TÂM THỨC HỌC (2)

 

Khoa tâm lý mà ta biết hiện nay có đối tượng chỉ là con người, hay nói đúng hơn nữa là phàm ngã, thành phần thấp của con người thiêng liêng, tuy nhiên bên cạnh đó còn có khoa tâm lý tinh thần. Môn học sau không chỉ quan tâm đến con người thiêng liêng mà còn cho hiểu biết về sự sống rộng lớn, thí dụ nhìn nhận thú vật có linh hồn, có những luật quản trị sự tiến hóa v.v.; nhờ nhận thức mới này mà ta có thể có được ý nghĩa đúng đắn về lịch sử, hiểu được sự phát triển của con người qua các thời đại, sự tương quan giữa các loài. Từ trước tới nay chỉ có triết học quan tâm đến khía cạnh thiêng liêng nhưng nay tâm lý học phải bàn tới nó. Khi nào tiềm năng của khoa tâm lý tinh thần cùng những khuynh hướng và đặc tính của nó được nhận biết, và khi mà khoa tâm lý đương thời thay vì nghiên cứu tỉ mỉ tâm lý cá nhân (và thường khi là cá nhân có tâm tánh bất thường), đổi hướng và chú tâm vào đặc tính tâm lý của Sự  Sống rộng lớn mà con người là một thành phần, khi đó ta sẽ có nhận thức đúng đắn hơn về thiêng liêng và nhân loại.
Bài hôm nay sẽ trình bầy vài đặc tính của tâm lý tinh thần.

