằng chúng tôi tin vào tính hợp nhất (unity) tuyệt đối của thiên nhiên. Hợp nhất hàm ý sự khả hữu là một đơn vị cõi này có thể tiếp xúc với một đơn vị khác ở cõi khác hoặc từ cõi khác. Chúng tôi tin vào điều đó.
Bộ sách The Secret Doctrine vừa xuất bản sẽ cho thấy tư tưởng của trọn thời cổ đại là sao về những huấn sư khởi thủy của người sơ khai và ba mẫu chủng trước đó. Việc khai sinh ra Tôn Giáo Minh Triết mà tất cả người TTH tin vào, bắt nguồn từ giai đoạn ấy. Thuật gọi là 'Huyền Bí Học, Occultism' hay đúng hơn là Khoa học Bí truyền phải truy ra căn nguyên của nó từ những Đấng mà do Karma đã tái sinh trong nhân loại chúng ta, và từ đó làm vang lên nốt chính của Khoa học bí truyền ấy. Biết bao thế hệ về sau của các vị đạo đồ đã khai triển khoa học này từ lúc đó trong mỗi thời đại, cùng lúc họ kiểm chứng triết thuyết của nó bằng sự quan sát và kinh nghiệm cá nhân. Trọn khối hiểu biết này – điều mà không một ai có thể sở hữu trọn vẹn – tạo nên hiểu biết mà ngày nay ta gọi là TTH hay 'Minh Triết Thiêng Liêng'. Các Đấng cao cả từ những thế giới khác và cao hơn có thể nắm giữ được hết hiểu biết này, còn chúng ta chỉ có thể có được phần nào thôi.
Thế thì, sự hợp nhất của mọi vật trong vũ trụ hàm ý và chứng minh niềm tin của chúng tôi vào sự hiện hữu của một hiểu biết có cùng lúc đặc tính khoa học, triết lý và tôn giáo, cho thấy sự cần thiết và thực tại của việc nối kết con người và mọi vật trong vũ trụ với nhau. Hiểu biết ấy vì vậy trở thành Tôn Giáo đúng nghĩa, và phải được gọi theo tính trọn vẹn và phổ quát của nó bằng tên phân biệt rõ là Tôn Giáo Minh Triết.
Tất cả những 'Tôn giáo' (gọi vậy là sai lầm) riêng rẽ khác nhau đều phát sinh từ Tôn Giáo Minh Triết này, tới phiên chúng cho ra nhánh nhóc, cành lá, kể luôn tất cả những phái nhỏ hơn, dựa vào và luôn luôn bắt nguồn từ kinh nghiệm cá nhân nào đó về tâm lý. Mỗi tôn giáo như vậy hay nhánh nhóc tôn giáo, dù được xem là chính thống hay sai lạc, khôn ngoan hay khờ dại, ban đầu khởi sự như là giòng suối trong trẻo không pha trộn từ Nguồn Mẹ. Sự việc mỗi tôn giáo theo với thời gian bị ô nhiễm với suy đoán và tưởng tượng thuần là của người do động cơ tư lợi của người, không hề cản được sự việc là mỗi một tôn giáo thanh khiết lúc ban đầu.
Có những phái – ta sẽ không gọi chúng là tôn giáo – nay bị việc làm của người che khuất đến mức không nhận ra được nữa; tôn giáo khác chỉ mới lộ các dấu hiệu của việc tàn tạ sớm; không cái nào thoát được dấu vết của thời gian. Nhưng mỗi một tôn giáo và tất cả chúng đều có nguồn cội thiêng liêng và chân thực, phải, Ấn giáo, Phật giáo cũng như Thiên Chúa giáo. Chính tín điều và việc làm của người trong Thiên Chúa giáo đã dẫn thẳng tới Thông linh học (Spiritualism) đương thời. Cố nhiên cả hai phía sẽ nhao nhao phản đối nếu chúng tôi nói Thông linh học đương thời theo đúng nghĩa và được gột sạch hết mọi tư tưởng không lành mạnh dựa trên 'Vong linh' chẳng đáng tin cậy, thì sao đi nữa cũng đúng và có triết lý nhiều hơn bất cứ  tín điều nào của giáo hội. (...)
