NICHOLAS ROERICH
CON NGƯỜI
Nicholas Roerich sinh ở thành phố St Petersburg tại Nga năm 1874. Cha ông là luật sư có điền trang rộng rãi nên thuở nhỏ Roerich rong chơi ở trang trại, đào xới khám phá nhiều di tích lạ lùng và sinh lòng ưa thích sử học, khảo cổ học từ đó. Điểm lý thú là điền trang mang tên Phạn ngữ Iswara có nghĩa là Thượng Đế, như báo trước về sau ông Roerich có khuynh hướng quí chuộng tính thần bí (mysticism) của đông phương. Trên tường có bức tranh núi non khiến chú nhỏ mơ ước có dịp tới đó, về sau ông được biết ấy là hình ngọn núi thiêng Kanchenjunga của Tây tạng. Bên cạnh lòng say mê lịch sử, lớn lên thanh niên cũng ưa thích đi săn.
Cha mẹ muốn ông nối nghiệp nên đến tuổi vào đại học, Roerich ghi danh học hai phân khoa cùng lúc là luật và Học Viện Mỹ Thuật tại St Petersburg. Bởi có nhiều sở thích như sưu tập kim thạch, tem, khảo cổ, Roerich vừa đi làm vừa đi học để trang trải chi phí cho những sở thích của mình; ông làm đủ mọi nghề như vẽ tranh thánh (icon) cho nhà thờ, viết chuyện đăng báo. Năm 1897 trước khi tốt nghiệp Roerich vẽ bức tranh 'The Messenger' mà nay trở thành nổi tiếng, và được trưng bày tại nhà triển lãm Tretyakov là một trong những bảo tàng viện danh tiếng của Nga hiện thời. Vào lúc ta nói đây, Tretyakov là một thương gia ưa thích hội họa và dùng tài sản của mình để sưu tập tranh, khi bộ sưu tập lên tới con số ngàn, Tretyakov hiến tặng toàn bộ sưu tập cho thành phố St Petersburg để tỏ lòng tri ân thành phố, nhờ nó mà ông lập nghiệp thành công.
Có tranh được trưng bầy ở nhà triển lãm Tretyakov là một hân hạnh, và hân hạnh càng lớn khi Roerich chỉ mới là sinh viên chưa ra trường. Tài năng của ông vì vậy lập tức được những nhà sưu tập, các viện bảo tàng, nhà phê bình chú ý. Bức tranh tự nó cũng rất đáng nói vì đầy nét thần bí, ẩn dụ, thường biểu lộ trong tranh vẽ của ông. Nó không phải chỉ là phong cảnh mà là phong cảnh một thiên hùng ca, là nền cho một vở kịch lớn sắp diễn trong đó. Đề mục ban đầu này sẽ được thấy lại nhiều lần về sau, với cảm xúc mạnh mẽ của sắc dân miền cực bắc. Ông chuộng vẽ tranh có tính cách lịch sử, vì tin rằng ai không hiểu được quá khứ sẽ không thể suy nghiệm ra tương lai. Dù rằng về sau có kinh nghiệm nhiều hơn và phong thái già dặn vững chãi hơn, những bức tranh đầu cho thấy vài tính chất không thay đổi qua bao năm của Roerich, đó là đường nét mạnh mẽ, hay dùng những khối mầu lớn hoặc sáng hoặc tối.
Tới năm 23 tuổi Roerich đã dự nhiều cuộc khảo cổ khắp nơi trong nước, viết bài cho các tập san về khảo cổ và được bầu làm hội viên của Hội Khảo cổ Hoàng gia. Tính ra ông là hội viên trẻ tuổi nhất. Năm 24 tuổi nhân một chuyến đi khảo cổ Roerich gặp cô Helena Shaposhnikova và đôi bên kết thân. Helena có ông nội là đại tướng Kutozov người chỉ huy quân Nga đánh bại Napoleon khi Napoleon xâm lăng Nga năm 1812, và có chú là nhạc sĩ tài ba Moussorgsky. Helena tự học đọc lấy, năm bẩy tuổi biết đọc và viết ba thứ tiếng Nga, Pháp và Đức. Năm sáu tuổi Helena gặp được lần đầu tiên một nhân vật cao lớn với y phục trắng, cô bé gọi đó là vị Thầy ánh sáng (Teacher of Light) và cảm biết là ngài sống ở nơi rất xa. Từ khi có bạn, do ảnh hưởng của Helena Roerich tìm đọc những kinh sách cổ đông phương như kinh Veda, Bhagavad Gita, thiên anh hùng ca Mahabrarata. Có sách ghi rằng hai ông bà gia nhập hội Thông Thiên Học trong thập niên đầu của thế kỷ 20.
Đôi bạn tạm chia tay khi Roerich sang Paris học vẽ, hơn một năm khi về nước Roerich làm phụ tá chủ bút một tạp chí nghệ thuật, và hai người thành hôn. Họ tiếp tục đọc về những nhân vật như Vivekananda, Ramakrishna, đức Phật, thi hào Tagore mà Roerich cũng dự nhiều cuộc khai quật, thu thập cổ vật tính ra có từ hơn 4000 năm về trước. Ông tham gia tích cực việc xây cất ngôi chùa Phật giáo tại St Petersburg, và giữ chức giám đốc một học viện mỹ thuật lớn có 2000 học sinh. Sáng tác của ông trong giai đoạn này gồm các bức bích họa, tranh, phù diêu to lớn, kiến trúc, phông sân khấu, họa kiểu y trang cho kịch nghệ, và được xem là một trong những nghệ sĩ tài ba nhất của Nga lúc bấy giờ.