A. Óc  Sáng  Tạo

Một trong những đặc tính của thiêng liêng là óc sáng tạo, thúc đẩy ta sống sáng tạo bằng cách dùng trí tưởng tượng. Con người đã phát triển qua nhiều chặng mà ngày nay, bước đường kế tiếp của một số đông là nhận biết có thế giới ý nghĩa nằm sau thế giới hình thể, thế giới mà hình thể muốn biểu lộ. Ta sẽ thấy rằng không cần phải đi xa tìm kiếm hay bàn điều chi cao siêu, vì điều mà ta tìm kiếm nằm quanh và bên trong chúng ta mà nhìn ra hay không là tùy mức phát triển về nhận thức. Do sự khác biệt về nhận thức mà điều chi là thực tại cho người này lại không là vậy cho người khác, thí dụ như câu nói 'Bồ tát sợ nhân chúng sinh sợ quả'. Con người nhận lấy hệ quả trong đời, gặp khó khăn và đối với họ đó là thực tại nên kinh sợ; trong khi ấy vị bồ tát ít bận tâm đến thế giới hiện tượng mà chú ý nhiều hơn đến  nguyên nhân, vì hiểu rằng quả chỉ là điều phải tới do hành động của thân, khẩu và ý tạo ra ở cõi vô hình và hữu hình. Do đó với tâm thức rộng lớn hơn, cõi vô hình và nguyên nhân là thực tại đối với vị bồ tát thay vì thế giới hình thể.
Có hai điều cho phép con người tiến sâu được vào thế giới của nguyên nhân và có tỏ ngộ.
– Đầu tiên là nỗ lực liên tục tạo hình thể để diễn tả chân lý và qua những hình thể này, sự nhấn mạnh chuyển dần từ thế giới bên ngoài vào phần bên trong của hiện tượng. Theo cách ấy tâm thức dần dần hóa vững vàng, đi dần từ ngoài vào trong. Người hiểu đạo đúng nghĩa là người có ý thức bằng giác quan tâm linh thí dụ như trí năng và trực giác, mà không quá chú tâm vào thế giới cảm nhận được bằng giác quan bên ngoài như ngũ quan. Khi vun trồng sự quan tâm về thế giới ý nghĩa bên trong, thái độ ấy sinh ra kết quả mạnh mẽ không những cho người tìm đạo mà về sau, sẽ khiến não bộ của loài người cảm nhận điều được nhấn mạnh rằng thế giới ý nghĩa là thực tại duy nhất cho con người.
Nhận thức này tới phiên nó mang lại hệ quả là sinh ra mỹ lệ chân thực hơn trong thế giới, và như vậy thế giới hình thể tiến lại gần hơn chân lý bên trong đang dần lộ ra. Tính thiêng liêng vốn được che dấu trong thiên hình vạn trạng với chi tiết vô tận, và ngày kia, con người sẽ đi tới nét mỹ lệ mới hơn, cảm nhận nhiều hơn về chân lý, ý nghĩa và mục tiêu của sự thiêng liêng.
– Thứ hai, là cố gắng không ngừng làm mình nhậy cảm hơn với thực tại có ý nghĩa, và do vậy sinh ra những hình thể trong thế giới bên ngoài là phản ảnh chân thực cho động lực ẩn kín bên trong. Chuyện có được nhờ vun trồng óc tưởng tượng sáng tạo tiềm tàng trong con người mà hiện nay, ta chỉ biết được rất ít về khả năng ấy. Nó có thể được mô tả như là chớp sáng gợi ý lóe lên rồi biến đi trong tíc tắc, làm lộ ra nét rực rỡ chói lòa bao phủ người chí nguyện; hoặc đó là việc đột nhiên nhận thức một mầu sắc, vẻ đẹp, minh triết và sự vinh quang vượt khỏi ngôn từ, trong tâm thức nâng cao của người nghệ sĩ lúc có chú tâm cao độ.
Trong phút giây họ thấy được sự sống như đúng thực là, nhưng rồi linh ảnh (vision) biến mất, lòng hăng say giảm bớt và nét mỹ lệ phai mờ dần, con người bị bỏ rơi và nẩy sinh trong tâm lòng nuối tiếc, thấy mất mát mà đồng thời cũng có sự xác tín và ước muốn diễn tả điều mà anh đã tiếp xúc, chưa hề kinh nghiệm trước đây. Anh phải tìm lại điều đã bắt gặp, phải khám phá nó cho ai chưa có được sự  tỏ lộ như anh đã có. Anh phải biểu lộ nó bằng một hình thức nào đó, và trưng ra cho người khác cái ý nghĩa nằm sau hình tướng mà anh trực nhận được.
Làm sao anh làm được việc đó ? Làm sao anh có thể tìm trở lại điều mà anh đã thấy và nay dường như biến mất, không còn trong tâm thức anh ? Anh phải nhận thức là điều đã thấy và nắm bắt vẫn còn đó và thể hiện thực tại, chỉ có anh là tách rời mà không phải linh ảnh. Người ta phải kinh nghiệm nhiều lần nỗi đau đớn trong mọi phút giây say đắm cho tới khi cơ chế tiếp xúc quen với làn rung động cao, và người ta không những chỉ cảm nhận và sờ mó, mà còn có thể nắm lấy cùng tự ý tiếp xúc được với thế giới mỹ lệ bí ẩn này.
Việc vun trồng khả năng bước vào cảnh giới ấy, nhìn ngắm và diễn tả linh ảnh tùy thuộc vào ba điều:
