NHỮNG NẤC THANG VÀNG
Một đời sống trong sạch,
|
Bình Giải
1. Chân Sư Polidorus Isurenus.
Lời dạy trên là câu đáp cho thắc mắc 'Làm sao tìm cửa Đạo ?'. Bạn hãy sẵn sàng hết lòng giúp người chung quanh phát triển sáu tánh Ba La Mật (Paramitas), đi theo Bát Chánh Đạo, và bước lên Những Nấc Thang Vàng. Ngay cả bước thứ nhất đã có thể dẫn người tới cửa Đạo, tức việc hiến mình phụng sự người khác, phát triển hạnh Bố Thí, có chánh tư duy, sống đời trong sạch, và khi thành tâm theo đuổi các nấc thang, người ta sẽ chẳng những tìm ra cửa, mà còn sẽ thấy cửa mở rộng với Người Giữ Cửa đang chờ đón họ bên trong. Ngài lặng thinh đứng yên nhìn ngắm bạn, nhưng một khi bạn được thúc đẩy trong lòng tự nguyện bước qua ngưỡng cửa, Ngài sẽ nắm tay bạn dắt vào. Và rồi, bạn sẽ đi lên tất cả những nấc thang khác, ...khám phá ... và tiến vào ..., đạt được sự tỏ ngộ tinh thần.
Ghi Chú: Chân Sư Polidorus Isurenus được biết là triết gia Philo Judaeus hồi đầu Công nguyên và nay làm việc tại Luxor, Ai Cập. Xin đọc thêm bài Trung Tâm Luxor, PST 34.
2. Chân Sư Morya (15 Dec 1978)
Con Đường làm Đệ Tử
Con đường làm đệ tử trên thực tế là một chiếc thang. Người muốn làm đệ tử đi lên từng bước từng bước một và cuối cùng đến được cửa 'nhà' và nơi cư ngụ của Chân sư. Đây không phải là cấu trúc mà là trạng thái tâm thức với điểm chính yếu là sự quên mình hoàn toàn, sinh ra hạnh phúc mà có khi dẫn tới an lạc, cùng khả năng giải quyết tất cả các vấn đề do tự nhiên thấu đáo, và biết được mọi chân lý từ điều nhỏ bé nhất là hạt nguyên tử đến điều cao xa nhất là Nguồn Tối Thượng của tất cả.
Đương nhiên người đệ tử tiến vào vùng ảnh hưởng này của Ngài rất từ từ và dè dặt – kẻo xử sự không khôn ngoan – với Chân sư theo dõi từng nấc thang mà họ đi lên, có khi hân hoan và tương đối dễ dàng, và có khi bị gò bó phải nỗ lực mạnh mẽ. Mỗi bậc thang, mỗi bước tiếp nhau mang tới phần thưởng bên trong của nó, phần lớn có nghĩa là hòa vào tâm thức của Chân sư. Nó gồm có việc giảm bớt từng bước một ảo tưởng của lòng chia rẽ, và kinh nghiệm được chân lý về sự Hợp Nhất. Cuối cùng, khi tiến gần đến và lên tới quả vị Đạo sư, người ta biết được sự sống duy nhất và trọn vẹn trong mọi hình hài riêng biệt. Đó là ý khi đức Jesus nói 'Ta với Cha Ta là một'.
Con Đường tuyệt vời này, 'những nấc thang' luôn luôn có đó và luôn luôn có sẵn cho ai tự trong tâm tin rằng có nó, và quyết định không sờn lòng trong việc đi tìm, lên thang tới đỉnh cao – cảm nhận sự hợp nhất không phá vỡ được với mọi tạo vật hiện hữu khác, và như thế đương nhiên với tất cả chúng sinh.
Nơi đỉnh – huyền bí thay cũng như rất hiệu quả – có một vị 'Kêu gọi', hay 'Quyền Năng' thể hiện, một 'vị tỏ bày Chân lý' hiện thân, người (hay là điều) hằng kêu gọi tất cả nhân loại mà chỉ có ít kẻ nghe ra trong thời đại này. Thông điệp của lời kêu gọi là sau:
Hãy tiến lên những nấc thang, vì nơi đỉnh mà bạn có thể đạt tới, có sự bình an trong tâm trí không gì phá vỡ, sự an nhiên không gì trên địa cầu bên dưới có thể hủy hoại được.
Vì vậy hãy tiến lên những nấc thang, vì tay vịn có đó cho bạn nắm vào bất cứ khi nào cần trợ giúp, nhất là khi bạn cảm thấy bị nguy có thể rơi xuống vực sâu bên dưới, hay thiếu sức mạnh cần thiết để tiến lên tới đỉnh. Bởi 'Người Kêu gọi' hằng có đó và mãi 'Kêu gọi', không ai đi lên nấc thang tuyệt vời trong cảnh cô độc, mà sự trợ giúp cần thiết luôn sẵn chờ.
'Lời kêu gọi' có đi kèm một khuyến cáo. Nó nói đến một nguy hiểm theo đó trọn nỗ lực có thể thất bại cho dù chỉ tạm thời. Nguy hiểm này chỉ nằm trong một chữ: lòng ích kỷ, hàm nghĩa ý riêng muốn được hưởng lợi trong đời người khi thành công. Vì vậy, 'lời kêu gọi' ngay ở nấc đầu tiên – thực ra, trước khi cất bước – nói rằng hãy loại bỏ trọn vẹn và hoàn toàn mọi dấu vết của lòng ham muốn có được bất cứ lợi lộc cá nhân nào.
Hãy làm tràn ngập trọn bản thể, từng hạt nguyên tử trong tâm trí bạn với MỘT tư tưởng, MỘT lý tưởng, sự an sinh của MỌI vật hiện hữu, và đương nhiên, đặc biệt là tất cả những gì có thể và phải chịu đau khổ. Đây là sự che chở lớn lao, sự cứu rỗi duy nhất mà chỉ nhờ đó việc tiến lên tuyệt vời trong nội tâm mới được thành công. Dầu vậy, có thể có thất bại nhưng tất cả chỉ là tạm thời, vì chính Linh Hồn của người muốn lên thang biết rất rõ là mọi ý niệm về cái tôi chỉ là ảo tưởng, và mọi ao ước lợi lộc riêng tư sinh ra do vô minh, trong khi mục tiêu vĩ đại có thể được mô tả như là Tất Cả Duy Nhất.
