NĂNG LỰC

 

 

Nói đến huyền bí học là nói đến năng lực, khi học hỏi về MTTL chúng ta được khuyến khích nhìn mọi việc theo quan điểm năng lực, theo đó, huyền bí học là khoa học về cách điều khiển năng lực, và trọn việc huấn luyện huyền bí là nhằm phát triển con người để anh trở thành một tâm điểm của năng lực thiêng liêng.  Sách vở thường đề cập đến các thể thanh của người như là bầu hào quang, và diễn giải đặc tính của chúng. Điều này cho ta hình ảnh rõ rệt các thể nên có lợi ích của nó, điểm bất lợi là khi cụ thể hóa như vậy thì ta khó hiểu đúng bản tính và cách làm việc của các thể, vì thực ra mỗi thể là kết quả của sự tụ hợp và phân phát năng lực hơn là một khối vật chất, cho dù là vật chất thanh bai.
Chúng ta được khuyến khích nhìn và hiểu mọi biểu lộ của sự sống, nguyên nhân cũng như hệ quả, theo sự tương tác của những năng lực khác nhau trong các thể; hiểu biết này rất hữu ích vì sự tương tác ấy sinh ra tình trạng thuận lợi hay không thuận lợi cho người, thí dụ như sức khỏe và bệnh tật của thể xác hoặc tài năng và khuynh hướng của trí tuệ; biết được sự tương tác là biết về nguyên nhân của bệnh tật, ưu điểm hay khuyết điểm của mình. Câu chuyện là ta cần biết mình đứng đâu trong cuộc tiến hóa, và vấn đề của mình lúc này là gì về mặt năng lực:
– Người trung bình đang học cách kiểm soát thể xác và xếp đặt cuộc sống của mình ở cõi trần.
– Người mới biết đạo cũng học bài học tương tự nhưng là về thể tình cảm, chủ đích, ước muốn của thể và cách nó làm việc.
– Người đang đi trên đường đạo phải có sự kiểm soát hai thể, và khởi sự làm chủ bản tính cái trí, dẫn tới việc hoạt động một cách ý thức trong thể trí.
Tất cả đều hàm ý tập làm chủ những năng lực tuôn tràn qua những thể này, sử dụng chúng theo ý mà không để chúng điều khiển mình. Công việc ấy được thực hiện trong nhiều kiếp mà trong một thời gian dài, ta có thể không thấy có tiến bộ hay kết quả và do đó cần trì chí.
Con người có ba phần là phàm ngã, chân ngã và chân thần thì năng lực cũng có thể phân chia theo cách ấy, là có những năng lực liên hệ chính yếu đến mỗi thành phần trên của con người.  Kế đó mỗi cung có loại năng lực riêng của nó và sẽ tương tác với nhau theo cách thức riêng biệt, cũng như dù tiếp nhận cùng một năng lực nhưng sự biểu lộ nơi người hiểu biết và người chưa hiểu biết sẽ rất khác nhau. Vấn đề vì vậy phức tạp và ta phải dành nhiều kỳ để trình bầy chi tiết, hôm nay chỉ xin nói rất tổng quát về các loại năng lực và trưng ra vài thí dụ.

 

I.  Các Loại Năng Lực.

Bắt đầu với phàm ngã hoạt động trong ba cõi, nó sử dụng ba loại năng lực tụ hội và hòa hợp với nhau, biểu lộ qua hình thể và hình thể này chịu ảnh hưởng của loại năng lực thứ tư. Ta có:
– Năng lực của trí tuệ, là phản ảnh của ý chí thiêng liêng và mục đích, hướng đến việc đặt kế hoạch, có tính Tổng hợp.
– Năng lực của tình cảm, là phản ảnh của tình thương, lực của dục vọng, có tính ước nguyện, thu hút.
– Năng lực của sự sống, là khả năng hòa hợp, điều hợp, là sinh lực của thể phách, có tính năng động, tác động.
– Năng lực của vật chất đậm đặc, biểu lộ bằng hành động bên ngoài, là phản ứng tự động của thể xác và là điểm thấp nhất của sự tổng hợp.