– Sự sẵn sàng chịu nỗi đau lòng khi nhận được tỏ lộ (đau lòng vì sự việc chỉ diễn qua trong phút giây rồi biến mất, con người bất lực không lưu giữ được hạnh phúc mà hình ảnh mang lại)
– Khả năng duy trì tâm thức ở mức cao là mức có được tỏ lộ.
– Có óc tưởng tượng để liên kết trí năng và não bộ với nhau, làm hiển lộ sự chói lọi bị che phủ.
Ba đặc tính này: sự chịu đựng, tham thiền và óc tưởng tượng là một cách diễn tả linh hồn như là bí mật của sự trì chí, cái mang lại kết quả của sự quán tưởng, và là cái tạo ra mọi hình hài ở cõi trần. Ta sẽ thấy nghệ sĩ  dùng óc tưởng tượng có tính sáng tạo trong nhiều địa hạt, cũng như thành quả do nỗ lực của nó sẽ hiện ra trong những lãnh vực khác nhau. Lại nữa, xin chớ quên rằng cung nào cũng có nghệ sĩ mà không có riêng một cung nào cho ra nhiều nghệ sĩ hơn cung khác.
Nghệ thuật sáng tạo chân thực là việc làm của linh hồn, thế nên công việc đầu tiên của nghệ sĩ là liên hợp các thể – nói cách khác là điều khiển, làm chủ ba thể – , tham thiền và chú tâm vào thế giới ý nghĩa. Tiếp theo là nỗ lực diễn tả ý tưởng thiêng liêng bằng hình thể thích hợp, theo khả năng bên trong và cung của nghệ sĩ, trong bất cứ ngành nghệ thuật nào mà họ chọn và đối với họ là phương tiện tốt nhất để làm việc. Song song với nó là nỗ lực thường xuyên nơi cõi trần để tập luyện và trang bị cho não bộ, đôi tay và lời nói, qua đó hứng khởi phải tuôn tràn cho ra biểu lộ chân chính và hình thể đúng đắn bên ngoài của phần thực tại bên trong.
Để được vậy cần phải có kỷ luật mạnh mẽ và ấy là điều mà nhiều nghệ sĩ không làm được. Sự thất bại do nhiều nguyên nhân sinh ra, như sợ rằng dùng trí tuệ sẽ làm hư nỗ lực, rằng nghệ thuật sáng tạo đột khởi trên hết thẩy thuộc về cảm xúc và trực cảm, và phải không bị ràng buộc hoặc ngăn trở do việc luyện trí. Ý tưởng như vậy dựa trên tính ù lì, thấy rằng công việc sáng tạo là chuyện ít trở ngại nhất, không cần tìm biết hứng khởi từ đâu tới hay làm sao để biểu lộ hình ảnh đến trong trí não, hoặc kỹ thuật của sinh hoạt tâm linh, mà chỉ đơn giản làm theo ngẫu hứng.
Nhận xét cho thấy lần nữa đó là sự phát triển không cân bằng, là kết quả của sự chuyên biệt hóa hay có sự chuyên tâm trong nhiều kiếp liên tục, con người tiếp xúc được với linh hồn theo một đường lối nào đó, mà không có khả năng hòa hợp với linh hồn. Có sự kiện này vì trong nhiều kiếp nghệ sĩ chịu ảnh hưởng của một cung đặc biệt của phàm ngã, có khả năng vượt bậc trong một địa hạt, và trong bộ môn ấy chứng tỏ có sự tài hoa hơn người thường, nhưng đi kèm với điều ấy lại không có khả năng sống như linh hồn; sự kiệt xuất chỉ có một chiều đưa tới trái nghịch nói trên.
Một  yếu tố khác của sự thất bại còn là do lòng kiêu ngạo quá đáng và tham vọng của nhiều nghệ sĩ. Thường khi ta không thấy có kỷ luật bản thân hay lòng tự chủ, thay vào đó là tài năng bay bổng, thành quả phi thường trong một ngành nghệ thuật, cùng với đời sống đi ngược với tính thiêng liêng được thấy trong thành quả nghệ thuật của họ. Như vậy, công việc của khoa tâm lý mới là tìm hiểu ý nghĩa và tính cách của thiên tài. Thiên tài luôn luôn là sự biểu lộ của linh hồn qua một sinh hoạt sáng tạo nào đó, bằng cách ấy nó tỏ lộ thế giới ý nghĩa, tính thiêng liêng và vẻ đẹp ẩn kín thường bị thế giới hiện tượng che dấu nhưng ngày kia sẽ hiển hiện rõ ràng.
Có sách vở ghi cung bốn là cung nghệ thuật, hàm ý ai chịu ảnh hưởng cung bốn có khả năng hay cảm quan về nghệ thuật mạnh hơn người khác, và cũng cho cảm tưởng là đa số nghệ sĩ  có tư chất thuộc cung bốn. Chuyện không phải vậy, cung nào cũng có người là nghệ sĩ, và không phải chỉ có cung bốn mới có người có sinh hoạt sáng tạo. Tới một lúc nào đó thể trí của bất cứ ai sẽ có cung bốn và thường khi đó là lúc họ gần bước vào đường đạo. Do tính chất của cung bốn, hoạt động sáng tạo, nghệ thuật  là con đường dễ nhất, ít trở ngại nhất trong kiếp ấy, và ta sẽ có người có khuynh hướng nghệ thuật, hay là thiên tài trong một bộ môn. Cùng lúc ấy nếu cung của linh hồn cũng thuộc cung bốn thì ta có nhân vật xuất chúng như nhà danh họa Leonardo da Vinci hay kịch tác gia Shakespeare.

