KARMA

 

 (PST 60)

 

Trước hết, ta hãy định nghĩa Karma. Karma là luật Nhân Quả. Không có quả nào mà không có nhân, cũng như không có trẻ con nào mà không có cha mẹ. Bạn gieo điều chi thì sẽ gặt điều ấy. Luật này áp dụng không những cho những gì ta thấy chung quanh mình, mà áp dụng luôn cho tình cảm, tư tưởng, hành động và lời nói. Điều gì ta tạo ra, ta sẽ nhận hệ quả trở lại. Nếu có hệ quả thì bắt buộc phải có nguyên nhân; nếu có nguyên nhân thì sẽ có hệ quả.
Nếu nhân loại thật sự hiểu luật này thì mọi người hẳn đã không ở dưới thế, nhưng chúng ta đang ở đây và hoặc sẽ còn ở đây cho tới khi ngày cuối của thái dương hệ, hoặc học thuộc luật này và giải thoát mình khỏi khổ não, đau lòng, âu lo, chiến tranh và cách mạng. Từ lúc sinh đến lúc tử, con người gieo và gặt điều họ đã gieo. Khi ai đó suy nghĩ, họ gửi mầm tư tưởng vào không gian. Bất cứ điều gì họ nói đều là một mầm trong không gian, bất cứ tình cảm và phản ứng nào họ có cũng là mầm trong không gian; bất cứ hành động nào mà họ thực hiện cũng là mầm trong không gian. Những hạt mầm này sẽ tăng trưởng và một ngày kia họ phải đối diện với quả của nó. Nếu trừ được nguyên nhân là diệt được hệ quả, hoặc là ảnh hưởng hoặc là phản ứng. Đây là một luật mà không ai có thể thoát.
Ở những nơi xa xôi trên trái đất, vì có cảm ứng tâm linh mạnh hơn và có thể thiên về tinh thần nhiều hơn, người ta không dùng tên cầu kỳ để gọi luật Nhân Quả. Họ gọi nó là Luật của Âm Vang. Tôi hay đi vào núi và lắng nghe tiếng nói của mình vang trở về. Có lần tôi ở trong kim tự tháp của Ai Cập, tôi xướng thánh ngữ 'OM' rồi chờ. Vài phút sau tôi nghe 'OM' vang trở lại theo những cung bậc khác nhau. Người Ai Cập cổ quả là khoa học gia siêu quần. Chữ 'echo - âm vang' có một nghĩa bề mặt mà cũng có những nghĩa huyền bí sâu xa hơn. Khi có hành động về vật chất, tiếng vang thứ nhất có nét vật chất, tiếng vang thứ hai có nét tình cảm, tiếng vang thứ ba thuộc về trí tuệ và tiếng vang thứ tư là tinh thần. Nó có nghĩa mỗi hành động tạo ra ở bất cứ mức độ nào sẽ có vang vọng ở hết các cõi. Không sao thoát được việc ấy. Từ đây ta đi tới kết luận là vũ trụ, cảnh đời này, là cơ chế có ý thức tác động theo toán học, tâm lý học và khoa học.
Khi ta phát triển và tiến hóa, tiếng vang của ta trở thành trong trẻo và thanh khiết hơn. Chẳng hạn ta có thể làm một việc rất hay về mặt vật chất, và âm vang thanh khiết sẽ sinh ra ở cõi tình cảm, trí, trực giác, chân thần và thiêng liêng. Những âm vang này làm ra sự hòa nhịp và hòa tấu cho đời của ta. Còn có một tính chất khác của âm vang mà nó có thể lập lại mãi không thôi, cho đến khi tai của ta không còn nghe được nữa. Bạn vào núi hét to, bạn có thể nghe một âm vang, nhưng nếu bạn khôn lanh và nhậy cảm, bạn sẽ thấy rằng âm lan ra những rặng núi khác và lập lại nữa, cho dù bạn có thể không cảm nhận được nó. Ấy là chuyển động liên tục, vô tận của vũ trụ. Nó có nghĩa rằng bạn sẽ mãi mãi phải đối đầu với hệ quả của bất cứ hành động, tư tưởng tình cảm hay lời nói nào theo hình thức của âm vang.
Karma theo tiếng Phạn có nghĩa là hành động, hoạt động; mà ngay cả Phạn ngữ cũng không nói tới kết quả và nguyên nhân. Đó là vì Phạn ngữ trực nhận rằng không có hệ quả mà luôn luôn có nguyên nhân. Trí não tây phương thấy điều này khó hiểu, tuy vậy hệ quả là nguyên nhân nhỏ, hệ quả sinh ra trở thành nguyên nhân cho một hệ quả khác. Thế nên đi tới rốt ráo thì mọi việc đều là nguyên nhân, chuyện này dẫn tới chuyện kia theo một diễn trình liên tục.
