NÓI CHUYỆN CÙNG
YEHUDI MENUHIN

Hỏi: Cảm tưởng ông ra sao về nhạc khích động ?
Yehudi Menuhin: Tôi rất hoan nghênh nhạc khích động khi nẩy sinh một cách tự nhiên như với ban Beatles. Nhưng nó tồi tệ dần khi bị thương mại hóa nặng nề, còn giữ lại rất ít chất nhạc, chỉ hấp dẫn một cách vô thức làm người mê mẩn, bị lôi cuốn mà không hay, nuôi dưỡng ao ước của một khối lớn người muốn lãng quên mọi ý nghĩ và lo lắng trong đời sống hằng ngày. Khi ấy, các cảm quan bị vùi dập kinh khiếp và trong một khoảng thời gian cử tọa không còn là những người quân bằng, chừng mực. Đó là chuyện tôi sợ và đó là điểm làm tôi kinh hoàng lúc đi nghe nhạc khích động của một ban nổi tiếng trên thế giới.
Một hôm tôi nhận được thư của người quản lý ban nhạc, ngỏ ý muốn tặng tôi 100 vé ngày trình diễn đầu tiên trong mùa tại London để bán gây quỹ cho trường âm nhạc của tôi. Thật là món quà hậu hĩnh và cô thư ký của bán vé với giá rất cao, thu được một số tiền lớn cho trường.
Tôi nghĩ là mình có bổn phận đến nghe ban nhạc, và ông quản lý mời tôi đến dự. Hóa ra ông là người rất tiếng tăm, đã nỗ lực hết sức để cải thiện tình trạng tài chính của ban nhạc. Ông chán ngấy tới cổ loại nhạc họ chơi, nhưng không chán tiền thâu.
Buổi trình diễn làm tôi kinh sợ. Nhạc, nếu cái đó có thể gọi là nhạc, là một thứ cực hình, có dụng ý khống chế cảm quan. Tôi nhất định cưỡng lại để sống thật với chính mình. Lối phản ứng khác là tự nhủ 'Thôi, hãy hòa theo đám đông'. Chỉ riêng về âm lượng cũng đủ làm người nghe choáng váng, về sau được rõ là hệ thống khuếch âm có trục trặc. Tôi bỏ về trước khi  chấm dứt vì cảm thấy khó chịu quá đỗi.
Tôi không thích bị lôi cuốn mất tự chủ. Tôi muốn ý thức là mình làm chủ con người và tất cả khả năng của mình. Về mặt khác, tôi sẵn sàng dâng hết tâm hồn khi nghe Bach, Beethoven, hay Schubert. Tôi sẽ sấp mình trước mặt các nhạc sĩ ấy, hay một kiệt tác phẩm nghệ thuật, hay ngôi đền, cái cây, người tôi yêu mến, bởi khi làm vậy tôi trở thành là tôi nhiều hơn. (Tư tưởng  này đáng lưu ý, vì nó diễn tả chân lý quan trọng theo quan điểm nghệ thuật. Con đường tinh thần đúng cách luôn luôn làm người ta mở rộng thêm tâm hồn, nâng cao mức nhận thức, và trở nên đẹp đẽ hơn, làm họ đi tới gần đích là Thượng Đế, biểu lộ thiên tính nhiều hơn. Con người cảm thấy mình có tiềm năng trở nên thánh thiện, thiêng liêng hơn cái tôi thường ngày. Chánh đạo, ở đây qua nghệ thuật, làm con người thấy được và hòa nhập với cái tôi cao cả đó.)
Nhưng không cách chi mà tôi dự được vào buổi sinh hoạt rẻ tiền, ồn ào, gượng ép, mất nhân tính được gọi là giải trí ấy. Cả chục ngàn đồng tuôn vào hệ thống ánh sáng, phông ảnh, trang trí, toàn ban mặc áo quần đính cườm và hạt đá phản chiếu ánh đèn rực rỡ. Theo cái nhìn của tôi, chất nhạc hoàn toàn không có trong tối ấy.
Tôi nhìn một số thanh niên trong cử tọa. Nếu tôi bảo họ cảm tưởng của mình, có thể họ gạt tôi khỏi đám và nói tôi không hiểu được niềm khoái lạc của họ, nhu cầu, sự đồng hóa của họ với nhạc và toàn ban. Điều mà có lẽ họ không nhận ra là họ đang ở trong tình trạng dễ bị lôi cuốn làm theo người khác.
