LINH ĐỊA LINH ÂM

Lần đầu tiên bước vào một hầm mộ gần Avebury tại Wiltshire, Anh quốc, tôi cảm nhận một nỗi buồn thê thiết. Hầm mộ rất xưa, từ thời  đồ đá, xây theo hình dạng của nữ thần; ngày nay du khách đi ra đi vào không ngớt, chụp hình và nói chuyện to tiếng.
– Này, anh nghĩ chỗ này bây giờ có còn xương không ?
Tại vương cung thánh đường Chartres ở Pháp, trong lúc tôi ngồi yên lặng cầu kinh, có ai đó bật lên một vật nghe giống như máy hút bụi, âm thanh réo to trong không gian như thể có quái vật sút chuồng. Khi đến thăm vương cung thánh đường Notre Dame tại Paris, có văng vẳng tiếng ầm ì không ngớt trong thánh đường, nên nửa giờ sau tôi phải bỏ đi ra. Về sau, tôi nghe là hơn năm mươi năm qua dây điện được chăng đầy trong thánh đường để cung cấp điện (dòng điện chạy trong dây đã sinh ra tiếng rầm rì ở trên). Đường hầm bên trong kim tự tháp lớn nhất ở Giza, Cairo, có chăng đầy bóng đèn huỳnh quang, dây điện đóng chặt vào tường và điện chạy phát ra tiếng ro ro không ngớt. Tại khu Stoneheng với những cột đá cao sừng sững, người ta khó mà tham thiền vì tiếng xe cộ chạy vụt qua rào rào, có du khách phê bình:
– Đá đẹp thật, nhưng tiếc là quá ồn.
Trong xã hội tây phương, cho dù truyền thống hành hương vẫn còn được lưu giữ, đa số chúng được thay thế bằng kỹ nghệ du lịch. Đông đảo người đi viếng những nơi linh thiêng và chụp hình, vương cung thánh đường nay bị thu nhỏ nằm trong hình lộng lẫy kích thước 10 x 15 cm. Máy quay phim bằng tay thu gọn kim tự tháp vừa với cỡ màn ảnh truyền hình. Cho dù chiêm ngưỡng nơi thờ phượng thiêng liêng là điều quan trọng, có quan niệm nói rằng chụp hình mà không hồi đáp lại điều gì, là lấy mất đi sinh lực nơi ấy:
Vương cung thánh đường giờ trở thành chỗ lặng thinh, và đóng kín lại. Trong quá khứ khách hành hương mang theo lễ vật cung hiến, ngày nay người ta chỉ biết tiêu thụ. Có lần tôi được nghe một bản hòa tấu tại thánh đường Chartres. Có những tiếng hợp ca vang dội, vút cao, bay lên trôi như hương trầm trong không khí. Tôi cảm thấy như thánh đường đang ngỏ lời 'Đa tạ'. Nó làm như mỗi hốc, kẹt trong đó có thể thở trở lại. Khi ấy thánh đường có thể cho phép những quà tặng tinh thần của nó vang ra bên ngoài.
Thời xưa, nghi lễ cử hành ở một chỗ thiêng liêng làm kích động trọn ngũ quan và gồm đủ các nghệ thuật. Nào là nhẩy múa, ca hát, vỗ trống, y trang rực rỡ, trầm hương tất cả quyện vào với nhau như là một phần của nghi lễ dâng hiến lên thần thánh. Qua nhiều thế kỷ, các nghệ thuật trở thành kinh nghiệm riêng rẽ, không còn liên kết với nhau và thường khi tách rời khỏi việc thiêng liêng. Một hệ quả của việc phân chia này là sự chuyên biệt hóa, thí dụ như một số người là họa sĩ và ca sĩ còn đa số thì không phải vậy. Theo cách đó chúng ta làm ngơ óc sáng tạo của mình, để dành cho chuyên gia hơn là tự mình sử dụng khả năng ấy.
Hơn nữa – giống như máy chụp hình của du khách là biểu tượng – con mắt đã thay thể cho cái tai như là giác quan được ưa dùng. Nay nền văn minh của chúng ta chính yếu là thị giác mà không phải thính giác hay dùng động tác. Khi dời đổi như vậy, nó làm mất đi một điều chi đó sinh tử, vì trong khi con mắt làm ta cảm nhận kinh nghiệm như là một điều gì đó bên ngoài ta, cái tai lại đem kinh nghiệm vào lòng, nhập tâm nó. Khi chúng ta chụp hình, ta chỉ giữ lại một điều gì đó trên phim; còn khi ta cất giọng hát hoặc nghe nhạc ở nơi chốn thiêng liêng, ta đem vào người một chút tinh túy của nơi ấy, và biến nó thành một phần của ta.