Sang chân ngã, ta có hai lực
– Năng lực của bồ đề tâm, là lực thiêng liêng, trực giác, tình thương sáng suốt. Nó được phản ảnh trong tình cảm của phàm ngã.
– Năng lực của atma, là lực của ý chí tinh thần thiêng liêng, liên can đến thiên ý, phản ảnh qua trí tuệ của phàm ngã.

Phần tinh thần có một năng lực duy nhất hoạt động là năng lực của chính sự sống.

Bẩy năng lực chính này tạo nên con người, khiến ta linh hoạt, có suy nghĩ, thương yêu, sống động. Chúng biểu lộ ngày càng hoàn hảo theo với thời gian và không gian (qua các hệ tiến hoá khác nhau), đưa tới việc nẩy nở trọn vẹn bản chất thiêng liêng. Lẽ tự nhiên con người ý thức về các năng lực này trong tâm trí của mình theo những mức khác nhau, tùy trình độ tiến hóa:
– Người chưa tiến hóa sẽ cảm biết những thúc đẩy của thể xác tự động, họ được giục giã hành động do nhu cầu vật chất hơn hết thẩy, và do động lực của thể sinh lực.
– Người đã thức tỉnh thì khởi sự điều hợp các thể, bắt đầu cảm biết động lực sơ khai nói trên lẫn phản ứng, xúc động của thể tình cảm.
– Người thông minh chịu tác động của ba lực thấp và năng lực trí tuệ, khi đạt tới mức này họ là người đi tìm đạo
– Người chí nguyện nay ý thức loại năng lực thứ năm là năng lực của linh hồn. Họ đáp ứng với nó chính yếu qua trí trừu tượng, trí cụ thể
– Trong những nấc cao hơn, người tiến hóa làm việc với năng lực của tình thương, có trực giác khai mở dần; với bậc cao cả ngài ý thức năng lực của atma, phần thiên ý. Nó khiến các ngài làm việc với Thiên cơ, hy sinh phụng sự để Thiên cơ thành tựu; đó hằng là mục tiêu của các thành viên trong Thiên Đoàn.
Ở giai đoạn đầu, khi cảm nhận được năng lực của linh hồn, phần việc ta phải làm là chuyển dần tâm thức từ phàm ngã vào chân ngã, nói khác đi là nhìn sự việc theo quan điểm linh hồn, không lệ thuộc vào thời gian và vật chất. Khi đến mức cao hơn, tiến trình lập lại nhưng có ý nghĩa khác, là con người nâng tâm thức từ linh hồn vào tinh thần thiêng liêng, hiểu được ý nghĩa của tinh thần.
Những điều này có vẻ không thực dụng, tuy nhiên ta được nhắc rằng hiểu biết đưa ra vào một thời điểm đôi khi có tính cách chuẩn bị cho tương lai hơn là cho chính thời đại ấy; có nghĩa bộ sách The Secret Doctrine được bà Blavatsky viết ra không hoàn toàn dành cho thời đại của bà là cuối thế kỷ 19, mà thực ra là cho thế kỷ 20, 21. Cũng y vậy, loạt sách của Alice A. Bailey được cho hay là nó chính yếu không nhằm cho thế hệ hiện tại (là chúng ta !)  mà chủ đích là cho những thế hệ sau. Lớp người xuất hiện trong tương lai sẽ đọc các chỉ dạy này với hiểu biết chính xác hơn ta có hiện giờ.
Trở lại chuyện, con người vì vậy là một trung tâm năng lực bao gồm nhiều năng lực nhỏ mà sự hòa hợp hay không hòa hợp, thăng bằng nhiều hay ít giữa các chúng, tạo ra vô số điều kiện tâm thức và tình trạng thú vị. Linh hồn (tự nó gồm hai nguồn năng lực) thấu nhập, chế ngự và sử dụng bốn năng lực thấp hơn của phàm ngã. Nếu tới đây ta bị rối trí thì không có gì lạ, bởi sự việc được giải thích là ngôn ngữ loài người chưa có chữ thích hợp để diễn tả những ý niệm mới mẻ này. Giống như sự phát minh xe hơi, truyền thanh khiến sinh ra một loạt những từ ngữ mới, câu mới thì trong năm tháng tương lai khi linh hồn được nhìn nhận, sự kiện này sẽ đòi hỏi tâm lý học phải có ngôn ngữ mới. Cũng y thế, người không quen thuộc với máy điện toán sẽ ngẩn ngơ với những chữ và ý niệm lạ, và sẽ không hiểu gì về khi ta nói về internet. Dầu vậy, nỗ lực nghiên cứu sẽ cho ta thấu đáo phần nào các ý niệm vừa nêu, và nhìn các vấn đề theo quan điểm năng lực giúp giải thích một số điều.
Thí dụ một nguyên lý thường được nhắc tới là ' Năng lực theo sau tư tưởng'. Chuyện ghi lại nhiều nhà thần bí (mystic) tây phương thường có sức khỏe tồi tệ, khi hiểu rồi thì ta thấy nguyên nhân không xa. Các vị này trụ hết tâm hồn vào đức Chúa, xem ngài ở trên thiên đàng cõi Trời, ở ngoài chính họ. Nhà thần bí hướng mọi tâm tư ước vọng đến Ngài, làm cho năng lực khi đi vào người họ và thấm nhập trọn cơ thể, chỉ tới được huyệt tim rồi bị hướng ra  khỏi thân xác và tản vào không gian, do tư tưởng họ hướng ra ngoại cảnh. Đối với họ, đức Chúa ở chỗ nào khác mà không ngụ trong tâm; tư tưởng họ không ngừng tuôn đến một đích bên ngoài, thay vì hướng vào tâm của sự sống và tình thương bên trong mỗi cá nhân. Người phương tây cho đến nay vẫn chưa chấp nhận lời dạy rằng nước Trời ở bên trong, mà tiếp tục đi tìm thực tại ở bên ngoài; cái giá của việc hiểu sai chân lý tiếp tục phải trả dưới hình thức cơ thể mất sinh lực, vì năng lực đi theo tư tưởng ra ngoài cơ thể, và người thần bí không sống đời thực tế nhưng thiêng liêng trên trái đất.
Công việc của nhà huyền bí học và người chí nguyện  – tức chúng ta – là có được hiểu biết về các năng lực, nhận biết nguồn của chúng và hiểu phải làm gì. Nói tổng quát thì công việc của loài người là truyền năng lực xuống các loài thấp trong thiên nhiên, với thí dụ dễ thấy nhất là năng lực thương yêu và trí tuệ hướng đến loài vật qua hành động gia hóa; trong khi đó công việc của Thiên đoàn là truyền năng lực từ cõi tinh thần xuống loài người và các loài khác.