Nói đúng sự thực thì TTH, nhờ vào việc nhao nhao phản đối của tất cả ai theo phái Thông linh học ở Âu châu và Mỹ châu, khi có lời nào thốt ra chống lại ý kiến là mỗi một vong linh mà ta tiếp xúc thì nhất thiết phải là vong linh của một người đã khuất nơi cõi trần, chưa nói hết mọi điều về Thông linh học và 'Vong linh'. Ngày nào đó TTH sẽ làm vậy. Trong lúc này, chủ biên của báo (Lucifer), người phụng sự   hèn mọn cho thông thiên học, xác định lần nữa niềm tin của bà vào những Đấng  vĩ đại hơn, khôn ngoan hơn, cao quí hơn bất cứ vì Thượng đế cá nhân nào.  Các Ngài vượt xa hẳn bất cứ 'vong linh người chết' nào, các Thánh hay Thiên thần, dù rằng các Ngài thỉnh thoảng có giáng trần trong mỗi thời đại để ảnh hưởng số ít người nhậy cảm, chuyện này thường xẩy ra hoàn toàn không liên can đến Giáo hội, Thông linh học hoặc ngay cả TTH.
Và bởi tin vào những Đấng thiêng liêng cao cả, bà cũng phải tin vào sự hiện hữu của ai đối nghịch với các ngài – tức 'vong linh' thấp gồm xấu, tốt hoặc lừng khừng. Đây chỉ là ý kiến lan man ngoài lề, cho thấy TTH bao gồm luôn cả Thông linh học – theo lẽ ra phải vậy mà không được vậy – trong các khoa học của TTH dựa trên hiểu biết và kinh nghiệm của biết bao thời đại. Không một tôn giáo nào xứng đáng với tên gọi mà không bắt đầu như là hệ quả của việc các Đấng cao cả từ những cõi cao hơn xuống viếng. Từ đó sinh ra mọi tôn giáo trong lịch sử và tiền sử, như Ấn giáo, Phật giáo và Thiên Chúa giáo, Do Thái giáo, Thông giáo (Gnoticism) và Hồi giáo, nói ngắn gọn là từng ' – giáo (ism)' thành công ít nhiều.
Tất cả đều chân thực dưới gốc và đều sai trên mặt. Đấng Soi Sáng, người nghệ sĩ gây ấn tượng  về một phần Chân Lý vào não bộ của nhà Tiên tri, trong bất cứ trường hợp nào cũng là nhà nghệ sĩ chân chính, đưa ra chân lý chân thực; nhưng phương tiện trong mỗi trường hợp cũng chứng tỏ chỉ là con người. Ta mời dương cầm thủ Rubinstein chơi một khúc sonata của Beethoven cho dương cầm mà tự nó so dây, phân nửa số phím lúc nào cũng liệt và dây đàn chùng, hãy xem ta có thể nhận ra được khúc nhạc chăng dù tài nghệ của nhạc sĩ ra sao đi nữa. Bài học rút ra từ chuyện là con người vẫn chỉ là con người, – dù là người đồng tài giỏi thượng thặng hay là tiên tri bẩm sinh –, và khi con người được để yên cho làm theo ý mình sẽ phải lạc điệu với chân lý tuyệt đối, ngay cả khi ta thu nhặt các mảnh vụn của chân lý ấy. Vì Con Người chỉ là Thiên Thần  Sa Ngã, là thần linh trong tim nhưng đầu óc lại có não thú, dễ bị tật xấu cám dỗ khi khi chung đụng với những người khác trên địa cầu, hơn là tiếp nhận không chút sai lạc sự mặc khải thiêng liêng.
