HUYỀN BÍ HỌC THỰC HÀNH

 

 

Huyền  Bí  Học  Thực  Hành

(Practical Occultism, Lucifer, April 1988)

 

Quan trọng cho Học viên

Vì có nhiều người muốn có chỉ dẫn thực tiễn về Huyền bí học  nên cần trưng ra một lần cho tất cả được rõ:
a. Sự khác biệt chính yếu giữa Huyền bí học  lý thuyết và thực hành, hay một điều thường được gọi là TTH và điều kia là Huyền thuật.
b. Tính chất của những khó khăn liên can trong việc học tập điều sau.
Trở thành người TTH là chuyện dễ. Bất cứ ai có trí tuệ trung bình, có khuynh hướng tâm linh, sống đời trong sạch không ích kỷ; ai thấy việc giúp người được vui nhiều hơn là chính mình được giúp; ai sẵn lòng hy sinh thú vui riêng cho người khác; và ai yêu thích Minh Triết, điều Chân, Thiện tự chúng mà không phải do lợi lộc chúng có thể mang lại, là người TTH.
Nhưng nó lại là chuyện khác hẳn cho ai muốn đặt chân lên con đường dẫn tới hiểu biết  chuyện gì tốt phải làm, so với sự phân biện đúng đắn giữa xấu với tốt, con đường mà cũng đưa họ tới quyền năng nhờ đó họ có thể làm điều tốt theo mong muốn, mà thường khi làm như không phải nhấc ngón tay. Hơn thế nữa, có một điều quan trọng mà học viên cần biết, là trách nhiệm lớn lao gần như vô tận mà vị thầy gánh lấy cho trò. Từ những bậc Thầy của đông phương dạy dỗ công khai hay kín đáo, cho tới những nhà huyền học tây phương giảng dạy những điều sơ đẳng của Khoa học Bí truyền cho đệ tử mình – những nhân vật này thường không biết nguy hiểm mà họ đem vào người – tất cả các 'Thầy' không trừ một ai phải chịu cùng một luật bất di bất dịch.
Từ phút giây họ thực sự bắt đầu giảng dạy, từ lúc họ truyền bất cứ quyền năng gì – dù là tâm linh, trí tuệ hay thể chất – cho trò, là họ nhận vào chính mình tất cả tội lỗi của học trò ấy, có liên hệ với Huyền thuật, dù là sơ sót hay theo lệnh, cho tới khi trò chứng đạo thành Thầy và tới phiên mình chịu trách nhiệm. Có một luật kỳ lạ và huyền bí trong tôn giáo được giáo hội Hy Lạp kính trọng rất mực và tuân theo, Công giáo còn nhớ một nửa và Tin lành hoàn toàn quên biệt. Nó có từ những ngày đầu sớm sủa nhất của Thiên Chúa giáo, và có căn nguyên từ luật vừa nói mà nó là biểu tượng và sự diễn giải.
Đây là tín điều của việc linh thiêng tuyệt đối trong mối liên hệ giữa hai cha mẹ đỡ đầu của hài nhi. Họ ngầm thỏa thuận là nhận lấy vào chính mình tất cả tội lỗi của trẻ vừa được rửa tội – ( hay xức dầu như trong lễ chứng đạo, vốn thật là chuyện thiêng liêng bí ẩn !) – cho tới ngày trẻ thành người có trách nhiệm, hiểu biết điều tốt và xấu. Thế nên ta thấy rõ là tại sao bậc 'Thầy' lại dè dặt ít lời, và tại sao 'Đệ tử' hay Chela bị đòi hỏi phải qua bẩy năm dự bị để chứng tỏ mình đủ điều kiện, và phát triển đặc tính cần thiết cho sự an toàn của cả Thầy lẫn trò. (1)
Huyền bí học  không phải là huyền thuật. Học bùa chú, cách sai khiến những lực tinh tế – nhưng vẫn là vật chất – của cõi trần là chuyện tương đối dễ; quyền năng của tình cảm trong lòng chẳng mấy chốc được khơi dậy; những lực mà lòng thương, ghét, si mê có thể làm tác động đều đã phát triển. Nhưng đó là Tà Thuật  (Sorcery), vì chính động cơ và chỉ nó mà thôi, làm cho việc sử dụng quyền năng trở thành tà thuật ác độc hay chính thuật lành ngay. Người ta không thể nào sai khiến năng lực tinh thần nếu còn dấu vết rất nhỏ lòng ích kỷ trong tâm. Bởi trừ phi chủ ý hoàn toàn trong trắng, ý chí tinh thần sẽ biến nó thành việc tâm linh, tác động ở cõi tình cảm và có thể sinh ra hệ quả tai hại. Quyền năng và lực thuộc thú tính có thể được cả người ích kỷ muốn trả thù hay người không ích kỷ đầy lòng tha thứ sử dụng như nhau, nhưng quyền năng và lực của tinh thần chỉ thuộc về ai mà tâm hồn hoàn toàn thanh khiết – và đó là Huyền thuật Thiêng liêng.
Thế thì những điều kiện đòi hỏi để trở thành học viên của MTTL là gì ? Ta nên biết rằng không có chỉ dạy nào như vậy có thể được đưa ra, trừ phi học viên tuân theo một số điều kiện và theo sát trong nhiều năm học tập. Đó là điều kiện bất biến. Không ai có thể bơi trừ phi họ vào chỗ nước sâu. Không con chim nào có thể bay trừ phi cánh mọc dài, và có khoảng không trước mặt cùng sự can đảm tung mình vào không trung. Ai muốn dùng thanh gươm hai lưỡi trước hết phải thành thạo mọi mặt với vũ khí không bén, nếu không muốn tự gây thương tích – hoặc tệ hơn nữa là gây thương tích cho người.
Để cho người đọc một ý nghĩa khái quát về những điều kiện mà chỉ theo đó việc học MTTL có thể theo đuổi một cách an toàn, tức không sợ nguy hiểm là Chính Thuật trở thành Tà Thuật, xin đưa ra một trang trong 'những qui luật riêng' mà bất cứ bậc thầy nào ở đông phương cũng được giao. Vài đoạn dưới đây được chọn trong số và phần giải thích nằm trong ngoặc:

