PHONG TRÀO THÔNG THIÊN HỌC
VÀ NHỮNG CHÂN SƯ MINH TRIẾT
C. JINARAJADASA
Ngay từ lúc tiên khởi, vào năm 1875, sự phát triển của Hội Thông Thiên Học thật là phi thường. Chưa có một Hiệp hội nào mà số hội viên nam nữ thuộc tôn giáo, quốc tịch khác nhau lại có thể kết hợp để cùng phụng sự nhân loại với chung một cảm hứng về ý niệm huynh đệ. Sự tập hợp của chúng ta không phải vì mục đích phát triển hay tạo dựng mục đích riêng tư, nhưng đúng ra là để cùng nhau hiểu Tình Huynh Đệ theo ý nghĩa của một thực tế tinh thần, của một nguyên lý thực tiễn áp dụng trong đời sống hằng ngày của con người. Một chứng cớ có giá trị về công cuộc Thông Thiên Học là, dần theo năm tháng, chúng ta thực thi Tình Huynh Đệ cách rộng rãi hơn. Đối với nhân loại, điều mà chúng ta thường xuyên nghĩ đến là hiến dâng nhiều hơn, đầy đủ hơn để sớm hoàn tất Cơ Trời. Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc đều cần thiết trong công cuộc đó, bởi vì mỗi người đều ở trong một giai đoạn đặc biệt để khám phá và chia sớt Theosophia hay là Minh Triết Thiêng Liêng.
Có một phương diện của Phong trào Thông Thiên Học mà tôi rất quan tâm. Đó là sự khác biệt giữa Phong trào và Hội Thông Thiên Học (1). Hội chúng ta là một trung tâm ý niệm và gắng sức lớn lao và công việc của chúng ta lan rộng ngoài phạm vi Hội. Quý Bạn có thể kinh nghiệm điều này: khi hiểu Theosophia nhiều hơn, bạn có sự thúc dục rời khỏi phạm vi cá nhân để phụng sự nhân loại. Sự kiện đó cũng áp dụng đối với Hội nói chung. Hội bành trướng có nghĩa là hội viên hoạt động trong nhiều lãnh vực ngoài phạm vi tổ chức của Hội. Hội viên đã hoạt động chẳng những trong ngành tôn giáo thuần túy mà còn gợi cảm hứng cho ngành giáo dục bằng những lý tưởng mới, giải thích những ý nghĩa ẩn vi trong khoa biểu tượng, nối liền những quan niệm chánh trị với những ý niệm tinh thần và trong nhiều công cuộc khác nữa mà tôi thấy không cần nhắc đến.
Trong thời gian qua, công việc của mỗi Thần triết gia là Thần triết hóa từ hoạt động này đến sinh hoạt khác mà quan niệm thông thường chưa nhận thức được sự liên hệ với đời sống tinh thần. Đối với chúng ta, hoạt động chân chính là những công việc mà xuyên qua đó tinh thần hiến dâng chói sáng và đồng thời cũng có sự liên hệ rõ rệt với sự phát triển Cơ Trời. Tôi gọi Phong trào Thông Thiên Học là công cuộc hướng nhân loại đến lý tưởng chủ nghĩa, từ thế hệ này sang thế hệ khác, với sự cộng tác của hội viên Thông Thiên Học trong mọi ngành sinh hoạt của tư tưởng, đạo đức và xã hội.
Vì Hội là một tổ chức quốc tế và không đảng phái, nên Hội tôn trọng quyền tự do tư tưởng của hội viên. Hội không tuyên bố một tín điều nào để bắt buộc hội viên phải tuân theo, ngoại trừ tín điều duy nhất là: 'Tình Huynh đệ là nền tảng của nhân loại'. Trên căn bản Hội, chúng tôi không thể ép hội viên theo bất cứ tín điều nào, dù đó là luật Luân hồi, Nhân quả. Chúng tôi lại càng không thể tuyên bố như một tín điều Thông Thiên Học về sự hiện hữu của những Chân Sư Minh Triết, mặc dù ngay lúc đầu, chúng ta có một giáo lý rõ rệt được ghi chép trong văn chương Thần Triết, nhưng Hội Thông Thiên Học cũng không bảo lãnh giáo lý đó để đặt nó là điều kiện cần thiết cho sự gia nhập Hội. Tự do tư tưởng liên hệ mật thiết với sự phát triển của một tổ chức có đặc tính quốc tế và không đảng phái (2). Sự tự do hoàn toàn về tín ngưỡng có nghĩa là hội viên có quyền tin tưởng một quan điểm nào đó về Theosophia, nhưng không thể ép Hội phải tin theo quan điểm đó.