Khi tôi bỏ ra về, cử tọa gần như tới mức điên loạn. Đã từng chứng kiến những cuộc biểu tình trước phiên tòa Nuremberg, tôi có lòng sợ hãi đám đông vô trật tự và cảm thấy bất an ở giữa đám người trẻ đông nghẹt, nhái lại mọi điệu bộ của ban nhạc trên sân khấu. Cảm quan và tình cảm của họ đã bị khuấy động dữ dội, mang ra làm trò chơi để sinh lời cho ban nhạc. Tôi e rằng khi mất tri thức về sự vừa phải, chừng mực, cử tọa có thể bị sai khiến, dẫn dụ. Điều làm tôi kinh hoàng là sự thúc đẩy mọi người đi tới chỗ múa may giống nhau.
Nhóm cử tọa mà không ai rập khuôn giống ai là người Do Thái; có người vỗ tay, có người không, hay tỏ vẻ nghi ngờ, thắc mắc. Tới cuối chương trình, nghệ sĩ thường thường được vỗ tay nhưng chỉ sau khi đã kéo được mỗi người riêng rẽ về phe mình. Cử tọa người Đức ở đầu thái cực khác, tuy cũng rất để ý nhưng phản ứng như là một khối có kỷ luật. Thường vào lúc chấm dứt một bản nhạc, họ ngồi yên một lát trước khi vỗ tay, tôi rất cảm động với việc giữ yên lặng như thế sau bản nhạc. Nó nói lên sự trang trọng, cảm giác ngại ngùng phải gây tiếng động trong buổi hòa nhạc.
Về một mặt khác, chúng ta đều biết kỷ luật tập thể có thể mang con người tới đâu khi bị hướng dẫn sai lạc, khi dân chúng quá tin vào nhà cầm quyền, vào tổ chức. Như vậy là thụ động, khác hẳn với sự khiêm tốn gặp trong một cử tọa dự sinh hoạt tinh thần. Vẻ khiêm tốn ấy được lộ trong buổi lễ tôn giáo, khi tín hữu cảm thấy rung động sâu xa với nhạc, bài giảng, trầm hương, không khí và lịch sử của chính ngôi chùa hay giáo đường. Nhưng tôi không hề cảm nhận lòng khiêm tốn trong khối người đông đảo tới nghe ban kích động nhạc, mà ta biết việc bước qua lằn ranh, tiếp xúc với các lực vô thức xẩy ra thật dễ dàng và nguy hiểm chết người như thế nào. Tôi cảm được sự gần kề của lằn ranh ấy, đâm chán ghét và kinh sợ nó. Tôi không lên án, chỉ báo trước.
Hỏi: Ông thấy vai trò của nghệ thuật và nghệ sĩ trong xã hội ra sao ?
Y. M.: Khi nghĩ đến nghệ thuật, tôi nghĩ đến một loạt các hoạt động vốn là một phần của con người ngay từ lúc khởi thủy của nhân loại. Nghệ thuật không thể tách rời khỏi cuộc sống, và tôi không tin nghệ sĩ có thể biện minh là anh ta, hay vật mà anh sáng tạo, xây dựng nên, có tầm quan trọng tuyệt cao. Nghệ sĩ chỉ là tôi tớ cho nghệ thuật.
Nghệ thuật có thể được sinh ra bởi người có tâm hồn cao cả cũng như bởi người ghiền ma tuý. Nghệ thuật của Bach, Handel, Shakespeare, Goethe có sự quân bình và đầy đặn, nhưng một số lớn nghệ thuật của thời đại chúng ta lại do người mất quân bình tạo nên. Điều ấy sẽ gây nên hậu quả về lâu về dài cho trọn nền văn minh của chúng ta.
Nghệ thuật không thể được phân tách khỏi những yếu tố sống còn và hiện tồn của con người, khỏi nhu cầu liên lạc, thăng hoa, đặt ra biểu tượng. Tôi đồng ý là nghệ thuật có mục đích sâu xa hơn là việc chỉ để giải trí, tôi đã nói tới vài khía cạnh nghiêm chỉnh của nghệ thuật nhưng tôi cũng ưa thích khía cạnh vui tươi nhẹ nhàng. Khía cạnh ấy cũng quan trọng không kém, đối với tôi một buổi tối dành cho nhạc valse của Strauss hay dân ca là điều thiết yếu.
Hỏi: Tôi tự hỏi phải chăng nhạc là nghệ thuật có tính cách an ủi hơn hết thẩy ?
