LUẬT XÔ ĐẨY

Tổng  Quát


Trong kinh thánh có một câu mới đọc thì khó hiểu, sách ghi đức Chúa nói rằng:
Ta đến không phải để mang lại hòa bình mà sự chia rẽ, người trong nhà sẽ phân chia chống đối nhau, cha với con trai, con trai với cha; mẹ với con gái, con gái với mẹ; mẹ chồng với nàng dâu và nàng dâu với mẹ chồng. (Luke, 12, 51-53).
Sự việc trở nên sáng tỏ phần nào khi được nhìn bằng hiểu biết về tâm lý tinh thần, và được diễn giảng bằng luật quản trị phần tâm linh. Ở đây, đó là luật Xô Đẩy (Repulse), đặc tính của luật này được trình bầy vắn tắt như  sau:
- Năng lực của nó có tính phân tán, luật tác động chính yếu trên con đường trở về, lúc con người thức tỉnh và hữu ý quay về nguồn thiêng liêng. Luật cho ảnh hưởng như là tác nhân phân tỏa.
- Khi biểu lộ nó cho ra tính phân biện dẫn tới sự gạt bỏ phần hình thể của sự sống. Như vậy luật biểu lộ chính yếu qua trí năng, cho ảnh hưởng rõ nhất khi người ta phải tranh đấu hướng thiện.
- Mặc dầu vậy, luật là một phần của luật Từ Ái, là một tính chất của linh hồn.
- Nó là điều kiện đầu tiên phải có để có được hiểu biết chân thực về chính mình, vì khi luật phân chia và làm phân tán thì nó cũng phơi bầy cho ta thấy thực tại.
Hãy nói về đặc tính của luật là một phần của luật Từ Ái, tác động của luật tùy thuộc vào mức phát triển tâm linh của người và cách ta đáp ứng và áp dụng luật. Nếu ta không đủ nhậy cảm để đáp ứng với ảnh hưởng của luật thì điều này tự nó cho biết mức độ phát triển của ta. Khi trí năng chưa linh hoạt và khi con người chưa đủ thông minh để sử dụng trí não, ảnh hưởng này không có phương tiện nào cho nó tuôn qua và tác động, ta không biết được luật cũng như không nhận ra được ảnh hưởng của nó và luật hóa vô dụng. Khi hội đủ điều kiện, luật tỏ lộ ra thiên cơ hay mục tiêu của sự sống thiêng liêng cho một cá nhân hay cho cả nhân loại như là một khối, bởi ta chớ quên rằng đây là luật của phần tinh thần, của linh hồn. Vì lẽ đó, luật chỉ có thể hiểu được cho ai bắt đầu có sự thức tỉnh tâm linh, có trí tuệ soi sáng.


Lòng  Ham  Muốn
Điểm chính yếu cho trọn vấn đề tâm lý của con người là lòng ham muốn, tất cả những rối rắm nhỏ hơn đều từ đây mà ra và lệ thuộc vào sự thúc đẩy căn bản này. Ngôn ngữ của tâm lý học gọi đó là 'tính dục, sex', và đó chỉ là thêm một tên nữa về sự thu hút của cái  phi ngã (not-self). Cách nhìn khác gọi đó là ao ước thầm kín, khát khao, nguyện vọng, ý muốn thoát khỏi khung cảnh đang bao bọc cá nhân. Người ta nỗ lực để thực hiện ước muốn có được hạnh phúc, vào cõi thiên đàng và để ý nguyện thành tựu v.v.
Nói chung thì đó là thúc đẩy để có sự mãn nguyện, nó là việc đi tìm nguồn thực phẩm nơi người sơ khai hay giải đáp vấn đề kinh tế của xã hội văn minh; thúc giục để có vui thú về trí tuệ, thấy được chân lý, hoặc lòng ao ước mạnh mẽ cõi Trời của người sùng đạo. Tất cả đều là ham muốn dưới hình thức này hay kia, và con người bị nó quản trị, kiểm soát.
Chính ý thức về yếu tố căn bản chi phối nhân loại đưa tới lời giảng dạy của đức Phật, tóm gọn trong Tứ Diệu Đế:
- Khổ đế: chân lý của sự khổ.