Những đấng Cao Cả dạy rằng chúng ta phải nỗ lực từng giây phút để ý thức điều ta đang làm về mặt vật chất, tình cảm và trí tuệ, hầu thấu đáo nguyên nhân mà ta sẽ tạo. Đây là chỉ dạy lớn lao nhất của đức Phật, ngài muốn chúng ta ý thức đủ để biết điều gì đã sinh ra chuyện đang có lúc này. Cho mỗi hành động, có một phản ứng bằng y vậy mà đối nghịch phát ra trong cõi trần, tình cảm, trí và tinh thần. Ta sẽ ý thức như thế nào ? Ta sẽ cho ra hành động gì, và có thể mong chờ phản ứng gì trở lại ?
Những tên khác nhau của karma thì giống như nhiều mặt của một viên kim cương, chúng khác nhau tuy vậy mỗi mặt để lộ một khía cạnh khác của cùng một đề tài. Karma còn gọi là Luật Đền Bù. Đền Bù được hiểu theo nghĩa mỗi người phải cẩn thận đền bù cho mình và người khác. Các thể xác, tình cảm, trí, bạn bè của mình v.v. phải được đền bù. Bởi thể xác của ta làm việc, nó phải được nuôi dưỡng, cho mặc ấm và tắm rửa – tức đền bù. Rồi ta cũng phải chăm sóc cho thể tình cảm và trí giống vậy. Ý này cũng áp dụng cho người mà ta có liên hệ. Đền Bù là sự hiểu biết tế nhị, nói rằng bạn được cho điều gì thì phải hoàn trả lại điều ấy. Lúc sinh ra bạn không có gì thì khi qua đời bạn cũng sẽ ra đi tay không.
Khi tôi đến một vùng hẻo lánh ở Syria và nói chuyện với người theo phái Sufi, một người trong bọn dùng tên Luật của Gương để nói về Karma. Đời sống một người ra sao thì đó là điều họ là, vì họ phản chiếu trong đời mình chuyện gì họ thật sự là. Nếu gương mặt họ thay đổi, hình ảnh của họ trong gương cũng thay đổi theo.
Tình cảm gây ưu tư và cách sống thì đích thực là phản ảnh những gì ta đã làm trước đây. Tình trạng thể chất, tình cảm, và trí tuệ là sự phản chiếu đích xác của những hành động trước đó. Đời sống của ta là tấm gương phản ảnh điều chúng ta là. Muốn hiểu đời mình, ta chỉ cần nhìn vào phản ảnh. Ta đi tới trước gương và nói:
– Trang điểm coi không đẹp.
và ta chữa lại. Nếu ai thực sự hiểu điều này họ sẽ không còn than phiền về người khác, vì chuyện gì xẩy ra trong đời họ đều là phản ảnh cho điều họ là. Chúng ta có thể dùng gương để thay đổi chính mình, nhưng vấn đề là ta yêu quí hình thấy trong gương. Khi có chuyện đó thì không còn hy vọng, và đó là thảm kịch của thế giới đương thời. Nó thương yêu phản ảnh.
Ta có thể thay đổi đời mình bằng cách thay đổi thực tại của điều ta là, và gương sẽ phản ảnh y hệt ta đã thay đổi ra sao. Luật của Gương là lời giải thích tuyệt vời về karma. Điều gì áp dụng cho một cá nhân cũng ứng dụng y vậy cho quốc gia và nhân loại như là một khối. Bất cứ điều gì xẩy ra cho đời sống quốc gia hay toàn cầu là phản ảnh của tâm thức quần chúng. Muốn thay đổi phản ảnh đó, ta phải thay đổi thực tại, cái vật thể được phản chiếu.
Bạn có biết ai điên khùng tới mức đứng trước gương tay cầm bàn chải tìm cách sửa đổi hình mình trong gương, tin rằng sửa đổi phản ảnh thì sẽ thay đổi được chính mình chăng ? Vậy mà đó là điều ta làm ngày đêm. Ta tìm cách thay đổi cái hình thay vì nguyên do sinh ra hình, thay vì cải hóa chính chúng ta. Người xưa gọi đó là khoa học giả hình. Bạn ăn mặc cách khác, thay kiểu tóc, có dáng đi mới, đổi giọng v.v. tức bỏ công chăm chút hình phản chiếu của mình. Chuyện đáng buồn về việc này là khi dùng bàn chải sửa hình, cuối cùng bạn sẽ không sao thấy được gương mặt thật của mình trong đó.
Khi đứng trước gương, hãy ráng nhìn cho đúng điều gì bạn là. Gương là đời sống của bạn, cách mà bạn sống, điều kiện sống của bạn, tình trạng sức khỏe thể chất, tình cảm, trí, tâm tư xào xáo và hoang mang trong đời bạn, sự dại khờ, chín chắn hoặc điên loạn.
Karma là sự tranh đấu giữa điều bạn làm và điều bạn muốn trở thành. Bạn muốn thành điều này mà làm đúng chuyện ngược lại. Bạn muốn có tự do, nhưng lại tìm cách thành nô lệ. Bạn muốn có tình yêu, mà lại tạo những điều kiện làm ai cũng ghét bỏ bạn. Tất cả chúng ta đều làm những chuyện này một cách không ý thức.