Do vậy mới có tín điều đa dạng của các giáo hội, mới có 1001 'triết lý' (có khi mâu thuẫn nhau, kể cả lý thuyết thông thiên học), và đủ loại 'Khoa học' và hệ thống tâm linh, trí tuệ, có tính Thiên Chúa giáo hay thế tục; giáo phái và cuồng tín, và đặc biệt tính kiêu ngạo cá nhân, khăng khăng giữ ý mình của hầu hết ai khởi xướng chuyện này hay kia từ thời trung cổ. Những người này đều làm hoen ố và che lấp sự hiện hữu của Chân Lý, nguồn gốc chung của tất cả. Người phê bình chúng tôi có nghĩ rằng chúng tôi gạt bỏ chỉ dạy về thông thiên học ra khỏi tập hợp này không ? Không đâu.  Và tuy triết thuyết bí truyền mà Hội chúng tôi rao giảng, không phải là ấn tượng trí não hay tinh thần từ nguồn nào đó không biết ở trên cao,  mà là kết quả của chỉ dạy mà các bậc là người sống truyền cho chúng tôi, và ngoại trừ điều gì do các Chân sư Minh triết đọc cho ghi hay tự các ngài viết ra, những triết thuyết này trong nhiều trường hợp chưa hoàn bị và có sai sót như ai chống đối chúng tôi muốn vậy.
Bộ The Secret Doctrine – tác phẩm đưa ra tất cả những gì có thể đưa ra trong thế kỷ này (XIX), là một nỗ lực nhằm phơi trần phần nào điều căn bản và gia tài chung của tất cả – các hệ phái tôn giáo và triết lý lớn cũng như bé. Ta không thể không có nó khi gạt bỏ cái khối quan niệm và thành kiến sai lầm đóng cứng nay che khuất thân chính của:
a- mọi tôn giáo lớn trên thế giới.
b- các giáo phái nhỏ hơn,
c- TTH như nó được đưa ra hiện giờ,
bất kể Chân Lý vĩ đại bị che lấp ra sao do chính chúng ta và hiểu biết giới hạn của ta.
Lớp vỏ sai lầm khá dầy, do ai nấy đặt lên, và bởi chúng tôi tự tìm cách tháo bỏ đôi chút, nỗ lực ấy trở thành lời chê trách luôn được đưa ra chống lại tất cả ai viết về thông thiên học và ngay cả Hội.
Chỉ có ít người trong nhóm thân hữu và độc giả của chúng tôi là không phê bình nỗ lực nhằm phơi bầy sai sót trong tạp chí The Theosophist và Lucifer là 'tấn công Thiên Chúa giáo không nương tay', 'tấn công không có tính thông thiên học' v.v. Thế nhưng những điều này cần thiết, hoặc không thể không có nếu chúng ta muốn đào xới lên chân lý phần nào. Ta phải phơi bầy sự việc, và vì vậy sẵn lòng chịu đau khổ vì việc ấy – như vẫn thường làm. Hứa hẹn mang lại chân lý, rồi để nó bị lẫn với sai lầm vì nhút nhát, thì chỉ vô ích. Việc kết quả của chủ trương như vậy chỉ có thể làm đục dòng dữ kiện nay được trưng ra rõ ràng. Sau 12 năm làm việc không ngừng nghỉ và vật lộn với người đối nghịch từ bốn phương tám hướng, bất kể bốn tạp chí hàng tháng của chúng tôi là The Theosophist, The Path, Lucifer và Le Lotus của xứ bộ Pháp – lời phản đối nhẹ nhàng, hòa hoãn của chúng tôi trên các báo này, lời tuyên bố nhỏ nhẹ, 'chủ trương xuất sắc về bất động', và lúc ẩn lúc hiện trong bóng của khoa siêu hình học đáng ngại, chỉ làm cho TTH bị tin chắc là một giáo phái. Chúng tôi được nghe cả trăm lần rằng 'TTH làm được chuyện gì hay ?' và 'Xem các giáo hội làm được chuyện tốt lành kìa !'