- Tập đế: chân lý về nguyên nhân sự khổ.
- Diệt đế: chân lý về diệt trừ sự khổ.
- Đạo đế: chân lý về con đường chánh.
Và cũng chính ý thức về nhu cầu thúc hối giải thoát con người khỏi bản tánh ham muốn, mà đức Chúa nhấn mạnh việc cần thiết làm điều lành cho người bên cạnh mình thay vì chỉ làm điều lành cho chính mình, và khuyên sống đời hy sinh,  xả kỷ, thương yêu mọi sinh linh. Chỉ bằng cách ấy, tâm và trí người mới có thể quên đi nhu cầu và thỏa mãn cá nhân để hướng tới nhu cầu sâu xa hơn của nhân loại.
Khi chưa đặt chân trên con đường trở về, người ta chưa thực sự hiểu được đòi hỏi của linh hồn phải thoát khỏi việc đi tìm thỏa mãn vật chất, bên ngoài, hữu hình cụ thể, và có dạ ước ao. Đòi hỏi này khiến linh hồn có nhu cầu xuống trần và hoạt động trong một thời gian theo luật Luân Hồi. Trên con đường thanh lọc tâm thân, đòi hỏi được giải thoát trở nên mạnh hơn và rõ ràng hơn, và khi người ta đặt chân trên đường trở về thì luật Xô Đẩy bắt đầu kiểm soát phản ứng của họ. Mới đầu nó xẩy ra vô ý thức nhưng từ từ hóa mạnh hơn, được ý thức nhiều hơn khi ta đi từ chứng đạo này sang chứng đạo (initiation, điểm đạo) khác.
 Như vậy câu chuyện của con người có thể tóm tắt như sau:
– Sự thúc giục muốn có kinh nghiệm, thỏa mãn bản tính tự nhiên.
– Một đòi hỏi được thỏa mãn dẫn tới đòi hỏi khác và lập đi lập lại, kéo dài qua bao niên đại trong ba cõi sinh hoạt của người, cho tới khi sinh lòng chán ngán.
– Nay có đòi hỏi về mặt tinh thần, tâm linh bên trong, ước nguyện thiêng liêng trở nên mạnh mẽ. Con người có ý thức mơ hồ về hai điều là thanh lọc bản thân và óc phân biện.
– Đây là lúc mà người tiến hóa ý thức cặp đối nghịch, con đường giữa các đối nghịch ấy, và hữu ý gạt bỏ hay xô đẩy cái  phi-ngã (not-self) trong một thời gian dài.
Ấy là diễn trình khi con người tìm kiếm hạnh phúc, hoan lạc và sự an lạc; hay chặng đường khi họ đi từ cuộc sống thuần bản năng sang trí tuệ, rồi từ hiểu biết trí não sang tỏ ngộ, và cuối cùng là đồng hóa với thực tại, khi đó anh thoát khỏi ảo mộng. Có hai yếu tố ấn định việc luật Xô Đẩy được anh áp dụng mau chậm ra sao. Một là động cơ của anh có phẩm chất như thế nào. Chỉ có lòng ước ao phụng sự mới đủ để mang lại định hướng cần thiết và việc thuận theo cách sống mới. Yếu tố thứ hai là việc sẵn lòng, bằng bất cứ giá nào, tuân theo ánh sáng trong tâm và ở ngoại cảnh. Phụng sự và tuân thủ là những phương pháp tuyệt diệu để có giải thoát, và sinh ra nguyên nhân làm luật Xô Đẩy tác động, giúp người chí nguyện đạt tới sự giải thoát mà họ luôn ước ao.
Phụng sự làm họ thoát ra khối tư tưởng của mình lẫn suy nghĩ về cái ta, nó khiến họ quên mình. Óc tuân thủ đối với linh hồn đưa anh nhập vào đại thể, ao ước riêng tư không còn khi đối diện với sự sống lớn lao của nhân loại. Những điều này chắc ai cũng quen thuộc do thế đọc không thấy có gì thú vị, tới mức không màng làm theo; tuy nhiên phụng sự là phương pháp tuyệt hảo để khơi động huyệt tim, và tuân thủ cũng mạnh mẽ y vậy trong việc khích động hai huyệt trên đầu, cho khả năng đáp ứng năng lực từ linh hồn tuôn xuống.