Trong nhiều năm Roerich viết, vẽ, dạy, đi khảo cổ đó đây. Năm 1916 thấy rằng sẽ có xáo trộn, gia đình Roerich lấy cớ sức khoẻ ông kém để ông bà và hai con trai sang Phần Lan, bỏ lại hết tài sản của mình. Họ bị thiếu thốn nhưng trong giai đoạn này hai ông bà học hỏi sâu rộng nhiều về Phật giáo và Minh Triết Thiêng Liêng. Ông cũng bắt đầu vẽ loạt tranh về đông phương.
Từ đây hai ông bà dự tính đi Ấn Độ để học hỏi thêm về triết lý nhưng vào giờ chót không thực hiện được. Thay vào đó có dàn xếp cho ông triển lãm tranh tại Stockholm, tiếp theo ông được mời sang Anh năm 1919 để trang trí sân khấu Covent Garden tại London, tình cờ lúc này văn hào Tagore đến kết thân làm bạn. Tại Anh Roerich có cơ hội triển lãm tranh, và ngày kia, khi ngắm nhìn đoàn kỵ mã người Ấn trên Bond Street, họ nhận ra vị cao lớn nhất trong đoàn là Chân sư Morya, bắt gặp ánh mắt sắc bén như soi thấu tâm hồn của ngài. Helena khởi đầu ghi lại những huấn dụ của ngài cho bộ Agni Yoga từ lúc này.
Năm 1920 Roerich được mời sang Hoa Kỳ triển lãm tranh. Gia đình ông rời Anh qua Mỹ đem theo hơn 400 bức họa, tranh ông được trưng bầy tại 29 thành phố lớn và cuộc triển lãm thành công lớn lao, kéo dài một năm rưỡi. Đây là lần đầu tiên có tổ chức qui mô để công chúng Hoa Kỳ được xem nhiều tác phẩm của một họa sĩ lớn người Nga, họ kinh ngạc và thích thú với cách vẽ, mầu sắc sử dụng và đề tài. Ông tiếp tục ngụ tại Hoa Kỳ thêm vài năm, trong thời gian ấy Roerich cùng một số người hâm mộ triết lý của ông thành lập các tổ chức như The Master Institute of United Arts tại New York dạy nhiều ngành nghệ thuật chung một nơi như nhạc, họa, kịch, hát opera; nhà bảo tàng Roerich, trung tâm International Art Center triển lãm mỹ thuật phẩm của nghệ sĩ các nước, hội nghệ sĩ Cor Ardens. Những cơ sở này đều có tính cách giáo dục và chủ trương chính của chúng là tạo nên văn hóa, mỹ thuật.
Vào năm 1923, ông bà và con trai lớn là George mở cuộc du hành vào Á châu với mục đích là khám phá những vùng hẻo lánh của Himalaya, thâu thập kim thạch, thám hiểm những địa điểm khảo cổ chưa ai biết nhiều, tìm hiểu về thuật vẽ trên đá của dân trong vùng, phong tục, thần thoại, ngôn ngữ, tôn giáo, văn hóa của những sắc dân ở Trung Á, thu góp tài liệu như thảo mộc, kinh sách để nghiên cứu.
Trong năm năm từ 1925 - 1929 đoàn nghiên cứu đi qua Ấn Độ, Tây Tạng, Sikkim, Mông Cổ, Trung Hoa, Nga. Chẳng những đó là vùng có các nền văn hóa lâu đời mà đó cũng là nơi có núi non cao chất ngất, bí ẩn và hùng vĩ nên Roerich được gợi hứng vẽ loạt tranh mang tên Himalaya. Tư tưởng của ông về triết lý và tôn giáo đông phương được củng cố thêm khi tiếp xúc với dân chúng trong vùng, núi non vì vậy là biểu tượng thích hợp cho cho ý tưởng thanh cao trong giai đoạn này của Roerich. Rặng núi lôi cuốn ông mạnh mẽ từ thuở nhỏ qua bức tranh treo tường ở điền trang Ishvara mà về sau, ông khám phá tranh vẽ ngọn núi thánh Kanchenjunga của người Tây tạng. Việc tài trợ cho cuộc thám hiểm được xếp đặt như sau, Roerich thỏa thuận cho nhà bảo tàng Roerich tại New York mua tất cả những tranh mà ông sẽ vẽ trong chuyến đi và lần lượt gửi về Mỹ. Cũng nhờ vậy mà nay Hoa Kỳ có số lượng rất lớn các tranh của ông.
Khi cuộc du hành chấm dứt năm 1929, gia đình gồm ông bà và hai con trai George nhà ngữ học tiếng bắc Phạn (Sankrit), nam Phạn (Pali), tiếng Tây tạng, Hoa ngữ, Farsi (tiếng Ba Tư) và Svetoslav một họa sĩ, định cư tại thung lũng Kulu dưới chân núi Himalaya phía tây bắc Ấn Độ, thuộc tiểu bang Punjab. Nơi đây họ thành lập Urusvati Himalya Research Institute với nhiều chương trình, trong đó có việc xếp đặt kết quả và học hỏi những khám phá trong cuộc thám hiểm nói ở trên, nhất là dược tính của cây thuốc trong vùng Trung Á mà phái đoàn đã thâu thập với khối lượng rất lớn. Từ năm 1930 đến năm 1939 công việc tại Urusvati đi theo ba hướng chính:
a. Thực vật học chuyên về dược thảo.
b. Ngôn ngữ - chủng tộc học.
c. Khảo cổ.
Mỗi năm vào mùa hè khi tuyết tan và di chuyển trên đường đèo hóa ra dễ dàng, nơi đây tổ chức nhiều cuộc nghiên cứu đi vào vùng cao nguyên Tây Tạng và những ngọn núi cao trong dãy Himalaya. Đến mùa thu khoảng tháng 10 nhân viên quay về trung tâm và dành thì giờ trong mùa đông xem xét các mẫu vật thâu thập được.