 

II. Vài Giải  Thích

Việc học về các loại năng lực có giá trị thực dụng như ta sẽ thấy dưới đây, và có khuynh hướng làm ta xét lại bản tính và hoạt động của mình. Thí dụ đưa ra là người ta có thể tự kiểm năng lực sử dụng trong lời nói hằng ngày bằng cách đặt câu hỏi:
– Tôi dùng loại năng lực nào trong ngày hôm nay ?
Anh có thể xem xét là tâm tưởng và lời nói sinh ra có do ước muốn áp đặt ý chí của mình lên người khác chăng. Việc áp đặt ý chí này có thể đúng mà cũng có thể sai; nó đúng khi anh lên tiếng do sự thúc đẩy của ý chí tinh thần, lời nói phù hợp với mục đích của linh hồn, do tình thương hướng dẫn và như thế có tính xây dựng, hữu ích và chữa lành. Anh có thái độ không ràng buộc, và không hề có ý khống chế tư tưởng của người nghe. Tuy nhiên khi lời nói được thúc đẩy do ý chí cá nhân và do ý muốn áp đặt ý tưởng của mình lên người khác để được nổi bật, hoặc để ép buộc họ đồng ý với mình, phương pháp hóa ra có tính  phá hoại, chế ngự, tùy hậu ý của  người.
Từ hiểu biết này, nhìn lại những chỉ dạy trong tôn giáo ta thấu đáo ý nghĩa và cơ chế của chúng hơn. Bát chánh đạo với chánh niệm, chánh tư duy là một cách trình bầy khác về năng lực, vì đó không gì khác hơn là nguyên tắc 'Năng lực theo sau tư tưởng' được áp dụng. Khi suy nghĩ  và quán tưởng đúng đắn là sử dụng năng lực đúng cách, cho ra kết quả tốt lành. Sang thánh kinh, lời nói 'Đừng cưỡng lại sự ác' (Matt., 5:29) được đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích một cách giản dị mà thâm sâu. Câu hỏi đặt ra là Trung Cộng làm nhiều điều tàn tệ cho đất nước Tây Tạng, vậy ngài có tức giận chăng. Ngài đáp Trung Cộng làm bậy là điều đáng tiếc nhưng đó là chuyện của họ, về phần mình ngài không để cho hành động xấu của ai khác lại gây ra sân hận trong lòng, lôi cuốn ngài xuống mức thấp, ngược lại ngài giữ tâm từ với kẻ làm bậy. Đó là cách sử dụng năng lực khôn ngoan, vì phản ứng bằng sự tức giận là dùng năng lực có tính phá hoại không giúp hóa giải được điều xấu. Việc không cưỡng lại sự ác không có nghĩa chấp nhận nó, mà cách đối phó với sự ác hay năng lực có tính thấp là dùng năng lực cao có tính  tinh thần để cảm hóa, chế ngự.
Điều khác cũng có liên quan đến năng lực là với những vị có khả năng tâm linh, họ không xét người theo hình tướng bên ngoài mà nhìn thẳng vào tâm đương sự, tức nhìn vào loại năng lực mà một người sử dụng, nó cho ra hiểu biết không sai chạy về bản tính của người ấy trong khi nếu chỉ nhìn vào diện mạo, y phụ tầm thường, lời nói quê kệch, thì có thể bị nhầm lẫn. Vì lý do đó, bàn về chuyện tinh thần thì sự trong sạch của nội tâm được xem trọng hơn sự trong sạch của thân xác; nói khác đi việc ăn chay, ăn thịt, ở độc thân hay lập gia đình không là thước đo chính xác con người thật bên trong của một ai. Kế tiếp, chúng ta được dạy phải canh giữ tư tưởng của mình vì tư tưởng phát sinh trước lòng ham muốn. Tư tưởng tác động lên não bộ, não bộ tác động lên cơ quan trong người khiến sinh ước ao. Do vậy, cần phải diệt trừ tư tưởng thì dục vọng mới tàn lụi.
Nay xin đưa một thí dụ để hiểu rõ thêm tính chất của các năng lực và cách sử dụng chúng. Nhân loại như là một khối chung chịu ảnh hưởng năng lực nơi cõi tình cảm tác động lên thể tình cảm của người. Nó là gốc rễ của tâm lý quần chúng, là căn nguyên của động lực chi phối đám đông, dư luận. Các chính trị gia hiểu hiện tượng tuy không hiểu nguyên do, và họ điều khiển năng lực cho dù không có ý niệm về cấu tạo của cõi trung giới. Họ tìm cách uốn nắn dư luận, hướng dẫn tư tưởng quần chúng theo mục đích riêng của họ, khơi lòng ham muốn, kích thích con người về chuyện này, nọ, kia. Tùy theo cung và mức tiến hóa mà các nhân vật này hành xử khác nhau, nếu đó là người cung một họ sẽ khêu gợi lòng sợ hãi, dùng sự phá hoại để khống chế; ai thuộc cung hai sẽ lôi cuốn quần chúng do khả năng thu hút của mình, và nếu là cung ba thì chính khách dùng tư lợi, óc ham lợi để chiêu dụ người theo họ. Cả ba loại người đều nhắm vào thể tình cảm của đám đông, khích động nó để quần chúng đáp ứng và làm theo điều mà nhà lãnh đạo mong mỏi. Con người trong xã hội vì vậy là nạn nhân của năng lực tình cảm mà các nhân vật này sử dụng, và bị thúc đẩy tới điều tốt hay xấu vì năng lực về tác động cả hai chiều.
Trong phần kế xin trình bầy về hai loại năng lực.