Dầu vậy, sự kiện không tránh được là nhân loại không khá hơn chút nào về mặt luân lý, và về một số mặt ngày nay tệ hơn xưa gấp mười lần. Hơn thế nữa trong hậu bán thế kỷ này, kể từ lúc khoa học và phong trào Tự do Tư tưởng thắng thế hơn các giáo hội, hằng năm số tín đồ mà Thiên Chúa giáo mất trong giới trí thức thì nhiều hơn hơn số tín đồ mà họ chiêu dụ được trong tầng lớp thấp của xã hội, giới thường không tin vào đạo giáo. So sánh ra thì số người mà TTH đã cứu từ Duy vật chủ nghĩa và sự tuyệt vọng chán chường thành có niềm tin vào cái ngã thiêng liêng của mình (dựa trên luận lý và chứng cớ) và sự bất tử của Chân ngã này, thì nhiều hơn số người mà Giáo hội đã mất do tín điều, hà khắc và việc ép buộc phải tin. Và nếu có chứng minh là TTH chỉ cứu được một người trong số ngàn người mà Giáo hội đã mất thì không phải TTH là tác nhân cho điều thiện, hay hơn tất cả các nhà truyền giáo cộng chung lại hay sao ?
TTH, như đã nhiều lần được viên chức trong Hội và hội viên ghi trong sách vở và tuyên bố, đi theo đường ngược hẳn với con đường của Giáo hội; và TTH bác bỏ phương pháp của Khoa học, vì phương pháp ... của môn sau chỉ có thể dẫn tới chủ nghĩa duy vật tệ hại. Nhưng thực ra, TTH tuyên bố nó là 'KHOA  HỌC' và 'TÔN  GIÁO', vì TTH là tinh túy của cả hai. Chỉ vì lợi ích và do tình yêu mến hai ngành trừu tượng  là tôn giáo TTH và khoa học TTH, mà Hội TTH tự nguyện làm việc chắt lọc cả hai sinh hoạt là tôn giáo chính thống và khoa học hiện đại; cũng như làm kẻ Đối thủ của những ai bôi bác hai chân lý cao cả cho mục đích và hậu ý của họ, và rồi chia tách hung bạo ngành trước với ngành sau tuy hai ngành là một và phải là một. Chứng tỏ điều sau này cũng là một trong những mục đích của chúng tôi trong bài này.
Người theo chủ nghĩa duy vật đương thời khăng khăng là có một hố ngăn cách không vượt qua được giữa hai ngành, họ vạch ra là cuộc 'Tranh Chấp giữa Khoa Học và Tôn Giáo' đã chấm dứt với việc toàn thắng của ngành sau và ngành trước thua cuộc. Ngược lại người TTH bác bỏ không nhìn nhận là có hố ngăn cách nào. Nếu cả Giáo hội và Khoa học mỗi bên đều tuyên bố là họ đi tìm chân lý và không gì khác hơn chân lý, thì một trong hai phía này phải sai và đã nhận điều giả làm điều chân, hoặc cả hai cùng sai. Bất cứ trở ngại nào không cho chúng giảng hòa phải được coi là thuần tưởng tượng. Chân lý là một, ngay cả khi được tìm kiếm hay theo đuổi từ hai đầu khác nhau. Vì vậy TTH tuyên bố giảng hòa hai đối thủ, vạch ra rằng Thiên Chúa giáo tinh thần chân chính và tiên khởi, giống như những triết lý vĩ đại đã có từ xưa trước nó – là ánh sáng của Chân lý – 'sự sống và sự sáng của con người.'
Mà ánh sáng chân thực của Khoa học cũng là vậy. Thế thì, nay khi Thiên Chúa giáo hóa tối đen do giáo điều xem xét qua kính bị ám khói cùng với những điều mê tín dị đoan do các giáo hội tự tạo ra, ánh sáng này khó mà xuyên thấu và gặp được ánh sáng bạn trong khoa học, môn cũng bị làm hư hoại vì những điều nghịch lý và biện luận duy vật của thời đại. Chỉ dạy của cả hai không tương đồng với nhau, và không thỏa thuận được bao lâu mà triết lý tôn giáo và khoa học ngoại giới khăng khăng là môn của mình bất khả sai lạc. Hai ánh sáng này, cho ra những tia dài như nhau về diễn dịch sai lạc, chỉ có thể triệt tiêu nhau và sinh ra thêm đêm đen.