Viện Urusvati thực hiện nhiều công trình như về ngôn ngữ học như soạn quyển tự điển Tây Tạng - Anh ngữ đầu tiên, sách về mỹ thuật Tây Tạng, dịch kinh điển Tây Tạng, khảo cổ, nhân chủng học như nghiên cứu hình vẽ trên đá của các sắc dân vùng Trung Á, văn hoá, truyền thuyết, thần thoại của những nơi này, tìm hiểu về khoáng thạch và dược học của thảo mộc trong vùng như đã nói. Nơi đây có thư viện kinh sách đông phương, lưu trữ kinh lẫn sách cổ và hiếm.
Trong giai đoạn này có một hoạt động của Roerich gây tiếng vang lớn trên thế giới ngoài tranh của ông. Như thấy trước dấu hiệu của thế chiến II và sự tàn phá văn hoá mà chiến tranh toàn diện có thể mang lại, năm 1929 Roerich đề nghị có một hiệp ước hòa bình giữa các quốc gia, và treo một lá cờ đặc biệt được chính phủ các nước công nhận ở những cơ sở về văn hoá, giáo dục, nghệ thuật, tôn giáo và khoa học để chúng được bảo vệ không bị phá hủy khi chiến tranh xẩy ra. Roerich vẽ kiểu lá cờ hòa bình gồm ba vòng tròn nhỏ mầu đỏ tía tượng trưng cho Mỹ Thuật, Tôn Giáo và Khoa Học như là những sắc thái của Văn Hoá, nằm trong một vòng tròn lớn cũng mầu đỏ tía trên nền trắng. Biểu tượng còn mang ý nghĩa khác, là sự thành đạt trong Quá Khứ, Hiện Tại và Tương Lai của con người được gìn giữ bên trong vòng tròn Vĩnh Cửu.
Mơ ước của ông là có một kế hoạch bảo tồn tất cả bảo vật vĩ đại và những cơ sở văn hóa trên khắp thế giới khi xẩy ra binh đao tàn phá. Ông cùng con trai lớn là George đi vận động các nước tây phương để họ chấp nhận Roerich Peace Pact và lá cờ hòa bình. Đối với Roerich văn hóa là sự biểu lộ cao tột nhất của nhân loại, và những cơ sở như nhà bảo tàng, thư viện, đền đài, trường học, phòng thí nghiệm, các bộ sưu tập tư nhân chứa đựng bảo vật vô giá của óc sáng tạo con người, vật không thể thay thế được, nhưng có thể bị tiêu hủy trong lúc chiến tranh. Ông hy vọng lá cờ nói trên sẽ được các nước tôn trọng, và các nơi trên không bị xâm phạm trong lúc hòa bình cũng như khi chiến sự xẩy ra, lá cờ nhằm bảo vệ những thành quả văn hóa của con người giống như hội Hồng Thập Tự giúp làm giảm bớt sự đau khổ về vật chất của nhân loại. Hiệp ước hòa bình ký rồi sẽ bị quên lãng, nhưng lá cờ còn đó; khi tung bay ở nơi nào thì người ta biết rằng nơi đó có kho tàng nghệ thuật, lá cờ tuyên bố là có vật cần được bảo vệ để tránh bom.
Để hiểu tầm ảnh hưởng của Roerich đối với công chúng, ta ghi thêm là tranh của ông được triển lãm ở những bảo tàng viện lớn thuộc nhiều nước, riêng tại New York nhà bảo tàng Roerich thường trực trưng bầy tranh của ông, chi nhánh hội Roerich được thành lập ở Hoa Kỳ, các nước châu Mỹ Latin, các nước châu Âu. Năm 1929 Roerich được phân khoa Công pháp Quốc tế của đại học Paris đề cử tặng giải Nobel Hòa bình, với lý do là trong 20 năm qua ông đã viết sách, vẽ tranh, khảo cứu, thuyết trình cổ động hòa bình trong 21 nước, không ngừng khuyến khích tình huynh đệ đại đồng, cổ súy cho văn hóa và mỹ lệ trong mọi địa hạt của nhân sinh. Đáp lại nỗ lực vận động về văn hóa và hòa bình của Roerich, năm 1935 tổng thống Roosevelt của Hoa Kỳ và đại diện 22 nước châu Mỹ Latin ký vào hiệp ước hoà bình Roerich, chưa kể vua chúa, các nhà lãnh đạo Âu châu cũng tán thành sáng kiến này.
Khi hiệp ước được ký thì ông đã lên đường thực hiện một cuộc du hành khác, lần này chính phủ Hoa Kỳ gửi Roerich đi sa mạc Mông Cổ để tìm loại cỏ chịu được sự khô hạn, giúp ngăn chặn nạn xâm thực của sa mạc, đây là cỏ mọc trong vùng không hề có mưa. Bộ canh nông có ý định này sau khi gió thổi bay lớp đất mầu mỡ bên trên, biến đồng ruộng miền trung tây Hoa Kỳ thành sa mạc. Đây là chủ ý ghi trên các văn kiện chính thức, nhưng người ta tin rằng có lý do khác để Roerich được phái đi và cầm đầu phái đoàn. Bởi nhiều điều muốn nói việc chọn ông đi khảo cứu là sai lầm, chẳng những Roerich đã lớn tuổi, ông cũng không phải là nhà ngoại giao hay là chuyên gia về thảo mộc. Ông lại là người Nga mang quốc tịch Pháp, hoàn toàn không là người Hoa Kỳ. Điều nổi bật hơn hết về ông là triết lý tinh thần và niềm mơ ước các nước hòa thuận với nhau hơn là hiểu biết về cây cỏ. Ta ghi lại chi tiết trên vì chuyến đi này là một trong các sự kiện vẫn còn gây bàn cãi nhiều về sau khi người ta nhìn lại cuộc đời của Rerich, nhưng sẽ không đi sâu trong bài này. Từ đó tới nay có nhiều giả thuyết được đặt ra để giải thích mà không có câu trả lời thỏa đáng.