Con người hiểu biết thật ít ỏi về hai nhu cầu này. Nếu sự thúc giục để  thỏa mãn ước ao là thúc giục căn bản của phần hình thể của sự sống con người, thì thúc giục để phụng sự cũng là  thúc giục căn bản của linh hồn trong ta. Đây là một trong những ý quan trọng nhất khi học về tâm lý tinh thần. Thúc đẩy này thấy nơi bất cứ ai, ngay cả nơi phần tử bất hảo nhất trong xã hội, ngụ ý tâm thức có đó nhưng còn say ngủ.
Phụng sự và tuân thủ là tiêu ngữ của người chọn đi theo ánh sáng của linh hồn, và như nhiều điều khác nó đã bị bẻ cong và lạm dụng nơi ai cuồng tín, cho ra qui luật trong thần học và triết học; nhưng các điều này che đậy một chân lý. Nó được trình ra dưới hình thức tôn thờ cá nhân, tuân thủ Chân sư và vị lãnh đạo (thượng đế bên ngoài), thay vì phụng sự và tuân thủ linh hồn là thượng đế bên trong. Dầu vậy, chân lý dần dần lộ ra và cuối cùng phải đắc thắng. Một khi người chí nguyện có viễn kiến, nhận ra điều này thì khi ấy, luật ham muốn từng quản trị anh trong vô số thời đại chậm chạp nhường bước cho luật xô đẩy, và theo thời gian luật sau này giải thoát anh khỏi sự giam cầm của cái phi-ngã (not-self).
Luật sẽ dẫn anh tới sự phân biện và thái độ thản nhiên, là dấu hiệu chắc chắn của người đang trên đường giải thoát. Chuyện đáng lưu ý là óc phân biện dựa trên quyết chí muốn được tự do và lòng thản nhiên phát xuất từ quả tim chai đá, sẽ khiến người chí nguyện bị giam trong lớp vỏ kết tinh khó phá vỡ hơn nhà tù bình thường là số phận của người ích kỷ trung bình. Ham muốn ích kỷ về mặt tinh thần thường khi là lỗi lầm to lớn nhất của những ai được cho là nhà huyền bí học, và phải cẩn thận tránh; thay vào đó ai khôn ngoan sẽ hướng mình tới việc phụng sự và tuân thủ.


Ảnh  Hưởng  của  Luật
Xét về mặt tinh thần, óc phân biện trong giai đoạn này được xem là tương đương như khứu giác, giác quan phát triển sau cùng của con người trong cuộc tiến hóa. Khi tính phân biện nẩy nở khả quan nơi người chí nguyện, họ biết được cặp đối nghịch của sự sống (sáng / tối, thiện / ác), thấy được điều không phải là cái này hay kia của cặp đối nghịch, và bắt đầu hợp tác với những luật quản trị tinh thần, nhất là luật Xô Đẩy.
Ban đầu, anh khó mà nhận ra ảnh hưởng, nắm được ý nghĩa và lường được tác động của luật; nhưng anh phải học các điều ấy và tập làm ba việc sau:
– Nhờ phụng sự, anh dần dần tách mình ra và đẩy lui phàm ngã. Động cơ của anh nay là tình thương cho mọi sinh linh mà không ao ước sự giải thoát cho riêng mình.
– Nhờ hiểu biết về cặp đối nghịch, anh bắt đầu nhận ra con đường trung đạo mà đức Phật dạy.
– Anh bắt đầu trở nên sự sáng như đức Chúa dạy, dẫn anh trở về  tâm của sự sống, đưa anh từ cõi tối tăm đến nơi sáng suốt, từ cõi giả đến cõi chân, từ cõi tử đến cõi trường sinh bất tử. Anh tự tạo con đường cho mình như con nhện nhả lưới giăng tơ, nối liền phần tinh thần và vật thể, thiêng liêng và trần thế.
