HUYỀN BÍ HỌC

 

(PST 60)

 

Bà H.P.Blavatsky định nghĩa Huyền bí Học (Huyền linh học) là 'Sự nghiên cứu về Thần trí Thiêng liêng trong Thiên nhiên'. Chúng ta khó tìm một định nghĩa tuyệt hảo hơn. Tất cả sự sống, năng lượng đều ẩn tàng; chỉ có kiến hiệu của chúng là được tỏ lộ. Những mãnh lực từ đó một viên ngọc được kết tinh trong lòng đất, một thực vật phát triển từ cái mầm, một sinh vật lớn lên từ thai chủng và cũng từ đó con người biết cảm giác, suy tư. Tất cả là Huyền linh học, mầu nhiệm đối với mắt của con người. Các khoa học gia nghiên cứu xuyên qua hiện tượng triển khai, tiến hóa mà tự nó hiện ra; trong khi những mãnh lực thúc đẩy đặc tính của sinh hoạt khí, sự vô hình, sự không thể tiếp xúc được và sự huyền nhiệm phát xuất từ tất cả các sinh hoạt thì đều mãi mãi được giữ kín.

Hơn thế, định nghĩa kỳ diệu của Bà Blavatsky đặt Thần trí Thiêng Liêng trong những sự biểu lộ, được gọi chung là 'Thiên nhiên'. Những sự biểu lộ này dệt nên chiếc áo nhờ đó chúng ta thấy rõ Thượng đế. ('Hãy dệt cho Thượng đế chiếc áo, do đó bạn thấy được Ngài.' ) Thần trí Thiêng Liêng biểu lộ qua những hiện tượng thiên nhiên, và bởi những vật hữu hình mà những vật vô hình lại được trông thấy rõ. Khi xưa, Bruno đã nói những vật trong thiên nhiên là thứ ngôn từ Thiêng liêng, là sự biểu lộ của Thượng Đế. Thần trí Thiêng Liêng chứa đựng Thiên Ý, sẽ biến thành những vật hữu hình trong vũ trụ tương lai. Thế giới của Thần trí là 'Thế giới ý niệm được', có trước thế giới hữu hình. Người Do Thái cũng như người Hy Lạp thời xưa đã dạy như thế và kinh nghiệm hằng ngày của chúng ta cũng chứng minh sự hiện thực của giáo lý đó. Trước khi biến tư tưởng thành hành động, ta đã suy tưởng đến hành động. Trước khi sáng tác một bức tranh, nghệ sĩ phải có ý tưởng về họa phẩm trong thần thức mình. Họa sĩ 'nặn óc ra' trước khi vẽ lên khung vải. Thế giới của Thiên Ý, Thế giới ý niệm được, là lãnh vực mà Huyền bí gia tìm tòi , khám phá.

Cũng như khoa học gia truy tìm, mô tả các loài và sự tiến hóa của chúng, Huyền bí gia tìm hiểu thế giới tàng ẩn từ đó những biểu lộ phát sinh; y tìm nắm những ý tưởng đã biến chúng ra thiên hình; y tìm sự phát xuất tiến thân của sự sống và mô tả rõ ràng sự diễn biến của nó. Huyền bí gia là nhà khoa học của vô hình, cũng như khoa học gia thường là nhà khoa học của hữu hình. Huyền bí gia áp dụng phương pháp khoa học, khảo sát, thí nghiệm, kiểm chứng, so sánh và liên tục mở rộng phạm vi hiểu biết.