Chuyến đi bắt đầu năm 1934 ngang qua các nước Nhật, tỉnh Mãn Châu của Trung Hoa, và Mông Cổ, hoàn tất vào cuối năm 1935. Từ năm 1936 tới cuối đời Roerich ngụ trong thung lũng Kulu, viết nhiều sách về Shambala, đức Phật, bộ Agni Yoga, vẽ tranh và tìm tòi về khoa học. Viện nghiên cứu Urusvati trao đổi thông tin với những tổ chức khoa học ở Á châu, Âu châu và Mỹ châu, giao dịch về các bộ sưu tập thảo mộc và động vật với các đại học Mỹ, viện bảo tàng lịch sử thiên nhiên ở Paris, hàn lâm viện khoa học của Nga. Hai con trai của ông thì George dịch sách đông phương mà hai chuyến du hành mang về, Svetoslav vẽ tranh mà cũng nghiên cứu về dược thảo của Tây tạng. Trong những năm thế chiến thứ hai, lợi tức bán tranh của ông được tặng cho Nga lúc đó là liên bang Soviet để giúp đỡ dân chúng bị chiến nạn.
Roerich vóc dáng nhỏ, ốm người. Người ta nhận xét là cử chỉ, giọng nói, dáng điệu của ông thong thả, điềm đạm không có chút nóng nẩy. Trong câu chuyện ông chậm rãi trình bầy mà không phải là ngần ngại, và khi băng ngang qua phòng tranh thì bước không vội vã, làm như có cả một sự vô tận trải dài trước mặt ông. Nổi bật hơn hết là đôi mắt biểu lộ tinh thần thư thái, bình thản, cho thấy bản tính an nhiên không bị sự sôi động, căng thẳng của cuộc sống văn minh ảnh hưởng.
Mắt của ông là mắt của người thấy viễn ảnh, của giáo sĩ, của nhà thơ. Ta không thể phân tích nó, giống như cái đặc tính về tranh của ông không thể mổ xẻ được, không sao có mô tả cụ thể nó là gì. Nếu không tin rằng mỗi người có 'hào quang' là làn rung động của riêng họ, ta không sao giải thích được việc là có vẻ như ông phát ra những tia đầy sự bình an, thiện chí, mục tiêu thanh cao; những điều này làm như bao trùm lấy ta khi đến trước mặt ông, mà đó là trước khi ông cất tiếng.
Ông chứng kiến Ấn Độ độc lập và qua đời vào tháng 12 - 1947. Phu nhân của ông là bà Elizabeth tạ thế năm 1955. Bà cũng có sự nghiệp riêng đáng nói là bộ Agni Yoga đã được dịch sang nhiều thứ tiếng. Hai ông bà là bạn đời cộng tác với nhau về nhiều mặt như Roerich ghi trong nhật ký:
- 40 năm chung sống, không kém một ngày. Trên đoạn đường này gặp bao giông bão, đe dọa từ bên ngoài nhưng chúng tôi cùng nhau vượt qua thử thách, biến chúng thành cơ hội. Helena là vợ tôi, là người bạn, bạn đồng hành, nguồn cảm hứng của tôi. Chúng tôi cùng nhau làm việc, học hỏi, mở rộng tâm thức tại St Petersburg, bắc Âu, Anh, Hoa Kỳ, khắp Á châu. Chúng tôi chung sức sáng tạo và có lý do để nói rằng công trình phải mang hai tên, một nam một nữ.
Nhìn lại thì ông là họa sĩ, là khảo cổ gia, nhà thám hiểm, triết gia, là bạn của tổng thống, bậc vua chúa cũng như của đạo gia ở nơi thâm sơn cùng cốc. Tranh vẽ chỉ là một phần của công trình con người tài ba này thực hiện trong đời của ông, ngoài hội họa ông còn thành đạt đáng kể trong những địa hạt khác như trang trí sân khấu, văn chương. Lời kết thích hợp và giản dị về Roerich nói rằng ông là hành giả đi tìm chân lý và mỹ lệ. Hai ông bà được xem là các nhân vật mở rộng tâm thức con người qua tranh, tư tưởng của họ, và đã thêm mỹ lệ cho thế giới như Roerich viết:
- Cách thức mãn nguyện và nâng cao tâm hồn nhất để phục vụ cuộc tiến hóa sắp tới đây là gieo trồng hạt giống của mỹ lệ. Nếu muốn có cuộc sống đẹp đẽ và hạnh phúc ... ta phải tạo nó bằng cách làm việc vui vẻ và hăng hái cho mỹ lệ và nghệ thuật.
Sau khi cả hai ông bà tạ thế, con trai đầu của hai vị là George Roerich về Nga làm việc ở viện Đông phương học từ năm 1957, giúp nghiên cứu ngữ học đông phương nhưng đột ngột qua đời vì bệnh tim năm 1960; ông được xem là học giả tiếng tăm về Phật học và là khoa học gia đáng trọng. Ông để lại những tác phẩm dịch sang Anh văn kinh Tây Tạng. George mang tặng nước Nga 418 bức tranh của Roerich theo ý nguyện của cha, đa số các tranh nay được treo tại viện bảo tàng Nga ở St Petersburg. Điền trang Ishvara là nhà trước kia của Roerich được bảo tồn và mở cửa cho công chúng xem, còn nhà tại Kulu biến thành một bảo tàng viện khác. Chính phủ Nga dưới thời ông Gorbachev tài trợ và tặng một dinh thự để thành lập Moscows International Roerich Centre gồm trung tâm văn hóa và nhà bảo tàng, lưu trữ 4 tấn gồm tài liệu, tranh, bản thảo chưa in thành sách, thư từ trao đổi của Roerich. Chủ trương cởi mở trong nước Nga còn khiến cho Agni Yoga được phổ biến tại đây. Con trai thứ hai là Svetovslav trở thành họa sĩ có tiếng về vẽ tranh chân dung và phong cảnh, qua đời vào cuối thế kỷ 20.