Như vậy công việc phải gánh vác trên đường trở về là phụng sự, hiểu biết con đường và tạo nên đường giải thoát. Đó là mục tiêu của người học khoa học huyền bí lúc này khi họ ao ước nó đủ mạnh, và huấn luyện mình làm việc xả kỷ cho đồng loại. Khi làm được vậy rồi và càng tiến đến gần điều không phải là cặp đối nghịch, và do đó đạt được con đường Trung Đạo, luật Xô Đẩy bắt đầu tác động và trở thành yếu tố chế ngự đời họ.
Chữ 'xô đẩy' có nghĩa tiêu cực với nhiều người, vì nó gợi nên ý không dễ chịu, bất hảo. Dầu vậy nó nhắc đến tính phân biện, lòng thản nhiên, và kỷ luật trong đời người học đạo, cũng như khả năng tản ra ngoài không còn trụ ở giữa vào mình. Nó cũng muốn nói đến thúc giục coi nhẹ điều không thật, bất hảo, đặt kỷ luật cho bản tính thấp, làm dễ dàng chọn lựa và loại bỏ điều gì giam cầm hay ngăn trở linh hồn.
Những ý chính ở đây là ta đã cẩn thận và quyết tâm chọn phương pháp hay con đường, giải thoát linh hồn khỏi thế giới hình thể, đồng hóa nó với chính nó (tức nhờ vậy thoát khỏi thế giới ảo ảnh), và rồi đồng hóa với thế giới của linh hồn. Kỹ thuật của con đường này đã được nhiều sách vở ghi lại, diễn giảng lời dạy của Chúa, Phật nên không cần nhắc thêm ở đây.
Khi hiểu biết chúng đúng đắn thì người ta có thể chọn lựa đúng cách, và chuyện gì không đáng ao ước hoặc quí chuộng có thể bị đẩy lui. Phương pháp nhiều người thực hành thấy có lợi là ghi lại hiểu biết của mình về bốn chữ:
● Phân biện (discrimination)
● Thản nhiên (dispassion)
● Kỷ luật
● Tản ra không trụ vào chính mình (decentralised)
Viết một trang cho mỗi đề mục là đủ, miễn đó là những ý nghĩ cao nhất của ta. Sự thực hành bốn đức tính ấy tự động khiến luật Xô Đẩy làm việc, sinh ra tỏ ngộ và ý thức. Ý nghĩa của luật có thể cao xa so với ai chỉ mới phát triển tính phân biện căn bản và chưa đạt tâm an nhiên, điều trình bầy được ở đây là con người học cách phân biệt giữa hai điều sau mà không có sự cuồng nhiệt, đau lòng, khổ não:
- Đúng và sai.
- Thiện và ác.
- Sáng và tối hiểu theo nghĩa tinh thần.
- Tự do và ngục tù.
- Thương và ghét.
- Hướng nội và hướng ngoại.
- Chân lý và sự dối gạt.
- Huyền học (mysticism) và huyền bí học (occultism).
- Cái ngã và vô ngã.
- Linh hồn và thân xác.
Ta có thể liệt kê nhiều cặp đối nghịch như thế, và khi khám phá sự kiện này thì công việc của ta là đi tìm điều gì không phải là cái này hay kia của cặp đối nghịch, tức con đường trung đạo hay con đường thứ ba, không sáng cũng không tối, không thương cũng không ghét.


Cách  Luật  làm  việc
 Luật được diễn giảng rõ nhất trong dụ ngôn người con hoang đàng của kinh thánh. Sách ghi có thanh niên ưa thích ăn chơi trụy lạc, anh xài phí phần gia tài của mình và lâm cảnh khó khăn nơi xa xứ. Khi tỉnh ngộ anh rời bỏ nơi ấy trở về với gia đình và cha mẹ mừng rỡ thấy con đã hồi tâm. Ta được lưu ý rằng khi kể chuyện, đức Chúa giảng rõ là người con chỉ có động lực quay về khi anh thức tỉnh, thỏa mãn xong ham muốn qua việc sống thác loạn. Giai đoạn sau là sự chán chường, bất mãn, và rồi đau khổ sâu xa, khiến anh không còn ý đi hoang đàng, ước ao gì khác. Diễn tiến của sự việc được trưng ra gọn ghẽ và khéo léo trình bầy, mà đây cũng là con đường của hành giả.