May thay, không một vấp té nào là không thể cứu vãn. Sự phục hồi và ước nguyện đạt tới đỉnh luôn luôn có thể có được, chúng lại rất có thể 'ép buộc' người đi trên bậc thang để sau đó họ vượt qua khỏi lòng ích kỷ, và quan trọng nhất là nơi người như vậy tính xả kỷ được sinh ra từ bên trong, mà không phải áp đặt tự bên ngoài.
Thế thì, nói cách khác và chữ khác, ấy là 'Những Nấc Thang Vàng' từ cổ xưa. Kết luận có thể nói là một việc cao thượng, một hoạt động lý tưởng có thể làm là đi tìm, gặp được cùng đưa tay trợ giúp kẻ khác, những người mà trong tâm có thể cũng nẩy sinh khao khát tiến lên tới đỉnh. Đây là 'tay vịn' vững chắc hơn hết, sự hỗ trợ không lay chuyển và không hề mất đi; nắm được đó thì bảo đảm được thành công cho nỗ lực lớn lao phát xuất tự trong lòng . Nói theo lời vị Đại Huấn sư của kinh Tân ước:
'Hãy trở nên ngư phủ quăng lưới thu hút người'.
3. Chân Sư Kuthumi (30 Dec 1979)
Con Đường không hề Đóng Cửa
Phải, hãy theo đuổi ý tưởng của việc trình bầy Chúng Ta như bậc Huấn sư chờ đón những ai khao khát và được lý tưởng Làm Đệ tử lôi cuốn. Phải, hãy trưng ra với sự nhấn mạnh vào chân lý rằng Con Đường Không Hề Đóng Lại.
Ý tưởng này không được để cho biến mất trong Hội, trong sách vở cũng như lý tưởng của Hội; bởi kết quả của ý này và ngay cả kinh nghiệm trực tiếp của người đệ tử là điều khả hữu, nếu hội viên thấy được lôi cuốn mạnh mẽ. Nếu thành công thì có thể có được một giai đoạn mới về sự liên hệ riêng của Chúng Ta với con người, đây là điều quan trọng đáng xem xét hơn hết, và việc mất đi lý tưởng cùng sự hữu dụng của nó sẽ là bất lợi to tát cho tiến triển đã có từ lâu, và việc hoàn thành Kế hoạch của Chúng Ta.
Hãy đưa ra ý tưởng rằng Chúng ta không rút lui mà vẫn hiện diện sẵn đó như xưa nay, cho những ai thành tâm bước lên Những Nấc Thang Vàng.
Trích từ Light of the Sanctuary, Geoffrey Hodson.
Xin đọc thêm lời bàn của Sidney Cook về bài Những Nấc Thang Vàng trên trang web PST.
4. Bình Luận Của Sidney A. Cook
Nếu có điều gì đáng khâm phục mà nhiều hội viên Thông Thiên Học trên thế giới đều đồng ý với nhau là bà Blavatsky đã tiến hóa vượt bực hơn người thường ở thời đại của bà hoặc của chúng ta, do sự kiện bà đã đạt đến mức độ hiểu biết vài luật căn bản của Vũ trụ, bản thể và định mệnh Con Người. Sự hiểu biết này và những quyền năng đương nhiên đi đôi với nó, nhưng một sự hiểu biết như thế không phải chỉ vỏn vẹn nhờ trí phàm mà hoạnh đắc được. Bà Blavatsky đã nói ra và chứng minh điều ấy; và những điều bà nói đều được cảm hiểu hoặc chứng nghiệm là đúng với Sự Thật, vì bà dạy rằng : xưa nay không có một con đường nào dễ dãi mà có hiệu năng đưa đến sự hiểu biết siêu phàm; con người chỉ có thể liễu ngộ Chân Lý và hoạnh đắc Minh Triết xuyên qua một đời sống thanh cao và một tâm lực can đảm phụng sự nhân loại.
Một trong những lời chỉ bảo mà bà đã nêu ra cho người chí nguyện đi trên con đường thanh cao và can đảm là một đoạn văn được biết dưới danh từ “ Những Nấc Thang Vàng”, nương theo đó con người có thể tiến bộ xuyên qua những kinh nghiệm của y cho tới khi y đạt được vài sự hiểu biết thiêng liêng và chia sớt ít nhiều kho tàng Minh Triết của Ðấng Cao Cả.
NHỮNG NẤC THANG VÀNG
Hãy ngắm nhìn chân lý ở trước mặt bạn:
1. Một đời sống trong sạch,
2. Một tinh thần cởi mở,
3. Một tâm hồn thanh khiết ,
4. Một trí tuệ linh hoạt,
5. Một trực nhận tinh thần,
6. Một tình huynh đệ đối với tất cả sinh linh,
7. Một lòng sẵn sàng nhận lấy và cho ra những lời khuyên bảo và huấn thị,
8. Một dạ trung thành với bậc Huấn Sư,
9. Một lòng quả quyết tuân theo mạng lệnh của Chân Lý khi chúng ta tin tưởng nơi bậc Huấn Sư, và tin rằng Ngài nắm giữ chân lý ấy,
10 . Một dạ dũng cảm chịu đựng nỗi bất công xẩy đến cho riêng mình,
11 . Một sự mạnh dạn tuyên bố tôn chỉ,
12 . Một lòng can đảm biện hộ cho ai bị đối xử bất công,
13 Và hằng lưu tâm đến LÝ TƯỞNG của SỰ TIẾN BỘ và SỰ HOÀN THIỆN của nhân sinh như Khoa Minh Triết Bí Truyến (Gupta Vidya) mô tả.
Trong “Những Nấc Thang Vàng”, bà Blavatsky đã nêu ra 13 điểm hay là 13 bậc thang phải leo. Và chúng ta không nên ngạc nhiên nếu nhận thấy bà Blavatsky, một nhà huyền bí học như thế, mà lại đưa ra cho chúng ta quá hơn là một bảng kê khai lộn xộn những bậc thang hay giai đoạn.