TÁC PHẨM
Như đã thấy Roerich là con người tài hoa và đa diện, người ta kinh ngạc khi biết ông làm việc trong nhiều ngành nghệ thuật, và có khả năng sáng tạo hết sức phong phú về các bộ môn văn, họa, kịch, triết lý. Ông có sức làm việc thật phi thường với gần ba chục quyển sách và hơn 7.000 bức tranh, trong đó nhiều bức là một công trình nghệ thuật tuyệt xảo. Sách vở viết về ông thường nói đến khía cạnh này hay kia của tài năng ông, ở đây chúng ta chỉ giới hạn vào tư tưởng, tranh vẽ và hoạt động có tính triết lý của Roerich. Tranh của ông có rải rác tại nhiều nước, chính yếu là ở Nga, Ấn Độ và Hoa Kỳ. Nga có nhiều nhất các tranh thuở ban đầu của Roerich, Ấn Độ có những họa phẩm thuộc giai đoạn cuối của đời ông, còn Hoa Kỳ là nơi có trọn các bức tranh tượng trưng nhiều giai đoạn khác nhau trong đời Roerich, cũng như tranh thuộc chủ đề đông phương và tây phương tiêu biểu cho 40 năm sáng tác với khoảng 200 bức họa.
Tác phẩm của ông có thể được chia làm hai nhóm lớn theo thời gian, đó là tranh vẽ khi ông còn trong nước Nga tức từ thập niên 1890 đến 1916 khi ông rời Nga sang Phần Lan, và nhóm thứ hai là tranh vẽ trong thời gian ở ngoại quốc tức từ 1916 đến khi ông qua đời năm 1947. Chủ đề của tranh thay đổi, lúc trong nước sáng tác mang nặng tính cách lịch sử, dân tộc tính, sự việc một phần do khung cảnh và phần khác do cơ hội. Sau khi ra trường, Roerich với tư cách là nhà khảo cổ có dịp đi nhiều nơi trong nước, tìm hiểu về di tích lịch sử và cổ vật nên sinh lòng quí chuộng thành quách, đền thờ, muốn chúng được bảo tồn, chăm sóc. Do đó ông vẽ một loạt tranh về những địa danh lịch sử hay văn hóa có tiếng của Nga, hầu hết là tranh sơn dầu và có lối vẽ riêng so với tranh về sau. Tuy nhiên sự phân chia hai thời kỳ như vậy không có mốc thời gian rõ rệt, mà đúng ra thay đổi chỉ xẩy ra chậm chạp dần dần vì từ năm 1905 Roerich đã bắt đầu vẽ về Ấn Độ. Trong giai đoạn hai Roerich lộ rõ ông là họa sĩ về phong cảnh, ban đầu tranh có người có cảnh, nhóm người, dần dần chuyển sang hình người đơn độc, hình người nhỏ bé từ từ, càng lúc càng nhỏ hơn trong cảnh đất trời mênh mông thăm thẳm, cuối cùng thì hình người biến mất chỉ còn lại không gian.
Ngoài việc vẽ tranh Roerich còn trang trí sân khấu và họa kiểu y phục cho kịch, operavà vũ ballet từ cuối thế kỷ 19. Ông làm việc với những nghệ sĩ tài hoa nhất lúc đó, thuộc khuynh hướng truyền thống hay tân thời, và vẽ theo cách thức rất cá biệt của mình không ai có thể bắt chước được. Tính chất này biểu lộ trong tất cả tranh của ông dù là đề tài nào: mạnh bạo, nghiêm cẩn, thần bí nếu là tranh tôn giáo. Điểm khác đáng chú ý là khi ở trong nước ông vẽ tranh sơn dầu, từ khi rời Nga Roerich thường vẽ bằng tempera hơn. Ông giải thích là muốn các bức hoạ ngày càng hóa nhẹ nhàng thay vì sậm tối lại như tranh sơn dầu. Roerich dùng các khối mầu để diễn tả tình cảm hoặc sâu đậm, cuồn cuộn, tha thiết hoặc sôi nổi tới mức người Nga gọi ông là bậc thầy về mầu, và quả thật các mầu trong tranh của ông hết sức đặc biệt. Binh lính trong thế chiến I từ mặt trận viết rằng hình ảnh ngọn lửa bung ra, khoảng trời u ám và cảnh tượng họ thấy quanh mình trong lúc xáp chiến thì y hệt những cảnh mà ông vẽ. Công chúng đặt ra tên 'Mây kiểu Roerich, đá kiểu Roerich, cảnh Roerich', như thể ông mở cửa sổ trong tâm hồn họ, cho họ thêm quan điểm để từ đó nhìn thiên nhiên rõ hơn trước.
Nói về tranh người đến xem các bức họa tại nhà bảo tàng Roerich cảm nhận sự kích thích của mầu sắc, vẻ mỹ lệ, tính sống động của tranh. Họ có thể thấy không quen thuộc với lối vẽ, nhưng cảm biết toàn bộ tác phẩm chứa đựng thông điệp, cũng như quan điểm của họa sư lộ rõ không thể phủ nhận. Câu hỏi thường được nêu ra là 'Tại sao có nhà bảo tàng tranh ?' 'Roerich là ai ?' 'Làm sao so sánh ông với các họa sư khác ?' Để trả lời câu hỏi chót thì kiến trúc sư Claude Bragdon mà PST đã nhiều lần trích dịch bài về kiến trúc, đưa ý kiến:
- Trong lịch sử mỹ thuật, thỉnh thoảng có nhân vật đặc biệt xuất hiện vượt trội hơn những người đồng thời, tác phẩm của họ có nét độc đáo, thâm trầm khiến ta khó mà xếp họ vào trường phái nào rõ rệt vì họ đứng riêng rẽ một mình mà lại rất giống nhau, tựa như một nhóm người xuất chúng vượt thời gian và không gian. Cuộc đời, tính chất và nghệ thuật của Roerich cho thấy ông là một người như vậy.