 

III.  Tài  Chính

Đây là một phần hoạt động của thiên cơ giống như các phần khác như tôn giáo, chính trị, và công việc của người thuộc nhóm này là nghiên cứu ý nghĩa của tiền bạc như là năng lực có định hướng và bị chiếm giữ. Họ có ba chuyện phải làm:
– Nỗ lực tìm hiểu năng lực prana và ba đặc tính của nó là Tĩnh (tamas), Động (rajas) và Nhịp (sattva). Tiền bạc nhìn theo quan điểm MTTL cho hiểu biết rất thú vị. Vào thưở ban sơ của người khi kim loại chưa được khám phá và sử dụng, sinh lực ở trong trạng thái Tĩnh sâu nhất và hết sức trì trệ. Mới đầu con người trao đổi vật dụng với nhau để có món mà họ cần dùng, bước kế con người dùng vật có trên mặt đất làm tiền bạc thí dụ như vỏ sò, vỏ hến, muối và sau đó con người đi sâu vào lòng đất, khai thác mỏ, biết sử dụng quí kim như vàng, bạc trong việc trao đổi; như vậy là khiến sự biểu lộ nằm ở sâu nhất và trọng trược nhất của thiêng liêng tức kim thạch được mang lên mặt đất và luân chuyển. Nhìn theo khía cạnh khác thì tiền bạc ngày nay có liên hệ đến nhân quả và định mạng của loài kim thạch, nhưng không có nhiều chi tiết được đưa ra.
Ở thời điểm hiện nay, tiến trình đi sang chặng khác và tiền bạc có liên quan đến loài thảo mộc qua việc in tiền giấy. Tiền giấy có được là do tài nguyên kim loại trên thế giới, và như thế có sự kết nối liên quan giữa các loài trong thiên nhiên. Khi tiền giấy mà thay bằng tiền plastic, xã hội dùng thẻ tín dụng plastic thì câu chuyện lại có ý nghĩa khác. Plastic là phó sản của dầu lửa  mà nguồn gốc là động vật. Như vậy hình thức của tiền bạc đi từ kim thạch sang thảo mộc rồi động vật.
– Khi tiền bạc từ việc là một hình thức năng lực, là sinh lực thiên liêng, chung cho muôn loài bị chuyển hướng trở thành của riêng và dùng cho mục đích cá nhân theo nghĩa xấu (hướng tới mục tiêu vật chất của người) cũng như nghĩa tốt (khi trong tay người phụng sự nhưng có ước nguyện và tham vọng ích kỷ), theo quan điểm MTTL chuyện có nghĩa nó bị tiếm dụng và trở thành vấn đề. Ta được dạy là mở rộng tầm nhìn, nghiên cứu về tiến trình chuyển hướng trên để tìm ra những điều khả hữu theo đó năng lực thiêng liêng được cụ thể hóa ấy, có thể chuyển sang những việc có tính xây dựng và biểu lộ 'sự sáng'.