Việc bà Blavatsky gọi chúng là phương pháp leo thang chẳng phải nó có mục đích gợi ý rằng những nấc thang đều được sắp xếp có thứ tự và phối hợp ảnh hưởng liên tiếp dìu dắt nhau trên Cây thang hay sao? Rằng cây thang hẳn có cách kiến trúc và hình thể đặc biệt của nó, và chính vì thế mà hành giả phải nương theo thứ tự ( như đã kê khai) để lần lượt leo thang, xong nấc này rồi mới được phép vượt đến nấc kế tiếp hay sao? Ðó không phải là một sự gợi nên ý niệm rằng chúng ta không nên bỏ sót một bậc nào nếu muốn đi đến đỉnh, và không nên thay đổi thứ tự của nó hay sao? Tuân giữ thứ tự và không bỏ sót một nấc nào đó chẳng phải là qui tắc cần thiết cho phương pháp leo thang, không những đúng với cách nói tượng trưng mà cũng còn đúng với sự kiện thực tế trong đời sống hàng ngày hay sao?
Bây giờ, nếu do trực giác phân tích mà chúng ta tìm thấy Những Nấc Thang Vàng, quả có một cơ cấu như thế và những nấc thang có sự liên kết tuần tự như thế, thì tất nhiên sự hiểu biết của chúng ta về trình độ của bà Blavatsky được tăng cường. Chúng ta lại càng am hiểu và thán phục bà sâu xa hơn nữa khi nhận thấy không những bà dạy cho chúng ta hiểu biết rằng con người không phải do cát bụi cấu thành, nhưng định mạng của y là phải tiến đến quả vị cao siêu hơn mãi, mà bà còn dạy chúng ta một cách đúng lý rằng sự hiểu biết chân chánh và đời sống trong sạch cần phải đi đôi với nhau. Minh triết Thiêng Liêng sẽ còn cho ta thấy ý nghĩa và mục đích cao xa hơn đối với chúng ta khi chúng ta liên tiếp khám phá được những ý nghĩa này ẩn tàng trong ý nghĩa nọ, và khi chúng ta biết rằng bà Blavatsky không những chỉ bảo cho chúng ta hiểu biết cách vận chuyển của guồng máy vũ trụ với những định luật của nó, còn luôn đến những định luật của tâm thức, những nguyên tắc khoa học và triết học trong Giáo Lý Bí Tryuền, bà còn cho chúng ta những giới luật và huấn thị đầy đủ chi tiết, cái chìa khóa hay bí quyết về đời sống để cho chúng ta lần hồi biến chế những kiến thức này thành những tri thức của chính chúng ta, khi chúng ta đặt chân hết nấc nầy đến nấc nọ của trọn cây thang vàng.
Phương pháp leo thang đứng vững được là nhờ những nguyên lý tinh khiết chói sáng như vàng không bao giờ phai mờ. Vàng rực rỡ và vinh quang là kết quả của sự leo lên đến tận đầu cây thang, mặc dầu mỗi nấc thang có vẻ lởm chởm và khó khăn cho hành giả. Nhưng cần phải đạt cho được tất cả nấc thang bằng cách tuần tự bước lên từng nấc một. Không thể bỏ qua hay nhảy vọt để né tránh bất cứ một nấc nào. Thật vậy đó là một cái thang, một đường lối tiến hóa. ‘Hãy leo lên thang’, đó chính là lời bà Blavatsky diễn tả.
Nếu chúng ta dùng tâm trí mà phác họa được ý nghĩa về cách cấu tạo của cây thang rồi cảm thấy được lý do thứ tự của những nấc thang, thì bây giờ con đường lên thang sẽ có một ý nghĩa và giá trị mới mẻ đôí với chúng ta.
Rồi chúng ta sẽ say mê khám phá những giáo lý minh triết mới ẩn tàng trong những câu văn huyền bí của bà Blavatsky. Cây thang vàng bấy giờ không phải chỉ để kê khai một số qui luật, mà chính nó có thể trở nên những phương châm hướng dẫn đời sống, bởi những giá trị vô lượng của mỗi nấc thang.
Thoạt tiên, hãy nhìn xét qua cây thang vàng gồm 13 nấc và phần sau chúng ta khảo sát mỗi nấc chi tiết hơn.
1. Một đời sống trong sạch,
2. Một tinh thần cởi mở,
3. Một tâm hồn thanh khiết,
4. Một trí tuệ nhiệt thành.
Chúng ta nhận thấy ngay rằng bốn nấc đầu mô tả một tiêu chuẩn cao độ về sự phát triển tự chủ mà con ngưới nam hay nữ đều có thể đạt được mà khỏi cần có một sự hướng dẫn đặc biệt, nhưng chỉ nhờ nơi nếp sống bình thường trong khuôn khổ giáo dục và đạo đức.
Sự trong sạch về đời sống, sự bằng lòng nhận xét về mọi ý kiến đưa đến hạ trí , sự dung nạp chỉ những gì Chân , Thiện , Mỹ vào lòng phàm nhân, sự hăng say sưu tầm tri thức của thượng trí, đó là những nét đặc biệt nhận thấy ở nơi bản thân của vô số nhân vật rải rác khắp nơi trên địa cầu, chúng ta được biết nhiều người như vậy và xem họ như những hạng người gương mẫu cho lối sống thanh cao tốt đẹp.
Bốn đức tính này liên kết đến sự phát triển và kiểm soát bản chất thể trí, tình cảm và xác thân. Người ta có thể đạt được những đức tánh đó theo thứ tự trên mà không cần sự hướng dẫn đặc biệt
nào hoặc sự hiểu biết đặc biệt nào hay tiếp xúc với giáo lý minh triết nào. Tuy nhiên, chúng là những điều kiện dẫn đầu cần thiết cho nấc thang vàng thứ năm là sự vén màn che khuất Chân Ngã từ trước tới giờ.
5- Một sự trực nhận tinh thần.
Ðây là một tri giác, sự nhận thức rằng còn có một cái gì khác nữa, một cái Ngã trong con người, một chương trình tiến triển sắp sẵn cho y, một nhận thấy rằng đời sống con người còn có mục đích trong tương lai rộng lớn hơn hiện tại.
Chúng ta sẽ xem xét lại ý nghĩa đặc biệt của mỗi nấc thang và sự liên hệ của chúng với những bậc thang sau đây.
6. Một tình huynh đệ đối với tất cả sinh linh, (bản khác: Một tình hữu ái với các bạn đồng môn)
7. Một lòng sẵn sàng nhận lấy và cho ra các lời khuyên bảo và huấn thị,
8. Một dạ trung thành với bậc Huấn Sư,
9. Một lòng quả quyết tuân theo mạng lệnh của Chân Lý khi chúng ta tin tưởng nơi bậc Huấn Sư, và tin rằng Ngài nắm giữ chân lý ấy.