Rất nhiều hội viên Thông Thiên Học tin nơi sự hiện hữu của những Chân Sư Minh Triết. Những hội viên đó cũng tin rằng: trong Hội có nhiều đệ tử của các Ngài và họ có thể trợ giúp Phong trào cách hữu hiệu nhất khi họ tự đặt mình dưới sự hướng dẫn của những vị đệ tử đó. Hội không thể công bố chi tiết về những Chân Sư Minh Triết và Hội cũng không thể cho biết những ai là đệ tử của các Ngài. Mỗi hội viên phải tự quyết định theo sự phán đoán của chính mình. Tuy nhiên, tôi xin lưu ý Quý Bạn là ngay từ thuở ban đầu, tất cả những vị tận tâm phụng sự Hội đều là những người tin tưởng hoàn toàn nơi sự hiện hữu của những Chân Sư và họ quan niệm rõ rệt rằng: Theosophia là Chân Lý căn bản. Đó là những điều cần ghi nhớ vì nó phá tan quan niệm sai lầm này: những hội viên tin tưởng nơi Chân Sư Minh Triết và hoạt động dưới sự hướng dẫn trực tiếp của những huấn sư, có chủ định chi phối Hội và sai khiến những hội viên không đồng quan niệm.
Đến đây, tôi xin đề cập đến một điều mà chắc vài Bạn chưa biết. Khi Hội được thành lập thì có nhiều Cấp bậc trong Tổ chức. Có ba Cấp bậc. Cấp thứ nhất cao hơn hết, gồm có những Chân Sư Minh Triết. Thoạt tiên, không có Hội viên nào ở Cấp thứ nhì cả. Khi có người xin vào Hội thì người đó được gia nhập vào Cấp thứ ba là Cấp bậc thấp nhất (3). Dự tính của những vị sáng lập là sau khi một hội viên đã chứng tỏ áp dụng thật sự Tình Huynh đệ trong đời sống mình thì vị đó có thể trở thành hội viên Cấp thứ nhì. Vậy thì ngay từ lúc đầu, những hoạt động viên chánh của Hội đã nhìn nhận sự hiện hữu của những Chân Sư, và trên thực tế, Bà H.P. Blavatsky, vị Sáng lập viên thanh cao của chúng ta, là Đại diện của các Ngài. Trong những năm đầu tiên, trọn cả đường lối của Hội được hình thành bởi những ý kiến của những Chân Sư truyền đến Bà Blavatsky hay Đại tá Olcott. Chỉ vào những năm 1884-1885 thì có một số hội viên tỏ lời phản đối sự chỉ huy huyền linh trong Hội. Kể từ đó, Bà Blavatsky và Đại tá Olcott chấp thuận việc điều hành Hội khỏi cần ý kiến của những Chân Sư nữa.
Nhưng đến năm 1887, Bà Blavatsky nhận thấy Hội đang mất dần sinh lực thật sự. Sinh lực đó lúc trước luôn luôn là sự hiến dâng nồng nhiệt của một nhóm người phụng sự những vị lãnh đạo ẩn mặt của Hội. Bà nhận định nếu không có giáo lý huyền môn làm nền tảng cho sinh hoạt của những Thần Triết gia, và nếu nền tảng đó không được một số khá đông hội viên nhìn nhận thì Hội sẽ trở thành như một trong những tổ chức từ thiện khác, hoạt động cho quyền đầu phiếu của phụ nữ hay cho sự bảo trợ thú cầm. Kể từ đó, Bà Blavatsky hoạt động để làm linh hoạt trở lại Cấp bậc thứ nhì của Hội dưới danh hiệu 'Esoteric School of Theosophy' (Trường Bí giáo Thông Thiên Học) (4).