Trong quyển The Spell of the Sensuous, tác giả David Abram vạch ra rằng khi con người chuyển từ văn hóa khẩu truyền sang văn hóa ngôn tự, văn nói sang văn viết, con mắt có địa vị cao hơn cái tai. Các chữ viết cổ ban sơ như Hebrew và Ai Cập vẫn còn tính thính quan theo nghĩa người ta phải ngân nga khi đọc chúng. Văn viết của hai ngôn ngữ này không có nguyên âm, vì nguyên âm được xem là thiêng liêng; khoảng cách giữa hai phụ âm là chỗ mà hơi thở của Thượng đế có thể đi vào. Nguyên âm chỉ được dùng trong lời nói phát ra, biến một chuỗi những phụ âm thành chữ nghe hiểu được. Thế nên, để hiểu được bản văn, người ta cần phải xướng nó.
Theo với thời gian, khi nguyên âm được thêm vào văn viết, ta không còn cần ngân nga lớn tiếng để hiểu được ý nghĩa của câu. Hành động đọc nay có thể trở thành việc làm yên lặng đọc và là chuyện diễn ra trong lòng nhiều hơn. Hệ quả là ta mất đi cảm giác mà việc chú tâm vào lời nói đến với tai cho ra. Về một mặt căn bản nào đó, chúng ta cũng mất đi sự nối kết với chính địa cầu. Hành động đọc tạo nên hình ảnh trong trí, khi việc đọc và viết càng ngày càng lớn mạnh tới mức chế ngự, ta bắt đầu chuộng chúng hơn là mặt đất ngay dưới chân chúng ta. Các mẫu tự ban đầu nói tới các hình thể tự nhiên ngoài trời, thành ra khi bài viết càng trừu tượng chừng nào, mối liên hệ của nó với đất sống động chng bị quên lãng đi chừng ấy.
Như thế, việc sáng tạo ra chữ viết đã đóng vai trò quan trọng trong việc hủy hoại tính linh thiêng của thiên nhiên. Trong mấy ngàn năm qua, Mẹ Đất của thời xa xưa bị Trời thay thế và trong tiến trình ấy, những khu vườn thiêng, giếng thánh, đền đài hùng vĩ, chất ngất và những nơi thờ phượng tự nhiên khác đã bị dùng vào việc khác hay bị phá hủy.
Có lần tôi đi thăm một thánh địa ở thị trấn Aztec trong tiểu bang New Mexico, Hoa Kỳ, người hướng dẫn giải thích rằng nơi được xem là linh thiêng nhất trong làng, gọi là 'middens', là nơi thực phẩm được hoàn trở về trái đất. Những người da trắng đầu tiên tới định cư ở đây, với tôn giáo của họ được trọng vọng, xem khoảnh đất middens chỉ là bãi rác, và không hiểu được tại sao nơi ấy lại được xem là thiêng liêng. Nó giống như người phái Thanh giáo (Puritan, một chi phái Tin lành) của Anh không hiểu được tính cách linh thiêng của Avebury. Là nơi thờ phượng của người dân đất Anh thưở xa xưa, nó bị hủy hoại dần kể từ thế kỷ 14, thành bãi rác và chỉ mới được trùng tu từ thập niên 1940.
Có nhiều lý do phức tạp và khác nhau dẫn tới việc tàn phá như vậy. Bộ lạc thắng trận thường phá hủy nơi thờ phượng của kẻ thua cuộc, hoặc xây cất giáo đường của chính họ bên trên tàn tích của giáo đường cũ. Hành vi ấy đi theo mẫu mực 'ta' đối với 'họ', nó nói rằng 'Tôn giáo của ta hay hơn tôn giáo của họ, ta là người tốt lành và Thượng đế ở về phe của ta'. Nó là chuyện hay thấy và đáng tiếc ngày nay, mà cũng đã lộ ra từ năm 1352 trước tây lịch tại Ai Cập, khi có việc thay đổi tôn giáo, và gần đây là việc phe Taliban đặt chất nổ làm sập tượng Phật khổng lồ tại Afghanistan.