1. Nơi được chọn để giảng dạy  phải là chỗ sao cho không làm chia trí, và có những vật phát ra từ lực gây ảnh hưởng. Trong số những vật này phải có một vòng ngũ sắc gồm năm mầu linh thiêng. Nơi chốn phải không có ảnh hưởng xấu nào vảng vất trong không.
(Chỗ học phải dành riêng cho việc này mà không dùng vào việc gì khác. Ngũ sắc linh thiêng là những mầu trong quang phổ được xếp đặt theo cách thức riêng, vì những mầu này có từ lực rất mạnh. Ảnh hưởng xấu ở đây muốn nói bất cứ xáo trộn nào do tranh luận, đôi co, cảm xúc xấu v.v., vì chúng bị xem là để lại ấn tượng ngay lập tức trong bầu không khí nơi học, và 'vảng vất trong không'. Điều kiện đầu tiên xem ra dễ làm, nhưng – khi xét kỹ thì nó là một trong những điều khó nhất có thể có được).

2. Trước khi người đệ tử được phép học 'mặt đối mặt', anh phải có sự hiểu biết sơ khởi trong một nhóm chọn lọc gồm những upasaka (đệ tử) khác mà số người phải là số lẻ.
('Mặt đối mặt' ở đây có nghĩa việc học riêng so với những người khác, khi đệ tử được dạy 'mặt đối mặt' hoặc với chính Chân ngã của mình, hoặc với guru của anh. Chỉ khi ấy mỗi người mới nhận được giáo huấn xứng với họ, tùy theo cách họ đã sử dụng hiểu biết của mình. Điều này chỉ có được trong chặng cuối của kỳ học tập).

3. Trước khi thầy truyền đạt cho trò thánh ngôn của Lamrin, hay cho phép anh sẵn sàng nhận Dubjed, thầy phải xem là tâm trí của trò hoàn toàn tinh lọc và hòa với tất cả, nhất là với những cái Ngã khác của anh. Bằng không, lời của Minh Triết và Luật thiêng liêng sẽ tản mác bay theo gió.
('Lamrin' là sách gồm những chỉ dẫn thực hành, do Tson-kha-pa soạn, gồm hai phần; một cho mục tiêu công truyền và tế tự, một cho bí truyền. 'Sẵn sàng nhận Dubjed'  là chuẩn bị vật dụng để tiên tri như quả cầu thủy tinh, gương. 'Những cái Ngã khác' nói tới bạn đồng môn. Thành công không sao có được trừ khi trong nhóm người cùng học có sự hòa hợp tuyệt đối. Vị thầy là người chọn lựa học viên tùy theo bản chất từ lực và điện lực của các trò, mang họ lại với nhau và điều chỉnh thật cẩn trọng những đặc tính âm và dương.)

