TIẾN BỘ TINH THẦN

 

 

Câu thơ quen thuộc của Christina Rossetti:
Suốt con đường dốc đứng ?
Vâng, cho tới điểm cùng.
Trọn ngày dài rảo bước?
Sáng đến chiều, bạn ơi.
tựa như mô tả cuộc đời của ai thật sự theo đuổi con đường dẫn tới những điều cao cả hơn. Bất kể các khác biệt thấy trong những trình bầy khác nhau về Triết lý Bí truyền, vì mỗi thời đại nó khoác lấy một hình thức mới, khác nhau cả về mầu sắc và tính chất của hình dạng lần trước, tuy nhiên trong mỗi một trình bầy ấy ta đều thấy chúng hoàn toàn nói giống nhau về một điểm – là con đường dẫn tới sự phát triển tinh thần. Có một luật duy nhất luôn áp đặt cho người sơ cơ như nó áp đặt hiện giờ – là việc bản chất cao của con người hoàn toàn chế ngự bản chất thấp.

Từ kinh Vệ Đà tới Áo Nghĩa Thư (Upanishads), tới Ánh Sáng trên Đường Đạo vừa được ấn hành, khi tìm tòi trong kinh điển của mọi giống dân và giáo phái, ta chỉ thấy một con đường duy nhất – nhọc nhằn, đau khổ, khó khăn nhờ đó con người đạt được hiểu biết tinh thần thật sự. Và làm sao chuyện có thể khác hơn vì tất cả các tôn giáo, các triết lý đều chỉ là biến thể của những chỉ dạy tiên khởi trong Minh Triết Duy Nhất, truyền cho người vào thưở ban đầu.

Ta luôn luôn được nghe rằng vị Đạo sư chân chính, con người đã phát triển, phải trở thành –  không phải được nhào nắn mà ra. Tiến trình vì thế là sự tăng trưởng nhờ cuộc tiến hóa, và nó cần phải chịu đau khổ ít nhiều. Lý do của sự đau khổ nằm ở việc ta mãi tìm kiếm chuyện vĩnh cửu trong điều vô thường, và không những chỉ tìm kiếm mà còn hành xử như thể ta đã tìm ra điều bất biến, trong thế giới mà đặc tính chắc chắn nhất ta có thể tiên đoán là có thay đổi không ngừng, và luôn luôn khi ta tưởng mình đã nắm chặt được điều vĩnh cửu thì nó biến đổi ngay trong nắm tay của ta, sinh ra đau khổ.

Lại nữa ý tưởng về tăng trưởng cũng hàm ý có xáo trộn, bản thể bên trong phải liên tục bung ra khỏi lớp vỏ bọc tù túng đóng khung nó lại, và sự xáo trộn đó nhất thiết phải đi kèm với đau khổ, không phải về thể chất mà trí não và tâm thần.

Đó là tại sao trong đời sống của ta, ta thấy vấn đề đang gặp luôn luôn là  khó khăn hơn hết – luôn luôn là điều ta cho là không thể nào chịu đựng được. Nếu nhìn theo khía cạnh rộng hơn, ta sẽ thấy là mình đang tìm cách bung ra khỏi vỏ ở điểm yếu nhất của nó;  để sự tăng trưởng của ta là tăng trưởng thực sự mà không phải là những nẩy nở không liên quan đến nhau, nó phải tiến triển đều ở mọi điểm, tựa như cơ thể trẻ nhỏ tăng trưởng không phải trước tiên là cái đầu rồi tới bàn tay, sau đó không chừng cái chân, mà sự việc diễn ra mọi hướng cùng một lúc; đều đặn và không nhận ra được.

Khuynh hướng con người là lo cho từng phần riêng rẽ và trong lúc đó bỏ quên những phần khác – mỗi sự đau khổ vò xé sinh ra vì phần bị bỏ lơ nay lớn rộng; sự lớn rộng ấy hóa khó khăn hơn do có chú tâm lo nơi khác.

Kết quả của sự lo lắng thái quá thường sinh chuyện xấu, và con người luôn tìm cách làm quá nhiều; họ không chịu để yên sự việc, chỉ làm điều gì hoàn cảnh đòi hỏi mà thôi, họ phóng đại mỗi hành động và do đó sinh ra karma phải giải quyết trong kiếp tới. Một trong những hình thức tế nhị nhất của chuyện xấu này là lòng hy vọng và mong muốn được thưởng. Nhiều người làm hư nỗ lực của mình một cách vô thức khi nghiền ngẫm ý muốn được thưởng, cho phép nó trở thành yếu tố tích cực trong đời, và như thế mở rộng cửa cho sự lo âu, nghi ngờ, sợ hãi, nản chí đi vào – dẫn tới thất bại.

Mục tiêu của người chí nguyện muốn có minh triết tinh thần là bước vào cõi hiện hữu cao hơn; anh sẽ trở thành một người mới, toàn thiện hơn về mọi mặt so với chính anh lúc này, và nếu thành công, những khả năng và quan năng của anh có sự gia tăng tương ứng về mức độ và quyền hạn, giống như ở thế giới hữu hình ta có mỗi chặng của sự tiến hóa được đánh dấu bằng việc khả năng tăng nhiều hơn.

Đó là cách vị Đạo sư có được quyền năng lạ lùng thường nghe mô tả, nhưng điểm chính cần nhớ là những quyền năng này là điều tự nhiên có ở cõi tiến hóa cao hơn, giống như  quan năng bình thường của con người là điều tự nhiên cho cảnh sống bình thường của ta nơi cõi trần.