Ảnh hưởng của kiến trúc đối với nền văn minh được nhận xét như sau:
– Bạn có thể biết một xã hội có khuynh hướng gì bằng cách xem xét tòa nhà cao nhất  trong vùng.
Trên đất Pháp, khi đến một thành phố thì vật mà người ta thấy đầu tiên là đỉnh của giáo đường xây trước thời tòa án pháp đình (Inquisition). Tuy nhiên, trong thế kỷ mười tám, dinh thự có tính chính trị đã thay thế giáo đường như là tòa nhà cao nhất trong vùng. Tại các nước tây phương đã kỹ nghệ hóa, ngân hàng và cơ sở thương mại nay là những nơi nổi bật nhất trong khung cảnh. Nghi lễ nhà thờ nay diễn ra trên truyền hình và trong thương xá, với tiếng hát của ban đồng ca được loa phóng thanh làm vang to. Nhạc phản chiếu thẳng góc từ các bức tường làm âm thanh bị mất sức linh động.
Có nhận xét là kích thước và hình dạng của khoảng không gian bên trong sẽ luôn luôn kiểm soát nhịp điệu của sinh hoạt bên trong đó. Thí dụ là nhạc Gothic hoặc thời Phục Hưng thường chẫm rãi, nhạc thế kỷ 19 và 20 mau hơn nhiều, vì nó được soạn ra cho gian phòng nhỏ hơn hoặc cho trung tâm phát thanh ... Tương tự vậy, cao ốc văn phòng đương thời cũng gồm những khoảng không gian nhỏ và khô khan, thích hợp cho việc làm ăn tất bật hiện nay, và như thế đối nghịch rõ rệt với nhịp điệu chậm rãi của lễ nhà thờ hay bất cứ nghi lễ nào dành cho hầm hoặc hang sâu.
Chuyên gia về kiểu kiến trúc linh thiêng cho rằng những tòa nhà chọc trời giống như các tủ giấy tờ, rất hữu hiệu trong việc sắp xếp con người vào ngăn vào hộc, như sắp xếp kỹ thuật và đồ vật, nhưng gần như không đóng vai trò nào trong việc làm người được phong phú hay có ý nghĩa trọn vẹn hơn. Nói tóm tắt thì trong khoảng thời gian ngắn ngủi chỉ năm trăm năm qua trong lịch sử dài của nhân loại, thánh nhạc đã nhường chỗ cho nhạc nghe trong lúc chờ điện thoại hoặc trong cửa hàng.

Rối Nhịp
Hơn trăm năm qua, khung cảnh sống của người đã thay đổi lạ lùng. Xe hàng và xe lửa, xe hơi và xa lộ, điện thoại, truyền hình và đĩa thu sóng, máy điện toán, điện thoại di động và tháp tiếp vận làm thay đổi mặt đất hoàn toàn. Ở đâu đâu, đường chân trời cũng bị cắt ngang với hàng rào, dây điện và đường lộ. Ngay cả khi ta có thể tìm một khoảng đất còn thiên nhiên, cũng khó mà thoát được tiếng rì rầm cơ khí của nền văn minh. Có người đã thử và ghi nhận là:
– 15 năm về trước, trong tiểu bang Washington có 21 chỗ người ta có thể thâu các âm thanh thiên nhiên trong 15 phút mà không bị tiếng phản lực cơ bay qua ngắt ngang, hay tiếng xe hàng rầm rầm, tiếng chó sủa. Nay chỉ còn ba chỗ được như vậy.
Hiện tượng khác về âm thanh là loại âm chết (flat line) không thay đổi, liên tục phát ra do con người tạo nên từ thời cách mạng kỹ nghệ. Thiên nhiên không sinh ra âm chết hay tiếng đều đều, mà nó chỉ có do điện lực. Mỗi dụng cụ điện trong nhà, dây điện, và ngay cả bóng đèn của ta cũng phát ra tiếng rì rầm riêng của chúng. Chúng ảnh hưởng không những tâm thức của ta, mà còn là ma túy đối với não bộ. Vì những tiếng động ấy phát ra không ngưng, thường khi ta không để ý tới chúng. Dầu vậy, cơ thể và não chúng ta ghi nhận rồi đáp ứng lại.