Y. M.: Nhạc có thể xuyên qua mọi hàng rào người ta dựng nên để ngăn nó. Sự phối hợp giữa nhạc và một cảnh ngộ não lòng đặc biệt có thể cho ra sức mạnh không ngờ. Có lần trong một tang lễ, bản nhạc tôi đã nghe quen bỗng cho ra ý nghĩa hoàn toàn lạ lùng. Khi chưa nghe nó trong hoàn cảnh và bầu không khí như vậy, tôi chỉ mới biết sơ qua khả năng làm rung động lòng người và truyền ý nghĩa của nhạc. Nhưng bây giờ tôi ý thức là nó có thể cho ra và luôn cả thu vào cảm xúc với một lượng vô kể, ở chiều sâu vô biên.
Hồi còn bé, tôi cảm nhận âm nhạc rất sâu đậm. Nhạc là tất cả đối với tôi, đêm nào tôi cũng nghe một số bản và khóc cho tới lúc ngủ thiếp đi. Dù lúc ấy chưa có kinh nghiệm gì về cuộc đời, hẳn tôi cũng đã thoáng thấy cái ý niệm là tôi không được khóc hay cảm nhận đau khổ chỉ cho riêng mình.
Khi lớn lên, và biết đời nhiều hơn, nhạc hóa ra chứa đựng tất cả những gì mà ta đã kinh nghiệm. Phần việc của cả nhà soạn nhạc và nghệ sĩ trình diễn là kinh nghiệm sự sống rồi diễn dịch kinh nghiệm ấy thành nhạc. Có biết bao kẻ sống trong đời mà không có cơ hội diễn dịch kinh nghiệm sống, ngoại trừ lúc họ sống lại điều ấy qua người khác bằng cách nghe nhạc hay thưởng thức một nghệ thuật khác. Loại kinh nghiệm có được nhờ người khác này là điều duy nhất mà tôi chấp nhận là có phận sự hữu dụng.
Ai trong chúng ta cũng có nỗi buồn, nỗi vui, hân hoan, nhọc nhằn, nhưng có thể ta không đủ kinh nghiệm ở đời để cảm được trọn vẹn bề sâu tình cảm, phân tích hợp lý hay gạn lọc ý nghĩa của việc xẩy đến cho ta. Ta cần làm sáng tỏ, vì vậy ta đi tìm những nghệ sĩ sáng tạo đại tài mà có thể tin được, như Bach, Bethoven, Shakespeare. Kinh nghiệm của người tiến hóa cao – dù đó là nghệ sĩ, nhà lãnh đạo tôn giáo hay ai thuộc bất cứ nghề gì, giới nào – làm ta mở mắt, nới rộng chân trời, khiến ta trưởng thành hơn, tháo tung ẩn ức tình cảm, cho chúng hình dạng, âm thanh, ý nghĩa. Một tuyệt tác phẩm nghệ thuật tượng trưng con người trở lại cho chính họ.
Nhạc không giống như nghệ thuật dùng thị giác, nó cần thời gian để biểu lộ. Nhạc của Bach hay Beethoven lôi cuốn làn rung động của ta, bắt phải sống theo nó. Tôi sẵn sàng và không ngần ngại chút nào sống qua Beethoven và chiều sâu kinh nghiệm của ông, nhưng điều tôi không thể chấp nhận được là sự phục tòng gần như trọn vẹn mà buổi giải trí rẻ tiền nói trên đòi hỏi. Tôi muốn được nghệ thuật dạy dỗ, làm giác ngộ, phong phú hơn. Tôi không muốn gặp những cảm xúc thô lậu như sợ hãi, tàn ác, hành vi quái dị.


Khi đánh giá nghệ thuật và nghệ sĩ, ta cần hiểu biết đôi chút về việc tạo nên người hùng và hạ bệ họ. Tài tử điện ảnh hay thần tượng nhạc khích động là những người có số phận vô cùng mong manh. Thần tượng là thần thánh giả hiệu, và nhiều thần tượng nhạc khích động có đời sống riêng hết sức tầm thường, ai cũng bắt chước được dễ dàng, đầy những ham muốn thông thường như ma túy, rượu, óc tham lam, khiến cho người ta đồng hóa mau chóng với họ, và hạ bệ họ cũng lẹ làng y vậy. Cái tốc độ khi thổi phồng rồi đánh đổ ấy phản ảnh nhịp của đời sống đương thời, nó cũng làm người tạo thần tượng có ý niệm quá lố về quyền lực của họ.
Chỉ bằng cách tìm hiểu bản chất, phận sự và việc tạo dựng thần tượng cùng anh hùng của con người ta mới có thể biết phân biệt giữa nghệ sĩ nào có uy thế đương nhiên, sẽ gây ảnh hưởng lâu dài và ích lợi cho nhân loại, với nghệ sĩ mà công trình và mục tiêu đời họ lại mang tính cách phù du.
 Trích Conversation with Yedudi Mehuhin, by Robin Daniels.