Trở ngược lại, ta nhận thấy rằng bốn bậc thang đầu đều mô tả những đức năng viên mãn của phàm nhân. Chúng thuộc về đức năng hướng đến lợi ích cá nhân.
Kế đến bực thang thứ năm, nơi đó chúng ta thấy viễn ảnh của những đức tánh trọng đại hơn.
Giờ đây nơi bốn nấc thang kế tiếp chúng ta thấy những từ ngữ nói về những mối liên giao: sự cảm thấm tình huynh đệ, việc phụng sư lẫn nhau bằng cách đưa ra hoặc nhận lấy những lời khuyên bảo hay huấn thị, sự đảm nhận trách nhiệm đối với Huấn sư, sự phục tùng mạng lịnh của chân lý.
Ðây không phải là những điều kiện đơn phương , mà là những điều kiện tương quan liên hệ, cột dính mình với người khác, với các bạn đồng môn, với mọi huynh đệ.
Bốn nấc thang sau cùng của mười ba nấc thang là :
10. Một dạ dũng cảm chịu đựng bất công xẩy đến cho riêng mình,
11. Một lòng can đảm tuyên bố các tôn chỉ.
12. Một sự mạnh dạn biện hộ cho ai bị đối xử bất công,
13. Và hằng lưu tâm đến lý tưởng của sự tiến bộ và toàn thiện của nhân sinh.
Bốn nấc thang này cùng chung một nhóm vì mỗi bậc đều không còn diễn tả sự liên quan nữa mà lại diễn tả cái Ngã và hiện thời đang kêu gọi đến Chân Ngã.
Những đức tính nầy là bền gan chịu đựng, can đảm binh vực chân lý, chống đối bất công, không ngớt dò xem Thiên Cơ xoay chuyển đến đâu, biểu lộ Chân Ngã trong hành động và phụng sự. Như thế, chúng ta có:
1 – 4: Sự chuẩn bị.
5 - : Sự vén màn Thượng Thiên và nhìn thấu Chân Ngã .
6- 9 : Sự liên lạc và huấn luyện
10-13: Sự khám phá và giải thoát Chân Ngã trong hành vi được ánh sáng Bồ đề chiếu xuống Thượng Thiên.
Ðến đây, chúng ta đã phát giác được vài ý nghĩa về trật tự và cách phối hợp nối tiếp các nấc thang.
Bây giờ, chúng ta xem tỉ mỉ hơn rồi chúng ta sẽ còn có thể thấy nhiều bằng chứng xác nhận hẳn có một trật tự trong việc cấu tạo cái thang.
1. Một đời sống trong sạch.
Theo sự hiểu biết tột cùng của chúng tôi, đó là một đặc tánh căn bản cần thiết cho sự phát triển nội tâm. Nó thiết lập một tiêu chuẩn phải đạt tới trong vòng tiến hóa thông thường, trong sự tiến bộ vô ý thức mặc dầu có lực tiến hóa thúc dục, mà không cần có sự cố gắng nào hữu ý. Người vượt đến trình độ này thường được gọi là công dân lương hảo, y không cần phải đạt đến những tri thức cao sâu hoặc hoạch đắc đức hạnh toàn vẹn, mà chỉ cần loại bỏ sự thô lỗ thay vào đó sự tử tế dịu hiền và bằng cái mà ta có thể gọi là từ lực thanh khiết.
Nó không miêu tả một người còn ghi dấu vết tánh chất của kẻ sơ khai nhưng nó mô tả một cá nhân đã tiến đến một tiêu chuẩn về hạnh kiểm và cao độ tâm thức để có thể trở thành nền tảng cho sự phát triển tinh thần ở nội tâm, điều kiện này sở dĩ hoạch đắc được là nhờ phải trải qua một giai đoạn tiến hóa một cách vô tâm mãi cho đến khi y biết đem sử dụng ý chí và năng lực cố gắng có ý thức vào công cuộc phát triển bản thân.
Nếu chúng ta tra cứu ý nghĩa căn bản của một đời sống trong sạch, chúng ta sẽ tìm thấy chữ ‘trong sạch’ do nơi cổ ngữ Anglo-saxon có nghĩa: trong sáng, rõ ràng và tinh khiết. Chúng ta bèn nghĩ đến nước, trong trẻo và tinh khiết dưới ánh mặt trời, và một đời sống trong sạch là một đời sống mà nếu được ánh sáng chiếu vào thì chúng ta sẽ không tìm thấy - nơi tất cả những điều gì nó bộc lộ - một mảy may nào khả dĩ gây nên một tí ti tủi hổ cho y hay cho người khác.
Một đời sống trong sạch khiến sự ô trược không có ngõ vào, nó hàm xúc một một bản thân tinh khiết từ trong ra ngoài, không chứa các độc hại của sự thái quá; không đáp ứng với tình cảm nhơ bẩn, chẳng hạn sự bóp méo điều thiện mỹ hay xuyên tạc một lẽ chân thật để rồi gọi nó là nghệ thuật; một thể trí không chứa giữ cái gì hèn hạ, và nơi đó điều ti tiện không tìm ra vật thực cần thiết để nó sinh tồn.
Danh từ then chốt là ‘chuẩn bị’. Ðó là đời sống được chuẩn bị trong khi đương sự chưa ý thức được rằng chính y đang chuẩn bị cho y, dầu vậy nó cũng đã đưa y đến một giai đoạn ‘trong sạch’ và mức độ của một công dân lương hảo - để cho đến thời kỳ thích ứng, lực lượng tiến hóa có thể chuẩn bị cho đám trẻ con của nó - bước tới giai đoạn tự mình ý thức phát triển tính chất của mình. Sự tự lực tiến hóa một cách vô ý thức ở giai đoạn đầu dắt dẫn chúng ta đến cái sân trường rộng lớn để rồi tách mình ra đi trên đường ý thức phát triển lấy mình.
2. Một tinh thần cởi mở.
Sự hợp tác phát triển bắt đầu nơi đây. Từ trước đến nay, mặc dầu không cố ý ra sức hoặc hiểu rằng mình đang giúp mình, sự tiến hóa cũng tạo nên một đời sống trong sạch và phát triển khả năng tự chủ.