Những ai biết về lịch sử của Hội vào thời ấy đều nhớ chính ông H.S. Olcott cũng có vài nghi ngờ, vì E.S.T. được đặt dưới sự điều khiển duy nhất của Bà Blavatsky mà thôi. Ông lo ngại công việc Hội do Đại Hội đồng điều hành, có thể bị điều khiển trong vòng bí mật bởi số hội viên của nhóm bên trong mà nhóm người đó lại không có trách nhiệm đối với toàn thể hội viên. Ông không ưng thuận sự kiện 'một quốc gia nhỏ trong một quốc gia lớn'. Chỉ sau nhiều trở ngại, Bà Blavatsky mới có được sự đồng ý cuối cùng của Ông để thành lập E.S.T (5).
Trong sự khó khăn của một trường hợp tương tự, Đức K.H. có viết cho Đại tá Olcott một bức thơ khẳng định rằng Phong trào Thông Thiên Học có hai phương diện: phương pháp công truyền được đặt dưới sự điều khiển của Đại tá với 'những cộng sự viên khôn khéo nhất của Ông', và phương diện bí truyền cần được trao cho chỉ một mình Bà Blavatsky. Tôi xin nhắc lại bức thơ nói trên.
'Để điều chỉnh công việc ở Âu châu, Bạn cần lưu ý đến hai việc: việc bên ngoài thuộc về hành chánh và việc bên trong thuộc về tâm linh. Bạn hãy điều khiển công việc đầu với sự hợp tác của những cộng sự viên khôn khéo nhất của Bạn. Bạn hãy để công việc sau cho H.P.B.'
'Với sự khéo léo sẵn có, Bạn được giao phó việc giải quyết những chi tiết thực tiễn. Nhưng tôi xin nói: Bạn hãy thận trọng khi H.P.B. hỏi ý kiến Bạn trong những công việc thông thường. Bạn hãy phân biện giữa những sự kiện rõ rệt có nguồn gốc và hậu quả bên ngoài, và những sự kiện khởi sự trên phương diện thực tế nhưng tạo ảnh hưởng trong phạm vi tinh thần. Với loại việc đầu tiên, Bạn là người định đoạt giỏi nhất; với loại việc sau, H.P.B.'
Kể từ lúc thành lập E.S.T., tất cả những công trình hữu ích nhất của Hội Thông Thiên Học đều là kết quả của hoạt động của những đoàn viên E.S.T đã coi Hội không phải như một tổ chức từ thiện, mà là một Vận hà của thần lực thiêng liêng, do những bậc Huynh Trưởng của nhân loại tạo nên. Không một hội viên nào có quyền gây áp lực trong công việc Hội chỉ vì mình có những quan niệm hay phương hướng huyền linh, hay nhờ sự gia nhập một đoàn thể bí giáo. Tuy vậy, sự kiện hiển nhiên là những hoạt động viên đắc lực nhất là những người đã coi Theosophia như tiếng gọi thiêng liêng, để dấn bước trên đường hiến dâng đặng tìm thấy những bậc Huynh Trưởng của nhân loại.
Tôi không hề có ý nói rằng những vị nào không tin nơi sự hiện hữu của những Chân Sư thì không thể là hoạt động viên đắc lực của Hội được. Thật ra những vị ấy có thể đắc lực và Hội Thông Thiên Học là một đoàn thể khá rộng lớn để qui tụ trong hàng ngũ mình tất cả những ai muốn phụng sự nhân loại. Tuy nhiên, không phải là điều quá đáng khi một hội viên nhận định rằng dù công việc của y tốt đẹp và cao thượng, nhưng y chỉ trở nên đắc lực khi hòa mình với Triết lý huyền linh và với sự tìm Chân Sư.
Tôi cũng không nghĩ rằng: vì những hoạt động viên đắc lực nhất tin tưởng nơi một sự dìu dắt rõ rệt trong công việc mà họ hiến dâng cho Hội, nên do đó mà họ có quyền chi phối Hội. Hội theo thể chế dân chủ và phần đa số quyết định đường lối của Hội. Trước khi gia nhập Hội, tôi đã biết các Chân Sư và tự hiến dâng cho các Ngài; vậy thì tôi có thể tuyên bố: trong những năm hoạt động cho Hội, tôi không hề có ý điều khiển việc Hội. Tôi giảng giải Theosophia và lấy làm mãn nguyện trong khả năng đó. Hiện thời tôi là Phó Hội trưởng của Hội, (6) nhưng đó là do kết quả của những sự kiện ngoài tầm định đoạt của tôi.
