SHARING THE LIGHT 2

Bộ Sharing the Light do nhà xuất bản Theosophical Publishing House, Philippines cho ra năm 2008 gồm hai cuốn, cuốn 2 đã được giới thiệu trong số PST 57 nên trong số này xin điểm về cuốn 1. Sách dầy hơn 900 trang, là tuyển tập những bài viết hay giảng của tác giả Geoffrey Hodson trong hơn 50 năm ông đi giảng về Theosophia tại các nơi trên thế giới. Với một thời gian dài như thế và với những bài viết xuất hiện trên nhiều tạp chí khác nhau ở Hoa Kỳ, New Zealand,  Úc, Ấn Độ, Nam Phi, việc sưu tập chúng để xếp thành sách là công trình lớn rất đáng khen. Chủ đích của sách là truyền lại chỉ dạy sang thế hệ sau, hầu cho hiểu biết không bị mai một. Dầu vậy, việc tìm kiếm cho thấy một số tạp chí có đăng bài của ông đã bị thất lạc. Có bài xuất hiện vào năm 1927, điều ấy có nghĩa nhiều người thuộc thế hệ hiện giờ chưa được đọc chúng và như thế, những nghiên cứu lý thú bằng thông nhãn không được các hội viên biết tới nếu không được gìn giữ. Thêm vào đó, người ở nước này có thể không đọc tạp chí TTH nước khác và do vậy cũng sẽ bỏ sót hàng trăm bài của ông.
Các bài viết được chia theo đề mục, từ triết lý cao nhất dến những phương pháp thực tiễn để chữa bệnh, dùng thông nhãn tìm hiểu những dữ kiện lịch sử, ứng dụng về mục đích thứ ba của hội Theosophia, và có giá trị hơn hết thẩy là việc áp dụng hiểu biết MTTL vào cuộc sống. Có nhiều bài với nội dung tương tự về nhu cầu cấp bách là trưng ra MTTL cho thế giới, đây là một khuyết điểm nhỏ của công trình mà không phải của tác giả, vì tự nhiên là thông điệp về sự cần thiết phải phổ biến MTTL cho quảng đại quần chúng được ông Hodson giảng ở những nơi mà ông đến nói chuyện, trong đó có Việt Nam; khi gom các bài lại thành sách thì có sự trùng lập. 
Một trùng lập khác nữa cũng thấy là sự xác quyết mạnh mẽ của ông về các đấng cao cả và con đường hoàn thiện trong nhiều bài. Ngày nay khi trình bầy những điều này cho thế hệ mới, có lẽ ta sẽ dùng cách khác với tâm tình khác, nhưng đọc lại bài viết đầy nhiệt thành mà còn hơn nữa là với kinh nghiệm cá nhân, người đọc không khỏi cảm thấy được gợi hứng, hiểu rằng việc theo bước các Chân Sư  là điều có thể thực hiện được, và phụng sự là lý tưởng đáng ao ước.
Nếu so sánh thì xem ra quyển 1 đặc sắc hơn quyển 2, có nhiều bài nghiên cứu về quyền năng của thầy mo, thầy pháp trong các bộ lạc da đỏ ở bắc Mỹ; ông được chứng kiến nghi lễ cầu đảo, quan sát ảnh hưởng của nghi lễ nơi cõi vô hình, giúp giải thích việc có mưa sau buổi lễ. Độc giả nào ưa thích chuyện thiên thần sẽ hài lòng với bài về hoạt động của các ngài với cây cỏ, núi đồi, âm nhạc. Nhờ đi lại nhiều nơi, ông có cơ hội tiếp xúc với đủ loại thiên thần, thí dụ như Đức Mẹ Thế Giới chủ trì ngọn Everest, đại thiên thần trông coi ngôi đền Phật giáo Boro-Budur tại Indonesia; nhận xét và cảm tưởng của ông cho ra chi tiết thú vị.
Trọn bộ 2 cuốn giá 58$ US. Chi tiết về cước phí và nơi gửi mua sách có trong trang web www.theosophy.ph
Lần lượt PST sẽ trích đăng những bài lý thú trong sách, sau đây là bài về người da đỏ trang 603.