 

B. Tâm  Thức  và  Kinh  Nghiệm

Khi trình bầy đề tài có nét tâm linh, người ta cần thay đổi cách suy nghĩ, nhìn sự việc theo mặt năng lực, tâm thức hơn là điều cụ thể, hình dạng đậm đặc. Sách vở thường nói rằng linh hồn là trung tâm chất chứa kinh nghiệm trong nhiều kiếp của con người, và những thể thấp là trung tâm biểu lộ của linh hồn qua nhiều kiếp. Khi tâm thức con người chuyển dần dần từ cõi vật chất sang những cõi cao hơn, trọng tâm của tâm thức sẽ từ thể xác đi sang những thể thanh khi có thể biểu lộ qua những thể này như tình cảm, trí tuệ. Linh hồn dần dần trở thành trung tâm của tâm thức và những trung tâm nhỏ hơn là các thể càng ngày càng giảm mức quan trọng. Linh hồn bớt kinh nghiệm qua những thể thấp mà thay vào đó, dùng chúng nhiều hơn trong việc phụng sự.
Mức cực độ của giai đoạn này thấy được qua chuyện .. của ông Hodson trong  số này, và bà Blavatsky cũng ghi lại quan sát sau.
Để giải thích rõ hơn điều này, ta hãy so sánh một người sống đời bình thường và một người tham thiền nhập định. Nhìn bề ngoài thì người trung bình có thất tình hỉ, nộ, ái, ố, tham, sân, si; nhưng đó chỉ là  cách diễn tả sự việc là anh đang kinh nghiệm qua thể tình cảm, tâm thức của anh trụ vào thể tình cảm nhiều hơn thể xác và thể trí. Người khác chú tâm vào các vấn đề có tính trí tuệ, tâm thức linh hoạt nơi cõi trí, sử dụng thể trí nhiều hơn hai thể thấp; kế đó với ai chìm đắm trong đại định Samadhi, họ gần như lãng quên chuyện ba cõi thấp, tâm thức không linh hoạt xuyên qua ba thể mà trụ hoàn toàn nơi cõi cao. Nói giản dị thì tâm thức trụ nơi cõi nào, sử dụng thể nào là đang kinh nghiệm chuyện nơi cõi ấy và qua thể ấy (xin đọc bài Núi Kailasa để nắm thêm ý).
Nay ta sang ý niệm kế là trung tâm của tâm thức. Trong giai đoạn đầu của cuộc tiến hóa, linh hồn dùng các thể như là các trung tâm để có kinh nghiệm, trọng tâm vì vậy được đặt vào các thể và các cõi tương ứng. Theo với thời gian, con người có ý thức nhiều hơn về linh hồn, cảm được sự hiện hữu và thúc đẩy của linh hồn, kinh nghiệm có được qua ba thể giảm bớt tầm quan trọng cho tới giai đoạn cuối cùng ba thể chỉ là phương tiện, là dụng cụ để tiếp xúc trong ba cõi. Con người tìm kiếm kinh nghiệm tâm linh, tinh thần hơn là thể chất, tình cảm và tư tưởng.
Vậy thì, chúng ta bàn về năng lực của linh hồn, về tính chất các cung mà không nói về thể, vì cung chính là năng lực tinh thần, và ta cần giữ sự phân biệt này trong các câu chuyện về tâm thức học, tức tránh khuynh hướng cụ thể hóa ý niệm. Thí dụ đưa ra là hạt nguyên tử trường tồn, nơi lưu giữ kinh nghiệm của mỗi cõi. Ta được khuyên nên xem chúng chỉ giản dị là sự biểu lộ của năng lực linh hồn, đáp ứng lại với những năng lực khác mà nó tiếp xúc, hơn là một tâm vật chất có hình dạng rõ rệt như sách vở mô tả, điều sau là khuynh hướng hay gặp. Khi nhìn sự việc theo cách ấy thì các khó khăn về mặt tâm lý có thể chia làm ba loại:
● Một loại khó khăn mà tâm lý gia phải đối phó với những ai có các thể không đáp ứng đầy đủ với môi trường, không thâu thập được nhiều kinh nghiệm. Khi đó, các luân xa trong thể phách chỉ linh hoạt một phần, hệ thống tuyến nội tiết hoạt động bất thường, tồi tệ.
● Loại khó khăn thứ hai có liên quan đến người mà các thể phát triển quá độ, bị kích thích quá mức nhưng linh hồn không làm chủ chúng một cách ý thức. Vào lúc này, tình trạng xẩy ra chính yếu cho thể tình cảm và gây ra hệ quả tương ứng như bệnh về tuyến giáp trạng, liên quan đến luân xa cổ họng
Đây là hai loại thường thấy nhất vì nó biểu lộ nơi đa số người có mức tiến hóa trung bình.
● Loại thứ ba ít thấy hơn vì gặp nơi người đã phát triển xa. Những thể của họ có tính nhậy cảm khác thường, năng lực tuôn tràn từ linh hồn xuống qua các luân xa, cho đáp ứng quá độ với môi trường và do vậy cũng sinh ra khó khăn.
