VÀI QUI TẮC NHẬT HÀNH

 

 

Tựa

 

Thoạt tiên, những câu trích lục trong quyển sách nhỏ này không được dự định in phổ biến. Vì thế chúng nó có vẻ rời rạc.
Những câu trích lục được đăng trước hết trong tập Theosophical Sifting với hy vọng độc giả hội ý để tự trích về sau ra những đoạn văn cho riêng mình trong khi đọc sách. Được vậy, sự đọc sách tăng thêm phần hữu ích thực tế.
Khi áp dụng phương pháp này độc giả nên suy gẫm tìm ý nghĩa chánh của mỗi đoạn văn.
Nhà học giả có thiện chí được khuyến khích nên lập chương trình đọc một số lời dạy mỗi sáng, cố gắng sống với lời dạy dỗ đó trong ngày và suy gẫm về chúng mỗi khi thuận tiện.

 

I

Bạn hãy dậy sớm. Ngay khi vừa thức giấc, bạn không nằm trên giường, nửa mơ nửa tỉnh. Hãy sốt sắng cầu nguyện cho nhân loại tăng trưởng về tinh thần. Cầu cho những ai đang tranh đấu trên đường đạo lý được khích lệ và làm việc sốt sắng thành công hơn. Xin cho bạn được thêm sức mạnh và không nhượng bộ trước các cám dỗ của giác quan.
Bạn hãy hình dung trong trí thánh dung của Sư Phụ của bạn như đã giao tiếp khi đại định. Đặt hình ảnh trước mặt với đầy đủ chi tiết. Nghĩ đến Ngài với niềm tôn kính, và nguyện xin  tất cả lầm lỗi của những việc làm và của các điều sơ sót đều được tha thứ. Điều này sẽ giúp cho việc tập trung tư tưởng được dễ dàng, thanh lọc tâm hồn và phụng sự được nhiều hơn nữa.
Hoặc bạn hãy suy gẫm về các nhược điểm của tính tình bạn: Nhận thức thông suốt các sự xấu xa và các thú vui phù du chúng đem lại cho bạn. Bạn mong muốn chắc chắn rằng bạn sẽ cố hết sức không nhượng bộ chúng lần sau. Sự tự phân tích này và sự tự đem mình đặt trước ngưỡng cửa  của lương tâm, giúp sự tiến bộ tinh thần của bạn từ đây được dễ dàng đến một mức độ không tưởng tượng nổi.
Khi bạn tắm rửa, bạn cũng luyện tập ý chí của bạn trong suốt thời gian đó, là các sự nhơ uế đối với đạo lý cũng phải được tẩy sạch đi cùng với các sự nhơ uế xác thân.
Trong sự giao thiệp với người khác, bạn hãy xem xét các qui tắc dưới đây:
1. Không làm bất cứ điều gì không phải là bổn phận mình, tức những gì không cần thiết. Trước khi làm một điều gì, bạn hãy suy nghĩ xem đó có phải là bổn phận bạn phải làm hay không.
2. Không bao giờ nói một điều chi không cần thiết. Hãy suy nghĩ đến các hậu quả của các lời bạn nói trước khi thốt ra. Không được chính mình vi phạm các nguyên tắc của mình bởi áp lực của đoàn thể mình.
3. Không được để trí mình có bất cứ tư tưởng vô ích hay không cần thiết nào. Điều này nói dễ hơn làm. Bạn không thể làm cho trí bạn trống không ngay lập tức. Cho nên lúc đầu bạn hãy cố gắng ngăn chặn các tư tưởng vô ích hay xấu xa bằng cách để trí bạn lo việc phân tích các điều nhầm lẫn của bạn hay là bạn suy ngẫm đến các Đấng Toàn Thiện.
4. Trong các bữa ăn, bạn hãy luyện tập ý chí bạn rằng thức ăn phải được tiêu hóa thích đáng, và xây dựng cho bạn một xác thân điều hòa với các nguyện vọng tinh thần của bạn và không tạo nên dục vọng và các tư tưởng xấu xa.
Bạn chỉ ăn khi đói và uống khi khát, không bao giờ làm sái điều này. Nếu có vài món đặc biệt làm bạn thèm thì bạn chớ nhượng bộ mà ăn cho sướng miệng, thỏa thích khát khao. Hãy nhớ rằng sự vui thỏa bạn được hưởng, trước đó mấy phút không có, và sau đây vài phút nó cũng chẳng còn. Đó chỉ là một vui thỏa phù du, mà niềm vui đó sẽ trở thành nỗi khổ nếu bạn hưởng quá nhiều. Bạn nhớ rằng đó chỉ là sự vui sướng cho cái lưỡi mà thôi, và nếu bạn đã khổ sở nhiều để hưởng điều đó và bạn để cho mình nhượng bộ nó, thì rồi bạn sẽ không còn biết hổ thẹn trước một điều gì cả.
Bạn hãy nhớ rằng trong lúc còn có một mục tiêu khác có thể đem đến cho bạn ân lành vĩnh cửu mà bạn lại tập trung các sự quyến luyến của bạn vào một điều phù du thì thật đáng tiếc. Bạn không phải là xác thân, bạn cũng không phải là giác quan, cho nên sự vui hay sự khổ của chúng không bao giờ ảnh hưởng thực sự đến bạn được. Hãy thực tập một loạt các điều lý luận như thế đối với mọi sự ham muốn khác, và dù bạn có thường thất bại, bạn cũng sẽ đạt đến thành công chắc chắn.
Chớ đọc nhiều, nếu bạn đọc mười phút hãy suy gẫm nhiều giờ. Hãy tập lấy thói quen tĩnh lặng, cô đơn, chỉ giữ lại tư tưởng của mình với mình mà thôi.
Hãy quen nghĩ rằng không ai bên cạnh bạn có thể phụ giúp bạn được, và bạn dần dần cắt đứt những sự quyến luyến đối với tất cả sự vật.
Trước khi ngủ, bạn hãy cầu nguyện như buổi sáng. Hãy xem xét lại các hành động trong ngày, và coi bạn đã thất bại ở chỗ nào, cùng là quyết định rằng bạn sẽ không thất bại về những điều đó ở ngày mai. (The Theosophist, Aug '89, p. 647)