 

Người da đỏ Mỹ châu luôn là hình ảnh đầy thắc mắc do lịch sử bi thảm của họ, sự lặng thinh, gương mặt thản nhiên, vóc dáng thanh tú, kho chuyện phong phú, y trang hấp dẫn, nghệ thuật và thủ công của họ, và ấn tượng về sự thanh cao bẩm sinh mà họ gợi nên ngay trong cảnh nghèo nàn khốn khổ, lẫn dòng giống cổ xưa từ một quá khứ huy hoàng. Lối sống của họ mà phần lớn vẫn là chăn nuôi và theo cộng đồng, tỏ ra trái ngược hẳn với lối sống của người da trắng chung quanh; thế nên khi bước vào một làng da đỏ, nhất là nơi mà du khách ít khi ghé qua, là bước vào một thế giới khác.
Cho dù sắc dân này dã rơi vào sự bần hàn – do những nguyên nhân mà người da trắng chúng ta đều phải nhìn nhận là một vết nhơ trong lịch sử của chúng ta – họ vẫn còn gìn giữ được phần nào phẩm cách, sự bình an và mỹ lệ của cuộc sống. Trong chuyến ghé thăm Hoa Kỳ, nhờ hảo ý của các thân hữu mà người da đỏ tin cậy, tôi được quan sát khía cạnh bên trong của vài điều trong sinh hoạt của họ, với kết quả như sau.
Lần tiếp xúc thực sự đầu tiên của tôi là ở nơi hẻo lánh trong tiểu bang Arizona, xa cách hẳn với đời sống văn minh, khi từ đàng xa chúng tôi thấy một toán kỵ mã người da đỏ đang băng qua sa mạc. Khi lộ trình hai bên tiến lại gần nhau, tôi rời xe và đi bộ một quãng về những kỵ mã. Họ nhã nhặn quay ngựa về hướng chúng tôi cho đến khi đôi bên giáp mặt. Người da đỏ vẫn ngồi trên yên, nhã nhặn đáp lại dấu hiệu chào hỏi mà vẫn giữ khoảng cách, sự thản nhiên là cung cách thường ngày của họ. Chúng tôi vuốt ve bầy ngựa, chúng rất nhát, và sau vài phút giao tiếp lặng lẽ mà kỳ lạ thay lại rất mãn ý, người da đỏ quành ngựa đi về nhà phíaxa trong sa mạc.
Cuộc gặp gỡ này tạo ra một ấn tượng đánh kể cho tôi. Tôi cảm thấy như được mang trở về châu Atlantis cổ xưa, và gặp một nhóm người Atlantis thanh nhã cỡi ngựa đi chơi sáng – mà quả thật là vậy, vì đa số người da đỏ Mỹ châu là dấu tích sót lại của dân Toltec oai hùng một thời, là chi chủng thứ ba của mẫu chủng Atlantis.
Tôi lại có được nhiều cơ hội khác để gặp người da đỏ, trong chuyến thuyết trình một tháng tại thành phố cổ Santa Fe thuộc tiểu bang New Mexico. Vùng này là trung tâm của một số nền văn hóa lâu đời nhất của người da đỏ tại Mỹ châu, lâu như là người da đỏ Pueblo đã sống từ thời thượng cổ trong thung lũng của sông Rio Grande từ New Mexico ra tới biển.
Ở đây tôi có một kinh nghiệm đáng nhớ. Một buổi tối tại làng nhỏ của người da đỏ ở chân núi Black Mesa, nơi mà tổ tiên của người da đỏ hiện thời đã đánh bại quân Tây ban nha, thầy pháp của làng, được xem như là sư trưởng và xã trưởng, dần dần cởi bỏ tính lạnh lùng gần như sắt đá của người như ông, giảng cho tôi hay vài điều về vai trò này, sự huấn luyện theo tập tục cho ai nhận lãnh chức vụ ấy, đời sống nội tâm của ông, việc tiếp xúc với thần linh, ý nghĩa của vào cuộc vũ, và chót hết là câu chuyện về Poseiyemo, đấng Cứu thế của người da đỏ Pueblo. Những quan sát dưới đây dựa trên các kinh nghiệm này, được ghi lại vào lúc đó và nay trình bầy như là theo mục đích thứ hai và thứ ba của hội Theosophia.