4. Các upasaka khi học tập phải kết hợp với nhau như các ngón tay trong một bàn tay. Thầy phải khiến họ ghi nhớ rằng điều chi làm người này đau khổ sẽ gây khổ đau cho những ai khác, và nếu một người mừng vui không làm những kẻ khác vui theo trong lòng, thì thiếu vắng điều kiện phải có, nên tiến hành việc học chỉ phí công.
(Điều này khó xẩy ra nếu việc chọn lựa ban đầu hợp với đòi hỏi về từ lực. Chuyện kể là có chela (đệ tử) tỏ ra có hứa hẹn và đủ điều kiện để nhận chân lý, phải chờ nhiều năm vì tính khí của họ và việc họ không thể hòa mình với bạn đồng môn ).

5. Những người đồng học phải đáp ứng với vị guru như những dây đàn của đàn vina, mỗi dây đều khác nhau nhưng mỗi dây phát ra âm hòa hợp với tất cả. Tổng hợp lại họ phải hợp thành nguyên phím đàn mà tất cả các phần đáp lại chỉ với sự chạm tay rất nhẹ (sự chạm khẽ của vị Thầy). Như thế tâm trí họ sẽ mở rộng với hòa âm của Minh Triết, rung động như là minh triết qua từng người và cả nhóm,sinh ra ảnh hưởng hài hòa với thần linh và hữu dụng cho người đệ tử. Theo cách đó Minh Triết được khắc ghi mãi mãi trong tâm họ, và sự hòa hợp của luật sẽ không bao giờ bị tan vỡ.

6. Những ai muốn thụ đắc sự hiểu biết dẫn tới các Siddhis (quyền năng huyền bí), phải từ bỏ tất cả tham vọng ở đời và thế gian (tiếp theo ở đây có ghi các loại Siddhis).

7. Không ai được cảm thấy có khác biệt giữa họ và bạn đồng môn, như nói rằng 'Tôi khôn ngoan nhất'; 'Tôi thánh thiện hơn và làm vui lòng thầy hơn hay trong cộng đồng hơn sư huynh/đệ' v.v. – mà vẫn được làm đệ tử. Tư tưởng của họ phải trụ chính yếu trong tâm, gạt bỏ khỏi tâm mỗi một ý nghĩ thù địch với bất cứ sinh vật nào. Tâm phải tràn đầy cảm xúc không phân rẽ với tất cả chúng sinh khác trong thiên nhiên, bằng không họ sẽ không thành đạt.

8. Người đệ tử phải tránh ảnh hưởng bên ngoài (từ lực do sinh vật phát ra). Vì lý do ấy cho dù họ là một với tất cả trong tâm, anh phải cẩn thận phân cách thân xác bên ngoài với mỗi ảnh hưởng ngoại lai;  anh không để ai dùng ly của mình, phải tránh đụng chạm hoặc bị đụng chạm thân thể với người  khác hay với thú.
(Luật cấm nuôi thú cưng và cũng cấm đụng chạm một số cây cỏ. Nó hàm ý người đệ tử phải sống trong bầu không khí của riêng họ, từ lực hóa nó cho mục đích bí truyền).

9. Tâm trí họ phải làm ngơ với tất cả ngoại trừ các chân lý trong thiên nhiên, kẻo 'Tâm Pháp' trở thành 'Nhãn Pháp' (tức nghi thức công truyền rỗng không).

10. Người đệ tử không dùng thực phẩm động vật hay món gì có sự sống trong đó, thuộc bất cứ loại gì. Không uống rượu, hay dùng thuốc phiện; vì những món này tựa như quỉ thần xấu xa, bám vào ai không canh phòng, phá hoại sự hiểu biết.
(Rượu nói chung được cho là chứa đựng và lưu giữ  từ lực xấu của tất cả những ai làm rượu; thịt thú vật lưu lại đặc tính tâm linh của con vật).

11. Tham thiền, cử kiêng mọi chuyện, làm tròn bổn phận đạo đức, tư tưởng ôn nhu, hành thiện và lời nói dễ thương cùng thiện chí đối với tất cả, hoàn toàn quên mình, là những phương tiện hữu hiệu nhất để có được hiểu biết và chuẩn bị để nhận thêm minh triết cao hơn.

12. Chỉ nhờ việc theo sát những luật nói trên mà người đệ tử mới hy vọng có được Siddhis của bậc La hán khi tới đúng lúc; đây là sự tăng trưởng làm cho anh dần dần thành là một với Đại Ngã.