Trận chiến giữa điều bạn làm và điều bạn muốn trở thành là trận chiến thật sự. Bạn là mớ rối nùi nhân quả vì cả hai việc đều sinh ra kama. Khi có hành động là bạn tạo nên karma và khi muốn là điều gì bạn cũng sinh ra karma. Hai điều chỏi nhau và bạn bị rối trí hoàn toàn. Người như vậy có xung đột tâm lý bên trong và bên ngoài, giữa điều họ là và điều họ muốn trở thành.
85 % điều ta làm thì đối chọi với điều ta muốn thành. Ta làm việc ngược với quyền lợi tốt nhất của mình, thế nhưng ta vui sướng làm vậy. Ta muốn có hạnh phúc, sức khỏe, phát đạt, tình thân hữu, mỹ lệ, tự do v.v., mà ta không biết chuyện gì mang lại những điều này. Ta phải học chỉ làm những hành động nào tương ứng với điều ta muốn trở thành. Nếu có xung đột là có karma.
Một tên khác cho karma là Thiên Xứng. Con người tựa như chiếc cân, chuyện gì họ đem vào bản tính của mình sẽ nâng họ lên hoặc hạ xuống thấp. Rồi còn có âm vang đến từ những hành động trước đó, những kiếp trước, như thủy triều lan vào bờ. Năm ngày hay năm trăm năm sau thủy triều ấy sẽ đụng vào họ khi anh đâm đầu ra biển. Ta học những điều này để trong tương lai ta có thể ngăn việc tạo nên thủy triều.
Ta phải tự hỏi mình đặt điều gì lên bàn cân. Nó là lòng giả dối, tư lợi, cái tôi, sợ hãi, lạm dụng và bóc lột người khác ? Nếu đó là những điều ta đặt lên cân thì ấy là những điều ta sẽ được nhận. Nếu ai được đối xử theo một cách nào đó, nó có nghĩa họ đã hành xử theo cách ấy trong quá khứ.
Karma còn có khi được gọi là Luật của Bẫy Tự Gài. Ta tự đặt bẫy cho mình và trong lúc làm vậy ta thấy rất vui. Ta đặt bẫy vật chất, tình cảm, trí tuệ bằng lời nói, chữ viết v.v. của mình. Ta muốn thoát khỏi bẫy nhưng càng vùng vẫy ta càng bị trói chặt. Giống như con chuột bị mắc bẫy, nếu đừng cử động thì ta có thể sống thêm vài phút; nếu cử động lập tức ta gẫy cổ ngay.
Ta đã đặt bao nhiêu bẫy cho mình rồi ? Chính con người trở thành một cái bẫy. Ai tạo nên bẫy trong đời mình là trở thành cái bẫy nguy hiểm nhất cho người khác. Khi bẫy tới phiên họ bị kẹt trong bẫy của người khác thì không có mấy hy vọng thoát ra. Ấy là điều ta đang làm cho nhau, tìm cách bẫy sập nhau và mình trở thành cái bẫy. Nếu điều này tiếp tục, một cái bẫy trở thành hàng trăm cái bẫy khác thì còn có cơ hội nào để thoát thân ?
Khi ai đó bị kẹt bẫy trong chính điều lầm lỡ của mình, lời nói sai, suy nghĩ không đúng, và tình cảm hồ đồ, họ bị bẫy do chính điều tạo ra. Giả thử họ thấy kẻ khác bóc lột và có thủ đoạn, họ bèn tìm cách cũng bóc lột và có thủ đoạn, rồi bị kẹt bẫy trong lúc làm vậy. Họ mất đi sự sáng suốt, đường hướng; khi có ai nói chuyện với họ, họ dẫn dụ kẻ khác sai đường và đưa người ta vào bẫy. Ý thức được mình đang ở trong bẫy là dấu hiệu rất tốt.
Khi than phiền về sức khỏe, hạnh phúc, mối liên hệ v.v., nó có nghĩa bạn bắt đầu hiểu mình đang ở trong bẫy và bạn muốn thoát ra. Nhiều người không muốn tìm cách thoát, nhưng họ than van. Đó là nhạc của con người, nhạc nhân quả !
Karma còn được gọi là Luật Vay Trả. Điều gì bạn cho thiên nhiên, thiên nhiên sẽ trả lại cho bạn. Đó là lý do tại sao ta phải có sự công bằng với chính mình và với người khác. Nếu có ai giúp bạn 50 đồng, bạn phải trả lại 50 đồng ấy. Nếu họ cứu sống bạn, bạn phải cứu sống họ. Dầu vậy, ta nghĩ mình khôn ngoan khi làm chính điều ngược lại. Ta nghĩ nếu trộm cướp và lấy cắp người khác, lấy được nhiều tiền của họ là ta sẽ được hạnh phúc. Nhưng ngày kia ta sẽ thấy có nước lụt dâng, cuốn trôi đi hết những gì ta tạo tác, luôn cả chính mình, vì cũng phải trả thuế. Xét ra, xử sự công bằng, hoàn toàn đúng lẽ thì khôn ngoan hơn.