 

II

Ðộng cơ chân chính để tìm kiếm sự hiểu biết về bản ngã là chính vì sự hiểu biết chớ không phải vì bản ngã. Sự hiểu biết về bản ngã đáng tìm kiếm bởi đặc tính của sự hiểu biết, chớ không phải vì đặc tính tìm hiểu của bản ngã.
Ðiều kiện cần yếu nhất để đạt sự hiểu biết về bản ngã là tình yêu trong sạch. Khi tìm kiếm sự hiểu biết vì tình yêu trong sạch thì rốt cuộc sự hiểu biết về bản ngã sẽ làm vinh quang cho công cố gắng.
Sự kiện mà một sinh viên dần dần nản chí, là một minh chứng rõ ràng rằng : sinh viên ấy làm việc vì phần thưởng chớ không vì tình yêu, và đã đến lúc cần cho y thấy không xứng đáng hưởng sự vinh quang cao cả dành cho những ai làm việc thực sự vì tình yêu trong sạch. (The Theosophist, Aug '89, p. 663)
“Thượng Ðế” ở trong lòng ta là Tinh thần của Tình yêu và Chân lý, của Công bằng và Minh triết, của Thánh thiện và Quyền lực.  “Thượng Ðế nơi tâm” hẳn phải là :
- Tình yêu chân thành duy nhất và trường tồn của ta;
- Tín nhiệm bất biến của ta đối với mọi vật;
- Ðức tin duy nhất của ta vững vàng như núi đá, đáng tin cậy mãi mãi;
Hy vọng duy nhất của ta không bao giờ làm ta thất vọng, dù  mọi điều khác tan vỡ; mục tiêu duy nhất mà ta phải đạt được do lòng kiên nhẫn của ta. Ta vui lòng chờ đợi cho tới khi nào nghiệp quả xấu tan hết và ta sẽ thấy 'Đấng Cứu Độ thiêng liêng' xuất hiện trong linh hồn ta.
Cái cửa mà con người bước qua được gọi là An phận. Bởi vì người nào bất mãn với chính mình thì cũng bất mãn với định luật  đã tạo ra mình. Chính Thượng đế là Định luật nên Ngài không đến với kẻ nào bất mãn với Ngài. (Theosophical Sifting No. 8, Vol. ii, p. 9, Hartman)
Nếu ta chấp nhận rằng ta đang ở dòng tiến hóa thì mỗi hoàn cảnh đến với ta phải thật là hợp lẽ. Chính sự thất bại của ta khi không hoàn thành được các công việc, lại là sự giúp đỡ lớn lao nhất: không thể học bằng cách nào khác hơn là với sự an tĩnh mà Đức Krishna thường nhắc nhở. Nếu tất cả các kế hoạch của ta thành công hết thì ta không nhận thấy được các sự tương phản như thế nào. Cũng vì có nhiều kế hoạch ta dựng nên một cách mù quáng và do đó lầm lẫn, nên Tạo hóa tốt lành không để cho các kế hoạch ấy thành tựu. Ta không bị trách cứ vì kế hoạch, nhưng ta có thể gặt hái quả xấu vì đã không chấp nhận sự không thể hoàn thành một kế hoạch.
Nếu ta ngã lòng thì tư tưởng của ta sẽ giảm bớt sức mạnh. Một người có thể bị giam hãm trong tù mà vẫn có thể làm việc cho sự tiến hóa tinh thần của nhân loại. Vậy, tôi cầu mong bạn hãy vứt bỏ mọi sự chán ghét những hoàn cảnh hiện thời ở trong đầu óc bạn đi. Nếu bạn thành công được trong việc nhìn tất cả như là đúng với ao ước thật sự của Chân ngã bạn, thì điều này sẽ chẳng những làm gia tăng sức mạnh tư tưởng bạn, mà còn ảnh hưởng đến xác thân bạn và làm cho nó mạnh khỏe hơn. (The Path, Aug '89, p. 131)
Hãy hành động và hành động khôn ngoan, khi thời cơ hành động đến. Hãy chờ đợi và đợi chờ kiên nhẫn, khi đến lúc nghỉ ngơi. Điều này làm con người hòa hợp với các đợt thủy triều lên xuống. Như vậy hành giả dùng thiên nhiên và các định luật làm hậu thuẫn, lấy chân lý và điều thiện làm linh đăng soi đường. Người thế ấy hoàn thành được nhiều việc tuyệt diệu. Không biết đến định luật nói trên sẽ đem lại kết quả là khi thì nồng nhiệt thái quá, lúc thì nản lòng tuyệt vọng. Như thế, con người trở thành nạn nhân của các đợt thủy triều thay vì họ phải làm chủ chúng. (The Path, July '89, p. 107)
Hỡi bạn chí nguyện, hãy kiên nhẫn như một người không sợ thất bại mà cũng chẳng tìm thành công. (The Voice of Silence, p. 31)
Năng lực tích lũy không thể bị tiêu diệt mà phải được chuyển sang những hình thức khác. Nó không thể tồn tại bất động mãi. Thật vô lý khi muốn chống lại một đam mê mà ta không thể kiểm soát nổi. Nếu năng lực chất chứa không được tuôn vào các đường vận hà khác thì nó sẽ tăng dần cho đến khi nó mạnh hơn lý trí và lấn át cả ý chí. Muốn kiểm soát đam mê, bạn phải dẫn nó vào đường vận hà khác cao đẹp hơn. Do đó, một tình yêu đối với cái tầm thường có thể đổi thành tình yêu cái cao thượng, và tính xấu có thể biến thành đức hạnh bởi sự đổi mục tiêu của nó. Đam mê thì mù quáng, dẫn nó đi đâu, nó theo đấy. Đối với nó, lý trí là sự dẫn dắt an toàn hơn là bản năng.
Sự giận dữ (hay tình yêu) chất chứa lại sẽ tìm một mục tiêu để bộc phát, bằng không nó có thể nổ tung một cách tai hại cho chủ nó. Sự an tịnh theo sau cơn giông tố.
Người xưa có nói rằng trong thiên nhiên không có sự trống không. Chúng ta không thể tiêu diệt hay phá hủy một đam mê. Nếu gạt nó đi thì một ảnh hưởng khác sẽ chiếm chỗ nó. Do đó, ta đừng cố gắng hủy diệt cái thấp mà không đồng thời tìm một cái gì thay thế. Ta phải thay chỗ của cái thấp bằng cái cao, dùng đức hạnh thay tánh xấu, lấy hiểu biết thay mê tín. (Magic, p. 126, Hartman)