Nơi đây là một bước tiến mới, nơi đây mọi thành kiến, tiên ý cố chấp phải được chấm dứt. ‘Nhận đón’ hình như là danh từ then chốt , là sự mở rộng của cái trí cho phép khảo sát những ý tưởng mới và có thể trái ngược mà từ trước đến giờ chúng ta có thể đã đương nhiên không quan tâm đến. Khảo sát một ý tưởng nhưng không chấp nhận ngay vì lẽ nó tự thích hợp với lề lối suy nghĩ quen thuộc với trí ta, hoặc là gạt bỏ bởi vì nó không thích hợp. Chấp nhận mù quáng hay gạt bỏ mù quáng, không chứng tỏ đường lối hoạt động của thể trí như thể ấy đã được uốn nắn hoặc sử dụng một cách hợp lý hay sai lạc.
Vài ý tưởng mới mẻ có thể tương phản với những nguyên lý của chúng ta ; dầu vậy đi nữa, ý tưởng đó cũng còn cần phải khảo sát và những nguyên lý này cần được xem xét lại, vì lẽ chính nguyên lý tự nó cũng có thể tiến hóa nữa. Và điều gì hiện nay được xem là nguyên lý cũng trở nên kém bền vững và không còn vĩnh cửu nữa dưới ánh sáng của một tầm nhìn sâu xa và phạm vi minh triết rộng lớn hơn. Nguyên lý thiển cận phải được thay bằng nguyên lý lớn lao, rộng rãi và bao quát nhiều hơn.
Ðiều này phải được đảm nhận một cách có ý có ý thức để xây dựng một cái trí mở rộng, một nấc thứ nhì trên cây thang vàng.
Kêu gọi đến sự tranh luận, sự hoài nghi, không có nghĩa là đời sống phải chìm mãi trong trạng thái mơ hồ, lưỡng lự, nhưng luôn tìm kiếm vớí những kết quả mà dầu mình cho là vững chắc đi nữa, cũng nên nới vòng vây bảo thủ chúng cho đến mức khá rộng để cho những tri thức mới có thể gia nhập. Ðiều này có nghĩa là : phân biện dựa vào những công việc kiểm soát, cân nhắc, gạt bỏ, thay thế, thu nhận, thiết lập một nền tảng, như thế đó mới là Chân Lý của chính chúng ta và thỉnh thoảng Chân lý này cũng phải được khảo sát lại để coi có được chắc ý rằng nó còn khá đủ uyển chuyển dễ điều chỉnh và dung nạp một Chân Lý mới hay chăng.
Nếu vì tranh luận, nghi ngờ mà nền tảng bị sụp đổ, thì tốt hơn ta nên hành động để có thể bắt đầu xây dựng lại một nền tảng khác bền vững hơn.
Tocanini, một đại nhạc trưởng, có lần trình bày một lý tưởng trong câu này: ‘Hãy để Chân lý chiếu sáng sống động và vô nhiễm xuyên qua chúng ta’. Vô nhiễm có nghĩa là không bị chạm đến, trọn vẹn, và nơi đây nó muốn ám chỉ ‘đầy đủ’ năng lực chói sáng thông suốt, mà không màng lưu tâm đến hiệu quả đối với tín ngưỡng hiện giờ của chúng ta, cũng không lo sợ những quan niệm ưu ái của chúng ta rồi đây sẽ ra sao.
Một lý trí rộng mở là một trí thâu nhận nhưng cũng biết loại bỏ mọi điều nào thấp kém hơn tiêu chuẩn đã xác định ở nấc thang trước, ở một đời sống trong sạch.
Nếu đem so sánh theo cách vừa diễn tả đó thì chúng ta sẽ nhận thấy nhiều kiến thức mệnh danh là văn chương, nhiều tài liệu tin tức, đều chỉ là những chuyện tầm phào vô vị, không được thâu nhận vào cái trí mở rộng.
Nấc thang thứ ba sẽ đến giúp đỡ chúng ta .
3. Một tâm hồn thanh khiết
Ý niệm về sự trong sạch lại được nhấn mạnh một lần nữa vì chữ ‘thanh khiết’ do chữ Latin ‘purus’ nghĩa là trong sạch.
Tâm là một dụng cụ trắc nghiệm để định đoạt điều hạ trí chuyển đến. Hạ trí thu nhận và loại bỏ, nhưng đồng thời nó cũng giữ lại và chuyển đến nơi khác .Tâm có nhiệm vụ lựa chọn. Dùng tâm để gạn lọc và cân nhắc thì an toàn hơn là chỉ dùng hạ trí. Một tâm hồn thanh khiết chỉ cho phép trí chuyển đạt điều gì chân thật mà thôi. Tâm sẽ loại bỏ điều giả, dụng ý xấu hoặc gây đau khổ. ‘Ðầy ân phước cho những ai có được tấm lòng thanh khiết vì họ sẽ trông thấy được Thượng Ðế.’
Từ ngữ ‘thấy’ dùng ở đây có nghĩa là ‘ nhận biết hay hiểu rõ Thượng Ðế’ .Họ sẽ nhận biết điều thiện. Tâm là một khí cụ có năng lực nhận thức bao hàm và thấu hiểu. Tâm biến đổi sự việc, vì trong khi trí thu thập và quan sát, thì tâm chỉ ban rải ra điều gì chân thật mà thôi. Danh từ chủ yếu của nấc thang này là ‘biến đổi’.
4- Một trí tuệ linh hoạt,
‘linh hoạt’ phát xuất từ Pháp ngữ có nghĩa là mãnh liệt, hăng hái, sôi động, sôi bỏng , mau lẹ, nhiệt tâm. ‘Thượng trí’ hay trí thông minh theo nghĩa Latin là tri giác, nhưng đồng thời cũng ám chỉ một cái gì sâu xa hơn là một sự vì hiếu kỳ mà quan sát.
Thật ra nó có ý nghĩa, sự thật tâm ái mộ tìm kiếm để hiểu biết. Trí thông minh nồng nhiệt hâm mộ vượt cao xa hơn hạ trí mở rộng đón nhận, ở chỗ nhiệt tâm hăng say tìm kiếm để hiểu biết.
Trí mở rộng đưa đến sự tìm kiếm hiểu biết vài sự vật; người ta đã khảo sát đến một mức độ cao sâu rộng lớn nào đó, nhiều khía cạnh của sự hiểu biết, họ khai thông được nhiều vận hà của vài loại kiến thức và đào xới lên được nhiều điều hữu ích.