 

Cách để Gia Tăng, Nhân Bội Karma.

Karma gia tăng và mang lại phức tạp lớn hơn khi bạn tuân theo sự thúc đẩy và ham muốn của thể xác, tình cảm và trí, và xử sự theo đòi hỏi của các thể này. Nếu bạn thuận theo các thèm muốn và thôi thúc ấy, cuối cùng bạn sẽ thấy mình bị kẹt bẫy. Còn khi bạn dùng ham muốn và thúc đẩy của mình để gài bẫy người khác, bạn đang tạo một cái bẫy trong cái bẫy khác. Khi có những thói tật đáng chê trách là ta tạo karma thật rối rắm cho mình; ta sinh ra một lượng karma to tát khi không sống công bằng, tôn trọng quyền của người khác và của chính chúng ta. Ta cần phải ngay thẳng, chính đáng. Sự công chính được chọn làm đức hạnh tiêu chuẩn vì nó là nguyên lý hàng đầu.
Karma tăng bội khi người ta tiến đến những cõi tinh tế hơn. Nếu có ai làm lỗi về mặt vật chất, dùng biểu tượng để nói thì karma bằng 4 x 4; nếu họ làm lỗi về mặt tình cảm, hệ quả sẽ bằng  4 x 4 x 4, ở mức trí tuệ nó sẽ là 4 x 4 x 4 x 4, và cứ như thế tăng bội.
Có khi ta ở trong cảnh ngộ mà mối liên hệ trong gia đình hay cá nhân trở nên hết sức căng thẳng. Trường hợp như thế cho ta hai chọn lựa:
- Một là tập tánh dửng dưng thiêng liêng (divine indifference),
- Hai là bỏ cuộc và rút lui. Cách này là giải pháp mạnh mà đôi lúc nếu ta không rút lui thì cũng bị gạt ra lề.
Giữa hai cách này tôi sẽ chọn thái độ dửng dưng thiêng liêng. Cứ để ai làm tôi bực mình nói nhăng nói cuội muốn làm gì thì làm, tôi sẽ tập tánh dửng dưng thiêng liêng vì họ đúng là người giúp tôi học và luyện tập tánh. Nó là cơ hội để tập dứt bỏ và quan sát chuyện gì xẩy ra, tại sao nó xẩy ra, làm sao xẩy ra, kết quả là gì v.v. Nếu họ hỏi ý kiến hay lời khuyên của tôi, tôi sẽ bảo với sự dửng dưng không tình cảm là họ đang đâm đầu vào tai họa.
Đời sống tinh thần là có kỷ luật đều đặn và xây dựng trong hoàn cảnh khó khăn. Chúng ta tạo nên và phát triển các thể và cơ chế, những điều này không thể nẩy nở trong khung cảnh tốt lành. Chuyện không may là cách tốt nhất làm tăng trưởng các thể và cơ chế là có nghịch cảnh. Nếu ta nghĩ đến một trường hợp khó khăn gặp phải hồi mười năm về trước, ta sẽ thấy nó đúng là hoàn cảnh làm ta lớn mạnh, thức tỉnh và khai mở. Thường khi ta không thấy biết ơn mà lẽ ra phải thấy vậy trong khung cảnh như thế.
Bạn tăng bội và gia tăng karma của mình khi sống đời giả dối. Nếu bạn xấu xí thì cho người khác biết bạn xấu xí sẽ tốt hơn là dấu mình đi. Khi dấu con người mình, bạn khiến người khác hiểu lầm. Đừng giả cách như  mình tốt đẹp hơn người, mà bạn là sao thì sống là vậy, nếu có thể được.