12 phần trích ở trên được lấy ra trong 73 luật, kể ra hết chỉ vô ích vì Âu châu sẽ không hiểu gì. Nhưng ngay cả vài luật như vầy cũng đủ để cho thấy khó khăn to tát nằm trên đường của ai muốn là 'Upasaka' mà sinh ra và lớn lên ở phương tây. Tất cả nền giáo dục tây phương, nhất là của Anh, có đặc tính là tranh chấp và vượt trội; mỗi nam sinh được thúc giục để học mau hơn, vượt qua bạn cùng lớp và trội hơn chúng về mọi mặt nếu được. 'Óc ganh đua thân hữu' là chữ dùng sai và được gắng sức phát triển, tinh thần này cũng được nuôi dưỡng và tăng cường trong mọi mặt của đời.
Với những ý tưởng như thế được 'giáo dục' cho trẻ ngay từ tuổi thơ, làm sao người tây phương có thể cảm thấy mình 'như các ngón tay trên một bàn tay' với các bạn học khác ? Những  đệ tử đồng môn cũng không phải do chính anh chọn lựa, hay chọn do lòng quí chuộng và thiện cảm riêng. Họ được thầy chọn theo những tiêu chuẩn khác, và ai muốn làm đệ tử trước tiên phải đủ mạnh để loại hết mọi cảm tình không ưa và thiếu thiện cảm với người khác trong tim mình. Có bao nhiêu người tây phương sẵn lòng chịu làm vậy một cách hăng hái ?
Và rồi còn những chi tiết trong đời sống thường ngày, luật không được phép đụng chạm ngay cả bàn tay của người thân nhất, quí yêu nhất của ta. Nó ngược lại làm sao với quan niệm của tây phương về tình thân và cảm xúc vui vẻ ! Xem ra nó lạnh lùng, sắt đá biết bao ! Và cũng ích kỷ, có người sẽ bảo, khi không làm kẻ khác vui chỉ vì mình muốn có sự phát triển cho chính mình. Thế thì, hãy để những ai nghĩ vậy hoãn lại, chờ sang một kiếp sau mới sốt sắng đặt chân lên con đường. Nhưng chớ để họ khoe khoang điều họ tưởng là không ích kỷ vì trên thực tế, họ chỉ tự dối mình khi xét qua hời hợt quan niệm ngoài đời dựa trên tình cảm và cái gọi là phép lịch sự, những điều không thật thay vì đòi hỏi của Chân Lý.
Mà ngay cả khi để qua bên các khó khăn này, có thể xem là chuyện bên ngoài tuy chúng có tầm quan trọng không nhỏ, làm sao người học đạo phương tây có thể khiến mình hòa hợp' như luật đòi hỏi ? Bản ngã được tăng trưởng quá mạnh ở Âu châu và Mỹ châu, nên không có trường mỹ thuật nào mà nghệ sĩ không ghét bỏ và ganh ghét nhau. Bằng mọi giá mỗi người tìm cách thủ lợi cho mình, và ngay cả phép lịch sự ở đời cũng chỉ là mặt nạ che dấu lòng ganh ghét nhau.
Ở phương đông tinh thần 'không phân rẽ' được giáo huấn luôn từ thuở bé thơ, giống như cách giảng dạy óc ganh đua ở phương tây. Tham vọng riêng, cảm xúc và ham muốn riêng tư không được khuyến khích để nẩy nở tràn lan như ở đây. Khi đất tốt tự nhiên, nó được vun trồng theo đúng cách và trẻ lớn lên thành người có thói quen mạnh mẽ trong việc chế ngự phàm ngã so với Chân ngã. Ở phương tây người ta cho rằng nguyên tắc hành xử trong đời là làm theo điều họ ưa hay không ưa thích về người khác, ngay cả khi họ không đặt nó làm luật trong đời mình và  tìm cách áp đặt nó lên người khác.
Hãy để những ai than phiền rằng họ học được ít điều trong hội TTH  nhớ nằm lòng một câu trong bài của tạp chí The Path tháng 2 - 1888 :
- Chìa khóa của mỗi cấp là chính người chí nguyện.
Không phải là lòng sợ trời là khởi đầu cho Minh Triết, mà sự hiểu biết về cái Ngã tự nó là Minh Triết. Thế thì với ai học Huyền bí học và bắt đầu ý thức vài chân lý nói trên, câu đáp vấn linh của đền Delph thật vĩ đại và chân thực biết bao cho tất cả ai đi tìm Minh Triết Bí Truyền, những chữ mà nhà hiền triết Socrates nhắc đi nhắc lại, nhấn mạnh lắm lần:
- Con Người, hãy tự biết mình.

 

H.P.Blavatsky

 

(1) Giáo hội Hy Lạp xem liên kết này linh thiêng đến mức hôn nhân giữa cha mẹ đỡ đầu của cùng trẻ bị xem là tội loạn luân tệ nhất, bất hợp pháp và bị luật giải trừ; sự cấm đoán này cũng áp dụng cho con cái của người đỡ đầu này với con cái của người kia.

 

leaf1leaf1egyptgeesleaf1