Tâm thanh khiết chỉ cho trí thấy các giá trị. Kế thêm vào đó là sự nồng nhiệt khao khát của trí thông minh, nó hăng hái và tích cực tìm tòi. ‘Tìm tòi’ là danh từ then chốt.
Bây giờ chúng ta hãy xem lại bốn nấc thang đầu của Thang vàng.
1- Một đời sống trong sạch :
Xác thể
2- Một tinh thần cởi mở:
Dĩ thái - Từ điện.
Cảm thể - Xúc cảm.
Trí thể.
3- Một tâm hồn thanh khiết:
Ðặc tính trực giác.
4- Một trí tuệ linh hoạt:
Ý chí.
Khởi sự ở một trình độ của nam nhân hay phụ nữ có đời sống trong sạch trung bình trên một bình diện căn bản rộng lớn chúng ta đã vượt qua ba nấc thang nối tiếp. Những nấc thang này đưa đến sự vận dụng một cái gì phản chiếu những đặc tính của Thượng trí, Bồ đề và Linh Thể (Manas, Buddhi, Atma) vào Hạ Trí, Cảm Thể và Thể Xác . Các phản chiếu ấy đều được tuyển chọn một cách có dụng ý để hòa đồng trong mọi hoạt động.
Nơi bốn nấc thang đầu tiên này, chúng ta nhận thấy các đức tính và quyền năng con người đều được tuần tự đánh thức và tăng trưởng.
Ðúng vậy, đó chỉ là bước đầu để biểu lộ và luyện tập, nhưng chúng ta chỉ đang ở trên bốn nấc thấp của Thang Vàng mà thôi. Tuy nhiên, việc huấn luyện phải được bắt đầu nơi đây. Ít nhất phải có một bước đầu khả quan về việc sử dụng và kiểm soát một cách có ý thức trước khi đặt chân lên nấc thang kế tiếp. Các công việc trên là sự chuẩn bị cần yếu cho nấc thứ năm.
Từ nền tảng rộng lớn của tiêu chuẩn tiến hóa tổng quát là đời sống trong sạch, chúng ta tiến lên ba nấc thang nữa với sự cố gắng hữu ý và chịu nhọc nhằn, nhưng chỉ tìm lợi ích cho riêng mình. Vì chúng ta chưa có ý thức về một mục đích tinh thần nào, hoặc nhìn thấy một mục tiêu cuối cùng hay chương trình của Thượng Ðế.
Vẫn tiến lên thang nhưng hãy còn do lòng vị ngã thúc đẩy. Ðến đây cần phải áp dụng đức tánh phân biện tuy nhiên mọi cố gắng để tăng gia năng lực và chuẩn bị nó đã giúp hành giả tiến đến gần sự vén màn che khuất Chân Ngã. Rồi thì, nấc thang thứ năm hiện đến.
5- Một trực nhận tinh thần.
Khi đã vén màn che lấp, nơi đây có sự tiếp xúc với Minh Triết. Nhờ lúc trước đã chuẩn bị, các màn che đã thưa dần dần, hạ trí mở rộng hơn, phàm tâm càng được tinh luyện, thượng trí sốt sắng tìm tòi. Một số nghiệp quả được vô tâm tạo nên. Một kết quả không thể tránh được là công việc này - sự nhiệt tâm tìm tòi, việc đục đẽo lần hồi các tấm màn dầy đặc - tất nhiên phải dẫn đến sự hiểu biết Thiên Cơ, thực hiện mục đích thật sự của đời sống, bắt đầu ý thức đến một cái Ngã nội tâm, hay là một cái Ngã vĩ đại hơn.
Minh Triết thiêng liêng có thể là môi trường sinh hoạt cho sự hiểu biết, nhưng cốt yếu nó lại không phải là con đường đi đến gần sự hiểu biết mặc dầu nó được miêu tả rõ ràng nhất. Danh từ then chốt của nấc thang này là ‘ ý thức rõ ràng’, tức là sự hiểu biết Thiên cơ, tìm thấy đặc tính Chân Ngã, đón nhận một đời sống rộng rãi hơn. Lúc trước, trí, tâm và ý chí tìm kiếm đã được huấn luyện phần nào rồi, bây giờ được tiếp tục hướng dẫn để có sự kiểm soát mới, một mục đích mới cao đẹp hơn. Những điều do trí khôn nhận thức không còn chiếm ưu thế nữa, mặc dầu được tâm ủng hộ. Một nguồn lực mới hướng về mục đích mới cao đẹp hơn. Những điều do trí khôn nhận thức không còn chiếm ưu thế nữa, mặc dầu được tâm ủng hộ. Một nguồn lực mới hướng về mục đích tinh thần sẽ can thiệp vào. Phàm Ngã sẽ không còn than phiền được nữa; những khả năng của nó đã được kiểm soát. Tâm thức tuy còn nhiều hạn chế, nhưng đôi mắt đã ngước nhìn lên và đời sống đã có một khuynh hướng mới. Bắt đầu xây dựng một mức sống cao đẹp hơn vì bây giờ chúng đã đáp ứng được Chân Ngã và dần dần ít chú ý đến những van nài của Phàm Ngã.
Khi lương tri không còn bị che lấp, chúng ta mới hiểu rằng chính chúng ta tự đặt ra những hạn chế, kể đến lúc bắt đầu có khả năng vượt những giới hạn đó, biến đổi những trạng huống mình tạo nên. Có người nói hay viết rằng: “ Không một điều huy hoàng nào thành tựu được mà không do những người dám tin rằng trong chính con người của họ, điều gì đó đã vượt trên mọi hoàn cảnh ‘karma’, với ý nghĩa là luật công bình đến lúc này bỗng được biết đến nên được chấp nhận, và một ý nghĩa song song với ‘Karma’ là ‘Hành động’ cũng được thu nhận.”
Một sự định hướng mới xảy ra khi ta bước lên nấc thang thứ năm. Có một sự đổi giọng nhấn mạnh kêu gọi lưu ý một mục đích cao cả hơn, một đời sống thâm trầm hơn, có thể do tham thiền mà nhận được ảnh hưởng của vị huynh trưởng khiến cho con người hiểu rằng sống trong luật tinh thần, và giờ đây, luật đó phải được hữu ý kêu gọi đến, hỏi han nó và áp dụng nó.