Một thí nghiệm thú vị minh chứng nhận xét trên. Sau khi để sinh viên chìm sâu vào tham thiền một lúc, người ta kêu họ hát lên cung bậc mà họ nghe trong lòng, cung bậc nào có vẻ như trổi lên tự nhiên. Ở Hoa Kỳ, sinh viên thường hát cung Si tự nhiên, là âm hưởng có tần số 60 chu kỳ một giây, tức âm thanh của dòng điện nước này. Tại Âu châu, cung được hát là Sol thăng, là âm của dòng điện ở Âu châu với tần số là 50 chu kỳ một giây.
Có những nơi cư dân tranh đấu chống lại việc không quân cho phi cơ bay ngang núi qua lại để huấn luyện. Không quân bảo cư dân là rồi họ sẽ quen với âm thanh. Quen có nghĩa là tập cho mình thích nghi, nhưng ta tự động làm đồng nhịp với âm điệu và làn rung động nào mạnh nhất ở chung quanh ta. Đó là lý do tại sao ta nhịp chân theo nhạc kích động, và cảm thấy êm dịu tâm hồn khi nghe thánh nhạc. Ta trở thành âm thanh mà ta được nghe.
Đi vào thương xá sắm hàng thì ta hóa ra quen với tâm thức của cửa hàng. Tần số cao của điện thấm nhập vào người ta vì ta là dàn âm thanh nhậy cảm cao độ. Khi ta quen với âm chết thì ở một mức độ nào đó, tâm trí ta thay đổi và trở thành phẳng lì, tựa như nói ai 'trơ trơ' là ta hàm ý họ không biểu lộ cảm xúc. Chắc chắn có nhiều nguyên do làm ta phẳng lì, nhưng rất có thể việc ta nghe hoài âm chết là một trong các lý do ấy. Con người nhận âm thanh qua làn da, tai, xương và trả lại tiếng ồn liên tục phát ra dưới hình thức là sự căng thẳng ngày càng tăng. Căng thẳng ảnh hưởng nhịp tim của ta, chu kỳ hô hấp, sóng của não và các nhịp điệu khác của cơ thể, do vậy thay đổi hành vi của ta.
Nghiên cứu cho rằng ảnh hưởng tai hại của tiếng ồn sẽ tích lũy, và việc hư hại thính giác do tiếng ồn gây ra sẽ thành vĩnh viễn. Trên đường phố, tiếng nhạc bình bình vang dội trong xe hơi chạy ngang phát ra, có tác động như cái máy biết chạy gây đứng tim. Mỗi tiếng bình bình đập vào mặt đường và dội vào ngực khách bộ hành. Nó đè bẹp nhịp riêng bên trong của cơ thể. Nhịp này có thể làm ta nghiện khi nghe lâu, như cơ thể nghiện những chất không tự nhiên khác. Làm như cơ thể không còn phân biệt được điều gì tốt lành và điều gì độc hại.
Khung cảnh âm thanh của ta đã thay đổi trong lịch sử, và tiếp tục thay đổi khi càng lúc càng có nhiều người đâm đầu vào, cắm dây nghe âm điệu chỏi nhịp của thế giới kỹ thuật. Hẳn là con người biết hát ngay từ thưở ban đầu, có ý kiến là trước khi có cuộc cách mạng kỹ nghệ, công việc thường gắn liền với tiếng hát, vì nhịp điệu của lao động được làm cho đồng nhịp với hơi thở của ta, hoặc sinh ra do thói quen của tay, chân. Chuyện vừa làm vừa hát bị ngưng lại khi nhịp của người và của máy không còn ăn khớp. Tức trong khi làm cho mình quen với nhịp và âm thanh át giọng của máy móc, ta mất đi sự liên kết với nhịp điệu thiên nhiên của hơi thở của ta. Đa số người không còn hát trong lúc làm việc nữa. Ngày nay, việc làm thường đi kèm nhiều nhất với tiếng của máy điện toán, điện thoại di động và nhạc từ trần phòng vẳng ra.
Chắc chắn câu chuyện về nhạc bắt đầu bằng việc ta lắng nghe thiên nhiên rồi cất tiếng họa lại, về sau ta nghe nhạc từ máy móc, hát theo ca sĩ mà ta ưa chuộng. Dù nhiều người vẫn còn hát, nhưng họ chỉ hát lúc ở trong phòng tắm, xe hơi là chỗ không có ai nghe được họ. Chúng ta dần dần trở thành thính giả hơn là ca sĩ, trong mấy thập niên vừa qua, các loại máy nghe như Walkman, iPod đã tạo ra môi trường âm thanh ta có thể chìm đắm vào để bỏ ngoài tai chuyện gì đang xẩy ra trước mặt.