– Cách sử dụng tiền bạc có nét tinh thần nhiều nhất vào lúc này là cho mục đích giáo dục. Từ bao lâu nay tiền bạc đã được dùng hoàn toàn cho mục đích vật chất, ngay cả trong những công tác nhân ái, nhưng khi nó được chuyển từ đường hướng hiện tại sang công việc có nét tinh thần chân thực, thì nhiều điều được thực hiện và nhân loại tiến thêm được một bước. Trong tương lai ta sẽ có việc tinh thần hóa tiền bạc và tích tụ nó để thực hiện công việc của Thiên đoàn (Hierachy), người chí nguyện được khuyến khích học về luật Cung và Cầu theo quan điểm tinh thần, tự trang bị cho mình hiểu biết chân thật và kỹ thuật đúng đắn nếu muốn bước vào hàng ngũ những ai phụng sự về mặt tài chính. Điều không cần phải nói là họ có động cơ trong sạch, lòng vô ngã, và  sách ghi đây là những jobs đang hết sức cần người !
Điều phải làm là đưa ra những giá trị tinh thần và trách nhiệm tinh thần đi đôi với tiền bạc. Con người cần được giáo dục về các giá trị chân thực ấy để tiếng nói của họ có giá trị, nên đó là vấn đề có nền giáo dục đúng đắn. Sự kiện thông tin và quảng cáo tràn ngập về những cách sử dụng tiền sai lầm như mua sắm xa xí phẩm, hưởng thụ, chìu theo thị dục, thỏa mãn đòi hỏi của giác quan, có thể làm ta ngã lòng nhưng  thực tế là mọi việc cần được mang ra ánh sáng để nhận diện, rác phải trồi lên mặt cho mọi người thấy. Nó giống như con người trải qua cuộc tẩy rửa tiềm thức về mặt tâm lý, và chuẩn bị cho ngày mai tốt đẹp hơn.
Tiền bạc được sử dụng tốt đẹp khi con người có ý thức rộng lớn và hành xử với tình thương, thái độ này khiến tiền bạc tuôn chảy tự do hơn; còn khi ta bị lòng ham muốn thúc đẩy, vốn là phản ảnh và là sự biến dạng của tình thương, thay vì trợ giúp ta có thể làm trì trệ sự luân chuyển tới mức cầm tù sinh lực. Sách ghi rằng trong tương lai dưới sự điều khiển của những bậc cao cả chuyên về tài chính,  con người sẽ xây dựng cơ cấu mới về tương quan giữa các nước về nguyên liệu. Đây là công tác khó khăn nhất, do việc tài nguyên thiên nhiên có sức thu hút xấu cùng với tính ích kỷ của người, ngay cả khi điều sau được giảm bớt. Về mặt bí truyền sức thu hút bị xem là xấu vì nó thể hiện nguyên lý giam cầm (khác với sự tự do luân chuyển), khi tiền bạc (năng  lực prana) bị một số nhỏ người chiếm đoạt và giữ làm của riêng trong tay họ, cũng như qua biết bao thời đại nó lôi kéo sức chú ý của người tới mức gạt bỏ mọi giá trị chân thực khác.
Công việc của nhóm này có liên quan đến khía cạnh thiêng liêng của tiền bạc và việc sử dụng nó đúng đắn. Họ sẽ dùng nó như là lực để làm những chuyện cần làm, là tạo dựng cõi thiêng liêng nơi trần thế thay vì vật chất hóa những ham muốn của người. Tài chánh vì vậy là một ngành mới cho việc làm tinh thần, còn phương pháp mà các vị Chân sư cung ba áp dụng là phát triển tâm trí của người chí nguyện lẫn các tư tưởng gia về tài chính, để họ có thể suy nghĩ rộng lớn hơn thay vì chỉ giới hạn vào tư lợi ích kỷ của thương nghiệp họ. (Xin đọc thêm bài Nhóm Mới, PST 48).