Một đặc tính nổi bật trong các bức họa của Roerich là sự nỗ lực và mục tiêu duy nhất. Lấy thí dụ những tranh thuộc chủ đề Himalaya, đó là nỗ lực biểu lộ nét tinh thần trong thiên nhiên (núi non hùng vĩ), nối kết phần tinh thần đó với tinh thần trong con người, và nỗ lực của chính con người hướng đến sự toàn thiện. Nhận xét thì tranh của Roerich thường có hai phần, sự vật thực tế bên ngoài và khám phá trong nội tâm, thí dụ núi non trở thành phương tiện để thăm dò tác động của mầu sắc, cảm nhận hình ảnh của người xem tranh, từ đó dẫn đến ý thức tâm linh; tranh vì vậy là phương tiện để tham thiền. Tranh có tác dụng đó một phần vì họa sĩ có bản chất trầm mặc, lặng lẽ, truyền đạt ý tưởng một cách gián tiếp. Những bức họa của ông mời gọi ta suy ngẫm, diễn giải ý nghĩa của chúng, đòi hỏi một nỗ lực nơi người xem để nắm bắt được ý của ông.
Ta hãy xem hai bức tranh lớn, trong bức 'Pearl of Searching', một vị guru và đệ tử ngồi trên đỉnh núi ở tiền cảnh bên phải phía dưới, đằng sau hai người mây trắng trải dài và vượt lên trên là núi non hùng vĩ uy nghi phủ tuyết trắng ở hậu cảnh. Khung cảnh núi vừa hiện thực vừa gợi ý tiến lên phần tinh thần trên cao, con đường nằm trước mặt người đệ tử. Ngọn núi tự nó là biểu tượng cho thế giới tinh thần riêng biệt với mặt đất nhưng có thể đến được cho ai một lòng hướng về những thực tại cao hơn. Bố cục của tranh gồm hình người phía trước, khối mây to lớn ở giữa và cảnh trí núi non vòi vọi, thăm thẳm mênh mang đằng sau. Xếp đặt này được dùng trong hàng trăm bức họa của Roerich mà không làm giảm bớt ảnh hưởng của tranh đối với khách chiêm ngưỡng. Nó có tác động là là mang khách thẳng vào trong tranh, mắt của ta bị kéo tới hình người và ta đồng hóa với họ, kinh nghiệm cảnh trời đất bao la lồng lộng mở rộng sau lưng các nhân vật từ vị trí này.
Bức tranh thứ hai tên 'He Who Hastens' có bố cục tương tự, trong tranh một kỵ mã trên lưng ngựa mầu đỏ nâu đang phóng nhanh qua núi đồi nằm ở tiền cảnh. Mây đầy khắp ở giữa tranh và đỉnh núi lởm chởm sáng hực mầu hồng trong ánh nắng chiều tà, núi vươn lên oai nghi trong phần nền của tranh. Kỵ mã có thể là người mang tin cho Chân sư, là đệ tử của ngài được cấp phái đến giúp ai tìm đường đến Chân lý. Bức này cũng như trong nhiều tranh thuộc bộ Himalaya toát ra một cảm giác cấp bách, khẩn thiết, giục giã, như thể có một thông điệp người trong tranh muốn gửi hay muốn nhận, có khách từ xa đến thăm phải tiếp đón, hay sứ mạng phải hoàn tất. Nói theo ẩn nghĩa thì tranh thúc hối người mau tiến đến mục tiêu tinh thần của mình, và nhắc nhở họ về bổn phận phải chuẩn bị cho Tân Kỷ Nguyên khi ánh sáng đẩy lui bóng tối mang lại sự huy hoàng.
Ý tưởng này là điểm căn bản trong nghệ thuật và cuộc đời của Roerich, càng nghiên cứu về ông ta càng nhận ra nét tinh thần căn bản trong đời họa sĩ, mục đích việc làm. Nicolas Roerich không phải chỉ là họa sĩ, tuy nhiên hiểu về tranh và việc làm của ông với tư cách là một nghệ sĩ sẽ giúp ta hiểu rõ thêm hoạt động và ước vọng của ông. So sánh thì trong lịch sử có một nhân vật cũng tài hoa, giỏi dang nhiều mặt tương tự như ông là nhà danh họa Leonardo da Vinci. Có ý kiến đi xa hơn nói rằng da Vinci là tiền thân của Roerich, ta ghi lại đây để tùy mỗi người nhận xét về họa sĩ.
Người khác cho rằng tuy Roerich vẽ nhiều tranh mang tính chất đông phương, và lúc sinh thời ông luôn tìm cách giúp đỡ người Nga trong nước là đồng bào của mình, nhưng ông thuộc về cả thế giới, và trọn thế giới là môi trường hoạt động của ông. Mỗi sắc dân là sắc dân huynh đệ đối với ông, mỗi nước là nơi có điểm thích thú và ý nghĩa đặc biệt, mỗi tôn giáo là con đường dẫn tới đích tối hậu, và theo ông cuộc sống là những cửa ngõ dẫn đến tương lai.
Mọi nỗ lực của ông đều được hướng tới việc thể hiện Mỹ Lệ, và tư tưởng của ông có được sự biểu lộ tuyệt diệu qua tranh vẽ, sách và hoạt động cho công chúng. Tranh của ông là tư tưởng lồng trong mầu sắc thanh bai có bố cục trang nhã. Phần nửa đời sau của ông có liên kết chặt chẽ với rặng núi cao nhất thế giới là Himalaya. Dùng núi trùng điệp làm nền cho tranh, ông trưng ra cho ta thấy những chuyện thần thoại và khát vọng tinh thần của biết bao người đi tìm Chân Lý, đến các ngọn núi cao vọi này để mong có được minh triết. Rặng Himalaya không ngừng là nỗi vui sáng tạo cho ông, vô số tranh của ông để lại phô diễn trước mắt ta khung trời lồng lộng chan chứa bao ý tình, điều này là một trong các tính chất căn bản của rặng núi sừng sững ấy.