 

III

 

Hãy biết rằng : không thể chữa hết lòng tham vọng, lòng mong mỏi được thưởng công, lòng đòi hỏi khát khao, nếu ta không lắng nghe tiếng vô thinh, nếu ta không đặt mắt nhìn vật vô hình. (Light on the Path, Karma, p. 35)
Con người phải tin vào năng lực tiến bộ thiên phú của mình. Con người phải bỏ lòng sợ hãi cái Chân ngã cao cả của mình và cũng không được để cho cái bản ngã vật chất thấp kém kéo lui. (Comments, Light on the Path)
Dĩ vãng đã cho thấy rằng khó khăn không đáng cho ta ngã lòng thất vọng; bằng không thì thế giới hẳn đã không có những điều văn minh kỳ diệu. (Through the Gates of Gold, p. 69)
Sức mạnh để tiến tới là điều cần yếu trước tiên cho người đã chọn đường. Tìm sức mạnh ấy ở đâu ? Hãy nhìn chung quanh; dễ cho ta thấy chỗ mà các người khác đã tìm được sức mạnh của họ. Nguồn sức mạnh là lòng tin cả quyết. (Through the Gates of Gold, p. 87)
Kiêng cử vì kiêng cử là đúng, mà không phải vì để cho mình được trong sạch. (Light on the Path)
Người chiến đấu với chính mình chỉ thắng trận, khi y biết rằng điều mình làm trong trận chiến đó là điều đáng làm. (Through the Gates of Gold, p. 118)
Câu 'Chớ chống lại điều xấu' có nghĩa là chớ phàn nàn hay cảm thấy tức giận đối với các điều trái ý không tránh được ở đời. Hãy quên mình đi (bằng cách làm việc cho kẻ khác). Nếu ta bị thóa mạ, ngược đãi hay làm hại, tại sao ta phải chống cự ? Khi chống cự ta tạo các lỗi lầm lớn lao hơn. (The Path, Aug '87, p. 151)
Công việc cấp thời, dù nó thế nào, đều có sự đòi hỏi đương nhiên của bổn phận. Sự quan trọng hay không quan trọng liên quan đến nó đều không đáng chú ý chút nào. (Lucifer, Feb. '88, p. 478)
Phương thuốc tốt nhất đối với tội lỗi không phải là sự đè ép, mà là trừ bỏ dục vọng. Điều này có thể hoàn thành trọn vẹn bằng cách giữ cái trí luôn luôn chìm đắm vào các điều thiêng liêng. Sự hiểu biết về các điều Chân ngã cao siêu bị vứt bỏ, khi cái trí lo nghĩ và suy gẫm đến các vui thú của giác quan bất trị. (Bhavagad Gita, p. 60, Mohini's translation)
Bản tính chúng ta thì thấp kém kiêu căng, tham lam và đầy những thèm muốn, phán đoán và tư kiến. Nếu không có những thử lòng để trói buộc nó thì nó được thả lỏng, vô phương chữa trị. Do đó, phải chăng ta bị thử lòng để ta có thể tự biết mình và trở nên khiêm tốn. Hãy biết rằng sự thử thách lớn lao nhất là khi không xẩy ra cuộc thử lòng. Vậy bạn hãy vui mừng khi nó tấn công bạn và bạn hãy đương đầu với nó trong an nhiên, trầm tĩnh và bền chí. (Molinos, Spiritual Guide)
Hãy thấy rằng bạn không có chi để làm cho chính mình, nhưng bạn phải làm tròn những trách nhiệm do Thiêng liêng giao phó. Hãy ao ước Thượng đế mà không ao ước điều gì Ngài có thể ban cho bạn. (Bhagavad Gita, p. 182)
Bạn hãy làm cho xong bất cứ điều chi phải làm, nhưng không vì mục đích để hưởng kết quả của hành động. (Introduction, Bhavagad Gita)
Nếu tất cả hành động của con người được làm với lòng tin trọn vẹn rằng các hành động không có giá trị đối với người hành động, nhưng chúng được thực hiện vì chúng cần được làm cho xong (hay nói cách khác, hành động vì đặc tính của ta là hành động), thì như  thế cá tính ích kỷ trong lòng ta dần dần chấm dứt, để cho sự hiểu biết bộc lộ Chân ngã với tất cả sự huy hoàng của nó.
Con người không được để cho vui buồn lay chuyển để rồi phải rời xa mục tiêu đã định. (Comments, Light on the Path)
Cho đến khi Sư Phụ chọn bạn đến với Ngài bạn hãy sống với nhân loại và làm việc vô tư lợi cho sự tiến bộ của nhân sinh. Chỉ điều này mới đem lại sự hài lòng chân thật. (The Path, Dec '86, p. 279)
Sự hiểu biết càng tăng trưởng khi đem ra sử dụng. Càng chỉ dạy nhiều thì càng học hỏi nhiều. Vì vậy, hỡi Người tìm Chân lý, với đức tin của một trẻ thơ và với ý chí của người đệ tử huyền môn, bạn hãy ban phát của dành dụm cho người nào không được đầy đủ trong lúc đi đường. (The Path, Dec '86, p. 280)
Người đệ tử phải nhận thức rõ rệt rằng chính với cái ý tưởng về các quyền hạn cá nhân là kết quả của tính chất nọc độc của con rắn phàm ngã. Người đệ tử không bao giờ được coi ai là người đáng chỉ trích hay đáng kết tội. Người đệ tử cũng không được cất lời tự bảo vệ hay tự bào chữa. (Lucifer, Jan '88, p. 382)
Không ai là thù, không ai là bạn. Tất cả đều là thầy ta. (Light on the Path, p. 25)
Ta không nên tiếp tục làm việc để kiếm lợi lộc nhất thời, hay lợi ích tinh thần, mà ta phải làm việc để hoàn thành định luật sống. Đó mới là ý muốn của Hóa Công. (Introduction, Bhavagad Gita)

 