Ta sẽ thấy rằng có nhiều yếu tố khác chi phối sự việc như mức tiến hóa, cung, nhân quả, dân tộc tính, đặc tính giống dân, đặc tính dòng họ. Khi nghiên cứu, ta cần giữ ý tưởng rõ ràng trong trí rằng linh hồn là trung tâm của tâm thức và các thể là trung tâm của kinh nghiệm, và cố gắng loại bỏ ý tưởng nào khác có tính vật chất hơn. Về điểm này quyển 'Study in Consciousness' của bà Annie Besant được xem là có giá trị, vì bà tìm cách tránh lỗi lầm của việc cụ thể hóa các ý niệm tâm linh. Ta được lưu ý là tâm thức con người thường trụ lần lượt trong ba thể, có nghĩa ban đầu tâm thức trụ chính yếu ở thể xác, học hỏi kinh nghiệm cõi trần. Tới một lúc nào đó họ bắt đầu lưu ý đến tình cảm, chuyển dần dần trọng tâm của sự ý thức từ cõi trần sang cõi tình cảm; giai đoạn sau là sự phát triển trí năng với tiến trình tương tự.
Trong các giai đoạn ấy, ta đồng hóa với môi trường kinh nghiệm mà không phải với con người thật, chưa đồng hóa với linh hồn ý thức, nhận biết sự việc. Khi tiến xa hơn sự đồng hóa thay đổi chỗ trụ, ta bớt chú tâm vào môi trường để học kinh nghiệm, mà ý thức nhiều hơn về linh hồn như là tác nhân có ý   thức, suy nghĩ. Sự hiểu biết của chúng ta tùy thuộc vào việc ta đặt trọng tâm vào đâu, thức tỉnh sinh hoạt ở cõi nào và ý thức về điều gì. Đi xa hơn thì sách vở ghi rằng đến một mức nào đó, con người không còn đồng hóa với các thể và tâm thức lại đổi chỗ, không còn trụ vào linh hồn hay các thể thấp mà vào Sự Sống, điều vượt trội hơn các điều này. Nếu điều này khó hiểu ấy là vì đa số chúng ta còn đặt trọng tâm vào các thể thấp và linh hồn chưa làm chủ rõ ràng.
Khoa tâm lý ngày nay gặp chuyện nan giải phần lớn là do luật tái sinh chưa được nhìn nhận một cách khoa học, cũng như chưa được giới trí thức công nhận. Tâm lý gia không có giải đáp cho sự bất bình đẳng là các thể người này có khả năng khác với người khác. Họ không biết được nguyên do sinh ra các thể có tính chất này hay kia, cơ chế hoạt động của chúng khéo léo tinh xảo nơi người A mà sơ sài nơi người B. Thế giới không nhìn nhận có những môi trường kinh nghiệm ngoài cõi trần, không giải thích thỏa đáng những trường hợp tâm lý khác nhau, có người phát triển đồng đều tình cảm và trí tuệ, còn người khác có sự lệch lạc đầy bí ẩn giữa các thể.
Một phần lý do của sự bất lực này là việc nguồn gốc con người và mục đích đời người nói chung không được xét tới, tâm lý học nghiên cứu con người chỉ trong một kiếp ngắn ngủi, và theo tình trạng các thể họ có trong kiếp này. Khi mà luật Tái Sinh chưa được xem như là một giả thuyết thích đáng nhất tức có thêm yếu tố thời gian vào việc nghiên cứu tâm lý, cộng thêm sự hòa hợp của con người vào môi trường chung quanh tức yếu tố không gian, tác động của bẩy cung hay bẩy năng lực trong môi trường và qua các thể, thì không sao có được hiểu biết chân thực về cuộc tiến hóa, diễn trình của nó, và sự phát triển các thể. Ta sẽ không có được minh triết thực sự. Tới đây có phân biệt hai điều, khi con người xem xét môi trường chung quanh thì có được Hiểu Biết, còn Minh Triết sẽ tới khi ta thêm yếu tố thời gian vào sinh hoạt của người, thí dụ như chấp nhận luật Tái Sinh. Linh hồn nhìn sự biểu lộ của nó hay các lần tái sinh như là trọn câu chuyện, do đó xem sự việc đúng tầm mức như không thất chí vì một kiếp vấp ngã hoặc đầy hăng hái khi có kiếp thuận lợi; nó hiểu được giá trị và có được sự tổng hợp trong nội tâm.
Tới đây ta có thể ghi rằng việc linh hồn biểu lộ qua các thể để thu thập kinh nghiệm và phát triển nằm trong ba ý chính:
● Thu thập kinh nghiệm,
● Biểu lộ chính mình, và
● Mở rộng tâm thức cùng môi trường sinh hoạt.
Những vấn đề tâm lý của con người sinh ra từ ba việc làm trên.