 

Thiên Đàng Săn Bắt

Sau khi chết, người da đỏ thấy mình ở nơi y hệt như khi họ sống dưới trần, mà hoàn toàn được tự do không bị sắc dân ngoại lai khác chế ngự. Mọi khát khao mơ tưởng một đời sống kiểu da đỏ ngày xưa giờ được hiện thực đầy đủ, họ có nhau bên cạnh lẫn thần linh trông nom trong vùng được che chở là thiên đàng săn bắt – một vùng đặc biệt của cõi trung giới.
Trong nhiều trường hợp, các thần linh của sắc dân này là thiên thần hộ mạng. Một số thiên thần được giao việc chăm sóc bộ lạc từ thuở xa xưa, và vẫn còn trông nom với lòng từ sâu đậm số người đang suy tàn, thuộc sắc dân đã có lần hùng mạnh và hạnh phúc. Có một đại thiên thần cho người da đỏ Pueblo, ngự trị một vùng bao trùm thành phố Santa Fe ở giữa và lan ra khoảng 90 cây số về các hướng  bắc, nam và tây.
Tôi quan sát thấy ngài có nhiều tính chất cung hai hơn là cung một, tràn đầy tình thương và lòng từ ái lớn lao cho con cháu rơi rớt lại của sắc dân oai hùng mà ngài chăm lo. Có vẻ như nhiệm vụ của ngài bắt đầu từ thuở có Kim Môn Đô (xin đọc chuyện Vòng Tái Sinh, trong PST và trên trang web) của châu Atlantis. Vị Trưởng Giáo nơi đây giao cho ngài trông coi cuộc di dân lập thuộc địa mới. Chuyện xẩy ra ít nhất một triệu năm về trước, và từ lúc đó thiên thần chủ trì vận mạng của sắc dân; mới đầu nó là một nhóm nhỏ, về sau thành đoàn người hùng mạnh và bây giờ chỉ còn rải rác đó đây vài ngôi làng, là nhà của sắc dân trên đường tàn lụi. Bộ lạc xem ngài là thần linh.
Dưới quyền vị Thiên thần ngự trị người đa đỏ này là một số thuộc cấp, mỗi làng có một vị, các ngài làm việc chính yếu xuyên qua thầy pháp, và một phần cuộc huấn luyện thầy pháp là để liên kết một cách hữu thức với các ngài. Công việc của Thiên thần là trợ giúp khi sinh nở, từ trần, những nghi lễ trong bộ lạc, việc chỉ định và chứng đạo cho các thầy pháp mới và tù trưởng mới, nhất là việc chăm nom cho ai qua đời, cũng như là việc gây ảnh hưởng đạo đức trong bộ lạc. Thêm vào đó, Thiên  thần còn được xem là có trách nhiệm với điều trọng yếu cho cuộc sống của bộ lạc, là sự cung cấp nước.

Những thần linh này đóng vai trò quan trọng cho cảnh sống sau khi chết của người da đỏ, gìn giữ và bảo vệ khu thiên đàng săn bắt, là những vùng thuộc cõi trung giới được dành riêng cho người da đỏ đã quá vãng. Trong những vùng này, các điều kiện lý tưởng nay không còn có thể có nơi cõi trần được tạo ra cho họ, vì chúng quan trọng cho sự phát triển của người da đỏ. Ở đó, các tù trưởng cao niên và thầy pháp, hằng trăm người thuộc các bộ lạc khác nhau vui hưởng trở lại cảnh sống của dân họ trước khi có cuộc  xâm lăng của người da trắng.
Trong các dịp lễ hội, thiên thần và những người da đỏ quá vãng nỗ lực giúp cho người nơi cõi trần cảm biết đôi điều về chốn thiên đàng này. Việc chuẩn bị nghi lễ, trai giới, nhịn ăn và tham thiền, sau đó là những cuộc vũ, có tác dụng là khiến những thể thanh và thể xác của người trần rung động theo một mức rộng hơn, làm họ thông thương được phần nào với cõi vô hình và những tâm thức cao hơn. Điều này có thể không thành công làm họ có được kinh nghiệm thực sự, dầu vậy họ nhận biết là tâm thức có thay đổi, có được sự xuất thần lâng lâng, cảm thấy tự do thoát khỏi thế giới này – nhất là khỏi giới hạn mà nền văn minh hiện tại áp đặt lên họ.
Khi xưa, người da đỏ đạt tới sự xuất thần mê man cao hơn ngày nay, vì bộ lạc được các huyền bí gia hướng dẫn, có hiểu biết và quyền năng cao hơn thầy pháp hiện giờ. Mỗi năm vào tháng bẩy khi có nhiều cuộc vũ theo nghi lễ được diễn ra,  có vẻ như các huyền bí gia này – là người cử hành nghi lễ – sử dụng đặc biệt những lực và nhịp của đất và lửa. Trong trường hợp một bộ lạc riêng biệt sinh sống ở làng San Domingo, cuộc vũ ở cõi trung giới đã được thực hiện, lửa thiêng đã nhóm cháy, lực của địa cầu được triệu thỉnh và tụ vào một kho chứa tám ngày trước khi có lễ hội ở cõi trần. Ta sẽ bàn thêm điều này về sau.