IV

Đừng sống trong hiện tại cũng đừng sống trong tương lai, nhưng hãy sống trong vĩnh cửu. Cỏ dại to lớn (của tội lỗi) không thể nở hoa nơi đây. Chỉ có bầu không khí của tư tưởng vĩnh cửu mới lau sạch vết nhơ trên sự sinh tồn. (Light on the Path, Rule 4)
Thanh lọc tâm hồn là điều kiện chính để đạt đến 'Tri thức Tinh thần'. Có hai phương thế chính yếu để đạt tới sự thanh lọc này. Một là nhất quyết gạt bỏ mọi tư tưởng xấu. Hai là gìn giữ cái trí phẳng lặng trước mọi tình trạng không bao giờ rung động hay nổi giận đối với bất cứ việc gì. Ta sẽ tìm ra rằng lòng sùng đạo và tính bác ái nâng cao hai phương thế và tính thanh lọc này nhất. Chúng ta không được ngồi không vô ích và không cố gắng tiến lên, chỉ vì không cảm thấy mình trong sạch. Hãy để mọi người ước nguyện, và hãy để họ làm việc với lòng sốt sắng đúng đắn, nhưng họ cần làm việc trong đường lối chân chính, và bước thứ nhất của con đường này là sự thanh lọc tâm hồn. (The Theosophist, Oct '88, p. 44)
Cái trí cần sự thanh lọc:
- Bất cứ khi nào có lời nói hay việc làm với mục đích nịnh bợ;
- Khi thấy, nghe bất cứ ai bị hành vi hay lời nói thiếu thành thật phỉnh gạt. (Bhavagad Gita, p. 325)
Những ai mong muốn được giải thoát, cần tránh bỏ dục tình, giận hờn tham lam, và vun trồng tính vâng lời dũng cảm đối với các kinh điển. Hãy học hỏi các Triết lý Tinh thần và kiên trì thực hiện một cách thực tế. (Bhagavad Gita, p. 240)
Người nào bị các mối quan tâm ích kỷ dẫn dắt thì không thể bước vào Thiên đường là nơi không có sự chú ý riêng tư. Người nào không thiết đến Thiên đường nhưng vui lòng ở nơi mình ở, là đã ở Thiên đường rồi, trong khi kẻ bất mãn kêu đòi Thiên đường uổng công. Không có dục vọng riêng tự, là có tự do hạnh phúc; và Thiên đường không có nghĩa gì khác hơn là một trạng thái có sự tự do và hạnh phúc.
Người nào làm các việc lợi ích mà mong mỏi được thưởng công thì không vui sướng nếu chưa được lãnh thưởng, và nếu họ lãnh được phần thưởng thì hạnh phúc của họ chấm dứt. Không có sự sung sướng và nghỉ ngơi lâu dài khi còn có việc phải làm mà chưa xong, và sự hoàn thành những bổn phận đem lại phần thưởng của chính nó. (Magic, Introduction, p. 34, Hartman)
Người nào nghĩ rằng mình cao quý hơn kẻ khác, người nào có một chút kiêu hãnh vì mình không phạm lỗi hay không dại khờ, người nào tin rằng mình khôn ngoan hay cao hơn đồng loại, thì đều không đủ tư cách làm đệ tử. Một người phải trở nên như trẻ nhỏ trước khi có thể bước vào cõi Thiên đường. Đức hạnh và minh triết là những điều cao quý, nhưng nếu nó tạo ra kiêu hãnh và một ý thức chia rẽ với nhân loại thì chúng chỉ là những con rắn tư ngã tái hiện trong hình thức thanh bai hơn. Sự hy sinh hay từ bỏ trái tim con người và các mối xúc động của nó là qui tắc thứ nhất. Nó là 'Đạt đến một sự quân bình mà sự xúc động riêng tư không thể lay chuyển nổi'.
Hãy đem các dự định tốt lành của bạn ra thực hiện, chớ trì hoãn, đừng để một điều nào chỉ là dự định suông. Việc làm chân thật duy nhất của chúng ta là hành động chỉ vì phải hành động, không vì phần thưởng nó đem lại. Chớ bị xúi giục hành động vì mong được kết quả, tuy nhiên chớ chìm đắm trong sự bất động theo tính tự nhiên.
Xuyên qua lòng trung tín, trái tim được thanh lọc hết dục vọng và dại khờ. Do đó có sự chủ trị thể xác và sau hết là sự chế ngự giác quan. (Bhavagad Gita, p. 95)
Những đức tính của vị hiền triết giác ngộ là:
- Thứ nhất, người thoát khỏi mọi ham muốn, và biết rằng chỉ có Chân nhân hay Tinh Thần Thiêng Liêng là ân phước. Mọi cái khác là đau khổ.
- Thứ nhì, người không quyến luyến, không ghét bỏ đối với bất cứ điều gì xẩy đến cho người, và người hành động một cách tự do.
- Rốt hết là sự chế ngự các giác quan, nhưng điều này vô ích và tai hại khi đem đến sự giả đạo đức và kiêu hãnh nếu không có điều thứ nhì, và điều này cũng không có lợi gì nếu không có điều thứ nhất. (Bhagavad Gita, p. 61)
Người nào không thực hành bác ái, người nào không sẵn sàng chia sẻ miếng ăn cuối cùng của mình với một người nghèo khổ hay yếu đuối hơn mình, người nào từ chối không giúp đỡ người anh em thuộc bất cứ chủng tộc, quốc gia, hay tín ngưỡng nào, ở bất cứ nơi nào hay khi nào họ gặp đau khổ, và người nào bưng tai giả điếc trước tiếng kêu than đau đớn của nhân loại, người nào nghe một người vô tội bị vu oan và vu khống mà không bảo vệ như bảo vệ chính mình họ, thì không phải là người Thông Thiên Học.

 

 