Âm chết lộ ra bằng một đường thẳng trên màn ảnh, nó như là phản ảnh của thế giới đương thời và là dấu hiệu chết chóc. Khi xưa con người sống trong những chỗ hình tròn như hang động, lều của người da đỏ hay du mục, chòi, nhà băng igloo. Ngày nay đó là chung cư vuông vắn hình hộp chồng lên nhau, mà một thế giới chỉ toàn hình chữ nhật làm tâm hồn chết dần mòn. Người da đỏ nói rằng người da trắng khi đặt họ (người da đỏ) vào những hộp vuông như vậy, đã khiến sức mạnh của họ mất đi và họ tàn tạ dần, vì trong người không còn sức lực nữa.
Tôi tin rằng địa cầu được nuôi dưỡng bằng năng lực âm thanh và chủ ý trong giọng của con người, y như con người được nuôi dưỡng khi lắng nghe tiếng chim hót hay tiếng thác nước rơi. Mà các điều này đang hiếm hoi dần hoặc mất hẳn. Chim chóc không còn thể hót tự nhiên theo bản năng của chúng. Tiếng xe chạy vun vút, rào rào liên tục là âm chết và phá rối thính giác của chim; chúng lạc điệu tới mức không hót đúng để ngăn chim khác xâm nhập hay để cặp đôi. Nay chúng bắt đầu bắt chước âm điệu của điện thoại di động. Chim còn chết đi vì tháp tiếp vận sóng điện thoại di động làm chúng lạc hướng và đâm vào tháp.
Những mất mát này làm đời sống con người nghèo nàn dần. Nền văn minh kỹ thuật làm giảm sút mức đa dạng sinh học trên địa cầu và ngôn ngữ bị suy kém. Khi càng lúc càng có ít chim trên trời do việc phá rừng và khu hoang dã, ngôn ngữ con người mất đi sức khêu gợi. Bởi khi chúng ta không còn nghe được tiếng chim hót, lời nói của ta không còn được nuôi dưỡng bằng  tiếng véo von của chim. Âm chung quanh sẽ ra sao nếu tất cả chúng ta quyết định ngưng bật máy một ngày, không ai lái xe, xem truyền hình hoặc dùng máy móc ? Tôi tưởng tượng là trái đất sẽ thở một hơi dài, tựa như bà mẹ sau cùng có được một ngày rảnh rỗi, và có thể nghe được chính mình lần đầu tiên sau một khoảng thời gian thật lâu.

Dâng Lời Ca
Chúng ta có niềm khao khát thực sự về chuyện linh thiêng. Nhiều người muốn có trở lại những chỗ linh thiêng, âm thanh và sự tĩnh lặng, và thành một phần của âm điệu thiên nhiên. Một trong các mục đích của việc hành hương là chuyển năng lực ở nơi thánh địa mà bạn viếng thăm, sang chỗ của bạn ở bất cứ nơi nào. Thánh đường, hang động hoặc chùa trở thành một phần trong đời của bạn. Hát ca là một cách để cấy làn rung động ở một nơi vào con người của mình, và rồi gieo nó sang người khác và chỗ khác.
Vì nhiều chỗ linh thiêng ngày nay có du khách tới thăm thường xuyên, cất tiếng hát ở những nơi này là chuyện gây rủi ro, cũng như bạn sẽ bị cho là điên khùng mới làm vậy. Tuy nhiên nhiều người ao ước được hát ca như là một cách để thành một phần của điều gì đó rộng lớn hơn chính họ. Trên thực tế thì đôi khi khó mà vào được các nơi này ngoài giờ ấn định, để có thời gian đơn độc với chính mình hầu lắng nghe và dâng hiến điều gì trong tâm ta; nên giấc mơ kể trên trở thành gần như bất khả.