Tuy vậy, chúng có thể hòa giải với nhau theo điều kiện là cả hai sẽ chỉnh đốn phong cách, một bên loại trừ những sai lầm của con người theo với thời gian, bên kia là chồng chất tệ hại tinh thần duy vật và óc vô thần. Và khi cả hai suy đồi, việc đáng làm nhất và tốt nhất chính là điều mà chỉ riêng TTH có thể làm và sẽ làm, ấy là vạch ra cho ai ngay tình bị vướng mắc vào hai điều này – quả thực là hai con rồng đã có từ xưa, một xâu xé người trí thức và một xâu xé linh hồn con người – rằng hố sâu nói tới giữa chúng chỉ là ảo giác của mắt; và chẳng những không phải là hố, nó chỉ là núi rác mênh mông dựng nên giữa hai kẻ đối nghịch làm đồn ngăn không cho hai bên tấn công nhau.
Do đó nếu TTH không làm gì khác hơn là vạch ra và nghiêm chỉnh kêu gọi thế giới chú ý đến sự kiện là sự bất đồng ý kiến giả dụ của tôn giáo và khoa học xẩy ra có điều kiện, theo đó một bên là người duy vật thông minh tấn công chống lại tín điều do con người đặt ra, bên kia là kẻ cuồng tín mù quáng và chức sắc giáo hội đầy óc tư lợi, thay vì cứu giúp linh hồn con người thì chỉ lo tranh đấu mạnh mẽ cho quyền lợi riêng – ngay cả khi đó TTH sẽ chứng minh nó là điều cứu chuộc cho nhân loại.
Nay hy vọng là chúng tôi đã trình bầy điều chi là TTH, và những ai tin theo nó là người ra sao. Một bên là Khoa học Thiêng liêng và qui tắc đạo đức thanh cao tột bực tới nỗi không người TTH nào có thể biểu lộ trọn vẹn, và bên kia là đám đông người chân thật mà yếu ớt. Vậy tại sao TTH lại bị xét đoán theo sự bất toàn cá nhân của bất cứ lãnh tụ hay hội viên nào trong 150 chi bộ của chúng tôi ? Người ta có thể làm hết sức mình mà không đạt được ước vọng và mơ tưởng của họ. Nó quả là chuyện không may của người ấy mà không hề là lỗi lầm của TTH hay của hội nói chung.
Các vị sáng lập không cho mình có công lao nào ngoài việc làm cho bánh xe TTH đầu tiên khởi sự lăn. Nếu phải chịu xét đoán thì họ phải được xét đoán qua công việc mà họ đã làm. Không có chỗ cho cá nhân trong công việc như của chúng tôi, và ai cũng phải sẵn sàng, như các vị sáng lập, nếu cần, để xe ... nghiền nát riêng họ cho sự tốt đẹp chung. Chỉ trong tương lai mù mịt khi các vị sáng lập qua đời và ngưng sinh hoạt, công và tội, điều lành và chẳng lành họ đã làm sẽ được cân trên cân Hậu Thế. Chỉ khi ấy khi cân quân bình, công tội rõ rệt và tính chất của sự việc nằm hiển hiện trước mặt mọi người, chuyện mới hóa rõ là đặc tính của sự phán xét có công bình hay không. Hiện nay, ngoại trừ Ấn Độ, những kết quả ấy bị rải rác khắp nơi trên trái đất, giới hạn chỉ vào số ít người dễ dàng bị xét đoán. Nhưng dù nhỏ thế mấy, một khi chứng minh được là tốt lành thì ai hết lòng với sự tiến bộ luân lý của người, phải tạ ơn TTH nhờ những kết quả này. Và khi TTH hồi sinh, được những tôi tớ không xứng đáng của nó là các vị 'Sáng Lập' trình cho thế giới, chỉ có nó mới chứng minh được cho họ, bất kể Karma của họ thuận lợi hay không ra sao, khi xét đoán về mặt 'xứng đáng trong xã hội'.

H.P. Blavatsky.