Có vẻ như nhiều người nghĩ rằng quả vị đạo sư không phải là kết quả sự phát triển từ căn bản, mà như xây cất  tầng nọ thêm lên tầng kia; làm như họ tưởng tượng rằng vị Đạo sư là người trải qua một cuộc huấn luyện rõ ràng, gồm việc theo sát một loạt các luật lệ ấn định, đầu tiên có được quyền năng này rồi sau đó tới quyền năng kia, và khi đạt vài quyền năng thì được gọi là Đạo sư. Dựa trên ý nghĩ sai lầm đó họ tưởng tượng rằng chuyện đầu tiên phải làm để tới địa vị Đạo sư là tập để mở được quyền năng – như thông nhãn (clairvoyance), xuất vía đi xa, những quyền năng được chú trọng nhiều hơn cả.

Với ai muốn sở đắc những quyền năng như thế để có lợi cho mình thì chúng tôi không có gì để nói cả, họ thuộc về tất cả những ai hành động cho mục đích thuần ích kỷ. Nhưng có nhiều người khác lẫn lộn nguyên nhân và hệ quả, thành thật tin rằng sở đắc quyền năng bất thường là con đường duy nhất dẫn tới tiến bộ tinh thần. Những người này xem Hội chúng tôi chỉ như là phương tiện thuận lợi nhất cho phép họ có được hiểu biết về mặt ấy, xem Hội như là một loại học viện bí truyền, cơ sở được lập ra để mở lớp dạy cho ai muốn làm phép lạ.

Cho dù lời phản đối và khuyến cáo được nhắc tới lui nhiều bận, nhiều đầu óc xem ra in chặt ý nghĩ này không sao xóa sạch, và họ lớn tiếng tỏ lòng thất vọng khi khám phá điều đã cho họ hay trước đây là thật trăm phần trăm; là Hội được lập ra không phải để dạy con đường mới lạ hay dễ dàng nào nhằm sở đắc 'quyền năng'; và nhiệm vụ duy nhất của nó  là khơi sáng lại ngọn đuốc chân lý đã lụi tắt bao lâu nay cho đại đa số người trừ một thiểu số rất nhỏ, cùng gìn giữ  chân lý ấy sống động bằng cách tạo nên tình huynh đệ đại đồng trong nhân loại, mảnh đất duy nhất mà hạt giống có thể tăng trưởng. Hội Thông Thiên Học quả có mong muốn khuyến dụ sự tăng trưởng tinh thần nơi mỗi ai tiến vào vòng ảnh hưởng của Hội, nhưng phương pháp của nó là phương pháp của những bậc thầy xa xưa, qui luật của nó là học thuyết bí truyền cổ xưa nhất; nó không đưa ra phép chữa trị mạnh bạo mà có lương y chân thật nào dám dùng.

Về mặt ấy chúng tôi muốn khuyến cáo tất cả hội viên, cùng những ai đi tìm hiểu biết tinh thần, là hãy cảnh giác với người nào đề nghị chỉ dạy họ phương pháp dễ dàng để có được khả năng tâm linh; quả đúng là ta có thể có được những khả năng ấy tương đối dễ dàng bằng phương tiện nhân tạo, nhưng nó biến mất ngay khi sự kích thích thần kinh không còn. Còn khả năng tiên tri thấu thị và quả vị đạo sư một khi có được do phát triển tâm linh chân thật thì không bao giờ mất.

Có vẻ như nhiều tổ chức đã mọc lên kể từ khi Hội Thông Thiên Học được thành lập, hưởng lợi nhờ Hội khêu dậy sự chú ý về việc nghiên cứu tâm linh, và các tổ chức ấy nỗ lực kết nạp hội viên bằng hứa hẹn có được quyền năng siêu nhiên một cách dễ dàng. Tại Ấn Độ từ lâu chúng tôi đã quen với việc có biết bao đạo sĩ giả hiệu, và chúng tôi e ngại rằng có thêm hiểm nguy mới về mặt ấy ở đây cũng như tại Âu châu và Hoa Kỳ. Chúng tôi chỉ hy vọng rằng không hội viên nào, bị quáng mắt vì lời hứa tuyệt diệu, sẽ để cho mình bị kẻ cố tình gạt gẫm lừa bịp.

Quả là một điều hay nếu hội viên trong mỗi chi bộ bàn thảo tìm cách thiết thực để thăng tiến ba mục đích của Hội. Trong nhiều trường hợp hội viên bằng lòng với việc học sơ sài sách vở trong Hội mà không có đóng góp thực sự nào cho hoạt động tích cực của Hội. Nếu muốn Hội trở thành phương tiện tốt lành cho các nơi, nó chỉ có được kết quả ấy bằng sự hợp tác tích cực của mỗi hội viên, và chúng tôi nhiệt thành kêu gọi mỗi hội viên xem coi mình có thể làm được việc gì, và rồi hăng hái thực hành chúng. Có chánh tư duy là điều tốt, nhưng chỉ có tư tưởng mà thôi thì không có gì đáng kể trừ phi nó được biến sang hành động. Không có một hội viên nào trong Hội mà không thể làm một điều gì đó để trợ lực chân lý và tình huynh đệ đại đồng; nó chỉ tùy thuộc vào ý chí của họ, biến điều ấy thành sự kiện được hoàn tất ...  nhờ đó phát triển để cho phép họ tiến bước trên đường 'dốc đứng nói trên.

 

H.P.Blavatsky
(Spiritual Progress, The Theosophist,
VI:8 (May 1885), 187-88. CW VI: 331-37)

leaf1leaf1egyptgeeseleaf1