Như đã nói ở trước, sau khi chết người da đỏ được đền bù phần nào cho những đau khổ trong kiếp sống ở cõi trần, và các thần linh của sắc dân lẫn của bộ lạc đóng một phần quan trọng trong đó. Trọn bầu không khí của đời sống văn hóa đã phát triển cao của bộ lạc được bảo tồn trong thiên đàng săn bắt, và khi qua đời thì người da đỏ lập tức bước vào đó, ngoại trừ trường hợp vi phạm nghiêm trọng luật của bộ lạc và đạo đức khiến họ không được vào.
Đối với người ngoài, thiên đàng săn bắt được tạo dựng như vậy chắc chắn xem ra gây bất lợi về vài mặt, vì nó làm kéo dài cảnh sống cõi trung giới, khiến tâm thức và lòng ham muốn mạnh mẽ trụ vào quá khứ thuần cuộc sống da đỏ. Điều này – về mức độ nào đó – hẳn đã làm người da đỏ kháng cự lại sự thay đổi và những diễn trình tiến hóa khác, và cũng làm trì trệ sự tan rã thể tình cảm và thể trí cùng sự trở về tâm thức của Chân nhân.
Làm như người da đỏ sống cõi Devachan ở cõi trung giới (thay vì bình thường là ở cõi trí), cộng thêm với đời sống bình thường ở cõi này, mà trong những điều kiện của nơi đây thì là một loại thiên đàng đối với họ. Có thể cõi Devachan không có nơi chốn cố định, mà sẽ là cõi trung giới cho sắc dân xưa, cõi trí cho sắc dân sau này thiên về trí tuệ, cõi bồ đề cho người tiến hóa v.v. Theo cách ấy thì thiên đàng săn bắt của người da đỏ gốc Atlantis tự nhiên là nằm ở cõi trung giới.
Nói thêm về điều ở trên thì một bất lợi thấy rõ khác là làn rung động đặc biệt và tâm thức của người da đỏ ghi đậm nét nơi cá nhân, nên khi họ tiến bước qua những giống dân khác, khuynh hướng đổi sắc dân trong những lần tái sinh, và khả năng thích nghi với đời sống trong những chi chủng tiến hóa hơn, đều bị sút giảm. Đây là điều quan tâm đối với đấng cao cả coi sóc giống dân Atlantis là đức Manu Chakshusha, và chắc chắn ngài có lý do để cho phép hệ thống được duy trì.
Việc mẫu chủng thứ tư tàn lụi dần trong trường hợp người da đỏ có vẻ như bị trì hoãn thay vì được thúc đẩy, do việc tiếp xúc với người da trắng. Cách người da trắng đối đãi với họ – tàn bạo không thể tưởng được – có tác động là khiến người da đỏ không muốn tái sinh và muốn thỏa nguyện với giấc mơ về đời sống sau khi chết, vì tình trạng hiện nay nơi cõi trần không cho họ mấy hy vọng có được sung túc và hạnh phúc nơi cõi trần như ngày xưa.
Tìm hiểu về vấn đề này, tôi kết luận là tuy sự thực như thế, nhiều người đang được cho vào những sắc dân khác theo từng nhóm nhỏ. Một số đi vào chi chủng Mông Cổ, có thể là bước trung gian để rồi tái sinh ở phương tây. Người tiến hóa hơn – nhất là ai thích ứng với người da trắng và có lòng ưa thích họ – đi ngay vào giống da trắng, nhiều nhất là thành người Mỹ và Canada gốc Anh.

 

The Theosophist, vol. 57, 1936. G. Hodson.

Xem Sharing the Light 1