V

Con người không có quyền từ bỏ những phận sự rõ ràng ở đời, vì chúng là mệnh lệnh của thiêng liêng. Người nào làm phận sự mà nghĩ  rằng nếu không làm thì có tội, hay làm phận sự mà các nỗi khó khăn trên đường đạo sẽ hết, thì người đó chỉ mới làm việc vì kết quả mà thôi. Con người phải làm phận sự chỉ vì do mệnh lệnh của Thượng đế. Ngài có thể bất cứ lúc nào hạ lệnh bỏ hết công việc. Khi nào mà tính giao động của ta chưa đổi thành an tĩnh thì chúng ta phải làm việc hiến dâng cho Thần linh tất cả kết quả của hành động và xem Ngài là nguồn lực để hoàn thành công việc một cách đúng đắn. Đời sống thực sự của con người là hòa hợp với bản tính của Tinh thần Tối cao.
Đời sống này hiện tồn không nhờ một hành động nào của ta. Nó là một thực tại, một 'sự thực'. Nó hoàn toàn độc lập với chúng ta. Sự nhận thức về cái không hiện hữu của mọi điều có vẻ trái với sự thật này, làm một tâm thức mới mà không phải là một hành động. Sự giải thoát của con người không liên quan chút nào với những hành động của họ. Khi mà hành động là để nhận thức sự bất lực không thể giải thoát mình khỏi cái hiện hữu giới hạn thì các hành động ấy có chỗ dùng. Nhưng sau khi trình độ này đã được thực hiện thì các hành động trở thành chướng ngại hơn là sự giúp đỡ.
Những người làm việc theo mệnh lệnh thiêng liêng và hiểu biết cái sức mạnh để làm việc là món quà của Thượng đế, mà không phải là thành phần của bản tánh tự ý thức của con người thì họ đạt được sự tự do và không còn cần phải hành động. Khi đó chân lý tràn đầy trong tấm lòng trong sạch và họ cảm được sự đồng hóa với Thần linh.
Một người trước hết phải bỏ cái ý niệm rằng chính họ làm một việc gì. Người đó biết rằng mỗi hành động xẩy ra là ở 'ba bản tánh' (ba gunas) mà không phải do nơi linh hồn chút nào. Đoạn họ phải đặt mọi hành động vào lòng sùng đạo. Đó là hy sinh mọi hành động cho đấng cao cả mà không cho chính mình. Hoặc họ tự coi là Thượng đế để hướng công việc về mình, hoặc họ hiến dâng công việc cho Thượng đế hữu hình là Ishvara. Mỗi hành động hay ý nguyện của họ là làm cho chính mình hay toàn thể. Đến đây ta thấy sự quan trọng của động cơ. Khi họ thực hiện các hành động có giá trị lớn lao hay lợi ích cho con người, khi họ tìm hiểu biết để phụ giúp cho nhân loại vì họ bị hấp dẫn đến các việc này để được giải thoát thì họ chỉ hành động cho lợi ích của riêng họ và do đó hy sinh cho chính họ. Bởi vậy, con người phải hiến dâng cho toàn thể. Họ phải biết rằng họ không phải là người tạo ra các hành động mà chỉ là kẻ chứng kiến các hành động ấy.