 

C. Óc  Tưởng  Tượng.

Đây là một quan năng thiêng liêng với linh hồn là tác nhân sáng tạo, tạo hình trong thế giới hữu hình; sự định tâm trong khi tạo hình, mơ mộng khiến cho thể tình cảm hoàn toàn qui phục linh hồn. Linh hồn làm chủ trọn vẹn và không còn cảm giác phân rẽ, con người thấy viễn ảnh không thể xóa nhòa. Óc tưởng tượng còn là nguồn phong phú cho sự biểu lộ thiêng liêng qua các mặt chuyên biệt như các ngành nghệ thuật khác nhau, tác nhân càng thanh khiết thì sự tưởng tượng càng cao cho ra sinh hoạt có xếp đặt, khác với thái độ buông thả ù lì nói ở trên, không dụng công suy nghĩ. Nhờ phương tiện là óc tưởng tượng, đặc tính và mục tiêu của thượng đế có thể trưng ra dưới một số hình thức trong trí não người, để rồi theo với thời gian, biểu lộ được bằng vật chất. Sự việc đòi hỏi có sự nhậy cảm cao độ, có khả năng đáp ứng với trực giác, và có khả năng trí tuệ để diễn giải điều ta cảm nhận, làm biểu lộ bản tính thiêng liêng.
Việc dùng óc tưởng tượng có tính sáng tạo cho thấy ngay là khả năng này tự nó là môi trường phụng sự rõ ràng. Ở mức cao nhất là nhóm những Đấng thiền định mà sách vở gọi là các vị Nirmanakayas. Các ngài hoàn toàn chuyên chú vào việc cảm nhận, nỗ lực biểu lộ những bản tính mà ngày kia trở thành quen thuộc với con người là Tình Thương, Mỹ Lệ, Tổng Hợp. Ở mức thấp hơn nhiều, ai theo trình độ tâm thức của mình gắng công thể hiện bản tính của linh hồn trong đời, là bắt đầu làm việc tương tự như các Đấng thiền định. Ta được khuyên rằng dùng óc tưởng tượng cách này là có sự huấn luyện tốt đẹp cho việc làm mai sau ta phải đảm đương khi tiến xa hơn. Tập luyện mang lại kết quả vì khi dùng khả năng tưởng tượng khiến mình tràn ngập tình thương thí dụ vậy, con người tạo nên cây cầu nối liền phần trên thiêng liêng và phần dưới phàm tục, nó là ý nằm sau câu nói:
'Con người nghĩ sao, hy vọng và muốn điều gì  thì trở thành và có được  như vậy.'
Đó là nhận định về một sự kiện bất biến. Khi tâm lý gia đương thời hiểu nhiều hơn mục đích sáng tạo của con người, tìm cách phát triển quan năng này một cách xây dựng hơn cộng với ý chí có định hướng, thì ta sẽ thực hiện được nhiều việc. Cả hai là dấu hiệu của tính thiêng liêng nơi ta, khi được nghiên cứu, phát triển một cách khoa học và sử dụng chúng sẽ cho ta hiểu mau lẹ hơn về con người. Hai khả năng này thường thấy ngay cả nơi trẻ con, và việc phát triển óc mơ mộng (fantasy) cùng tập cho trẻ biết chọn lựa (nhắm tới việc chúng có mục tiêu thứ tự trong đời), sẽ là hai trong số các lý tưởng chính của cách giáo dục mới.
Sự mơ mộng gợi óc tưởng tượng, cho cảm nhận về mỹ lệ và ý niệm về thế giới nội tâm; còn quyền chọn lựa dựa vào câu hỏi tại sao, để làm gì mà nếu được dạy từ lúc nhỏ, sẽ mang lại ích lợi to tát cho nhân loại, đặc biệt là trong tuổi thành niên, trí óc đang nẩy nở được hướng dẫn để lưu tâm đến tình trạng và chương trình cho thế giới. Bốn điều sau:
– Ý tưởng về mơ mộng
– Ý tưởng về chọn lựa
– Ý tưởng về tính đại đồng
– Ý tưởng về mục đích có thứ tự
nên là kim chỉ nam cho cách ta tập luyện trẻ nhỏ, linh hồn vừa đang tái sinh. Tâm hồn mơ mộng khiến óc tưởng tượng làm việc, cho tình cảm có lối thoát mang tính xây dựng; điều này được cân bằng và thúc đẩy do việc chấp nhận quyền có chọn lựa đúng và ý nghĩa của các giá trị cao. Nay xin trình bầy hai điều có liên quan đến óc tưởng tượng.