 

IV. Trí  Năng

Để thực hiện được các điều trên trong tương lai, thế giới phải có nhóm người biết suy nghĩ, đặc điểm của họ là có tư tưởng và biết sử dụng tư tưởng. Đó là điều quan trọng mà để làm rõ thêm ý này, phần chót của bài sẽ dành để nói về trí năng, trí tuệ của lớp người phụng sự mới. Tính chất tinh thần thường được nhấn mạnh trong sách vở tâm linh, trực giác được coi trọng hơn trí năng và khả năng của trí tuệ bị coi nhẹ trong việc phát triển con người thật. Chủ trương này không đúng vì trí năng là một đặc tính của con người thiêng liêng, có vai trò của nó trong cơ tiến hóa, và cần được phát triển. Việc nẩy nở trí năng chỉ sai lạc khi được xem là mục tiêu duy nhất cho ta gắng công tiến đến, thay vì như là một bước trên đường tiến hóa dài mà bước kế là trực giác.
Vậy thì trí năng không nên bị gạt bỏ qua bên bằng cách nói thuộc lòng rằng 'Cái trí giết hại sự thật' mà không suy nghĩ thấu đáo. Nơi người phụng sự mới, ba thành phần Tâm (Soul) – Trí (Mind) – Não (Brain) liên hợp với nhau và chủ động. Não bộ ý thức hai cảnh giới, hoạt động tự ý theo hai chiều là cảnh giới tâm linh và thế giới của nhân loại; cùng lúc con người có khả năng suy nghĩ trừu tượng và tổng hợp, vì khi làm được vậy con người vượt qua được hàng rào chủng tộc và tôn giáo.