Huyền bí gia (Occultist) và Huyền học gia hay là Thiền gia (Mystic) khác nhau ở phương pháp lẫn mục tiêu. Huyền bí gia tìm biết Thượng Đế; Thiền gia tìm sự hợp nhất huyền bí với Thượng Đế. Huyền bí gia dùng Thần trí; còn Thiền gia vận dụng Cảm thông lực. Huyền bí gia trực ngắm Ý tưởng nhập thể trong hiện tượng; còn Thiền gia phát triển phần thiêng liêng tìm ẩn trong mình để có thể phát huy nó trong Đấng Thiêng liêng bao trùm vũ trụ. Dĩ nhiên định nghĩa giản dị đó chỉ đúng trong phạm vi trừu tượng. Những ngã tính cụ thể xuyên dẫn trong nhau và Huyền bí gia hoàn hảo chung quy cũng là Thiền gia, Thiền gia hoàn toàn chính là Huyền bí gia. Nhưng trên đường đi đến toàn hảo, Huyền bí gia phải tiến triển đồng thời thần thức cùng các khí thể do thần thức xuyên dẫn; còn Thiền gia nhập vào những chỗ thâm sâu của thần thức mình, không quan tâm đến những khí thể mà y xem thường và bỏ rơi. Hai danh từ thông dụng diễn tả sự khác biệt giữa Huyền bí gia và Thiền gia là Jivan-mukta và Videha-mukta. Huyền bí gia có đạt đến sự 'giải thoát' vốn dĩ là cái tinh thần ẩn tàng trong các khí thể hữu hình; còn Thiền gia có khuynh hướng tiến đến cái 'không ta', cái duy nhất vô hình thể. Huyền bí gia tiến lên từ nấc một, qua từng cấp bậc trong Đại Đoàn Chưởng Giáo. Thiền gia sẽ trở thành Đấng Ứng Thân 'Nirmanakaya' hàm tàng thần lực siêu việt và từ đó ban rải trên những thế giới. Ân phước cũng như thánh thiện là hai cánh tay cần thiết của Đấng Duy Nhất trong công việc tế độ vũ trụ của Ngài.

Khi thấu đáo định nghĩa của Bà Blavatsky, chúng ta sẵn sàng thấy rõ tại sao quan điểm thông thường về Huyền linh học (là sự nghiên cứu suông những điều bí ẩn) phải phát triển thêm. Huyền bí gia cần tìm hiểu Thần trí Thiêng liêng ẩn tàng trong Thiên nhiên. Như vậy, chẳng những Huyền bí gia phải mở rộng thần thức để biến nhập vào Thần trí Thiêng liêng, mà y còn phải siêu hoá các khí thể cùng các giác quan để tiếp xúc với Thiên nhiên trong mọi lãnh vực thuần túy được biểu lộ. Sự tiến triển của các giác quan siêu hóa và sự thông hiểu các hiện tượng tinh vi hay siêu hình đã chói lòa trước mắt những nhà quan sát hiện tượng bên ngoài, khiến họ tưởng Huyền linh học là thần nhãn, thần nhĩ, xuất vía; giống sự lầm tưởng khoa học thực nghiệm với dụng cụ như kính hiển vi, viễn kính và quang phổ. Những giác quan siêu hóa chỉ là những dụng cụ của Huyền bí gia chứ không phải là Huyền bí học. Chúng là dụng cụ dùng để quan sát các vật thể mà mắt thường không thấy được. Các dụng cụ thông thường của khoa học có những khuyết điểm làm sự quan sát không chính xác. Những dụng cụ siêu nhiên cũng có khuyết điểm khiến sự quan sát siêu hình bị sai lạc. Sự quan sát không toàn vẹn vì một dụng cụ có khuyết điểm không làm cho phương pháp khoa học giảm giá trị, dù có thể vì đó ước định khoa học sai đi. Sự quan sát sai lầm do những giác quan thần bí cũng giống như thế; những qui tắc thần bí có tính cách khoa học và đúng đắn, tuy trong một vài trường hợp sự nhận xét của Huyền bí gia không thật chính xác. Vậy làm sao có sự bảo đảm ? Phải làm lại sự quan sát do nhiều người, giống như khoa học thực nghiệm.