Vì họ ở trong xác thân hữu hoại, nên họ bị ảnh hưởng bởi các mối nghi ngờ sẽ phát khởi lên. Khi có sự nghi ngờ nẩy sinh, là bởi lẽ con người không biết cái gì đó. Vậy thì họ phải đủ sức phá tan sự nghi ngờ bằng 'thanh gươm trí tuệ'. Nếu họ có giải đáp sẵn sàng thì họ làm tan mối nghi ngờ ngay. Tất cả các mối nghi ngờ đều do bản tính thấp thỏi mà ra, chớ không bao giờ do bản tính cao siêu. Bởi vậy khi con người càng thật lòng sùng đạo thì họ càng biết rõ ràng rằng sự hiểu biết ngụ trong bản tính Sattva (Thiện) của họ. Vì vậy nên có câu 'Một người hết lòng sùng đạo (hay gắng công trau luyện nó) sẽ dần dần tự nhiên tìm được sự hiểu biết thiêng liêng nơi mình'. Cũng có câu 'Một người tâm trí hay nghi ngờ, thì không hạnh phúc ở cõi đời này hay cõi khác (cõi Trời), cũng không ưa cả cõi toàn phúc cuối cùng'. Câu sau này là để phá tan cái ý niệm rằng nếu trong con người ta có Chân ngã cao siêu thì dù ta thờ ơ hay nghi ngờ, nó cũng đem lại ta sự hiểu biết cần thiết và dẫn ta đến sự toàn phúc cuối cùng chung với tất cả trào lưu nhân loại. (The Path, July '89, p. 109)
Cầu nguyện thật sự là chiêm ngưỡng tất cả các điều thiêng liêng, là suy nghĩ đến các cách áp dụng chúng vào chính ta, vào cuộc sống và vào hành động hằng ngày của ta. Tư tưởng đó được kèm theo một ý muốn nồng nàn, mạnh mẽ để ảnh hưởng cho các điều thiêng liêng mạnh hơn, đời sống ta cao thượng, tốt đẹp hơn và để có vài điều hiểu biết về thiêng liêng ở mãi với ta. Tất cả những niềm tin này phải dệt lẫn với ý thức về Tinh Hoa Cao Cả Thiêng liêng, nơi mà mọi vật phát sinh.
Bằng sự tập trung tư tưởng, hành giả đạt được sự phát triển tâm linh. Hãy tiếp tục tập trung tư tưởng hằng ngày và mỗi khi có thể được.
Tham thiền được giải thích 'như là sự chấm dứt các tư tưởng hướng ra bên ngoài. Tập trung tư tưởng là sự thường trực hướng trọn vẹn tư tưởng đến một cứu cánh đã định. Thí dụ, một bà mẹ tận tâm là người săn sóc đến các quyền lợi của con cái và mọi ngành lợi ích cho các con trước hết mọi việc. Bà không phải là người suốt ngày ngồi suy nghĩ chỉ một ngành lợi ích của các con.
Tư tưởng có mãnh lực tự sản xuất và khi cái trí bị kềm chặt vào một ý niệm, nó sẽ có mầu sắc của ý niệm ấy. Vậy chúng ta có thể nói rằng mọi điều liên hệ đến tư tưởng ấy nẩy sinh trong trí. Do đó, huyền bí gia đạt được sự hiểu biết về mục tiêu nào mà họ luôn luôn tưởng nghĩ trong lúc suy gẫm.
Đây là những chỉ dạy hợp lý của đức Krishna: 'Hãy bền lòng suy nghĩ đến Ta. Chỉ nương cậy vào Ta và chắc chắn ngươi sẽ đến với Ta'.
Đời là vị thầy cao cả, đó là sự biểu lộ lớn lao của Linh hồn và Linh hồn biểu lộ Đấng Tối Cao. Do đó, mọi phương pháp đều tốt lành và tất cả chỉ là những thành phần của mục tiêu vĩ đại. Mục tiêu đó là Lòng Sùng Đạo. Kinh Bhagavad Gita có nói 'Lòng Sùng Đạo tạo thành công cho các hành động'.
Khi các phép thần thông đến, chúng phải được sử dụng, bởi vì chúng tiết lộ các định luật. Nhưng chúng ta chớ đánh giá chúng quá cao, và ta cũng không nên quên sự nguy hiểm của chúng. Người nào nương tựa nơi chúng thì giống như người bộc lộ lòng kiêu căng, sự đắc chí khi họ chỉ mới tới trạm nghỉ đầu tiên của con đường mà họ phải leo đến tận đỉnh núi. (The Path, July '89, p. 111)