Nhận xét về tranh của Roerich đặc biệt là loạt tranh mang tên Himalaya, thủ tướng Jawaharlal Nehru nói:
- Khi nhìn vào những bức tranh này, làm như ta bắt được tinh thần của rặng núi hùng vĩ, đứng cao chất ngất so với đồng bằng Ấn Độ dưới chân và canh giữ đất nước này từ bao thời đại trước. Núi gợi ta nhớ lại biết bao điều về lịch sử, tư tưởng, gia tài văn hóa và tâm linh không phải riêng về Ấn Độ xa xưa, mà còn là một điều gì hằng hữu, bất diệt về Ấn Độ, đến nỗi ta cảm thấy chịu ơn ông là dường nào, do việc tôn vinh phần tâm linh đó trong các bức tranh tuyệt mỹ. Tác giả đã qua đời nhưng nghệ thuật và loại công việc mà Roerich làm không bị ảnh hưởng mấy về sự mất hay còn của cá nhân. Nó cao hơn thế, nó sống mãi và thực ra trường cửu hơn so với kiếp người.
Chưa có ai mô tả dãy Himalaya như Roerich. Từ tranh của ông, núi tỏa ra quanh ta cơ man nào là mầu sắc, vô cùng phong phú không tưởng được, đi kèm với vẻ mỹ lệ và sự uy nghi, đường bệ không sao lột tả hết; đây là những ý niệm luôn nẩy sinh khi chữ Himalaya được thốt ra. Do khả năng tinh xảo trong việc tả lại núi non, người ta còn gọi ông là bậc thầy về núi, trên hết thẩy những bức tranh sau này của ông thấm đượm sự bình an và hy vọng. Ông có một thông điệp lớn lồng trong tranh và sách liên tục không đứt quãng, thông điệp của vị Thầy kêu gọi học trò tỉnh ngộ và nỗ lực về một đời sống mới, đời sống tốt đẹp hơn, tràn đầy mỹ lệ và thể hiện ý mình, như câu nói xưa:
- Từ hình ảnh mỹ lệ chúng ta sẽ có tư tưởng đẹp đẽ,
Từ ý nghĩ đẹp đẽ có đời sống đẹp,
và từ đời sống đẹp tiến đến Mỹ Lệ hoàn toàn.
Ý kiến nữa thì nói thế giới của Roerich là thế giới của Chân Lý, ta không thể nào chuyển nét đẹp quyến rũ của tranh thành lời, và ý niệm được mô tả bằng mầu sắc sẽ không cần lời mà ta vẫn có thể hiểu được. Nghệ thuật của ông nói với chúng ta bằng ngôn ngữ không lời, một ngôn ngữ linh thiêng và phổ quát, đó là ngôn ngữ của các biểu tượng đầy mỹ thuật, sinh ra phép lạ trong đời sống hằng ngày vì ta biết nhận ra mỹ lệ trong cuộc sống. Văn hào Rabindranath Tagore, một thân hữu của gia đình Roerich viết:
- Tranh của bạn làm tôi rung động sâu xa. Chúng khiến tôi ý thức một điều thật hiển nhiên nhưng người ta phải tự khám phá trở đi trở lại cho mình, ấy là Chân Lý thì vô cùng tận. Khi tôi cố tìm lời để tự diễn tả lại ý tưởng trong tranh bạn thì không sao làm được. Ấy là vì ngôn ngữ bằng lời chỉ có thể diễn tả một khía cạnh nào đó của Chân Lý, còn ngôn ngữ của tranh có chỗ đứng trong Sự Thật mà lời nói không vào được. Mỗi nghệ thuật đạt tới sự toàn hảo của nó khi khai mở được tâm hồn người bằng chìa khóa chỉ riêng mình nó có. Đứng trước bức tranh tuyệt mỹ ta sẽ không thể nói nó là gì, vậy mà ta thấy điều nó muốn nói và hiểu được. Chuyện cũng y vậy đối với âm nhạc. Khi một nghệ thuật có thể được diễn giải hoàn toàn bằng một nghệ thuật khác thì đó là thất bại. Tranh của bạn đặc sắc mà không thể được định nghĩa bằng lời, nghệ thuật của bạn gìn giữ rất mực sự độc lập của nó, bởi vì nó cao tột.
Tranh nâng tâm hồn người lên cao, thúc đẩy ta đi tìm chân hiểu biết, vững lòng không sợ hãi trong hành trình này. Khi sáng tạo không mệt mỏi trong nhiều sinh hoạt của con người, ông dạy cho ta việc phụng sự bằng con đường văn hóa, và dùng văn hóa tranh đấu cho hòa bình cho tất cả mọi người vào mọi lúc. Ông cổ súy hòa bình vì thấy trước được tai họa sắp rơi xuống nhân loại. Ta có nói ông là nghệ sĩ, mà Roerich cũng là nhà xây dựng, sáng tạo nhiều cơ cấu hữu hình cũng như vô hình trong những quốc gia ông đặt chân tới.
Roerich có lối vẽ bạo dạn, không cầu kỳ; ít khi ông vẽ vật thấy trước mặt. Dù có đường nét mạnh dạn, tranh ông giống như giấc mơ, chứa đựng hồi ức, sự tưởng tượng và cảm xúc. Bằng tranh hay bằng lời, ông luôn luôn nhấn mạnh rằng con đường mỹ lệ là con đường thiêng liêng. Ông tin người ta cần treo tranh ở bệnh viện, nhà tù, nhà ga xe lửa, ở đường phố, nhà máy v.v. như là cách để giảm thiểu tội phạm và bệnh tật thể chất lẫn tâm thần. Mong ước của ông là trang trí mọi vật sao cho mỹ lệ tràn ngập cuộc sống.