1. Một cách giáo dục có mang những tính chất nói ở trên và được Thiên đoàn (Hierachy) gợi hứng là phương pháp Montessori.  Bác sĩ Maria Montessori (1870 – 1952) là người Ý, việc giáo dục phái nữ không được coi trọng trong thời đại của bà nhưng Maria đi ngược lại quan niệm thường có, không thuận theo ý cha mà vào học trường kỹ thuật, sau đó theo học y khoa. Ban đầu bà chuyên về chữa trị trẻ em có trí tuệ yếu kém, tự tạo ra học cụ để giúp các em học. Cách giảng dạy có hiệu quả đến mức học sinh của bà qua được kỳ thi dành cho những trẻ có trí tuệ bình thường, đồng tuổi với các em.
Nhìn kết quả dó, bà Montessori tin rằng trẻ bình thường có thể cho thành quả tốt đẹp hơn nữa. Khi các viên chức thành phố Rome muốn chỉnh trang thành phố, bà được mời lập trường học cho trẻ nhỏ trong khu vực nghèo San Lorenzo của  Rome, nơi mà trẻ không tha thiết đến chuyện học và chính quyền e ngại nạn du đãng có khuynh hướng lan tràn. Tuy nhiên khi phương pháp của bà được áp dụng thì người ta thấy khung cảnh lớp học làm thay đổi hành vi của học sinh; chúng tỏ ra độc lập, tự tin, có trật tự và thành trẻ dễ thương. Kết quả này làm thế giới chú ý và bà bắt đầu công nghiệp của đời mình là huấn luyện thầy cô theo phương pháp mới và thành lập thêm nhiều trường dạy phương pháp Montessori.
Đặc điểm lớp học của bà là bàn ghế được đóng theo cỡ vừa tầm với học sinh, tức là có kích thước nhỏ lại; tủ, kệ cũng có chiều cao thích hợp với các em, cho học sinh cất dụng cụ, đồ đạc của mình. Bà phải liên tục soạn bài mới, tạo học cụ mới vì trẻ ham thích nên học mau lẹ và cần chúng. Ngoài ra phương pháp còn dựa trên sự quan sát một cách khoa học mức phát triển của trẻ, trong đó là nhận thức nói rằng có vài giai đoạn quan trọng mà khi trẻ phát triển đủ và sẵn sàng, em sẽ học nhiều điều dễ dàng hơn những lúc khác, thí dụ như ngôn ngữ.
Khi bà qua đời năm 1952, các trường học theo phương pháp Montessori được thành lập khắp nơi trên thế giới, ý tưởng tân kỳ của bà được áp dụng rộng rãi tới mức trở thành tiêu chuẩn cho lớp học ngày nay như:
– Kích thước bàn ghế như đã nói.
– Trường có dụng cụ như thang, xà gỗ cho các em leo trèo để vận động
– Lớp học chung gồm trẻ nhiều lứa tuổi khác biệt để giúp nhau học,
– Khung cảnh tự do, học sinh đi lại tự nhiên không bó buộc trong lớp, và được cho tự chọn tài liệu để học, thí dụ như tự chọn sách để tập đọc.
Nhìn vào trẻ nhỏ, bà thấy nhiều điều mà người thường không nhận ra. Bà dạy thầy cô nhận biết con người ẩn kín bên trong của trẻ, tin rằng nó sẽ lộ ra qua hoạt động sáng tạo; công việc của thầy cô là tìm hoạt động thích hợp cho mỗi trẻ, và khi các em mê mải, yên lặng làm việc thì người ta phải đi nhẹ nhàng, nhón chân để không làm xáo trộn khung cảnh lạ lùng bí ẩn của trẻ tìm thấy được chính em. Bà nói hoạt động sáng tạo của một em tạo nên bầu không khí lôi cuốn những học sinh khác, và tới phiên các em này có sinh hoạt sáng tạo riêng của mình; cuối cùng trọn lớp học sẽ hóa ra yên lặng làm như ở trong trạng thái tham thiền.