Chúng ta hãy xét lại vấn đề nầy tỉ mỉ hơn. Một khoa học gia quan sát xuyên qua kính hiển vi. Ông thấy một hình ảnh mà ông vẽ lại. Sau đó, ông tăng cường độ kính hiển vi và quan sát trở lại vật đó; một hình ảnh mới phát sinh. Khi so sánh hai hình ảnh, nhà khoa học thấy trong vật thể có những phần tử riêng rẻ trước kia, nay lại thêm những sợi chỉ mành nối liền chúng lại. Những sợi chỉ mành không hiện ra khi sử dụng kính hiển vi dưới cấp độ nhỏ. Sự quan sát đầu của nhà khoa học đúng, nhưng kém khuyết. Một kết quả của sự nhận xét trên là mỗi khoa học gia khi vẽ lại một hình ảnh thấy trong kính hiển vi thì đều ghi cấp độ của kính. Nếu một người quan sát thiếu kinh nghiệm đem kết quả của mình so sánh với những gì được ghi lại trong sách của các nhà chuyên môn và nếu thấy sự khác nhau giữa hai kết quả thì y nên điều chỉnh lại hệ thống kính, gia công quan sát lại với một vật thể giống như vậy nhưng không có bụi bặm, tức là đề phòng sự hiện diện không mong cầu của những vật thể khác trong cuộc thí nghiệm. Phương pháp này được áp dụng cho sinh viên Huyền bí học. Sinh viên sử dụng nhãn quan vượt mức bình thường. Y quan sát vật thể ở chất dĩ thái, ghi kết quả sự quan sát. Vài năm sau, với quan năng cao hơn, y quan sát lại vật trước sẽ thấy hai kết quả khác nhau. Tôi xin kể một trường hợp chính xác. Năm 1895 ông Leadbeater và tôi đồng quan sát một nguyên tử phân hóa thành những vật thể thô sơ nhất bằng chất thanh khí. Đến năm 1908 , quan sát lại với một mức tiến hóa cao hơn do sự học hỏi trong những năm vừa qua, chúng tôi nhận thấy một nguyên tử vật thể sau khi bị phân hóa lần đầu tiên còn tiếp tục vi phân nhiều lần nữa rồi sau cùng mới hiện ra dưới hình thể thô làm bằng chất thanh khí. Sự đối chiếu giữa kinh nghiệm trên với việc sử dụng kính hiển vi ở cấp độ nhỏ hay lớn thật thích ứng.

Đây là một thí dụ khác. Một người thiếu kinh nghiệm đã trông thấy vài hình ảnh trung giới. Nếu khôn ngoan – nhưng thường thì không được như vậy – người đó sẽ đem so sánh hình ảnh trên với những kết quả của bậc đàn anh, hay với những điều đã ghi chép bởi những vị có thần nhãn cao. Nếu dại dột, người đó tuyên bố kết quả của mình như một khám phá mới. Nếu chín chắn, người đó cẩn thận quan sát lại nhiều lượt và sẽ tìm thấy điều lầm lẫn.

Có thể nói người đời kính trọng những khoa học gia, chấp nhận những điều họ quan sát. Nhưng họ lại khinh thường những điều quan sát của những Huyền bí gia.Tất cả khám phá mới mẻ đều bị công chúng chế nhạo trước khi họ có đủ sức để nhận ra giá trị. Phải chăng xưa kia Bruno bị thiêu và Galileo bị tù chỉ vì công bố địa cầu xoay quanh mặt trời ? Phải chăng Galvani bị gọi là 'thầy dạy cóc giựt gân' vì ông khám phá một từ điện vô hình mà hiện nay được mang tên ông ? Thật ra, sự nhạo báng của những người thiếu hiểu biết không ảnh hưởng đến sự vững chãi của các Huyền bí gia đang soi thấu tấm màn mà Thiên nhiên che phủ những bí ẩn của mình.

Về phương pháp quan sát thực tiễn trong thiên nhiên xuyên qua những dụng cụ mỗi ngày thêm tân tiến – theo đường lối cơ khí cũng như đường lối thần bí – thật ra không có gì khác nhau cả. Kiến thức mỗi lúc một mở rộng nhờ sự quan sát nhiều lượt, bổ túc vào những khám phá trước cùng trong một lãnh vực nghiên cứu.

Sự tiến triển của thần thức trong công việc quan sát bằng giác quan lại là một vấn đề khác. Thần thức đảm nhiệm vai trò quan trọng trong phạm vi thần bí hơn khoa học thực nghiệm, vì thần thức phải được mở rộng đồng thời với sự phát triển của giác quan, nếu không, giác quan hay thần thức chỉ là những phương tiện vô ích trong tay người thiếu khả năng. Tuy nhiên, mục tiêu của khoa học thực nghiệm và khoa học siêu nhiên vẫn giống nhau; đó là việc mở rộng phạm vi kiến thức.