Ảnh hưởng của luật Xô Đẩy trong đời người quyết tâm trở về nguồn thiêng liêng là phá hủy điều chi cản trở, đưa hành giả đi mau lẹ mà có ý thức theo một trong bẩy cung tới đích, học bốn đức tính kể trên.  Có nhiều luật chi phối ta trên đường trở về, ba luật đầu là như sau:
1. Luật Hy Sinh.
– Linh hồn do ý muốn riêng của mình chọn việc khoác lấy hình thể vật chất, có thân xác ở ba cõi thấp, liên tục tái sinh trong nhiều kiếp để nâng cao những sự sống trong hình thể mà anh sử dụng. Khi làm vậy, anh 'chết' theo nghĩa huyền bí vì theo quan điểm thiêng liêng, sự thay đổi từ linh hồn tự do sang việc bị giam hãm trong hình thể và do đó bị chìm sâu vào sự sống của vật chất, đồng nghĩa với cái chết.
 Theo cách đó, linh hồn lập lại trên một mức độ nhỏ hơn điều mà hành tinh Thượng đế và thái dương Thượng đế đang làm. Những đấng cao cả này cũng chịu tác động của các luật quản trị linh hồn trong giai đoạn thể hiện, ngay cả khi các ngài không còn bị chi phối hay kiểm soát bởi các lực của thế giới thiên nhiên theo cách ta gọi. Tâm thức các ngài tách rời không đồng hóa với thế giới hiện tượng, trong khi chúng ta bị đồng hóa cho tới lúc thức tỉnh và tuân theo những luật khác cao hơn. Các đấng cao cả này cũng 'chết', và qua cái 'chết' ấy tất cả những sự sống khác nhỏ bé hơn được sống và có cơ hội phát triển.
– Nhờ sự 'chết' này mà tiến trình hòa nhập được diễn ra, thấy rõ nhất trong việc lá 'rơi' rồi sau đó hòa vào đất chỗ lá rơi. Hình ảnh này là cách mô tả ngắn gọn cái diễn trình lớn lao muôn thuở của sự hòa nhập, trở thành và chết đi do việc trở thành (vật chất) ấy.
2. Luật Thu Hút.
 Con người hy sinh – một cách tự do và bằng sự  lựa chọn –, chịu ảnh hưởng của phương pháp đã mang lại cái chết nói ở trên. Cặp đối nghịch tác động lên linh hồn và khi bị đưa đẩy qua lại giữa hai đối nghịch, ta cảm biết đêm đen của tâm hồn như đức Chúa cảm biết trên thánh giá; nhưng ngài đã lôi kéo mọi người vào mình và nâng tất cả lên cao, do sức rung động và thu hút mạnh mẽ của mình. Đặc tính cân phân, quân bằng vượt trội ở đây; những lực này nằm yên không tác động khi phàm ngã thắng thế, luật không có ảnh hưởng khi tâm hồn chưa bị dằng co giữa hai chọn lựa, con người chìu theo ham muốn vật chất, dù rằng luật vẫn có đó.
3. Luật Phụng Sự.
Do việc con người khoác lấy hình hài và chiến thắng các cặp đối nghịch, người đệ tử có sức thu hút và rung động mạnh mẽ, anh phụng sự theo cách hiểu biết của mình. Tuy chìm sâu trong vật chất, tâm thức anh cùng lúc cảm biết những cảnh sống khác, biết mục tiêu khi mình chết cho những sự sống khác, và cũng biết phương pháp phải dùng để đạt tới sự quân bằng. Khi những ý thức này lớn mạnh trong tâm, con người có thể phụng sự nhân loại.
 Luật thứ tư là luật Xô Đẩy, các luật này chỉ cho tác động trên khi con người hữu ý tiếp xúc với phần thiêng liêng cao cả trong tâm, và trên đường hòa hợp với điều ấy. Anh quay về với sự thức tỉnh, với hiểu biết trong ba cõi. Hiểu biết về luật giúp trả lời câu hỏi ta đang đứng ở đâu trong cuộc, và ý thức phải làm gì. Kki ấy ta bước vào sự sáng, biết rằng không có giá nào là quá cao để có được tỏ lộ mà luật cho ra.

Theo Esoteric Psychology,
vol. II, A.A.Bailey.