 Trí năng (Universal Mind) có thể được hiểu là gồm ba phần, biểu lộ qua ba khả năng là trí cụ thể còn gọi là hạ trí, trí trừu tượng hay thượng trí và trực giác hay lý luận thuần lý.
– Trí cụ thể là khả năng tạo hình, bởi tư tưởng là vật.
–  Trí trừu tượng là khả năng tạo mẫu mực (pattern), đó là cái trí làm việc với kiểu thức mà hình thể sẽ được tạo ra dựa theo đó.
–  Trực giác hay lý luận thuần lý là khả năng cho phép con người tiếp xúc với Thiên trí và nắm bắt được toàn vẹn cơ trời,  nhận biết được Thiên ý hoặc khám phá được chân lý căn bản và thuần túy.
Mục tiêu cho mọi nỗ lực của người chí nguyện là hiểu được những tính chất này của trí năng mà anh phải học để làm việc. Thế nên việc làm của anh có thể tóm lại như sau:
– Anh phải học cách suy nghĩ, khám phá rằng anh có trong tay dụng cụ gọi là cái trí, và tìm hiểu những khả năng và năng lực của nó. Những điều này được phân tích kỹ trong bộ sách Yoga Sutras của Patanjali.
– Kế tiếp anh học cách làm việc với cơ trời, khám phá những ý tưởng liên hệ đến thiên cơ rồi dùng khả năng tạo hình tư tưởng để biểu lộ các ý tưởng thiêng liêng ấy. Nó có nghĩa anh làm việc với các ý tưởng nguyên mẫu mà theo đó mọi vật được tạo tác thành. Nói giản dị thì ấy là những biểu tượng trình bầy các nguyên lý căn bản không cần lời, thí dụ tượng trưng cho vũ trụ và Thượng đế là cái chấm (ngôi một), đường thẳng (ngôi hai), tam giác (ba ngôi) và vòng tròn; vài biểu tượng khác cũng quen thuộc là ngôi sao năm cánh, sáu cánh v.v.
– Từ phần lý tưởng trừu tượng này anh phải tiến sâu hơn nữa cho tới khi bước vào cảnh giới thuần trực giác, khi đó anh bắt được chân lý tận nguồn, nằm trong trí Thượng đế. Anh trực nhận cũng như là lý tưởng hóa và nhậy cảm với tư  tưởng thiêng liêng.
Trí năng khi phát triển sẽ đi từ nhị nguyên sang nhất nguyên:
1. Làm việc nơi cõi trí cho ra ý thức về tính nhị nguyên. Con người tìm cách hòa vào, kết hợp linh hồn với vận cụ của nó, và làm vậy một cách hữu thức; anh tìm thế hợp chúng thành một đơn vị chung, muốn chúng là một ở đây và bây giờ. Mục tiêu của anh là sự hợp nhất của cái ngã và cái phi ngã. Bước đầu tiên của việc này diễn ra khi anh khởi sự ngưng đồng hóa mình với hình thể và nhìn nhận rằng mình có tính nhị nguyên. Đây là giai đoạn chuyển tiếp, thấy núi không phải là núi, sông không phải là sông.
Vì vậy cái trí khi sử dụng đúng đắn, nó sẽ ghi nhận hai loại năng lực hay hai đặc tính của một sự sống khi biểu lộ. Nó ghi nhận và diễn giải thế giới hiện tượng, mà cũng ghi nhận và diễn giải thế giới của linh hồn; nó nhậy cảm với ba cảnh giới mà con người linh hoạt trong đó để tiến hóa, và cũng nhậy cảm với cảnh giới của linh hồn. Trí năng là nguyên lý dung hợp trong giai đoạn chuyển tiếp ghi nhận cả hai.
2. Về sau, khi linh hồn và các thể của nó hòa hợp chặt chẽ rồi thì tính nhị nguyên biết mất, linh hồn biết nó là trọn quá khứ, hiện tại và tương lai. Đây là giai đoạn thấy thực tại vĩnh cửu, thấy núi là núi và sông là sông.