Sự vén màn che lấp lần hồi đưa chúng ta đến một mức độ ở đó đời sống và công việc không còn bị những hoàn cảnh hoặc những sự hấp dẫn bên ngoài chi phối, mà chỉ do nội tâm định đoạt. Dần dần trí khôn và tất cả khả năng của nó được giải phóng để cộng tác trong việc hoàn tất nền hiểu biết vừa mới bộc lộ này. Một mục đích mới được hiện ra, tri giác tinh thần cứ hướng về đó, hòa hợp với mọi tư tưởng, tình cảm và cố gắng với nhau.
Như đã nói, ở đây hiện ra ‘Sự cố gắng để trở nên nhà có nhãn lực siêu phàm luôn luôn nhận thấy nguồn từ bi và sự duy nhất nơi vạn vật, người hằng hiểu rằng Chân Lý về sự vật và những mối liên quan phù du của chúng với đời sống trường tồn.’ Vì được sáng tỏ, con người mới lưu tâm đến sự sống trường tồn này. Tánh kiên trì có thể khó tập, nhưng một khi sự trực kiến tinh thần đến với chúng ta rồi, thì dẫu chúng ta có thể đi lạc ra ngoài đường hướng mới được chấp nhận, hay chí đến đôi khi lãng quên nó đi nữa thì chúng ta chỉ có thể bỏ rơi nó một cách tạm thời mà thôi. Hành động và phụng sự tích cực thay thế cho tánh từ thiện tiêu cực.Trách nhiệm và nhiệm vụ mang một ý nghĩa sâu xa hơn trước.Có thể đời sống vì thế mà phức tạp hơn, nhưng chính trong những khi chúng ta tranh đấu, sự trực kiến tinh thần lúc nọ lại đưa đến một thứ gì – ví như là dầu nhớt – vào guồng máy sinh hoạt để loại bớt những sự cọ xát và tăng gia năng suất.
Tiếp tục quan sát các bậc khác của Thang Vàng, chúng ta nhận thấy rằng bậc thang thứ năm vừa được xem xét như là bậc thang của sự thực hiện mục tiêu, còn cung cấp một cơ sở rộng lớn cho nấc thang kế tiếp diễn tả sự giao thiệp.
6- Một tình huynh đệ đối với tất cả sinh linh. (bản khác: Một tình hữu ái với các bạn đồng môn).
Chúng ta thấy ngay hiệu quả của sự thức tỉnh và hậu quả tất yếu của nó. Ở bốn bậc thang đầu, con người tập được khả năng thuộc về cá nhân: đời sống trong sạch, lý trí mở rộng, tâm hồn thanh khiết và trí tuệ linh hoạt. Kế đó sự thức tỉnh, sự khám phá Thiên Cơ và mục đích đã chuyển hướng những khả năng này ra ngoại giới. Từ bậc thang thứ sáu, tầm mắt hướng nhìn ra ngoài và tình huynh đệ đại đồng tuôn tràn, bao hàm tất cả dường như để diển tả sự thấu biết Cơ Trời. Vì khi đó, sự thức tỉnh – chúng ta tiến đến sự nhận thức thâm sâu về sự duy nhất tinh thần của nhân loại – thì rồi chúng ta không thể loại một ai ra khỏi tâm thức chúng ta. Không thể có giới hạn, vì nếu tình huynh đệ là hiển nhiên, thật sự nó tuôn trào đến mọi nơi chớ không bị khước từ với bất cứ một ai. Sự sống không thể có hai lối sinh hoạt: một lối với tình huynh đệ cho ra và một lối với tình huynh đệ giữ lại, nếu có sự kiện như thế ấy thì tức là không có tình huynh đệ nào cả.
7- Một lòng sẵn sàng nhận lấy và cho ra những lời khuyên bảo và huấn thị
Nếu một tình huynh đệ bao gồm tất cả là một điều khó thỏa mãn - mà hiển nhiên như vậy – thì bậc thang thứ bảy còn khó hơn biết bao nhiêu. Ðưa ra lời khuyên bảo một cách thành thật và sáng suốt, hợp lý hợp tình để cho nếu được chấp nhận và thi hành thì nó sẽ đem đến một kết quả tốt và vô hạn. Khi được yêu cầu thì phải đáp ứng bằng cách đưa ra lời khuyên bảo nhưng không thúc giục chấp nhận; nên giữ thản nhiên một cách dịu hiền tươi nhuận, nếu lời khuyên không được chấp nhận.
Nghe khuyên bảo còn khó hơn nữa. Ðó là cách trắc nghiệm thật sự để thử xem tình huynh đệ của ta có phát triển tới mức khiến ta chú ý nghe lời chỉ dẫn của một người đang tìm cách giúp đỡ, chấp nhận và áp dụng điều nào chân, thiện, bất chấp nó phát xuất từ nơi nào. Với một tình huynh đệ do sự thức tỉnh khơi động như thế, việc đưa ra và nhận lời chỉ dẫn là một trong những niềm vui hỗ tương của tình huynh đệ đối đãi lẫn nhau.
Qui tắc về lời khuyên bảo cũng áp dụng được vào sự đưa ra và lãnh lấy huấn thị chúng ta cũng phải hành động như vậy, nếu cơ hội đưa đến cho chúng ta được huấn luyện về nhiệm vụ ‘cho ra và nhận lấy’.
Nếu chúng ta có trách nhiệm giảng dạy hoặc huấn luyện thì đồng thời chúng ta cũng có một trách nhiệm tương đương là phải trình bày lời chỉ bảo sao cho đẹp lòng người nghe.
8- Một dạ trung thành với bậc Huấn Sư.
Theo luật lệ về sự tương quan giữa Huấn Sư và môn đệ thì giáo lý chỉ có thể truyền dạy cho những môn đệ chí quyết tìm đạo và thật lòng tin cậy Huấn Sư thôi. Thông thường, sự tương quan giữa thầy trò trên đường đời cũng hiển nhiên như thế. Nghe Thầy dạy với lòng tự phụ và bất kính không phải là lòng độ lượng. Học với Thầy thì phải có lòng tin cậy và tín nhiệm, nhưng không có sự bị bắt buộc phải luôn chấp nhận. Tuy nhiên, sự tương quan huynh đệ do sự nhận thức được Chân lý, phát sanh bao gồm cả việc học đưa qua đổi lại giữa người này và người khác.