Sự mở rộng kiến thức đáng chuộng hay không ? Nếu kiến thức phụng sự đời thì đáng; bằng nếu nó làm cho con người thêm đau khổ thì không. Áp dụng khoa học thực nghiệm để tiêu diệt loài người là điều vô cùng ác độc, nhưng không vì đó ta lại ngăn chận sự tiến triển của hóa học. Huyền bí gia nào biết phương pháp giải phóng mãnh lực tiềm tàng trong nguyên tử, không nên để lọt vào tay của các cường quốc đang cạnh tranh nhau trong việc tiêu diệt nhân loại. Huyền bí gia quả biết rõ hóa học đang tiến đến sự tàn phá, tuy nhiên, hóa học cần không gặp chướng ngại trong bước tiến.

Các Huyền bí gia trở nên hữu dụng hay nguy hại tùy mục đích của họ. Nếu Huyền bí gia tận tụy phụng sự trong các cõi, sự tiến hóa mau của họ sẽ lợi ích; trái lại khi Huyền bí gia chỉ tìm những quyền lực để tăng trưởng bản thân thì họ sẽ trở thành hiểm họa. Sự phát triển thần thức phải hoàn toàn hướng thiện; vì càng phát triển, nhãn tuyến của Huyền bí gia càng đi sâu vào sự hợp nhất với Thiên Ý đang diễn tiến, và tại một vị trí nào của sự mở rộng đó, Huyền bí gia tự nhiên thấu rõ sự đòi hỏi của Đại Ngã. Tuy Huyền bí gia sống trong kỷ luật chặt chẽ, nghiêm chỉnh đối với phàm ngã, nhưng trong giai đoạn đầu ở cõi tình cảm hay cõi tư tưởng, sự ích kỷ và kiêu ngạo của Huyền bí gia vẫn còn có thể là mối hiểm nguy cho đồng loại. Giới luật đối với giác quan và sự kiểm soát tư tưởng đều cần thiết ngang nhau, dù hành giả có mục đích ích kỷ hay vị tha. Huyền bí gia phải có một đời sống tiết độ nghiêm nhặt trong mọi việc và y cũng phải làm chủ tư tưởng. Nhưng, nếu tham vọng chi phối lòng người, nếu Huyền bí gia tìm cách thâu vào thay vì cho ra, khi đó mỗi quyền năng có thêm càng gây khổ cho đời; như vậy, Huyền bí gia dấn thân vào hàng ngũ đối nghịch. Huyền bí gia hoặc phải tiến đến Phật, Chúa, hoặc nhập bọn với ma vương, quỉ sứ. Đối với Huyền bí gia, không có quán trọ nửa đường. Nơi cánh đồng xanh, đàn gia súc sống an lành hơn là trên triền núi cao cằn cỗi, đầy hốc đá, vực thẳm với sa mù bao vây và tuyết băng hiểm nghèo.

Không có ai đặt chân trên con đường gập ghềnh lại tìm cách khuyên người khác dấn thân vào đó. Nhưng có những người bị một mãnh lực huyền bí thúc đẩy từ bên trong, có những người không thể trầm mình trong nước đọng ao tù, nên tìm cách trèo lên đỉnh núi cao. Đối với họ đó là con đường mở ra trước mắt và họ không còn tiến lộ nào khác. Tuy nhiên, họ không nên đem cuộc đời chưa tinh luyện của mình làm gia tăng chướng ngại trên con đường Huyền linh học. Hãy để họ chuẩn bị lên đường cách dũng cảm. Hãy để họ mặc áo giáp trong trắng, đội nón sắt vị tha và hãy để họ, nhân danh Đấng Cứu Thế, tiến lên. Dù chân rướm máu vì đá nhọn, hãy để họ ngước nhìn NGÔI SAO hằng chói rạng.

 

Annie Besant

Adyar, 1919