Tôi cảm thấy vui lòng và biết ơn nếu người ta mong muốn làm cho họ được xinh đẹp hơn, ấy là chuyện tự nhiên. Nhưng con người không nên thay đổi mặt mày, hoặc dùng son phấn để gạt chính mình hầu có hình dung đẹp hơn. Tập thể dục và làm cho cơ thể xinh đẹp hơn là điều tốt, mà cũng còn những cách tự nhiên khác để giữ cho thân xác đừng mau già. Một cách là ăn đúng loại thức ăn đúng đắn có chứa chất dinh dưỡng thích hợp, cũng như là nghỉ ngơi và ngủ đủ. Gò má bạn sẽ rực sáng như gương.
Tham lam, ghen tỵ, thù ghét cũng như là nỗi hân  hoan làm thay đổi gương mặt của bạn. Con người là phó bản y hệt của điều họ là bên trong. Tại sao không tìm phương pháp thông thường thay vì bỏ tiền cho hóa chất trích tinh từ cơ quan của thú vật ? Chúa, Phật đều dạy ta phải sống tự nhiên. Tách rời khỏi điều gì tự nhiên là tự phá hủy mình.
Mỹ lệ không hề tạo karma, mà ngược lại, khi ta làm việc để tạo mỹ lệ thì nét thiêng liêng của ta thể hiện. Ta không  thành điều gì mà chuyện là Chân Ngã được biểu lộ. Làm việc để có mỹ lệ làm giảm nhân quả vì sự xấu xí tạo nên karma. Nói 'Hãy trở nên đẹp đẽ' là điều giản dị, nhưng người ta phải đẹp về thể chất, tình cảm, trí tuệ đẹp đẽ, có động cơ tốt lành hòa hợp với các nguyên tắc thiêng liêng.  
Khi đi thăm nhà tâm thần,  bệnh viện và nhà tù, chúng ta chứng kiến hệ quả của karma xấu. Hành vi có tính tốt lành làm giảm thiểu karma, và ta không tạo karma mới. Hành vi có tính Thiện, Lành, Chính Đáng, Mỹ Lệ, Hân Hoan, và Tự Do làm giảm thiểu karma. Kinh điển khuyên ta không làm điều xấu cho người khác, ngay cả khi họ làm điều xấu  cho ta. Khi làm theo lời khuyên này, ta không tạo nên nhân quả.
Hãy gia tăng niềm vui của người khác. Đừng làm người ta buồn, giận hay nổi khùng để ta có lợi. Nếu bạn lấy đi niềm vui của người khác bạn sẽ không hề có được niềm vui; nếu cho ra niềm vui thì niềm vui của bạn sẽ tăng gia. Đừng giới hạn sự do của người khác. Nếu giới hạn tự do thì bạn sẽ không được tự do.
Karma tăng gia và tạo nên thủy triều tác động lên các thể thanh, nếu ta xem thường người và vật, và dùng tâm lý để bóc lột. Đừng xem thường người và tình thế, làm như họ thuộc về bạn. Ngay cả khi bạn ngồi dưới gốc thưởng thức hương thơm của cây, hãy ngỏ lời tạ ơn trước khi rời chỗ đó, và làm cho cây điều gì bạn làm được.

Torkhom Saraydarian.

Xem Karma, Cyrill Scott