Ðó cũng là một luật của Thiên Nhiên, nó qui định rằng: Thiên Nhiên chỉ giảng dạy cho những kẻ chí quyết tìm hiểu mà thôi. Những bài học nhân quả, nếu chưa được thấm nhuần sẽ trở lại mãi, càng ngày càng gắt gao và ép buộc thêm lên cho đến khi - rốt cuộc ta phải sẵn lòng nhận lấy bài học đó. Càng ngày chúng ta càng phiêu lưu xa nguồn Chân Lý mãi cho đến lúc chúng ta sẵn sàng để dạy dỗ. Trung thành là bổn phận của chúng ta đối với những người nào mà chúng ta chấp nhận làm vị Huấn Sư - suốt thời gian chúng ta học tập với người.
9- Một lòng quả quyết tuân theo mạng lệnh của Chân Lý khi chúng ta tin tưởng nơi bậc Huấn Sư, và tin rằng Ngài nắm giữ chân lý ấy.
Chắc chắn là câu này ngầm chỉ sự tín nhiệm vào những điều m
à sự trực nhận đã phát lộ. Hiển nhiên không phải là sự chấp nhận mù quáng, dễ bảo và không suy luận, hoặc ở trạng thái tiêu cực nào khác. Theo tôi nghĩ đúng ra là sự vâng lời do ý chí ảnh hưởng bắt buộc phải nghe theo điều mà đến giai đoạn này – đã được công nhận là Chân lý, không phải vâng lời do một sự ham muốn hay xu hướng nào đưa đến, mà là một sự vâng lời Chân Lý, phát sinh nơi một ý định tự mình đưa ra sau khi đã luận xét tỉ mỉ.
Chúng ta đã khảo sát nhóm bậc Thang Vàng thứ hai: những bậc thang phát triển sự tương quan giữa huynh đệ, với người khuyên bảo và người chỉ dạy, với Huấn sư, với Chân Lý. Bây giờ giai đoạn trắc nghiệm và thực hành đến với nhóm thứ tư của những bậc thang cuối cùng mà học giả phải vượt lên để đến Ðền Minh Triết Thiêng Liêng. Chúng ta cùng học giả đã đi xuyên qua những giai đoạn tự kiểm soát, sự tương quan kỳ diệu để phát triển tình huynh đệ, cả hai giai đoạn vừa cốt yếu, vừa kế tiếp nhau. Bây giờ đến cuộc trắc nghiệm.
10- Một dạ dũng cảm chịu đựng bất công xẩy đến cho riêng mình.
Mỗi người phải tự học lấy và chịu đựng. Nhưng nếu sự thức tỉnh đã khám phá Chân lý, nếu đã theo đuổi Chân lý, thì tất nhiên có đủ lòng can đảm cần thiết. Có thể phải thâu bớt những điều phải nói về những nấc thang này – vì sự sự leo thang đã diễn hành, càng lên thang mỗi hành giả càng cảm thấy con đường của mình ngày càng trở nên riêng biệt đối với cá nhân mình, vì nó phải do mình kén chọn. Những bài học cũng giống như trước, tình huynh đệ và mối tương quan trở nên mạnh mẽ hơn và đến nỗi bao hàm nhiều hơn, tuy nhiên đường đi ngày càng trở thành đơn độc.
Can đảm bền chí chịu đựng mọi nỗi bất công với riêng mình. Lịch sử trong và ngoài Hội Thông Thiên Học ghi chép đầy dẫy gương sáng huy hoàng và dễ dàng trông thấy. Những việc nhỏ cũng như những việc lớn đều gặp những nỗi thử thách gian nan. Im lặng thường đi đôi với sự bền gan chịu đựng. Tánh tự vệ đã bị loại bỏ ra phía sau xa – nhưng sự bảo vệ Ðại Công Cuộc vẫn được luôn luôn ứng dụng.
11. Một sự mạnh dạn tuyên bố tôn chỉ.
Ðây là bài trắc nghiệm kiến thức, sự quả quyết, lòng xác tín của chúng ta, nhưng nó cũng trắc nghiệm đúng mức tánh phân biện và tế nhị của chúng ta. Sự tuyên bố những nguyên tắc Ðạo đức không kém phần can đảm và thiết thực mặc dù có vẻ dịu dàng và vén khéo. Lòng bảo vệ cuồng tín và không trù định trước có thể gây nên một hậu quả trái ngược với sự bảo vệ được trù định trước.
12. Một lòng can đảm biện hộ cho ai bị đối xử bất công.
Lại cần sự phân biện nơi đây.
Tránh hấp tấp giúp đỡ người khác tương đối dễ dàng. Thường khó biết khi nào là đúng lúc và bằng cách nào là thích ứng để bảo vệ. Trong nhiều trường hợp, ngay đến sự im lặng trong một thời gian cũng là cách bảo vệ hữu hiệu nhất miễn là người bạn bị hàm oan hiểu rằng ta đang đứng về phe y. Kế đến là bậc thang cuối cùng.
13. Và hằng lưu tâm đến lý tưởng của sự tiến bộ và toàn thiện của nhân sinh như khoa Minh Triết Bí Truyền mô tả..
Lòng lưu tâm không những là một qui luật mà còn phải là một hành động giúp đỡ. Lời cam kết phụng sự Thiên Cơ và hiệp nhất với Nó nay được thấy rõ, nhận hiểu và được vĩnh viễn chấp nhận những Nấc Thang Vàng mà mỗi người đang chuyển mình lên với một tốc độ lựa chọn thích hợp riêng, để chung qui khi sẽ trở nên một cột trụ của Ðền Nhân Loại: một hành trình dài đăng đẳng, một cuộc du hành thanh thoát quyến rũ, được chia sớt với tất cả huynh đệ cao thấp cùng leo.
Ðây là một trong nhiều cách giải thích ‘Thang Vàng’. Sự hoạch định và phối hợp các nấc thang chỉ rõ con đường mọi người phải lần bước đi theo. Vì lẽ con đường này không phải là chuyên chế, nhưng đó là một phương thức diễn tiếp tự nhiên, đó là những nấc thang mà mọi người sẽ bước lên và không bỏ sót một nấc nào. Mọi người khắp thế giới, cùng tất cả kinh nghiệm và mọi lối sống của nhân loại chung hợp kiến tạo ‘Những Nấc Thang Vàng.