Nhân danh hàng ngàn người trong Hội Thông Thiên Học ở khắp năm châu bốn biển, tin tưởng như tôi về Chân Sư, tôi không do dự chút nào để tuyên bố sự gia nhập của chúng tôi trong Hội chỉ vì mục đích phụng sự, và nếu có một nhóm hội viên nào có thể củng cố việc Hội và làm cho Hội hữu ích thêm lên, thì chúng tôi sẽ là những người đầu tiên ủng hộ hết lòng cho nhóm người đó.
Nếu chúng ta mong ước hiến dâng Theosophia cho cả triệu người còn đang cần đến Nó, và nếu chúng ta chỉ có một chủ định trọng yếu là tìm Chân Lý và chia sớt Chân Lý thì chắc chắn trong mỗi giờ phút trôi qua, đều có tinh thần Bác ái và khích lệ của các Chân Sư truyền đến chúng ta. Các Ngài đã thành lập Hội để tự hiến dâng cho thế giới lầm than. Khi đặt thế giới trên những công việc riêng tư, chúng ta trở nên đắc lực hơn trong công cuộc phụng sự Hội. Hơn nữa, khi phục vụ Hội theo một ý tưởng cao đẹp, chúng ta còn cảm thấy xuyên qua hành động phụng sự của chúng ta, cái Tinh thần Phụng sự của bậc Đàn Anh của nhân loại đang tuôn tràn Ánh sáng, Tình thương và Sức mạnh đến những đàn em tại cõi trần.
C. Jinarajadasa.
Vienna,
Tháng 7 năm 1923.
Tài liệu chú giải:
(1) Có một sự phân biệt tương tự cần lưu ý giữa Theosophia và Hội Thông Thiên Học.
'Theosophia là biển cả vô biên của Chân lý, của Tình thương và Minh triết vũ trụ phản chiếu trên mặt địa cầu. Còn Hội Thông Thiên Học chỉ là cái bọt hữu hình của sự phản chiếu đó. Theosophia có đặc tính thiêng liêng vừa hữu vi vừa vô vi. Hội Thông Thiên Học có đặc tính nhân loại và đang cố gắng để tiến lên nguồn cội thiêng liêng của nó.' ('The Key to Theosophy', H.P. Blavatsky)
(2) ' ...Ý kiến hay tín ngưỡng không tạo đặc ân mà cũng chẳng gây hình phạt. Đại Hội đồng thiết tha yêu cầu tất cả hội viên Thông Thiên Học nên duy trì, bảo vệ và thi hành đúng theo các nguyên tắc căn bản này của Hội và cũng đừng ngại sử dụng quyền tự do tư tưởng và phát biểu tư tưởng của mình trong vòng lễ độ và kính trọng người khác.' (Quyết nghị của Đại Hội đồng Thông Thiên Học Quốc tế ngày 23-12-1924)
(3) 'Hội có ba Cấp bậc. Cấp cao hơn hết hay là Đệ I Cấp chỉ gồm có những hội viên đã thấu triệt Khoa học và Triết học bí truyền. Các Ngài chăm nom việc Hội và chỉ thị cho vị Hội trưởng sáng lập cách hay nhất để điều hành việc Hội. Các Ngài tự mình quyết định việc tiếp xúc với những hội viên liên hệ.
'Đệ II Cấp bao gồm những hội viên trung tín, nhiệt thành, can đảm, tận tụy với Hội, coi mọi người như Huynh đệ của mình, không phân biệt giai cấp, màu da, chủng tộc hay tín ngưỡng. Họ cũng sẵn sàng bảo vệ sinh mạng hay danh dự của một Huynh đệ dù có sự hiểm nguy đến tính mạng cũng vậy.
'Đệ III Cấp gồm những người mới gia nhập. Tất cả hội viên đều được coi như mới nhập môn cho đến khi ý nguyện của họ ở trong Hội được bền vững, sự hữu dụng được thể hiện và khả năng chinh phục những tật xấu và những thành kiến tai hại được chứng minh.' (Điều lệ Hội Thông Thiên Học Quốc tế năm 1879)
(4) Trường B.G.T.T.H. (E.S.T) đề cập trong tập sách này chỉ có tính cách thuần túy lịch sử liên hệ đến khoảng thời gian từ năm 1888 đến năm 1923 mà thôi. Học giả muốn khảo cứu thêm, xin vui lòng nghiên cứu tài liệu 'The Old Diary Leaves' của ông H.S.Olcott.