 

VI

Có một định luật vĩnh cửu là không có một quyền lực nào ở bên ngoài con người có thể cứu độ họ. Nếu có, thì từ xưa hẳn có một thiên thần đã đến trái đất, nói lên những sự thật thiêng liêng và biểu lộ các khả năng của bản tính tinh thần, bầy tỏ cho tâm thức con người cả trăm sự thật mà con người chưa hiểu biết. (Spirit of the New Testament, p. 508)
Tội lỗi trong tư tưởng cũng giống như tội lỗi của các hành động thể xác. Người nào vì bất cứ lẽ gì mà oán hờn một kẻ khác, người nào thích sự trả thù và không tha thứ sự tổn hại thì có tư tưởng của kẻ sát nhân dù không ai hay biết.
Người nào nghiêng mình trước tín ngưỡng lầm lạc, đè nát lương tri mình dưới mệnh lệnh của bất cứ tổ chức nào, nguyền rủa hồn thiêng của chính mình và do đó 'kêu tên Thượng đế một cách vô cớ', dù họ chưa từng thề thốt một lời.
Người nào ham muốn và ưa thích các thú vui giác quan, dù trong vòng hôn thú hay không đều là kẻ ngoại tình.
Người nào có khả năng khôn ngoan để làm kẻ soi sáng, kẻ thiện tâm, kẻ giúp đỡ, kẻ dẫn dắt cho bạn bè mà không làm, và cứ sống để thâu góp của cải vật chất, vui sướng cho mình thì là kẻ trộm. Người nào lấy cắp của bạn bè cái tài sản quý báu về đức hạnh bằng lời vu cáo hoặc đặt điều sai lạc thì chẳng khác chi kẻ cắp và là hạng tội lỗi nhất. (Spirit of the New Testament, p. 513)
Nếu như con người chỉ cần ngay thẳng với chính mình và nghĩ lành cho kẻ khác, thì sẽ có sự biến đổi lớn lao trong giá trị cuộc sống, và các sự vật ở đời này. (The Theosophist, July '89, p. 590)

 

Phát Triển Tư Tưởng

Hãy cố gắng tập trung toàn thể sức mạnh của linh hồn để ngăn không cho các tư tưởng vẩn vơ xâm nhập vào trí não, ngoại trừ các tư tưởng đã tính toán kỹ càng để vạch cho ta thấy sự vô thường của đời sống giác quan và thấy sự Bình An của Thế Giới bên trong.
Ngày đêm hãy suy nghĩ về lẽ vô thường của mọi hoàn cảnh xung quanh và của chính mình. Sự bộc phát của tư tưởng tội lỗi kém tai hại hơn là sự bộc phát tư tưởng biếng nhác, thờ ơ. Bởi vì đối với tư tưởng tội lỗi, bạn luôn luôn đề phòng và quyết định chiến đấu để thắng nó. Các tư tưởng thờ ơ thì chỉ làm xao lãng sức chú ý và phí phạm nghị lực. Sự lầm lạc lớn lao căn bản đầu tiên mà bạn cần lướt qua là sự đồng hóa mình với xác thân vật chất.
Bắt đầu bạn hãy nghĩ rằng xác thân này chỉ là cái nhà mà bạn cần trú ngụ trong một thời gian, rồi bạn sẽ không bao giờ nhượng bộ các sự cám dỗ của nó.
Hãy kiên tâm cố gắng chiến thắng các sự yếu đuối bộc lộ trong bản tính, bằng sự phát triển tư tưởng trong chiều hướng tiêu diệt mối dục vọng riêng biệt.
Sau các cố gắng đầu tiên, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy một sự trống rỗng cô đơn trong tâm bạn. Chớ sợ hãi, hãy coi điều này là một tia sáng êm dịu báo hiệu mặt trời của Ân huệ thiêng liêng sắp mọc.
Buồn rầu không phải là một tội lỗi. Bạn chớ phàn nàn, các việc hình như là đau khổ chướng ngại thật ra là mãnh lực bí ẩn của thiên nhiên để giúp bạn trong công cuộc, nếu bạn có thể điều khiển chúng một cách thích đáng. Hãy nhìn tất cả hoàn cảnh với thái độ của một người học trò. (Theosophical Siftings, No. 3, Vol. 2, '89)
Mọi điều phàn nàn là một sự nổi loạn chống lại luật tiến bộ.
Điều đáng xa lánh là nỗi đau khổ chưa đến. Không thể thay đổi hay cải sửa dĩ vãng. Không thể và không nên xa lánh cái gì thuộc về các kinh nghiệm hiện tại, mà nên xa lánh các sự lo xa bối rối hay là các nỗi lo sợ về tương lai, và mọi hành động hay sự kích thích nào có thể gây đau khổ hiện tại hay tương lai cho chúng ta và kẻ khác. (Patanjali's Yoga Aphorisms)