Dầu vậy, 'Hỏi thì sẽ được nhận', khi tôi hỏi xin một nhân viên canh gác người da đỏ trong nơi thờ phượng của họ ở Albuquerque, Hoa Kỳ, anh mỉm cười và ôm nhẹ lấy tôi. Người khác kể chuyện là đã được phép hát trong hầm mộ tại vương cung thánh đường Chartres v.v. Nói chung khoảng thời gian tốt nhất là lúc chạng vạng, khi các du khách khác đã ra về. Nhạc sĩ mang theo nhạc cụ khi đến thăm nơi linh thiêng và chơi tại đây. Họ kể:
– Đôi khi tôi thấy là phải lên dây đàn theo một cách nào đó tại chỗ linh thiêng. Tôi dùng nhạc và lời ca như là một cách để hòa hợp với tinh thần của chỗ ấy. Lần kia khi viếng thăm Machu Picchu, Peru, tôi đi cùng với một Lama Tây tạng, ông có thể thấy được cõi vô hình và cho tôi hay là sinh lực của nơi này được gia tăng nhờ âm nhạc. Mỗi lần ta ca hát là thêm vào kho âm nhạc tốt lành cho ai cần tới nó. Càng có nhiều người hát thì sự kiện càng khiến người khác muốn hát và cảm nhận.
Nhạc sĩ khác cho kinh nghiệm là ta phải luôn luôn xin phép nơi linh thiêng để được hát hay chơi nhạc. Hãy tế nhị và tỏ lòng tôn kính, vì thường khi có một màn che chở bao quanh nơi linh thiêng, có năng lực bảo vệ mà ta phải xin phép.  Tiếng hát hay nhạc chơi ở những nơi này được phản chiếu, khuếch đại và trở thành tuyệt diệu hơn. Ta không biết lời ca mang lại lợi ích gì, và khi được gửi đi ra không gian như vậy thì có thể làm đời ai được thay đổi, nhưng ta có thể thấy du khách khác mà ta gặp ở đấy ngỏ lời tạ ơn, khi ta có can đảm ca hát.
Sự thúc giục trong lòng muốn tìm một chỗ cộng hưởng để ca hát và chơi nhạc, là động lực tự nhiên nơi con người. Giống như cỏ mọc xuyên qua những khe nứt của xi măng, cái nhu cầu căn bản luôn luôn có đó là muốn nghe  âm thanh của ta vang lại. Chỗ sinh ra âm hưởng nhiều nhất trong nhà chúng ta là phòng tắm lót gạch, và đa số người hát ở đó, cho dù họ ngượng ngùng ít chịu thú nhận điều này. Khi không có chỗ như vậy thì ta có thể hữu ý tạo ra chúng. Giả thử ta ca hát nhạc nhà thờ loại Gregorian hay là xướng kinh Phật trong chỗ đậu xe dưới hầm thì sao ? Có người khi đi làm đã mang theo sáo và tới giờ ăn trưa, ngồi thổi sáo trong hốc dưới chân cầu thang.
Bạn cũng có thể ra ngoài thiên nhiên ca hát, như hẻm núi vĩ đại Grand Canyon, người đi tới đó ca hát nói rằng 'Tôi có cảm tưởng như địa cầu đáp trả lại'. Tại Ouray, Colorado, bên dưới khách sạn Weisbaden có một hang đá thiên nhiên có sức thẩm âm tuyệt vời, khoảng không trong hang làm vang vọng đến hơn bốn giây. Khi hát trong hang, cấu trúc của nó làm âm tụ lại và khuếch đại âm nhiều hơn, làm tăng thêm nét huyền bí, làm như trọn cả hang rung động. Có người đứng nghe tỏ lời khen ngợi:
– Nghe giống như trong nhà thờ, mà lại hay hơn !
Bạn có thể tìm thấy nơi linh thiêng ở bất cứ nơi nào bạn có mặt - ngoài thiên nhiên, bên trong nhà của bạn, hay trong thành phố mà bạn cư ngụ. Tại nơi tôi ở, từ nhà tôi có thể đi bộ tới viện bảo tàng. Trong đó, ở khu Đông phương có bức tượng đức Quan Thế Âm Bồ Tát đặt ở nơi vinh dự, sẵn sàng hiển linh cho ai cần đến ngài.