Hiểu biết tâm linh giúp cho tranh của ông có sắc thái mới. Tên mỗi loạt tranh phản ảnh các giai đoạn phát triển tâm linh và cách nhìn cuộc sống của ông trong thời điểm đó. Trong cuộc du hành sang Ấn Độ, kinh nghiệm có được do tiếp xúc với đất nước này thấy qua việc tranh biểu lộ sức sinh động mới, sâu sắc hơn. Với loạt tranh His Country ngụ ý vùng đất Chân sư cư ngụ ông có thể biểu lộ sự mênh mông của tinh thần, tính vô bờ bến, đưa con người vào thế giới thiêng liêng bằng mầu sắc và mỹ lệ. Kế tiếp là loạt tranh Banners of the East gồm 19 bức, họa các bậc Thầy tâm linh như đức Phật Quan Âm, đức Khổng Tử, Moses và những thần thánh khác theo truyền thống cả đông lẫn tây phương, vẽ trong khoảng 1923 -1929. Những tranh này phản ảnh niềm tin sâu xa của Roerich là có một căn bản chung cho tất cả các chỉ dạy tinh thần, tuy vậy theo ông đấng có tính phổ quát hơn hết trong số các đấng cao cả mà con người thờ phượng , đấng là biểu tượng cho sự hợp nhất về mặt tâm linh và văn hóa của thế giới là Đức Mẹ Thế Giới. Ông xem ngài là chiếc cầu nối liền các dân tộc, tạo nên sự hợp nhất tối hậu.
Một bức tranh đặc biệt hết sức diễm lệ cần được nhắc tới mang tên St Panteleimon. Theo niềm tin của dân gian Nga thánh Panteleimon là y sư, chuyên về chữa bệnh bằng các môn thuốc cổ truyền. Roerich vẽ rất nhiều tranh về cùng đề tài mà bức tuyệt mỹ nhất vẽ vào năm 1931. Trong tranh thánh Panteleimon là một ông lão râu tóc bạc, đeo túi vải chất đầy cây cỏ thuốc đang lom khom trên sườn núi vào mùa xuân, chăm chú kiên nhẫn tìm dược thảo. Ta cũng có núi non trùng điệp nơi đây, nhưng khác một điều là tranh không mời gọi người tiến lên đỉnh cao mà tạo nên cảm tưởng phơi phới, tưng bừng, hân hoan rộn rã. Nó cho ấn tượng ấy nhờ vào những cụm hoa muôn sắc nở rộ dưới chân thánh, đằng trước đằng sau nơi nào cũng cơ man là hoa tươi thắm, phủ đầy sườn núi thành tấm thảm với những đốm mầu lộng lẫy. Cảnh nhẹ nhàng, trong sáng, nắng gió lồng lộng, đất trời cao thẳm hiền hòa tươi vui.
Có ý tưởng nói tranh có thể chữa bệnh, mà quả vậy tranh của Roerich chắc chắn cho cảm xúc rất thuận lợi về mặt tâm tình. Bức St Panteleimon dạy người thưởng ngoạn biết thế nào là bình an và mỹ lệ, loạt tranh Himalaya đưa tâm hồn người vượt khỏi những suy nghĩ trong đời thường, bước vào cảnh giới tinh thần một cách tự nhiên, giản dị. Tranh đưa ta tới đó nhưng muốn duy trì tâm trạng bay bổng nhiệt thành hay lâng lâng rộng mở thì cần nhiều nỗ lực hơn. Nói khác đi tranh giúp bằng cách đặt ta vào tâm trạng thích hợp khi xem tranh, tựa như nghe tiếng chuông chùa thì tâm hồn thanh thoát. Tranh nâng cao tư tưởng, và như thế có tác dụng chữa bệnh làm lành nếu được lập đi lập lại hằng ngày, bởi sự kiện là làn rung động cao luôn luôn cho ảnh hưởng tốt đẹp điều hòa lên các thể.
Đó là về mặt tâm linh, nói riêng về mặt mỹ thuật thì tranh của Roerich rất xứng đáng cho ta thưởng lãm. Trong những năm qua, hàng ngàn bức tranh của Roerich đã được in và phát hành thành sách, lịch tại Hoa Kỳ. Bộ sưu tập lớn nhất về tranh Roerich nay thuộc nhà bảo tàng Nicholas Roerich tại New York. Có nhiều sách được viết về hai ông bà, những sách này cùng với tranh in lại có bán ở thư viện địa chỉ 319 West 107th Street, New York, NY 10025; website của thư viện là www.roerich.org có nhiều hình ảnh, tranh chụp sẽ làm bạn mê say ưa thích. Ước mong bạn dành nhiều giờ ngắm nhìn các sáng tác này của ông, vào trang web xem những tranh giới thiệu ở trên. Về sách thì quyển của tác giả Jacqueline Decter dưới đây viết đầy đủ, giảng giải cặn kẽ về hoạt động của Roerich và đặc biệt là in lại hơn 80 tranh tuyệt mỹ, rất nên tìm đọc. Tác giả Kenneth Archer có lối xếp đặt khác, ông chọn một số tranh tiêu biểu và viết bài diễn giải xúc tích cho mỗi bức.
Ngoài tranh, Roerich còn để lại nhiều sách mà bởi bài đã quá dài, ta sẽ bàn về sách của ông vào một dịp khác.
Tham Khảo:
- Jacqueline Decter: Nicholas Roerich: The Life and Art of a Russian Master. 1998
- Ruth A. Drayer: Nicholas & Helena Roerich. 2005
- Nicolas Roerich. Museum of Roerich.
- L. Kotokina: Nicolay Roerich. Aurora Publishers, Leningrad 1975
- Kenneth Archer: Nicholas Roerich, 1999.