 

VII

Không có điều gì đáng cho con người chiếm hữu hơn là một cái lý tưởng tuyệt vời mà họ luôn luôn nguyện ước, để uốn nắn các tư tưởng và tình cảm của họ cùng là cố hết sức tạo cuộc đời theo lý tưởng ấy.
Nếu họ cố gắng để thể hiện, mà không vẩn vơ, thì họ không thể nào thất bại trong sự tiến đến gần mục tiêu của họ. Tuy nhiên, họ sẽ không đạt mục tiêu nếu không chiến đấu. Sự tiến bộ thật sự mà họ cố tạo nên, sẽ không làm cho họ đầy tự kiêu, tự đại. Bởi vì nếu lý tưởng của họ cao, sự tiến bộ của họ là thật, thì họ sẽ là người biết khiêm nhượng hơn là kẻ vênh vang.
Những khả năng tiến xa và cái ý niệm về cõi cao mở rộng trước mặt họ, sẽ không làm giảm nhiệt tâm của họ, mặc dù các điều này chắc chắn sẽ tiêu diệt tánh tự kiêu.
Chính cái quan niệm về các khả năng rộng lớn của đời sống con người rất cần để tiêu diệt sự buồn nản và để đổi tính biếng nhác thành lòng thích thú. Như vậy đời sống sẽ đáng sống vì chính cái giá trị của nó, khi sứ mạng của nó rõ ràng và các cơ hội tuyệt vời được tán thưởng.
Phương thế chắc chắn và trực tiếp để đạt đến cõi cao là vun bồi nguyên tắc vị tha ở trong tư tưởng và đời sống.
Tầm mắt của bản ngã thì có giới hạn và nó đo lường sự vật bằng nguyên tắc tự lợi, trong khi linh hồn bị hạn chế theo bản ngã thì không thể nhận định được lý tưởng cao siêu và tiến đến chốn cao xa của đời sống. Các điều kiện của sự tiến bộ như thế  nằm ở bên trong hơn là bên ngoài và may thay không tùy thuộc các hoàn cảnh và điều kiện ở đời. Do đó có cơ hội sẵn sàng cho bất cứ ai để tiến từ mức cao này đến mức cao khác và như vậy làm việc với thiên nhiên trong sự hoàn thành cái mục đích rõ rệt của đời sống. (Man, J. Buck, p. 106)
Nếu chúng ta tin rằng mục tiêu của đời sống chỉ giản dị là làm thỏa mãn cái bản ngã vật chất, làm cho nó sẽ sung sướng và tin rằng sự tiện nghi vật chất đem lại hạnh phúc cao cả thì chúng ta lầm cái thấp với cái cao, cái giả với cái chân.
Cách sống vật chất là kết quả tính chất vật chất của xác thân ta. Chúng ta là 'sâu bọ của trái đất' vì chúng ta đặt nguyện vọng vào trái đất, nếu chúng ta có thể tiến bước vào con đường tiến hóa, ở đó chúng ta trở nên ít vật chất và thanh thoát hơn thì hẳn sẽ có một nền văn minh khác hẳn. Các vật ngày nay có vẻ như thiết yếu sẽ không còn hữu ích nữa. Nếu chúng ta có thể chuyển tâm thức ta với tốc độ của tư tưởng từ phía bên này trái đất qua phía bên kia thì các giao thông hiện thời hẳn không còn cần thiết nữa.
Chúng ta càng chìm sâu vào vật chất, chúng ta càng cần đến các tiện nghi vật chất để sung sướng. Vị Thượng đế chính yếu và mạnh mẽ trong con người không phải là vật chất và không bị lệ thuộc trong các giới hạn vật chất. Cái gì thật là cần thiết cho đời sống ? Câu trả lời hoàn toàn tùy thuộc ở cái mà chúng ta tưởng tượng là cần thiết. Xe lửa, tàu biển v.v. hiện nay là cần đối với chúng ta, tuy nhiên hằng triệu người đã sống lâu dài, sung sướng mà chẳng biết đến mấy thứ đó.
Đối với người này thì một tá lâu đài có thể là một nhu yếu, đối với người kia thì một xe hơi, người nọ là cái ống điếu v.v. Nhưng tất cả nhu yếu ấy chỉ là những cái do chính con người tạo ra. Chúng làm cho con người ngày nay thích chúng và chỉ thèm khát có chúng, mà chẳng còn ham muốn cao xa. Chúng có thể ngăn trở sự phát triển của con người thay vì hối thúc sự tiến bộ.
Nếu chúng ta thật sự tiến bộ về tâm linh thì mọi thứ vật chất hết còn là cần thiết. Chính sự khao khát  và sự lãng phí tư tưởng vào việc gia tăng các thú vui cho đời sống thấp kém, ngăn cản bước tiến của con người vào đời sống cao siêu. (Magic, Hartman, p. 61)

 

H.P.Blavatsky.
(Practical Occultism)

Geese