Tôi theo một nghi thức khi tới đây, là ngưng lại trước khi bước qua bậc thềm, rồi yên lặng đi tới trước bức tượng tượng trưng cho lòng Từ bao la. Đôi mắt của ngài dường như nhìn xuyên thấu lòng tôi mà cũng vượt ra xa bên ngoài tôi, vào những con tim thổn thức của thế giới. Sau khi chiêm ngưỡng, tôi ngồi vào băng ở viện bảo tàng và tham thiền. Xong buổi, tôi cảm tạ ngài đã lắng nghe lời cầu kinh của tôi. Tôi mua một bức tranh đức Quan Thế Âm ở cửa hàng mỹ vật phẩm của viện bảo tàng, và lập một bàn thờ tại nhà. Ở đó tôi thắp nến, xướng tên những người tôi yêu quí, và mở rộng tâm mình.
Tương tự như động lực muốn ca hát, động lực muốn tạo chỗ linh thiêng là một nhu cầu căn bản của ta. Nơi chốn không nhất thiết phải là chỗ cổ xưa mới có tính linh thiêng. Người ta xây những chỗ linh thiêng mới ở khắp nơi trên mặt đất, nó có thể là một nhà sinh hoạt cộng đồng trong làng, nơi là lớp học cho trẻ con mà cũng là nơi làng cử hành nghi lễ tôn giáo. Chỗ khác, vùng có đào xới tìm than đá, dầu, hoặc mỏ vàng mỏ bạc, khi việc  khai thác đã xong thì hố được biến thành nơi thờ phượng với trần cao vút, có những cột ánh sáng mặt trời chiếu rọi vào hang.  
Bất cứ lúc nào trong lịch sử con người, ở bất cứ nơi nào trên trái đất, cái động lực chung muốn tạo chỗ linh thiêng và âm nhạc phản ảnh lòng khao khát thiết yếu của con người, muốn có chất nuôi dưỡng tâm linh; có lẽ đó là điều cần thiết cho loài người. Nếu không phải vậy thì tại sao nó ăn sâu vào bản tánh của ta ? Điều gì khiến ta dâng lời tán thán, viết ca khúc ngợi khen Đức Mẹ ? Giống như bầy khỉ đồng kêu lên trong đêm tối, chúng ta cần biết mình không lẻ loi. Ta gửi đi một lời và cảm thấy an lòng khi nghe tiếng vang của nó dội lại.
Tuy khoa thẩm âm cho ta hay rằng khi ca hát ở nơi linh thiêng, tiếng vọng mà ta nghe được chỉ là âm vang của chính lời chúng ta đã được làm cho to hơn, một phần sâu thẳm hơn trong tâm ta cảm thấy còn có một điều gì khác hơn nữa, như thể có một huyền thuật không giải thích nổi đã được khơi dậy trong lòng ta. Tôi tin rằng chủ ý và bản chất tinh thần độc đáo của người cộng hưởng lại và cho ta biết rằng cơ thể con người là cấu trúc linh thiêng, được tạo theo kiểu mẫu chứa đựng nhạc Trời. Ta có thể hữu ý phà hơi thở vào đền thờ là cơ thể của người và làm nó trở nên linh thánh.
Và tôi tin rằng chủ ý đó là cũng là điều căn bản cho vai trò của ta, trong việc sinh ra cảm giác về sự linh thiêng bên ngoài ta. Bạn không cần phải đi tới những chỗ như đền Taj Mahal để được hát ở chốn linh thiêng. Chốn ấy nằm đầy quanh ta, trong mỗi nụ hoa khai mở, lá non bung ra khi xuân về. Ta có thể bầy tỏ cảm giác kinh ngạc lạ lùng và lòng biết ơn đối với nét mỹ lệ, của bất cứ phần nào trong thế giới mà ta kinh nghiệm, như buổi bình minh hay hoàng hôn.
Khi ban hợp ca hát thánh nhạc thì lều của đoàn xiệc trở thành thánh đường, màn vũ của người da đỏ trong làng của họ miền tây nam Hoa Kỳ biến sân bụi bặm thành lời kinh cầu vĩ đại. Dù ta ở bất cứ nơi đâu, chuyện quan trọng là ta trở thành một phần của màn vũ, là ta biến chủ ý, nỗi hân hoan, tuyệt vọng và sự cảm nhận của mình thành một thực tại rộng lớn hơn. Vậy, ta hãy cất vang lên lời hoan ca của mình, dù  trong vườn sau nhà hay tại hẻm núi hùng vĩ Grand Canyon.

Trích: Sacred Space, Sacred Sound, Susan Elizabeth Hale.

Geese