 

2. Phát triển bằng óc tưởng tượng.

Có hai bài trong số PT 54 đặc biệt nói về sự quan trọng của óc tưởng tượng khi tập luyện chuyện tinh thần. Bài Con Đường Lành Bệnh trang 11 – 12 ghi:
Hãy tập dùng kỹ thuật mà tôi đã đề nghị khi trước, tức khả năng 'thấy và cảm' ngụ ý việc dùng trí tưởng tượng và quan năng cao hơn nữa là trực giác. Hãy cố 'thấy' những ý niệm mà ta đang nói đây như là các Quyền Năng hoạt động bên trong và xuyên qua cuộc sống, trong mọi khía cạnh từ cái nhỏ nhất đến cái cao nhất của trọn sự sống.
Óc tưởng tượng, xin nói lần nữa, là cách có giá trị nhất ở đây, vì khi sử dụng đúng đắn (tức không để cho nó đi lạc sang mộng tưởng) có thể dẫn tới sự phát triển quan năng tuyệt diệu hơn hết là trực giác, điều vẫn còn trong tình trạng phôi thai nơi đại đa số nhân loại.

và chuyện Vị Chân Sư trang 75 – 76 giải thích chi tiết cách dùng khả năng này để tạo đức tính:
Óc tưởng tượng, thầy bảo, là chiếc thang thiêng liêng mà Thượng đế tạo nên để nhờ đó người chí nguyện có thể lên tới đỉnh cao của ý thức. Ai chỉ mơ màng vẩn vơ là dùng sai khả năng tưởng tượng.

Ta được dạy rằng khi tham thiền về một đề tài, hãy tưởng tượng mình trở thành đề tài ấy, hãy cảm và biết mà không phải chỉ dùng trí tuệ để tìm hiểu. Ở mức độ thấp và trong môi trường ta đang sống,  lợi ích của khả năng này đã được khoa tâm lý áp dụng vào nhiều trường hợp, thí dụ sách vở ghi ta hãy xử sự 'như là – as if' mình thoải mái đầy tự tin, khả ái vui vẻ trong hoàn cảnh thấy trước là có thể thiếu lòng tự tin do thói quen, bị căng thẳng, rồi thì chẳng những ta cảm thấy mình tự tin, thân thiện mà người khác cũng thấy ta như vậy.
Chỉ dẫn dựa trên nhận xét rằng khi ai hết mực tin tưởng điều gì thì nhiều phần là niềm tin mạnh mẽ chiếm trọn tâm trí, khiến họ không còn nghĩ đến chuyện làm mình lo ngại và kết quả là không bị nó chi phối. Ta cũng theo cách này khi lập hạnh 'tạo thể body building' hoặc tham thiền, óc tưởng tượng đi kèm với sự tha thiết một lòng một dạ hướng đến chân lý giúp được ta rất nhiều để trở thành chính chân lý ấy. Xin bạn đọc lại hai bài và nghiền ngẫm thêm lời dạy.
Một câu chuyện vui nói lên phần nào ý này, kể rằng anh bạn tập định trí nên tham thiền về con bò. Buổi thiền xong nhưng không thấy anh ra, gọi mà anh vẫn ở trong phòng. Lại gần thì nghe anh nói hổn hển:
– Không được, sừng lớn quá không lọt qua cửa, tôi mắc kẹt ở đây.
Sự tưởng tượng mạnh tới mức trong tâm trí anh đã đồng hóa với con bò, tin rằng mình có hình dạng của nó.
Khoa tâm lý tinh thần xét ra rất thực dụng trong đời, vì nó giải thích các loại khó khăn và bệnh tật mà con người gặp phải trong những chặng phát triển. Vào lúc này, ai quan tâm đến giáo dục hoặc sự huấn luyện huyền bí của con người nên học hỏi kỹ về khoa,  tìm hiểu nguyên do các vấn đề tâm lý ở bậc cao cũng như bậc thấp. Câu chuyện bao trùm mọi trình độ tiến hóa và cần xem xét theo quan điểm là sự hoạt động của năng lực, điều chưa có được mấy hiểu biết hiện nay.

 

Sách tham khảo:
- Esoteric Psychology, vol. 2  Alice A. Bailey.
- The Quest, số Mar–Apr 08, 'Montessori and the Theosophical Society ' , Winifred Wylie.

Xem Tâm Thức Học (3)

leaf1leaf1egyptgeesleaf1