Khuynh hướng của nền văn minh hiện đại là tạo ra những con người biết suy nghĩ. Giáo dục, sách vở, du lịch, dưới nhiều hình thức, sự thúc đẩy đi tìm chân lý trong triết học và tôn giáo, tất cả các yếu tố này đều giúp sinh ra con người biết suy nghĩ. Với ai thật sự biết dùng trí năng thì đó là người biết sáng tạo, tuy lúc ban đầu chưa ý thức nhưng sau đó ý thức, có quyền năng làm chất liệu kết tụ thành hình. Những hình này hoặc có thể phù hợp với thiên ý, cơ trời và do vậy đẩy mạnh cuộc tiến hóa,  mà chúng cũng có thể được lòng ích kỷ, chia rẽ làm linh hoạt, có mục đích riêng tư nên trở thành một phần của lực vật chất và có tính tà đạo.
Luật của tư tưởng là luật sáng tạo, kết tụ chất liệu thanh bai sinh ra vật ở cõi trần. Khi con người biết suy nghĩ, tạo hình tư tưởng, mong muốn nó biểu lộ, làm linh hoạt vật chất thì sự biểu lộ ở cõi trần đậm đặc là điều không tránh được. Do năng lực prana anh thu hút vật liệu, nhuộm mầu nó với ước muốn cao hay thấp và dùng tư tưởng mình làm nó linh hoạt, vật chất trong môi trường tụ lại thành hình. Suy rộng ra:
– Con người cần xét sự kiện là hình hài thể chất mà ta dùng để biểu lộ chính mình thì tự nó cũng là một sự kết tụ, là kết quả của tư tưởng mạnh mẽ cộng ước muốn. Hình thể này còn tồn tại bao lâu mà sức mạnh tư tưởng còn duy trì vật chất trong hình thể liên kết với nhau, khi con người hướng tâm đi nơi khác thì hình hài sẽ tan rã.
– Vũ trụ hay môi trường chung quanh là kết quả của một nhóm các nhân vật biết suy nghĩ, và là nhóm mà anh thuộc về, đó là nhóm linh hồn liên kết chặt chẽ với nhau, mà cũng ngụ ý bẩy đấng Cao cả đứng đầu bẩy cung.
Nói đến bẩy cung là nói đến năng lực, bẩy cung là bẩy loại năng lực khác nhau,  thế nên ai học hỏi MTTL sâu xa sẽ càng lúc càng suy nghĩ và làm việc về năng lực.

Trong bài này ta học về năng lực nơi con người, và đi tìm ý nghĩa của vài sự kiện trong cuộc sống. Hiện nay trên thế giới, vai trò và phần việc mà người biết suy nghĩ,  thực hiện, có tầm quan trọng tột mức; họ liên tục ảnh hưởng các khuynh hướng của thế giới, có khi tốt lành mà cũng có khi có tính ích kỷ, tất cả do việc sử dụng năng lực hỗ trợ sự tiến hóa hay ngược lại. Bởi càng lúc trí năng càng đóng vai trò quan trọng, càng được sử dụng mạnh mẽ trong nhân loại, sự việc muốn nói một trong những mục tiêu mà người phụng sự cần nhắm tới là tập luyện để sử dụng trí tuệ khéo léo, điều khiển năng lực trong các cõi thay vì bị chúng chi phối. Đây là đề tài hết sức rộng lớn nên câu chuyện sẽ tiếp tục trong những số báo sau.

 

Sách tham khảo:
– Light of the Sanctuary – Geoffrey Hodson.
– Esoteric Psychology –  Alice A. Bailey
– A Treatise on White Magic                                  "
– The Externalisation of the Hierachy           "

leaf1leaf1egyptgeesleaf1